Skip directly to content

Kì 3: Chánh Tín – Mê Tín (13- 16)

13. BA HỒN BẢY VÍA, BA HỒN CHÍN VÍA

            Hỏi: Kính thưa Thầy, người chết mới tắt thở, có tục lệ, nếu đàn ông thì cho bảy hạt gạo nếp cộng bảy hạt muối trắng vào miệng, đàn bà thì chín. Làm như vậy có đúng không thưa Thầy? Xin Thầy dạy cho chúng con được rõ. Người nào tín đồ Phật giáo thì cho một quyển kinh Kỳ Cầu nhỏ bằng bao thuốc lá để vào túi áo cho người chết mang đi, để quỷ sứ biết là đệ tử của Phật, không tra khảo buộc tội.

            Người nào được làm lễ quy y Tam Bảo thì được phát cho hai tờ điệp. Khi chết, một tờ đem thiêu đốt cháy thành tro than đem đi bỏ xuống giếng hoặc mang ra sông bỏ, một tờ xếp nhỏ để vào lòng bàn tay người chết mang đi. Làm như vậy có đúng không thưa Thầy?

            Đáp: Sau khi đọc lại những sách nói về phong tục dân gian trong ba miền Nam, Trung, Bắc ta thấy, dù lý luận kiểu nào, các tập tục đó cũng chỉ là mê tín mà thôi. Đối với đạo Phật, thân tứ đại này khi rã tan thì đất, nước, gió, lửa phải trả về đất, nước, gió, lửa, có còn gì đâu mà phải bỏ gạo muối vào miệng để đem theo ăn uống như người còn sống. Thường tục lệ dân gian người ta cúng cô hồn, tức là những vong hồn người chết oan ức, chết tức tối, không đi đầu thai được, họ cúng bằng gạo và muối. Do đó suy ra chúng ta cũng nhận ra được người nam chết cho bảy hạt gạo và bảy hạt muối vào miệng, để nhờ đó mà linh hồn và phách vía không còn đói khát trong lúc chưa đi đầu thai.

            Từ chỗ tưởng tri, người ta suy tưởng thế giới siêu hình và cho rằng người chết là chết thân tứ đại, còn riêng linh hồn thì bất tử, bất biến, không thay đổi và không bao giờ chết. Bảy hạt gạo và bảy hạt muối hay chín hạt gạo và chín hạt muối, đó là sự tưởng tri của tình cảm con người đối với người thân đã chết. Họ nghĩ rang số gạo và muối như vậy đủ dùng trong thời gian tiếp tục đi tái sanh mà không bị đói.

            Người ta không hiểu rằng khi một người chết, bỏ cái xác thân cằn cỗi này thì tiếp tục ngay với cái xác thân mới trong bào thai, giống như ngọn đuốc này vừa tắt thì được mồi sang ngọn đuốc khác, cây đuốc cũ đã thành cát bụi không còn một vật gì lưu lại. Vì không còn một vật gì lưu lại nên chẳng có đi đâu và chẳng có thời gian chờ đợi xuống địa ngục hay lên Thiên đàng hoặc đi tái sanh.

            Cây đuốc cũ và cây đuốc mới thì có khác nhau, nó có vô số hình tướng khác nhau nhưng lửa thì như nhau, dù lửa than và lửa ngọn, hoặc ngọn lửa lớn hoặc nhỏ, tánh lửa vẫn là một (tánh nóng, ấm) chứ không hai ba được. Cây đuốc dụ cho thân nghiệp của con người, nó có nhiều hình thức khác nhau, như làm thân người, đàn ông, đàn bà, hoặc làm thân trâu, bò, heo, dê, cọp, chó, gà, vịt, mèo, chuột, cá, tôm, chim, côn trùng, sâu bọ, rắn rít, ong bướm, v.v...

            Tất cả đều là thân tứ đại, nhưng hình dáng không giống nhau, dù rất nhỏ như vi trùng cũng là thân tứ đại mà có, lớn như chim đại bàng bay che mát nửa bầu trời thì cũng là thân tứ đại. Lửa dụ cho nghiệp của chúng sanh, nghiệp thì di chuyển linh động trong thiện và ác liên tục không có kẽ hở. Vậy nghiệp luôn luôn vận hành không gián đoạn phút giây nào cả.

            Thân thì có tiếp nối thân này thân khác (thân người, thân chúng sanh), còn nghiệp thì liên tục dù thay đổi bao nhiêu thân thì nghiệp liên tục mượn thân này, thân nọ mà hoạt động thành nhân quả thiện ác. Nghiệp thiện ác nối tiếp từ thân này thân khác và cứ mãi hoạt động như vậy nên Đức Phật gọi là tái sanh luân hồi mãi mãi.

            Tín ngưỡng mê tín cho rằng con người có hồn và vía, đàn ông có ba hồn bảy vía, đàn bà có ba hồn chín vía. Người ta tưởng tri khi một người chết ba hồn đi xuống địa ngục bị hành tội, khi mãn tội thì đi đầu thai; còn bảy vía đàn ông, và chín vía đàn bà thì ở lại dương gian vất vơ, vất vưởng đói khát. Cho nên khi chết, người ta cho vào miệng hoặc bảy hạt nếp hoặc chín hạt nếp để bảy vía hoặc chín vía đó có mà sống không bị đói khát, hoặc lấy trong miệng mà tiêu phí.

            Đó là sự mê tín nhưng cũng nói lên được tình thân thương của người sống đối với người đã chết. Nhưng vì sự mê tín lạc hậu đó mới có những kẻ trộm hay quật mồ, cạy quan tài lấy vàng bạc, của báu đã được chôn theo người chết. Một việc làm mê tín lạc hậu cũng đã đưa đến nhiều điều tai hại, nhất là khi quật mồ người chết, mùi hôi thối của tử thi bay ra làm ô nhiễm một vùng.

            Người chết là hết, không còn ăn uống và tiêu xài vàng bạc tiền của như lúc còn sống. Người chết chỉ còn nghiệp tiếp tục tái sanh luân hồi, tức là hành động thiện ác nối tiếp sự sống. Người chết là đang tiếp tục sống và người sống đang tiếp tục đi dần đến sự chết. Nếu hiểu được như vậy thì chúng ta không còn mê tín lạc hậu, không còn làm hao tài tốn của một cách vô lý. Chết là hết một kiếp thân nhân quả, còn có gì đâu mà xài tiền bạc và mặc quần áo?

            Vì mê tín người ta tưởng rằng người chết cũng như người đang sống ở trên dương gian (dương gian âm phủ đồng nhất lý). Hiểu như vậy là cái hiểu của tưởng tri (hiểu bằng tưởng) không đúng, không thực tế, là hiểu mơ hồ trừu tượng. Cái hiểu đó đã khiến cho người ta hao tốn tiền của rất nhiều bằng cách mua giấy tiền vàng mã, rồi đem đốt. Thật là lãng phí, nhảm nhí, chẳng có linh hồn nào sử dụng quần áo giấy và tiền bạc giả đó, nó chẳng ích lợi cho người sống cũng như người chết.

            Tóm lại, mê tín là sự ngu si dại dột của những con người còn lạc hậu trong những thời kì bộ lạc xa xưa, khi loài người còn ăn lông ở lỗ.

 

14. TUẦN THẤT

            Hỏi: Kính thưa Thầy, trong nhà có người chết, trong chùa quý thầy dạy làm tuần thất, cho đến bảy thất, tức là bốn mươi chín ngày, thường tụng kinh Địa Tạng Vương. Vậy thưa Thầy, có lợi ích gì cho người chết và những người còn sống trong gia đình không thưa Thầy?

            Đáp: Xưa Đức Phật đã không chấp nhận thế giới siêu hình thì làm gì có linh hồn người chết mà cầu siêu, làm tuần thất, tụng kinh Địa Tạng. Kinh Địa Tạng Vương là một loại kinh mê tín của giáo pháp Bà La Môn, do các Tổ biên soạn ra dựa theo sự mê tín của những người dân còn lạc hậu tin rằng người chết có linh hồn, nên kinh này đặt ra Bồ Tát Địa Tạng xuống địa ngục giải cứu những linh hồn tội lỗi. Họ bảo rằng, nếu ai tụng kinh này và cúng bái, tế lễ, sẽ được ngài Bồ Tát Địa Tạng cứu khổ, thoát khỏi vòng lao lý ở địa ngục. Khi người mới chết, linh hồn được quỷ sứ bắt về hành tội, do lúc ông bà ở trên dương thế làm điều ác đức nên chết xuống địa ngục bị hành xử đủ mọi cực hình.

            Nếu khi trong nhà có người chết phải đến nhờ quý thầy trong các chùa đến tụng kinh cầu siêu. (thường là đem kinh Địa Tạng Vương ra tụng) để cầu ngài Địa Tạng cứu hộ thoát cảnh địa ngục. Mỗi thất đều có cúng dâng lên hương hoa trà quả cùng những thực phẩm bánh trái cơm canh, cúng chư Phật và cầu ngài Địa Tạng xuống địa ngục giải cứu. Suốt trong bốn mươi chín ngày được cúng bái như vậy thì vong linh người chết sẽ khỏi tội, được đi tái sanh.

            Cúng bái, tụng niệm như vậy tức là kinh sách phát triển dạy làm một điều phi đạo đức. Có chắc làm tuần và tụng kinh Địa Tạng trong 49 ngày mà tiêu tội được ư? Điều này lấy gì làm bằng chứng? Đây là một kiểu cách ăn lo hối lộ. Có đúng như vậy không quý vị?

            Trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện dạy: “Như có người nào sắp mạng chung, hàng thân quyến trong nhà nếu có một người vì người bệnh sắp chết đó mà niệm lớn tiếng danh hiệu của một Đức Phật, thời người chết đó, trừ được năm tội lớn vô gián, các nghiệp báo khác đều tiêu sạch.” (kinh Địa Tạng, trang 133). Lời trong kinh này là một lời dạy phi đạo đức, lừa đảo những người không hiểu, mê tín, lạc hậu.

            Luật nhân quả là một đạo luật công bằng và công lý, làm sao lại có Bồ Tát hoặc Đức Phật nào dám giải cứu cho kẻ làm ác? Kẻ làm điều cực ác nên mới đọa vào địa ngục vô gián, thế mà chỉ cần có một người niệm giúp thì cũng thoát ra khỏi địa ngục vô gián thì đó có phải là lời lừa đảo người khác không? Thảo nào có nhiều người đem công đức tụng kinh này hoặc làm đàn tràng thỉnh mời các sư về tụng niệm để cầu cho người thân thương của mình thoát cảnh địa ngục và tất cả các nghiệp báo khác đều tiêu sạch.

            Kinh sách phát triển dối gạt người bằng nhiều hình thức mê tín khiến cho con người hao tài tốn của rất nhiều, về vấn đề cúng bái, tụng niệm, cầu an, cầu siêu mà chẳng có ích lợi gì thiết thực cho người còn sống và người chết, (tiền mất tật mang). Đây là một đoạn kinh lừa đảo dối gạt làm hao tốn tiền của con người rất nhiều:

            “Có thể vẽ, cho đến dùng vàng bạc, đồng sắt đúc nắn hình tượng Địa Tạng Bồ Tát đốt hương cúng dường, chiêm lễ ngợi khen thì chỗ người đó ở có mười điều lợi ích. Những gì là mười?

            Một là đất cát tốt mầu.

            Hai là nhà cửa an ổn mãi mãi.

            Ba là người chết được sanh lên cõi trời.

            Bốn là những người còn sống hưởng sự lợi ích.

            Năm là cầu chi cũng được toại ý cả.

            Sáu là không có tai họa về nước và lửa.

            Bảy là trừ sạch việc hư hao.

            Tám là dứt hẳn các ác mộng.

            Chín là khi ra lúc vào có thần hộ vệ.

            Mười là thường gặp bậc thánh nhân.”

                                        Kinh Địa Tạng, trang 155.

            Trên đây là những lời nói xảo trá, dối người. Làm gì có chuyện vẽ hình, đúc tượng Bồ Tát Địa Tạng, thờ cúng mà đất ở đó lại tốt mầu. Đất xấu là đất xấu, chỉ có bón phân, đổ rác mục thì đất mới có mầu mỡ trở lại. Còn đất tốt là đất tốt, đất phù sa nên mới tốt chứ đâu phải thờ hình tượng Bồ Tát Địa Tạng mà tốt được. Thật là kinh sách gạt người, chỉ có người không hiểu mới tin kinh Địa Tạng mà thôi.

            Từ cuốn kinh Địa Tạng chúng ta suy ra tất cả những cuốn kinh khác của kinh sách phát triển cũng đều là loại kinh xảo trá lừa đảo gây mê tín cho mọi người. Đây là một đoạn kinh nói láo nhất, chúng tôi xin trích ra để quý vị nghiên cứu: “Chiêm lễ hình tượng của Địa Tạng Bồ Tát và đọc tụng kinh bổn nguyện này tự nhiên được rốt ráo xa lìa biển khổ, chứng đạo Niết Bàn an vui, vì thế nên được ủng hộ một cách lớn lao như thế.” (Trang 154, kinh Địa Tạng).

            Muốn lìa biển khổ của cuộc đời để chứng đạo Niết Bàn đâu phải là một việc dễ làm. Biết bao nhiêu người tu hành bỏ cả công sức vô cùng, vô tận mà chưa chắc đã đạt được. Xưa Đức Phật Thích Ca sáu năm khổ hạnh gần như muốn chết, sau đó nhờ 49 ngày tu tập Tứ Niệm Xứ miên mật, tâm không phóng dật mới chứng được Niết Bàn.

            Vậy mà trong kinh này dạy: “Chỉ cần chiêm lễ và tụng niệm kinh bổn nguyện thì tự nhiên giải thoát biển khổ thế gian chứng đạo Niết Bàn.” Thật là kinh đại vọng ngữ. Nếu được như trong kinh này dạy thì Bồ Tát Địa Tạng Vương là hiện thân cho sự phi công bằng và công lý, là hiện thân của Ma vương, ác quỷ, của ác pháp.

            Tóm lại, Phật giáo chủ trương không có linh hồn, nên làm tuần thất là mê tín. Kinh Địa Tạng là kinh Bà La Môn ngoại đạo dạy những điều phi đạo đức và lừa đảo.

            Nhìn vào cuốn kinh có hình Địa Tạng Vương cưỡi con sư tử lông xanh, hình ảnh một vị Phật mà cưỡi một con thú, hình ảnh ấy phản lại đạo đức từ bi, bình đẳng của đạo Phật. Một vị tu sĩ mà bắt con vật chở mình đi thì còn nghĩa lý gì là tu sĩ đạo Phật. Hình ảnh đó là bắt loài thú làm nô lệ, đó là hình ảnh giai cấp vua chúa.

            Không có linh hồn thì cầu siêu cho ai, cầu như vậy có ích lợi gì? Xin quý phật tử cứ đọc kinh sách của Phật giáo Nguyên Thủy rồi suy ngẫm, đừng để mắc lừa kinh sách phát triển, những tà sư ngoại đạo hiện giờ nhiều lắm.

 

15. XÓC THẺ

            Hỏi: Kính thưa Thầy! Đầu năm, nhất là trong những ngày Tết Nguyên Đán, chùa nào cũng có làm một bàn thờ phục vụ cho những người đến xóc thẻ. Trong một mâm đầy những tờ giấy đã được in và giải thích trong thẻ quẻ đó sẵn, theo số thứ tự ai xóc được thẻ số mấy thì đến nhận tờ giải số đó. Ai xóc được thẻ nói tốt thì vui mừng phấn khởi, còn ai được thẻ nói xấu thì buồn phiền lo âu. Kính thưa Thầy, như vậy trong tờ xem số mệnh có lợi ích gì mà đầu năm người nào cũng xóc thẻ nhất là phụ nữ chúng con. Mong Thầy vì lợi ích giải thích cho chúng con được hiểu?

            Đáp: Thường thường theo các chùa cổ ở miền Nam thì có hai nơi xóc thẻ. Một bên xóc thẻ gọi là xóc thẻ xăm Ông và một bên khác gọi là xóc thẻ xăm Bà.

            Ông ở đây thường chỉ cho một danh tướng người Trung Hoa, đó là Quan Thánh Đế Quân tức Quan Công hay còn gọi là Quan Vân Trường (một danh tướng thời Tam quốc bên Trung Quốc), người Việt Nam như Lê Văn Duyệt, Thủ Khoa Huân, Trần Hưng Đạo v.v...  (những danh tướng Việt Nam).

            Các Bà thường là những người Việt, Hoa, Chiêm Thành như: Bà Đen (Việt Nam) hay Lê Sơn Thánh Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu, Quan Âm (Trung Hoa), Bà Chúa Xứ, Chúa Tiên, Chúa Ngọc, (Chiêm Thành), Bà Mẹ Sanh, Mẹ Độ, Bà Chúa Kho (Việt Nam) v.v... Thường những nơi bàn thờ của các vị đó đều có ống xóc thẻ. Hằng năm đồng bào mê tín đến cúng bái nhang đèn hoa quả, gà, vịt, heo quay, v.v... với một số tiền rất lớn. Chùa Phật Quang ở Bến Tre thu lợi rất lớn là nhờ thờ Quan Thánh Đế Quân. Chúng Tăng ở đó không có lo gì cả, ăn ở không chỉ cần giữ mấy ống xóc thẻ là dư sống.

            Xóc thẻ là một hình thức bói toán qua tư tưởng mê tín, lạc hậu. Người ta cho rằng con người có số mệnh. Ai có số giàu là giàu, số nghèo là nghèo; số nghèo thì không làm sao làm giàu nổi. Do tin tưởng vào số mệnh nên có một số người tiêu cực, sanh ra lười biếng bê tha rượu chè bài bạc, cho số mình là vậy.

            Cũng từ thuyết định mệnh đã khiến cho một số người tiêu cực không làm việc, mà đã không làm việc thì nghèo lại càng nghèo hơn. Vì không làm việc nên thì giờ rảnh rỗi nhiều sanh ra bài bạc, đĩ thõa, điếm đàng, trộm cướp khiến cho gia đình tan nát, xã hội rối ren, mất trật tự an ninh.

            Bởi thuyết định mệnh ra đời cũng là một tai hại rất lớn cho loài người. Từ thuyết định mệnh mới sanh ra bói toán, chiêm tinh dịch số âm dương, xin xăm, xóc thẻ, xem ngày tốt xấu, v.v... tạo biết bao nhiêu sự mê tín, dị đoan khiến cho mọi người tốn hao tiền bạc rất nhiều.

            Nếu xóc thẻ tốt, chúng ta đi ăn trộm ăn cắp của người khác thì thử hỏi có bị ở tù không? Một việc làm ác là tự mình làm khổ cho mình chứ thẻ nào nói là tốt?

            Luật nhân quả vốn công bằng và công lý, ai làm ác thì phải thọ khổ, ai làm thiện thì được hưởng phước, không thể ở chỗ tốt xấu của thẻ mà được. Nếu thẻ bảo xấu mà chúng ta sống không làm khổ mình, khổ người thì làm sao có xấu được. Người ta chửi mình mà mình không giận hờn, không chửi mắng lại họ thì có xấu đâu.

            Trong các chùa quý thầy đều biết xóc thẻ đó là mê tín, nhưng quý thầy cứ duy trì, vì duy trì có lợi rất lớn. Nếu một ngôi chùa duy trì sự xóc thẻ xin xăm thì hằng năm kiếm cũng được năm, mười triệu đồng dễ dàng, nhất là những ngôi chùa ở nơi thắng cảnh hằng năm phật tử trẩy hội ba tháng mùa Xuân, nhà chùa kiếm hằng bao nhiêu tỉ bạc như Chùa Hương, Yên Tử. Sự mê tín rất tai hại cho đồng bào và làm hao tốn tiền bạc của dân, của nước rất nhiều mà không có ích lợi gì.

 

16. TƯỢNG PHẬT QUÁ NHIỀU

            Hỏi: Kính thưa Thầy, chùa nào cũng có rất nhiều tượng Phật, phía trước là thờ Tam Thế chư Phật, Di Đà, Quan Âm, Thế Chí, kế Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, cho đến Đức Phật Thích Ca đản sanh, hai bên là ông thiện và ông ác. Đối diện trước chánh điện là tượng hộ pháp, phía trước chánh điện là bàn thờ Tiêu Diện Đại Sĩ, cô hồn, các đảng và bộ xương đầu ông cọp. Bên tả chùa thờ Quan Thánh Đế Quân, năm vị vua Diêm Vương, Quan Âm Thị Kính, bên hữu thờ Bà Lê Sơn Thánh Mẫu, hay Bà Chúa Tiên, Chúa Xứ, kế đó là năm vị Vua Diêm Vương, tức là Thập Điện Diêm Vương, Phật Mẫu Chuẩn Đề 18 tay. Thường bàn thờ Quan Thánh Đế Quân nhân dân thường mang gà luộc hoặc thịt heo quay vào cúng.

            Thờ cúng như vậy có đúng không thưa Thầy? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.  

            Đáp: Một ngôi chùa đúng đắn của Phật giáo thì chỉ có thờ một Đức Phật duy nhất. Đó là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, vì Ngài là người đứng đầu Phật giáo, còn tất cả những vị Phật khác đang được thờ cúng trong chùa là do các Tổ tưởng tượng ra truyền bá đạo Phật. Nói cho đúng hơn, trên đường truyền bá các Tổ đã bị ảnh hưởng của ngoại đạo và đã lượm những đức Phật thần thánh này của dân gian lôi lên bàn thờ để làm vui lòng những người dân địa phương, nhờ thế mà họ mới cúng dường.

            Các Tổ truyền đạo vì danh, vì lợi nên các Ngài tiếp nhận tất cả mọi sự mê tín dân gian và các tôn giáo khác. Thế là Phật giáo chân chánh trở thành Phật giáo hỗn tạp đa thần, đa pháp môn, bỏ mất nguồn gốc Phật giáo chân chánh. Còn Phật giáo chân chánh thì xả bỏ danh và lợi và bỏ tất cả, chỉ còn ba y một bát, đời sống xin ăn, bữa đói bữa no thật là vất vả.

            Các Tổ theo Phật giáo chân chánh không chịu nổi, cho nên các Ngài bẻ vụn giới để mà sống, phạm giới để hòa hợp với dân gian, với mọi sự mê tín, cúng bái, tế lễ, cầu siêu, cầu an v.v... (giết chúng sanh tế lễ) và các tôn giáo khác để dễ bề lừa đảo mọi người và lường gạt tín đồ.

            Cho nên sau khi Đức Phật tịch, những người đệ tử tu chứng thì vào núi rừng ẩn bóng rồi tịch mất, còn lại những đệ tử tu hành chưa chứng thì tâm danh lợi tham đắm còn nhiều nên phân làm nhiều bộ phái như chúng tôi đã nói ở trên. Chiếm lãnh một giáo đoàn rồi tự do phát triển mọi thủ thuật điêu ngoa, xảo trá, lừa đảo bằng lối lý luận theo kiểu sáu mươi hai luận chấp của ngoại đạo để tạo danh, tạo lợi. Từ đó kinh sách phát triển viết ra rất nhiều cuốn sách, cuốn sách nào cũng lý luận trên mây xanh mà tu hành chẳng ra gì; chỉ có xây dựng chùa to, Phật lớn, những ngôi tháp vĩ đại.

            Tu sĩ ăn uống, ngủ nghỉ sống như một ông quan to, đi ra thì có tiền hô, hậu ủng xe cộ rầm rộ. Tu sĩ hiện giờ thì giàu có hàng tỉ bạc, trong lúc dân chúng tín đồ quá nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc; dành dụm đồng nào thì đem cúng chùa để được phước, để được siêu thoát, chỉ nuôi hi vọng như vậy mà bị kẻ khác lừa đảo một cách rất đáng thương.

            “Cúng dường xây chùa, đúc chuông, tạc tượng Phật, xây tháp và cúng dường chư Tăng sẽ được phước báo vô lượng.” Nhờ lời phỉnh gạt này mà chùa nào chùa nấy đều xây dựng hàng tỉ bạc, biến cảnh tu hành thành nơi thắng cảnh du ngoạn của mọi người. Trong chùa thờ Phật càng nhiều thì thu lợi càng to, mỗi tượng Phật cúng một đồng, mười tượng cúng mười đồng, một trăm tượng cúng một trăm đồng. Vì tư lợi như vậy nên chùa nào cũng thờ Phật rất nhiều, đó là hình thức làm tiền.

            Người dân mê tín cứ nghĩ rằng mình cúng và lạy nhiều tượng Phật là nhờ nhiều ông Phật phò hộ thì tai qua nạn khỏi dễ dàng hơn, cho nên thấy tượng nào cũng thắp hương, lễ bái. Còn cúng và lạy có một ông thì được sự phù hộ ít và có thể tai nạn đến. Lợi dụng sự mê tín mà các chùa để thật nhiều hình tượng, nhất là chùa có ống thẻ xin xăm xóc quẻ, cúng sao, giải hạn thì phật tử lại cúng càng nhiều.

            Nói một cách khác, chùa thờ nhiều tượng Phật là có mục đích tạo sự mê tín để lừa đảo, lường gạt tín đồ cúng bái nhiều. Nhưng chính sự thờ phượng này quý thầy trong các chùa cũng không hiểu đó là sự mê tín, sự lừa đảo mà chỉ biết xưa thầy Tổ bày, nay quý thầy chỉ biết làm theo “Tổ Tổ tương truyền,” chứ quý thầy không ý thức rằng việc làm của mình là mê tín, là lừa đảo tín đồ.

            Các thầy cũng tin tưởng mê tín như các phật tử khác; tin rằng có chư Phật, Bồ Tát gia hộ; tin rằng có linh hồn, có Phật tánh, có thế giới siêu hình, có thần Thánh Tiên Phật, chư Bồ Tát, ma, quỷ; tin rằng có cõi địa ngục, Thiên đàng, Cực lạc, Niết Bàn và các cõi Phật, có mười phương chư Phật, có chư Bồ Tát vô lượng vô biên, v.v...

            Tất cả mọi người không riêng gì tín đồ Phật giáo đang sống trong tưởng thức, còn quý thầy là những người tu sĩ phải giữ gìn giới luật nhưng lại không giữ gìn giới luật, vì thế nên sống trong tưởng thức như những người khác. Cho nên hiện giờ họ chẳng biết giới luật là gì. Cứ dựa theo lời dạy của các Tổ rồi quý thầy truyền dạy lại sự mê tín cho nhau, cho tín đồ. Vì thế, quý thầy không bị tội lừa đảo, lường gạt người khác, vì thầy Tổ dạy sao thì cứ dạy lại cho người khác như vậy không dám thêm bớt một lời nào.

            Thật đáng thương một người mù dẫn đám người mù cùng đi, rồi mỗi người mù trong đám người mù đó lại dẫn đám người mù khác cùng đi, cứ như thế mà nhân lên mãi từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác đều đi sai đường lạc nẻo. Cuối cùng không có một người nào sáng mắt, toàn là mù, vì mù nên phải xóc thẻ làm thầy mù.