Chánh Tín - Mê Tín. Kì 13 (50-53)
50. THẾ GIỚI SIÊU HÌNH KHÔNG CÓ, CHỈ CÓ THẾ GIỚI TƯỞNG
Hỏi: Kính thưa Thầy, Thầy xác định là không có cõi siêu hình nhưng có nhiều kinh nói đến các cõi Trời, và người ta làm được gì đều bảo là nhờ chư Thiên hoặc Tam Bảo gia hộ. Vậy có cõi mà họ không có sắc thân chăng?
Thưa Thầy! Nếu có thì họ có phải ở vào cõi siêu hình không Thầy? Trong băng Thầy có nói mấy ông ở cõi Trời, nhìn xuống thế gian thấy khoa học hiện đại tạo đời sống tiện nghi hơn nhiều nên họ cũng khoái xuống trần gian. Xin Thầy giải thích cho con hiểu rõ thêm?
Đáp: Kinh Thập Nhị Nhân Duyên và kinh Pháp Môn Căn Bản đã xác định không có các cõi siêu hình (linh hồn), ba mươi ba cõi Trời toàn là các cõi tưởng tri chứ không phải là cõi liễu tri, cho nên những kinh khác nói đến cõi Trời hoặc cõi Địa ngục đều chỉ là nói đến cõi Tưởng ấm, cho nên nhiều người không hiểu tưởng là Đức Phật nói có cõi siêu hình thật sự.
Đức Phật không bao giờ tự mâu thuẫn với mình, bài kinh Pháp Môn Căn Bản đã xác định rõ ràng, tất cả cõi Trời mà Đức Phật nói ra đều là cõi tưởng, cõi không có thật. Khi một người còn sống là có cõi hữu hình (hữu sắc) và có cõi siêu hình (vô sắc). Khi một người mất đi thì cõi hữu hình mất và cõi vô hình cũng mất luôn.
Trong kinh điển Phật dạy: Thiện là cõi chư Thiên, ác là cõi Địa ngục, dục là cõi nhân gian. Quý phật tử hãy đọc tập 3 Đường Về Xứ Phật, Thầy đã giải đáp về thế giới siêu hình rất rõ ràng.
Chư Thiên và Tam Bảo không có gia hộ vì gia hộ là trái với luật nhân quả (phi đạo đức), nhưng người ta thường sống theo thói quen nên hễ làm một điều gì thành công thì bảo là chư thiên hay là Tam Bảo gia hộ. Sự thật thì không có ai gia hộ mình cả mà chỉ có công sức của mình và những hành động làm những điều thiện sống đúng trong đạo đức nhân quả, do nhân làm thiện nên quả phải thành công tốt đẹp, nếu nhân làm ác thì quả sớm muộn gì cũng phải gặp thất bại.
Chư thiên cũng chẳng có, cõi siêu hình cũng không có. Thầy nói mấy ông ở cõi Trời nhìn xuống thế gian… là nói mấy ông đi tu mà không dám bỏ dục lạc thế gian. Như Thầy đã dạy ở trên: cõi Trời là cõi thiện, quý thầy đang ở trong chùa tức là ở cõi thiện, cõi thiện tức là cõi Trời.
Cõi Trời cơm ăn áo mặc rất đầy đủ, không làm vẫn có ăn có mặc, thế mà quý thầy còn chạy theo dục lạc thế gian ăn uống phi thời, áo quần sang cả, chùa cao Phật lớn, xe cộ đủ loại, ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa không khí v.v… thế gian có vật gì thì trong chùa có vật nấy, như vậy các vị có phải ở trên cõi Trời mà nhìn xuống thế gian sanh tâm ham thích không?
Có dịp Thầy sẽ giải thích thế giới siêu hình (linh hồn người chết) có hay không để các con không còn nghi ngờ. Bởi vì các hiện tượng siêu hình thường xảy ra chung quanh các con nên làm sao người ta rõ được là không có thế giới siêu hình.
Trong việc tìm hài cốt liệt sĩ, linh hồn người chết về nhập đồng cốt để chỉ cho thân nhân tìm xương cốt, khiến cho người ta phải chấp nhận có linh hồn, mà đã có linh hồn thì phải có thế giới siêu hình, vấn đề này làm các nhà khoa học cũng điên đầu, nhưng đối với những vị tu sĩ Phật giáo đã nhập Tứ Thánh Định vượt qua thế giới tưởng ấm thì họ mới xác định thế giới siêu hình đúng đắn giống như Đức Phật đã dạy:
“Thế giới siêu hình chỉ là một thế giới của tưởng tri* chứ không phải liễu tri.”
Cho nên Đức Phật dạy về thế giới cõi Trời là những người cũng sống trong cõi thế gian như chúng ta nhưng họ sống Thập Thiện, không sống trong Thập Ác.
Đạo Phật tính theo hành động đạo đức nhân quả thiện ác mà phân loại Phật, Trời, Người, A Tu La và tất cả các loài chúng sanh theo tiêu chuẩn như sau:
1- Thế giới của chư Phật thì vô lậu.
2- Thế giới của chư Thiên thì Thập Thiện.
3- Thế giới của loài Người là dục giới và ngũ giới.
4- Thế giới của A Tu La là sân và ác pháp.
5- Thế giới của loài chúng sanh là ác pháp nhiều, thiện pháp ít.
6- Thế giới của Địa ngục là toàn ác pháp.
Trên đây là sáu cõi mà Đức Phật đã chỉ cho chúng ta rất cụ thể như:
1- Người sống vô lậu là Phật.
2- Người sống Thập Thiện là Trời.
3- Người sống giữ gìn ngũ giới là Người.
4- Người sống thường hay giận dữ là A Tu La.
5- Người sống ác nhiều thiện ít là chúng sanh mang lốt người và tất cả loài chúng sanh.
6- Người sống toàn ác là người ở cảnh giới Địa ngục.
Sáu cõi trên đây không có cảnh giới nào là siêu hình cả. Nếu quả thật có cảnh giới siêu hình thì không phải để chúng ta hiểu, vì tri thức hữu hạn của chúng ta không cho phép chúng ta hiểu nó, thế giới đó nếu có thật sự thì chúng ta phải có trí vô hạn.
Sanh ra làm người chúng ta không thể nào có trí vô hạn được, trí của chúng ta hiện giờ đối với không gian thì bị ngăn sông cách núi nên không thấy, không nghe, còn đối với thời gian thì bị chia cắt quá khứ, hiện tại và vị lai, cho nên con người phải phát minh ra những loại máy để sử dụng thâu ngắn không gian và ghi nhớ để hạn chế bớt thời gian chia cắt.
Nếu đạo Phật có cõi Trời thì đạo Phật cũng bắt chước các tôn giáo khác mà thôi, đó là đúc từ khuôn mê muội và quá sợ hãi của loài người thời cổ trước sự hùng vĩ của môi trường sống thiên nhiên.
*(Tưởng tri là sự hiểu biết bằng tưởng thức, không rõ ràng, cụ thể, thiết thực. Nói cách khác cho dễ hiểu có nghĩa là ý thức không thấy, hiểu, biết được nên phải dùng tưởng thức để tưởng tượng. Liễu tri là sự hiểu biết bằng ý thức rất cụ thể, rõ ràng, thiết thực, không mơ hồ, trừu tượng, ảo giác).
51. BỒ TÁT QUAN THẾ ÂM
Hỏi: Kính thưa Thầy, có nhiều kinh nói: “Thế thế thường hành Bồ Tát Đạo” là chỉ cho những vị Bồ Tát phát tâm nhập thế tu hành. Vậy chư vị Bồ Tát, vì nguyện tu hành thành Phật mà xuống cõi ta bà này để độ chúng sanh không? Nhưng sao Thầy bảo Bồ Tát Quan Thế Âm do tưởng tượng chứ không có thật. Vậy xin Thầy hoan hỉ chỉ dạy cho con hiểu ý này?
Đáp: “Thế thế thường hành Bồ Tát Đạo” câu nói này của kinh điển phát triển (Đại Thừa). Bồ Tát là vị tu hành chưa xong mà thể hiện độ chúng sanh chẳng khác một người mù mà dẫn dắt một đám người mù, cũng như người chưa biết bơi mà cứu người chết đuối thì làm sao mà cứu được, chỉ có chết chung nhau cả đám mà thôi.
Có người bảo rằng cứ theo kinh sách có sẵn của Đức Phật mà giảng ra có sai đâu. Kinh sách là pháp môn chết nên nó không chỉ cho chúng ta kinh nghiệm được, vì thế mà các giảng sư học giả dạy đạo cho người tu là giết người, bằng chứng thầy Tổ của chúng ta đã chết một cách đau khổ bởi tu theo học giả.
Bồ Tát Quán Thế Âm là một sản phẩm của kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn thể hiện phá luật nhân quả, phi đạo đức và phi giáo lý của đạo Phật.
Bồ Tát chỉ là một tưởng tượng của người tu chưa chứng đẻ ra để an ủi mình, để che đậy việc phá giới luật, để kinh doanh Phật pháp, để làm giàu trên xương máu của tín đồ, để đưa tín đồ đến chỗ mê tín, lạc hậu, luôn luôn chỉ biết cầu cạnh dựa nương vào tha lực làm mất hết nghị lực tự lực cứu mình thoát cảnh trầm luân.
Câu nói: “Thế thế thường hành Bồ Tát Đạo” có nghĩa là đời đời nguyện làm Bồ Tát độ chúng sanh như Bồ Tát Quán Thế Âm độ hết nạn khổ của chúng sanh mới thành Phật, Bồ Tát Địa Tạng độ hết tội nhân dưới địa ngục thì mới thành Phật. Chúng ta mới nghe lời nguyện ước này thật là vĩ đại, nhưng càng suy ngẫm chúng ta mới thấy là lời nói lừa đảo những tín đồ mê tín.
Nạn khổ của chúng sanh do đâu mà có? Có phải do hành động ác của chúng sanh đã tạo ra không? Tội nhân dưới địa ngục có phải do làm ác của chúng sanh không?
Muốn thoát nạn khổ và muốn không làm tội nhân nữa thì chỉ có duy nhất là tự chúng sanh đó đừng làm việc ác nữa, còn độ theo kiểu hai vị Bồ Tát này khiến cho chúng sanh làm ác thêm và thế gian này càng thêm rối loạn vì nạn trộm cướp và những kẻ hung dữ náo loạn gây rối trật tự an ninh.
Bồ Tát trong kinh Nguyên Thủy chỉ là một người mới tu hành chưa chứng đạo cho nên chẳng dám dạy ai tu hành cả. Đức Phật răn nhắc điều này: “Tu chưa chứng đạo mà dạy người là giết người.”
Bồ Tát trong kinh Đại Thừa là Bồ Tát tham danh, tu chưa tới đâu, chỉ học trong mấy bộ kinh rồi tưởng giải ra làm lệch ý Phật, đẻ ra kinh sách phát triển dạy người tu hành mê tín, trừu tượng, ảo giác, khiến người tu hành theo Phật giáo mà thành tu pháp môn ngoại đạo.
Cho nên quý phật tử cần phải đề cao cảnh giác những hạng Bồ Tát danh lợi này. Việc làm của hai vị Bồ Tát Quan Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng giống như con dã tràng xe cát, giống như người lấp biển. Bồ Tát Quan Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng là hai vị thần của Bà La Môn, nó là một sản phẩm tưởng tượng hí luận của ngoại đạo tạo sự mê tín phi đạo đức trong dân gian mà hầu hết mọi người đều mê lầm.
52. TRIẾT HỌC CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG
Hỏi: Học môn triết học Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng và Chủ Nghĩa Duy Vật Lịch Sử, thầy cô đều dạy phải có một lập trường tư tưởng vững vàng, phải đứng trên lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân… nên làm con rất dao động tư tưởng. Xin Thầy giảng cho con được an.
Đáp: Về môn triết học thì loài người từ xưa cho đến nay đã để lại cho chúng ta rất nhiều triết học, nhưng không có một triết học nào đứng vững, nó chỉ đáp ứng theo xu thế của thời đại mà thôi.
Triết học không phải là chân lý của loài người cho nên nó thường không theo kịp từng thời đại, thường bị lỗi thời nên không được con người áp dụng vào cuộc sống triệt để. Chúng ta ai cũng biết con người có hai phần:
1- Phần vật chất. Phần vật chất gồm có một duyên (sắc uẩn là thân tứ đại)
2- Phần tinh thần. Phần tinh thần gồm có bốn duyên (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn)
Như vậy triết học Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng chỉ luận về phần vật chất còn phần tinh thần hoàn toàn không hiểu. Và như vậy triết học Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng không đủ những điều kiện giải quyết nhân sinh quan và vũ trụ quan để cho chúng ta có một lập trường tư tưởng vững vàng. Có đúng như vậy không các con?
53. LUẬT NHÂN QUẢ
Hỏi: Luật nhân quả rất công bằng, ai làm thì người đó chịu. Vậy sao trên đời này chẳng thấy có cái gì là công bằng cả. Ví dụ: như người siêng năng học tập không chơi bời mà khi kết quả thi thì cứ thấp hơn những người chơi nhiều học ít. Tại sao vậy?
Đáp: Luật nhân quả rất công bằng, ai làm thì người đó chịu, nhưng chúng ta phải có đủ trí tuệ quán xét chứ không nhìn một cách thông thường mà thấy được sự công bằng ấy.
Ví dụ như người siêng năng học tập không chơi bời mà khi kết quả thi thì cứ thấp hơn những người chơi nhiều học ít. Nếu nhìn thông thường thì chúng ta thấy luật nhân quả không công bằng, còn chúng ta nhìn suốt lý nhân quả thì mới thấy luật nhân quả không bỏ sót một hành động thiện ác nào mà ta đã tạo nhân trong hiện tại cũng như trong quá khứ. Cho nên luật nhân quả gồm có nhiều góc độ nhìn:
- Thứ nhất: nhân hiện tại quả hiện tại.
- Thứ hai: nhân quá khứ quả hiện tại.
- Thứ ba: nhân hiện tại quả tuơng lai.
- Thứ tư: nhân người này quả người khác chịu do chùm nhân quả.
Ví dụ trên về người sinh viên thì phải nhìn nhân quá khứ, quả hiện tại thì mới thấy luật nhân quả công bằng, còn nhìn nhân hiện tại, quả hiện tại thì luật nhân quả không công bằng, đó là nhìn sai.
Thường mọi người chỉ nhìn thấy nhân hiện tại, quả hiện tại chứ không chịu thấy những nhân quả ở các góc độ khác nhau, vì vậy đôi khi thấy nhân quả không công bằng.
Ví dụ: Như một người ăn cắp mà không bị bắt quả tang tại trận, không bị đánh đập, không bị tù tội thì cho đó là nhân quả không công bằng. Như vậy là cái nhìn nhân quả không đúng chứ không phải nhân quả không công bằng.
Luật nhân quả có sự chuyển biến thay đổi theo từng sát na, từng giây, từng phút không để một kẽ nhỏ của thời gian thiếu công bằng. Nếu một hành động thiện vừa làm là có sự thay đổi nghiệp quả ngay liền chuyển biến sự đau khổ của người làm thiện. Thiện ở đây có ba nơi xuất phát: 1- Thân hành thiện; 2- Khẩu hành thiện; 3- Ý hành thiện.
Chỉ một ý hành thiện vừa khởi là chúng ta cũng cảm thấy quả khổ tiêu tan ngay liền.
Ví dụ 1: Một người đang tức giận bị người khác mắng chửi, họ chỉ cần khởi niệm: “Đời trước ta đã gieo nhân này nên ngày nay ta phải trả hoặc người này là người đáng thương họ đang tạo nhân quả ác.” Khi nghĩ như vậy ngay liền là họ hết khổ. Phải biết đang tức giận là đang trả quả ác (khổ), đang chửi mắng là đang tạo nhân ác.
Ví dụ 2: Khi ta vừa khởi niệm người ấy xấu ác là nhân thì ngay đó liền có quả ta phiền não và đau khổ. Cho nên phải quán xét trong nhiều góc độ khác nhau thì ta mới thay luật nhân quả công bằng và công bằng tuyệt đối, do công bằng tuyệt đối nên không sai một hào li, vì không sai một hào li nên người nào không đủ trí tuệ quán xét tế nhị thì không thấu rõ, vì vậy cho rằng luật nhân quả không công bằng.
Như người siêng năng học tập không chơi bời mà khi kết quả thi thì cứ thấp hơn những người chơi nhiều học ít. Là vì người học sinh ấy học hành không có phương pháp nên học nhiều mà không nhớ (nhân), do đó kết quả thi thì cứ điểm thấp (quả hiện tại). Còn người học ít nhưng lại học có phương pháp nên nhớ không quên (nhân hiện tại), do đó kết quả thi thì điểm cao (quả hiện tại).
Vì công bằng cho nên luật nhân quả không phải chỉ có ở góc độ nhân quả hiện tại mà còn ở nhiều góc độ khác nữa, khi nào các con học đạo đức nhân bản – nhân quả thì các con sẽ hiểu rõ hơn nhiều về sự công bằng của luật nhân quả. Các con cứ thử nghĩ xem: luật nhân quả chi phối điều hành khắp vũ trụ này, nếu chỉ một sát na không công bằng thì vũ trụ này sẽ đổ nhào và không còn trật tự, tất cả vạn vật đều bị rối loạn và bị tiêu diệt.
Với đôi mắt và trí óc phàm phu người ta không thể nào nhìn thấu suốt quy luật hoạt động của nhân quả, vì thế người này thấy góc độ này, người kia thấy góc độ khác chứ chẳng bao giờ thấy toàn diện.