Skip directly to content

ANH VŨ THAM VẤN 06 - TU TẬP CÓ NỘI LỰC ĐỂ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI ÁC PHÁP

ANH VŨ THAM VẤN 06 - TU TẬP CÓ NỘI LỰC ĐỂ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI ÁC PHÁP

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Thời lượng: [1:13:49]

1- TU TẬP TỪNG HÀNH ĐỘNG NHANH HAY CHẬM TÙY ĐẶC TƯỚNG

(00:00) Phật tử Anh Vũ: Con thấy nó lạt thì con nhìn lại mới thấy là mình thiếu nước tương, thì con tiếp tục ăn. Nhưng mà hình như là cái hành động ăn đó nó liên tục nó nhanh quá, cho nên là lúc mà thiếu nước tương đó, con không có nhớ là lúc đó con có cảm giác gì, cái cảm giác là thấy thiếu thốn hay là thấy nhớ, hay là thấy có cảm giác gì hay không. Thì con nghĩ là nếu mà con hành động chậm hơn thì con có thể là con biết được cái cảm giác vi tế lúc đó.

Thì con thấy thường thường khi mình tập thì những cái hành động thô thì mình thấy rõ ràng dữ lắm, mình không còn làm nữa. Nhưng mà những hành động mà vi tế đó thì nó còn dữ lắm, mà chính những cái đó là làm chướng ngại cho mình. Thì con thấy là trong sinh hoạt hàng ngày hoặc là đi kinh hành thì cái vấn đề mà làm chậm lại nó rất là tốt.

Hồi xưa con không có thấy Thầy nhắc trong những cái lời mà Thầy khuyên. Rồi lại có một cái phần khác nữa trong cái chỗ nào đó thì con nghe Thầy nói là cái đi kinh hành nhanh hay chậm là tùy theo thói quen của mỗi người, hễ cái người nào đi nhanh thì cứ đi nhanh. Con nghĩ khi mà đi chậm thì nó có kết quả hơn, mặc dù đi chậm trong một thời gian dài chú ý cao, chú tâm cao thì nó có thể làm ức chế. Nhưng mà sau đó mình thấy mệt thì mình có thể đi cái lối thảnh thơi, tức là kinh hành nó có nhiều lối. Thì theo Thầy nghĩ cái vấn đề, những cái cử chỉ hay những cái đi kinh hành chậm đó nó có lợi ích hay không?

Trưởng lão: Trong cái vấn đề mà tu tập mà theo đạo Phật đó, thì trong những cái bài kinh của Phật dạy thì tu với cái tự nhiên của mình, thay vì nó nhanh quá, thì cái hành động nhanh quá thì làm cho mình chú ý nó không kịp, còn hễ cái hành động chậm quá thì nó thừa cái thời gian chú ý. Cho nên cái gì nó cũng tự nhiên, coi như mình cũng phải sửa đi những cái tật xấu, thói quen của mình.

Thí dụ như mình đi quá nhanh thì nó cũng là cái tật xấu chứ không phải tốt đâu. Vì nó nhanh thì nó có thể nói là mình phản ứng không kịp, thì nó có thể nó xảy ra những cái tai nạn. Thí dụ như mình đạp con rắn, hoặc đạp một cái miểng chai mà mình không có kịp phản ứng, bị đi nhanh quá. Còn đi chậm vậy chứ người ta có thể người ta phản ứng kịp, và đồng thời người ta phải quan sát cái điều đó. Điều đó là cũng tốt!

Nhưng mà có cái điều kiện là trên cái tu tập của mình đó, thì cái sức tỉnh thức của mình, mình biết cái đặc tướng của mình hơn ai hết, bởi vì mình rõ mình hơn ai hết.

Thì trong khi đó theo Thầy biết là như đạo Phật dạy, qua cái câu mà đức Phật dạy: “Hít vô ngắn tôi biết tôi hít vô ngắn, mà thở ra ngắn tôi biết tôi thở ra ngắn”“Hít vô dài tôi biết tôi hít vô dài, thở ra dài tôi biết tôi thở dài”, tức là đức Phật muốn nói, chúng ta tu cái hơi thở chúng ta nó dài thì chúng ta cứ để dài mà chúng ta tu, chứ đừng có rút ngắn lại. Mà cái hơi thở nó ngắn thì chúng ta cứ giữ cái hơi thở ngắn mà tu, biết hơi thở ngắn ra vô vậy thôi, chứ đừng có tập nó trở lại dài quá hay ngắn quá. Ý đức Phật nói như vậy là chúng ta phải hiểu mà mình tu theo cái đặc tướng của mình thôi!

Cho nên vì vậy mà đi kinh hành cũng vậy, nếu mà con đi nhanh quá con tập trung không kịp, thì con phải đi chậm lại theo cái đặc tướng để cho mình tập trung. Bởi vì mình tu hơn ai mình biết, mình đi nhanh mà mình tập trung mình biết cái bước đi của mình rõ ràng thì mình đi nhanh tự nhiên tốt. Còn cái biết của mình nó chậm hơn cái đi của mình, thì mình nên giảm bớt tốc độ lại một chút. Để cho nó phù hợp cái biết của mình với cái bước đi cho nó ăn nhịp với nhau, mà nó không chậm quá. Có phải không?

(04:24) Bởi vì cái sức biết của mình, cái sức chú ý, sức mà biết cho nó đúng tự nhiên nó, thì mình tu tập thời gian sau thì mình biết rõ lắm, mình biết cái tầm vóc biết của nó, cái ý biết nó.

Cũng như bây giờ thay vì bây giờ con ăn nhanh quá trước cái sự chú ý của con, cho nên vì vậy mà con không biết nó có nước tương hay không. Bởi vì cái biết nó đi chậm, còn cái ăn nó nhanh quá, cho nên nó không biết kịp, vì vậy mà khi nó biết thì mình đã ăn cái miếng ăn đó rồi, mình thấy thiếu nước tương, phải không?

Do đó trên cái vấn đề ăn cũng là một cái hành động trong thân của mình như tất cả các hành động khác, cũng như hơi thở, hay hoặc cũng như mình đi kinh hành nó như thế nào. Nói về cái hành động của thân mà mình không bắt kịp, cái tâm của mình nó không bắt kịp cái hành động đó nó nhanh quá, thì tức là mình không nhận ra được. Cái lúc bấy giờ đó, mình đang ăn đó nó thiếu nước tương hay không mình chưa có nhận được. Nhưng mà khi mình nhận để mình ăn nó, mình ăn đã hết cái miếng ăn đó rồi mình mới nhận ra, thì đó là cái nhận biết của mình nó chậm.

Vậy thì, thường thường đạo Phật dạy cho mình tu tập đó là cái cẩn thận. Cẩn thận tức là khi mà gắp món nào ăn món nào đó, cái hành động của mình, mình làm đó, tuy là mình phải giữ cái bản chất tự nhiên của mình chứ không được gò bó nó.

Cũng như bây giờ cái bản chất con bỏ vô nhanh, con ăn nhanh, thì đó là cái thói quen của mình, phải không? Nhưng mà vì cái tâm của mình nó cẩn thận để mình chú ý từng cái hành động ăn của mình để cho nó rõ toàn cái việc ăn của nó. Nó biết rõ cái hành động từ cái gắp lên bỏ, rồi từ cái nhai, từ cái cảm giác mà ngon, dở, lạt, mặn gì nó biết rõ từng chút, từng chút, để cẩn thận mà theo dõi từng chút vậy mới gọi là tỉnh giác.

Cho nên thí dụ như bây giờ con ngồi đây mà con thở, thì đức Phật dạy cho mình biết: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô”, phải không? Dạy cho mình cảm giác cẩn thận theo từng chút, từng chút trong cái thân hành của mình hết mà. Rồi “Cảm giác toàn tâm tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn tâm tôi biết tôi thở ra”, tức là cái ý của đức Phật dạy mình cẩn thận lắm, cẩn thận trong cái sự mà tỉnh giác đó. Mình tỉnh thức từng cái hành động từng chút từng chút, từng cái sự hoạt động, từng cái cảm giác của nó, tất cả toàn thân của mình. Thì cái ăn nó cũng vậy, cái đi nó cũng vậy, cái hành động của thân là tất cả mọi cái nó đều tỉnh thức là tỉnh thức như vậy, con hiểu chưa?

Cho nên khi mà con chậm quá thì cái sức tâm tập trung nó gom chặt quá, nó cứ chú ý quá thì nó ức chế, mà con nhanh quá thì cái sức tập trung của con, tỉnh giác con nó không kịp với cái hành động con thì nó cũng sai, cái đó đều sai hết.

Cho nên thí dụ như bây giờ tướng con đi tự nhiên, mà cái tự nhiên con nó nhanh hơn cái chỗ biết của con thì con giảm nó lại cho nó vừa đúng với cái biết của con, còn nó chậm quá làm cho thừa cái thời gian thì con đi nhanh hơn chút xíu. Nhưng mà sự thật ra nó đi trong cái tự nhiên của mỗi đặc tướng của con, phải không? Cho nên cái tu tập coi như nó sửa lại tất cả những cái sai của nó, sửa lại hết, nó làm cho nó trở về con người rất bình thường, nó không có còn nhanh quá, nó không còn chậm quá.

Do đó cái cẩn thận, cái ý tứ như vậy gọi là tỉnh giác, tỉnh giác toàn bộ cái hành động của mình. Mà khi mình tỉnh giác toàn bộ vậy thì nó phải theo cái đặc tướng của nó rồi. Thí dụ như bây giờ con đi tự nhiên, mà Thầy nói bây giờ phải tu theo cái tự nhiên, tướng riêng mình đi nhanh, mình đi nhanh thì cái biết của mình nó phải nhanh rồi, chứ mà cái biết của mình chậm thì tức là mình phải giảm cái hành động chậm trở lại, chứ còn mình đi nhanh cái biết nó không kịp thì coi như nó không chú ý được.

Còn mình đi chậm quá thì bắt buộc cái tâm của mình phải đi từng cái hành động bước lên, bước xuống. Thí dụ như đưa cái bàn chân dở lên, rồi để xuống, rồi tới bước, hai cái bàn chân để sát xuống đất, rồi mới dở lên từng chút, từng chút vậy đó, thì nó quá chú ý, quá tập trung, quá căng. Thay vì mình biết cái bước chân mình dở lên, đếm bước từng bước, từng bước mình đi mình biết, mình biết từng bước đi rõ ràng của mình là đủ rồi, chứ không cần phải chú ý tới những cái chi tiết quá. Cái đó coi như là tập trung quá căng đó, coi như nó gom đó.

(08:25) Coi như các sư bên Nam Tông đó dạy cách thức, thí dụ như mình đi không được đi lẹ đâu, đi chậm mới chú ý nó được. Cái sự chú ý đó như vậy mình biết coi như là ức chế tâm, ức chế mình. Gò bó thân nữa, cái thân mình không có được tự nhiên, thành ra bắt buộc nó phải đi chậm chậm như cái người bệnh, không bệnh thành ra người bệnh. Sửa nó rất tự nhiên, sửa lại cái tướng của mình rất tự nhiên để phù hợp với tánh giác của mình, cái hiểu, cái biết của mình. Cho nên nó biết, nó vừa, thì đó là tỉnh thức.

Phật tử Anh Vũ: Thì người mới tập đó thì nên làm cái gì cũng chậm, khi nào quen thì mới nhanh lên từ từ?

Trưởng lão: Không được, con làm chậm rồi nó cũng quen chậm. Thí dụ như bây giờ con tập thở hơi thở chậm, một thời gian sau con cứ hít thở chậm, thở nhanh quá nó không có tăng lên được, thành ra mình tập nó thành thói quen.

Do đó mình cứ lấy cái đặc tướng bình thường của mình mình tu tập. Nhưng mà mình biết bây giờ tập sao mà nó đi nhanh quá nó tập trung không kịp, thì mình giảm lại để cho nó tập trung vừa kịp thôi chứ không có được, con hiểu không? Để cho nó trở lại, nó lui trở lại vừa với cái sức tập trung của mình với cái biết của mình, với cái hành động cho nó rõ thôi. Nó rõ, nó biết từng cái hành động mình đang làm cái gì đó, nó lui mình, thì nó rõ để cho nó tỉnh giác được ở trong cái hành động của nó, nó tỉnh thôi. Không có được chậm quá, chậm quá thì bị ức chế.

Nếu mà thí dụ như mới tu mình tập chậm, rồi sau đó mình tăng dần lên để cho nó quen dần, thì e rằng sợ mình tập chậm rồi sau đó nó quen rồi, cái bắt đầu nó cứ hễ đi bắt đầu nó phải đi chậm. Bởi vì đi vừa cái tâm nó mới gom lại, thì tức là nó bắt buộc mình phải chậm.

Cho nên có một lúc Thầy dạy phải thở chậm để người ta tập trung gom tâm đó. Thì sau đó người ta cứ hễ ngồi lại người ta thở chậm thì bắt đầu nó gom tâm thì hơi thở nó chướng ngại, thì mình phải sửa lại bình thường đi. Thì sau cái thời gian tập gom vậy rồi bắt đầu họ phải sửa lại bình thường, coi như là nó trải qua cái thời gian để tập sửa trở lại nữa.

Phật tử Anh Vũ: Nếu mà tiếp tục thở chậm hoài như vậy đó thì nó có…​

Trưởng lão: Nó bị ức chế, nó rơi vào tưởng con. Bởi vì nó bắt buộc mình phải tập, tức là cái tâm mình nó gom theo để nó biết hơi thở chậm đó, nó tập trung quá căng. Thậm chí như có người bị căng mặt đó con, căng mặt, bởi vì họ tập trung cái thời gian dài. Chừng 30 phút hay 1 giờ ngồi đó, họ tập trung là thở hơi thở chậm để người ta tập trung thì nó nặng cái mặt, nó căng cái mặt. Mà nó không vọng tưởng con, không có gì hết, mà nó căng mặt.

Con làm sao mà tu tập, làm sao mà tất cả những cái hành động của con, mà cái tỉnh giác, cái tỉnh thức của con nó biết cái hành động của con nó cụ thể, nó rõ ràng, từng chi tiết của nó, nó biết rõ ràng thì cái đó tốt nhất. Nó không chậm quá, cũng không nhanh quá. Cái đặc tướng của mình mà tu mà tự nhiên, mình đi nhanh hay đi chậm tự nhiên, mà mình biết cái biết của mình nó theo dõi được thì cái đó là nó hay quá. Mình không có bị hạn chế nó trở lại.

Thí dụ như cái tướng con đi nhanh, mà cái biết nó cũng nhanh theo cái hành động bước đi, nó cũng biết cái bước đi nó rõ ràng, thì tự nhiên mà tu vậy thì nó nhanh lắm. Còn nếu mà con thấy cái biết nó chậm hơn, cái đi của con nhanh hơn thì con phải giảm lại, để cho cái biết nó đồng với cái đi của con, để nó quan sát cho kịp. Thì nó có bị cái sự hạn chế rồi, mất tự nhiên con.

(12:24) Nhưng mà mất tự nhiên là để cho cái tỉnh thức nó biết thực tại, phải trở lại thôi. Chứ còn không thể nào mà mình đi nhanh quá cái tâm mình nó không biết kịp thì kể như mình tu không tỉnh thức rồi. Cái đó nó tu sai nữa rồi, thành ra mình tu trở lại. Mà nó đi chậm quá để cho nó biết, mà nó biết thừa thì nó cũng sai nữa, nó đi vào ức chế. Còn cái kia coi như nó không tỉnh thức kịp, cái thì không tỉnh thức kịp, cái thì nó thừa.

2- HƯỚNG TÂM CHUẨN BỊ TRƯỚC NỘI LỰC ĐỂ ĐƯƠNG ĐẦU ÁC PHÁP

(12:46) Phật tử Anh Vũ: Ác thì trong người mình thì còn nhiều lắm, nhưng mà mình không thấy được nó thì làm sao mình ly được nó? Giống như mình đánh giặc đó, mà mình không thấy giặc ở đâu thì làm sao mình đánh được? Thì có cách nào để mà trong đời sống thực tế hàng ngày mình kêu nó ra được, mình thấy được nó để mà mình hướng tâm cho nó hiệu quả hay không? Con thấy thí dụ như bây giờ mà con ngồi, con đọc những câu hướng tâm như vậy, thì con có cảm tưởng như là con tụng kinh chứ không có gì thực tế hết trơn.

Trưởng lão: Cái đó là con cũng hiểu biết đó! Nhưng mà con sẽ thấy cái hay của đạo Phật ở chỗ này. Thí dụ như bây giờ mình ngồi cũng như mà cái tâm mình giờ nó không tham, sân, si, mình không có dục, không có ham muốn gì hết, nó bình thường, nó không có muốn cái gì hết, mà mình cứ nói tâm mình đừng có ham muốn. Bởi vì bây giờ nó không ham muốn mà mình giờ bảo nó không ham muốn thì nó không đúng với nó rồi, cho nên vì vậy cũng giống như mình tụng kinh vậy. Cái đó là cái con nói đúng đó, không có trật đâu.

Còn cái thì thường là khi mà cái tâm mình nó khởi ham muốn, hay các ác pháp đến hay có cái rối gì đó, thì nói: “tâm không được ham muốn”, là tại vì nó muốn mình mới bảo đừng có ham muốn thì nó đúng rồi. Cái đó là mình tu Định Vô Lậu rồi đó, con hiểu không?

Còn bây giờ về những cái Định khác mà mình thường nhắc nó đó, là vốn mục đích mình giữ cái ý mình đừng để cho nó lọt vô tưởng. Đó là con thấy cái mục đích của mình. Bây giờ thí dụ như: “quán ly tham”, bởi vì tôi đâu có tham đâu mà bảo tôi “quán ly tham” phải không? Nhưng mà sao ông Phật dạy lại bảo tôi: “Quán ly tham, hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”“Quán ly tham, hít vô tôi biết tôi hít vô. Quán ly tham, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Tại sao bây giờ tôi đang hít vô, tôi thở ra, tôi có tham ở đâu mà sao bảo tôi “quán ly tham”?

Thì rõ ràng là ông Phật dạy có lý chứ không phải là không có lý. Là tại vì nếu mình không nhắc như vậy thì cái ý thức của mình nó sẽ bị chìm mất đi, nó chìm mất đi thì cái tưởng thức nó hoạt động đi thì nó rơi vào trong định tưởng.

Phật tử Anh Vũ: Cũng như nó nhắc cho mình đừng có lọt vô định tưởng?

Trưởng lão: Đừng có lọt vô định tưởng, đó là cái thứ nhất con.

Cái thứ hai thì cái tác ý như vậy đó, nó ngầm nó trở thành cái không tham, sân, si của mình nó có cái mới, chứ không phải là nó đối trị với cái kia. Cũng như con chuẩn bị bây giờ con muốn đánh giặc, mà giặc nó không có, con mới chuẩn bị nào súng đồng, đại bác, máy bay, xe tăng, thiết giáp gì đủ loại hết. Thì đây là con chuẩn bị cho con đủ cái loại này, đặng khi mà gặp giặc là nó có cái lực ở trong này nó đánh ra. Còn nếu mà con không chuẩn bị tới chừng mà giặc nó đương đầu, con không súng đạn, tầm vông, vật nhọn con đánh không có được, con sẽ thua.

Thì cái pháp hướng đó, thứ nhất là nó giúp cho mình đừng có rơi vào định tưởng. Cái thứ hai thì nó giúp cho mình nó cái lực lượng, cái nội lực. Cái nội lực đó thì mình không thấy. Bởi vì thí dụ như bây giờ con niệm chú đi, con không hiểu cái nghĩa nhưng thần chú nó có cái lực của nó đó, phải không?

Con bây giờ con tụng một cái bài kinh, thường thường một cái bài kinh mà con tụng không hiểu nó cũng thành cái thần chú nữa. Mình không hiểu là nó có thần chú. Còn mình tụng cái bài kinh mình hiểu, thì nó có cái lực của nó.

Đó thí dụ như bây giờ con đọc cái thần chú Đại Bi đi, người ta nói cái chú Đại Bi nó linh nghiệm, nó như thế này kia đó, đuổi trừ tà, yếm quỷ, trừ ma gì, con đọc cái chú là ma quỷ nó không có ám hại con! Con chỉ biết vậy thôi, chứ còn thần chú thì con không hiểu nghĩa gì hết, con đọc cái chú Đại Bi vanh vách vậy đó. Nhưng mà cái tinh thần con đi ngang cái đồng mả, ngang cái nghĩa trang, ngang cái nơi nào mà người ta nói có ma quỷ con thấy con vững lắm, phải không? Nó có cái nội lực tự nhiên ở trong đó mà con hết. Còn nếu mà con không đọc cái thần chú, nghe người ta nói cái chỗ đó có ma, con nghe con ớn lạnh đó. Đó là cái nội lực nó ngầm nó có ở chỗ đó.

(16:25) Còn vì vậy mà cái cái câu mà pháp hướng này mình nhận hiểu được cái nghĩa của nó rồi. Thành ra nó nằm đó, nó tạo thành một cái lực của nó để khi mà có giặc, thì nó có đủ cái vũ khí của nó để nó đương đầu nó đánh giặc, nó đương đầu nó đánh. Đó là nó chuẩn bị cho mình cái nội lực.

Nó có hai cái lợi ích của nó. Cái lợi ích thứ nhất là nó giúp cho cái ý thức của mình hoạt động luôn luôn, không mất. Còn cái thứ hai của nó, nó gây cái nội lực của tâm không tham, sân, si thôi, cái đó nó riêng, chứ nó không có đấu được với cái kia. Nhưng mà khi mà có cái đối tượng, cái pháp ác mà đến để mà tạo cho cái tâm tham, sân, si mình nổi lên, thì bắt đầu nó có cái lực này nó nổi lên nó dẹp cái kia, nhờ vậy mà mình diệt được cái kia.

Cũng như mình biết thế nào giặc nó cũng xâm chiếm, mình biết thế nào giặc nó cũng đến nó đánh nước mình rồi. Bây giờ mình mới tập quân đội của mình, rồi mình rèn luyện súng đạn, mình mới mua súng mua đạn, phi cơ, máy bay, xe tăng, thiết giáp. Mình trang bị quân đội mình đầy đủ hết rồi, chừng mà gặp giặc đó thì kể như mình chiến thắng, đuổi giặc chạy mất! Con hiểu cái chỗ pháp hướng?

3- TU TRONG CẢNH ĐỘNG VÀ TU TRONG CẢNH TĨNH

(17:36) Phật tử Anh Vũ: Chẳng hạn như lúc mà con ở ngoài đời mà đi làm việc bình thường đó, thì có cảm giác là mình bị tràn ngập đó. Sáu căn mình tức là bỏ ngỏ đó, các pháp là nó làm kiểu gì nó làm, mình cũng như chịu thua đó. Mỗi ngày tập thức tỉnh thì coi như mình gỡ gạc chút đỉnh thôi, chứ còn là mình thua nó đó.

Trưởng lão: Tại vì nó xâm chiếm vô nhiều quá!

Phật tử Anh Vũ: Dạ! Nó xâm chiếm vô nhiều quá, giống như là mình đầu hàng, mình là người chết đuối vậy đó.

Trưởng lão: Coi như là mình tránh né nó thôi, đầu hàng nó thôi, có vậy thôi.

Phật tử Anh Vũ: Cái cảm giác mà thân tâm mình nó bị tổn thương là thấy rõ dữ lắm. Thấy là không thể nào chống đỡ được. Còn trong khi mà ở những cái cảnh vắng lặng như ở đây thì lại thấy là bỏ ngỏ mà không có gì vô, không có pháp nào mà nó vô nó tấn công mình, thành ra như vậy cũng là một cái kẹt.

Thì có thể nào một người họ tu tập đó, họ làm sao mà họ biết là yếu điểm của họ chỗ nào, rồi họ đi ra ngoài họ tìm cái chướng ngại pháp đó, về cái kiểu đó họ thử đối trị. Nếu mà đối trị mà họ thất bại, họ trở về cái chỗ vắng lặng của họ, họ tập.

Trưởng lão: Tập luyện nữa.

Phật tử Anh Vũ: Họ tập luyện nữa rồi họ trở ra, họ tìm cái chướng ngại pháp mà ở mức độ đó nữa. Nếu mà thành công thì họ sẽ tìm cái chướng ngại pháp cái kiểu đó nhưng mà mức độ mạnh hơn. Thì Thầy thấy là như vậy nó có hiệu quả hơn hay không?

Trưởng lão: Có, có hiệu quả lắm! Để Thầy dạy cho. Khi một người mà luyện võ công, họ ở trong rừng, trong núi, ở trong hang sâu họ mới luyện cái võ công. Họ luyện tới thượng đẳng rồi, thì khi ra, họ gặp ai họ đấu không thua ai hết, phải không? Nhưng mà họ phải biết họ thượng đẳng ở mức độ nào?

Cho nên vì vậy đó, bây giờ thí dụ như con trong cái hoàn cảnh con không được mà vào rừng rú để mà tu tập như vậy, cho nên con mới đương đầu với những cái ác pháp đó. Thì có những cái pháp con tu, con tập luyện, con vừa tập luyện cái nội lực con, con vừa đương đầu nó thì nó vất vả con lắm, nó không bằng cái người mà đi vào cảnh yên tịnh được. Tập luyện cho đầy đủ cái nội lực của nó rồi mới đi ra tiếp cận, đi ra gặp thì bao giờ mình cũng thắng.

Thì cái nó có cái phần như thế này để cho con thấy. Bây giờ thí dụ như, bây giờ con cách ly hết gia đình của con, con vào cái nơi nào đó tu, con tu đúng pháp người ta hướng dẫn từng bước. Thì mỗi ngày con sẽ thấy tiến bộ như từ cái ngày mà con trở về đây con ở tu phải không? Con thấy đúng là bây giờ sáu căn con mở ngỏ, đâu có ác pháp vô xâm chiếm con được đâu? Coi như hoàn toàn. Như vậy rõ ràng là con đang ở trong cảnh tịnh, yên tịnh rồi, không có ác pháp xâm chiếm con được đâu.

Cái chuyện mà có ác pháp nó nhỏ thì nó đâu có nhằm nhò gì đối với con bây giờ đâu. Đó thí dụ như thấy người ta nói chuyện, con tẹt một cái người ta im, không có lo. Mình phải lo cho mình chứ gì? Vậy cho nên tâm con không chịu chú ý nữa, phải không?

Do đó cái tâm của con bắt đầu con cứ lo, con ở trong cái cảnh tịnh này con cứ lo, tuy ở trong cảnh tịnh này chứ nó đâu có đơn giản đâu, cái tâm mình nó đâu phải nó ở có một chỗ đâu, nó phóng tùm lum ra hết, mình cứ lôi nó riết, lôi nó riết vô. Nghĩa là thí dụ như nó phóng ra, Phật nói là phóng dật đó, thì mình lôi vào. Như các con nghe trong 42 cái bài kệ đức Phật dạy độc cư đó. Tức là mình cứ lôi cái tâm mình vào, vào là nó vào trong hơi thở của nó, nó định trên cái hơi thở của nó.

(21:11) Chừng nào mà nó hết phóng dật rồi thì mình biết cái nội lực là nó đủ rồi. Nhưng mà mình còn tiếp tục mình luyện những cái chiêu, là những tuyệt chiêu đó, thì đó là những cái thứ mà nhập Định mà tới Tam Minh, nó là tuyệt chiêu đó. Cho nên tuy rằng cái nội lực con, con đã luyện cái nội công, cái khinh công của con. Con luyện đầy đủ hết là ở trong cái Sơ Thiền ly dục ly ác pháp, cái trạng thái mà tâm không phóng dật là cái nội công với khinh công con đã luyện nó đầy đủ trọn vẹn rồi đó. Nhưng mà những cái chiêu mà con để mà con sử dụng đó, thì nó chưa có tuyệt chiêu.

Cho nên bắt đầu con mới sử dụng cái nội lực của cái khinh công với trọng công mà con luyện trong võ công đó. Con áp dụng vào những cái thiền định đó để mà con có những cái tuyệt chiêu. Khi mà nó đầy đủ nó, Lậu Tân Minh xong rồi đó, thì con ra không có bao giờ ai làm gì cái tâm con nó như cục đất rồi. Mà nó phải có một cái thời gian ở trong cái môi trường thuận tiện tu tập như vậy là rất tốt.

Còn cái mà tu tập mà đương đầu thì nó khó, nó khó lắm chứ không phải dễ đâu. Nghĩa là sáu căn con nó mở cổng, sáu trần ở ngoài nó cứ tiếp xúc nó đánh hoài, thì trong này con vừa tập luyện mà vừa để đương đầu với nó, nó mệt nhọc lắm, chứ không phải là dễ đâu!

Nhưng mà bây giờ cái nền đạo đức của đạo Phật xây dựng lên, mình đã lỡ mình tạo cái nghiệp thì mình không được bỏ, nó kẹt vậy, chứ đâu phải dễ đâu! Bây giờ mình bỏ người ta để mình đi tu, để lợi ích cho mình như vậy thì đâu có được. Phật không có chấp nhận, cái đạo đức không có chấp nhận.

Bắt buộc con phải đương đầu với những cái nghịch cảnh đó, tức là cái Ngũ Triền Cái với cái Thất Kiết Sử. Có cái cổng mở ngõ, thì cái tâm con nó bị những cái này hết rồi, nó bị những cái này nó trói buộc con hết rồi. Từ đó con phải gỡ, gỡ những cái sợi dây nhân quả này, gỡ lần, gỡ lần nó. Thì con mới thấy năm cái triền cái này nó bắt đầu nó không còn ngăn che con được nữa. Từ đó trong đó, rồi tới cái cuối cùng mà để luyện tuyệt chiêu, ít ra con cũng phải xuống cái hang sâu ở trong rừng núi nào đó, con mới luyện tới cái phút cuối cùng.

Cho nên Thầy bảo các con, khi nào mà cái tâm nó vừa quay vô, thì hãy về Việt Nam đó, đó là tuyệt chiêu đó. Thầy biết, đường đi này Thầy rất rõ rồi. Nhưng mà có cái điều kiện là, thứ nhất nó khó cái chỗ này, thí dụ như bây giờ mà con bền chí con sống độc cư, con sống trầm lặng ở trong cái duyên như thế này, thì cái thời gian con tu nhanh lắm.

Nghĩa là trong 1 năm hay là, Đức Phật nói từ một ngày cho đến 7 ngày, nghĩa là con sống như thế này mà con tu mà nó có cái duyên tốt, con tu con không thấy tâm con phóng dật trong suốt 7 ngày như vậy đó, thì đương nhiên là con đã thành tựu.

4- ĐẠO PHẬT TU TẬP CÓ THỜI GIAN NHẤT ĐỊNH

(23:43) Rồi nếu mà không thành tựu trong 7 ngày, thì 7 tháng. Nghĩa là từ tháng thứ nhất cho tới tháng thứ bảy, nó không phải là bắt buộc con phải suốt 7 tháng đâu. Nghĩa là bây giờ 7 ngày không xong, thì con tu tiếp tục một tháng mới xong. Mà không xong thì tháng thứ hai, không xong tháng thứ hai thì tháng thứ ba, cao lắm là tới tháng thứ bảy là xong.

Biết trước cái thời gian đó. Mà nếu mà con có dở tệ nhất thì 7 năm. Bảy năm không có nghĩa là bắt buộc con phải tu suốt tới 7 năm, mà con tu 7 tháng không xong cái tới một năm con xong. Rồi trong cái khoảng đó, 1 năm không xong thì năm rưỡi xong. Mà năm rưỡi không xong thì 2 năm xong, chứ không phải đợi bắt buộc con phải 7 năm.

Cho nên đức Phật nói: Cái tối thiểu là cái thời gian mình tu là chỉ tới 7 năm mà thôi, chứ không có tới hai ba chục năm đâu. Nghĩa là mình tu ở trong cái cảnh mà yên tịnh như vầy, nghĩa là con bỏ thời gian là 7 năm là con sẽ xong. Cũng như mình bỏ 7 năm mình học tập vậy.

Đó, thì con thấy trong cái vấn đề Thầy thấy tu nó không phải khó đâu. Nhưng mà mình có sống được ở trong cái cảnh yên tịnh này không? Nó cô đơn rồi mình chịu nổi hay không? Đó, đó là những cái nè, ăn thì mình chịu nổi rồi, tới ngủ thì mình chịu nổi không nè? Rồi tới cô đơn mà sống một mình rồi chịu nổi không? Mà 7 năm không nói chuyện người ta thì mình thấy mình có chịu nổi không? Thầy nói vô đây mới 1 tháng mà không nói chuyện là thấy chịu hết muốn nổi.

Đó, nó khó như vậy mà nó dễ, nó dễ là cái nếu mình giữ đúng mình tu đúng là mình sẽ đạt được. Trong cái thời gian ngắn nhất là 7 ngày, mà dài nhất là 7 năm. Cái thời gian quy định của đức Phật ở trong kinh sách đức Phật đã nói cái người mà tệ nhất là 7 năm, chứ không có ai mà tu tới hai ba chục năm như Thiền Đông Độ nói đâu. Không có kéo dài như vậy, dài như vậy người ta mòn mỏi hết còn ai mà tu nổi.

Con cũng như bây giờ con học con thấy không? Mỗi một cái cấp học, thí dụ như: 5 năm học ở cấp một. 7 năm ở cấp, có mấy năm? Ở Trung học nó mấy năm? 7 năm hay mấy năm?

Phật tử Anh Vũ: Dạ 7 năm.

Trưởng lão: Rồi lên Đại học mà con học như chuyên khoa về y khoa nó cũng khoảng 7 năm chứ bao nhiêu, 5 năm, 7 năm. Thì những cái lớp khác thì nó là 4 năm, 5 năm gì đó tùy trên Đại học. Nhưng mà cái thời gian nó phải có thời gian nhất định là mình phải đào luyện ở trong cái thời gian đó. Thì cái tu hành của đạo Phật cái mục đích là cái pháp để đào luyện y như cái môn học. Cho nên nó có cái thời gian nhất định ở trong đó chứ.

Thì bây giờ con là cái người học giỏi thì đâu có kiềm chế con cứ phải từng năm một, năm một đi lên như vậy đâu. Con học, đưa bài vở nào con cũng thuộc làu làu hết, thì con phải học một năm phải hai ba lớp. Như vậy nó không có chặn đứng cái thời gian con được.

Còn bây giờ con tu mà con tu nhanh như vậy, thì đâu có chặn đứng con phải kéo dài 7 năm liên tục đâu, bắt buộc con phải 7 ngày, hay 7 tháng. Đó là cái sự thật của đạo Phật nó sự thật như vậy. Mà nhìn lại người ta tu thì hoàn toàn không ai đạt được.

Cái sự thật của đạo Phật nó như là cái lớp học của mình. Mà con thấy ở ngoài đời người ta tổ chức cái lớp học như vậy 7 năm, hay là 3 năm, 5 năm, người ta đạt, người ta có người thi đậu chứ bụ đâu phải không có, còn nhìn lại Phật giáo của mình bây giờ đức Phật nói 7 ngày, 7 tháng, 7 năm mà rốt cuộc rồi không có thấy ai đậu hết, người ta nói chứ không thấy ai chứng hết. Thì sự thật ra như vậy rõ ràng là cái tổ chức để mà chúng ta để mà tu cho đúng thì lại không có rồi, không có có, cho nên nó mới không có đạt được.

Còn bây giờ nếu mà mình tu đúng, Thầy hướng dẫn đúng mà mấy con vô đây Thầy nói Thầy dạy mấy con đúng. Mà mấy con làm đúng theo lời Thầy, Thầy bảo đảm mấy con 7 ngày, 7 tháng, 7 năm. Thầy dẫn dắt mấy con tới nơi tới chốn, Thầy quyết định mà, Thầy nói thật sự Thầy đã hiểu rồi.

Cho nên Thầy nói rằng Thầy không có một cái người giúp đỡ Thầy, chứ còn cỡ có một cái người giúp đỡ Thầy, mà Thầy có cái trường ấp hẳn hòi, tức là có cái cơ sở để mà Thầy hướng dẫn người ta tu. Thì khi mà con vào tu, Thầy khép chặt con vô tu liền, giới luật kỹ lưỡng, hẳn hòi đàng hoàng. Con phải sống đúng, con phải tập đúng như lời Thầy dạy. Thì Thầy chăm sóc con từng chút, từng chút. Chừng đó thì trong vòng 7 ngày con không đạt, 7 tháng con phải đạt thôi, mà không thì 7 năm con sẽ đạt, nghĩa là coi như con học con rớt lên rớt xuống tới 7 năm con mới thi đậu. Đó là cái cách thức nó như vậy đó.

5- TU MUỐN CHỨNG ĐẠO PHẢI QUYẾT TỬ

(27:44) Cho nên Thầy nói Thầy chưa có cơ sở, bởi vì cơ sở này là Đại Thừa, cho nên Thầy chỉ biến cải thôi. Cho nên vì vậy mà nó làm động lắm, nay khách tới, mai khách lui đủ thứ hết làm cho động chứ, Thầy cũng không yên. Và bây giờ thì kinh sách nó còn đang dở dang như thế này thì không ai soạn nữa, Thầy phải soạn ra này kia thành ra Thầy mất thì giờ.

Chứ Thầy mà ngồi không Thầy hướng dẫn, mấy năm trước Thầy ngồi không Thầy hướng dẫn, nghĩa là Thầy không có viết kinh sách, Thầy chỉ nói đào tạo được một con người là Thầy viết bộ kinh sách đó. Chứ không có cần viết kinh sách, viết kinh sách là cầu danh, Thầy không viết, con nhớ? Cho nên vì vậy mà Thầy chuyên Thầy lo đào tạo vô Thầy khép, Thầy đuổi lia lịa. Vô phạm là Thầy đuổi, Thầy đuổi ba bốn chú, ba bốn thầy mà. Mấy thầy ở đây lúc mà Thầy khép, mấy Thầy ở đây không có một người ở, tu mà kiểu này là Thầy đuổi ra hết. Thầy nói thà là được thì được một người còn hơn là nuôi cả chục người, hai ba chục người như thế này phí của đàn na thí chủ mà chẳng ra gì hết, ăn để chơi, Thầy đâu có chấp nhận đâu.

Cho nên vô tu nghĩa là tu thật tu, còn không tu cứ đi ra đời đi, lo làm ăn với người ta chứ không ở đây mà để cho người ta vất vả, không chấp nhận. Mà trong suốt 3 năm mà Thầy nhập thất rồi, chúng ở đây bay Thầy nói cũng như là lá rụng vậy. Vô họ cũng xin vô, họ ham tu lắm chứ không phải không, họ vô tu cái Thầy khép vô, sai cái là Thầy mời ra liền. Cô Út thì cô còn nói tới nói lui, nói này kia nhẹ nhẹ, chứ Thầy nói: “Nhất định là mấy thầy tu không được là mấy thầy phải đi giống nhau, chứ thầy ở đây thầy làm cho người khác tu không được”.

Mà con biết chỉ còn có một người được ở lại đây thôi chứ bao nhiêu Thầy đuổi hết. Lúc bây giờ thầy Chơn Tịnh nè, thầy Từ Minh nè, chú Minh Điền nè, vô đây tu, lén Thầy nói chuyện, mười hai giờ đêm ra ngoài góc kia nói chuyện. Thầy ở trong này Thầy biết, Thầy đi ra Thầy bắt gặp liền. Sáng hôm sau Thầy mời ra, Thầy đuổi liền, Thầy nói: “ở đây độc cư để tu chứ không phải ở đây để này, để kia nói chuyện. Quý Thầy đừng có nghĩ là 12 giờ quý thầy trốn ra nói chuyện mà Thầy không biết đâu!”

Ba năm đó nghĩa là không ai dám hó hé gì hết. Chính Chơn Thông, cái năm đó là chính Chơn Thông ở đây mà phải bay qua bên Miến Điện ở bển chứ không dám ở đây. Thì vô mà hễ rục rịch cái là, sai cái kỷ luật của Thầy ở đây là Thầy đuổi liền. Tu được thì được, không được thì thôi chứ còn Thầy không chấp nhận.

Trong ba năm đó Thầy ra thất, coi như là còn có một người ở đây với Thầy, chứ bao nhiêu Thầy quét ra hết. Thầy nói như thế này, thiệt là cuộc đời như thế này: đào tạo một người tu chứng thiệt là khó, họ chỉ là những người đến ăn chứ không có tu gì hết. Thầy ra thất, năm đó ra thất Thầy tuyên bố. Bởi vì Thầy quyết định, Thầy nhập thất để mà Thầy dẫn dắt, Thầy không làm cái gì hết, Thầy đào tạo người.

Thí dụ như con bị hôn trầm thì Thầy đến thất con liền. Thầy ngồi đó, Thầy bắt con đi kinh hành, ngồi lên ngồi xuống đi kinh hành để phá cho hết hôn trầm sạch. Thời chúng nó sợ gần chết, hết dám nổi tu con biết? Chỉ có cái chú Mật Hạnh, chú đó chú mới ráng. Chứ còn mấy người kia đó không nổi, ai cũng bay hết.

Phật tử Anh Vũ: Cái mà đào tạo một cái người như vậy là nó khó quá chừng! Cái này nó khó hơn là nuôi một đứa con nữa.

Trưởng lão: Nuôi khó hơn, cực khổ lắm con ơi! Chứ đâu phải dễ đâu con! Mà họ đó, bản chất của họ là bản chất cái thói quen nó bình thường quá, mà vô đây cái mình bắt vậy cái bắt đầu họ chui bên đây, họ lén bên kia. Thậm chí như có người họ phải trốn đi đó con. Họ chịu không nổi họ phải trốn, họ leo rào họ trốn, nửa đêm vậy họ xách gói họ trốn đi. Thầy thấy cũng tội thiệt, nhưng mà họ làm vậy thì thôi. Đó thầy Từ Minh, một lần mà Thầy bắt rồi đó, Thầy bắt Thầy không cho, thì nửa đêm thầy xách gói thầy trốn, thầy đi.

Phật tử Anh Vũ: Cái tu cho mình khó rồi, bây giờ lại giúp người khác tu, mà mong cho người ta thành đạt, là một cái chuyện không thể nào tưởng tượng nổi, cái hy vọng đó thật là xa xôi.

Trưởng lão: Xa lắm con.

(31:48) Phật tử Anh Vũ: Phải kiên trì, phải từ bi, phải trí tuệ dữ lắm Thầy. Con thấy Thầy với cô Út thiệt là giàu có, vừa từ bi, vừa trí tuệ, kiên nhẫn, đất đai, cái gì nuôi bao nhiêu người, mà kiên nhẫn bao nhiêu năm.

Trưởng lão: Chịu đựng cũng dữ lắm con. Nếu mà thật sự ra nếu mà không có kiên nhẫn coi như là không có nhận. Tuy là không kiên nhẫn là không nhận, kiên nhẫn để mà uốn nắn dần dần.

Thì coi như là ba năm, sau khi cái mùa hạ năm đó rồi thì Thầy khép cửa, Thầy tuyên bố với chúng: người nào mà quyết theo Thầy, thì trong ba năm Thầy dẫn đi tới nơi tới chốn. Còn ai mà không quyết theo Thầy thì xách túi ra khỏi Tu viện trước đi. Thì cũng có một số người cũng quyết tu, nhưng mà tới chừng khép vô tu cái bắt đầu họ ngán, họ sợ. Thứ nhất ăn thì họ không sợ rồi. Cái thứ hai thì bắt đầu ngủ thì Thầy đến Thầy phá giúp cho họ, thì họ cũng có nhiều người.

Coi như là năm mà Thầy nhập thất đó, là hai chục người, hay ba chục người nhập thất chứ không phải ít. Nhưng mà vô ăn thì hơn phân nửa người đã rút lui rồi, còn có mười mấy người. Sau khi mà tới ngủ thì còn có ba, bốn người. Nghĩa là cái ngủ họ cũng sợ nữa. Ba, bốn người còn ở lại thôi! Ba bốn người ở lại mà tới chừng Thầy bắt khép độc cư, là không được nói chuyện là rớt luôn hết còn chỉ có một người.

Phật tử Anh Vũ: Như vây là cái độc cư nó khó hơn ngủ hả Thầy?

Trưởng lão: Nó khó hơn ngủ, họ chịu không nổi. Nghĩa là bắt không được nói chuyện. Mà Thầy đi Thầy ở không mà, Thầy đi kiểm tra, Thầy đi tới đi lui, trời ơi, họ sợ! Thầy nói bây giờ mà Thầy cứ đêm với ngày mà Thầy đi tới đi lui, nội mấy cái ông này chừng bảy ngày xin bay đi hết.

Phật tử Anh Vũ:…​ (Không nghe rõ)

Trưởng lão: Không có, Thầy cấm là không được lao động, không được làm gì hết, ăn no rồi cứ tu. Thầy không cho làm cái gì hết. Thậm chí như cả quét sân Thầy không cho, chứ đừng có nói mà đi quét sân đâu!

Đó Thầy bắt cứ tu thôi. Rồi Thầy đi tới, đi lui vầy. Thất nào ở im re thất nấy, nó không có bao giờ đi qua, đi lại. Vậy mà bảy ngày, trong tuần lễ bay hết. “Xin Thầy đi chứ con không sống được!” Trời đất ơi! Nó tuôn trào, nó nghĩ tầm bậy, tầm bạ đủ thứ. Nó nói Thầy khó quá trời mà làm sao tu cho được, chùa người ta thì sướng gần chết. Ăn ba bữa cũng được, Thầy đây ăn một bữa, ngủ cũng không cho ngủ!

Thầy nói thiệt đúng là tu đúng theo đạo Phật nó nhanh thật, nhưng mà cái sức người ta nó còn dục nhiều quá, dục ăn, dục ngủ, rồi dục vui chơi, thích nói chuyện, vì vậy mà tu không vô!

Cho nên Thầy thấy, ban đầu Thầy dạy đó, những cái đức hạnh nhẫn nhục, tuỳ thuận, bằng lòng, rồi ăn, ngủ, độc cư. Thầy nêu ba cái đó làm cái tiêu chuẩn để mà bước vào cửa tu giải thoát. Thế mà không ai chịu nổi.

Cho nên ba cái đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, Thầy mới giảng ra cái cuốn băng “Thiền căn bản”, để ly dục, ly ác pháp, rồi lấy ba cái đức đó mà tu tập. Còn đi sâu vào Thiền Định thì ba cái hạnh ăn, ngủ và độc cư. Nói thôi mấy ông thầy vô đây kêu ba cái hạnh này nó đánh mấy ông tan nát hết, chạy mất hết, nó ghê gớm lắm! Nhưng mà cái người nào quyết tu thì được, Thầy nói quyết tu liều chết được.

Thầy nói như thế này nè, khi mà vào đây tu rồi, nhất định là nát xương mới ra khỏi chỗ này, chứ mà còn cục cựa là nhất định là không rời khỏi chỗ này. Nghĩa là đau nhất định chết bỏ chứ còn không được đi bác sĩ, không được khám bệnh.

Phật tử Anh Vũ: Phải quyết tử mới được!

Trưởng lão: Quyết tử đó, Thầy nói như vậy. Cho nên trong ba năm vô đó thì Thầy nói Thầy đau không uống thuốc. Thầy làm gương mà, Thầy nhất định đau không uống thuốc, không đi bác sĩ, mà Thầy đau Thầy chết Thầy bỏ. Nhưng mà họ nói: “Thầy có Định rồi làm sao Thầy đau? Mà tụi con làm sao có Định?”. Thầy nói: “Cứ theo Thầy, Thầy chết thì mấy con chết. Mà mấy con còn sống thì mấy con cứ tu thôi, chứ còn không có đi ra khỏi đây!” Nhưng mà nó đánh tới cái thọ là Thầy thấy coi như cái người nào mà đánh tới cái thọ họ cũng bay hết. Họ không chịu nổi, họ không dám chết!

(35:31) Thầy nói ít ra con đường này tu mấy con phải chết đi một lần thì mấy con mới sống lại, chứ mấy con muốn sống thì nó không có vô được đâu! Mình còn ham sống tức là mình còn tham. Còn cái người tu là không tham sống, coi như cái chết của mình coi như là đồ bỏ. Cũng như con là một chiến sĩ đi ra mặt trận thì con phải coi như cái chết của con trước mắt rồi, coi như nó nhẹ như lông hồng rồi đó. Nghĩa là làn tên, mũi đạn thì kể như là cái chết trước mắt rồi.

Còn mà con thấy còn ham sống thì ra đó súng đạn quá cái con chạy thôi rồi. Làm tướng mà chạy trước người ta đó thì chắc là lính nó làm sao nó đánh nổi. Thì trong cái mặt trận mà nội tâm để mà chiến đấu với cái tâm tham, sân, si của mình, mình là một vị tướng soái mà mình chạy thì thôi rồi, không còn thắng nó được đâu.

6- CẢ TINH THẦN VÀ THỂ CHẤT ĐỀU QUAN TRỌNG CHO TU TẬP

(36:15) Phật tử Anh Vũ: Vậy thì lúc mà tu là khó khăn như vậy đó thì cái sự kiên nhẫn, can đảm về tinh thần đó nó quan trọng hơn hay là sức khỏe, thể chất quan trọng hơn Thầy?

Trưởng lão: Nó cả giữa hai cái hết con, về sức khỏe của mình nó cũng quan trọng lắm, mà về tinh thần của mình nó cũng quan trọng, nó cả hai cái. Cho nên vô đầu phải rèn luyện cái tinh thần trước, rồi sau đó thì người ta giúp cho mình có những cái sức khỏe. Thí dụ như bây giờ trong cái quá trình mà tu tập, người ta phải chọn lựa những người có sức khỏe người ta cho vô tu, chứ còn cái cơ thể con bệnh rề rề vô mà khép trong đó chừng ba bữa con chết luôn ở trong đó, chứ đừng nói.

Bởi vì cái cơ thể mình yếu, yếu như mấy ông, ba của chú Tâm cũng ốm yếu, bệnh tật, hay hoặc là sư Tuệ Tĩnh đó, mà Thầy khép vô cái là mấy ông đó cái cơ thể vậy là kể như tiêu. Còn cái cơ thể như thầy Chơn Trí ở bên đây nè, cái thầy mà đào đất, cuốc đất làm đó. Cái cơ thể đó mà vô tu rồi, nếu mà chịu tu thì cơ thể đó là tu nhanh lắm. Cái sức lực đó, cái sức lực tu rồi, mà bây giờ đem ra làm cái chuyện đó thì Thầy nó uổng lắm!

Phật tử Anh Vũ: Con không biết là cái người đào đất như vậy, không biết ăn cơm ngày một bữa có chịu nổi không?

Trưởng lão: Nó thật sự ra nó ăn ngày một bữa đó con. Nghĩa là coi như là ở đâu nó cũng vậy, giữ gìn cái giới hạnh ăn ngày một bữa, chứ không ăn thêm một cái gì hết, chỉ ăn cơm. Thí dụ như tới giờ ăn, nó làm vậy thì nó ăn nhiều mà một bữa thôi, không ăn lặt vặt, không ăn bậy bạ đâu.

Phật tử Anh Vũ: Không ăn hơn nữa?

Trưởng lão: Không ăn hơn nữa, cứ ăn một bữa mà điều ăn nhiều. Thí dụ như mọi lần mà không có làm như vậy đó, thì nó ăn một bát đầy thôi. Còn nay thì nó ém, thì nó mới có đủ cái sức nó làm, nhưng mà ăn một bữa. Nó hay ở cái chỗ đó. Thầy phải phục chứ không phải không đâu. Kể như nó cũng là quen được cái ăn ngày một bữa, chứ còn như người ta thì chịu không nổi.

Ở đây quý Thầy ở đây mà phụ làm cái gì đó thì cô Út cô cho ăn cái này, cái kia tùm lum đủ thứ hết, còn nó không ăn, nhất định là không ăn, chết bỏ. Đó là cái gương hạnh đó, Thầy nghĩ rằng những cái người này Thầy sẽ đào tạo tới nơi tới chốn. Chưa, nó chưa tới tu, chứ nó mà tới tu, nó đem cái sức lực đó mà nó tu thì Thầy nói mấy người đó họ sẽ đạt được kết quả.

Thầy biết hết mà, cái người nào mà tu được, cái người nào tu sao, Thầy biết. Nhưng mà cái duyên, để chờ cái duyên của họ. Khi mà nó qua cái đợt đó, Thầy sẽ lợi dụng cái sức lực của họ, tạo cái tinh thần của họ chiến đấu, họ không có sợ chết đâu, mấy người đó họ gan lắm. Họ ăn ngày một bữa mà họ làm họ không sợ, tức là họ không dao động. Còn mấy cái người nào ăn ngày một bữa mà làm sợ mất sức, mấy người đó bị dao động tâm, yếu tinh thần.

Đó, con thấy, nó rõ lắm con, bởi vì ở đây nó có nhiều cái đặc biệt lắm. Còn một người mà vượt qua cái thọ đó là thầy Chơn Thành mà ốm ốm, mà sáng nay ghé đây đó, thầy đã vượt qua cái thọ. Thọ đau gì đau, thầy nhất định cắn răng vượt qua, cứ dùng cái tâm lực, pháp hướng tâm để mà vượt qua, chuyển qua tất cả những cái thọ. Bây giờ thì thầy khỏe mạnh, thầy cũng vượt qua được những cái tinh thần của mình, đó là sự vượt lên bằng tinh thần. Còn cái chú này thì thể lực, cứ việc ăn ngày một bữa mà thôi.

7- SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TRIỀN CÁI VÀ KIẾT SỬ

(39:43) Phật tử Anh Vũ: Hồi nãy Thầy có nhắc Thất Kiết Sử với lại Ngũ Triền Cái đó. Thì hôm qua chị đó có hỏi về khác biệt giữa Ngũ Triền Cái với Thất Kiết Sử, thì có thể xin Thầy nói lại?

Trưởng lão: Thầy sẽ giảng cho mấy con nghe cho thấy rõ. Trong cái Ngũ Triền Cái nó có tham, sân, si. Cái tham, mà nó Ngũ Triền Cái là cái màn ngăn che, cũng như bây giờ đó ở trong tâm của mình, mình có tham, nhưng mà bây giờ mình không thấy tham gì hết, phải không? Còn ở bên Thất Kiết Sử thì nó có Tham Kiết Sử, thì cái Tham Kiết Sử nó rất rõ ràng, nó dễ cho nên ở trong đó nó có thêm cái chữ “Hữu Tham Kiết Sử”. Bây giờ con có cái máy này, mà có người khác người ta muốn người ta xin con, con không muốn cho. Con không muốn cho tức là con còn Tham Kiết Sử.

Phật tử Anh Vũ: Thì nó gọi là…​

Trưởng lão: Hữu Tham Kiết Sử con. Còn cái Tham Triền Cái thì nó không có cái gì hết, mình không thấy cái gì hết, bởi vì nó là cái màn ngăn che của cái tham thôi, không thấy. Nhưng mà bỗng dưng nó thấy người ta xách cái gì đi ngang qua, cái sách hay hoặc cái máy gì đẹp quá, cái mình khởi mình muốn cái đó. Thì cái tâm tham nó lòi ra, còn không có nó thì không sao, không có sao hết. Còn bây giờ con nó lòi ra rồi bắt đầu con tìm mua cho được cái đó, rồi bắt đầu con có thì con cứ giữ gìn nó là con bị Hữu Tham Kiết Sử. Tức là cái dây của cái máy đó nó trói con vô rồi, con không có rời ra được nó.

Cũng như bây giờ con chưa có xe, cái bắt đầu thấy người ta cưỡi xe Dream đi ngang qua thấy đẹp quá. Cái bắt đầu đó là cái Tham Triền Cái con nó nổi ra nó thấy nó tham rồi đó. Rồi bắt đầu bây giờ con mới kiếm tiền con mua được cái xe đó, rồi tối ngày con xăm soi con rửa, con này kia, rồi con cưỡi con đi chỗ này, chỗ kia, đó là con bị Hữu Tham Kiết Sử.

Con thấy hai cái này nó khác chứ nó đâu có giống. Cái có rồi mà nó cứ giữ mình hoài, nó không cho mình rời nó ra, thì cái đó là mình bị trói rồi.

Cũng như bây giờ, thí dụ như con thuở giờ con chưa có vợ con gì hết, thì tất cả những cô gái khác thì con không thấy thôi, con thấy thì thấy cô này cũng đẹp, cô này cũng thích. Thì đó là con có tham, nhưng mà cái tham đó là Tham Triền Cái chứ không phải là Tham Kiết Sử.

Nhưng mà khi con có vợ rồi, thì lúc bây giờ đó, thì coi như ai mà nói chuyện với vợ con, con ghen, con tức thì con bị cái triền cái của vợ con rồi, nó trói con rồi, tức là Hữu Tham Kiết Sử đó, con hiểu không? Nó trói con. Bởi vì cái vật đó nó có, mà nó có là của mình rồi, cho nên mình bây giờ mình không có bỏ nó ra được, mà ai muốn xâm chiếm nó thì coi chừng mình, mình liều chết với nó, cho nên nó tạo thành cái khổ đó.

Thì khi nào có cái dịp Thầy sẽ dạy cho các con thấy, đó là cái tham heng, còn cái sân nữa. Bây giờ cái sân tức là con cũng biết là trong tâm con có sân chứ không phải không biết. Nhưng mà cái màn, cái Sân Triền Cái đó nó che con, bây giờ con không thấy cái sân của nó được, cho nên bình thường con ngồi con thấy con đâu có sân đâu, phải không? Đó là bị triền cái nó che cho nên mình không có biết nó được.

Nhưng mà đụng có người nào đến đó mà nói con cái gì con tức tối cái bắt đầu nó lòi ra liền. Mà nó hiện ra rồi thì nó lại trói con, cho nên nó là cái Sân Kiết Sử rồi. Cho nên Hữu Sân Kiết Sử, có cái sân rồi, mà giờ mình bỏ ra không được, dứt ra không được thì nó là kiết sử. Nghĩa là tâm con đang sân đây này, thì đó là kiết sử. Còn cái mà bây giờ nó chưa có sân gì hết thì đó là sân triền cái, nó che khuất đi, phải không?

Phật tử Anh Vũ: Nên mới gọi là cái màn che.

Trưởng lão: Cái màn che, tức năm cái màng che, nó không thấy được. Nhưng mà nó phải có, cho nên cái đó nó có. Còn cái kia nó có sẵn rồi cho nên mình dễ thấy nó lắm, nhưng mà bứt ra không được, nó thành sợi dây nó trói rồi, nên mình bứt cái dây đó rất khó. Cho nên vì vậy mà mình biết cái này là triền cái nè.

Cho nên trong cái đạo Phật nó có cái phương pháp để mà chúng ta bứt cái dây kiết sử, và đồng thời ngăn chặn cái triền cái, ngăn chặn nó không cho cái tâm sân, cái tâm tham của mình nó khởi lên. Cho nên nó có gọi là ngăn ác, ngăn cái tham, sân, si, tức là ngăn cái ác pháp. Thì cái pháp đó gọi là Tứ Chánh Cần, ngăn ác và diệt ác.

Bây giờ cái sân của mình có, cái tham của mình đang có đây. Thì mình phải quán xét tư duy, suy nghĩ để cho mình bứt được cái dây này ra, thì nó mới giải thoát cho mình, gọi là bứt dây kiết sử.

Có cái dịp Thầy sẽ giảng ra hết, nó 5 cái triền cái và nó Thập Thất Kiết Sử, chứ không phải thất kiết sử, 17 cái kiết sử. Thầy sẽ giảng cho nó so sánh. Bởi vì từ lâu người ta nói tham, sân, si thì kia cũng tham, sân, si nó biết rồi, sao cái nào cũng tham, sân, si, tham, sân, si không biết cái nào? Nhưng mà giảng ra rồi thì con phân biệt được rõ chứ gì, phải không?

Vì vậy do đó sau này Thầy sẽ giảng ra cho nó rõ ràng, chứ hầu hết là ít có người, người ta giảng cái này. Thầy sẽ giảng hết cho mấy con biết, từng cái tâm niệm của mình khởi lên, thì cái này là kiết sử nè, cái này Tham Kiết Sử, này Hữu Tham Kiết Sử, này là ngã chấp, này là kiến chấp, này là gì gì gì, con điểm mặt nó hết.

8- NHẬN BIẾT VÀ NGĂN NGỪA CHƯỚNG NGẠI PHÁP

(44:47) Phật tử Anh Vũ: Câu hỏi kế tiếp đó là thường thường khi tiếp duyên bên ngoài đó, thì con không biết mức độ nào thì nó trở thành chướng ngại pháp, mức độ nào thì chưa? Chẳng hạn như bây giờ đó là mình đi đến nơi lạ, hoặc là tiếp xúc cảnh mà mới đó, thường thường mình phải đưa mắt mình nhìn xa ra coi là trước mắt mình nó là cái gì.

Thí dụ bây giờ con sẽ liệt kê những chi tiết từ từ mà con nhìn thấy đó, Thầy cho con biết là cái nào là chướng ngại pháp, cái nào là chưa phải? Thí dụ như khi con bước ra cửa ngoài kia đó thì con nhìn thấy một mảnh ruộng trước mặt, rồi con nhìn thấy một cái hàng cây, và nhìn thấy một người đang đi. Thì con để ý coi người đó là đàn ông hay đàn bà, người đó đang làm cái gì? Thì chẳng hạn những cái chi tiết như vậy, thì mức độ nào thì gọi là chướng ngại pháp, mức độ nào chưa phải là chướng ngại pháp?

Trưởng lão: Tất cả những cái tâm mà nó phóng ra như vậy, thì nó khởi sự là chướng ngại pháp, tức là nó vi tế chướng ngại pháp rồi đó. Nghĩa là khi mà nó tiếp nhận những cái hình ảnh như vậy, nó quan sát thấy những hình ảnh như vậy, nghĩa là bây giờ tâm mình nó chưa có chướng gì hết, nhưng mà các pháp nó sẽ là chướng cho mình, đó là nó khởi sự bắt đầu nó gặp chướng ngại pháp. Bởi vì tất cả các pháp đó nó sẽ làm chướng cho mình, nó làm cho cái tâm mình nó không có kiểm soát lại chính nó, mà nó bị các pháp đang lôi.

Cũng như bây giờ thí dụ như con nhìn cái cây kia, thì cái cây kia nó đang lôi tâm con ra ngoài đó rồi. Thì đó là chướng ngại pháp cho tâm con nó làm cho mắt con mất con, con đang bị mất, mất mình. Cái vật đó nó lôi cái tâm con, vì vậy mà con đã bị mất con rồi. Còn bây giờ con đang biết con thanh thản, an lạc, vô sự, con đang biết con như vậy thì đó là con làm chủ lấy con rồi.

Còn bây giờ khi mà mắt con nhìn thấy cái cây kia, mà cái cây kia cái gốc cây nó vậy vậy, mà có cái rễ cây như vậy, có cái nhánh cây như thế này, con thấy từng chi tiết của cây, thì cái tâm con nó bị lôi cuốn ra ngoài cái gốc cây rồi. Lúc bây giờ con mất con.

Rồi một lúc nữa, thì cái cây đó nó khởi lên trong ý của con là phải: “bây giờ cái cây này phải làm ông Phật như thế này, thế khác. Vậy thì ngày mai mình định đi kêu những cái người làm tượng. Những cái người mà họ điêu khắc, họ đến đây để họ đẽo, đục để làm cái tượng này để mà chơi cho đẹp, thế này, thế khác”.

Bắt đầu đó con mới đi kêu ông thợ đến làm, làm rồi thì con phải tính toán cái này, kia, nọ. Bây giờ ông thợ ông làm không vừa ý con, thì con phải buộc ông phải làm thế này, thế này, này, đó là những cái chướng ngại pháp nó tới con rồi. Đó là những chướng ngại pháp thô, từ nó lôi mình nó là cái chướng ngại pháp tế, tế để cho bắt đầu nó khởi sự, từ có cái thiện chứ không có ác đâu, nhưng mà sau đó nó làm chướng ngại nó trở thành ác.

Cho nên mọi vật nó sẽ là chướng ngại pháp trong tâm của mình hết, cho nên khi một người tu rất sợ. Cho nên người ta khi mà khép chân vô người ta tu, trong 7 ngày để người ta hoàn thành được. Sau khi hoàn thành được thì mắt người ta nhìn cây cỏ người ta cũng thấy hết, nhưng người ta làm chủ được. Còn mình nhìn cây cỏ bây giờ mình thấy nó coi chừng nó lôi mình đi vào chướng ngại pháp thật sự. Đó con lưu ý về cái phần đó.

Cho nên thí dụ bây giờ mình tu, khi mà mình chưa tu thì mình phải sống đạo đức, mình phải sống cái đức hạnh của một con người của mình. Để khi các chướng ngại pháp, các pháp mà nó xâm chiếm vô nó lôi mình ra đó, thì lúc bây giờ mình hoàn toàn mình còn có cái trí tuệ của đạo đức thôi. Để mình đương đầu với những cái chướng ngại pháp nó đến, thì nhờ cái đạo đức đó mà nó hóa giải, nó làm cho tâm mình, cái cuộc sống mình được an ổn.

Chứ nếu mình không có đạo đức thì coi như là ai cũng khổ hết, không có người nào là thoát khỏi nó đâu. Nó lôi riết rồi mình dính vô bị khổ tùm lum hết, nó không nhiều thì cũng ít, nó cũng phiền não nhỏ, nó cũng phiền não lớn, nó cũng đùn tùm lum ở trong này. Rồi nó bắt mình cũng phải lo toán, tính nghĩ cái này, cái kia đủ thứ.

(48:32) Thí dụ bây giờ mình thấy cái ông nông dân đó ông cưỡi cái xe ông đi vậy: “Trời cái ông này ông ngu quá! Ông cưỡi cái kiểu này thế nào ông cũng lọt xuống mương quá!”, phải không? Mình nghĩ vậy chứ sự thật ra mình nghĩ lo cho người ta, thì cái lo đó nó cũng làm cho mình động tâm rồi, chứ chưa phải là mình đâu, người ta đó? Mà nó cũng làm cho mình động tâm rồi.

Cho nên vì vậy mà khi tu thì tức là mình biết phải giải thoát cho mình được, để rồi sau khi đó mình nhìn. Đó, bây giờ mình thấy ông cưỡi như vậy là nguy hiểm cho ông rồi, cho nên mình phải tìm cách nào mà ngăn chặn ông, để giúp ông ta ở trong cái thiện pháp thôi. Để ông không ở trong ác pháp, thì như vậy nó chính đáng.

Còn bây giờ mình tu chưa xong mà mình ra lớ quớ chúng đánh mình đó, không được. Nói họ có nghe mình đâu, đó cho nên nó khó. Trong cái thời gian tu, phải tu là thật tu, đừng để tâm phóng bậy bạ, phải không? Mà nó phóng bậy bạ thì lôi nó vô, cứ lôi nó vô: “Mày đang tu chứ đâu phải mày đang ở ngoài đời sao mà mày tính toán chuyện này, chuyện kia được. Bây giờ giờ này giờ tu khác”.

Cho nên tại sao đức Phật lại bảo chúng ta đó, mỗi một tháng chúng ta phải ít ra chúng ta phải có một ngày Thọ Bát Quan Trai, là một ngày mình sống cho mình, đừng có để tâm mình nó chạy lăng xăng như vậy. Đó, rồi mình cứ tập dần, tập dần vậy nhiều năm tháng vậy nó huân thành cái sống cho mình, rồi bắt đầu mình mới thích thú sống như vậy.

Mà sau khi mình thích thú sống như vậy rồi, thì bắt đầu đó mình vô cái nơi nào đó, mình vô cái chùa nào mà chuyên môn người ta hướng dẫn mình cách đúng vậy đó. Thì bắt đầu mình vô đó mình xin cho mình nhập ở đó trong 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, thực hiện cho cái nội tâm mình xong. Lúc bấy giờ đó mình nhập các Định thôi.

Đó cho nên từ cái Thọ Bát Quan Trai nó dẫn cho mình đi đến cái chỗ mà thành tựu được, viên mãn được cái đạo giải thoát, cho nên phải tập như vậy đó.

Mà trong cái ngày đó con thấy 24 tiếng đồng hồ dễ lắm, không có khó gì. Cũng như bây giờ con ở bên đó mà con về bên đây, cái thời gian dài vậy, con chưa có quen thì con mới biết nó dài quá, như vậy nó mệt mỏi. Chứ mà ở ngoài đời con vô trong chùa con tu một bữa con thấy nó khỏe lắm, vì ngoài đời nó động quá, vô này nó an tịnh. Thì do đó mình cứ cố gắng mình có cái pháp mình giữ cái tâm mình đó, không cho nó phóng bậy bạ nữa, thì mình nghe nó thanh thản, nghe nó thích thú lắm!

Mong cho một tháng có một ngày mình đi, đi thực tập mấy bữa vậy mình cũng thấy thích rồi. Do đó cứ lần lần tăng lên 2 ngày, 3 ngày, tuần lễ. Thì sau đó mình thấy mình làm được rồi, tốt rồi thì bắt đầu xin vào mình tu luôn. Mình tu luôn không có nghĩa là mình cạo tóc, mình xuống tóc mình làm thầy chùa đâu, mà mình tu luôn để cho mình thực hiện được con đường giải thoát, xong rồi mình mới quan sát mình thấy có duyên để mà làm một vị sư, để mà độ mọi người thì mình sẽ xin xuất gia. Còn mình không thấy có duyên thì mình trở về ngay gia đình mình độ dòng họ của mình hết, chừng đó mình đủ khả năng mình thuyết phục họ.

9- NGĂN CHẶN TÂM PHÓNG DẬT BĂNG PHÁP HƯỚNG

(51:19) Phật tử Anh Vũ: Như vậy con bắt đầu con dòm ra ngoài này đó, thì nó bắt đầu có sự phóng tâm vi tế rồi đó.

Trưởng lão: Có sự phóng tâm vi tế rồi.

Phật tử Anh Vũ: Nếu mà muốn ngăn chặn cái chuyện đó thì mình làm sao? Phải dùng pháp hướng tâm hay là để mà ngăn cái chuyện mà phóng tâm vi tế như vậy thì con phải làm sao?

Trưởng lão: Con dùng pháp hướng tâm. Thí dụ như bây giờ con ngồi con chơi nè, mà nó ngó ra nó thấy cây cỏ, con hướng tâm con nhắc nó: “Cái tâm định trên hơi thở đi, đừng có phóng dật ra ngoài”, thì bắt đầu nó quay vô nó định giống như con ngồi tu vậy mà nó dễ hơn. Còn bây giờ con ngồi tu, thì bắt đầu con phải ngó xuống, con không có ngó qua, ngó lại cho nên cái tâm nó không theo cái cửa con mắt con mà nó phóng ra. Cho nên nó dễ hơn.

Mà bây giờ con ngồi chơi là nó dễ phóng ra lắm, bởi vì con ngồi chơi con không có khép nó đâu. Nhưng mà khi mà nó phóng ra là lôi nó vô, phóng ra lôi riết vô, con có pháp tu rồi con không có sợ nó. Vì vậy mà cái pháp hướng là luôn luôn tác ý để mình nhắc lôi nó vô đó. Cho nên mình phòng hộ là bằng cái pháp hướng của mình.

Thành ra có pháp rồi không có sợ. Thí dụ như ngồi đây, nó cũng thấy cây cỏ vậy mà nó luôn luôn nó biết hơi thở, là biết là nó thấy chứ nó không có lưu ý ở bên ngoài đâu.

Thí dụ bây giờ con ngồi đây đi, thí dụ con nhìn ra ngoài mà con bảo cái tâm: “biết hơi thở nhen”, rồi con tác ý “biết hơi thở, hơi thở”. Rõ ràng là nó không có lưu ý ở ngoài con, mà hễ nó lưu ý ở ngoài tức là nó chạy ra ngoài rồi, hễ nó mất cái hơi thở của nó đây là nó chạy ra ngoài rồi.

Con cứ thấy hễ bây giờ con ngồi chơi vầy, mà nó không có thấy cái trạng thái thanh thản của nó trong cái hơi thở của nó vậy đó, thì nó ở ngoài. Khi nó ra ngoài thì rõ ràng nó đang nhìn cây cỏ nó đi chơi ở ngoài đó rồi. Nó không có phiền não, nó không có chướng ngại nhưng mà nó bị lôi. Mà nó lôi một chút cái bắt đầu nó có chướng ngại, thế nào rồi các pháp đó nó cũng sẽ lôi nó đi đến chỗ chướng ngại.

Phật tử Anh Vũ: Nó sẽ lôi thêm nữa?

Trưởng lão: Nó lôi thêm con, nó lôi thêm bắt đầu con thấy cái đó “Thấy con rắn, để ra coi!”, tức là nó lôi con đi ra rồi. Con thấy nó lôi lần mình đi ra, chứ nó không phải để cho mình ngồi. Bởi vì bây giờ đâu phải là giờ mình tu đâu, vì vậy cái nó lôi ra.

Cũng như bây giờ con thấy, thí dụ như thấy thầy Chơn Trí đang ngoài kia, ngó thấy thầy đó. Cái bắt đầu nó lôi ra thấy thầy rồi đó, nó lôi ra rồi. Con thấy “cái ông này cuốc cái gì kỳ cục quá để ra coi coi”. Cái bắt đầu nó lôi ra khúc nữa, con thấy nó cứ lôi dần mình ra, rồi ra đó cái bắt đầu cái nó lôi mình ra, thấy người ta làm rồi cái bắt đầu mình nói chuyện.

Đó con thấy quý Thầy bị cái trường hợp đó mà nó lôi ra đó, rồi nói chuyện tức là nó lôi cái chân mình đi ra tới rồi. Thì tới đó là thôi, không chịu dừng lại. Trái lại nó mở miệng nói, nói rồi thôi cãi cọ, nó trật ý với nhau, mà nó đi tới cái chướng ngại pháp rõ ràng. Con thấy Thầy nói đúng không?

Cho nên vì vậy mình người tu đó, mình biết 24 tiếng đồng hồ của mình là 24 tiếng vàng bạc chứ không phải ít. Cho nên phải bắt buộc cái tâm mình nó phải sống cho nó đi, cứ lôi nó vô, chứ không nó lôi mình đi riết mà nó sai. Mà Thầy nói tu đúng như lời Thầy dạy rồi thì 7 ngày là con xong. Cứ tối ngày mình cứ lôi cái tâm mình vô thôi, không có cho nó phóng bậy bạ ra riết là được.

Phật tử Anh Vũ: Vậy là cái lúc mà ngồi chơi thư giãn, thảnh thơi đó thì mình để tha hồ nó lôi mình bao nhiêu lôi?

Trưởng lão: Thì lúc mình xả mình nghỉ, mình biết cái khả năng cái sức của mình nó không có thể nào mà liên tục mà có thể mà bắt buộc nó, mà nó quay vô vậy mình chịu nổi đâu. Cho nên khi mình xả ra nó lôi đâu lôi, nhưng mà cái điều kiện là chấm dứt là không có được tới cái chướng ngại pháp.

Nghĩa là bây giờ, thí dụ bây giờ có con rắn nó bò ngay sân, nhất định là không đi ra coi “nhất định tao không đi đâu”, thấy thì thấy, không đi. Mình ngăn chặn trên cái bước đi, nhưng mà mình ngồi nó thoải mái. Mình nhìn nó thoải mái, nó thư giãn hơn là cái mình bắt buộc cái tâm, cứ bắt buộc cứ biết hơi thở thôi là khỏi cần nói.

(55:14) Chừng nào mà thấy nó biết hơi thở mà nó thanh thản, nó an lạc, tự nó biết đó. Thì chừng đó là mới bắt nó vô hơi thở hoài. Chứ còn con mà bắt nó thì ức chế nó coi chừng, nó chịu không nổi đâu, nó làm cho con cứ sao buồn ngủ. Con ngó vậy chứ con không buồn ngủ đâu, chứ mà con ngó hơi thở con chút buồn ngủ.

Phật tử Anh Vũ: Dạ đúng rồi.

Trưởng lão: Đó, nó không đơn giản đâu, bởi vì cái sức của mình nó tới đó thôi. Cho nên mình thả ra mình cho ngó cho nó thoải mái để cho nó thư giãn. Coi như là mình bắt nó trong một khuôn khổ thời gian nào thôi, rồi mình xả nó tự do đi, “tao cho mày đi chơi đi”. Nhưng mà đi chơi có hạn, chứ không có đi chơi thả cửa được. Đó thì do đó nó đỡ hơn.

Phật tử Anh Vũ: Tức là trong lúc mình thực tập đó, thì mình có thể mình vô ý hay gì đó, hay bất ngờ mình ngó ra. Nhưng mà lúc mình ngó ra đó thì mình phải hướng tâm mình trở vô hơi thở mình liền.

Trưởng lão: Trở vô liền.

Phật tử Anh Vũ: Chứ đừng để nó lôi?

Trưởng lão: Thì chính cái đó gọi là tu đó con, chính cái chỗ mà con lôi nó vô để mà con thực tập con tu, thì cái đó là cái mình đang tu.

Mình tu tức là mình lôi cái tâm mình vào, mình phòng hộ, mình giữ gìn nó là mình tu. Còn khi mình xả ra mình không có tu nữa đó, như mình hạn chế cái trong cái sự rong chơi của nó, không có cho mày chơi thái quá, chứ nó thái quá rồi nó đi đến cái chướng ngại.

Ở đây, quý thầy là tại vì để cho tâm mình nó thái quá, nó thư giãn, nó rong chơi. Mà nó rong chơi nhưng mà nó thái quá. Còn cái người mà biết tu thì người ta cũng cho nó đi ra nó chơi. Cũng như mình cho học sinh nó ra chơi, lớp học nó ra chơi, chơi trong sân trường thôi chứ không có được ra ngoài đường. Còn hễ ra đường là xe cộ nó xảy ra tai nạn, con hiểu không?

Cho nên khi một ông thầy giáo tới giờ ra chơi thì cho học sinh nó ra chơi. Thì mình tu hành mình cũng tới giờ ra chơi thì mình cũng cho cái tâm mình nó ra chơi. Nhưng mà chơi ở trong cái phạm vi nào đâu chứ không phải được mà chơi ra ngoài đường, ngoài xá hay chạy tới ngoài chợ chơi, không có được ở ngoài đó. Đó, như vậy. Ý cái chỗ tu là phải hiểu như vậy thì mình tu mới được.

10- CHƯA ĐỦ SỨC ĐỊNH THÌ NÊN TRÁNH CHỖ ỒN ÀO

(57:16) Phật tử Anh Vũ: Vậy trong lúc mình còn yếu đó, tâm mình còn yếu thì mình có thể là mình tạm nhắm mắt thời gian ngắn hoặc dài. Hoặc là chỗ nào mà tiếng động nhiều quá, âm thanh nhiều quá, mình có thể mình bịt lỗ tai lại, mình dùng cái nút gì đó bịt lỗ tai bớt lại trong lúc mà mình còn yếu được không Thầy?

Trưởng lão: Được, cái vấn đề đó mình để mình tránh, khi mà mình tránh tức là mình đương đầu với những cái âm thanh, những cái tiếng động quá chịu không nổi, mình không đủ khả năng mình giữ tâm của mình. Bị cái tiếng động nó như tiếng hát, hay hoặc là ti vi, radio rồi nó làm động quá. Thì bắt đầu mình phải bít lỗ tai, mình đi tránh xa hơn để mình không còn nghe nữa vì nó động, để giữ cái tâm mình nó dễ thôi.

Còn giờ nó ở trong cái động như vậy đó, mình giữ không được đâu. Cái tâm của mình nó là con thú rừng rồi, nó sẵn dịp mà nó vậy thì coi như nó bứt dây nó chạy mình không có giữ lại nó đâu. Tốt hơn là mình tránh né, tránh né bớt để trong khi mà nó vững rồi, thì lúc bây giờ nó có Định rồi thì mình không sợ nữa.

Thầy nói có Định rồi, thí dụ như mà có Định rồi, những cái hầm mà nước ngập, con ễnh ương nó kêu dữ lắm, nó kêu lớn lắm, mà gần như mình không nghe, ồn lắm. Nhưng mà mình hô một tiếng nói, cái bắt đầu âm thanh nó vắng bặt hết, nó không nghe đâu. Thì như vậy rõ ràng mặc dù là cái âm thanh nó có chứ đâu phải không, nhưng mà tại cái tai của mình giờ nó quay vô nó không nghe nữa, phải không? Cho nên đó là cái người ta có lực rồi, có Định rồi.

Còn mình không có, mình ngồi mình dả tai, biểu “đừng nghe” làm sao nó không nghe? Trời đất ơi! Nó lôi ra tùm lum hết. Cho nên mình chỉ còn có nước tránh thôi, tránh để mình tu, tu cho tới khi mình có lực rồi thì mình đương đầu được.

Phật tử Anh Vũ: Lúc đó hình như là cái âm thanh, với lại cái hình sắc nó vô trực tiếp vô tâm mình giống như là mình rót nước vô một cái bịch.

Trưởng lão: Đúng vậy đó. Y vậy đó.

Phật tử Anh Vũ: Nó vô trọn chứ không có thiếu sót cái gì hết trơn.

Trưởng lão: Nó không thiếu đâu, bởi vì nó lớn quá rồi. Thành ra coi như là mình trút nước đổ xuống cái ly. Coi như cái tâm của mình là cái ly vậy, còn âm thanh nó đổ vô, nó đổ mà nó đổ ở trên cái lực cao đổ xuống.

Phật tử Anh Vũ: Lúc đó là mình không có chống đỡ được gì hết.

Trưởng lão: Không chống gì nữa, chỉ còn có mà tránh khỏi cái chỗ cái giọt nước thôi, chỗ cái thác nước mà đang đổ xuống thì mình tránh, chạy tránh qua chỗ khác thì nó không đổ xuống nữa. Chứ còn không ở đó nó rót hết ở trong chết được mình.

Phật tử Anh Vũ: Vậy bữa nay tất cả những câu hỏi của con là xong. Chị có câu hỏi gì…​

Trưởng lão: Con có hỏi Thầy gì không?

11-DÙNG ĐẠO ĐỨC MỚI DỨT ĐƯỢC ÁI KIẾT SỬ

(59:24) Phật tử 1: Dạ thưa Thầy, mình tu thì làm sao mà đứt được cái ái kiết sử?

Trưởng lão: Phải làm hết bổn phận thì mình mới dứt được nó con. Nghĩa là làm hết bổn phận, thí dụ bây giờ con có con cái, con phải lo cho nó có đôi có bạn, nó có công ăn việc làm, nó có cái đời sống của nó. Con thấy bây giờ tự nó làm sống được hết rồi, nghĩa là con khỏi cần coi như nuôi một đứa nhỏ, con nó còn nhỏ thì con phải lo lắng cho nó từ cái ăn cái mặc.

Còn bây giờ tự nó, nó làm ra được cái ăn cái mặc, nó sống có nhà cửa đàng hoàng, thì đó là con đã bứt ái kiết sử. Đó bây giờ lý luận cách nào con cũng làm bổn phận làm mẹ con cũng xong rồi. Thôi bây giờ nói: “Bây giờ bỏ nó đi tội nghiệp nó”, thì đó là tại con muốn thôi, chứ còn không phải là con đã hết bổn phận của con rồi.

Thí dụ như bây giờ cái bổn phận của con, con có đứa con, con lo cho đôi bạn có công ăn việc làm hết rồi, đó là bổn phận người cha đã xong hết rồi. Bây giờ nó tới cái tuổi của nó là cái tuổi phải tự làm lấy sống, cũng như con bây giờ không có còn cha mẹ. Cho nên vì vậy mà con nghĩ rằng, bây giờ còn những cái phút, cái thời gian nó ngắn quá trong cái tuổi đời con, mà con không bứt ra được cái tình cảm của con thì ai cứu con? Con của con nó không cứu con được đâu! Cho nên vì vậy mà lúc bây giờ con phải tự cứu lấy mình.

Và đồng thời nó biết rằng cái tình cảm của nó cũng thương, nhưng mà mình có cái lời khuyên nó: “Bây giờ con đâu có còn lo cái gì nữa đâu, con không có sợ đói. Bây giờ nếu mà có mẹ thì cũng vậy, mà không mẹ con cũng no đủ như vậy đâu có gì đâu mà con phải lo. Mà con biết là khi mẹ mất rồi, thì con không gặp mẹ đâu. Còn bây giờ mẹ tu, còn có thể là mẹ con còn sẽ gặp nhau đó. Thì bây giờ mẹ tu như thế nào? Mẹ tu đúng con đường chứ đâu phải mẹ mê tín, mẹ cầu khẩn siêu sanh Cực Lạc chỗ nào đâu. Mẹ giải thoát cho được mẹ, mẹ không còn cái nghiệp lực, tức là mẹ không còn khổ nữa. Mà mẹ không còn khổ thì con có hạnh phúc không? Con thương mẹ thì thấy mẹ không khổ thì con phải thương chứ sao. Nhưng mà bây giờ mẹ đi học, mẹ đi tu để làm cho mẹ hết khổ mà tại sao con lại kéo mẹ lại để cho mẹ khổ, như vậy con có thương không?”.

Đó, như vậy con giải thích cho nó nghe, nó rõ ràng. Thì tức là con có những cái giải thích như vậy đó, làm cho nó thấy cái nhiệm vụ nó phải giúp mẹ nó để mà tu hành để cho được giải thoát. Thì cái đó là cái bổn phận của người có hiếu rồi.

Đó thì như vậy là con sẽ thấy là như thế nào? Đó là con bứt ái kiết sử đó con. Cách thức mà con giải quyết như vậy là bứt ái kiết sử. Còn bây giờ mà con con nó có 11-12 tuổi, hay hoặc 15- 16 tuổi, nó còn nhờ con phải nuôi nó cho ăn học, để nên người mà con bỏ đi thì không được, con bứt ngang như vậy là không được đâu.

Hay hoặc là con giao cho một người khác, không được. Trách nhiệm của con làm mẹ con phải nuôi cho tới lớn khôn. Cũng như cha cũng vậy, nuôi cho con mình phải lớn khôn, chứ nói bây giờ: “Có mẹ, có tiền bạc đủ rồi, mẹ mày làm nuôi cũng đủ rồi, tao đi tu thôi chứ tao không có cần. Bây giờ có tao thì tụi bây cũng vậy, mà không tao cũng vậy”, không được. Nghĩa là mình có bổn phận, con mình nó còn nhỏ chứ nó có lớn lao sao? Chắc gì mẹ nó dẫn dắt đứa con này đi đến chốn, đến nơi đâu. Biết đâu chừng mình rời khỏi mẹ nó kiếm ông chồng khác, giờ đây rồi đứa con mình ra sao đây? Mình phải hiểu con!

Cho nên đừng có bứt ngang như vậy được, không có làm cái chuyện đó được, mà phải hết cả hai vợ chồng muốn tu đều là cũng phải thực hiện cái nhiệm vụ trọng trách của mình. Mặc dù bây giờ của cải mình nhiều, nhưng mà con mới 14-15 tuổi là không được bỏ, đó là cái trách nhiệm bổn phận. Tại sao mình biết đào tạo nó ra, ai sinh nó ra, ai đẻ nó ra đây, có phải cha mẹ không? Mà giờ mình lại bỏ ngang, muốn đi giải thoát để rồi con mình bơ vơ vậy?

Cho nên trong cái thời đức Phật chưa có cái đạo Phật, cho nên ông mới bỏ con, bỏ vợ, ông bỏ cha ông đi tu, làm cho những người họ rất đau khổ. Cho nên sau khi ông tu rồi, ông thấy không phải cái điều này,người nào mà xin đi tu là ông cấm chặt.

Nghĩa là chồng cho thì mới được mà chồng không cho không được, mà vợ muốn đi tu thì chồng phải cho mà không cho thì không được, mà chồng muốn đi tu thì vợ phải đồng ý cho chứ không cho không được, mà có con rồi mà con không có muốn cho mẹ đi tu thì mẹ cũng phải chịu thôi. Phải có đạo đức!

(1:03:04) Thì các con biết đó là cách thức bứt ái kiết sử, chứ sự thật ra mình bứt ngang mình vô chùa chưa chắc đã mình bứt được, mình ngồi đây mình mới nhớ con mình. Còn mình làm hết cái bổn phận rồi, mình đi rồi, mình vô trong chùa bắt đầu nó khởi cái lòng yêu thương của mình đối với con mà, nên mình nghĩ: “Bây giờ nó cũng đầy đủ rồi đâu còn gì thiếu đâu, đâu có trách nhiệm”.

Mình có cái trí, cái tư duy của mình, mình luận thì nó hóa giải được cái tâm mình nó yên ổn để mình tu tiếp. Chứ không khéo rồi nó còn nhỏ vầy, mình vô ngồi đó cái bắt đầu, hồi ham tu thì nó quên đi, tới chừng mà vô ngồi yên tịnh rồi đó một tháng, nửa tháng rồi bắt đầu nó nhớ lại, nó mới thấy là trách nhiệm của mẹ bỏ con như vậy không có được!

Đó cho nên vì vậy mà Thầy nói bứt ái kiết sử là mình phải bứt cho đúng cái luật nhân quả, cái đạo đức, thì mình bứt ái kiết sử. Con thấy nó chưa? Phải tập cho vững. Như mấy đứa con con nó lớn hết rồi phải không con?

Phật tử 1: Thưa Thầy thằng lớn 20 tuổi.

Trưởng lão: Như vậy là tốt rồi đó con, kể như là nó cũng nên người, có công ăn việc làm rồi mấy con sẽ bứt đi được, tu được. Mà Thầy tin là mấy con tu là tụi nó sẽ ủng hộ, nếu nó biết nó ủng hộ. Thí dụ bây giờ các con ở đây tu tập, nó thỉnh thoảng nó lên nó thăm mẹ nó, nhưng mà khi mà độc cư thì nó cũng chỉ thăm, cái lòng của nó thăm. Nhưng mà nó đến đây nó hỏi thăm Thầy: “Là mẹ con mạnh giỏi?”, thì Thầy nói: “Mạnh khỏe!”, thì nó an tâm nó về, nó không cần gặp con, nó không cần thấy mặt, để cho mẹ nó yên tu mà.

Còn bây giờ, khi đó thì Thầy nói với con: “Con của con nó mới có lên thăm con nè! Thì nó biết con mạnh khỏe, tụi nó cũng mạnh khỏe, tụi nó làm ăn cũng khá lắm!”. Thì con nghe con mừng phấn khởi, con mình cũng yên ổn, phải không? Rõ ràng là tình nghĩa mẹ con không bao giờ cắt đứt chỗ nào hết, nhưng mà chúng ta lại tu dễ dàng.

Thầy chỉ là một người thông tin thôi, thông tin là cho biết rằng: “Mẹ tụi nó ở đây tu hành được yên ổn, mạnh khỏe không có sao hết, có gì Thầy báo cho mấy con biết”. Thì nó an tâm nó về, nó thấy an ổn lo làm ăn thôi, không có gì hết. Còn con Thầy vô báo là: “Tụi nó lên đây nó cho Thầy biết là tụi nó làm ăn cũng khá, thịnh vượng, không có gì, không có tai nạn gì hết, rất tốt, tụi nó đứa nào cũng mạnh khỏe”. Cho nên con mình nó vậy thì mình mừng quá, mình chỉ còn có chuyên tu thôi, phải không?

Thành ra nó đâu có cái gì mà gọi là nó làm cho con khổ đau đâu. Con nghe được cái tin đó con mừng quá, con lại nỗ lực tu hơn nữa. Cứ như vậy mà sách tấn nhau, mà đường đời với đạo sách tấn nhau để đi đến cái đích cuối cùng của một người chuyên tu, cái chỗ đó.

Cho nên con biết cái hồi mà Thầy ở trên Hòn Sơn, thì cái điều kiện mà Thầy, có cái duy nhất là Thầy nhớ mẹ Thầy thôi, nhưng khi mà Thầy ở gần mẹ Thầy tu rồi, bữa nào bà cũng bưng mâm cơm Thầy không còn nhớ mẹ nữa, cho nên yên tâm mà tu. Con thấy nó đâu còn ai đâu, mình đâu còn thương nhớ ai nữa đâu. Mà bây giờ đã cứ ở gần bên mình rồi mình đâu còn thương. Cho nên mình cứ chuyên tâm mình tu, tu riết được.

Còn ở trên Hòn Sơn một mình thì thanh vắng lắm đó, nhưng mà nó cứ nhớ mẹ. Tại sao? Bởi vì mình không có ai hết, giờ còn có người mẹ. Cha mất rồi, còn có người mẹ làm sao không nhớ? Cái tình thương duy nhất của mình mà! Rồi lại nó còn nhớ: “Không biết cô Út cô có lo cho mẹ mình đầy đủ không? Cô là gái, nghĩa này kia đồ…​”. Thì cũng làm cho tâm mình bận rộn, nó cũng thỉnh thoảng nó nổi lên, mình thấy không yên được. Càng ở thấy cái chỗ này sao cái tâm mình nó còn lộn xộn quá: “Không biết ở nhà mình ra sao, mẹ mình ra sao, giờ giặc giã như thế này ra sao đây”? Thầy mới nghĩ: “Thôi giờ mình cứ về đó mình xin mẹ mình nấu cơm cho mình ăn, chắc mình ngồi đó chắc là yên tu”. Mà đúng, yên thật!

Cho nên thí dụ như bây giờ ở nơi con, con không có chỗ để yên tu, con lên đây con tu. Thì con con lên thăm Thầy báo cho con biết, phải không? Rồi bắt đầu Thầy báo cho tụi nó biết con, rồi con biết qua cái trung gian của Thầy đây, làm cho con an tâm, rồi tụi nó cũng an tâm lo làm ăn. Thỉnh thoảng nó về nó thăm, nửa tháng, một tháng nó về thăm. Nó làm cho con sống thấy, mình cũng như mình sống ở trong cái đại gia đình, nó không có cái gì mình bận tâm nữa, do đó mấy con sẽ tu được.

Thầy nói thiệt ra, Thầy còn sống Thầy giúp cho mấy con tu, không bao giờ mấy con tu không tới đâu. Nhưng mà có điều kiện là mấy con cô đơn mấy con chịu không nổi, mấy con tu không nổi thôi, chứ mấy con sẽ tu được.

(1:07:18) Phật tử 1: Dạ thưa Thầy! Con ở đây mấy ngày, con thấy cái chùa mình cũng như có một cái tình thương gì nó kết đoạn từ hồi nào giờ, con thấy con bị nó dắt, mà nó nghĩ rất xa…​ ?

Trưởng lão: Bởi vậy Thầy nói, Thầy có một cái cơ sở heng, thì vô đó nó không có được. Thầy nói Thầy có, Thầy tổ chức cơ sở nó riêng nó, cái phòng khách nó riêng. Thì cái người mà tiếp khách người ta sẽ liên hệ cho những cái người thân ở trong gia đình biết. Những người thân ở đây tu hành, người ta phải nói, báo cáo cho nó rõ ràng, rồi bắt đầu từ đó về thôi chứ còn khi mà vào đây tu, thì con cái này kia người ta đã nói cho biết trước cái chương trình hết, cái sự tu tập ở đây rồi, do đó nó thông hết rồi.

Còn bây giờ thât sự ra Thầy chưa có thông báo được cái điều này. Cho nên vì vậy tụi nó vào đây nó chờ để gặp con, để nó tâm sự, cũng như là bao cái chuyện gì ở ngoài đời, bao giờ nó cũng có cái chuyện khổ con. Nó chờ để nó trút đi cho mẹ nó chút, cho nó nhẹ xuống chút, mà nó lại ai dè nó đổ cho mẹ nó tu không được.

Đó là như vậy, cho nên Thầy hiểu lắm con. Nhưng mà bây giờ Thầy chưa có làm xong, chứ Thầy nói thật sự Thầy viết cái bộ sách Đạo Đức Làm Người xong rồi Thầy rảnh, Thầy không có viết sách, viết kinh gì nữa, Thầy sẽ đào tạo con người, người nào mà muốn tu, Thầy đào tạo, Thầy làm trung gian, Thầy liên hệ với gia đình. Rồi Thầy báo cáo tình hình, để cho mấy con yên tâm ở trong này mấy con tu, Thầy dẫn dắt tới nơi tới chốn.

Phật tử 1: Con thấy con lên đây là con cũng bị cái chướng ngại đó hết!

Trưởng lão: Đúng đó con, cái nghiệp, nó là cái nghiệp, mà không có cái chỗ mà có thể mà hoàn chỉnh, để mà Thầy dẫn dắt mấy con, để mà hóa giải được cái nghiệp, cái nghiệp là chuyển chứ đâu phải không. Nhưng mà tại mình không biết cách chuyển thôi.

Phật tử 1: Dạ thưa Thầy, kiểu như chuyển từ cái ác sang cái trước đó thì…​

Trưởng lão: Thay vì bây giờ con chưa có tu thì cái nghiệp đó nó từ từ nó đến, chứ nó không có vội vàng đâu. Nhưng mà con khép vô tu cái bắt đầu nó đến để nó lôi con ra, cái nghiệp nó kỳ cục lắm con. Mình tu tức là mình giải thoát chứ gì? Nó không có để cho mình yên giải thoát, cái nghiệp bao giờ nó cũng muốn, mà đức Phật gọi là ma vương đó. Nó bao giờ nó cũng muốn lôi mình ra cái ác pháp, chứ nó không để cho mình được yên tu đâu.

Cho nên hồi con chưa có tu thì con thấy nó thỉnh thoảng thì nó cũng đến những cái tai nạn, cái này cái kia, bệnh tật hay cái gì nó cũng khổ. Nhưng mà nó không có như vậy, hễ bước vô mình ráng tu thì bắt đầu nó đổ ra hoài, nó đổ ra tùm lum ở ngoài đó, để rồi bắt đầu nó làm cho mình động đặng cho mình tu không được. Cái đó là cái kêu là, đức Phật nói là ma vương đó, nó đến để làm cho mình, nhưng mà khi đó mình bền chí, nhờ một cái vị thầy người ta trợ giúp cho mình, người ta khuyên lơn, người ta an ủi cho những người ngoài họ vững tâm không có bị động rồi, thì cái người trong nó mới được yên.

Thì cái người trong mà được yên rồi thì tức là mình chuyển đó, mình chuyển, thành ra nó dồn dập những cái nghiệp lực đó để cho nó làm động. Rồi bắt đầu bây giờ nhờ cái sự mà chuyển hóa của vị thầy nó giúp đỡ cho, cái lực của vị thầy giúp đỡ cho gia đình của mình được yên, rồi bắt đầu mình được an ủi, mình được an ổn được, rồi bắt đầu mình tu mình mới ở trong cái thiện pháp thanh thản, an lạc, nó mới chuyển từng cái nhân quả.

Bắt đầu thấy 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 5 tháng sau, gia đình của mình nó không có xảy ra tai nạn, nó không có dồn dập những cái chuyện xấu nữa, mà được tin thì nó tốt hết.

Mới đầu thì mấy con vô, chuyện gia đình của mình đó hồi nào tới giờ yên, sao tôi vô tu cái sao mà nó đổ, con nó chuyện này, chuyện kia nó đủ thứ, nó phát ra nó bệnh đi nằm nhà thương rồi. Trời nghe con mà đi nằm nhà thương là mình rần rần, con thấy chưa? Đó là những cái nhân quả nghiệp.

12- SẮP XẾP CÔNG VIỆC TRONG TU VIỆN

(1:10:45) Phật tử Anh Vũ: Con thấy cái người mà làm cho người khác tu đó, thật là cái từ bi nó không thể nào tưởng tượng nổi. Ở đây chỉ có mình Thầy với cô Út với mấy cô đó, mà một cái Tu viện lớn như vầy, có bao nhiêu là cái cốc, mà mỗi cái cốc có phòng tắm riêng, xây từng viên gạch, rồi in sách, rồi tiếp khách, rồi nấu cơm, rồi làm những chuyện đó, mà làm sao mà làm nổi. Mấy chuyện đó thật là khủng khiếp.

Trưởng lão: Đúng là cái việc làm cũng dữ lắm. Coi như mà làm lơ mơ thì coi như là làm không xuể. Nhưng mà vậy Thầy càng thấy thương, Thầy viết sách rất nhiều con. Nếu mà trong cái điều kiện người ta tu hành cho tốt thì mà người ta tu hành cho tốt, thì Thầy không có bận cái công việc viết kinh, viết sách này, không có bận cái việc in kinh sách. Cả từ khi mà soạn thảo cho thành cuốn sách, cho đến in thành cuốn sách hoàn toàn chỉ có một mình Thầy thôi.

Còn phụ đánh vi tính thì được có cái bác sĩ Trí, rồi bữa nay thì cái chú kia chú đánh phụ rồi, thành ra nó đỡ cái phần đó, còn cái phần mà trang trí, phần mà kiểm lại cho nó thành cái trang sách, thì hoàn toàn là Thầy tự làm hết.

Phật tử Anh Vũ: Thầy làm hết?

Trưởng lão: Thầy làm nhiều. Rồi tới in cái bìa sách, tới dán cái bìa sách Thầy cũng làm hết. Thầy nhờ mấy chú kia xén, chứ còn Thầy xén thì cái dao nó nặng quá Thầy xén không nổi. Nhờ mấy chú kia nó có sức mạnh nó mới kéo cái cần dao. Coi như ở đây, coi như mình làm ra hoàn thành cuốn sách luôn.

Phật tử Anh Vũ: Con hỏi vấn đề nữa được không Thầy? Coi như con với vợ con thì hay đi cái Thiền viện ở bên Mỹ đó, ở cái chỗ đó là từ xưa đến giờ cũng có mấy chục người. Mấy chục người mà thanh niên khỏe mạnh làm hùng hục, làm suốt liên tục như vậy đó, thì cái sự nghiệp nó mới vững nổi.

Khi mình làm như vậy đó thì không còn gì để tu hành hết trơn. Tới chừng mình làm quen đó, mình nói mình xuống dưới mình ngồi thiền thì coi kỳ lắm. Tại vì mình ngồi thiền trong khi những người khác người ta làm hùng hục đó, thì mình thấy kỳ. Nên cuối cùng là hai vợ chồng lại ngại không có dám xuống nữa. Bởi vì hễ xuống thì phải làm chứ không có tu hành gì nữa.

Trưởng lão: Đúng vậy, mọi người người ta đều làm hết mà riêng mình, mình xuống mình ngồi mình tu không thì nó kỳ. Còn ở đây, con thấy con về đây mọi người người ta tu, Thầy chỉ còn có một số người chút ít thôi, điều động để mà lo cái đời sống ở đây thôi, cái Phật sự ở đây thôi.

Đối việc ở bên ngoài nhà nước, chính quyền thì có cô Út cô lo mọi mặt ở bên ngoài, cơm nước cô lo, chợ búa cô lo hết, rồi thậm chí như về phát hành kinh sách cho người này, người kia thì cô cũng lo hết. Còn Thầy thì chỉ dạy rồi hướng dẫn, rồi viết kinh sách, rồi in ấn.

Phật tử Anh Vũ: Con thấy có trí tuệ dữ lắm mới làm hết được những chuyện như vậy, một cách dễ dàng như vậy.

Trưởng lão: Để giúp cho mọi người khác để tu, nhưng mà Thầy thấy cái…​

HẾT BĂNG