Skip directly to content

D.- ĐỊNH THƯ GIẢN (XẢ TÂM)

Giới Thiệu

Mục đích của đạo Phật là tâm hoàn toàn xả. Xả tâm là phải tùy thuận với hết mọi hoàn cảnh, mọi sự việc dù trái ý nghịch lòng. Cho nên “Cái gì cần hiểu phải hiểu cho thông suốt” , đừng có hiểu nửa chừng.

Trước tiên muốn xả tâm là phải nhận thức cho được, có nhận thức được thì mới bắt đầu thấy tâm mình xả. Bởi vậy đức Phật nói tri kiến tức “trí tuệ” là cần thiết cho con đường tu tập của đạo Phật.

Điểm quan trọng nhất của người tập luyện tâm bất động của Định Bất Động Tâm là pháp xả tâm trong giờ nghỉ giữa hai pháp tu. Tập luyện thì phải có giờ nghỉ chứ đâu tập luyện hoài được. Trong khi tập luyện các pháp môn khác là để được tĩnh giác, được định tỉnh. Nhưng không khéo tập luyện sẽ bị ức chế. Chính giờ nghỉ giữa hai pháp tu là giờ quan trọng. Trong giờ nghỉ, tâm khởi lên niệm gì, thí dụ muốn nói chuyện, muốn làm cái này cái kia thì nhất định không làm theo nó. Thí dụ thấy rác hay cỏ mọc đâu đó liền khởi lên ý muốn quét rác hay nhỗ cỏ thì nhất định không làm. Hễ nó sai bảo gì thì đừng làm. Chính đó là xả tâm, là pháp Xả Tâm.

Cái tâm khởi lên sai bảo làm này làm kia mà mình không theo. Nó bảo gì mình cũng không làm: “Giờ này ta đang tập luyện, nhất định không làm gì hết”. Cái tâm nó cứ kiếm chuyện sai sử, mình nói: “Ta biết cách tập luyện rồi, mày không sai sử ta làm gì được nữa”. Cuối cùng, khi nó không sai bảo được mình phải làm cái này cái kia, không khiến nghĩ này, nghĩ nọ là mình phá sạch các dục . Tâm sạch hết các dục, các lậu hoặc thì tâm thanh tịnh.

Thời nào cũng đẩy lui chướng ngại pháp. Tất cả các thời khóa biểu mà đức Phật đã để lại đều nhắc nhở, đều dạy “đẩy lui các chướng ngại pháp”. Cái tâm suy nghĩ, sai sử chính là chướng ngại pháp. Mình cứ đẩy lui những cái này đi, nó làm cho mình không vô sự. Còn những pháp tập luyện này kia chỉ là những pháp phụ (Trợ Bồ Đề).

Tập luyện những cái kia mà không biết cái này chánh thì bị ức chế. Trong giờ tập luyện các pháp thì ôm pháp, nhưng khi ra khỏi pháp, xả nghỉ trong thời gian chuẩn bị tập pháp khác mà bị nó sai đi quét rác, hay làm này làm kia mà làm theo là tập luyện bị ức chế. Cho nên phải nhớ giờ thư giản chính là giờ xả tâm. Thấy được vậy, làm được vậy thì con vô thất tập luyện dễ. Còn không thấy được vậy thì vào thất cứ làm lặt vặt, làm cho khuây khoả, dù trong thời khóa hay ngoài thời khóa, thì đó là phóng dật. Và khi không xả tâm như thế thì chừng vô tập luyện pháp là ức chế, không làm sao khỏi bị ức chế, mà đã ức chế thì 7 Giác Chi không thể xuất hiện được.

Ở trong Tu Viện, thỉnh thoảng người nào đó tạo ra hay xảy ra việc này việc nọ là cơ hội tốt để cho các con xả tâm, nếu các con không biết thì không xả tâm được. Những cái tạo ra đó chính là điều kiện, là những hướng để cho các con xả tâm cho thật sạch. Khi đã xả sạch rồi, các con bắt đầu được tĩnh giác thì rất dễ ôm pháp, không còn khó khăn nữa. Nếu không xả tâm mà ôm pháp thì sẽ ức chế tâm, còn xả tâm hết mới ôm pháp thì sẽ nhập được các tầng định li dục li ác pháp .

Trong kinh dạy đủ hết mọi điều kiện, nhưng có sống, có tập luyện mới hiểu được kinh.

Theo Thầy thấy thì thật sự không cần phải tập luyện pháp gì khác mà tối ngày giữ mình là người vô sự, không làm gì hết, cứ ngồi mà xả tâm thôi . Niệm gì khởi lên cũng xả hết, riết rồi mình có cái lực khiến cho đủ cả 7 Giác Chi xuất hiện.

Đó là điều quan trọng nhất của đời người tập luyện. Thầy gọi là xả tâm, còn đức Phật nói là  “Đẩy lui chướng ngại pháp ”.

Đó là Thầy dạy cho người có quyết tâm tập luyện cho nên trong khi tập luyện cần phải thưa thỉnh để hiểu rõ pháp, tập luyện đúng.

Cách giữ tâm vô sự

Cách giữ tâm vô sự hay thư giãn thì điểm quan trọng cần biết là mỗi niệm khởi lên đều mang theo tính chất sai bảo làm, hoặc không có tính chất sai bảo làm. Trong giờ đang tu, con phải nhớ là khi niệm nào sai bảo làm gì thì nhất định không làm. Không làm theo niệm khiến làm tức là li dục. Niệm muốn mình làm tức là niệm có dục, mà nhất định không làm là li dục. Thí dụ con đang ngồi thư giản mà mắt thấy có màng nhện, liền khởi ý muốn quét màng nhện đó. Khi khởi ý lên thì đồng thời con muốn đứng dậy đi làm ngay. Niệm muốn quét và niệm muốn làm liền là niệm sai bảo. Đó là phóng dật, đó là niệm dục. Bây giờ con biết như vậy thì không làm. Không làm là li dục, là không bị phóng dật.

Thư giãn thì phải trở về cái bình thường của nó nhưng không được ở trong ác pháp. Nó sai bảo mình làm gì thì không làm theo. Đó là li dục. Chỉ có vậy thôi. Phải nắm cho vững cái này. Pháp Thư Giãn cũng là một pháp chứ không phải thư giãn là nằm duỗi tay duỗi chân rồi tập trung trong hơi thở mà cho đó là thư giãn. Không được làm vậy. Cho nên nếu thư giãn đúng, khi xả ra cơ thể trở về bình thường, khoẻ khoắn, rồi bắt đầu vô tập luyện lại mới thích pháp tập luyện.

Cần phân biệt niệm dục và niệm “tào lao”. Niệm “tào lao” là niệm không sai bảo mình làm gì hết. Thí dụ con nhớ bạn bè hay những tư tưởng này kia thì điều đó không quan trọng; chỉ có niệm sai bảo con làm gì thì đó mới là niệm dục. Nó làm cho con không còn vô sự. Trong giờ thư giãn, không có niệm gì hết là tốt. Cứ để cho nó không niệm. Còn khi có niệm thì con phải suy xét coi để phân biệt niệm nào là niệm dục. Trong kinh Song Tầm, mỗi khi tầm ác hiện ra thì dùng một trong năm cách đã được Phật dạy trong kinh để đẩy lui, để xả, để đưa lại sự thư giãn cho được, chứ không phải đưa lại sự biết hơi thở hay biết bước đi. Phải nắm cho vững điều này mới tập luyện Định Thư Giãn được.

Định Thư Giãn hay Tâm Vô Sự nên thực hành tập luyện xen kẽ với các pháp môn khác để tránh bị mệt mỏi hay bất an trên cơ thể. Với đặc tướng của vài người, có thể không xen kẽ cũng được. Nhưng cần xen kẽ vào để tâm nghỉ ngơi, giảm bớt sức căng của thời gian tập luyện các pháp môn kia. Nếu tập luyện liên tục các pháp có xen kẽ định Thư Giãn vào được thì dễ tiến bộ hơn.

Tóm lại, tập luyện Định Thư Giãn thì phải khéo léo để thân tâm trả về trạng thái bình thường của nó là đúng, đừng để bị lôi vào trong các pháp khác. Khi bị vậy thì phải lôi nó trở về, cho nó thư giãn ra.

Cách Thực Hành Tu Tập

Tuy Định Thư Giãn cần được tu tập khi dụng công tu nhiều làm cho thân tâm mỏi mệt, sanh ra lười biếng, trí óc không còn sáng suốt. Nhưng con cũng nên tu Định Thư Giãn trong lúc tâm bình thường, nghĩa là lúc bình thường tâm không tán loạn, không mất tĩnh giác, không nửa tỉnh nửa mê, không bần thần lười biếng, thì dùng pháp hướng tác ý khi đi kinh hành cũng như trong lúc ngồi: "Tâm phải sáng suốt như ban ngày, tâm phải thanh thản, vô sự".

Hoặc thư giãn khi ngồi, con nên ngồi thoải mái, hai chân duỗi thẳng dài ra, hai tay buông thỏng, thả nhẹ xuống, các cơ trong thân không được gồng, tinh thần không được suy nghĩ và tập trung nơi nào cả, chỉ để nó tự nhiên theo tự nhiên của nó. Khi cảm giác thân tâm buông thả mới tác ý hướng tâm: “Toàn thân và tâm đề an tịnh, tôi biết tôi đang thư giãn”. Xong, để thân tâm tự nhiên thư giãn và cảm nhận có an tịnh. Kế tiếp, con lại như lý tác ý nữa:
- “Các cơ trong thân thư giãn, buông xuống, không được gồng; thần kinh trong thân đều thư giãn hết”.
- “ Thân tâm phải thoải mái, nhẹ nhàng, thanh thản, an lạc và vô sự”.
- “Đầu óc phải thư giãn, không được tập trung chỗ nào hết, phải tự nhiên, hồn nhiên với vạn pháp”.

Đó là những câu như lý tác ý và hướng tâm để thư giãn. Trong suốt giờ thư giãn, thỉnh thoảng con nhắc lại câu pháp hướng đó để giúp cho thân tâm nhẹ nhàng thoái mái cho đến hết giờ thư giãn. Con nên nhớ mà tu tập đừng nên biếng trễ.

Nếu khi đã bị ngủ gục, bị ngủ mê, mất tĩnh giác, nửa tỉnh nửa mê thì đừng ngồi nữa mà hãy đứng dậy đi kinh hành và dùng pháp như lý tác ý:
- "Tâm phải tỉnh thức, sáng suốt đêm cũng như ngày".
- "Tâm phải tỉnh táo như ban ngày".
- "Tâm phải sáng suốt như ánh mặt trời".

Ở đây, con dùng câu như lý tác ý, ra lệnh cho các cơ và thần kinh thư giãn.

Khi thư giãn, mặc dù con thấy tâm vẫn sáng suốt mà cơ thể cứ buồn ngủ, đó là thư giãn trong trạng thái mê mờ do bởi tập luyện nhiều quá, trên sức chịu đựng nên khi thư giãn mới bị lặn vào trạng thái mê mờ vì buồn ngủ này. Tập luyện ít lại thì sẽ vượt qua. Khi tập luyện vừa với sức, ngồi lại thư giãn, tác ý thư giãn thì sẽ rất tỉnh. Vậy con nên giảm bớt giờ tập luyện lại, tăng giờ thư giãn lên.

Trong khi ngồi thư giãn mà buồn ngủ thì nên đứng dậy đi tới đi lui cho tỉnh. Thư giãn cũng là giờ tập luyện chứ đâu phải giờ ngồi chơi. Khi tập luyện các pháp thì tâm bám vào các pháp tập luyện. Khi ngồi thư giãn mà thiếu tác ý xả thì tâm vẫn còn bám vào các pháp lúc tập luyện. Phải tác ý xả để thân tâm trở về trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn thì không ức chế. Không phải ngồi lại thư giãn, thấy hơi thở vô ra mà cứ tưởng là tốt. Không phải vậy.

Định Thư Giãn hơi khó thực hành vì khi ngồi yên lặng thì tâm thường gom vào hơi thở, còn nếu đang đi thì nó lại gom vào bước đi. Làm sao để nó không gom về hai cái đó. Khi đi thư giãn thì phải tác ý tâm đừng tập trung tâm dưới bước chân mà nhìn cái này cái kia nếu đi trong thất, còn đi ngoài trời thì nhìn cây cối, trời mây (nhưng đừng nghĩ suy về những cái này). Đừng tập trung nhìn dưới bước chân, cũng đừng lưu ý hơi thở. Đi như người vô sự. Thư giãn thì trở về trạng thái như khi không tập luyện gì hết. Tác ý để cơ bắp, thần kinh lơi ra, thư giãn ra.

Thư Giãn thì phải làm như mình không biết tập luyện là gì hết, phải xả ra. Thư giãn là nghỉ ngơi, phải để thân và tâm hoàn toàn nghỉ ngơi. Phải tác ý cho nó xả, chứ không thì làm như tập luyện mà không có thời gian nghỉ ngơi. Không đúng. Sẽ đi đến chỗ ức chế tâm. Phải tác ý thư giãn, tác ý để không bị kẹt vào các pháp tập luyện khác. Tập cho nó lìa ra khỏi các pháp để nó nghỉ ngơi. Nghỉ thì ra nghỉ; tập luyện thì ra tập luyện. Không phải nói thư giãn là thư giãn được liền đâu. Phải tập thư giãn.

Nói chung thư giãn thì không tập trung trong pháp, phải trở về cái bình thường, cũng không được ở trong ác pháp.

Tuy trong kinh Nikaya Đức Phật dạy phải tưởng tâm sáng suốt như ban ngày, sáng suốt như mặt trời, v.v... nhưng theo kinh nghiệm của Thầy hiểu lời dạy này là một loại thiền định thư giãn các cơ và thần kinh trong thân, nên Thầy gọi là Định Thư Giãn. Định Thư Giãn  tức là phương pháp thư giãn của Đạo Phật , giúp thư giãn thân và tâm, khiến cho các cơ và tinh thần không còn căng thẳng, mỏi mệt sau khi tập luyện các pháp.

Biết được công dụng của định này, do đó mỗi khi tu tập một loại định nào xong, con đều dùng Định Thư Giãn để thư giãn, nhờ đó liên tục tu tập mà thân tâm không thấy mỏi mệt, không mất tĩnh giác. Trái lại, càng tu càng tỉnh thức và càng sáng suốt, càng tu càng thích thú và ưa thích ham tu hơn, càng tu càng thấy tâm hồn thanh thản an lạc và giải thoát rõ ràng. Vừa tập luyện xong Định Niệm Hơi Thở thì qua tập luyện Định Thư Giãn để có thời gian nghỉ ngơi, tiếp tập luyện Chánh Niệm Tỉnh Giác, rồi Định Thư Giãn lại. Như vậy là tập luyện liên tục, không nghỉ. Nghỉ là tập luyện Định Thư Giãn, giữa hai pháp kia cần xen Định Thư Giãn vào giữa. Cách thức thư giản không phải dễ thực hành đâu, coi chừng bị ức chế mà không hay.

Nếu con không biết thực hành loại Định Thư Giãn này thì dễ bị ức chế thân tâm và nếu ức chế thân tâm quá độ thì dễ sanh ra bệnh tật, rối loạn thần kinh, hay điên khùng mất trí.

Tóm lại, cách thức tu Định Thư Giãn là dùng pháp Tác Ý thư giãn các cơ trong thân cũng như thư giãn thần kinh, khiến cho các cơ và thần kinh buông xuống không còn một chút xíu dụng công và ức chế nào, nên thấy cơ thể và tinh thần nhẹ nhàng thoải mái. Khi thư giãn đúng vậy thì sẽ cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng an lạc, thoải mái vô cùng.

Định Thư Giãn sẽ giúp cho tâm mau chóng tĩnh giác, để luôn luôn ở trong chánh niệm nhờ đó mới ly tham đoạn ác pháp. Có ly tham đoạn ác pháp thì mới nhập được Thiền định và chứng đạt Ba Minh.

Nếu không có Định Thư Giãn thì tu hành sẽ rơi vào pháp ức chế tâm, và vì vậy sẽ chỉ nhập định tưởng, sẽ rơi vào tà đạo.

Định Thư Giản Là Tiền Thân 4 Niệm Xứ

Muốn tập luyện 4 Niệm Xứ thành công thì giai đoạn đầu phải tập luyện pháp Thư Giãn này cho có căn bản. Bước qua giai đoạn hai của 4 Niệm Xứ là quét sạch chướng ngại pháp trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp và qua giai đoạn ba là pháp Thân Hành Niệm.

Lúc này con đang tập luyện tĩnh giác ở giai đoạn đầu có nghĩa là tập luyện thư giãn, không được gom tâm vào đâu. Giai đoạn tập đầu tiên này gọi là Định Thư Giãn, nói đúng thì đây là tập luyện 4 Niệm Xứ trên 4 niệm xứ, nhưng gọi là Thư Giãn vì tập luyện các pháp như Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu, Định Chánh Niệm Tĩnh Giác, quá căng thì thư giãn cho thần kinh bớt căng. Thư giãn là tiền thân của 4 Niệm Xứ trên thân quán thân để khắc phục tham ưu. Cho nên khi thần kinh căng, thì thư giãn là pháp khắc phục tham ưu.

Theo phương pháp của Phật, đây là giai đoạn phổ thông cần được tập luyện, để sau khi đến chuyên sâu, vào 4 Niệm Xứ thật sự thì đã có cái căn bản phổ thông này rồi. Định Niệm Hơi Thở là chuẩn bị cách thức để phá chướng ngại trên 4 chỗ thân thọ tâm pháp. Định Vô Lậu cũng là cách thức chuẩn bị để đối phó với chướng ngại trên thân, thọ, tâm, pháp. Thí dụ như con quán tưởng thân bất tịnh để khi luyện 4 Niệm Xứ, nếu trong tâm khởi niệm sắc dục mà không biết cách nào đối trị thì nó làm mình bị chướng ngại. Khi đó phải dùng tưởng quán thân bất tịnh, quán thực phẩm bất tịnh, quán mùi thối hôi (các lãnh vực của Định Vô Lậu). Nghĩa là ta đã được trang bị hết sức đầy đủ. Ba pháp đầu tiên, Định Vô Lậu, Định Niệm Hơi Thở, Định Kinh Hành Tĩnh Giác, là những định trang bị mà Định Thư Giãn là thế chuẩn bị cho giai đoạn đi sâu hơn về sau này. Nó là tiền thân của 4 Niệm Xứ.

Tóm lại, giai đoạn đầu tiên tập luyện Định Thư Giãn thì tập chung chung như thế cho biết để sau này tập tới giai đoạn hai là 4 Niệm Xứ trên 4 niệm xứ mới dễ. Khi bước qua tu 4 Niệm Xứ tức là tập luyện tỉnh thức có nghĩa là “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu” thì ở trên đó quét sạch chướng ngại pháp trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp.

Xả Tâm Trong 4 Niệm Xứ

Xin xem trong sách “Bậc Ba Minh Dạy Tu Tỉnh Thức Chánh Niệm”


2 Xem thêm tập 1 Đường Về Xứ Phật để biết rõ “Cái gì cần hiểu phải hiểu”

3 Kinh Thân Hành Niệm dạy “Các niệm và tư duy về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh”. Xả tâm chính là xả các niệm và tư duy về thế tục, là pháp ác. Tâm chỉ còn pháp thiện.