Skip directly to content

CĂN BẢN TU TẬP ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ

1.- Nhiếp Phục Tâm Và An Trú Tâm Vào Hơi Thở

Giai đoạn đầu, con tập luyện Định Niệm Hơi Thở thời gian ít, chỉ 5, 10 phút thôi, đừng lâu, lâu hơn là ức chế. Trong khi 5, 10 phút đó phải tập thật kĩ, biết thật rõ ràng từng hơi thở để an trú cho được trong hơi thở, tức là nhiếp phục được tâm trong hơi thở. Bắt buộc chế ngự “trói” tâm vào trong hơi thở vô, hơi thở ra. Vận dụng hơi thở như thế nào để phù hợp với cơ thể của con, đừng để mệt nhọc (thiếu oxy); phải như cách thức của người quay chỉ, không quay nhanh quá hay chậm qua để sợi chỉ không quá săng hay chùng lơi. Làm sao khéo léo sử dụng hơi thở đúng với cơ thể.

Theo đúng lời Phật dạy mà thiện xảo như vậy thì chắc chắn sẽ an trú được tâm trong hơi thở. Chỉ cần an trú 5 phút thôi là thành công rồi, không cần lâu tới 10 phút đâu.

Sau khi đạt được 5 phút nhiếp và an trú tâm rồi thì đứng dậy đi kinh hành vòng vòng chơi để xả tâm độ 5 phút rồi vô tập luyện tiếp 5 phút khác. Chỉ mỗi lần 5 phút thôi, đừng tập nhiều. Tập nhiều nguy hiểm vì kéo dài thời gian là bị ức chế mà ức chế thì dễ bị lọt vào tưởng, bị mất ý thức, bị buồn ngủ, ngủ gật. Cho nên chưa có hiện tượng cơ thể xẩy ra tưởng thì con đã đứng dậy đi rồi. Đó là con điều khiển hơi thở như người xe chỉ.

Có vậy thôi, không gì khác. Việc này tất cả các con đều làm được. Chỉ 5 phút thì có ai mà không làm được. Đâu có khó khăn gì. Chỉ cần tối đa 5, 6 tác ý là đã đủ 5 phút rồi. Nó rất vừa cho con tập luyện, chứ 10 phút, hay 20, hay 30 phút thì vượt quá sức của con giữ cho ý thức liên tục hiện tiền. Quá sức là có cố gắng. Có cố gắng là ức chế, là trật. (Chỗ này phải lưu ý: Khi tập luyện đã trải qua thời gian lâu rồi thì cũng phải đứng dậy nghỉ xả một lúc ngay khi vừa mất tĩnh giác, có vọng niệm, quên đối tượng đề mục).

Nói chung tâm phải niệm vào trong hơi thở thì đạt được sự nhiếp tâm. Không phải tập luyện lấy có, mà phải tập luyện rất nhiệt tâm từng hơi thở. Từng hơi thở vận dụng sự tập trung chú ý rất nhiệt tâm thì sẽ đạt được kết quả nhiếp tâm.

Người nhiệt tâm mới vô đầu là đã đạt được kết quả rồi, rất dễ dàng không có một niệm nào khởi trong lúc mới vào tập luyện. Không có nhiệt tâm nên có niệm khởi mới an trú không được. An trú có nghĩa là không một niệm nào xen vào trong hơi thở. Hãy nhớ kĩ vậy.

Tập luyện cho có chất lượng trong 5 phút rồi xả nghỉ 5 phút, 3 phút xong tập lại 5 phút khác. Tập luyện vừa đủ thời gian cho mỗi pháp môn là 30 phút nghỉ xả. Mà cũng có thể không nhất thiết đủ thời gian 30 phút bó buộc, chỉ tập vừa sức thôi; thấy mệt là nghỉ, thấy còn khoẻ mới tập luyện.

Luôn luôn phải giữ ý thức. Đừng để mất, đừng để lặn vào chỗ lơ mơ. Phải rõ ràng tĩnh giác. Thà tập luyện thời gian ít mà tập luyện rất miên mật thì chất lượng mới cao. Tập luyện dài lâu mỗi thời mà không miên mật thì không có chất lượng. Nhưng cũng tránh chất lượng cao mà lại thuộc vào ức chế.

Tập một phút phải có chất lượng một phút, nghĩa là không có một niệm nào xen vào trong khi biết hơi thở. Tâm nhẹ nhàng, thoải mái, dễ chịu, chỉ duy nhất biết hơi thở ra vô một cách tự nhiên liên tục không đứt đoạn trong suốt thời gian 5 hơi thở. Mục đích của đề mục 1 là nhiếp phục tâm (tức tâm bám thật kĩ từng hơi thở) và an trú được tâm trong hơi thở (tức không có một niệm nào xen vào trong khi biết rõ sát hơi thở).

Sau khi theo dõi nhiều lần 5 hơi thở trong 5 phút đã quen, không bị gián đoạn, không bị quên thì tăng lên dần nhưng không được lâu quá 30 phút, nghĩa là theo dõi biết hơi thở liên tục không bị đứt đoạn do có niệm khác xen vào làm quên niệm hơi thở trong thời gian đó. Lúc nầy cũng phải nín thở tác ý: "Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra" sau mỗi 5 hơi thở.

Nếu trong toàn thời gian 30 phút mà đếm không lộn lần nào, cứ 5 hơi thở tác ý, chú tâm theo dõi sát suốt từ đầu đến cuối từng hơi thở vô ra đều đặn, lúc nào cũng biết rõ hơi thở vô hơi thở ra, không có niệm nào khác, như vậy là đã luyện đạt được đề mục số 1 này. Tức đã nhiếp tâm và an trú tâm trong hơi thở được.

Phương pháp của Phật quá hay. Hồi đang tu Thầy chưa biết, đến chừng tu xong mới thấy rõ ràng pháp của Phật, mới thấy do mình tu tập sai, áp dụng không đúng cách mà sinh ra buồn ngủ, ngủ gật, ngủ mê hoặc là thực hành sai sanh ra vấn đề này khác. Theo đường lối tu tập của đạo Phật thì có 19 đề mục Định Niệm Hơi Thở, trong đó đức Phật dạy chúng ta rất cụ thể và rõ ràng. Đầu tiên chúng ta phải nhiếp phục cho được tâm, mà muốn nhiếp phục tâm thì bốn đề mục đầu tiên của Định Niệm Hơi Thở: Hít vô, thở ra – Hơi thở dài – Hơi thở ngắn – Cảm giác toàn thân – phải luyện cho thuần thục, cho đạt được kết quả ổn định. Đó là những cách thức nhiếp phục tâm. Đến khi luyện đề mục thứ 5 thì tâm mới được an trú.

Người mới tập luyện, đầu tiên phải tập nhiếp tâm cho được, còn li dục thì chưa được vì họ còn đang tiếp nhận cuộc sống của đời thế tục, chưa phải là cuộc sống của người tu hành. Nhiếp phục tâm không phải là việc dễ vì nhiếp phục được tâm mới không có niệm. Nhiếp phục tâm không được thì có niệm xẹt vô xẹt ra. Như vậy người này bị tiêu hao năng lượng mà kết quả nhiếp phục và an trú tâm thì chưa đạt được.

Đích chánh của giai đoạn này là phải nhiếp phục và an trú được tâm trên thân hành, lúc đi cũng như lúc ngồi hít thở. Đó là hai điều quan trọng nhất của người mới tu tập. Do đó thời gian tập luyện của họ không thể đạt ngang thời gian của người tu tập lâu được. Họ chỉ có thể tập luyện trong một khoảng thời gian nào đó thôi để sự hao hụt năng lượng này được giờ ngủ nghỉ phục hồi lại. Chỉ ngủ mới phục hồi năng lượng tiêu hao. Và phải ăn cho đủ dưỡng chất đầy đủ năng lượng để họ không bị buồn ngủ, ngủ gật, ngủ mê trong khi tập luyện để nhiếp phục cho được tâm.

Khi đang trải qua thời gian nhiếp phục tâm thì cần phải tập luyện ít, bởi vì chưa có sự an trú thì năng lượng bị tiêu hao, rất dễ sinh ra buồn ngủ, ngủ gật, ngủ mê. Nếu giữ đúng theo như trong các sách nói về đời sống của Thầy thì mấy người mới tu tập không chịu nổi. Vì ăn ngày một bữa, lượng ăn đã ít mà nếu thực phẩm đơn giản quá thì năng lượng bị hao hụt và bị sụt cân, bị buồn ngủ, ngủ gật, ngủ mê. Nếu tổ chức đúng cách thì người đang tu cần được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng trong bữa ăn duy nhất mỗi trưa này của họ. Người mới tập luyện đang bị tiêu hao năng lượng sự sống vào việc tập luyện của họ. Còn người tu tập lâu rồi thì khác.

2.- Chọn Đề Mục Nhiếp Tâm

Đức Phật đưa ra đến những bốn đề mục Định Niệm Hơi Thở số 1, 2, 3 và 4 chỉ nhằm để nhiếp phục cho được tâm. Nếu đề mục thứ nhất chưa đạt được nhiếp phục thì tập đề mục thứ hai hay thứ 3; tập đề mục thứ hai hay thứ 3 chưa đạt thì tập đề mục thứ 4. Không phải bốn đề mục này là bốn giai đoạn tu tập, mà chỉ để xác định đặc tướng người tu tập thích hợp với đề mục nào trong việc nhiếp phục tâm thì họ lấy đề mục đó mà tập luyện nhiếp cho được.

Nếu khi tu tập Định Niệm Hơi Thở, con nhiếp phục được tâm kĩ trong đề mục 1 và trong thời gian tập luyện không thấy gì nhưng khi xả ra thấy nhức đầu, nặng đầu hoặc nghe khó chịu thì bỏ đề mục đó, lấy đề mục thứ 2 hay thứ 3. Khi lấy đề mục thứ 2 hay thứ 3 này để nhiếp phục tâm, tức xem coi hơi thở dài hay hơi thở ngắn được an trú dễ, con sẽ chọn lấy hơi thở đó mà tập luyện. Hít vô thở ra chầm chậm để nắm vững độ dài hay ngắn, độ mạnh hay nhẹ của hơi thở như thế nào mà nhiếp tâm được dễ. Con vận dụng hơi thở này để nhiếp phục và an trú tâm.

Nếu tập trong thời gian 5, 10, hay 15 phút mà không thấy xẩy ra nhức đầu, căng mặt thì đề mục thứ 2 hay thứ 3 này hợp với con. Nếu tập mà có những chướng ngại như trên, hay tâm sinh lười biếng thì phải tức khắc sử dụng đề mục thứ 4 để chế ngự các trạng thái trên, đừng tập dài lâu với đề mục thứ 2 hay thứ 3 này. Đề mục thứ 4 là cảm giác toàn thân. Mới vào tập mà con nhiếp phục tâm được bằng cảm nhận cảm giác thì tốt; nếu không được thì phải nương theo tác ý ở trong đề mục để cảm nhận. Đó là thiện xảo. Khi thay đổi đề mục thì trạng thái si cũng không tác động được.

Một trong bốn đề mục, con hợp với đề mục nào thì chuyên tập luyện ở đề mục đó cho đến khi thuần thục trong việc nhiếp phục và an trú tâm. Đề mục nào dù nhiếp phục được tâm nhưng gây chướng ngại trên thân thì phải bỏ. Phải thưa hỏi Thầy liền. Cả bốn đề mục chỉ nhằm để nhiếp tâm, chỉ để xét nghiệm đặc tướng xem thử hợp với đề mục nào. Trường hợp không biết rõ đề mục nào hợp thì con phải đi từ đề mục số 1, đến đề mục số 2 hay thứ 3, rồi đề mục số 4 để xét nghiệm.Đề mục nào không hợp thì phải xẩy ra trục trặc.

Việc đầu tiên khi tu tập thiền định là phải nhiếp phục cho được tâm trong hơi thở; nếu không chủ động được thì phải thưa hỏi để Thầy chỉ dạy cách thức, rồi tự rút tỉa theo đặc tướng của mình trên kinh nghiệm của vị Thầy mà tập luyện. Sau khi tập luyện, trình lại kết quả nhiếp phục chủ động được cái tâm hay không được để Thầy nói thêm kinh nghiệm cho mà tập luyện. Cứ rút tỉa hoài thì con sẽ nhiếp phục được tâm. Nhiếp phục được tâm thì con đã đi qua được một chặng đường khó.

Nếu hít thở vừa để nhiếp phục vừa để an trú thì dễ sanh tưởng lắm. Chưa nhiếp phục tâm thì chưa đủ sức an trú mà muốn an trú thì phải ức chế cái ý. Vì cái ý chưa đủ sức làm chủ sự an trú mà có sự an trú thì coi chừng tưởng.

3.- Khi Nhiếp Tâm Vào Trong Hơi Thở

Bây giờ luyện cho nhuần nhuyển đề mục số 2 để hơi thở dài hay đề mục số 3 để hơi thở ngắn hiện ra ổn định rồi thì cảm giác toàn thân sẽ dễ nhận ra. Những cảm giác đang có và con vừa trình Thầy, không phải là cảm giác trên thân thì chúng thuộc tưởng thôi.

Khi nhiếp phục tâm vào trong hơi thở rồi thì có sức tĩnh giác rất cao. Những người chưa nhiếp phục được tâm vào hơi thở mà cảm giác thân hành thì cảm giác đó chỉ là cảm giác thuộc tưởng, không ngoài tưởng được. Khi nhiếp tâm vào hơi thở được sung mãn thì sức tĩnh giác quá cao rồi, quá siêu rồi, vì vậy mà khi hít vô, cảm giác khắp thân rất dễ dàng. Chỉ người tu tập tới mức đó mới biết chứ người ngoài đời nghe chỉ tưởng thôi.

Dù có cảm giác như thế nào cũng đừng chấp nó, cứ ở trên đề mục mà tập luyện. Càng lúc càng tĩnh giác, vì nó thuộc về pháp tĩnh giác. Cứ nhiếp vào hơi thở, tức đừng vận dụng hơi thở nhiều, cứ để nó tự nhiên. Bởi vì khi luyện đề mục 2 hay 3 là đã nhận ra được hơi thở tự nhiên của nó dài hay ngắn. Và con nhận thấy hơi thở nào nhiếp phục được tâm dễ, con nương theo độ dài, hay độ ngắn của hơi thở đó chớ không phải dùng cơ vận dụng, tức không gò ép hơi thở cho nó dài ra hay ngắn lại.

Tới đề mục 5, con buông tụ điểm nhân trung ra, không còn bám ở tụ điểm đó nữa. Khi tác ý “An tịnh thân hành, tôi biết tôi hít vô” thì chỉ biết hơi thở hít vô trong khi cảm thấy toàn thân an ổn, chứ không tìm an ổn chỗ nào hết. Phải tập nhiếp phục tâm cho tới khi thật sự đã thuần quen với hơi thở thì tự nhiên có cảm giác toàn thân đó.

“Nương vào hơi thở” là nhiếp tâm vào trong hơi thở, cho nên tâm không còn bám vào duy nhất một chỗ nào nữa vì bám ở đâu thì chỉ biết ở đó thôi. Tâm không bám ở đâu cho nên khi hít vào con tác ý bảo an tịnh thì thấy từ trên đầu xuống tới chân có cái gì an cả một vùng không gian chứ không phải chỉ an trong thân này thôi. Không khí cũng không còn nóng lạnh gì hết, toàn bộ an. Cả cái thân bây giờ đau nhức mà tác ý bảo “An tịnh!” thì nó cũng an luôn, không còn thấy đau nữa.

Có chủ động được vậy mới thành tựu đề mục thứ 5. Nếu giai đoạn này luyện kĩ như vậy rồi thì sau này sang tới giai đoạn luyện 4 Niệm Xứ thời gian sẽ ngắn và sẽ đẩy lui chướng ngại pháp được dễ.

Bây giờ con tập để nhiếp phục tâm cho bằng được. Nếu trong pháp kinh hành, trong khi bước đi chưa nhiếp phục tâm được, có nghĩa là trên bước đi còn bị thất niệm, lại bỏ qua, không quyết chí nhiếp phục tâm cho bằng được, không để gián đoạn hay sơ sót niệm bước đi mà chỉ cố gắng nhiếp phục tâm trong hơi thở thôi là ức chế. Khi tập luyện hơi thở con ngồi yên tịnh nên không bị thất niệm, còn khi bước đi thân động nên bị thất niệm ở bước đi. Nếu nhiếp phục tâm được cả ở trong hơi thở và ở trên bước đi thì mới bảo chứng được rằng đã nhiếp phục được tâm, vì cả hai thân hành, thân hành nội và thân hành ngoại, đều nhiếp phục tâm được hết.

4.- Thực Hành An Trú Tâm Vào Hơi Thở

Khi con đã nhiếp phục được tâm như vậy rồi thì Thầy mới dạy cách an trú. Chỉ khi nhiếp phục được tâm thì mới đủ điều kiện để an trú tâm. Nếu chưa nhiếp phục được tâm, chưa đủ điều kiện an trú tâm mà dạy cho con cách an trú thì sẽ bị tưởng, là trật đường.

Nếu trong 5 phút con ngồi biết hơi thở vô ra nhẹ nhàng tự nhiên, không thất niệm, không có tạp niệm, hay khi đi cũng thấy từng bước đi kinh hành rõ ràng, không bỏ sót động tác nào của chân, chỉ cần kéo dài đúng 5 phút là đủ điều kiện để thân an trú rồi.

Từ trước tới nay cứ 5 hơi thở tác ý một lần, bây giờ, sau khi đã không còn bị thất niệm trong suốt 5 phút, thì tăng lên 10 hơi thở mới tác ý và giữ cho trong thời gian 10 hơi thở đó không có niệm nào xẹt vô. Rồi tăng dần lên cho tới 5 phút tác ý một lần, cũng giữ không cho bị thất niệm trong thời gian đó.

Con chỉ cần luyện nhiều đoạn 5 phút cho nó trọn vẹn như thế. Tuy thời gian tập ít nhưng giữ đúng cách tập luyện để có chất lượng. Nếu kéo dài liên tục đến 30 phút hay 1 giờ thì quá nhiều mà không ích lợi, vì con không thể giữ tâm nhiếp và an trú lâu dài như vậy được. Sức con không đủ thì phí sức, mất thì giờ nhiều mà không kết quả, do vậy không có chất lượng. Cách tập luyện đúng là lấy tiêu chuẩn 5 phút và lấy 10 hơi thở tác ý, Cứ trong khoảng thời gian 10 hơi thở đó không thất niệm là được của thời gian đó. Cho đến khi đạt được kết quả của thời gian 5 phút là đã có đủ điều kiện để an trú được rồi, trạng thái an trú sẽ xuất hiện ngay. Sau đó con tăng dần số hơi thở lên 20 hơi thở mới tác ý,... cho đến 40, 100 hơi thở mới tác ý,... thì trạng thái an trú càng được mạnh lên và được kéo dài ra.

5.- Cách Kiểm Tra Kết Quả Đề Mục

Khi mới ngồi xuống vừa hít thở mà đã thấy tướng trạng của đề mục nào thì đó là đã viên mãn đề mục đó cùng với tất cả những đề mục khác trước đề mục đang luyện. Cho nên khi đang luyện một đề mục nào thì vừa ngồi xuống là tập ngay đề mục đó vì các đề mục trước đó đã thuần thục, đã đạt được kết quả rồi. Không cần phải trở lại các đề mục trước cho tới đề mục đang luyện.

Như con luyện tới đề mục 7 “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra” thì khi vừa ngồi xuống, tâm con chí vô ngay đề mục này liền.

Nếu luyện đề mục 6 “Cảm giác tâm hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác tâm hành tôi biết tôi thở ra” mà cảm giác tâm hành khó khăn thì bởi đề mục 5 chưa kết quả, chưa đạt được sự an tịnh của thân.

Vả lại, nếu còn niệm khởi thì chứng tỏ ngay cả đề mục 1, đề mục 2 hay đề mục 3 cũng chưa xong. Phải trở lại tập luyện chúng. Nếu các đề mục đó có kết quả xong rồi thì không thể nào có niệm khởi lên được.

Kết quả của đề mục 1 và đề mục 2 hay đề mục 3 xong rồi thì đề mục 4 mới dễ luyện thành công; đề mục 4 kết quả xong mới tập luyện thành công đề mục 5...Khi luyện đề mục trước đạt kết quả xong thì tướng trạng đề mục kế đó hiện ra liền; nếu kết quả chưa xong thì nó không hiện ra đâu, không vượt qua để tập đề mục khác sau đó được.

Vậy phải tập luyện nhiếp tâm cho được ở đề mục 1 và đề mục 2 hay đề mục 3 thì mới căn bản chủ động. Nếu vô hơi thở khi thì yên, khi thì có vọng tưởng thì đó là chưa chủ động được. Nếu chủ động được thì khi vừa ngồi xuống hít thở nó vô ngay thân an tịnh cho nên con vô đề mục 5 liền. Cũng như khi tập tới đề mục 7, vừa ngồi xuống hít thở thì vô ngay đề mục 7 liền, thấy tâm yên lặng liền. Không phải tập từ đề mục 1, 2 hay 3 cho đến đề mục 6, 7 đâu. Không phải vậy. Tại vì những lớp trước đó, những kết quả đó đã trải qua, đã có rồi. Vô là vô ngay lớp này chứ không phải trở lại từng cái trước nó. Đã nhiếp tâm được rồi thì chỉ mới tập trung nhiếp là tướng trạng yên lặng an tịnh của thân tâm hiện ra. Đó là xác chứng kết quả tập luyện đã được trọn vẹn.

Trong bất kỳ giai đoạn nào, có khó khăn với đề mục nào thì phải rà soát lại, phải luyện lại các đề mục trước cho kết quả được chắc chắn đạt. Khi kết quả đạt được thì đề mục sau tập rất dễ. Kết quả chưa đạt được thì chỉ tập luyện dẫm chân tại chỗ.

Khó khăn là lúc khởi đầu. Đề mục 1 mà đạt được thì những đề mục kế đó dễ kết quả lắm. Cho nên thiện xảo “Hít vô tôi biết tôi hít vô; thở ra tôi biết tôi thở ra”– “Hít” – “Thở” – “Hít” - “Thở”. Đó là “Định Diệt Tầm Giữ Tứ”, là cách thức tập luyện nhiếp tâm có chất lượng.

Như thế mỗi lần tập luyện đâu cần thời gian dài, chỉ ngắn thôi. Không cần tập luyện các đề mục này nhiều giờ, dài lâu. Chừng kết quả ổn định rồi, thì lúc luyện 4 Niệm Xứ mới kéo dài là để xả tâm thật sạch, cho đến khi 7 Giác Chi xuất hiện để con nhập Định.

Điều quan trọng và cần thiết là phải thiện xảo trong khi tập luyện. Buổi trưa phải thiện xảo theo buổi trưa; chiều thiện xảo theo chiều; chứ không phải buổi nào cũng y nhau đâu. Vả lại còn theo từng thời tiết nữa. Tu hành tuy khó thật, nhưng nó làm cho con trở nên khéo léo nhiều, biết cách vận dụng. Thí dụ buổi trưa đó con thấy hơi thở trở nên ngắn hơn bình thường. Nó tự ngắn thì thế nào cũng có vọng tưởng. Cũng như vậy, nếu nó có dạng hơi thở dài hơn bình thường thì sẽ có vọng tưởng. Thành ra con phải vận dụng sao đừng cho hơi thở rối loạn, vận dụng làm sao để quân bình cơ thể vượt qua thời tiết vì lúc đó thời tiết làm cho hơi thở như vậy. Ngoài ra khi nó như vậy thì con phải coi chừng, phải thiện xảo, khéo léo, không được tập luyện kéo dài quá lâu.

Định Niệm Hơi Thở là pháp môn đức Phật trang bị cho chúng ta có đủ năng lực để đẩy lui các chướng ngại pháp trên 4 chỗ thân, thọ, tâm, pháp.

6.- Kéo Dài An Trú – Kết Quả An Trú

Khi an trú được trong đề mục thứ nhất của Định Niệm Hơi Thở thì mới thấy được hơi thở dài hay ngắn, chừng đó mới tập qua đề mục thứ 2 hay thứ 3 để điều khiển hơi thở dài ngắn theo sự an trú trong hơi thở đó. Khi chưa an trú thì đâu biết hơi thở của mình dài hay ngắn ra làm sao để điều khiển nó phù hợp với độ dài ngắn đó. Vì thế mới ức chế hơi thở.

Tập luyện thì phải có căn bản, nghĩa là: “Tâm phải an trú cho được vào hơi thở. Phải tìm mọi cách, bằng mọi cách phải làm cho tâm được an trú”. Mỗi người có một đặc tướng cho nên thấy cách nào hợp, an trú được thì lấy cách đó mà an trú. Không hợp thì phải sửa cho hợp, cho an trú. Nếu không tự tìm được thì Thầy sẽ chỉ dạy cách này hay cách khác.

Đây là cách thức để kéo dài sự an trú: Pháp của Phật là pháp dẫn tâm nên phải nhớ câu tác ý nào đã dẫn tâm vào an trú thì lấy câu đó sử dụng lại mỗi khi muốn kéo dài sự an trú, không để nó giảm sụt. Nếu không nhớ, không biết được câu tác ý nào đã đưa lại sự an trú thì không làm sao để kéo dài sự an trú được. Phải nhớ kĩ mới luyện có kết quả. Có an trú được thì từ từ mới có lực an trú hiện ra.

Thí dụ lực an trú hiện ra đang tốt thế mà luyện một lúc thì nó bắt đầu lui ra, lúc đó phải nhớ pháp Như Lý Tác Ý nào đã sử dụng để được an trú thì khi ấy phải lấy pháp Như Lý Tác Ý đó tác ý lại. Trong khi đang an trú thì sử dụng câu tác ý nào cũng được, nhưng khi thấy nó lui ra thì lấy câu tác ý đã đưa lại kết quả an trú, áp dụng câu đó lại để duy trì sự an trú. Đó là cách thức kéo dài sự an trú.

Khi đạt được kết quả nhiếp tâm và an trú tâm như vậy thì bắt đầu từ đó con không thấy đời sống của con kham khổ mà người khác nhìn thấy sống như thế cho là sống kham khổ, bởi vì lúc đó con chỉ ăn rau nước tương mà vẫn khoẻ, chứ ai mới vô tu tập mà ăn như thế thì chỉ được vài bữa là họ cáo chạy ngay.

Khi thân tâm hoàn toàn nhiếp và an trú thì nghe trong thân sung mãn lắm, sau thời tập luyện, xả ra không thấy đói khát, không mệt mõi, không buồn ngủ thì ta đã ở trạng thái khác, lúc đó năng lượng xuất phát từ trong thân nuôi dưỡng sung mãn thân của ta.

Năng lượng dồi dào sẽ biến thành năng lực. Khi năng lực dồi dào mà không biết sử dụng để li dục li ác pháp thì sẽ sanh ra nhiều hiện tượng khác. Nếu người đó không biết hướng về đường tu tập đúng thì nó trở thành trạng thái tưởng mà ta thường coi như là thần thông. Còn người đời khi năng lượng của họ dồi dào do ăn uống, do tuổi tác, thì năng lực của họ sanh ra khiến họ đòi hỏi dục. Khi họ thoả mãn dục thì năng lượng tuôn trào, tiêu hao.

Người tu tập khi thấy hiện ra những tướng trạng tưởng thì phải biết lúc đó năng lượng sung mãn. Đó là lúc bắt đầu dùng năng lượng để tác ý li dục li ác pháp. Lúc tập luyện những đề mục 8, 9,... của Định Niệm Hơi Thở thì phải dùng năng lực của năng lượng dồi dào này để quán, để li.

Nếu Thầy không giải thích điểm này thì không ai hiểu được cách tu đâu. Phật pháp quá vi diệu. Tu xong rồi Thầy mới nhìn thấy. Đức Phật đưa ra những đề mục của Định Niệm Hơi Thở đã xác định quá rõ những mục đích và những chặng đường tu tập. Người ta không biết, cứ tiêu hao năng lực không đúng chỗ, riết rồi người ta bỏ cuộc.

7.- Tập Luyện Phải Đạt Kết Quả

Đề mục Định Niệm Hơi Thở thứ nhất “Hít vô tôi biết tôi hít vô; thở ra tôi biết tôi thở ra” là biết hơi thở vô ra tại tụ điểm nhân trung. Nếu không đặt tâm tại tụ điểm nhân trung thì con rất khó trong việc theo dõi hoặc không theo dõi được hơi thở đâu. Đến khi nhiếp phục tâm được trong hơi thở, lúc đó hơi thở có bất cứ sự thay đổi nào cũng nhận ra rõ, thấy rõ ràng hơi thở có lúc dài, có lúc ngắn. Đó là nó bắt đầu chuyển qua đề mục thứ 2 hay thứ 3.

Hồi mới tập con không dễ dàng nhận ra hơi thở dài hay ngắn đâu. Bây giờ nhận ra được vậy là để con chuyển qua luyện đề mục thứ 2 hơi thở dài, hay thứ 3 hơi thở ngắn. Khi nhận ra được hơi thở dài, hơi thở ngắn thì cảm thấy thanh thản, đó là lúc con bắt đầu nhiếp được tâm.

Con nhận xét hơi thở nào, hơi thở dài hay hơi thở ngắn, giúp con có sự nhiếp tâm – vì con đang ở giai đoạn nhiếp tâm chứ chưa vào an trú tâm đâu – Nếu thấy hơi thở dài giúp nhiếp tâm được, còn hơi thở ngắn lúc nhiếp được lúc không thì con chọn lấy hơi thở dài. Khi đó nương vào hơi thở dài thôi, ngắt hơi thở ngắn kia ra, đừng cho nó xen vào nữa. Khi đã chọn hơi thở dài rồi thì điều khiển nó bằng câu tác ý hơi thở dài “Hít vô dài, tôi biết tôi hít vô dài; thở ra dài tôi biết tôi thở ra dài”. Và giữ độ dài cố định như vậy, không thay đổi, không cho tự nó thay đổi.

Thuần thục đề mục thứ 2 (hay thứ 3) thì sẽ có cảm giác cảm nhận toàn thân. Đó là lúc qua đề mục 4. Khi luyện với hơi thở chuẩn được ổn định, không còn xen kẽ hơi thở khác nữa, thì con mới nhận ra được cảm giác toàn thân. Nếu luyện đề mục 2 hay 3 chưa đạt tới kết quả, nghĩa là chưa thuần thục cố định trong hơi thở chuẩn, mà con cứ cố gắng cảm giác toàn thân lúc hít vô, lúc thở ra, thì sẽ đến lúc sinh cảm giác tưởng chứ không thực có.

Chưa nhuần nhuyển trên đề mục 2 hay 3 cho nên chưa thực có cảm giác toàn thân rõ. Cũng như khi nhuần nhuyển trên đề mục 1 thì mới nhận ra được hơi thở dài hay ngắn, tức đối tượng của đề mục 2 hay 3. Nếu chưa nhuần nhuyển đề mục 1 mà ráng thở dài ra thì nó làm cho con mệt vì vận dụng hơi thở nên hao năng lượng. Còn đây đã nhuần nhuyển trên đề mục 1, không do vận dụng mà nó tự đưa tới cái biết hơi thở dài, hay hơi thở ngắn, nên con biết nó đã chuyển qua đề mục 2 hay 3 vì thế chuyển qua tu tập đề mục 2 hay đề mục 3. Có được kết quả đề mục 1 thì nó làm cho pháp tập luyện đề mục thứ 2 hay thứ 3 dễ, kết quả đề mục dễ đạt.

Nói tóm là sung mãn đề mục trước thì nó tự chuyển qua đề mục kế. Sung mãn đề mục kế thì nó chuyển qua đề mục kế nữa. Mỗi lần chuyển đề mục thì phải sử dụng câu tác ý của đề mục đó để pháp tập luyện được đi sâu hơn mới thực hiện được kết quả của đề mục. Chưa có kết quả của lớp này mà lo lên lớp khác thì không tránh khỏi bị tưởng. Cho nên những người không lưu ý lời Thầy dạy thì họ bị tưởng hết. Do kết quả tập luyện nên con mới nhận ra được chỗ dài ngắn của hơi thở và con đã tĩnh giác được rồi nên mới nhận ra hơi thở dài ngắn. Nếu còn dụng công, chưa tĩnh giác thì chưa nhận ra dài ngắn đâu.

Khi sung mãn đề mục 4, nó mới đẩy con đến đề mục 5. Đến đây con mới được thân an, mới tập để thân được an trú. Đề mục 2 hay đề mục 3 chưa sung mãn, đề mục 4 cũng chưa đưa đến sung mãn mà lo tập đề mục 5 thì con sẽ bị an trú tưởng. Không thật, không đúng cách.

Khi đã an trú được thân (đề mục 5), rồi an trú được tâm (đề mục 6) thì con đã tới đề mục 7 của Định Niệm Hơi Thở.

Ngang đây thì con nên dừng lại. Từ đây trở đi là pháp môn li dục li ác pháp, không còn tập luyện trên Định Niệm Hơi Thở nữa mà trở về 4 Niệm Xứ luyện để li dục li ác pháp cho hết. Ác pháp là những sự đau nhức... tác động trên thân, những niệm này niệm kia khởi ra trong tâm. Lúc đó con dùng 4 Niệm Xứ đẩy lui các ác pháp đó đi. Khi an trú được thì đẩy lui được. Cái gì cũng đẩy ra được hết. Đau bệnh trên thân cũng đẩy lui để thân an, tâm khởi niệm cũng đẩy lui để tâm an. Khi không an trú thì không làm sao đẩy lui các ác pháp đó, các cảm thọ đó được. Vì vậy nên đây gọi là khắc phục tham ưu mà trong kinh nói. Con hiểu chứ?

Sau khi đã an trú được thân (đề mục 5), rồi an trú được tâm (đề mục 7) lúc đó phải trở qua 4 Niệm Xứ để luyện tiếp các đề mục còn lại của Định Niệm Hơi Thở. Những đề mục quán vô thường, quán li tham, li sân là luyện bằng pháp 4 Niệm Xứ (từ đề mục thứ 8 trở đi). Có tham, có sân là có ác pháp. Có ác pháp thì mới đuổi, mới li. Phải biết chuyển qua 4 Niệm Xứ đúng lúc, đúng cách.

8.- Tránh Trở Thành Thói Quen

Nhưng coi chừng tập luyện mà trở thành thói quen thì cũng trật. Thí dụ con cứ luyện chỉ 5 hơi thở tác ý, hay bất kỳ khoảng thời gian nào cũng vậy, mà không thay đổi thì lâu ngày thành thói quen, là trật. Khi thấy kết quả an trú đã ổn định thì tăng khoảng cách tác ý dần lên, cho dài lâu hơn để không bị trở thành thói quen.

Tác ý nhằm đẩy lui buồn ngủ và tác ý luyện nhiếp tâm thì đó là ĐỊNH DIỆT TẦM GIỮ TỨ. Đó là giai đoạn 5 hơi thở tác ý một lần. Đến khi tâm hoàn toàn nhiếp vào hơi thở trong suốt từng đoạn 5 hơi thở thế là định Diệt Tầm Giữ Tứ thành công ở đề mục 1 (hay 2 hoặc 3). Sau đó thưa dần câu tác ý, cứ 10 hơi thở, rồi 20, 30 hơi thở,... cứ như vậy cho tới khi 5 phút mới tác ý một lần. Rồi chỉ một lần tác y trong suốt thời gian lên tới 30 phút.

Lúc này con muốn được an trú thì chỉ cần tác ý một lần liền an trú được, không cần phải nhiều lần tác ý liên tục mới an trú, mới đủ điều kiện để an trú xuất hiện như trước kia nữa. Cứ thưa dần câu tác ý mà vẫn nhiếp phục được tâm trong khoảng thời gian đó thì mới đúng cách tập luyện. Đừng tập đứng một chỗ sẽ trở thành thói quen không tốt, không kết quả, mất thì giờ. Nhưng coi chừng tăng quá sức sẽ bị buồn ngủ. Phải giữ không cho tăng lên quá sức, chỉ tu tập ở mức độ vừa sức cho thành thục, cho sung mãn năng lượng để khỏi bị buồn ngủ, ngủ gật vì mất sức. Thế là tiêu chuẩn chủ động an trú con đã đạt được rồi, đã ổn định rồi thì chuyển qua đề mục khác.

Khi đề mục 4 chưa có kết quả của 5 phút hay lâu hơn, thì đề mục 5 chưa thể tập được vì chưa có đủ điều kiện kết quả của đề mục 4 đem lại. Do vậy, hãy khoan ngó tới đề mục 6 và đề mục 7, chúng thuộc phần tâm, liên quan các định chặt chẽ hơn mà phần an trú thân con chưa đạt kết quả ổn định thì không lợi ích để hiểu biết thêm.

Các đề mục 1 cho đến 5 là phần an trú thân hành nội và thân hành ngoại. Sau khi phần này được thuần thục, có được nội lực, được sung mãn năng lượng thì phần tâm ở các đề mục 6 và 7 mới khởi sự. Có vậy sự tập luyện mới căn bản, luyện mới có kết quả.

Nhưng cần lưu ý: tập luyện phải ít thời gian, đừng kéo dài lâu quá. Kế đó phải giữ gìn các giới hạnh cho thanh tịnh, cho nghiêm (tức giữ giới độc cư vắng vẻ trọn vẹn và giờ ăn uống, thức ngủ) . Từ đó tâm tự đi vào an tịnh, chứ giữ giới không trọn thì tâm vẫn bị phóng dật, vẫn bị bất an.

Hiện giờ Tu Viện chưa đủ môi trường tạo sự vắng vẻ cho người chuyên tu, lại thêm có nhiều người không tự vắng vẻ, họ làm động người khác, làm động Tu Viện. Bởi vậy, ngày xưa các ngài Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất muốn tu tập giai đoạn chót, phải đi vào rừng vắng, không thể nào ở trong chúng mà tu tập được. Mục Kiền Liên thì vào một khu rừng vắng để tập luyện một mình, còn ba vị tôn giả nhóm Anuruddha thì xin Phật đi vào khu Rừng Sừng Bò. Điều kiện môi trường đòi hỏi phải đúng mới thực hiện được chiều sâu thiền định.

Hiện giờ, con chỉ đang tập phần căn bản, chưa đi sâu vào thiền định nên điều kiện môi trường vắng vẻ chưa quan trọng lắm.

9.- Vận Dụng Hơi Thở – Đường Dây Hơi Thở

Đầu tiên nếu khi luyện Định Niệm Hơi Thở để hơi thở tự nhiên mà nó không đều, khi dài khi ngắn, khi mạnh khi yếu, xảy ra trong một hai thời tập thì phải vận dụng hơi thở. Đức Phật nói vận dụng hơi thở như một người quay chỉ hay như một người thợ gốm nắn đồ vật trên bàn quay làm cho liền lạc, đều đặn. Ý đức Phật dạy làm thế nào để hơi thở phải đều cũng giống như người quay chỉ phải quay đều đều để chỉ không bị lúc săng lúc chùng lơi. Đường dây hơi thở của chúng ta là sợi chỉ, còn cách quay là cách chúng ta vận dụng. Một người thợ đồ gốm đặt đồ lên bàn quay và họ nắn đồ đó cho đều, cho trơn láng, không lồi lõm, không dày mỏng khác nhau, làm cho liền lạc, thì chúng ta luyện hơi thở cũng vậy, làm sao cho hơi thở đều đặn, suôn sẻ, thông suốt. Chúng ta biết vận dụng cho được vậy thì kết quả nhanh hơn. Còn để tự nhiên cho nó tự đạt thì lâu.

Đề mục 1 thì để tự nhiên. Chừng qua đề mục 2 hay 3 thì phải thực hiện như người thợ quay tơ, như người thợ gốm. Con vận dụng hơi thở như thế nào để đạt được sự an ổn nhiếp tâm trong hơi thở, làm cho nó dài hay làm cho nó ngắn hợp theo đặc tướng của con. Con vận dụng cho nó đều đều chậm chậm – cho hơi thở dài – nếu hơi thở dài phù hợp với đặc tướng tức làm cho con an trú được. An trú được tức là đạt được kết quả tốt, dù hơi thở dài hay hơi thở ngắn cũng không sao.

Khi con vận dụng tác ý để thay đổi hơi thở mà có kết quả an ổn thì được, nhưng cũng có khi vận dụng tác ý mà không có kết quả hay kết quả không như ý là do lực tác ý chưa đủ thì nên vận dụng cơ để điều khiển hơi thở. Vừa vận dụng tinh thần vừa vận dụng vật lý để điều khiển hơi thở, nhưng không phải vận dụng để luyện tập điều khiển hơi thở quá dài, quá chậm đến một phút hay hai phút một hơi thở thì không đúng. Sai. Cứ theo tự nhiên bình thường độ dài hay độ ngắn của nó.

Dùng sức tĩnh giác cao nhất để tập luyện các pháp môn, vậy là con đã thích nghi được các pháp.

Tập Định Niệm Hơi Thở bây giờ con ngồi tuy không bị buồn ngủ tới, nhưng con phải nhiếp tâm vào hơi thở cho được từ 5 tới 10 phút. Con chưa đạt được mức đó, vậy không nên qua đề mục 4, vẫn giữ đề mục 1, 2 hay 3 mà tập luyện. Con xác định được điểm gom tâm, cố gom tâm chặt vào tụ điểm làm cho sức gom tâm mạnh và nhận được hơi thở vô ra rõ hơn, kĩ hơn. Chỉ để ý chỗ gom tâm và hơi thở ra vô, không quan tâm tới những gì khác cho tới khi nào tâm độc trú được trong hơi thở thì chỉ thấy duy nhất hơi thở ra vô, hoàn toàn chỉ một hơi thở duy nhất, không phải hơi thở thay đổi khi vầy khi khác, cũng không xen bất kỳ tạp niệm nào. Tập rất cẩn thận mới đạt được như vậy. Đó là đường dây hơi thở, đó là nền tảng. Phải đạt cho được nền tảng đường dây hơi thở.

Đề mục 1, 2 hay 3 là tập cho tâm nằm trên đường dây hơi thở; sau này nhờ an trú hơi thở trong đường dây này mà thực hiện các đề mục khác theo ý muốn. Người nào tu tập không thuần thục, chưa nắm vững ba đề mục này mà vội đi qua các đề mục 4, 5 là tập mất căn bản. Cách tập luyện như vậy là bị hỏng chân, sau này mặc dù luyện có kết quả nhưng không cụ thể, không ổn dịnh, và có khi bị lọt vào tưởng tức hay tưởng an tịnh. Khi nền tảng tập luyện này vững chắc, có ý thức hướng dẫn thì tưởng không xuất hiện ra được.

10.- Vọng Tưởng Và Định Niệm Hơi Thở

Trong Định Niệm Hơi Thở,đề mục 1 “Hít vô tôi biết tôi hít vô; thở ra tôi biết tôi thở ra” không phải là đề mục để tập cho tâm hết vọng tưởng mà chỉ luyện để tĩnh giác trong 5 hơi thở tác ý một lần. Khi có tĩnh giác thì đếm không quên, đếm không lộn. Chỉ không tĩnh giác mới quên đếm, đếm lộn, nghĩa là đếm lên tới 6, 7 hay 8 mới nhớ là chưa tĩnh giác. Cứ lúc nào cũng 5 hơi thở tác ý một lần là đã tĩnh giác trên hơi thở, là đạt kết quả. Cũng như đi 20 bước tác ý một lần và ý biết bước đi không gián đoạn trong khi bước đi thì đã tĩnh giác trên bước đi.

Có hay không có vọng tưởng là do chỗ li tham, sân, si chứ không phải do ức chế tâm. Hồi nào tới giờ cứ hiểu khi đi biết đi, đừng cho có vọng tưởng là kết quả. Cũng thế, khi thở cứ nghĩ phải cho đến chừng nào thở mà không có vọng tưởng mới là kết quả, còn chưa hết vọng tưởng cho là chưa có kết quả. Không phải như thế. Lúc này là lúc luyện tĩnh giác, chứ không phải là luyện diệt vọng tưởng, làm cho hết vọng tưởng. Tập tĩnh giác thì cần nhớ 5 hơi thở tác ý một lần, 20 bước tác ý một lần và cái biết hơi thở hay bước đi không bị gián đoạn. Nếu trong 30 phút được tĩnh giác không gián đoạn là đạt kết quả của đề mục tĩnh giác để qua tập đề mục khác. Và đề mục khác sẽ giúp cho đề mục này tĩnh giác hơn nữa. Cho nên khi có kết quả đề mục 1 thì con tiếp tục qua đề mục 2, 3, 4,... hoặc hơn nữa.

Trong Định Niệm Hơi Thở có hai mươi mấy đề mục, nhưng vì quá nhiều nên Thầy tạm giản lược bớt, nhưng khi tu tập thì nên luyện hết tất cả các đề mục. Lần lượt khi tu tập đạt được tất cả kết quả các đề mục này, Thầy sẽ dạy hết các đề mục còn lại, chứ bây giờ đưa ra toàn bộ sẽ làm rối con. Đức Phật dạy thì dạy đủ, không dạy thừa, nhưng nếu bây giờ đưa hết các đề mục ra thì người ta thấy quá nhiều, họ bị phân vân không biết phải tu tập bao nhiêu trong các đề mục đó, cho nên Hoà Thượng Minh Châu tạm thời cô đọng lại 16 đề mục, còn Thầy lấy cho đủ thì 19 đề mục cho các con an tâm mà tập luyện.

Như con biết khi kết tập kinh sách, chưa hẳn là trong kinh nghiệm, bởi sau này các tổ kết tập chứ không phải các vị Alahan kết tập như lần thứ nhất, cho nên sự sắp xếp trong kinh không đúng cách với sự tu chứng đâu. Chỉ những người đã tu chứng mới sắp xếp các đề mục này đúng với hệ thống tập luyện để chứng đạt, chứ không phải muốn tu tập cái nào thì lấy cái ấy tập luyện, hay muốn tập luyện ra sao thì tu tập như vậy. Không được làm vậy. Tu tập phải có kinh nghiệm của người chứng đắc, tập luyện từ đề mục dễ lên đề mục khó, chứ không nên tập luyện đại đề mục nào cũng được.

Luyện tập được coi là được thuần thục thì phải luyện cho đạt tới kết quả ổn định của nó. Chưa có kết quả là chưa thuần thục, hay kết quả chưa ổn định cũng chưa thuần thục.

11.- Cần Phối Hợp Các Kết Quả

Đường lối của đạo Phật có rất nhiều pháp, mỗi pháp đều đưa tới một kết quả; tập hợp các kết quả đó rồi luyện như thế nào cho có nội lực đặng đánh giặc sanh tử.

Kết quả của tất cả 19 đề mục của Định Niệm Hơi Thở là những phương tiện trang bị rất kĩ, rất đầy đủ để chuẩn bị chiến đấu trên 4 Niệm Xứ. Đến khi chiến đấu thật sự trên 4 Niệm Xứ với giặc sanh tử thì những kết quả của Định Niệm Hơi Thở phải đầy đủ, phải thuần thục.

Định Niệm Hơi Thở chính là pháp Đức Phật trang bị cho ta để đẩy lui các chướng ngại pháp. “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” là pháp đẩy lui chướng ngại của thân. “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra” là pháp đẩy lui chướng ngại của tâm. Còn “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô; với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra” là pháp đẩy lui si, đẩy lui sự buồn ngủ, ngủ gật.

Muốn li gì thì phải tập luyện đúng pháp mới có thể li được. Nếu muốn li tâm sân mà chưa dẹp tâm si thì li tâm sân không được, cũng không li tâm tham được. Chúng ta thấy đức Phật dạy rất kinh nghiệm. Phật dạy mới vô đầu phải tu tập tĩnh giác, rồi tập làm sao cho tâm được an lạc, chừng đó mới li tham, li sân, li si. Tâm chưa an lạc tức còn chướng ngại thì không li cái gì được.

Con phải tập rất kĩ, phải thuần thục cho được tất cả 19 đề mục Định Niệm Hơi Thở, phải đạt kết quả đầy đủ mới đẩy lui chướng ngại của thân và của tâm được. Khi có chướng ngại của thân thì con biết bằng cách nào đẩy lui chúng; có chướng ngại của tâm thì cũng đã biết bằng cách nào đẩy lui chướng ngại của tâm. Có được vậy, tập luyện mới thích thú, chứ còn đẩy lui không được thì đâu có ý nghĩa gì.

Tâm loạn động thì con biết áp dụng đề mục nào để tâm hết loạn động. Tâm bây giờ yên lặng chứ một chốc nữa chưa hẳn đã yên, tâm khởi lăng xăng động quá, những niệm như nhớ thương, tức giận hay gì gì thế mà đẩy lui được thì tâm không niệm, rất an ổn. Con có trạng thái không niệm. Trạng thái không niệm này khác với trạng thái có niệm, nhờ đó con sẽ thấy được sự an lạc của tâm không niệm.

Bây giờ thân tâm tỉnh táo như vầy mà chốc nữa không chừng sẽ buồn ngủ, ngủ gật, tâm bị rớt vào trong trạng thái ngủ mê, mà con có phương pháp đã tập luyện chuẩn bị rồi, con biết áp dụng đề mục “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô; với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra” để phá, để đối trị nó. Con thấy tập hợp đề mục 1 Định Niệm Hơi Thở và Kinh Hành Tĩnh giác cùng Như Lý Tác Ý thì mới dẹp được buồn ngủ, ngủ gật. Mới chỉ có giặc buồn ngủ thôi mà đã sử dụng tới ba pháp.

Thí dụ đang ngồi quán thân, thọ, tâm, pháp, tức luyện 4 Niệm Xứ, bổng nhiên thấy bị đau nhức chỗ này, con liền biết áp dụng Định Niệm Hơi Thở vào chỗ đó thì hết đau. Thân bị đau nhức ở chỗ này chỗ kia mà đẩy lui được thì thấy rất thoái mái.

Đọc lại bài kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm ta thấy đức Phật đã xác định nhiều lần Định Niệm Hơi Thở có lợi ích rất lớn, nó giúp chúng ta đạt được kết quả của pháp đó. Muốn tập luyện định nào, muốn nhập định nào thì Định Niệm Hơi Thở giúp chúng ta thực hiện điều đó. Chính vì vậy nên đức Phật nói “Định Niệm Hơi Thở có lợi ích rất lớn”.

Trong Đường Về Xứ Phật tập 2 có những lời kinh cô đọng ngắn gọn Thầy đã giải thích chú thích những lời kinh đó cho dễ hiểu. Đường Về Xứ Phật tập 2 là cái duyên sách tấn các con trên đường tu tập. Qua những bài trong đó các con biết cách giữ gìn tâm như thế nào trong khi tập luyện các pháp và biết được Định Niệm Hơi Thở có lợi ích như thế nào để luyện từng đề mục cho kĩ. Do đó, phải thật chuyên cần tập luyện Định Niệm Hơi Thở cho đến khi có kết quả thực sự của đề mục thì đường tu tập mới có lợi ích.

Những pháp Thầy dạy, con đã tập rất đúng, chỉ cần kết hợp lại cho thuần, cho quen mới có lợi ích lớn.

12.- Bài Kinh Xuất Tức Nhập Tức

Khi trở về với pháp Nguyên Thủy của Phật thì Định Niệm Hơi Thở, tức bài kinh Nhập Tức Xuất Tức Thầy nghiên cứu rất kĩ. Thầy tu tập các pháp rất kĩ. Chướng ngại gì nó cũng đẩy lui được hết, không có pháp nào làm được việc này. Nhờ vậy mà Thầy thấy được sự lợi ích rất lớn của Định Niệm Hơi Thở trong sự làm chủ sự sống chết.

Khi tâm tham khởi lên, để hàng phục thì tác ý “Quán li tham tôi biết tôi hít vô; quán li tham tôi biết tôi thở ra” là nó hết tham liền. Thật là vi diệu! Khi đang sân, khởi lên sân cái gì đó thì tác ý “Quán li sân tôi biết tôi hít vô; quán li sân tôi biết tôi thở ra” là giải quyết liền, nghe thân an lạc liền. Pháp quán đúng thật là tuyệt vời! Cho nên đâu phải chúng ta ngồi quán sâu các điều này. Đó là sự thật. Cho nên Định Niệm Hơi Thở lợi ích rất lớn cho cuộc đời tu hành của chúng ta.

Thầy nghiên cứu từng đề mục Định Niệm Hơi Thở thì thấy lời Phật dạy hoàn toàn khác với lời dạy trong các pháp môn Sổ Tùy Chỉ Quán hay Sổ Tức Quán, hay Sổ Tức Quan đếm hơi thở của các tổ. Khi đọc thấy được vậy thì tay chân Thầy bủn rủn  “Trời ơi! Như vậy là Phật dạy chúng ta rất kĩ. Từng đề mục là từng kết quả!”. Cho nên ôm pháp này Thầy nỗ lực. Nhờ những năm tháng sống trọn vẹn độc cư trong thất cho nên Thầy tu rất có kết quả.

Bài kinh Nhập Tức Xuất Tức trong kinh Trung Bộ, Đức Phật đã dạy đầy đủ mọi phương pháp. Kinh Trung Bộ không dài cũng không ngắn, rất dễ hiểu. Những ví dụ làm rõ ràng vấn đề. Còn tất cả những kinh khác thì cô đọng quá, khó cho ta tập luyện. Sau khi nghiên cứu Trung Bộ Kinh xong, thấy pháp Định Niệm Hơi Thở rất tuyệt vời cho nên Thầy ôm pháp này tu luyện đạt các kết quả, rồi lần lượt tới các pháp khác cũng thế. Sau này đọc Người Chiến Thắng tập 2 các con sẽ thấy đường đi của pháp Nguyên Thủy một cách cụ thể qua sự tu tập của Thầy. Các con sẽ thấy trong đó Thầy tu pháp nào và tập luyện ra sao mà đi đến kết quả làm chủ được sự sống chết. Thầy sẽ nói rõ những kết quả đó. Hiện giờ (đầu năm 2003) đứng trước đối tượng của Đại Thừa mà đưa ra Người Chiến Thắng phần 2 thì sớm quá, sẽ không hay.

13.- Lưu Ý Về Hơi Thở

Định Niệm Hơi Thở là pháp môn mà tất cả các pháp môn nào có liên quan đến hơi thở đều lấy nó làm căn bản để đi vào, cho nên Định Niệm Hơi Thở đem lại nhiều kết quả rất lớn, có ích lợi cho chúng ta.

Trong bài kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm (Định Niệm Hơi Thở), đức Phật có nói chúng ta nương vào đường dây hơi thở để thực hiện các pháp khác, bởi vì Định Niệm Hơi Thở chia ra nhiều đề mục, mỗi đề mục nhắm vào việc đẩy lui các chướng ngại pháp, các ác pháp. Cho nên nếu không thuần thục ổn định các kết quả của các đề mục thì trên 4 Niệm Xứ không tập luyện được, không khắc phục được tham ưu trên đó đâu.

Cho nên phải biết rõ rằng khi Định Niệm Hơi Thở được tập luyện thuần thục thì có tầm quan trọng rất lớn. Vậy hễ có thời giờ rảnh, con nên tập thêm Định Niệm Hơi Thở. Có thuần thục, có kết quả vững vàng các đề mục Định Niệm Hơi Thở thì ta mới đương đầu với các pháp chướng ngại được, ta mới đương đầu được trong mặt trận sanh tử của ta.

Lưu ý kĩ rằng điều căn bản là phải nắm cho được hơi thở. Khi pháp Định Niệm Hơi Thở luyện chưa thành thục, chưa nhuần nhuyễn, nghĩa là nắm hơi thở chưa chắc, còn bị trật vuột mà ráng ngồi lâu thì sẽ sanh tê mỏi, đau nhức, thành ra lại tạo thêm phần khác làm cho sự nắm bắt hơi thở càng bị trật vuột thêm. Sau khi nắm được sự an trú tâm trong hơi thở, tâm con lọt vô trạng trái hỉ lạc do hơi thở chủ động sanh ra, lúc đó có cảm thọ thân hỉ lạc làm cho con thích thú ngồi, thì mới bắt đầu đánh cảm thọ. Khi chưa an trú được thì khoan đụng tới cảm thọ.

Vậy người mới tập, nếu ngồi được 5 phút, 10 phút mà cơ thể yên thì ngồi; nếu sau đó cơ thể không yên, sanh tê mỏi hay có cảm giác khó chịu thì xả ra, đứng dậy, và tập đề mục 1, 2, 3 Định Niệm Hơi Thở trong khi đứng, khi đi chứ đâu cần ngồi. Nhưng khi đã nắm được hơi thở rồi, tức an trú tâm trong hơi thở được rồi, thì nhất định không đầu hàng cảm thọ, không đầu hàng cảm giác, để luyện cho thành kết quả. Luyện 30 phút là quyết ngồi đủ 30 phút. Chưa nắm được hơi thở mà ngồi như vậy thì chỉ hành thân hành xác thôi. Ta có ngồi mà pháp thì đã vuột khỏi tâm.

“Tôi luyện pháp hơi thở thì phải nắm hơi thở chứ không phải sợ đau chân tê chân đâu. Đau tê làm vuột hơi thở thì tôi đứng dậy, luyện trong khi đứng, khi đi. Tôi chỉ biết luyện cho đạt được hơi thở thôi, cách nào luyện nắm được hơi thở thì dùng cách đó để nắm, để luyện. Nhưng đến khi đã nắm chắt được hơi thở, đã an trú được trong hơi thở thì đau tê đó không thành vấn đề đối với tôi, không quan trọng đâu, tôi dẹp hết. Tôi bám chặt được trong hơi thở thì chết tôi cũng không sợ”. Con tác ý như vậy. Tu tập như vậy.

Khi đã an trú tâm được trong hơi thở thì không cần phải chờ đợi lâu, con tăng vụt giờ tập luyện lên 1 giờ, 2 giờ mặc dù trước đó chỉ ngồi được 15, 20 phút thôi. Lúc đó con có thể ngồi lâu cho đến khi nào sức chịu đựng làm cho tâm bị loãng, bị dao động, bị phân tâm, không còn bám chặt được trong hơi thở nữa, không còn an trú được nữa, thì phải xả ra.

Tập làm sao để trong thời gian 30 phút ấn định thân được ổn định và nắm cho được hơi thở, khắc phục được cảm thọ lúc ngồi, và con an trú được. Có được vậy, con mới luyện các đề mục khác, cũng trong khoảng thời gian 30 phút thôi, cho có hiệu quả, cho đạt kết quả của đề mục đó mới sang đề mục khác.

Luyện từ 5 phút, 10 phút, rồi 30 phút, tới tối đa 1 giờ. Dưới 30 phút chưa có kết quả gì đâu, phải từ 30 phút trở lên mới có kết quả của đề mục, nhưng không được quá 1 giờ. Chỉ cần lưu ý là lúc nào cũng phải ôm pháp mà luyện, không được bỏ pháp. Bất kỳ cảm thọ lạc hay trạng thái hỉ lạc khinh an gì xẩy ra cũng đừng quan tâm. Nếu chạy theo cảm thọ mới xẩy ra là đã bỏ pháp, buông pháp. Là sai. Phải lúc nào cũng ở trên pháp mà tập luyện.

14.- Định Niệm Hơi Thở Làm Sung Mãn 4 Niệm Xứ

Các đề mục 1 tới 7 của Định Niệm Hơi Thở chuẩn bị cho con đủ năng lực để đi vào 4 Niệm Xứ. Còn các đề mục 8 đến 19 của Định Niệm Hơi Thở không phải ngồi luyện Định Niệm Hơi Thở nữa mà phải trở về với 4 Niệm Xứ thì sẽ thấy cách tập luyện rõ ràng. Khi tâm khởi tham, sân, thì ở trên 4 Niệm Xứ mà quán, dùng kết quả của Định Niệm Hơi Thở tác ý đẩy lui. Phải có tâm an trú thì mới đẩy lui được. Tâm chưa an trú thì đẩy lui chưa được.

Khi đẩy lui được các chướng ngại pháp thì mới giữ được, mới bảo vệ được tâm thanh thản an lạc vô sự, và muốn tâm thanh thản an lạc vô sự kéo dài thì nó mới kéo dài, nhờ vậy mới đạt được kết quả giải thoát. Có nghĩa là khi tâm thanh thản an lạc vô sự kéo dài trong một thời gian cần thiết mà không còn bị chướng ngại pháp trên đó nữa, thì đó là thành tựu sung mãn 4 Niệm Xứ.

Sung mãn 4 Niệm Xứ thì có đủ năng lực 7 Giác Chi. Nếu lúc đó chưa có năng lực 7 Giác Chi thì con sử dụng pháp Thân Hành Niệm kiên cố như cỗ xe, luôn luôn tác ý để làm cho Trạch Pháp Giác Chi xuất hiện. Trạch Pháp Giác Chi hiện ra rồi là toàn bộ tâm nhu nhuyến dễ sử dụng. Chính cái nhu nhuyến dễ sử dụng này gọi là Định Như Ý Túc. Như Ý là theo ý muốn. Muốn nhập định nào là nhập ngay. Tâm thanh thản an lạc vô sự đó bất động thì có cảm giác rất tuyệt vời. Rồi bảo vệ tâm thanh thản an lạc vô sự kéo dài theo ý muốn, lúc đó con sử dụng 4 Như Ý Túc mới được. Lúc bấy giờ mới hướng tâm nhập định Thiền thứ nhất cho tới Thiền thứ tư và 3 Minh. Không phải như bây giờ mà bảo “Li dục li bất thiện pháp nhập Sơ Thiền!”. Nó không li đâu. Con phải luyện 4 Niệm Xứ sung mãn cho có lực 7 Giác Chi sung mãn để có 4 Như Ý Lực mạnh rồi mới bảo li dục li bất thiện pháp nhập Sơ Thiền được.

Chánh Niệm của đạo Phật là 4 Niệm Xứ, mà sung mãn 4 Niệm Xứ tức là Chánh Niệm đã luyện xong, đã sung mãn rồi. Lúc đó qua Chánh Định để nhập từ Sơ Thiền cho đến Tứ Thiền. Chờ cho đến lúc 4 Niệm Xứ sung mãn mới tác ý “Tâm phải li dục li ác pháp nhập Sơ Thiền đi!”.  Ngay với lệnh đó thì tướng 5 chi Sơ Thiền: tầm, tứ, hỉ, lạc, nhất tâm hiện ra rất rõ và nhập Sơ Thiền liền bởi tâm đang ở trong trạng thái bất động của 4 Niệm Xứ.

Pháp 4 Niệm Xứ lạ lắm, chỉ luyện sau khi tập luyện 19 đề mục của Định Niệm Hơi Thở đạt kết quả. Bốn Niệm Xứ là pháp tập luyện ngồi rất tự nhiên, coi như mình là người không tập luyện pháp gì hết; chứ nếu còn ôm pháp thì đó chưa phải là luyện 4 Niệm Xứ . Nghĩa là Bốn Niệm Xứ là pháp tập luyện sau khi luyện các phương pháp đẩy lui các chướng ngại pháp trên thân, thọ, tâm, pháp được rồi, ngăn và diệt ác pháp được rồi. Những cái đó là những pháp của Định Niệm Hơi Thở. Các đề mục an tịnh thân hành, an tịnh tâm hành có mục đích để thân và tâm an ổn, là cách khắc phục tham ưu trên thân tâm, tức là làm cho 4 Niệm Xứ được an ổn.

Cho nên chỉ luyện 4 Niệm Xứ khi nào luyện xong Định Niệm Hơi Thở. Co luyện xong Định Niệm Hơi Thở thì 4 Niệm Xứ luyện mới dễ. Nếu Định Niệm Hơi Thở chưa xong thì luyện 4 Niệm Xứ rất khó khăn bởi vì đẩy các chướng ngại pháp lui không được.

Nhưng trước khi luyện Định Niệm Hơi Thở thì phải tập quán Định Vô Lậu. Tập quán tức là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy để có sự quán thân bất tịnh đối trị sắc tham; quán tâm Từ Bi trong Tứ Vô Lượng Tâm đối trị tâm sân... làm cho tâm thấm nhuần Chánh Kiến, Chánh Tư Duy. Cho nên bây giờ cần phải tập luyện cùng lúc các định: Định Vô Lậu, Định Thư Giản, Chánh Niệm Tỉnh Giác. Nếu chưa thông những cái này thì không tập luyện Định Niệm Hơi Thở được. Người nào lấy hơi thở làm tiêu chuẩn để tập luyện trước là họ tập luyện sai.

Bốn Niệm Xứ chỉ có đẩy lui chướng ngại pháp trên 4 chỗ thân, thọ, tâm, pháp thôi. Nghĩa là có chướng ngại thì dùng năng lực kết quả của Định Niệm Hơi Thở để khắc phục, tức đẩy cho lui ra khỏi 4 chỗ đó, không có thì ngồi chơi. Tối ngày ngồi chơi. Giữ tâm thanh thản an lạc vô sự. Không cần phải tác ý thân tâm thanh thản an lạc vô sự, không cần phải tác ý tâm li dục li ác pháp, tâm như cục đất nữa, không còn ngồi quán bất tịnh nữa. Những cái này tập luyện trong giai đoạn Định Niệm Hơi Thở, bây giờ chỉ ngồi chơi thôi. Khi có một chướng ngại nào trên 4 chỗ đó thì dùng Định Niệm Hơi Thở đẩy liền tức khắc, đẩy bay ra được hết bởi vì Định Niệm Hơi Thở đã có lực do tu tập thành thục.

Vậy Bốn Niệm Xứ là pháp dùng Định Niệm Hơi Thở khéo tác ý. Ngồi chơi mà luôn luôn sống với tâm thanh thản an lạc vô sự, không vận dụng tập luyện gì hết, giống như ở không suốt ngày. Đó chính là lúc cần phải sống ĐỘC CƯ TRỌN VẸN của giai đoạn 3 Độc Cư, để đẩy lui hết chướng ngại pháp trên bốn chỗ thân thọ tâm pháp. (Thời gian này tác ý liên tục để li, đoạn, diệt tham, sân, si, mạn, nghi – chúng là ác pháp, chướng ngại pháp – đây là bí quyết, cần nhớ) . Sau khi đẩy lui hết chướng ngại pháp rồi, bấy giờ các thần lực mới hiện ra đủ.

Thật ra không ai nắm vững điều này, chứ nếu họ nắm vững thì sẽ thực hiện đạt kết quả đúng như trong kinh đức Phật dạy tập luyện 4 Niệm Xứ 7 ngày, 7 tháng, 7 năm thì đạt một trong hai quả. Bài kinh đó hay quá, mà quả thật đúng vậy. Mình tập luyện có phương pháp, đạt kết quả rồi, thì không có chướng ngại nào xẩy ra trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp được. Cả 4 chỗ thân thọ tâm pháp, các pháp ngoài không tác động vô được, không còn làm động tâm được. Tôi có Định Niệm Hơi Thở khéo tác ý là tôi đẩy lui hết. Thân có đau gì cũng không tác động tâm được; thọ nào cũng không làm động tâm được.

Khi tập luyện đề mục 7 Định Niệm Hơi Thở đạt được kết quả thì con tự sống với tâm đó trong khi luyện 4 Niệm Xứ, không còn tập luyện thêm pháp nào nữa. Cho nên đức Phật nói khéo tác ý trong 7 ngày, 7 tháng, 7 năm thì đúng là vậy.

Trong Trung Bộ Kinh nói “Định Niệm Hơi Thở nếu khéo tác ý thì lợi ích rất lớn”. Kinh cứ nhắc câu đó hoài mà người ta không biết cách thức tác ý trong Định Niệm Hơi Thở như thế nào. Bây giờ Thầy ngồi đây, không làm gì hết, nhưng ngay khi có chướng ngại thì dùng Định Niệm Hơi Thở khéo tác ý là đẩy lui nó liền. No có lợi ích là như thế đó. Cho nên khi tu xong, Thầy thấy trong giai đoạn nào cần tập luyện pháp gì. Có lớp lang, có thứ bậc. Như vậy muốn tu tập có kết quả chắc chắn thì cần sắp xếp thành từng lớp để tập luyện.

Khi Thầy đọc bài kinh này thấy hay quá như thế nên mới bắt đầu tác ý. Tác ý cho đến khi bắt đầu sống được với cái tâm đó thì tâm bắt đầu quay vô. Lúc đó Thầy ngồi chơi thôi, ngồi chơi rồi dùng kết quả của Định Niệm Hơi Thở đẩy lui ác pháp, không còn tác ý nữa. Tác ý để cho đạt được tâm thanh thản an lạc vô sự thì cần phải có thời gian và kiên trì, quyết tâm, cố gắng. Còn khi tác ý 4 Niệm Xứ thì chỉ có mấy ngày thôi. Thanh thản ở trên 4 Niệm Xứ mà quét thì có gì mà không bay. Đây mới chính là giai đoạn luyện pháp 4 Niệm Xứ trên 4 Niệm Xứ.

Phương pháp rất tuyệt vời mà năng lực cũng kinh thật!

Thầy khuyên các con khi tập luyện thì Định Niệm Hơi Thở phải tập cho có căn bản, rất căn bản vì “Định Niệm Hơi Thở khéo tác ý thì lợi ích rất lớn”. Khéo tác ý là thí dụ khi tay này đau, nương vào hơi thở tác ý đẩy lui sự đau; tâm khởi niệm động thì nương vào hơi thở tác ý để tâm khỏi động. Ổn định, an tịnh lại là nhờ khéo tác ý. Nhưng căn gốc lại là cái tâm phải an trú cho được, nghĩa là phải nhiếp tâm không niệm khởi trong một thời gian cần thiết để trạng thái an trú xuất hiện. An trú tâm được ổn định cho có năng lực mới tác ý có hiệu lực. Khi tất cả các đề mục Định Niệm Hơi Thở con luyện nhiếp tâm và an trú tâm được hẳn hòi, có kết quả chắc chắn, ổn định thì mới bắt đầu tập luyện 4 Niệm Xứ tức là ngồi thư thản bình thường để đẩy lui chướng ngại pháp. Có chướng ngại pháp nào tới thì con dùng Định Niệm Hơi Thở của các đề mục đó mà đẩy chướng ngại ra khỏi thân, thọ, tâm, pháp. Chứ không an trú hay chưa an trú, hay an trú chưa ổn định thì tác ý không có kết quả. Mới nhiếp tâm được chỉ một phút, chưa an trú, mà muốn đẩy lui bệnh nặng thì làm sao đẩy lui được!

Mục đích tập luyện các pháp môn của Đạo Phật là li dục li ác pháp ra hết khỏi thân tâm. Mà li hết tức làm cho thân tâm thanh thản an lạc, làm cho không còn chướng ngại pháp trên đó. Thân tâm không còn chướng ngại pháp thì khi đó hoàn mãn 4 Niệm Xứ. Đến chừng tập luyện, con sẽ thấy đây là con đang luyện 4 Niệm Xứ và con thực sự đã sử dụng 4 Niệm Xứ để khắc phục tham ưu.

Cho nên khi không bị rối loạn hơi thở, tức hơi thở tốt, thì phải tập hơi theo Định Niệm Hơi Thở cho có kết quả. Còn nếu hơi thở bị rối loạn, chỉ có tập thân hành ngoại thì rất khó an trú tâm. Đi khó an trú tâm hơn ngồi. Ngồi tập sẽ nhiếp tâm vào hơi thở dễ hơn lúc đi rất nhiều. Ngồi thì trước hết được thân an tịnh, khi tâm không còn động lăng xăng thì khéo tác ý an trú, nó sẽ an trú dễ lắm.

Vậy trong thời gian này, con đừng ngồi nhiều, cũng đừng đi nhiều. Chỉ đi với sức bình thường của con, ngồi cũng chỉ với sức bình thường của con thôi. Cứ thay đổi các oai nghi, có khi đứng lại tác ý, có khi đứng lại theo dõi từng hơi thở.
Đứng thôi, không cần ngồi, để thấy sự an tịnh trong hơi thở, vì ngồi rất dễ thấy sự an tịnh đó. Khi đứng mà thấy an tịnh rồi thì liên tục tác ý li tham, li sân, li si ở trong trạng thái an tịnh đó, trong cả 4 oai nghi.

Con tập luyện đúng như lời dạy thì Thầy cam đoan chỉ trong thời gian ngắn con làm chủ được thân tâm ngay, tức làm chủ sự sống chết của con. Con ráng nhớ những điểm này mà tuần tự thực hành cho bằng được, thành công cho bằng được. Khi nào thấy rõ ràng tâm con thanh thản an lạc vô sự, lúc nào tâm cũng định trên thân, nghĩa là đi thì nó lưu ý bước đi, ngồi thì nó lưu ý hơi thở. Tự động nó lưu ý chứ con không cần phải làm gì thì lúc đó con ôm pháp Thân Hành Niệm tập trong vài giờ, rồi sẽ thấy cái lực của nó.

Thầy mong con đạt cho được chỉ vậy thôi.