Skip directly to content

HIỂU BIẾT TRONG KHI TẬP

1. Thiện Xảo Vừa Sức

Trong khi tập luyện con thấy pháp Tác Ý và Định Niệm Hơi Thở có những đề mục để giúp ta vượt qua khó khăn. Thí dụ thân bị mỏi mệt, đau nhức đâu đó thì sử dụng đề mục Định Niệm Hơi Thở để giúp thân trở về sự an ổn, rồi mới tiếp tục tập luyện. Nhưng cũng phải khéo léo, không tập luyện quá sức, phải biết thiện xảo, chứ không thì sẽ sinh ra buồn ngủ, ngủ gật, ngủ mê, mỏi mệt đủ cách. Phải tập luyện vừa sức thôi.

Phải thiện xảo đối với mỗi pháp môn mà căn bản là đừng để tâm phóng dật. Các pháp tập luyện không có tính cách giáo điều. Có tính cách giáo điều là sai. Phương pháp phải thiện xảo cho đúng với đặc tướng của mình. Đức Phật đã nói “Tấc bóng thời gian một tấc vàng”. Tập luyện là phải có chất lượng; tập luyện mà không có chất lượng là uổng lắm: uổng cả thời gian và uổng cả công tập luyện. Cho nên Thầy thường nói tập luyện từng hơi thở. Tập luyện một hơi thở mà có chất lượng thì hay hơn ngồi 30 phút mà không có chất lượng. Vậy khi tập luyện thì phải có chất lượng trong từng hơi thở. Hơi thở này được rồi mới tập tiếp hơi thở khác.

Đức Phật xác định: “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy” nghĩa là khi mình tập luyện xong, xả ra mà thấy thoải mái dễ chịu, không thấy gì là tập luyện đúng cách, tốt. Ngược lại xả ra mà thấy căng chỗ này, đau chỗ kia là tập luyện sai, phải sửa chữa lại. Nếu xả ra mà thấy lười biếng, không muốn tập luyện thì đó là tập luyện ít, dưới sức. Còn xả ra mà thấy ham tập luyện, cơ thể còn sung mãn, thích tập luyện thêm nữa thì đó là tập luyện đúng pháp, vừa sức. Nhưng phải thiện xảo nghĩa là phải nghỉ. Chỉ tập luyện tới đó thôi để còn thích, lát sau vô sẽ tập nữa.

2. Đúng Với Trạng Thái Tâm

Phải biết các trạng thái thân tâm như thế nào để biết tâm lí mà tập luyện. Tập luyện mà không thấy chán thì được, còn nếu sắp tới giờ tập mà ngán, thấy chán nản thì đó là tập luyện sai. Vả lại trên đường tập luyện có đạt được kết quả gì thì mới ham thích tập luyện, tin tưởng tập luyện; chứ không kết quả thì sẽ sinh chán nản, thối chuyển, tập luyện chỉ có hình thức thôi. Bên ngoài thì có vẻ tập luyện nhưng bên trong tâm lí đã thay đổi, không còn nồng nhiệt như lúc ban đầu.

3. Kiểm Điểm Kết Quả

Sau một thời tu tập cần kiểm điểm lại xem, dù kết quả nhỏ tuy thế nó vẫn sách tấn nhiều. Có thấy tiến bộ sẽ làm con tích cực tập luyện, ham tập luyện. Thỉnh thoảng so sánh ngày hôm qua, ngày hôm kia với ngày nay, thấy hôm nay có tiến bộ, dù nhỏ nhưng nó vẫn khích lệ rất lớn. Thí dụ so sánh kiểm điểm thời đầu hôm với thời sáng thấy thân tâm đều được an. Con ghi nhận cách thức tập luyện các pháp hành như vậy và trạng thái tâm như vậy thì sẽ tinh vi rút tỉa kinh nghiệm tại sao đêm nay tập luyện mà được kết quả như vầy hay tại sao không được. Rút kinh nghiệm đó áp dụng cho các thời tập luyện sau. Ngày này, sáng đối chiếu với chiều, kiểm điểm lại. Cứ như vậy thì con sẽ tiến bộ nhiều lắm.

4. Lắng Tâm Thanh Tịnh

Những pháp tập luyện liên tục đó giúp cho tâm càng ngày càng li dục li ác pháp cho thanh tịnh. Tâm thanh tịnh rồi thì tác ý gì nó cũng thực hiện được; vừa tác ý là nó hiện ra tướng ấy liền. Tâm còn dục, còn ác pháp, còn ô nhiễm, nói chung là chưa thanh tịnh, tập luyện thì nó lắng dần cũng như nước lắng dần thì phải trong. Tâm trong thì tâm hiện ra, chưa trong thì nó chưa hiện. Có vậy thôi. Cho nên chính khi tập luyện là lúc lắng tâm. Lắng đúng cách thì nó trong, lắng không đúng cách thì không trong, còn đục hoài. Tập luyện sai thì làm sao mà tâm thanh tịnh được.

Theo những điều trình bày thì con đã tập luyện đúng rồi, nhưng còn phải chịu khó siêng năng theo đúng cách Thầy đã dạy thì từ từ nó sẽ lắng xuống, không có cách nào khác, không ai làm cho nó lắng được. Chính các pháp đó sẽ lắng tâm của người chuyên cần luyện tập.

Con tập quán trong mỗi bữa ăn: “Thực phẩm là bất tịnh. Chỉ ăn để nuôi thân tứ đại bất tịnh, để tu học. Đừng tham ăn nhiều. Đừng tham ăn ngon. Ăn để sống, sống để tu tập”. Quán như vậy rất tốt. Hằng ngày cứ quán như vậy thì nhờ đó mới thấy ăn chỉ để sống. Con tập quán lâu dần sau này mới quen có sự tư duy khi ăn, thấm nhuần vào nhân quả.

Nghi thức thọ trai Thầy soạn để các con tập dần dần sẽ thấm nhuần, sẽ có sự tư duy khi ăn.

Ngủ con cũng tác ý “Thân tâm ngủ cho an lành, không được mộng mị chiêm bao”. Tác ý vài lần khi nằm xuống ngủ. Mới đầu thì chưa có tác dụng gì, nhưng lâu ngày sẽ yên lặng, ngủ ngon, an lành trong giấc ngủ, không còn ác mộng hay mộng mị nhiều.

Những gì Thầy dạy, con cứ thực hành rồi từ từ sẽ có kết quả tốt cho thân tâm của con. Phải có thời gian trong quá trình tập luyện để tạo thành kết quả. Trong khoảng thời gian từ 3 năm mà đừng phá vỡ hạnh độc cư, suốt ngày cứ các pháp đó chuyên lo tập luyện trì chí thì sẽ tiến bộ kinh khủng.

Con ráng tập đi! Đó là pháp Phật!

5. Xác Định Đặc Tướng

Biết cách tập luyện là biết đặc tướng của mình. Dù pháp tập luyện được dạy đúng mà không biết đặc tướng thì tập luyện bị hao hụt năng lượng nên tập luyện hoài mà không đưa đến kết quả của pháp.

Dựa vào lời Thầy dạy, con tự nghiên cứu lại trong thân và tâm để biết rõ đặc tướng của con. Thí dụ, con có thể tập luyện trong 30 phút không niệm, hay trong 10 phút, hay 5 phút không niệm thì đó là đặc tướng của con. Đặc tướng là có người trong một thời gian lâu không niệm khởi, có người mới vào là đã có niệm. Cũng như có người mới vô ngồi liền bị buồn ngủ, ngủ gục lên gục xuống nhưng ngồi lâu một lát thì hết gục; có người thì ngồi một lúc lâu mới bị ngủ gục. Đó là đặc tướng của từng người.

Với ví dụ này con sẽ thấy được pháp tập luyện thích hợp với con hay không. Một người mới vào ngồi đã bị buồn ngủ, ngủ gục liền là người này bị si nhiều nên hiện tướng buồn ngủ, ngủ gục, ngủ mê sớm. Do đó họ nên đi kinh hành nhiều, đi kinh hành tốt hơn. Còn người ngồi tỉnh táo cho đến 30 phút hay lâu hơn mới thấy buồn ngủ, như vậy người này si ít cho nên ngồi tập luyện tốt hơn.

Như vậy tùy theo đặc tướng của từng người mà ngồi nhiều hay đi nhiều. Cần suy nghiệm để biết được đặc tướng mà tập luyện cho đúng pháp, đúng cách. Chỉ khi nhận ra đúng đặc tướng, rồi nhờ vậy mà biết trong các pháp đó nên tập luyện pháp nào nhiều, pháp nào ít hơn. Con hiểu chỗ này chứ?

Nhưng điều đó không quan trọng mà điều quan trọng là ở chỗ tập luyện các pháp đúng hay không.

6. Tập Luyện Đúng Đặc Tướng

Điều cần ở giai đoạn đầu này là phải biết cách không ức chế, chứ ức chế thì thất bại. Con cần biết trong giai đoạn này phải tập luyện để đạt mục đích gì, pháp gì sẽ được tập luyện để đạt được mục đích đó.

Những pháp mà Thầy đã giảng, đã giải thích thì con biết cần tập luyện pháp nào trước, pháp nào sau; pháp nào nên tập luyện nhiều, pháp nào nên tập luyện ít để đạt mục đích lúc này.

Thí dụ như bị buồn ngủ, ngủ gật, ngủ mê, mà con chọn pháp tập luyện ngồi rồi ngồi nhiều. Như vậy là tập luyện trật đặc tướng, là sai. Trái lại, đi kinh hành nhiều thì hợp. Nếu ít buồn ngủ mà cứ đi kinh hành hoài, như vậy làm mất sự an tịnh của tâm, vậy phải tập luyện pháp ngồi và do ngồi nhiều, năng lượng hợp đặc tướng nên nó được sung mãn, được kết quả.

7. Pháp Chế Ngự, Pháp An Trú

Tập luyện các pháp Định Niệm Hơi Thở, Định Thư Giãn, Kinh Hành Tỉnh Giác, Thân Hành Niệm đều có những đối tượng tập luyện khác nhau làm cho con luôn luôn thay đổi đối tượng tập luyện, vì vậy mà không hoặc chỉ căng mặt, năng đầu chút ít; không bị ức chế, chỉ chế ngự thôi.

Tập luyện bất kỳ pháp nào cũng lấy sự chế ngự làm cách thức chánh. Tập luyện thái quá là ức chế. Đừng thái quá thì không ức chế. Đạo Phật hay ở chỗ là không ức chế, chỉ chế ngự, nên ngay lúc mới bắt đầu tập luyện là đã cảm thấy được an lạc, không bị đau nhức, thân và tâm ngày càng được sung mãn năng lực, không hề có chướng ngại trong thân. Tập luyện đúng pháp Phật, ta được giải thoát ngay từ phút đầu. Nếu sau khi tập luyện mà thấy cơ thể bị rối loạn, có cái gì không đúng, làm căng chỗ này, chỗ kia là do tập luyện không đúng nên nó mới sanh ra như vậy.

Khi ngủ ngon thì năng lượng trong người được phục hồi trở lại, được tăng thêm nên khi dậy cảm thấy rất khoẻ. Pháp Phật tập luyện cũng vậy, tập luyện đúng rồi thì năng lượng ngày càng được sung mãn. Xả ra, thấy trong người khoẻ khoắn thích thú, mà trong khi tập luyện thì được an vui, an lạc. Căn bản là ngay từ lúc đầu tập luyện phải biết cách chế ngự cho đúng, đừng rơi vào ức chế mà cho là chế ngự.

Thường sáu thức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý bị ức chế thì tưởng thức mới hoạt động. Sự ức chế là nguyên do, là động lực làm tưởng thức hoạt động. Cho nên cần lưu ý kĩ vấn đề này để tránh thiệt hại trong đường tập luyện.

Đời sống của con mà nếu không biết cách sống cho đúng thì cũng bị ức chế, đừng nói chi pháp tập luyện. Thí dụ đang ăn ngày ba bữa, mà ăn ngày một bữa liền là ức chế. Có sự thay đổi mạnh quá là ức chế, sẽ sanh bệnh. Thay vì ăn ngày một bữa liền thì nên giảm bớt một bữa ăn của thói quen hằng ngày tức là chế ngự; bữa thứ hai hay thứ ba thì giảm lượng bớt, hay thay đổi thức ăn nhẹ hơn. Rồi sau một thời gian khi thấy đã quen được thì bỏ bữa ăn phụ đó, chỉ giữ bữa ăn chánh, ngày một bữa. Đó là chế ngự. Thân tâm được an lạc.

Đến khi tập luyện mà an trú được thì con ăn thế nào cũng được, các pháp tập luyện sẽ làm thân sung mãn năng lượng. Từ từ tập luyện cho tâm trú được vào các pháp. Sau khi tâm trú được thì nó sẽ được an. Khi an trú được thì tập luyện năng lượng không hao mà còn được bồi dưỡng thêm. Cho nên vấn đề ăn không quan trọng đối với người ở giai đoạn tâm an trú này. Như những người tu ở trong núi, họ có ăn gì đâu ngoài rau rừng và cây trái rừng thế mà họ vẫn khoẻ, vẫn tu hành thành công. Nhưng vấn đề là không được ức chế. Chế ngự thì đúng. Mình phải tập. Bất kỳ vấn đề gì cũng phải tập từ từ cho quen để cho không bị phản ứng, không bị thay đổi đột ngột, không ức chế.

Thầy nói các pháp hay lắm. Nhưng tập luyện thì phải có thời gian, có giai đoạn, đâu thể muốn hay liền mà có thể đạt được. Không ai giỏi được nếu không trải qua thời gian cố gắng tập luyện.

Con hãy thực hiện tập luyện cho thuần thục hai phần nhiếp phục tâm và an trú tâm. An trú thì phải có an trú thật sự. Ngay cả muỗi châm đốt mà mình cũng không hay nếu đang trong lúc an trú.

8. Vọng Niệm

Nhiếp tâm là khi tâm hoàn toàn không có một niệm nào khởi. Vậy thì khi đi kinh hành hay khi ngồi luyện Định Niệm Hơi Thở phải làm sao cho đạt tới kết quả không niệm trong thời gian 5 phút. Nhưng phải nhớ khi luyện tâm nhiếp trên hơi thở hay luyện tâm nhiếp trên bước đi mà còn niệm thì phải biết con cần tập luyện pháp nào cho nó không còn niệm, chứ không phải ngay trên pháp trong hơi thở hay trong bước đi mà làm cho nó không niệm. Làm thế là ức chế.

Phải suy nghĩ tại sao cố gắng nhiếp tâm trong 5 phút mà còn có niệm xẹt? Như vậy là pháp tác ý đang còn yếu đây, phải trở lại pháp tác ý “Tâm như cục đất, li hết tham sân si đi!”. Phải trở về tập luyện cái nào nhiều nhất? Hãy tác ý “Li tham hết đi! Li sân hết đi! Li si hết đi!”. Con tác ý thêm “Đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành”, rồi mới đi.

Niệm khởi là do bởi tâm còn tham sân si. Chưa li tham sân si thì phải có niệm. Con đừng ức chế tâm mà chỉ tác ý bảo nó li. Chừng li tham sân si được thì đi hay ngồi thở niệm tự thưa dần cho đến không còn niệm. Cứ tác ý li ra thì pháp ám thị đó làm tâm li tham sân si và tâm hết vọng tưởng.

Nếu khởi vào tập luyện bước đi, con chú ý vào bước đi ngay, hay khởi ngồi tập luyện hơi thở, chú ý vào hơi thở ngay là coi chừng bị ức chế, khi muốn nó không còn vọng tưởng. Nếu con tác ý “Tâm phải hết vọng tưởng! Chỉ biết hơi thở thôi!” như vậy là tác ý mà ức chế – ám thị ức chế – Cũng có thể tác ý “Tâm li tham sân si!”, xong tác ý thêm “Tâm hãy dứt hết vọng niệm, chỉ biết bước đi!”. Rồi trong khi đi có niệm khởi, con đứng lại tác ý li tham sân si nữa. Tác ý li tham sân si càng nhiều càng tốt. Đang đi mà có niệm thì đứng lại tác ý. Cứ luyện riết một thời gian sau sẽ hết niệm là do chính xả tâm tham sân si.

Chính chỗ này là pháp xả tâm. Chính chỗ này mà vào sự thanh tịnh. Chính chỗ này mà tâm được tỉnh giác, tâm được định.

Nhưng tác ý sai là trật đường. Chỗ này là chỗ tối quan trọng. Nhiều người bị kẹt chỗ này vì không biết cách tập luyện pháp tác ý. Bị kẹt mà không biết. Pháp Như Lý Tác Ý là pháp tuyệt vời, nhưng phải biết sử dụng nó chứ không thì sẽ bị ức chế. Phải nhớ như vậy.

9. Tâm Còn Tham Sân Si

Muốn biết tâm còn hay hết tham sân si thì xét xem trong bữa ăn có còn muốn ăn cái gì, thèm ăn cái gì không. Nếu thấy không còn thèm ăn cái gì hết thì đó là điểm gần gũi để biết tâm không còn tham. Tâm tham của cải khởi lên ở nhiều góc độ cho nên ta phải cẩn thận, phải dè dặt. Chỉ khi đã tĩnh giác mới nhận ra được các trạng thái vi tế của nó. Thí dụ thấy y áo đẹp, bút đẹp hay cái gì mà khởi ra ý thích thì đó là tâm tham còn. Trái lại, khi thấy tâm không ham muốn gì, ăn ngon ăn dở mặc lòng, tuy vẫn biết ngon nhưng không tham luyến cái ngon, biết dở mà không buồn nản cái dở. Đó là tâm tham đã hết.

Tâm sân thì có những đối tượng khác để biết tâm sân còn hay hết. Thí dụ bị một con kiến cắn, nhưng vẫn thương nó là hết tâm sân. Nếu khi bị nó cắn đau quá, vội chà lên nó, làm nó chết hay bị thương tổn là còn tâm sân. Khi muỗi mòng châm chích cũng vậy, nếu vội vàng chà lên, đánh đập nó là tâm sân còn. Tâm sân còn hay không còn là ở chỗ này cho nên đức Phật nói tâm từ đối trị tâm sân. Khi bị cắn đau như thế mà vẫn thương chúng, không làm tổn thương chúng, thì đó là từ tâm đối trị tâm sân. Còn khi bị nó cắn mà vò lên nó một cái, đập nó một cái là tâm sân còn. Con thấy nó vi tế phải không? Đâu thấy mình sân, nhưng chính hành động đo là hiện tướng của sân, tâm hãy còn sân.

Tâm si chỉ hết khi nào hết buồn ngủ, hết ngủ gật, hết lười biếng; còn buồn ngủ, còn lười biếng là còn tâm si.

Cho nên muốn biết tâm tham sân si còn hay không thì phải tĩnh giác quan sát lại nơi chính mình. Vì vậy khi đức Phật nói “Pháp ta không có thời gian, đến để mà thấy” thì Ngài giải thích câu nói này “Tâm tôi có tham, tôi biết tâm tôi có tham. Tâm tôi không tham, tôi biết tâm tôi không tham. Tâm tôi có sân tôi biết tâm tôi có sân. Tâm tôi không sân tôi biết tâm tôi không sân. Tâm tôi có si tôi biết tâm tôi có si. Tâm tôi không si tôi biết tâm tôi không si”. Đó chính là pháp thiết thực hiện tại, nghĩa là biết được mình có tham hay biết được mình không tham; biết được mình co sân hay biết được mình không sân; biết được mình có si hay biết được mình không có si.

Khi biết được tham, sân, si là ác pháp thì nương Tứ Chánh Cần để ngăn và diệt các ác pháp, phải không? Cho nên khi ngăn và diệt ác pháp hết hoàn toàn thì tự nhiên trở về thiện pháp, chỉ còn thiện pháp thôi. Muốn ngăn và diệt ác pháp thì đức Phật trang bị cho ta phương pháp Định Niệm Hơi Thở là pháp môn đầy đủ để khắc phục được tham, sân, si. Do vậy, tập luyện pháp Định Niệm Hơi Thở để giúp tâm không còn tham, sân, si. Tâm không còn tham, sân, si thì sẽ sống mãi trong trạng thái của tâm không tham sân si tức là giải thoát, không có gì khác lạ nữa.

10. Hơi Thở Bị Chướng Ngại

Nếu bị chướng ngại hơi thở, mặc dù còn nhẹ, thì phải xả hơi thở, đừng tập luyện nó nữa, để tránh các nguy hại khi bị rối loạn hơi thở thật sự.

Nếu thấy hơi thở có sự khác lạ thì con nên ngồi kiết già mà đưa tay ra, đưa tay vô và theo dõi kĩ chuyển động vô ra của cánh tay. Khi cánh tay đưa vô hít vô; khi cánh tay đưa ra thở ra, nhưng chỉ theo dõi cánh tay chuyển động mà không lưu ý hay điều khiển hơi thở. Hãy nhiếp tâm vào chuyển động của cánh tay. Nếu nhìn cánh tay đưa ra đưa vô mà có cảm giác nặng đầu hay nặng ngực thì đừng nhìn cánh tay nữa mà nhìn tới trước mặt một khoảng xa xa. Khi cảm giác đó hết, mới nên lưu ý trở lại chuyển động của cánh tay.

Khi đưa tay ra, tác ý “Đưa tay ra tôi biết tôi đưa tay ra”; và khi đưa tay vô, tác ý “Đưa tay vô tôi biết tôi đưa tay vô”; và nếu có nặng đầu, nặng ngực, tác ý “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra; an tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô”. Khi đưa tay ra thì tưởng tượng sự nặng đầu theo cánh tay đưa ra mà chạy ra ngoài, khi đưa vào thì tưởng tượng đầu nhẹ nhàng thanh thản. Tập liên tục một thời gian thì đầu sẽ không còn căng (hay ngực không còn nặng, với tưởng tượng sự nặng ngực ra theo cánh tay đưa ra), sẽ nhiếp phục được chướng ngại đó. Đó là dùng tưởng lực để quét sạch chướng ngại pháp thọ trên thân.

Nếu có chướng ngại ở đâu, đa số người có chướng ngại phần lớn là ở trên thân, hãy tùy theo đặc tướng và sự khéo léo sáng ý tìm ra cách để xả, để đẩy lui chướng ngại nhưng vẫn ở trong pháp đang tập luyện. Hoặc đi, hoặc đưa tay, đưa chân... tùy theo đặc tướng mà chọn cách thức cho phù hợp, hoặc để hơi thở tự nhiên mà dùng tưởng để xả như cách con đã làm. Làm thế nào để cách thức đó đem lại sự an trú. Nếu không an trú được tức là cách đó không đúng với đặc tướng, phải tìm cách khác.

Định Niệm Hơi Thở rất quan trọng, nhưng chỉ những người không bị rối loạn hơi thở mới tập luyện được dễ mà kết quả rất tốt đẹp, rất lợi ích.

Hơi thở là thân hành nội nên đối với những người đã bị rối loạn hơi thở thì họ không nên tiếp tục tập hơi thở nữa, mà chỉ nên tập thân hành ngoại thôi. Người tu tập hơi thở bị thần kinh căng, tức họ tập trung quá nhiều trong hơi thở, làm cho hơi thở bị lệch lạc. Người bị cảm thọ qua hơi thở như bị tức ngực, khô cổ, hoặc có những trạng thái bệnh do tập luyện hơi thở quá ức chế, vận dụng hơi thở nhiều qua nên hơi thở bị rối loạn thì người đó lúc này bắt buộc không được đụng tới hơi thở, đừng nên tập luyện pháp hơi thở nữa. Bởi nếu tập trung vô hơi thở là nó bắt đầu rối loạn trở lại, rối loạn thêm vì các chướng ngại đó xẩy ra.

Trường hợp đó người này phải ngưng tập hơi thở, chỉ tập luyện thân hành ngoại, tức là kinh hành thôi. Luyện thân hành ngoại cho đến khi rất thuần thục, rất tự nhiên, được định tĩnh và thực hành thuần thục những pháp Như Lý Tác Ý mà đức Phật đã dạy. Lúc nào các pháp này giúp tâm người đó trở lại bình thường, biết bước đi mà tâm không tập trung, đi rất tự nhiên, hơi thở không còn bị rối loạn nữa lúc đó mới nên trở về tập hơi thở, và tập luyện những cái cần thiết cho đường tu tập.

Những người đã bị rối loạn hơi thở mà vẫn tập trung luyện 5 hơi thở thì không ích gì đâu, chỉ sinh bệnh thôi. Còn những người không bị chướng ngại thì họ phải tập hơi thở cho đàng hoàng, đúng cách thức, đạt cho được căn bản thì mới lợi ích lớn, dễ dàng tập luyện các đề mục của Định Niệm Hơi Thở. Phải nghe lời Thầy.