Skip directly to content

GIỚI THỨ BẢY: KHÔNG NÊN NGHE CA HÁT VÀ TỰ CA HÁT

Để giữ tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự. Người tu sĩ và cư sĩ đệ tử của Phật thì không nên nghe băng nhạc ca hát, dù bất cứ những loại nhạc nào nhạc đời, nhạc đạo. Nói ca nhạc là phải nói đến âm thanh du dương trầm bổng, như tiếng khóc nỉ non, như tiếng than thở vắn dài thương đau v.v.. Nhất là không nên tự ca hát, vì tự ca hát là làm mất oai nghi chánh hạnh của người tu sĩ. Người tu sĩ đầu tròn áo vuông mà cất giọng ca ngâm thì thật là khó xem, không giống ai cả, đời chẳng ra đời mà đạo cũng chẳng ra đạo.

Âm thanh ca hát trầm bổng rất dễ khiến cho con người đam mê và gây xúc động tình cảm thế gian khiến cho tâm hồn yếu đuối, dễ bi lụy như Tiêu Hà thổi tiêu khiến cho quân lính Hạng Vương bỏ hàng ngũ trốn về quê quán. Hạng Vương mất nước và tử trận một cách thương đau. Đấy, quý vị xem lời ca tiếng nhạc rất quan trọng, nếu người tu sĩ không biết ngăn chặn ngay từ lúc đầu thì con đường tu tập không bao giờ có kết quả. Bởi tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự mà còn có âm nhạc trong đó thì làm sao thanh thản được. Phải không thưa quý vị?

Lời khuyên của đức Phật: “KHÔNG NÊN NGHE CA HÁT VÀ TỰ CA HÁT”, vậy mà các thầy lại tụng kinh niệm Phật ê a, giọng cao, giọng thấp theo tiếng trống, tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng đàn v.v.. thật là đi ngược lại giới luật, lời dạy của đức Phật. Vậy quý thầy là đệ tử của Phật hay đệ tử của Bà La Môn?

Lời ca tiếng hát đã làm biết bao nhiêu vua chúa mất ngôi, hạnh phúc gia đình tan nát. Vì thế người tu sĩ Phật giáo tìm sự giải thoát mà còn nghe ca hát thì làm sao giải thoát cho được.

Đức Phật dạy chúng ta tu hành chớ đâu có dạy chúng ta tụng kinh niệm chú ê a giọng cao giọng thấp.