Skip directly to content

3- ĐỀ MỤC THỨ BA

3- Hít vô ngắn tôi biết tôi hít vô ngắn; thở ra ngắn tôi biết tôi thở ra ngắn. Đó là đề mục thứ ba của Định Niệm Hơi Thở, khi chúng ta muốn hơi thở ngắn thì tác ý câu này: “Hít vô ngắn tôi biết tôi hít vô ngắn; thở ra ngắn tôi biết tôi thở ra ngắn. Đây là cách điều khiển hơi thở ngắn bằng pháp như lý tác ý. Xin các bạn lưu ý. Do tu tập về hơi thở nên phải làm chủ được hơi thở. Muốn thở dài thì hơi thở dài, muốn hơi thở ngắn thì hơi thở ngắn. Khi nào chúng ta thở dài thở ngắn mà không thấy có sự rối loạn hô hấp đó là chúng ta đã thành công làm chủ hơi thở. Riêng về phần tu tập hơi thở thì nên tu tập hơi thở bình thường là tốt nhất, không nên vận dụng hơi thở dài hoặc hơi thở ngắn.

Mục đích của đề mục 2 và 3 là để tu tập vận dụng điều khiển hơi thở theo ý muốn của mình. 

Đề mục số 2 hít dài, hay số 3 hít ngắn của Định Niệm Hơi Thở, là để giữ hơi thở ổn định theo đặc tướng của mình. Sau này hơi thở có thay đổi thì không cho thay đổi, vì nó sẽ đưa đến những điều tai hại, nó có thể làm rối loạn hơi thở hoặc sanh tưởng tức, bởi vì tưởng tức sẽ hiện ra, do đó bị ma chướng của tưởng.

Đề mục 2 hay đề mục 3 thì phải thực hiện như người thợ quay tơ, như người thợ gốm. Vận dụng hơi thở làm cho nó dài hay làm cho nó ngắn hợp theo đặc tướng để đạt được sự an ổn nhiếp tâm trong hơi thở. 

Khi tập luyện đề mục 1 được thuần thục, hơi thở được thông suốt không chướng ngại thì hơi thở sẽ hiện tướng khi dài khi ngắn. Nếu là hơi thở dài thì hơi thở chầm chậm đi vô, đi ra. Một phút dưới 10 hơi thở, đó là hơi thở dài. Còn hơi thở ngắn thì nó như con thoi, hít vô thở ra nhanh. Một phút trên 10 hơi thở, đó là hơi thở ngắn. Nếu quý Phật tử thấy hơi thở dài giúp nhiếp tâm được dễ dàng, còn hơi thở ngắn lúc nhiếp được lúc không thì chọn lấy hơi thở dài để làm hơi thở chuẩn theo đặc tướng của quý Phật tử. Khi quý Phật tử đã chọn hơi thở dài rồi thì nên điều khiển nó bằng câu tác ý hơi thở dài Hít vô dài tôi biết tôi hít vô dài; thở ra dài tôi biết tôi thở ra dài” và để ý trên độ dài của hơi thở, chỉ quan sát theo dõi độ dài của hơi thở, không còn bám chỗ tụ điểm nữa. Cứ mỗi 5 hơi tác ý một lần.

Nếu hơi thở phù hợp với đặc tướng tức là nhiếp tâm được thì phải vận dụng cho nó đều đều. Không vận dụng để luyện tập điềukhiển hơi thở quá dài, quá chậm. Cứ giữ y theo tự nhiên bình thường độ dài hay độ ngắn của nó.

Nếu quý Phật tử chọn hơi thở ngắn thì nên tác ý “Hít vô ngắn, tôi biết tôi hít vô ngắn; thở ra ngắn, tôi biết tôi thở ra ngắn” và cách tập luyện cũng tương tự hơi thở dài.

Khi tập luyện đã ổn định độ dài hay độ ngắn của hơi thở rồi thì về sau này nó có thay đổi gì thì tác ý cho nó trở về hơi thở của đề mục này. Không được cho nó trở thành dài hơn cũng không được cho nó ngắn bớt. Nó phải ở trong dạng quý Phật tử đang tập luyện.