NGÔI THỨ HAI PHÁP BẢO
Vậy PHÁP BẢO là gì?
PHÁP BẢO là những lời dạy của đức Phật, những kinh nghiệm trong khi tu tập đạt được chân lý, Ngài đem dạy lại cho loài người để thực hành đạt được kết quả giải thoát như Ngài. Tại sao pháp bảo của Ngài là chỗ nương tựa để chúng ta không còn khổ đau nữa?
Có phải là pháp môn niệm Phật Di Đà không? Có phải pháp môn ngồi thiền chẳng niệm thiện, niệm ác không? Có phải pháp môn tham thoại đầu, khán công án không? Có phải pháp môn niệm chú, bắt ấn, tụng kinh bái sám lạy hồng danh chư Phật không?
Không! Đức Phật không có dạy những pháp môn như vậy mà dạy chúng ta pháp môn Tứ Chánh Cần tức là ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp. Pháp của Phật rất thực tế, Ngài dạy: “Khi tâm có tham tôi biết tâm có tham, khi tâm không tham tôi biết tâm không tham”. Tham là ác pháp, ác pháp thường mang đến sự khổ đau cho mình, cho người, cho cả hai. Vậy ngay đó biết nó là ác pháp thì phải diệt không được để nó trong tâm. Khi nương tựa vào pháp để diệt ác pháp thì tâm hết khổ đau. Vậy nương vào cha mẹ không hết khổ đau mà chỉ có nương vào pháp mà hết khổ đau.
Khi thân bệnh đau nhức khổ sở, bất cứ một loại bệnh nào, nơi đâu trên thân thì chỉ cần nương vào pháp môn của Phật thì bệnh sẽ chấm dứt và thân không còn đau khổ nữa (Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu). Muốn biết rõ như vậy chúng ta hãy nhờ vào những ví dụ.
Ví dụ: Khi chúng ta bị nhức đầu liền nhiếp tâm vào hơi thở và an trú trong hơi thở. Vậy an trú trong hơi thở như thế nào?
Trước tiên chúng ta nhiếp tâm trong hơi thở: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Sau khi chánh niệm tỉnh thức trong hơi thở liền tiếp tục tác ý: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Sau khi tâm an trú được trong hơi thở thì bệnh nhức đầu đã tan mất. Như vậy nương vào cha mẹ làm sao hết bệnh đau đầu được, chỉ có nương vào pháp môn ngăn ác diệt ác pháp mà lành bệnh. Như vậy nương vào pháp của Phật làm chủ được bốn sự đau khổ của kiếp người: sanh, già, bệnh, chết; ngoài ra không còn pháp nào nào để chúng ta nương tựa thoát khổ như vậy được.
Pháp môn làm chủ thoát khổ lợi ích lớn như vậy, cho nên nó được gọi là đạo đức nhân bản – nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người; pháp môn đem lại lợi ích cho đời, cho xã hội như vậy nên được gọi là PHÁP BẢO.
Pháp môn lợi ích như vậy có xứng đáng cho chúng ta nương tựa không? Cho nên Quy Y Phật Bảo không thể đầy đủ trọn vẹn sự giải thoát của kiếp người nên phải QUY Y PHÁP BẢO.