HÀNH CÁC PHÁP THIỆN CÓ PHẢI LÀ TU TẬP CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC VÀ ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ KHÔNG?
Câu hỏi của Diệu Tâm
Hỏi:Kính bạch Thầy! Xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy con cách hành và qua ví dụ để con rõ về hai loại định: “Chánh Niệm Tỉnh Giác Định và Định Niệm Hơi Thở”. Chánh niệm có phải là các pháp thiện không?
Đáp:Chánh Niệm Tỉnh Giác Định là niệm chân chánh. Niệm chân chánh tức là niệm thiện, cho nên Chánh Niệm Tỉnh Giác tức là tâm niệm niệm hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày trong trong sức tỉnh thức để các niệm ác không xen vào được. Cho nên nó là các pháp thiện, nếu có một niệm ác xen vào thì không thể gọi đây là chánh niệm được.
Trong Bát Chánh Đạo có tám nẻo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Chánh Niệm là một nẻo thiện trong tám nẻo thiện, pháp hành của đạo Phật là như vậy.
Chánh Niệm trên Tứ Niệm Xứ mà Tứ Niệm Xứ thì có bốn chỗ để tu tập thiện pháp, trên bốn chỗ đó luôn luôn khắc phục ác pháp không cho ác pháp xâm chiếm vào, vì thế, người thường sống trong Chánh Niệm là người sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người hay nói một cách khác là người tu thiền Tứ Niệm Xứ.
Chánh Niệm như con đã hỏi có phải là các thiện pháp không?
Đúng vậy Chánh Niệm là niệm các pháp thiện như:
1- Không tham.
2- Không sân.
3- Không si.
4- Không làm đau khổ chúng sanh.
5- Không trộm cắp, cướp giât, móc túi, lấy của không cho.
6- Không tà dâm.
7- Không nói vọng ngữ.
8- Không nói lời hung dữ.
9- Không nói thêu dệt
10- Không nói lưỡi hai chiều.
Niệm các niệm thiện không có nghĩa đọc thầm 10 niệm thiện như niệm chú, đọc kinh, mà chính phải sống trọn vẹn và giữ gìn thân, thọ, tâm, pháp của mình trong 10 điều lành trên đây. Có như vậy mới được gọi là Chánh Niệm Tỉnh Giác Định.
Định Chánh Niệm Tỉnh Giác Định và Định Niệm Hơi Thở là hai pháp môn thiện để tu tập ngăn các ác và diệt các ác pháp.
Ví dụ: Con đi kinh hành, trước khi bước đi con hướng tâm nhắc: “Tâm như đất từ bỏ tham, sân, si tôi biết tôi đi kinh hành”, cứ thỉnh thoảng con vừa đi vừa nhắc câu pháp hướng này.
Ví dụ: Con đang nấu cơm, trước khi nấu cơm con hướng tâm nhắc: “Tâm như cục đất từ bỏ xa lìa lòng tham, sân, si tôi biết tôi đang nấu cơm”.Và trong thời gian còn đang nấu cơm thì con cứ thỉnh thoảng lại nhắc tâm câu pháp hướng trên cho đến khi nấu cơm xong.
Mục đích ở đây là nương vào hành động làm việc hoặc hơi thở để được tỉnh thức không quên Chánh Niệm tức là pháp hướng nhắc tâm, chứ không phải tỉnh thức trong hành động làm hay đi hay thở mà nhờ nhắc tâm “đi, hơi thở và làm việc là đểtỉnh thức trên Chánh Niệm từ bỏ tâm tham, sân, si, mạn, nghi”.
Cho nên pháp hành của đức Phật thật là rõ ràng và cụ thể mỗi hành động tu tập đều mang đến một ý nghĩa thiện, một kết quả an lạc, yên vui, các pháp hành của đức Phật sẽ mang đến cho chúng ta một điều gì đó rất giải thoát thực tế cho đời sống của con người. Nhờ vậy con người tu tập tức là sẽ sống không làm khổ mình khổ người. Đấy là sự thanh thản, an lạc và vô sự của loài người. Làm người ai ai cũng nên chọn cho mình một sự sống như vậy để đem lại sự an vui cho mình cho người và cho muôn loài vạn vật trên hành tinh này.