Skip directly to content

NẺO VỀ ĐẠO ĐỨC

Câu hỏi của cháu Dũng

Hỏi: Kính thưa Thầy! “Ngăn ác diệt ác pháp”xong lại phải “không làm khổ mình, khổ người”, trước đây con thấy nó là mâu thuẫn nhau, từ lá thư của Thầy chỉ bảo cho con, con sáng tỏ được nhiều, con hiểu rằng muốn thực hiện được điều đó còn đòi hỏi sự khéo léo phải không thưa Thầy?

Mình thấy cái ác, cái làm khổ mình, khổ người, cái vô lý thì phải chống lại nó, xong phải làm sao cho người ác hiểu ra mà không được dùng lời nói hành động làm họ đau đớn phải không thưa Thầy?

Trong mọi cuốn sách của Thầy, cuốn nào con cũng thấy Thầy nhắc đi nhắc lại “không làm khổ mình, khổ người”đến nay con hiểu rằng đó là cứu cánh, nếu thực hiện đúng thì cuộc sống của chúng ta dễ chịu biết bao và đó là Niết Bàn tại thế, có phải không thưa Thầy?

Đáp:Đúng vậy, ngăn ác diệt ác pháp tức là không làm khổ mình, khổ người. Không làm khổ mình, khổ người là một đạo đức cao thượng tuyệt vời. Vì thế, không những phải khéo léo mà còn phải thiện xảo trong mọi hành động từ lời ăn tiếng nói đến những cử chỉ và sự tư duy suy nghĩ, phải khéo léo thiện xảo tỉnh thức hoàn toàn.

Đúng vậy, thấy cái ác, cái làm khổ mình, khổ người, cái vô lý, cái phi đạo đức thì mình phải chống lại để đem lại sự an vui hạnh phúc cho nhiều người bằng một sự công bằng và công lý, chứ không phải chỉ có đem lại sự an vui hạnh phúc cho một cá nhân của mình.

Vì chống lại sự bất công, sự vô lý, sự phi đạo đức, thì phải có sự va chạm, sự va chạm ấy chúng ta phải khéo léo thiện xảo khiến cho sự va chạm ấy trở thành mát lạnh, vì thế mọi người mới được an vui.

Cũng như Thầy viết kinh sách nói thẳng nói thật, vì biết những lời nói này sẽ mang lại ích lợi lớn cho nhiều người và chỉ va chạm với một số ít người đang bị danh lợi làm mờ mắt, nhưng cũng là tiếng cảnh tỉnh cho họ và sẽ có lợi ích cho họ sau này.

Ngăn ác diệt ác là một việc làm rất tế nhị, thiện xảo, khéo léo, cho nên nó nêu rõ hành động của chúng ta khi gặp đối tượng có cả hai vế một lượt: “không làm khổ mình, khổ người”.Nếu một vế thì chúng ta rất dễ làm, còn hai vế là một điều rất khó, nếu chúng ta không thiện xảo khéo léo thì không thể nào thực hiện được đạo đức nhân bản này. Cho nên đức Phật dạy: “Thiện xảo nhập vào thiện pháp, thiện xảo an trú sống trong thiện pháp”.Phần nhiều thiện xảo là cố tránh né va chạm, cho nên lấy nhẫn nhục làm đầu cuộc đấu tranh tư tưởng, kế đó mới tùy thuận nhưng tùy thuận không bị lôi cuốn là một thiện xảo tuyệt vời giúp cho mình vui người khác vui, vì thế mới được gọi là bằng lòng cả hai mình và người.

Đúng vậy, con đã hiểu không làm khổ mình, khổ người là một cảnh giới Niết bàn, là Thiên đàng tại thế gian chứ đâu còn tìm kiếm nơi đâu.

Sự tu hành theo đạo Phật chỉ có bấy nhiêu đây thôi: “Không làm khổ mình, khổ người”. Nhưng nó là một trường kỳ chiến đấu với nội tâm chứ không phải tu một ngày một bữa là xong. Sự chiến đấu này phải có đầy đủ nghị lực kiên cường, bền chí gan dạ phi thường và còn phải có trí tuệ sáng suốt, khéo léo và thiện xảo trong mọi hành động đối xử với các pháp thì mới không làm khổ mình, khổ người, bởi chính nó là nền đạo đức nhân bản của đạo Phật.

Vài hàng cháu rõ thăm và chúc cháu thành tựu đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người trong mọi hoàn cảnh để đem lại cho mình cho người một hạnh phúc chân thật.

Kính ghi