Skip directly to content

LỜI NÓI ĐẦU

Hơn một năm, tám tập Đường Về Xứ Phật được ra mắt quý vị, đến nay tập 9 ra đời để góp thêm những phần còn thiếu sót của bước đường tiến tu về xứ Phật. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo đã được giảng dạy trên hai phần ba, làm sáng tỏ đường lối tu tập của đạo Phật rất cụ thể và rõ ràng, không còn có chỗ nào khiến cho quý vị khó hiểu.

Chúng tôi giảng tới đâu thì pháp hành kèm theo tới đó, nếu ai chịu khó tu tập và lập hạnh sống đúng giới luật của Phật, thì chúng tôi tin chắc rằng quý vị sẽ tìm thấy sự giải thoát ngay liền. Sự giải thoát ngay liền đó là một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự. Cònnếu quý vị không phải là những người đi tìm sự giải thoát nơi tâm hồn của quý vị, thì khi đã đọc sách của chúng tôi, (chúng tôi tin chắc rằng) quý vị cũng tự hổ thẹn với mình vì đã đọc và hiểu những lời dạy đạo đức của Phật mà không sửa mình lại còn làm người vô đạo đức với mình, với người, tức là làm khổ mình khổ người, và như vậy quý vị sẽ cảm thấy mình chẳng khác nào như loài cầm thú, nếu quý vị cứ tiếp tục mãi làm khổ mình khổ người như vậy thì quý vị còn tệ hơn loài cầm thú nữa, đó chỉ là những loài ác quỷ (hiểu biết mà còn làm khổ mình khổ người là loài quỷ dữ, chứ không phải là loài người nữa). Phải không quý vị?

Tập 9 này chúng tôi sẽ tiếp tục trả lời tất cả những câu hỏi của quý vị, từ lâu quý vị còn đang ôm ấp trong lòng chưa giải nghi được.

Chúng tôi cố gắng trả lời và làm sáng tỏ lại đạo Phật, nhất là đạo đức nhân bản - nhân quả của Phật giáo để mọi người có đủ duyên may gặp được chánh pháp dạy về đạo đức nhân bản - nhân quả làm người của đạo Phật. Nhờ đó quý vị thực hiện một đời sống đạo đức cao thượng, một đạo đức đẹp đẽ tuyệt vời. Người sống đúng với đạo đức ấy, thật xứng đáng làm người giữa loài người.

Tập 9, chúng tôi giảng về Thất Giác Chi để mọi người biết cách thực hành sống đúng bảy pháp môn giải thoát của đạo Phật. Mỗi pháp môn thực hành đều có sự giải thoát ngay liền, nên nó được mang tên là Giác Chi chứ không phải đợi tu hết bảy pháp Giác Chi mới có sự giải thoát, nhưng mỗi Giác Chi được tu tập là có sự giải thoát thân tâm của quý vị ngay liền tại Giác Chi đó.

Trong Bảy Giác Chi nó gồm đủ “giới, định, tuệ”, nếu một vị tu sĩ mà không giữ gìn giới luật nghiêm túc thì không thể nào tu tập Bảy Giác Chi được, cũng như không sống đời sống phạm hạnh, không phòng hộ sáu căn, không thiểu dục tri túc, không ba y một bát, không đi xin từng miếng, từng nhà, không xả bỏ của cải tài sản vật chất, không đoạn lìa những tình cảm người thân quyến thuộc, không lấy gốc cây làm giường nằm mà sống trong chùa to Phật lớn, vì chùa to Phật lớn, giường cao rộng, mền nệm êm ấm, sống trong nhung lụa sang giàu thì không thể nào tu theo Bảy Giác Chi được, vì ngay cuộc sống đó là không “Giác Chi[1]” thì còn tu tập cái gì là Giác Chi được nữa.

Tập 9 này chúng tôi cố gắng vạch rõ sự hiểu lầm của quý vị, từ lâu quý vị đã cho rằng một bậc Thánh phải có những điều kiện như sau:

1/ Một vị Thánh A La Hán phải có thần thông biến hóa, tàng hình, phóng hào quang, ngồi xếp bằng bay trên hư không như chim v.v..

2/ Một vị Thánh A La Hán phải biết chuyện quá khứ vị lai của mình, của người khác.

3/ Một vị Thánh A La Hán phải thông suốt tam tạng kinh điển và còn phải thông hiểu cả vũ trụ, cái gì cũng phải hiểu biết hết.

4/ Một vị Thánh A La Hán luôn luôn chịu khổ thay cho mọi người, thậm chí còn phải hy sinh tánh mạng để cho người khác sống.

5/ Một vị Thánh A La Hán chết phải biết ngày biết giờ, sanh ra phải nhớ nhiều đời nhiều kiếp của mình.

6/ Một vị Thánh A La Hán chết phải để lại nhiều xá lợi, hoặc để lại bộ xương khô (nhục thân).

Đó là những tư tưởng hiểu lầm lạc về một bậc Thánh A La Hán của đạo Phật. Một bậc Thánh của đạo Phật là những người sống đúng phạm hạnh có nghĩa là một đời sống được gọi là Thánh Tăng thì phải ly dục ly ác pháp, sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh, đó chính là bậc Thánh Tăng của đạo Phật.

Bậc Thánh Tăng là những người sống không phạm giới, bẻ vụn giới, thấy những lỗi nhỏ nhặt rất sợ hãi, luôn luôn sống đời sống giới luật nghiêm túc, còn sáu loại Thánh A La Hán ở trên mà quý vị tưởng tượng ra, đó là sáu loại Thánh “dỏm”, Thánh lừa đảo thiên hạ, tạo nhân ác cho mình, Thánh vô minh làm khổ mình, khổ người mà không thấy, chỉ thích chạy theo danh lợi hão của cuộc sống tạm bợ trong thế gian loài người.

Còn một vị Thánh Tăng của đạo Phật thì sống thật cho mình cho người, chẳng bao giờ làm khổ mình khổ người có nghĩa là chẳng bao giờ hờn giận tức tối ai hết dù ai có khó dễ, mắng chửi mình, mạt sát mình thậm tệ nhưng mình vẫn an nhiên tự tại vui vẻ và chẳng hề có một lời nặng nhẹ nói xấu ai hết, trước mặt và sau lưng đều đối xử như vậy. Một vị Thánh của đạo Phật luôn luôn sống có ích lợi cho mình, cho người, sống biết hòa mình với mọi người, không làm khổ mình, khổ người bằng những đức hạnh: nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, ăn, ngủ không phi thời và sống độc cư một đời sống trầm lặng, nhưng tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thoát, an vui và trước mọi cảnh vui cũng như mọi cảnh buồn đều thanh thản, an nhiên không hề dao động tâm.

Suốt mười bảy, mười tám năm trời tu viện Chơn Như mở cửa đón những người có tâm huyết muốn thắp lại ngọn đèn chánh pháp của Phật giáo và làm gương sáng cho hàng tín đồ, nhưng đến nay tu viện vẫn hy vọng có những bậc ấy. Vì vậy, Tu viện cố gắng hết mình để đào tạo những bậc Thánh Tăng, Thánh Ni ấy để chấn chỉnh Phật giáo lại,nhưng đến giờ này tuy chưa tìm thấy được một ai nhưng tu viện vẫn hy vọng và tin rằng sẽ có những người xứng đáng là đệ tử của đức Phật xuất hiện và nối tiếp mạng mạch của Phật giáo.

Đúng vậy, đến nay năm 2006 chúng tôi đã tìm thấy những bậc ấy xuất hiện qua lớp đào tạo những bậc chứng đạt chân lý. Khi nhuận lại tập 9 chúng tôi báo tin mừng này đến quý vị để quý vị biết rằng Phật giáo đâu phải là một pháp khó tu tập như từ lâu người ta đã tưởng: Phật pháp phải tu nhiều đời nhiều kiếp, trong khi đức Phật xác định sự tu tập của Phật giáo chỉ trong 7 ngày, 7 tháng, 7 năm.

Sự tu tập của đạo Phật chỉ có hai lộ trình “thiện và ác”, kinh sách Phật đã dạy rõ ràng và cụ thể như vậy, từ cách thức thực hành pháp đến cách thức thực hiện trong cuộc sống hằng ngày. Càng tu tập càng thấy sự giải thoát rõ ràng, càng tu tập đời sống càng an vui hạnh phúc đầy đủ. Thế tại sao người ta lại tu theo không nổi?

Tu theo đạo Phật thì chỉ phải chọn lấy con đường thiện mà đi, cớ sao các vị tu sĩ của đạo Phật lại đi trên con đường ác, trong khi chúng tôi đã giảng dạy cố hết sức mình, mong cho mọi người hiểu rõ sự lợi ích của con đường thiện và sự tai hại của con đường ác, thế mà có hàng trăm người về tu viện tu hành, họ tu như thế nào? Họ hành như thế nào? Có người đã từng sống bảy tám năm trời tại tu viện, thế mà họ vẫn đi theo con đường ác, con đường khổ đau cho mình, cho người, có sung sướng gì đâu mà họ lại bước theo con đường ấy!

Bởi lòng người còn tham dục quá rẫy đầy, còn ôm chặt các ác pháp trong tâm, vì thế mà giáo pháp phát triển lợi dụng lòng tham dục ấy nên phát triển những giáo pháp lừa đảo, mê tín, trừu tượng, ảo giác, phi đạo đức, nhưng mang đầy tính chất tham dục trong đó khiến người tu sĩ đúng sở thích tham dục một cách dễ dàng của họ mà không bị tín đồ chỉ trích.

Mọi người ai cũng biết giáo pháp phát triển không phải là giáo pháp của đạo Phật nhưng vì nó gợi đúng lòng tham dục của thiên hạ, nên mọi người chạy theo nó, tu tập theo nó. Kinh sách phát triển ai cũng biết là thần thánh hoá, mê tín phi đạo đức nhưng không ai bỏ được, nó cũng giống như mọi người đều biết thuốc lá và rượu là có hại cho cơ thể, nhưng thuốc lá và rượu kích thích đúng lòng tham dục của họ, vì thế họ có bị bệnh lao phổi hoặc nằm đường, ngủ bụi, ngủ bờ làm khổ vợ con dòng họ thì họ cũng không bỏ được. Người tu theo đạo Phật thời nay cũng vậy, họ đều rõ con đường ác là con đường khổ đau, con đường thiện là con đường hạnh phúc, thế mà họ vẫn bám theo mãi con đường ác và chẳng bao giờ muốn bỏ.

Đạo Phật dạy con người thoát khổ bằng đạo lộ thiện, nhưng bản chất con người không muốn thoát khổ nên không muốn đi trên lộ trình thiện, vì thế mà phải đành chịu khổ đau muôn đời muôn kiếp chẳng bao giờ dứt.

Suốt mười bảy, mười tám năm trời không lúc nào mà Thầy không nhắc nhở quý thầy và các con: “đây là con đường thiện và đây là con đường ác, con đường thiện đưa đến hạnh phúc an vui không làm khổ mình, khổ người và đây là con đường ác đưa đến sự khổ đau, sự phiền toái, sự bất toại nguyện, sự ưu bi sầu khổ thường làm khổ mình khổ người và khổ tất cả muôn loài chúng sanh”.

Con đường chánh pháp của đạo Phật là con đường thiện, con đường lợi ích thiết thực cho loài người là như vậy, nhưng mấy ai đã nghe và đã chấp nhận, còn con đường tà pháp, ác kiến, cúng tế, cầu an, cầu siêu, tụng kinh, niệm chú, bắt ấn, ngồi thiền, lên đồng, nhập xác v.v.. toàn là những pháp mê tín, phi đạo đức thì được mọi người tin theo, làm theo, thực hành theo một cách dễ dàng, nhưng hoàn toàn chỉ là những sự hy vọng hão huyền chứ chẳng có ích lợi thiết thực cho cuộc sống con người chút nào cả. Còn pháp chân chánh đem lại sự lợi ích thiết thực cho họ thì dường như họ nghe rất thích nhưng sống và thực hành thì họ thực hành không vô. Bởi vậy, tà pháp và ác pháp thì dễ thực hành, dễ làm còn chánh pháp và thiện pháp tuy vậy rất khó thực hành và khó làm.

Ví dụ: Mình chửi người ta hoặc người ta chửi mình thì chuyện đó ai làm cũng được, nhưng chuyện khó làm là người ta chửi mình mà mình không chửi lại, mình không chửi lại màcòn vui vẻ không hờn tức giận thì chuyện đó còn khó làm hơn nữa. Vì thế giá trị của người tu theo Phật giáo là ở chỗ này.

Chuyện tụng kinh niệm chú, bắt ấn, ngồi thiền, niệm Phật, lạy sám hối, tập luyện Yoga, khí công v.v.. thì rất dễ dàng ai ai cũng có thể làm được, nhưng ngồi mà quan sát bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp trong thân ngũ uẩn để đẩy lui các chướng ngại pháp ra khỏi bốn chỗ này, để đem lại cho thân tâm một sự giải thoát thật sự, một tâm hồn an vui, thanh thản, một thân tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, một trạng thái Niết Bàn vĩnh viễn cho những ai biết sống với pháp chân chánh Tứ Niệm Xứ này thì như lời đức Phật đã từng tuyên bố: “nội trong bảy ngày, còn chậm là bảy tháng, còn tệ hơn nữa là bảy năm sẽ chứng đạo hoàn toàn”.

Pháp chân chánh là tu tập như vậy, thế mà có người tu đã bảy năm qua bản chất như thế nào thì còn nguyên như thế nấy không có thay đổi chút nào cả, có nghĩa là trong tâm tham, sân, si, mạn, nghi và ác pháp vẫn còn nguyên không đổi thay chút nào, thậm chí chúng tôi quan sát xét thấy có phần tham, sân, si, mạn, nghi còn nhiều hơn vì chính tu sai do ức chế tâm dồn nén chịu đựng, đến khi chịu đựng không nổi bao nhiêu ác pháp đổ ra lai láng, vì thế mà nó còn nhiều hơn.

Trong thời đại khoa học ngày càng tiến tới triển khai một đời sống con người thực tế và cụ thể, những gì mơ hồ trừu tượng lừa đảo con người từ xưa đến nay của các tôn giáo sẽ được phơi bày trước ánh sáng của khoa học và kỹ nghệ hiện đại, lúc bấy giờ các tôn giáo sẽ không còn đất đứng trên hành tinh này nữa, nhất là giáo pháp phát triển 62 lập luận của Bà La Môn lại càng rõ nét của sự gian xảo lừa đảo v.v.., còn nếu Phật giáo Nguyên Thủy không làm sáng tỏ trong giai đoạn này thì cũng sẽ bị chung số phận như kinh sách phát triển.

Nếu Phật giáo Nguyên Thủy mất đi, là mất đi một nền đạo đức tuyệt vời của loài người và vì thế không còn có một nền đạo đức nào để cho tinh thần mọi người quân bình với vật chất của khoa học.

Hiện giờ phải mở ngay một lớp học và tu tập để đào tạo con người sống có đạo đức nhân bản - nhân quả. Nhất là trong giai đoạn này phải có người sống có đạo đức để làm gương sáng cho mọi người trong xã hội soi, là một điều cần thiết không thể thiếu được.

 Về Phật giáo có một số người lầm tưởng khi vào chùa đi tu là phải ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật sám hối nhiều, lúc chết để lại nhục thân hay xá lợi, được trực vãng Tây phương. Đó là một quan niệm đắc thiền, chứng đạo như vậy là sai lệch, là không đúng đường lối tu tập của Phật giáo. Nhiều khi họ còn hiểu sai lạc hơn nữa, cho rằng: Người đi tu theo Phật chứng đạo là phải có thần thông, là phải biết chuyện quá khứ vị lai của mọi người; là phải biết biến hóa tàng hình làm mưa, làm gió; là phải biết đi trên hư không như chim bay, đi trên nước không chìm v.v..

 Những thần thông trên đây là những trò huyễn hóa lừa đảo người, chứ những thần thông đó làm lợi ích gì cho con người đâu, nó còn mê hoặc cho những tâm hồn non yếu tham đắm những chuyện mơ hồ, ảo giác, huyễn hóa, do sự tham đắm này mà bỏ cả đạo đức làm người, quên đi bổn phận, làm cha, làm mẹ, làm chồng, làm vợ và làm con cái trong gia đình v.v..

Nói về tôn giáo thì không tôn giáo nào là không muốn thực hiện thần thông, vì thần thông dễ lừa đảo lôi cuốn người theo tôn giáo mình, chỉ có một tôn giáo không chấp nhận thần thông, đó là Phật giáo. Phật giáo không dùng thần thông quyến rũ người, nhưng Phật giáo không cần và không tu tập thần thông mà lại có đầy đủ thần thông hơn các tôn giáo khác.

Nho giáo lấy đạo đức tam cang ngũ thường[2] dạy người, nhất là lấy lễ làm hạnh đối xử nhau trong cuộc sống, Nho giáo không dùng tưởng thức tập luyện thần thông hoặc tạo ra những điều mê tín, dị đoan để lường gạt, lừa đảo người làm tiền bất chánh, tuy chấp nhận thần thông, nhưng người theo Nho giáo không bao giờ có thần thông vì giáo pháp của Nho giáo chỉ dạy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, không tu luyện tưởng lực.

Phật giáo là một tôn giáo tu tập rèn luyện đạo đức nhân bản - nhân quả làm người không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh, do đạo đức nhân bản này, nên đạo Phật không chấp nhận thế giới siêu hình và thần thông, vì có thế giới siêu hình và thần thông là sẽ sinh ra nhiều điều mê tín, dị đoan. Những điều mê tín, dị đoan là những điều lừa đảo, lường gạt người, đó là những điều phi đạo đức mà Phật giáo không chấp nhận.

Người nào tu theo đạo Phật mà hướng về thần thông và thế giới siêu hình là những người đi ngược lại Phật giáo, phản bội Phật giáo, làm ô uế Phật giáo, làm mất thanh danh Phật giáo, làm mất nền đạo đức nhân bản – nhân quả của loài người thì người đó phải tự xấu hổ, phải tự cảm thấy mình đã làm một tội ác tày trời.

Hơn hai ngàn năm trăm năm bởi những tham vọng của con người, Phật giáo đã chia ra làm nhiều bộ phái, từ đó nền đạo đức của Phật giáo đã bị dìm mất. Con người trên hành tinh này càng ngày càng đông hơn và càng đông hơn thì nhu cầu của sự sống đòi hỏi phải gia tăng lên, vì thế con người phải trực diện khắc phục thiên nhiên để đem lại sự sống cho nhau, nhưng vì không có đạo đức nên con người phải giày xéo lên nhau vì tâm tham dục; vì miếng cơm manh áo, tranh giành mạnh thắng yếu thua, gian xảo thì no đủ, giàu sang, còn thật thà thì đói khổ, nghèo cùng.

May mắn thay trong cuộc sống của loài người còn có một đạo luật nhân quả tuy thưởng phạt vô hình nhưng rất công minh, chánh trực, ai làm ác thì phải lãnh đủ bản án thọ bao nhiêu tội khổ, ai làm thiện thì hưởng được phước báo, hạnh phúc, an vui.

Từ tập 1 đến tập 9 Đường Về Xứ Phật đã chỉ cho quý vị rõ nền đạo đức nhân bản – nhân quả của đạo Phật rất cần thiết và lợi ích rất lớn cho cuộc sống của loài người trên hành tinh này. Vì thế, tăng ni cũng như quý vị nam nữ cư sĩ phật tử hãy mạnh dạn dẹp bỏ bài trừ những thần thông bùa chú, thế giới siêu hình và những sự mê tín dị đoan mà kinh sách phát triển bày vẽ đủ mánh khóe gian xảo để lừa đảo con người.

Nếu quý vị cứ theo kinh sách phát triển mà thực hiện những điều thần thông bùa chú và những sự mê tín dị đoan thì làm sao nền đạo đức nhân bản của Phật giáo sống lại được, nếu nó không sống lại được thì loài người trên hành tinh này còn khổ biết bao!

Hôm này chúng ta không nên để lỡ mất một cơ hội dựng lại nền đạo đức này, mong sao mọi người đoàn kết với nhau để làm một việc làm lợi ích lớn, có đầy đủ ý nghĩa lịch sử đạo đức của loài người.

Kinh ghi
           Trưởng lão Thích Thông Lạc



[1]Giác Chi là Bồ Đề, là giải thoát

[2]-Tam cang tức là quân thần cang, phụ tử cang, phu thê cang.

 Ngũ thường tức là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín