Skip directly to content

TÂM DANH VÀ BỎN XẺN

 Câu hỏi của Liễu Hương

Hỏi:Kính thưa Thầy! Cái tâm của Phật tử lúc phấn khởi lên trước đám đông người: “Tôi xin đăng ký cúng dường vào sổ công đức”, nhưng một tuần sau lại trả lời: “Tôi chỉ cúng ít thôi”. Thưa thầy, có phải là tâm chúng sanh hoảng loạn không? Lúc vầy lúc khác.

Đáp:Không phải là tâm hoảng loạn mà tâm háo danh và tâm bỏn xẻn. Vì Phật pháp, vì lợi ích chung cho mọi người mà phát tâm cúng dường cũng như làm việc từ thiện, không ai bắt buộc mình cúng dường nhiều hay ít mà tùy nơi lòng thành và lòng hảo tâm.

Những Phật tử làm như vậy là có đúng chánh pháp không? Tâm danh và tâm bỏn xẻn chen lẫn nhau trong một việc làm như vậy để cho mọi người nhận được tâm mình thiếu thành thật, đang bốc đồng trong danh chứ không phải thực lòng cúng dường, thực lòng thương người làm từ thiện. Rồi sau đó lại cúng dường ít, và làm từ thiện ít thôi, trong khi mình rất khá giả, giàu có, đó là thể hiện tâm bỏn xẻn, để mọi người đều nhận biết, đó là cái danh “hão”.

Đạo Phật dạy thật tình, thật tâm. Cái gì đúng nghĩa, đúng chánh pháp thì cúng dường bao nhiêu không tiếc. Trong thời đức Phật, có hai vợ chồng nhà kia rất nghèo. Hai người chỉ có một bộ y áo. Khi chồng đi ra ngoài thì mặc bộ y áo đó, còn vợ thì ở trong nhà đóng cửa lại vì không có y áo che thân. Khi vợ đi ra ngoài mặc y áo đó đi, thì chồng cũng đóng cửa ở trong nhà.

Thế mà khi nghe đức Phật đến trụ tại vùng này, thì hai vợ chồng bàn nhau đem bộ y áo đó cúng dường cho Phật. Cuối cùng họ phải dùng lá cây che thân và dâng bộ y áo cúng dường Phật. Đây là do tâm thành cúng dường Phật mặc dù rất nghèo. Cúng dường không có nghĩa là cầu danh.

Trên một chiếc xe buýt, người ăn mày tàn tật đi xin từ đầu xe đến cuối xe chẳng ai cho một xu, thấy thế chúng tôi bảo người Phật tử ngồi gần bên hãy bố thí cho người ăn mày quá tội nghiệp này. Khi người Phật tử cho tiền thì mọi người xúm nhau cho tiền. Đó là sự bố thí xu hướng chạy theo “danh” từ thiện, biết “thương người”. Kỳ thực họ chẳng thương ai hết. Làm việc từ thiện, cũng như cúng dường, không ai bắt buộc ai, mà phải tự tâm mình thấy việc làm mình cần thiết, vì lợi ích mọi người; vì Phật pháp được trường tồn; vì nỗi bất hạnh của mọi người trong xã hội, đang cần sự cứu giúp. Còn đối với Phật giáo, đang cần sự duy trì thì sẵn sàng cúng dường, không danh, không bỏn xẻn, đúng lúc, đúng thời điểm, nhưng không bị lừa đảo.