LỜI NÓI ĐẦU
Đường Về Xứ Phật, từ tập một đến tập sáu, các bạn đã được đọc phần “Hỏi Đạo”. Càng đọc các bạn càng thấy rõ, đường lối tu tập của đạo Phật không giống như đường lối tu tập của ngoại đạo. Nhất là đối với các pháp môn trong kinh sách phát triển. Vì những pháp môn trong kinh sách này không lấy giới luật làm nền tảng cho đời sống phạm hạnh của những tu sĩ và cư sĩ, nên kinh sách này đã làm mất chương trình giáo dục và đạo tạo những bậc tu chứng quả A La Hán.
Càng đọc, các bạn càng thấy rõ âm mưu thâm độc của Bà La Môn trong kinh sách phát triển, quyết tâm diệt sạch Phật giáo trên hành tinh này. Kinh sách phát triển này rất khéo léo, thay thế danh từ Bà La Môn Giáo bằng những danh từ rất kêu và rất nổi bật như: xe nhỏ, xe lớn, xe tối thượng, khiến cho tất cả tín đồ Phật giáo dễ lầm lạc, họ cứ ngỡ kinh sách đó là của Phật giáo chân chánh, là những lời đức Phật dạy. Nhất là kinh sách phát triển, khi bắt đầu vào bài kinh nào cũng đều dùng những danh từ để xác định do Phật thuyết rất hay, khiến mọi người dễ lầm lạc. Đó là những câu: “Như thị ngã văn nhất thời Phật tại Xá Vệ Quốc, Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, viên dữ Ký Đà...”. Câu này có nghĩa khi ông A Nan kết tập kinh Phật đọc trước 500 vị A La Hán như sau: “Một thời đức Phật ở tại nước Xá Vệ trong tịnh xá Ký Hoàn của ông Cấp Cô Độc và trong khu vườn của thái tử Kỳ Đà”. Khi nghe đọc câu này ai mà không tin rằng Phật thuyết. Và vì vậy, những kinh sách phát triển đó, các bạn dễ lầm tưởng là kinh sách của đức Phật thuyết.
Cho nên, tín đồ Phật giáo hiện giờ lầm lạc, tưởng kinh sách phát triển là kinh sách Phật giáo chân chánh, nhưng không ngờ là kinh sách Phật giáo Bà La Môn. Đó là kinh sách mê tín, trừu tượng, ảo giác của Bà La Môn đã lừa đảo được tín đồ Phật giáo một cách dễ dàng. Hơn hai ngàn năm trăm năm, tất cả tín đồ Phật giáo đều tin đó là kinh sách của đức Phật thật sự.
Vì thế, tín đồ đến chùa thường cúng bái, tụng niệm và tọa thiền, có người nghi ngờ, nhưng không biết hỏi ai, lại có một số người chịu khó nghiên cứu nên họ nhận xét Phật giáo hiện nay chỉ là một tôn giáo mê tín, lý luận nhiều, nhưng rỗng tuếch, huyền hoặc. Dường như Phật giáo dạy những đạo đức mê tín, lạc hậu v.v.. còn đạo đức thật sự (giới luật) thì bỏ qua, tu sĩ không còn ai tôn trọng gìn giữ và sống đúng giới hạnh.
Khi đức Phật còn tại thế, ông A Nan quỳ xin đức Phật cho giới nữ xuất gia. Để thành lập giáo đoàn Ni chúng, Ngài đã xác định và tuyên bố trước chúng Tỳ Kheo: “Nếu cho người nữ xuất gia tu tập thì đạo Ta chỉ trụ thế có năm trăm năm, thay vì phải trụ thế một ngàn năm”.
Đạo Phật là một tôn giáo rất bình đẳng, đối xử từ loài vật đến loài người với một lòng thương yêu bình đẳng. Dưới đôi mắt nhân quả của Ngài, được xem vạn vật là anh em chung nhau trong một nhà (Mọi vật đều từ trong nhân quả tức là từ môi trường sống sanh ra). Vì thế, Ngài xác định: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Lời dạy này của đức Phật rất bình đẳng. Cớ sao lại tuyên bố: “Nếu cho giới nữ xuất gia thì đạo Ta chỉ còn truyền thừa năm trăm năm”. Không lẽ cho giới nữ xuất gia thì giới nữ làm hư hoại Phật giáo sao? Không đúng. Giới nữ cũng là một con người như người nam, họ cũng được quyền sống như người nam, cũng được quyền xuất gia tu hành như người nam; họ tu hành cũng chứng quả A La Hán như người nam; họ cũng đầy đủ trí tuệ không thua gì người nam; họ cũng nhập được Tứ Thánh Định; họ cũng đầy đủ Tam Minh Lục Thông. Cớ sao đức Phật lại chế ra “Bát Kỉnh Pháp” bắt họ phải quỳ đảnh lễ một nam tu sĩ mới xuất gia, thân tâm của vị này chưa có chút gì gọi là thanh tịnh, mà buộc một người tu sĩ nữ chứng quả A La Hán thân tâm đã thanh tịnh hoàn toàn phải đảnh lễ. Người nữ này có thể là một bậc Thầy của vị tu sĩ nam. Trong các trường đại học chúng ta phải chấp nhận những nữ giáo sư có tài, dạy rất hay đâu kém gì nam giáo sư. Trong phòng thí nghiệm khoa học có rất nhiều nữ bác học đang nghiên cứu và phục vụ cho nhân loại đâu thua gì nam giới.
Đạo Phật có một nền đạo đức rất bình đẳng, “Đạo đức không làm khổ mình, khổ người và không làm khổ cả hai”. Thế sao đức Phật là người đã tu chứng đạt chân lý, sao lại có lời nói khinh miệt giới nữ như vậy. Lại còn chế Bát Kỉnh Giới để hạ giá trị người nữ tận cùng. Lời nói này là lời nói của các nhà phong kiến, của các tôn giáo chịu ảnh hưởng phong kiến “Trọng nam khinh nữ” chứ không phải đức Phật nói những lời này và chế Bát Kỉnh Giới. Như vậy Bát Kỉnh pháp ai chế ra đây…?
Đạo Phật ra đời là san bằng những giai cấp trong xã hội. Cho nên, trong đạo Ngài có đủ mọi từng lớp giai cấp tu tập, không phân biệt sang hay hèn, nam hay nữ đều được xem bình đẳng như nhau.
Thế mà Bà La Môn dám đặt điều nói Phật dạy: “Nếu cho người nữ xuất gia đạo Ta chỉ còn trụ thế năm trăm năm” và chế ra Bát Kỉnh Giới rồi cho là đức Phật chế, để Phật giáo cũng trọng nam khinh nữ như các tôn giáo khác, thật là đau lòng.
Thầy Tổ của chúng ta lầm, cứ tin theo kinh sách phát triển mà biến Phật giáo thành một tôn giáo có giai cấp; một tôn giáo trọng nam khinh nữ; một tôn giáo không xứng đáng cho con người ngưỡng mộ.
Năm trăm năm đầu ấy, khi đức Phật nhập diệt xong, các vị đại đệ tử của Người cũng lần lượt nhập diệt hết, chỉ còn lại một số rất ít tỳ kheo ẩn bóng tu hành chơn chánh. Họ tránh danh, tránh lợi, tránh chia phe, chia nhóm, tránh chống trái, kích bác nhau; tránh những tỳ kheo phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới v.v.. Lúc nào cũng giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh và còn tu tập theo đúng giáo pháp của Phật dạy, sống đúng phạm hạnh, không hề vi phạm những lỗi nhỏ nhặt. Còn bao nhiêu vị tỳ kheo khác chạy theo danh, lợi, chia manh, chia múm thành lập 20 bộ phái. Nếu họ không vì danh lợi, chia ra bộ phái để làm gì? Phải không các bạn?
Hai mươi bộ phái chia ra để dễ bề tự do phá giới luật của Phật tận cùng. Giới luật các vị tỳ kheo không còn giữ gìn nghiêm túc như lúc đức Phật còn tại thế. Hiện giờ, chúng tỳ kheo không còn giữ gìn giới luật nghiêm túc nữa, nên được xem đạo Phật đã mất từ khi chia ra bộ phái.
Khi đức Phật còn tại thế, Ngài đã xác định: “Giới luật còn là đạo Phật còn, giới luật mất là đạo Phật mất”. Lời di chúc này giúp cho chúng ta nhìn thấy tu sĩ hiện giờ phạm giới, phá giới là chúng ta biết ngay là Phật giáo đã mất, chỉ còn lại là đạo Bà La Môn, chuyên môn mang mõ chuông đi cúng tế cầu siêu, cầu an v.v..
Đặc biệt, thiền định của đạo Phật bắt buộc tu tập phải sống đúng giới luật và sống rất nghiêm túc, thì mới mong thực hiện nhập được các loại chánh định. Các loại thiền định đó là Tứ thánh định. Có nhập được Tứ thánh định thì mới triển khai được trí tuệ của Phật. Trí tuệ của Phật là trí tuệ tam minh.
Khi phá giới, phạm giới mà tu thiền định, thì thiền đó là tà thiền, thiền tưởng. Khi nhập thiền tưởng thì triển khai tưởng tuệ, chứ không bao giờ triển khai trí tuệ Phật được. Cho nên, những người nói thiền định mà phạm giới, phá giới là những người nói láo gạt người về thiền định.
Những loại thiền định và tưởng tuệ này chẳng có ích lợi cho hành giả, mà còn có hại trên đường tu tập, có nghĩa là tu hành chẳng đi đến đâu cả, uổng công mất thì giờ vô ích.
Đối với chúng tôi rất sẵn sàng trả lời cho các bạn, khi các bạn có nghi ngờ những điều gì không đúng của Phật giáo. Muốn biết đúng hay sai những giáo pháp của đạo Phật, thì các bạn cứ mạnh dạn hỏi thẳng chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng trả lời thẳng thắn những gì không đúng của đạo Phật cho các bạn rõ. Những giáo pháp sai này là do ngoại đạo lồng vào kinh sách, rồi mạo danh là của Phật giáo.
Các bạn có thưa hỏi thì chúng tôi mới trả lời, bằng không thưa hỏi, thì chúng tôi tùy nhân duyên của Phật pháp, chứ không đá động đến pháp môn của ai cả, ai tu sao cũng được, tu được thì nhờ, tu không được thì chịu, chớ có ăn thua gì đến chúng tôi đâu. Cho nên đối với chúng tôi, chúng tôi không có ý kiến gì về các pháp môn Đại Thừa, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông và những kiến giải của các nhà học giả.
Chúng tôi chỉ tùy duyên của các bạn thưa hỏi. Hỏi, tức là các bạn muốn tìm hiểu. Tìm hiểu để biết rõ đâu là pháp môn của Phật, đâu là pháp của ngoại đạo. Do tâm thành của các bạn, chúng tôi sẵn sàng vạch rõ để các bạn suy ngẫm những điều chúng tôi nói, chứ đừng vội tin ở chúng tôi.
Là một tu sĩ Phật giáo sống thật, tu thật, không cầu danh lợi, không cầu cơm ăn áo mặc, không cầu chùa to, tháp lớn, chỉ tìm cầu sự giải thoát sanh, già, bệnh, chết nơi thân tâm của mình. Vì thế, chúng tôi nói thật, nói thẳng, nói mạnh.
Khi về họp ở Tỉnh Hội Phật Giáo Tây Ninh, ông Trưởng Ban Tỉnh Hội đề nghị chúng tôi biên soạn giáo án Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Pháp Hoa Tông và Thiền Tông.
Trong buổi họp hôm đó, chúng tôi đề nghị ý kiến và vạch rõ bốn Tông phái này không phải của Phật giáo mà của Bà La Môn Giáo:
1- Tịnh Độ Tông là pháp môn mê tín, lừa đảo giới tín đồ bình dân, biến tu sĩ thành những ông “thầy tụng”, thầy cúng tế làm những điều mê tín, phi đạo đức. Các vị thầy này phá giới luật Phật tận cùng, có một lối sống giống như người thế tục, có vợ con, làm tất cả các nghề nghiệp để sanh sống.
2- Mật Tông là pháp môn tà thuật, huyễn hoặc lường gạt tín đồ nhẹ dạ, ham mê thần thông, biến ông thầy thành thầy phù thủy, thầy bùa, thầy pháp, thầy bói, đồng cốt v.v..
3- Pháp Hoa Tông là pháp môn phi đạo đức, ngồi không mà muốn làm giàu, làm ác mà muốn trốn tránh tội lỗi, biến ông thầy thành một vị Bà La Môn chuyên tế lễ, cúng bái, cầu khan van xin v.v.. Biến đạo Phật thành thần giáo. Biến tín đồ mất sức tự chủ, luôn luôn sống trong tha lực, tựa nương vào thần quyền, do thế mới sản xuất ra Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn.
4- Thiền Tông là pháp môn ngã chấp, lý luận có logic, dễ lừa đảo giới trí thức, biến Phật giáo vô ngã thành Phật giáo hữu ngã trừu tượng, mơ hồ, biến thiền sư thành giảng sư, luận sư ngôn ngữ vọng ngữ v.v..
Sau buổi họp đó các thầy trong Ban Tri Sự Tỉnh Hội báo cáo về Giáo Hội Trung Ương và thầy chúng tôi, tức là Hòa Thượng Thanh Từ. Chúng tôi biết rất rõ điều đó, nhưng chúng tôi không ngại, là vì chúng tôi xác định: “Những gì chúng tôi nói là sự thật, vì sự thật thì còn mọi người để suy ngẫm, chứ sự thật mà dối gạt được ai sao?”.
Từ khi ra thất đến nay là 18 năm chúng tôi chẳng hề nói động ai hết, chỉ có so sánh thiền của kinh sách phát triển và Tứ thánh định của đạo Phật, cùng vạch trần những sự phá giới, phạm giới của Tăng Ni và cư sĩ Phật tử để cho thầy chúng tôi biết. Thầy chúng tôi là Hòa Thượng Thanh Từ.
Bản chất chúng tôi hay nói thẳng, nói thật, nói đúng, nói không sợ mất lòng ai hết, chúng tôi không nói xấu, không bài bác ai, không chỉ trích pháp môn của người nào cả. Nhưng pháp môn nào mượn danh Phật giáo, làm điều mờ ám, lường gạt tín đồ, thì chúng tôi sẵn sàng vạch mặt pháp môn đó, khi có người hỏi đến chúng tôi, còn nếu không ai hỏi thì thôi.
Bốn tông phái này đã truyền thừa ở đất nước Việt Nam, một thời gian rất dài trên hai ngàn năm, nó đã trở thành một truyền thống mê tín lâu đời. Với thời gian dài đó, cũng đủ để xác chứng các giáo pháp này đã đem lại cho tín đồ Phật giáo lợi ích được những gì? Hay chỉ là đem lại sự mê tín, ngu si, lạc hậu cho một dân tộc. Chắc các bạn đã rõ hơn ai hết. Và chúng tôi xin lặp lại:
1- Tịnh Độ Tông, đưa ông thầy đi đến chỗ làm thầy cúng, thợ tụng.
2- Mật Tông, đưa ông thầy đi đến chỗ làm thầy bùa, thầy ngải, thầy phù thủy, thầy pháp, thầy bói, đồng, bóng v.v..
3- Pháp Hoa Tông, làm mất sức tự chủ của tín đồ, ngày đêm chuyên tụng niệm cầu an, cầu siêu, đó là những việc làm những điều phi đạo đức nhân quả.
4- Thiền Tông, đưa ông thầy đi đến chỗ trở thành những nhà thuyết giảng tưởng (giảng sư), những nhà lý luận tưởng (luận sư), biến thiền sư thành người nói dối, chuyên môn tranh luận, cao thấp, hơn thua.
Nếu các bạn đừng hỏi chúng tôi điều gì, thì chẳng bao giờ chúng tôi nói ra cả, mặc dù chúng tôi rất muốn chấn hưng Phật giáo, làm cho tốt lại Phật giáo. Có nghĩa là giúp cho tu sĩ sống đúng đời sống phạm hạnh, giới luật nghiêm túc, để cho tín đồ và những người không tôn giáo không còn nghi ngờ Phật giáo nữa. Nhưng chúng tôi có nhận xét như sau:
1- Thấy nhân duyên chưa đủ.
2- Chúng sanh chưa đủ phước thọ hưởng giáo pháp chân chánh của đức Phật nên còn nhiều kiến chấp tà pháp ngoại đạo, chưa đủ trí thông minh buông xuống, cuộc sống còn đầy dẫy nhân quả thiện ác.
3- Chúng tôi chưa đủ duyên với chúng sanh, cần phải tạo duyên, nên phải mất rất nhiều thì giờ. Hiện giờ chúng tôi dạy một điều mà tu sĩ tu tập một ngã, (tu tập không đúng theo lời dạy của Phật, của chúng tôi, phần đông đều phạm giới và phá giới, sống không đúng đời sống phạm hạnh độc cư.
4- Chúng sanh hiện giờ, mang đầy ắp những kiến chấp của kinh sách phát triển, nên rất khó dạy, nhất là tu tập pháp môn ức chế tâm của kinh sách phát triển đã thành thói quen, nên rất khó bỏ.
Vấn đạo là nhân duyên, để làm sáng tỏ lại Phật giáo, và cũng là tạo duyên với chúng sanh. Trong những giờ phút chúng tôi chưa tịch thì các bạn còn hỏi tới, hỏi lui để tìm hiểu, một mai chúng tôi đã mất đi rồi, thì các bạn có muốn tìm hiểu Phật giáo, thì chẳng còn ai trả lời cho các bạn, dù họ có biết họ cũng chẳng dám nói thật, chỉ vì họ quá khiếp đảm, trước một thế lực đông đảo của giáo pháp pháp triển Bà La Môn.
Ngày xưa, chỉ có một mình đức Phật, Ngài dám đương đầu với lục sư ngoại đạo, ngày nay chỉ có kinh sách phát triển theo Bà La Môn mà chúng ta quá sợ hãi, rõ ràng chúng ta không bằng đức Phật, chúng ta nhát gan hơn đức Phật nhiều. Tuy trả lời vấn đạo nhưng có chỗ chúng tôi chưa vạch rõ ra hết, mong các bạn cảm thông. Chỉ vì chúng tôi trả lời theo sự thưa hỏi của các bạn quá nhiều, không thể nói hết một lúc được, nên cũng tùy câu hỏi của các bạn, chúng tôi sẽ vạch rõ hơn, để các bạn suy tư.
Đến tập thứ 10 thì chúng tôi xin tạm ngưng phần vấn đạo, để soạn thảo giáo trình đạo đức nhân quả, tức là đạo đức làm người của Phật giáo, để giúp cho tín đồ (cư sĩ và tu sĩ) tu tập rèn luyện sống đúng đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người. Thể hiện một cuộc sống hạnh phúc, an lạc cho mình, cho người trên hành tinh này. Đến đây, chúng tôi xin các bạn cứ mạnh mẽ hỏi thẳng những điều mà các bạn đang thao thức về Phật giáo, chúng tôi sẵn sàng giúp các bạn, nếu sự trả lời của chúng tôi có điều gì không vui lòng, xin các bạn cảm thông cho. Bởi vì “lời thẳng mất lòng”.
Kính ghi
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Tu Viện Chơn Như
(Ngày 11- 2- 1999).