Skip directly to content

TIẾNG KÊU CỨU GIỮA BIỂN KHƠI

Câu hỏi của Diệu Thành (Minh Cảnh)

Hỏi: Kínhthưa Thầy! Thầy dạy không có thế giới siêu hình. Sao có người vượt biển, chỉ còn thấy trời nước mênh mông không biết đường nào đi cả. Quá sợ hãi trước cái chết giữa biển khơi nên mọi người đều niệm Quan Thế Âm Bồ Tát, nhờ Ngài cứu khổ và dẫn đường thế mà đã vượt qua tai nạn.

Những người này họ thuật lại khi ra giữa biển lúc ban đêm nhiều tiếng kêu cứu cho lên tàu, đợi đi với! Có người bệnh đi bệnh viện, bác sĩ cho uống thuốc không hết lại chỉ nghe lời dạy của mấy ông thầy cúng, địa lý dời mả đi chỗ khác thì hết bệnh.

Theo những điều trên đây con tự nghĩ, không có thế giới siêu hình đối với người đã tu chứng vì đã vượt qua cảnh giới tưởng, còn những người phàm phu còn sống trong tưởng thì phải có thế giới siêu hình, cho nên không thể trả lời đúng hay không thưa Thầy? Xin Thầy chỉ dạy cho con rõ.

Đáp: Tiếng kêu cứu giữa biển khơi, không phải là những linh hồn người vượt biên chết giữa biển mà tiếng kêu thanh tưởng trong tâm của mọi người đang quá sợ hãi, đang gặp tai nạn trên biển thì tưởng của họ phát ra tiếng kêu cứu, khiến cho sự khiếp đảm của họ lại càng khiếp đảm hơn.

Lúc bấy giờ, mọi người trước cái chết quá khiếp đảm, không còn biết nương tựa vào đâu, chơi vơi. Vì thế, mọi người trên tàu đặt hết trọng tâm nương tựa và an ủi tinh thần của mình, nhất là từ lâu đã được nghe về đức Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn.

Do đó, chẳng ai bảo ai mọi người đều tự động dồn hết lòng tin bám vào chiếc phao đức Quan Thế Âm, nên nó trở thành một sức lực rất mạnh to lớn (gọi là tín lực). Nhờ tín lực của mọi người dẫn đường thoát nạn, hoặc ghe tàu hư hỏng mà nước không tràn vào. Chúng ta không hiểu điều đó, nên cho rằng: có đức Quan Âm Bồ Tát gia hộ cứu nạn. Sự thật không phải vậy, mà là nhân quả của chúng ta chưa hết nên khiến trước cảnh quá khiếp đảm lòng tin của chúng ta tập họp trỗi dậy thành một tín lực dẫn dắt chúng ta thoát nạn mà thôi.

Chúng ta có biết bao nhiêu người vượt biên đã chết giữa biển khơi? Họ phần đông là Phật tử chắc làm sao họ cũng biết được Quan Âm Bồ Tát là một vị Bồ Tát cứu khổ cứu nạn do các kinh sách phát triển dựng lên và gieo rắc vào tư tưởng của họ. Trước những giờ phút sắp chết chắc họ sợ lắm, nên niệm Quan Thế Âm không dứt. Thế sao họ lại chết, tại sao Quan Thế Âm không cứu khổ họ mà lại cứu những người khác?

Kẻ sống thì nhờ niệm Quan Thế Âm cứu khổ, còn kẻ chết cũng niệm Quan Thế Âm sao lại không cứu khổ.

Người vượt biên mà thoát nạn là nhờ nghiệp thiện, chứ không phải nhờ ai cứu khổ. Vì cứu khổ như vậy là một việc làm phi đạo đức. Tạo nhân ác phải gặt lấy quả khổ tai nạn đi đến tử vong. Tạo nhân ác mà cố trốn tránh quả khổ là một việc làm vô đạo đức.

Ngoài biển khơi, tiếng kêu của loài cá heo, cá ông rền rĩ. Nếu người quá sợ hãi thì tiếng kêu ấy trở thành tiếng ma kêu quỷ khóc, chứ không phải linh hồn người chết oan kêu gọi.

Dời mồ mả mà hết bệnh, tức là nhân quả thiện của cả hai người:

1- Là người bệnh.

2- Của ông thầy.

Nhân duyên của nhân quả, do duyên dời mả hết bệnh thường trong Đông y có nói: “Phước chủ may thầy”, hay sách đông y có câu: Vận bĩ hoài sơn năng sát chúng”, “Thời lai bạch thủy cứu nhân gian”.

Ở đây, chúng ta phải hiểu không phải vì dời mả mà hết bệnh, mà do phước của người bệnh sắp hết nên gặp cái may của ông thầy cúng chỉ vạch mê tín mà hết bệnh. Ấy cũng là duyên nhân quả giữa ông thầy và người bệnh ở tiền kiếp.

Người tu theo đạo Phật phải tin sâu nhân quả. Vì con người sanh ra từ nhân quả, sống trong nhân quả và chết về nhân quả, thì mỗi sự việc xảy ra trong cuộc sống này đều do nhân quả. Nếu ta biết cứu mình thoát tai nạn bệnh tật, thì luôn sống trong mọi hành động thiện “không làm khổ mình, khổ người” thì không có bệnh tật tai nạn nào mà không qua được.

Tin nhân quả, thì thế giới siêu hình không có, thế giới siêu hình không có thì không có sự mê tín dị đoan và không ai lường gạt mình được.

Tin nhân quả, tai nạn, bệnh tật đến, tâm bất động không hề sợ hãi. Nhờ đó mà tai nạn, bệnh tật đều qua

Tin nhân quả, sẽ mang cho ta một tâm hồn giải thoát an lạc, thanh thản, yên vui, hạnh phúc của cuộc sống.

Tin nhân quả, sẽ không làm khổ mình, khổ người, mang lại hạnh phúc cho mình cho người, tạo thế gian này là cảnh Thiên đàng, Cực lạc. Ngược lại, người không tin nhân quả thì thiếu đạo lý, công bằng, thường sống trong cảnh thế giới siêu hình, cúng bái, cầu khẩn, van xin, mê tín dị đoan, lạc hậu, phi đạo đức, thường làm khổ mình, khổ người, tạo cảnh sống thế gian thành cảnh địa ngục.

Tóm lại, tất cả những chuyện ma quái xảy ra, đều do năng lực tưởng tạo ra, chứ không có ma quái thật sự bên ngoài, mà chỉ có ma quái bên trong của mọi người do tưởng ấm của họ tạo ra. Vì thế, đức Phật gọi là: “ngũ ấm ma”. Trong ngũ ấm gồm có 5 loại ma:

1- Sắc ấm ma.

2- Thọ ấm ma.

3- Tưởng ấm ma.

4- Hành ấm ma.

5- Thức ấm ma.

¨Sắc ấm ma gồm có: Tất cả các bệnh nơi thân, tất cả các dục nơi tâm.

¨Thọ ấm ma gồm có các cảm thọ nơi sắc uẩn, nơi tưởng uẩn, nơi tâm uẩn.

¨Tưởng ấm ma gồm có 18 loại hỷ tưởng ma.

¨Hành ấm ma gồm có các hành nơi thân, nơi tưởng và nơi tâm.

¨Thức ấm ma gồm các ma của thức ấm.

Cho nên trong năm loại ma này thường tác động và tạo nhiều điều đau khổ những ai tìm đường tu hành cầu giải thoát. Đó là 5 loại ma ngũ ấm trong thân tâm của mỗi con người, chứ không có thế giới ma bên ngoài. Xin quý vị lưu ý.

Muốn biết thế giới linh hồn của con người có hay không, thì nên đọc Đường Về Xứ Phật tập 3 bộ mới thì sẽ rõ.