Skip directly to content

VẤN ĐẠO 13-KHAI THỊ VỀ ĐỘC CƯ

VẤN ĐẠO 13-KHAI THỊ VỀ ĐỘC CƯ

VẤN ĐẠO 13

KHAI THỊ VỀ ĐỘC CƯ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Sư Tuệ Tĩnh và Sư Phước Nhẫn

Thời lượng: [47:13]

Thời gian: 2002

1- KHAI THỊ VỀ ĐỘC CƯ

(00:00) Trưởng Lão: Cho nên thí dụ như bây giờ Thầy nói độc cư là bí quyết thành công, nhưng mà cũng chưa chắc là tin nữa đâu, bởi vì cái đầu mình nó lộn xộn dữ lắm trong này rồi, bởi vì mình đọc Kinh sách Phật mình thấy như thế này: Ông Phật nói là ổng xưa kia ổng độc cư đệ nhất, vừa thấy bóng dáng ai là Ông ấy chạy mất. Nhưng mà đây sau đó Ông Phật nói như vậy không có đúng, ổng không chấp nhận những chuyện đó. Nhưng mà bốn mươi hai bài kệ độc cư trong Kinh Con Tê Giác trong Tiểu Bộ Kinh thì bốn mươi hai bài kệ đó, rõ ràng đức Phật nói là từng tâm niệm của mình khởi nên là mình mất độc cư chứ không phải thấy người ta đến là, cho nên đức Phật đi xin ăn, đi này kia mà vẫn độc cư mà.

Sư Tuệ Tĩnh: Hèn chi con mới hỏi thế này, con tính hỏi Thầy là Ổng không được tiếp duyên, vậy Ổng ôm bình bát đi tiếp tùm lum hết trơn rồi.

Trưởng Lão: Ờ bây giờ thí dụ như mình đi xin như thế này phải không, người ta lại xớt bát thì mình cũng ước nguyện cho người ta rồi mình đi, chứ mình đâu có nói chuyện với ai, phải không. Do đó thật sự mình độc cư, nhưng mà mỗi tâm niệm của mình nó khởi lên coi chừng nó mất độc cư đó, chứ không phải ở chỗ mà…​ Bây giờ người ta đến hỏi, mình trả lời nhưng mà mình đừng hỏi người ta gì hết, nó là độc cư mà. Bởi vì mình hỏi người ta tức là tâm mình nó phóng dật cho nên nó phá độc cư. Vì vậy mà đầu của mình, tâm nó khởi ra phải không, nhưng mà đừng cho nó phóng dật, tức là đừng có theo cái niệm đó thì như vậy là mình độc cư. Nếu mình theo niệm là mình mất độc cư, có vậy thôi. Cho nên mình nhớ bạn nhớ bè, nhớ này kia hoặc nhớ ăn, nhớ uống đủ thứ tùm lum thì mất độc cư.

Sư Phước Nhẫn: Bởi vậy trong cuốn sách mà Thầy chỉ dạy về Thời Khóa của đức Phật, Thầy nói: “Nhớ một câu kinh câu kệ gì đó, cái lời thiện, lời ác gì đó, khi ngồi mà nhớ con cũng là vi phạm lỗi rồi”.

(1:55) Trưởng lão: Đó, nó mất độc cư rồi. Chướng ngại pháp hiện ra đó. Cho nên khi mà hiểu biết được rõ ràng pháp độc cư rồi thì chúng ta mới độc cư được. Còn cái này ấy, bây giờ các pháp luôn luôn nó tấn công mình, mà mình độc cư được. Chứ đừng có nghĩ rằng tôi đóng cửa thất tôi trốn không có tiếp duyên, nhưng mà tâm mình nó còn đi tùm lum ra ngoài, nó đâu có độc cư.

Sư Tuệ Tĩnh: Sẵn đây Thầy giảng cho con nghe trọn vẹn cái Pháp độc cư đi Thầy. Con vô đây nghe Cô Út nói cũng không có nhiều, nghe độc cư, độc cư, tưởng độc cư ở một mình như tê giác vậy, cái bài kinh Tê giác…​

(02:33) Trưởng Lão: Phải hiểu được cái lý của Tê giác, chứ mình hiểu Tê giác ở một mình rồi mình sống độc cư coi chừng cái tâm mình nó dạo chơi tùm lum thì không có được. Bắt đầu bây giờ mình muốn sống độc cư, mới vô đầu mình tập dần chứ không phải ép. Nếu mình độc cư mình ức chế quá thì nó mất độc cư vì mình ức chế nó rồi, mình mất độc cư rồi. Bây giờ mình vô mình bắt đầu học những Kinh sách nào đó mình tìm hiểu như bốn bộ kinh của Phật từ Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng, Tăng Chi, mình đọc suốt bốn bộ kinh này. Giai đoạn này là giai đoạn mình sống độc cư mình sống một mình với kinh sách tức là độc thoại, không tiếp duyên ra ngoài.

Sau khi mình nghiên cứu Kinh sách này, mình ghi chép hẳn hòi, những gì quan trọng mình ghi chép ra cuốn tập, cuốn sổ của mình hết. Những lời Phật dạy nào mình thấy cần phải tìm hiểu, cần phải suy nghĩ nữa, nghĩa là mình thấy thế này chứ còn ý nghĩa gì sâu lắm, mà nó hay quá, mình ghi cái câu đó ra, mình ghi ra.

Hồi mà Thầy nghiên cứu về Nguyên Thủy, bây giờ Thầy viết "Những lời Phật Dạy" là do Thầy chới với bên Pháp Đại thừa rồi, Thầy mới đọc, không có đọc chơi nữa, không đọc một bài kinh suông đâu. Đọc bài kinh đó rồi, chỗ nào quan trọng là ghi chép lại hết những câu Phật nói. Thầy ghi chép ra sổ hết, nghĩa là ghi hết. Để đọc bài kinh nào có cái gì Thầy đặt vấn đề là Thầy ghi hết. Thầy ghi lại hết.

Do đó bây giờ Thầy mới có tài liệu ghi chép, chứ không bây giờ làm gì có mà lật ra, ai mà soạn cho được. Nhờ hồi đó, hồi mà mình thấy chới với, thấy hết đường rồi, thời gian này ngồi không làm cái gì hết, đọc lại các bộ kinh này truy ra hết. Rồi bắt đầu mới kê lại mới thấy được những chỗ nào, bài kinh nào, đường lối nào mà đức Phật đã thực hiện được con đường giải thoát này. Tất cả mình ghi ra rồi mới kê lại hết những chỗ mình ghi, mình đúc kết lại những chỗ mình tu hành, mình mới nắm được đường lối chứ không đâu có làm sao được, đâu có ai dẫn dắt mình đâu.

Cho nên vì vậy mà trong cái giai đoạn đầu này bốn bộ kinh Nikaya này Thầy đọc hết, đó là cái tạng kinh của nó. Trừ Tiểu Bộ Kinh Thầy không đọc vì bộ kinh này có thêm thắt nhiều lắm. Sau khi đọc xong rồi thì bắt đầu mình mới kê lại hết, nắm được pháp hành, kê tất cả những cái lời Phật dạy coi pháp hành ở chỗ nào. Nắm được pháp hành rồi bắt đầu mới thực hành. Dẹp hết không nghe, không coi nữa, dẹp xuống hết, không bao giờ đọc tới nữa. Lấy pháp hành mà thực hiện hàng ngày. Cho nên cái giai đoạn đầu độc cư là mình phải vậy và đồng thời không bắt buộc mình, ép mình.

(05:12) Thường thường ngồi không nó buồn ngủ, nó loạn tưởng dữ lắm, cho nên đọc kinh sách xong hết rồi, mình nghiên cứu đủ rồi bắt đầu áp dụng vào con đường tu, có pháp rồi đó, kinh nghiệm có rồi nhưng không độc cư trọn vẹn đâu, đi ra làm cỏ, quét sân, làm này kia. Không có ép buộc nó được, cũng sống một mình nhưng làm lặt vặt công việc này kia. Rồi sau cứ lần lần mình giảm lần giảm lần để cuối cùng hoàn toàn không làm gì nữa hết, hoàn toàn ôm pháp bởi vì mình tu tập quen với pháp đó rồi.

Hàng ngày mỗi chút tự nó nhớ ra nó giúp mình xả tâm, tự nó nhớ chứ không khéo Pháp Như Lý Tác Ý mình dễ quên nó lắm, mình làm cái mình mê công chuyện là mình quên à. Cũng như mình đi mà nó yên lặng mình cũng quên nữa. Bởi vì ngày xưa Thầy ngồi ba mươi phút cho đến một giờ không có vọng tưởng, ngồi cái nó lặng yên, nghe yên quá nó thích lắm thành ra nó bị rơi trong đó, nó quên nó không biết. Cho nên sau một thời gian Thầy tập trở lại cũng vất vả lắm, phải cố gắng nhớ lại mà hướng tâm, cứ một chút mình hướng, cứ một chút mình hướng, mình bắt buộc phải nhớ nên nó mệt nhọc lắm. Chứ còn ngồi mà im phăng phắc sướng lắm.

Sư Tuệ Tĩnh: Vậy nó lặn mất tiêu luôn.

Trưởng lão: Bởi vậy nó quen cái đó rồi, cho nên Thầy rất sợ, vì vậy sau này Thầy hướng dẫn, cho ai tu mà ngồi một giờ, hay là ba mươi phút mà yên lặng là Thầy sợ lắm, Thầy sợ nó yên lặng nó khoái mà không hướng. Cái Pháp Hướng, nhờ nó mà mình nhập Định chứ không phải chỗ mình ngồi mà vô Định được. Thầy nhắc đi nhắc lại như vậy. Nhưng người ta ngồi người ta thấy thơi thới, còn hướng nó động tâm, nó làm cho mình nghe nó động loạn lắm.

(6:57) Sư Phước Nhẫn: Mình ngồi như vậy chừng mấy phút đồng hồ mình mới hướng thưa Thầy?

Trưởng lão: Như vậy mình chỉ cần khoảng độ chừng một phút, hai phút là mình hướng chứ đừng có để kéo dài nữa. Cứ như vậy, khoảng một phút, hai phút hướng một lần.

Sư Tuệ Tĩnh: Tới giai đoạn mình rõ ràng rồi thì mình quay trở về Pháp Hướng.

Trưởng Lão: Pháp Hướng không thôi, nó quen rồi, nó nhớ rồi. Khi mà Pháp Hướng nó nhớ liên tục, nó không còn bị ở trong trạng thái lặng nữa, tức là trạng thái tĩnh lặng đó, mình làm cái gì mình cũng thấy nó luôn nhớ được rồi thì bắt đầu hết làm. Tới cái giai đoạn không làm nữa bởi vì nó nhớ rồi, nó nhớ tức là nó theo Pháp được rồi, nó ôm được Pháp rồi.

Còn bây giờ mình ôm Pháp chưa được vì vậy mình độc cư mình chịu không nổi. Độc cư niệm nó khởi lung tung dữ lắm. Còn mình ôm Pháp được rồi thì niệm nó hết rồi. Niệm nó hết rồi thì bắt đầu mình ngồi đâu mình cứ hướng tâm, nó nhớ, nó thuần, nó quen rồi, nó hướng riết, cho nên mình ra lệnh nó làm được. Nó có lực của Pháp Như Lý rồi.

Chừng đó bây giờ mình muốn tịnh chỉ Tầm Tứ hay tịnh chỉ hơi thở thì mình ra lệnh, mình nhắc nó vài ba lần là nó tịnh chỉ.

Sư Tuệ Tĩnh: Tiến trình độc cư có bao nhiêu thôi thưa Thầy?

Trưởng Lão: Có bao nhiêu đó. Bởi vậy bắt đầu thì mình đọc kinh sách, mình còn tiếp duyên, mình còn nói chuyện với người này người kia được, người ta hỏi mình nhưng mình hạn chế nói chuyện. Ai hỏi gì thì mình mới nói, còn không thì thôi mình không hỏi. Mặc dù nó còn cái duyên, nhưng mà mình còn tiếp duyên chứ không phải không. Đó là giai đoạn đầu, giai đoạn còn đang đọc sách.

Sau khi mình đọc kinh sách xong rồi, mình còn lao động, quét dọn, đi tới, đi lui chứ không phải là đóng cửa thất ngồi lỳ lỳ trong đó thì không được, mình cũng đi tới đi lui này kia vậy. Nhưng mà mình thấy Pháp Hướng của mình thường xuyên nó nhớ, nhớ được rồi thì bắt đầu mình không làm nữa. Hễ nó nhớ được rồi thì không làm nữa. Nó không quên, cái tâm nó cứ nhắc mình hoài, mình biết nó có lực rồi, nó mới nhắc mình, nó tỉnh rồi, tức là nó tỉnh giác trong Chánh Niệm. Nó tỉnh được nó mới có Chánh Niệm, nó mới nhắc mình hoài.

Còn mình chưa có tỉnh, tức là mê, nó mới quên cái Chánh Niệm này. Mình tỉnh ở trong hơi thở hay bước đi, mình tỉnh nhưng mình mất Chánh Niệm, mình tỉnh giác nhưng mình mất Chánh Niệm thì cũng là mê. Nó tỉnh mà nó mê. Còn mình tỉnh mà mình nhớ được Chánh Niệm thì đó là tỉnh giác.

2- TU TẬP PHÁP HƯỚNG

(9:18 Sư Phước Nhẫn: Cái Pháp Hướng do đâu mà có thưa Thầy? Mới đầu mình chỉ đọc sách chứ giai đoạn này mình đâu có tập Pháp Hướng.

Trưởng Lão: Mới đầu thì cái Pháp Hướng mình tập, thí dụ như mới đầu mình tu mình đọc kinh sách, tới giờ đọc thì mình đọc, tới giờ tu thì mình hướng, con hiểu chưa. Còn khi mình đọc thì làm sao mà mình hướng. Cũng như khi mình đọc một bài kinh xong rồi mình nghỉ. Mình nghỉ rồi mình ngồi tu, mình đi kinh hành mình tu thì mình dùng Pháp Hướng, con nhớ chưa. Rồi mình đi lao động, mình quét dọn mình cũng nhớ mình nhắc là Pháp Hướng.

Nhưng khi mình vô đọc kinh sách, bời vì khi mình đọc kinh sách là nó làm giảm bớt cô đơn cho nên mình thích lắm, mình thích đọc kinh lắm. Thí dụ như bây giờ mình làm một hơi mình vô mình đọc kinh sách mình thấy khoái lắm. Có một bộ kinh sách là kể như mình chỉ cần ở trong thất khỏi cần tiếp duyên bên ngoài. Nó giúp cho mình ít muốn tiếp duyên bên ngoài. Nhưng mà nó đỡ tại vì tiếp duyên họ hay nói tầm bậy, chuyện thế gian. Còn kinh sách nhắc mình chánh pháp chứ không nhắc mình chuyện tầm bậy ngoài đời. Do vậy mình nhờ kinh sách ở giai đoạn độc cư đầu.

Sau khi giai đoạn đầu mình nghiên cứu bốn bộ kinh này xong rồi thì mình không đọc nữa, mình ghi chép kỹ rồi, mình không đọc nữa mà mình chỉ có lao động. Mà lao động, lúc bấy giờ mình không đọc nữa tức là cái Pháp Hướng mình tu nhiều.

Lúc nào mình cũng nhớ Pháp Hướng, pháp Như Lý Tác Ý rồi thì mình xả lao động là tới giai đoạn độc cư sau cùng để mình tiến tới thực hiện Thiền Định.

Lúc đầu mình còn tiếp duyên chứ gì, lúc sau thì mình còn tiếp duyên nhưng mà họ hỏi thì trả lời chứ không có gì. Đó là cái lối tiếp duyên làm công việc này kia là giai đoạn thứ hai của nó rồi.

Còn giai đoạn đầu được nghe pháp, được nghe băng đủ thứ là giai đoạn đầu của độc cư mà không có nói chuyện phiếm, chuyện đời. Gặp nhau thì gặp chứ có chuyện gì cần thiết để hỏi thì hỏi chứ không có nói chuyện bậy, rồi thôi. Hỏi chuyện Đạo thì được ở giai đoạn đầu vì mình đọc chỗ nào không hiểu thì mình hỏi người ta. Coi xem sự hiểu của người ta như thế nào để đóng góp thêm vào sự hiểu của mình về phương pháp sau này mình tu. Khi giai đoạn đầu qua giai đoạn thứ hai, rồi qua giai đoạn thứ ba là hoàn toàn pháp Hướng nó dính với mình rồi, nó có lực nó làm cho mình tỉnh giác rồi. Còn bây giờ lúc quên, lúc nhớ thì không được, mình không khép chặt mình nữa bởi vì cái Pháp không dính chặt với mình mà nó dính với pháp thế gian, lúc tâm này, lúc tâm kia.

Cho nên bốn mươi hai cái bài kệ độc cư của Phật - là bốn mươi hai bài kệ Con Tê Ngưu Một Sừng - mục đích là chúng ta ngồi lại quan sát cái tâm độc cư hay là không độc cư. Coi tâm chứ không phải coi thân. Nhiều khi cái thân mình độc cư mà tâm không độc cư. Người ta sợ cái tâm. Con Tê giác có nghĩa là cái tâm độc cư như con tê giác chứ không phải con Tê Giác độc cư.

Sư Tuệ Tĩnh: Như con Tê Giác một mình ra đi..Cái bài Kinh nó được hai thứ.

Trưởng Lão: Đó nó phải vậy đó, độc cư theo kiểu con Tê Giác.

3- TỨ CHÁNH CẦN

(12:25) Sư Phước Nhẫn: Thầy giảng cho con cái bài Tứ Chánh Cần được không Thầy?

Trưởng Lão: Bài Tứ Chánh Cần là bài cần thiết lắm.

Sư Phước Nhẫn: Dạ, dạ. Con thấy cái bài đó cũng cần lắm thưa Thầy.

Trưởng lão: Cái bài Tứ Chánh Cần. Còn cái Thất Giác Chi là sau khi Tứ Chánh Cần xong rồi mới thực hiện Thất Giác Chi để mà dùng cái pháp Như Lý Tác Ý. Trạch Pháp Giác Chi để mình trạch cái câu cho nó đúng cái tâm trạng, đúng với cái đặc tướng của mình. Để mình dùng nó trở thành cái dẫn tâm đi vào cái đó, nó sau này.

Còn hiện bây giờ cái tâm của mình nó còn lộn xộn quá đi, cho nên mình phải biết "Ngăn ác diệt ác" trước, cho nên Tứ Chánh Cần trước. Nó phải biết cái pháp tu nào trước, tu nào sau, chứ không phải đồng thời tu nhiều pháp một lượt được.

Sư Phước Nhẫn: Dạ con cũng thấy vậy thưa Thầy. Như vậy Tứ Chánh Cần trong đó nói những gì thưa Thầy?

Trưởng Lão: Tứ Chánh Cần thì nó "Ngăn ác - Diệt ác - Sanh thiện - Tăng trưởng thiện". Bốn cái Ngăn ác này, rồi Diệt ác này, rồi Sanh thiện rồi Tăng trưởng thiện.

Nghĩa là bây giờ đó thí dụ như mình ngăn cái ác, thì nó là sanh thiện ở tại chỗ ác; ác không ác là có thiện rồi. Hiểu cái trạng thái thiện là nó không có khởi nghĩ một cái gì mà ác hết thì nó là thiện. Cho nên khi mình kéo dài ra, kéo dài cái trạng thái đó, đó tăng là tăng trưởng thiện.

Chứ không phải mình đi làm việc từ thiện, rồi mình đem tiền cho nhiều đó gọi là tăng trưởng thiện, không phải như vậy. Mà tăng trưởng thiện là tăng trưởng cái trạng thái tâm của mình ở trong cái không có cái niệm ác. Nó kéo dài vậy đó là tăng trưởng.

Mình khởi ngăn cái ác, mình không cho niệm ác xen vô đầu mình thì đó là mình sanh thiện. Mình kéo dài cái thời gian đó ra là tăng trưởng thiện. Mình kéo dài chừng nào là tăng trưởng cao chừng ấy. Hiểu như vậy.

Còn cái Diệt ác thì khi có một niệm ác đến thì phải quán xét tư duy để xả cái niệm đó, gọi là diệt ác. Còn không có thì ngăn nó, đừng cho nó vô thì nó ở trong cái pháp.

(14:24) Tuy rằng Tứ Chánh Cần nó chỉ định như vậy nhưng mà nó không có pháp hành, cho nên phải đi trở lại cái Tứ Niệm Xứ. Cho nên trong Tứ Niệm Xứ nó có bốn cái chỗ để mà thực hiện Tứ Chánh Cần là Thân-Thọ-Tâm-Pháp (Dạ). Chỉ có ở trên Tứ Chánh Cần nó mới có bốn cái chỗ để mình thực hiện cái "Ngăn ác - Diệt ác". Cho nên trên Tứ Niệm Xứ thì đức Phật nói: "Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu".

Tham là cái lòng ham muốn của mình, ưu là phiền não đau khổ, là ác pháp. Tức là tham ưu là dục với ác pháp, chứ không có gì hết. Cho nên muốn "Ly dục ly ác pháp" thì phải ở trên Tứ Chánh Cần mà thực hiện. Mà muốn Tứ Chánh Cần thực hiện thì phải ở trên Tứ Niệm Xứ mà thực hiện nó là Thân-Thọ-Tâm-Pháp.

Vậy thì Thân-Thọ-Tâm-Pháp, thì trong thân nó có ba tướng của nó: Nhân tướng, Đặc tướng và Hành tướng. Mà ở trong bốn chỗ này thì cái nào nó cũng có ba cái tướng của nó. Thân có ba tướng, Thọ có ba tướng, Tâm có ba tướng và Pháp cũng có ba tướng. Cho nên vì vậy đó, thì mình thực hiện.

Nếu mình ở "Trên thân quán thân" mà tu về Hành tướng thì cái hơi thở động dụng ở bên trong gọi là Hành tướng nội. Mà nếu mình thực hiện Hành tướng ngoại là mình đi kinh hành, ăn cơm, mặc y, mang bát…​ Đó là Hành tướng ngoại. Nếu mà tu về Hành tướng thì nương vào cái hành động đó mình thực hiện nó, để vừa cũng như mình vừa hít thở thì mình vừa quán ly tham, quán ly sân, si để mà xả cái tâm, để "khắc phục tham ưu" mà. Mà hễ nó có một cái niệm gì thì nó thuộc về tâm.

(16:30) Mà nó có cái thân, ở trên thân của mình nó quán bất tịnh, hay quán vô ngã này kia thì đó là mình ở trên thân mình quán. Nương vào cái động của cái thân mà quán để xả tham ưu của nó ra thì đó gọi là "Ngăn ác, - Diệt ác". Thì cái pháp mà nương vào hơi thở là pháp Ngăn Ác, chứ không phải Diệt Ác. Bởi vì mình nương hơi thở thì nó không có niệm xen vô.

Đồng thời thì mình dùng Pháp Hướng Như Lý Tác Ý mình quán, mình xả, như quán ly tham, quán ly sân, quán vô ngã. Như trong kinh Định Niệm Hơi Thở thì đức Phật dạy "Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra". Đó là cái chỗ mà đức Phật dạy để vừa nương vào hơi thở mà vừa xả tâm mình. Thì tức là mình vừa xả như vậy, tức là mình ngăn ác, không có cho ác pháp xen vô.

Mình đi kinh hành tức là Chánh Niệm Tỉnh Giác, thì tức là nương vào hành động ngoại. Còn cái kia là nương vào hành động nội, nội thân của mình; ngoại mình là đi kinh hành. Thường thường người ta hiểu lầm, chỉ nghe bài kinh Phật nói "Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra". Thì họ cứ nghĩ rằng trong cái Định Niệm Hơi Thở, thì mình dùng cái này mình quán, mình đọc những cái câu đó hoài như vậy, để tới chừng hết cái thời mình xả ra. Không phải. Đi kinh hành cũng xả bằng cách đó: "Quán ly tham tôi biết tôi đi kinh hành, quán ly tham tôi biết tôi đi kinh hành". Cũng là dùng y như vậy để mà vừa đi mà vừa xả, tức là hành động nội và hành động ngoại.

(18:01) Rồi bắt đầu bây giờ có một niệm nào đó hay hoặc cái thân đang bị đau nhức, thì mình không có tu ở trong hành động nội, ngoại nữa mà ngay trên Thọ mà tu, bởi vì Thân-Thọ-Tâm-Pháp. Bây giờ cái thọ của mình bị nhức bị đau gì đó, mình mới dùng nó mổ xẻ ra, mình quán xét để làm cho cái cảm giác này đau nó mất đi, xả đi, nó không còn đau chỗ này nữa.

Như mình đang nhức cái đầu này, mình ngồi tu khó chịu quá. Thì mình mới quán xét cái thọ này nó không có từ đâu đến, nó là vô thường rồi. Tại vì cái nhân quả của nó như vậy là như vậy, cho nên tâm đừng có động. Mình muốn vậy thì mình nhắc nó, rồi mình trụ vào cái hơi thở. Thì khi mình trụ vào hơi thở thì nó sẽ quên cái đau này nè, cái đau nó mất đi, chớ nó không gì hết.

Cũng như Sư nhận xét khi mình đi kinh hành, mình vừa đi mình vừa biết hơi thở, thì cái tâm mình nó đã bám hai chỗ. Cũng như bây giờ mình đang tu, mà cái tâm mình nó sẽ bám vào cái thọ của mình đang đau cánh tay, mà nó vẫn biết hơi thở. Mà nếu cái đau này nó mạnh hơn thì cái hơi thở một lát nó bị mất, mà nó chỉ còn biết cái đau. Còn khi mà mình bám chặt trong hơi thở thì cái đau này sẽ mất.

Do mình muốn gom tâm vào trong cái hơi thở để phá đi cái thọ này, thì trước đó mình sẽ hướng tâm, mình nói "Thọ là vô thường, hãy rời khỏi cái tâm này đi, nghiệp này phải bị tiêu diệt". Mình ra lệnh như vậy. Bởi mình ra lệnh như vậy nó có cái lực của tâm, làm cho tâm không dao động. Nó Bất Động Tâm Định mà, nó làm cho cái tâm mình không có sợ cái này nữa.

Do đó đó mình mới bám vô hơi thở thì mình hít thở một hơi thở chậm..chậm..chậm..nhẹ nhẹ..nhẹ để cho nó gom thật chặt, mà hễ nó gom thật chặt rồi thì nó không cảm giác đau.

Mà nó không cảm giác đau thì bắt đầu mình thở lại. Không phải là mình cứ thở hoài hơi thở chậm đó đâu. Mình thở hoài là nó mệt, nó làm cho rối loạn, nó gây thêm khổ sở cho mình nữa. Mình chỉ thở một hơi thở gom cho chặt cái mình buông ra. Thì cái tâm mình nó bám chặt ở trong đó rồi thì nó không lưu ý đến cái này nữa. Thì ngay cái chỗ này nó sẽ phục hồi trở lại, nó không còn đau nữa, một lúc sau mình xả thiền thấy hết đau luôn.

(20:07) Cái phương pháp người ta trị bệnh mà, trị cái đau nhức mà. Bởi vì làm chủ bệnh mà, cách thức đó mà phải hướng tâm nhắc trước để cho cái tâm nó vững vàng, nó không sợ cái này nữa. Chứ không, nó đau nhức nó sợ lắm. Đó là cách thức làm cho cái tâm nó bất động.

Mà khi tập luyện, một thời gian tập luyện nó có đủ cái lực rồi, nó bất động dễ lắm. Cho nên nó không sợ nữa, không sợ đau, không sợ chết nữa. Do đó nó gom tâm vô trong cái hơi thở được rồi, hay hoặc gom tâm ở trong một cái Định rồi, thì cái này nó mất tiêu. Ví dụ như mình đã có được cái Định Nhị Thiền thì mình chỉ ra lệnh "Tầm Tứ phải tịnh chỉ, ngưng" thì ngay đó cái Thọ này mất rồi, nó không còn đau nữa. Làm chủ được bệnh mà.

Sư Phước Nhẫn: Mới cái thứ hai mà hay như vậy…​

Trưởng Lão: Bởi vì nó không tác ý ra được mà làm sao nó đau? Bởi vì nó làm chủ cái già được mà, nó không thay đổi con người của mình, nó không già nữa. Thí dụ như Thầy với Sư là trong cái tuổi này nó già vậy mà mình nhập vô Nhị Thiền rồi, diệt Tầm Tứ rồi, nó không hoạt động nữa, rồi cái thân nó không thay đổi nữa.

Sư Phước Nhẫn: Nó giữ nguyên đó…​

Trưởng lão: Nó giữ nguyên cái mực độ đó, nó không già đâu.

Sư Phước Nhẫn: Rồi đến khi mình xả thiền ra nó tiếp tục già?

Trưởng Lão: Nó tiếp tục già, bởi vì nó hoạt động trở lại. Tức là nó hoạt động theo cái tư duy của mình, thì nó thay đổi. Bởi Luật Nhân Quả nó vậy, mà nó ngưng hoạt động thì Luật Nhân Quả không thay đổi được nữa, nó đứng chững lại liền. Cho nên mình làm chủ ngay cái Luật Nhân Quả liền cho nên cái Lão nó mất, làm chủ được cái Già liền. Nhưng mà mình biết cái thân mình là thân vô thường, cái thân những cái chất nó hợp lại, nó không có quý, cho nên ai giữ nó làm gì.

Sư Phước Nhẫn: Lúc nào cần thì thôi đi đi…​

Trưởng Lão: Đi bỏ nó, ai để làm chi cái đồ quỷ này, nó là duyên hợp. Các pháp duyên hợp, chứ nó đâu có cái gì mà trường tồn đâu mà giữ. Nhưng mà cái pháp của nó làm chủ được như vậy đấy. Bốn Thiền của Phật tuyệt vời vậy đó.

Sư Phước Nhẫn: Dạ, hay quá chừng!

(22:22) Trưởng Lão: Khi mà mình đang đi kinh hành, mình có một niệm khởi. Mình đem cái niệm khởi đó, mình mổ xẻ liền, đừng để cho nó dẫn mình. Nó dẫn mình tức là phóng dật.

Sư Tuệ Tĩnh: Mình dùng cái phương thức nào?

Trưởng Lão: Bây giờ mình mới đem cái niệm đó, mình cũng vừa đi. Lấy cái trạng thái đi để mà tỉnh thức đó, để mà mổ xẻ nó, nó mới có cái quán sát mới sâu ở trong cái niệm đó. Thứ nhất mình dựng nó lên, mình mới hỏi cái niệm này nó thuộc về Dục lậu, Hữu lậu, Vô Minh lậu, nó thuộc về lậu nào? Bây giờ mình đã thấy nó ở trong Dục lậu. Dục lậu tức là cái lòng ham muốn của mình.

Mà hữu lậu là cái có. Bây giờ mình nhớ cái nhà của mình, nhớ những người có, thì đó là Hữu lậu.

Còn Vô Minh lậu là cái mình không hiểu. Bây giờ nó khởi lên một câu pháp nào đó mà mình không hiểu để mình truy tìm, đây là Vô Minh lậu. Tại vì không hiểu, mà nó khởi nên cái niệm này, hoặc là mình khởi lên cái niệm này, mình thấy cái nghĩa lý này nó hay quá, coi chừng nó vô minh. Mình đặt nó, đây là chỗ này chỗ tìm hiểu sự tìm hiểu tức là Minh hay là Vô minh hay thôi.

Sư Tuệ Tĩnh: Các pháp phải vậy.

Trưởng Lão: Đó vậy đó. Do đó mình mới quán xét cái này, mình tư duy cái này, mình mới thấy cái này nó đúng thiện hay là ác. Nếu mà cái niệm vô mình này nó ở trong Vô Minh thì mình mới đem cái Nhân Quả, mình quán xét cái niệm này, nó thuộc về Nhân Quả nào? Nó ác thì nó là Vô Minh, mà nó thiện thì nó là Minh. Bởi vì nó thiện, nó đưa mình con đường giải thoát mà, nó Minh. Còn nó ác là Vô Minh. Mà nó ác thì dẹp "Mày là Vô minh, đi đi". Như vậy là mình Minh, mình mới biết nó ác. Mà Minh, mình mới biết nó thiện. Như vậy rõ ràng là hễ khi mình quán xét Nhân Quả, mình biết ác hay thiện thì đó là Minh rồi. Hiểu Thầy muốn nói không?

Bây giờ nó là Hữu lậu. Đã nói Hữu lậu là một vật đã có, cái có sẵn mà mình lại nhớ lại nó. Bây giờ mình có cuốn sách, hay hoặc mình có một tủ Kinh sách. Mình ngồi đây bỗng nhớ cái tủ Kinh sách:

“Không biết ở Chùa mấy thầy có chăm sóc giùm hay mối ăn hết?”

“Như vậy là trật! Như vậy cái này là Hữu lậu. Vật có để làm cho mình còn lậu hoặc, còn lo lắng nó đây. Xả bỏ! Nhất định là không chấp nhận cái Hữu lậu”.

Như vậy là khi mình lý luận, mình không chấp nhận. Vì mình còn sống mình giữ gìn nó, mình chết cái tủ sách này ai giữ cho? Hay hoặc là lửa cháy hay nước trôi ai mà cõng vác nó đây? Bây giờ tôi chỉ có giải thoát, chớ không chấp nhận các kinh sách này. Do cái lý luận này, thì cái Hữu lậu này bị phá đi. Lậu hoặc nó không còn có nữa.

(24:57) Bây giờ Dục lậu là khởi tâm muốn cái này kia. Chưa có mình muốn nó là Dục lậu, nó khởi muốn thì đó là Dục lậu. Cho nên khi mà thấy cái lòng này ham muốn thì trật rồi. Hễ nó còn ham muốn cái gì thì không được.

Cho nên ở cái chỗ Vô Minh thì đem Nhân Quả. Những cái Hữu Lậu thì đem cái chỗ mà vô thường, khổ. "Tất cả các pháp là vô thường mà, cho nên nó phải khổ thôi". Vì vậy có của là có khổ, cho nên nó là Hữu lậu thì mình đem thấy những cái vô thường. Còn nó Dục lậu thì mình thấy tâm dục là nguyên nhân đau khổ của con người. Do đó mình quán xét mình thấy thì nó xả hết, thì coi như mình thành công.

Bởi vì phải lấy ba cái Lậu hoặc này, Dục lậu, Hữu lậu, Vô Minh lậu này, mình mới dựng nó lên. Mình mới tìm cái niệm đó nó nằm ở trong nào. Rồi từng đó cái chỗ nào mà nó Nhân Quả, mà cái nào nó là vô thường các pháp, mà cái nào nó là nguyên nhân sinh ra đau khổ. Mình thấu suốt được ba cái lý này thì con người "Vô thường - Khổ - Không - Vô ngã” mà. Tùy theo những cái bài học, bài pháp của mình thì từ đó mình quán xét dựa theo cái lý của Phật đã dạy, thì mình quán xét mình xả. Rồi mình dựa theo cái lý Nhân Duyên nữa. Coi những cái Hữu lậu, Vô Minh lậu này nó nằm ở trong cái duyên nào? Bởi vì "Thập nhị Nhân Duyên", mình quán lý Nhân Duyên để mình phá tiêu nó ra, thì như vậy là mình tu Định Vô Lậu. Đủ rồi. Đừng có mà nó hiện đến cái mình cứ lo đuổi nó đi. Không! Đem mổ xẻ ra, tu Định Vô Lậu liền.

Sư Tuệ Tĩnh: Như vậy nó mới hết.

Trưởng Lão: Nó mới hết. Bởi vì mình thấu triệt và gạt trước lúc mình cứ như vậy. Rồi niệm nó khởi lên, nó thường xuyên nó khởi lên. Mình cứ thấy như vậy, thấy riết, nó riết nó thấm nhuần được những cái quán xét đó. Vừa chớp là mình đã hiểu nó rồi, cái nó đi mất.

Sư Tuệ Tĩnh: ( …​ )

Trưởng lão: Nó diệt các ác pháp đó. Bởi vì ngăn ác là mình giữ mình đi, nó không có khởi niệm là ngăn ác rồi đó. Mà giờ nó vừa khởi niệm là ngay đó là mình quán xét, mình diệt ác, "Ngăn ác - Diệt ác" mà. Mà hễ "Ngăn ác - Diệt ác" được thì tức là nó "Sanh thiện - Tăng trưởng thiện", là giải thoát. Đó là mình đi trên cái lộ trình của thiện, không đi trên lộ trình của ác.

4- KỸ THUẬT HƯỚNG TÂM

(27:51) Sư Tuệ Tĩnh: Xin Thầy giảng rõ về kỹ thuật hướng tâm như thế nào cho có kết quả mau.

Trưởng Lão: Khi hướng tâm mà có kết quả đó, thì khi cái tâm nó vừa yên lặng, khi mình ngồi mình nghe thân-tâm của mình nó yên lặng, nó an ổn đó. Bây giờ mình hít thở mình biết hơi thở ra, vô mà cái thân-tâm an ổn. Chớ còn nó còn đang có vọng tưởng hay là nó còn hôn trầm, nó còn lừ đừ buồn ngủ đồ gì đó, thì hướng tâm không có kết quả đâu.

Nó cho tỉnh táo, cho tỉnh giác thì mới hướng tâm nó mới có hiệu quả. Như Lý Tác Ý mà. Thì cứ nhớ khi nào mình cứ hít thở, mình nghe nó yên ổn, cái tâm nó lặng lẽ. Lúc nó thanh tịnh thì hướng tâm có hiệu quả ở chỗ thanh tịnh đó. Cái lực nó có ở ngay chỗ đó.

Còn bây giờ mình cũng hướng mà mình chưa có quan sát được thân-tâm mình yên lặng, mà mình cứ độ chừng năm mười hơi thở mình hướng thì nó không có hiệu quả. Lưu ý cái phần này. Bởi vì khi mình thấy thân-tâm mình yên ổn được rồi mới bắt đầu mới bảo nó.

Mặc dù bây giờ nó chưa có phải là cái tâm mình nó hết phóng dật. Bởi vì nó hết phóng dật là mình "Ly dục ly ác pháp" rồi, thì tự nó quay vô với hơi thở, tức là nó định trên thân. Cho nên đức Phật nói "Tâm định trên thân" tức là nó định trên hơi thở. Thân Hành Niệm nội là hơi thở nó định vậy đó.

Còn nếu mà nó chưa định, nó còn phóng thì bây giờ mình ép buộc nó, nó chỉ có thời gian nào đó nó chịu đựng đó thôi. Chứ hễ xả ra thì nó bung, nó đi tùm lum hết. Nếu mà nó chịu quay vô, không phóng dật, tức là nó định trên thân, định ngay trên hơi thở.

Chú ý nếu mà hướng tâm tâm bảo: "Tâm ly dục ly ác pháp đi", nhưng nó chưa đâu, nó chưa có quay vô đâu. Nhưng mà mình cứ mình bảo hoài riết, nó đi. Mà khi cái tâm mình giữ yên lặng, tức là tỉnh thức đó. Tỉnh thức, đừng có tĩnh lặng mà tỉnh thức. Tỉnh thức thì được, mà tĩnh lặng thì không được. Tĩnh lặng nó làm cho mình có cái trạng thái hỷ lạc, nó lặng thì không được, không tốt, nó đi chỗ khác rồi. Thì lúc bấy giờ đó, hễ mình hướng tác ý thì nó mất cái sự tĩnh lặng đó đi, nó làm cho mình thấy nó bực.

Cho nên lưu ý cái phần này để cái Pháp Hướng nó hiệu quả. Vì vốn mình luyện cái Pháp Hướng để cho có cái lực điều khiển, sau này mình vào Định nó dễ dàng hơn.

(30:22) Bây giờ ví dụ như mình ngồi, mình không hít thở mình cứ để tự nhiên cái tâm của mình. Mà mình nghe thân-tâm an ổn thì hướng tâm có hiệu quả, chứ đừng nói chi là mình nương hơi thở. Còn mình nương hơi thở là tại vì nó nương hơi thở là nó giúp cho mình sự tĩnh lặng dễ hơn. Mình biết thân - tâm mình rõ ràng là yên lặng tốt đó là dùng hướng tâm. Phải kỹ chỗ đó, chứ không khéo mình hướng mình cũng như mình niệm thì nó động.

Sư Tuệ Tĩnh: Bởi vì mấy nay con thấy nó không có hiệu quả nhiều, con mới hỏi kỹ Thầy, cũng như mình tụng kinh thì nó không có kết quả.

Trưởng lão: Phải để đợi cho cái tâm nó yên lặng. Mà bây giờ mình ngồi chơi hay ngồi tu hay đi kinh hành, mình đi mình cũng lắng nghe thân-tâm nó theo cái nhịp bước đi mà nó yên lặng thì mình hướng tâm có kết quả.

Mà hễ nó còn phóng tâm, nó còn phóng dật, nó nghĩ ngợi nó còn này kia thì nó. Mà đi mà nó còn có chú tâm bên này, bên kia, nó còn lăng xăng, mình ráng cố gắng mình ức chế cho nó theo cái bước đi của mình, cố kềm nó thì nó còn chậm lắm.

Chừng nào mình nghe nó yên lặng, nó có dụng công nhiều thì nó tốt. Đó là chỗ khéo léo lắm chớ không phải không. Mình coi vậy dụng riết là mình niệm không với mình tụng thôi. Cho nên nhiều khi mình lưu ý thà là mình tu ít mà kết quả rất lớn, hiệu quả rất lớn. Còn mình tu rất nhiều mà thành ra như người "gõ mõ tụng kinh". Như người niệm Phật tụng kinh không, không có kết quả, vì cái tâm nó còn động, nó chưa có chịu tỉnh giác.

Phần nhiều là khi mình nhập thất mình tu một thời gian thì tâm nó yên tịnh nhiều. Cho nên lúc bây giờ như thế này, mình chú ý nhìn hơi thở thì nghe một lúc tự nhiên cái tâm bám vô hơi thở, lúc bấy giờ thấy thân-tâm yên lặng thì bắt đầu hướng. Tu lâu rồi mình quen, mình biết chừng nó, cái đó là mình dùng pháp hướng để mình xả. Còn cái kia thì yên lặng như vậy, nó nhớ Như lý tác ý nó khác mà Tác Ý nó khác.

5- PHÂN BIỆT NHƯ LÝ TÁC Ý VÀ TÁC Ý

(32:58) Trưởng lão: Cái Như Lý Tác Ý nó khác.

Cái Như Lý Tác Ý là cái Pháp Hướng. Còn Tác Ý để mình quán xét một cái gì đó, thì cái đó là tu về quán Vô Lậu, tức là mình tác ý ra rồi mình tư duy.

Còn Như Lý Tác Ý, như cái lý đó mình tác ý, tức là mình hướng tâm mình ám thị, không có tư duy.

Cho nên ví dụ như trong cái câu, cái mười sáu đề mục mà Định Niệm Hơi Thở, thì đức Phật dạy: "Quán ly tham tôi biết tôi hít vô". Thì chữ "Quán ly tham tôi biết tôi hít vô" đó, thì nó là Như Lý Tác Ý, chứ không phải mình quán. Bởi vì mình quán như vậy, cái thời gian mà với một cái hơi thở hít vô, hít ra mà mình quán, quán thì nó phải có sự tư duy nó dài, thì đó là tác ý quán, chứ còn không phải là Như Lý Tác Ý. Phải hiểu ý mấy cái chỗ đó, chứ không nó trật đó.

(33:53) Sư Tuệ Tĩnh: Mười sáu cái đề mục toàn là như lý hết thưa Thầy?

Trưởng Lão: Như lý hết. Bởi vì nó theo cái nhịp hơi thở mà nó Như Lý mình Tác Ý ra.

Sư Tuệ Tĩnh: Bao nhiêu ông Thiền sư, bao nhiêu ông giảng sư giảng khác cái này hết trơn hết trọi.

Trưởng Lão: Bởi vậy mới chết nó trật. Bởi vậy qua kinh nghiệm rồi mới thấy được lời của Phật dạy. Chữ với nghĩa. Cái nghĩa thì nó vô hạn, mà cái chữ thì nó hữu hạn. Cái ngôn ngữ thì nó hữu hạn, mà cái nghĩa thì vô hạn. Cho nên cái nghĩa thì vô hạn, cho nên người ta hiểu vầy, người ta hiểu khác, đủ thứ hết. Còn cái chữ thì nó chết đứng đó. Ví dụ như nói Tác Ý, Như Lý Tác Ý thì nó đứng đó vậy thôi, mà cái hiểu làm sao cho trúng, bởi vì nó vô hạn. Mình hiểu tùm lum đủ thứ, thành ra trật. Có khi Phật nói “tác ý”, mà có lúc Phật nói “như lý tác ý”, hai cái khác nhau, không phải giống nhau.

Mà Như Lý Tác Ý như thế nào? Mà Tác Ý thì như thế nào? Nếu không trải qua kinh nghiệm thì chắc chắn chỉ nằm trong chữ nghĩa. Cho nên cái Như Lý Tác Ý là phải đợi cái tâm mình thanh tịnh mới tác ý, tâm chưa thanh tịnh thì chưa cần.

Cho nên mình thấy người ta dạy mình ám thị, phải không? Nhưng mà có người ám thị thì có hiệu quả, mà có người ám thị không hiệu quả. Ai cũng biết nhưng có người ám thị không hiệu quả. Quan trọng là ở chỗ tâm yên lặng hay không yên lặng, chỗ tâm thanh tịnh hay chưa thanh tịnh. Cho nên có nhiều người nghe pháp Như Lý Tác Ý, rồi mình làm cái gì mình cũng tác ý ra, nhưng mà cái tâm mình nó chưa yên tịnh thì nói sao tôi tu hoài?

Mà chờ cho được cái tâm yên tịnh thì tác ý nó hiệu quả. Mà trong một ngày nhiều khi nó chưa thanh tịnh một lần, thành ra mình cứ tụng với niệm không à. Cho nên vì vậy mình khép mình ở trong khuôn viên độc cư, mình sống trầm lặng một mình. Cho nên Phật mới ca ngợi ưa thích trầm lặng, ca ngợi sự trầm lặng, ưa thích sự trầm lặng.

Thì mình sống ở trong một khuôn viên mình yên lặng rồi, thì bắt đầu tâm mình nó tuôn trào. Thì bắt đầu mình dùng Pháp Quán. Quán để xả những cái niệm. Khi mà cái niệm thương, niệm nhớ, cái niệm tham-sân-si, cái nghịch.

Mình phải phân biệt cái này nữa, nó có cái nhân quả nghịch và cái nhân quả thuận. Ví dụ như tình thương của mình thương người thân của mình đó là nhân quả thuận. Còn người ta chửi mắng mình, người ta làm cho mình khổ, giận hờn phiền não đó là nhân quả nghịch. Hai cái nghịch-thuận. Cũng như bây giờ con cái hay cha mẹ mình đó là nhân quả thuận, phải trả nhân quả bằng cách thuận. Còn những cái mà làm đau khổ, giận hờn, tức giận là nhân quả nghịch. Cái nghịch thì dễ xả, cái thuận thì khó xả. Cái thương khó xả, mà cái ghét dễ xả. Khi so sánh được các pháp Ác này, nó đều là pháp Ác hết chứ không phải pháp Thiện đâu. Thương cũng là pháp Ác vì trong đó có khổ. Cho nên phước Vô lậu và phước Hữu lậu, cái phước Vô lậu thì nó hết khổ. Người có phước Hữu lậu là có khổ. Mặc dù có phước giàu sang như vua chúa, nhưng vẫn khổ, bởi vì nó Hữu lậu, nó có cái lậu. Mà nói đến lậu hoặc tức là nói khổ.

(37:57) Cho nên khi mình tu mà tâm nó còn lậu hoặc thì hướng tâm không hiệu quả. Khi tâm yên lặng, thanh tịnh thì lúc bấy giờ dùng pháp hướng thì nó tốt.

Nhưng mà khi mà tâm chưa yên lặng thì dùng pháp tác ý thì tốt. Vì nó còn động mình phải tác ý thì nó tốt. Chẳng hạn như đề mục thứ nhất của Định Niệm Hơi Thở "hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra" hay là "an tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Đó là những cái để nhắc cho nó được sự yên lặng, tỉnh giác.

Nếu mình không nhắc thì nó sẽ không tỉnh giác. Mình nhắc cho nó tỉnh giác. Tỉnh giác rồi mình mới quán ly tham, quán ly sân, quán ly si, quán vô ngã. Phải hiểu mười sáu đề mục của Phật. Bao giờ mới vô mà đức Phật dạy mình quán ly tham, ly sân, ly si đâu. Có tới mười sáu đề mục mà, vô đó thì nhắc cho mình để trụ trong hơi thở cho nó yên lặng. Nó an tịnh thân hành, an tịnh tâm hành. A, an ổn hết rồi thì mới ly tham, ly sân, ly si. Đọc bài kinh rồi mình thấy có pháp hành rõ ràng, có kinh nghiệm đàng hoàng, chớ không phải thiếu kinh nghiệm đâu. Cho nên phải tỉnh thức rồi mới Như Lý Tác Ý. Còn lúc đầu nó chưa thì tác ý đó. Những câu đầu cũng là Pháp Hướng, nhưng mà tác ý. Tác ý rồi quan sát, quán xem coi như thế nào. Coi như là quán xét nó đó.

Còn khi nó yên tịnh rồi thì Như Lý Tác Ý đó, coi như là "Quán ly tham" thì không có quan sát nữa. Bởi vì tâm mình đâu còn tham mà quan sát nữa. Mà chỉ đuổi nó ra thôi. Nó yên tịnh rồi, đuổi ra. Còn cái kia mình "Quán ly tham, quán ly sân, quán si" thì đó là đuổi. Còn "An tịnh tâm hành, an tịnh thân hành" là hướng tâm tác ý ra, rồi quan sát coi nó yên tịnh chưa, nó thanh tịnh chưa? Nó thanh tịnh rồi mới yên tâm, mới khắc phục tham, sân, si. Cách thức là như vậy, mà mình không hiểu thì coi như là mình cứ niệm.

Cho nên khi mà hướng tâm thì mình quan sát lại coi cái hơi thở của mình, coi nó mình biết hơi thở không? Mình nhớ mình biết hơi thở hay còn tạp niệm, hay còn vô ký? Nếu mà còn tạp niệm, còn vô ký thì phải nhắc nó: "Tôi thở vô tôi biết tôi hít vô, tôi thở ra tôi biết tôi thở ra" để cho nó tập trung trong hơi thở.

6- PHÂN BIỆT ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ VỚI LỤC DIỆU PHÁP MÔN VÀ MINH SÁT TUỆ

(40:33 Trưởng Lão: Mà nếu bây giờ nó yên rồi, đã thanh tịnh rồi, mà mình cứ để cho nó tự biết hơi thở ra vô thì giống như Tùy tức, nó không phải là Định Niệm Hơi Thở nữa. Nếu mà mình đi vào con đường của Tổ Lục Diệu Pháp Môn thì đó là Sổ - Tùy rồi. Hồi nãy mình nhắc: "Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra" dường như là mình Sổ rồi, cũng vậy phải không? Khi mà nó biết hơi thở ra vô mà mình không cần nhắc nữa, thì tức là mình bỏ cái nhắc, tức là mình Tùy rồi, thì như là Lục Diệu Pháp Môn rồi, trật rồi không đúng.

Cho nên đức Phật thấy khi mà mình nhắc nó, tức là như là Sổ để cho tâm nó gom vô, đừng có chạy lăng xăng nữa, đừng có phóng bậy bạ nữa. Khi nó chịu gom rồi, yên tịnh rồi thì không Tùy tức mà lại "Quán ly tham, quán ly sân, quán ly si". Thấy rõ không? Nó đâu có để mà nó yên lặng ở trong Tùy tức đâu? Nếu mà nó Tùy tức thì nó là Chỉ. "Sổ-Tùy-Chỉ", nó đi đến cái “chỉ”, chỉ là nó ngưng ý thức. Mà ngưng ý thức thì tưởng thức hoạt động sanh ra trạng thái Xúc Tưởng Hỷ Lạc, hay là Sắc Tưởng, hay là Thinh Tưởng, sanh ra nó trật đường rồi. Đức Phật biết chỗ này cho nên lái cho mình qua chỗ Xả, không để mình rớt chỗ này.

Đọc bài Kinh mười sáu đề mục của Định Niệm Hơi Thở, mình thấy đức Phật dạy có kinh nghiệm hẳn hòi. Vì người sau này không có kinh nghiệm mới rơi vào Lục Diệu Pháp Môn, mới đẻ ra Lục Diệu Pháp Môn, rồi từ chỗ Định Niệm Hơi Thở mới trở thành Quán Niệm Hơi Thở. Thí dụ như mình không biết, mình dùng như Thiền Minh Sát Tuệ, nó dùng cơ bụng để phình sọp để tập trung. Tới chừng đó mình mới minh sát nè. Đợi cho yên rồi minh sát, mà không ngờ là nó không phải là minh sát mà trái lại là "Ly tham, ly sân" dùng Như Lý Tác Ý, để nhờ lực của Pháp Hướng, của sự ám thị của tâm. Để sau này dùng cái đó mà mình nhập các Định, tịnh chỉ Tầm-Tứ, tịnh chỉ hơi thở. Mình ra lệnh, chứ không phải là mình ở trong trạng thái đó rồi mình vô Định được đâu.

7- LỰA CHỌN PHÁP HƯỚNG VÀ THỜI GIAN THỰC HÀNH

(42:59) Sư Tuệ Tĩnh: Thầy diễn tả câu "Quán ly tham tôi biết tôi thở vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra", lúc đó tình trạng mình cái tâm như thế nào thưa Thầy?

Trưởng Lão: Lúc bấy giờ tình trạng là khi đó cái tâm mình nó yên tịnh rồi. Yên tịnh tức là nó có lúc mà nó bám vô hơi thở nó thở ra, thở vô, nó tự biết, nó rất nhẹ nhàng. Nó tự biết rồi, thì lúc bấy giờ đó là "Quán ly tham, quán ly sân", tức là mình dùng Pháp Hướng để cho nó lìa tâm tham-sân-si của mình, tức là ngũ triền cái đó.

Sư Tuệ Tĩnh: Mình hướng làm sao thưa Thầy?

Trưởng Lão: À! Mình hướng, thí dụ như nó cái tâm yên lặng rồi: "Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra" y như cái câu. Còn không thì mình nói: "Tâm ly dục ly ác pháp đi đi, nhập Sơ Thiền". Mình ra lệnh nó vậy, cũng y như là "Quán ly tham, ly sân, ly si". Bởi vì dục, trong dục nó có tham-sân-si, cho nên mình mới bảo "Ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền". Cái câu đó là câu chuẩn nhất.

Sư Tuệ Tĩnh: Vậy là mình theo hơi thở cái mình tác ý "Ly tham đi, ly tham đi", tới mục sân thì mình: "Ly sân đi, ly sân đi", tới mục vô thường thì mình cũng tác ý "Vô thường"…​

Trưởng Lão: Đó là mình như cái lý của nó mình tác ý, bảo nó phải vô thường. Nghĩa là mình chọn, Trạch pháp giác chi đó, chọn câu pháp nào cho đúng, cho hợp với đặc tướng của mình thì hướng có hiệu quả. Chẳng hạn nó có nhiều câu mình hướng mà không có hiệu quả thì mình thay đổi. Câu nào mình hướng thấy hiệu quả thì mình lấy câu đó làm chuẩn mình tu.

Sư Tuệ Tĩnh: Một câu mình thực hành bao lâu thưa Thầy?

Trưởng Lão: Thí dụ như mình thực mà mình thấy mình bảo nó. Ví dụ như bây giờ mình bảo: "Tâm ly dục ly ác pháp, nhập Sơ Thiền đi”. Mình bảo nó chừng năm, ba lần, hay mười lần. Trong khoảng thời gian mà tập, cái mình thấy nó vô Định thật, cảm thấy hỷ lạc đàng hoàng, rõ ràng. Rồi mình để yên lặng thử coi nó ở trong trạng thái đó bao lâu? Thấy nó kéo dài thời gian dài được năm mười phút, như vậy là được rồi. Do đó mình biết nó sẽ vô đó được rồi. Cái câu Pháp Hướng đó hiệu quả. Sau đó lấy câu đó mà nhắc nó vô Định. Lấy câu đó, chớ đừng lấy câu khác, câu khác nó không vô đâu. Như vậy đó, lưu ý cái chỗ cái câu mà trạch pháp.

Còn nếu câu đó mà một thời gian mình thấy nó không vô thì thay đổi. Cái người nào nó cũng có những cái duyên với cái câu đó. Tức là Thầy nói nó Đặc Tướng với cái tác ý đó.

Thí dụ như Thầy có Đặc Tướng với tác ý cái câu của mình. Thầy có đặc tướng là hai cái câu: “Tâm như đất” là câu thứ nhất mà Thầy tu. Câu thứ hai là Thầy nhớ lại trong khi đức Phật lúc nhỏ ổng nhớ câu: “Ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền" , Thầy lấy câu đó làm chuẩn Thầy tu.

Đầu tiên Thầy vô câu "Tâm như đất, không có tham-sân-si nữa, lìa hết đi". Thầy chỉ ra lệnh như vậy.

Trong thời gian đó Thầy thay đổi luân phiên "Tâm ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền". Thầy kêu cái tên của cái tâm: “Tâm ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền". Thầy cứ kêu cái tâm thôi, hễ tâm vừa nương hơi thở, thấy nó yên lặng. Thầy tu chín năm nên tâm dễ yên lặng lắm, vô cái yên lặng, hướng vô cái yên lặng. Tâm mà yên lặng được rồi thì hướng tâm có hiệu quả.

Còn cái tâm mình nó còn động nhiều quá, người mới tu coi vậy chứ lâu lắm. Thật sự ra nhờ Thầy tu pháp Tri Vọng chín năm trời, ba mươi phút không vọng tưởng, một giờ không vọng tưởng, ngồi đó yên lặng. (47:03)

HẾT BĂNG