Skip directly to content

VẤN ĐẠO 25-ĐỘC CƯ ĐỂ XẢ TỪNG TÂM NIỆM

VẤN ĐẠO 25-ĐỘC CƯ ĐỂ XẢ TỪNG TÂM NIỆM

VẤN ĐẠO 25

ĐỘC CƯ XẢ TỪNG TÂM NIỆM

ĐỪNG ỨC CHẾ VÀO ĐỊNH TƯỞNG

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Sư Tuệ Tĩnh và sư Phước Nhẫn

Thời lượng: [40:22]

Thời gian: 2002

Tên cũ: 13B-DocCuDeXaTungTamNiemDungUcCheVaoDinhTuong

Pháp âm: https://thuvienchonnhu.net/audios/van-dao-25-doc-cu-de-xa-tung-tam-niem.mp3

1-ỨC CHẾ TÂM LỌT ĐỊNH TƯỞNG

Trưởng lão: bàn với Thầy là các cô cần phải dạy một hai pháp, Thầy mới chỉ cách cho cô Út. Thầy đương nói chuyện với cô Út. Thầy Mật Hạnh ở ngoài này mới chạy vô kêu Thầy, nó nói: "Thầy Thiện Thuận nhập thất gặp khó khăn rồi, Thầy hãy ra cứu Thầy ấy chứ để Thầy ấy chết”. Bởi vì mới đầu thì Thầy Thiện Thuận còn ở cái thất bên đó, cái thất ở đằng sau lưng Thầy. Thầy Thiện Thuận khẹc khẹc, Mật Hạnh nghe khẹc mấy tiếng, nó giao cảm nó biết được cái trường hợp đó, chứ chưa có la, thì trong khi nó chạy vô báo cho Thầy, nó nói: "Thầy Thiện Thuận thế nào cũng bị gặp khó rồi, Thầy hãy ra cứu Thầy Thiện Thuận". Thì Thầy nói cô Út, thôi bây giờ con vô đi, Thầy đến Thầy giúp.

Thầy đi chậm chậm thế này, Mật Hạnh thì lật đật, nó sợ. Thầy nói Mật Hạnh có cái gì thì con chạy trước, có cái gì thì con làm tiếng động cho lớn, con la thật lớn. Nói chung là Thầy vừa đi tới cái chỗ ngã ba này, chưa tới nơi, thì ở trong đó Mật Hạnh nó đã tới đằng đó rồi, Thầy Thiện Thuận ở trong đó ổng la, ổng la điên.

Nghĩa là la cũng như là cọp rống “ồ ồ ồ”, la làm như ai bóp cổ ổng. Vậy đó, thì Mật Hạnh nó run hết, run người, nó không dám, nó không dám la vì ổng la lớn quá. Thầy đã dặn Mật Hạnh là khi nào mà nghe Thầy Thiện Thuận còn khẹc như vậy đó thì la cho có tiếng động cho thầy ấy rã nó ra, rã ra. Nhưng mà đến đó thì Thầy Thiện Thuận đã la quá lớn, la như cọp rống, làm như nghẹt cổ mà ráng la, thành ra nó hoảng rồi, nó không dám la nữa. Mà la đâu có át được tiếng la của người điên. Cho nên vì vậy Thầy đi tới, Thầy vô thất, Thầy vô thất Thầy vỗ trên đầu một cái, Thầy đặt cái tay này, tập trung tâm của Thầy trên đỉnh, đẩy lui xuống liền.

Sư Phước Nhẫn: Nó lên.

Trưởng Lão: Nó lên, nó làm cho rối loạn cái Thần kinh não, cho nên Thầy ấn, để cái tay Thầy lên trên cái đỉnh đầu. Thầy Thiện Thuận đâu có biết. Thầy để lên đó, để xuống nhẹ, Thầy định tâm, nhập định, sức định của Thầy, đẩy lui xuống, làm cho cái thần kinh an, Thầy giải quyết nhanh vậy đó, chứ còn không khéo nó điên. (02:32) Ngồi đây một hơi cái…​ Khi Thầy đi ra - hồi Thầy ở đó thì cái lực của Thầy nó có đó, nó không phục hồi, nhưng mà Thầy đi ra rồi, thì làm như “nó” trào trở lên, nó làm như nó bắt thầy Thiện Thuận phải la nữa.

Khi mà Thầy đi ra khỏi thất, Thầy dặn: "Hãy đến thất của Thầy", nhưng mà thầy Thiện Thuận không có đến, ổng tưởng là “nó” hết rồi, nhưng mà Thầy đi về thất của Thầy, thì ổng chạy đến nói: " Không được, Thầy bảo con không nghe lời, bây giờ “nó” muốn trở lại rồi, nếu trở lại thì con hết biết rồi, con cứ la không”. Thầy bảo: "Thôi bây giờ con cứ ở trước thất Thầy, đêm nay ngủ ở đây", rồi Thầy ngồi trong thất, Thầy ngồi thiền, Thầy nhập định, còn thầy Thiện Thuận nằm ở bên ngoài ngủ, một đêm.

Đêm đó thầy Thiện Thuận mới hết, sáng ra nó hết. Nếu không có Thầy thì thầy Thiện Thuận điên luôn. Nó nhập Tam Thiền, mà Tam Thiền điên. Bởi vậy Thầy nói: "Đó, con thấy chưa, cái Tam Thiền điên của con”.

Còn Minh Tông, con biết, bây giờ Minh Tông, nó cũng nói là nó bay, nó thần thông để mà nó dạy Thầy, nó gợi ý như vậy lận đó. Nghĩa là Thầy bảo nó đừng có tiếp chuyện với ai: "Bây giờ giai đoạn của con là giai đoạn Tỉnh Thức cao rồi, nó lọt vô trong Định Tưởng rồi.

Bây giờ con không có được quyền tiếp vợ con con hoặc bạn bè con nữa, mà coi như là con sống hoàn toàn độc cư để xả tâm, chỉ duy nhất xả tâm.

Con đừng có ngồi thiền, con lấy cái sức Tỉnh của con có đó - bởi vì mình Tỉnh rồi, nó vẫn có trong này đâu cần nhiếp tâm nữa, cứ mình nhiếp tâm để cho mình thấy thôi chứ sức Tỉnh mình đã có đây rồi - bây giờ con chỉ cần lấy cái sức Tỉnh này mà Xả tâm".

(04:20) Nó không chấp nhận độc cư, nó độc cư không đúng. Nó nói: "Con vài bữa nữa con thị hiện Thần thông".

Thầy nói: "Nếu mà vậy thì con tìm con đường mới, chứ không phải là con đường cũ, mà nếu được vậy Thầy sẽ tuyên bố với Phật tử, con đã tìm con đường đúng, tốt, đúng".

Nhưng mà có trong vòng một tháng là thổ máu đống đống. Cãi Thầy, ông Thiện Thuận cãi Thầy, dùng pháp hướng bị loạn Thần kinh ổng luôn. Thầy nói: "Không có được, con ở trong cái định đó, con đừng nói Tam Thiền mà con tịnh chỉ hơi thở để mà con vào. Con cứ nghĩ là con Tam Thiền, con tịnh chỉ hơi thở để con vào; con dùng pháp hướng để tịnh chỉ hơi thở; “nó” tưởng con là “nó rối loạn”, chết con à! ". Nó không nghe, nó thấy rằng ở trong đó nó biết. Khi mà hết vọng tưởng rồi thì nó nguy hiểm vô cùng; có thời gian một, hai tiếng đồng hồ do cái định ức chế tâm.

Do vậy, những trường hợp ở đây, Thầy nói đó là những kinh nghiệm cho mấy con hết, sáng suốt để mà thấy những kinh nghiệm.

(5:24) Bên nữ cũng vậy con, bên nữ cũng ngồi thiền dữ tợn lắm mấy con, bởi vì tu theo cái kiểu Đại thừa không hà, cho nên đến đây mang ba cái đó vô, giữ lại, bảo xả không có chịu. Do vì vậy mà nhờ những cái nhân duyên đó mà kinh nghiệm, kinh nghiệm của Thầy (nghe không rõ) Dạy một đàng, họ mang cái thói quen tu tập theo Đại thừa, vô đây cũng quen cái đó, cái kiến chấp của nó cái đó là cái đúng!

2- ĐỘC CƯ XẢ TÂM NHẬP CHÁNH ĐỊNH

Cái của Thầy xả không hà. Bởi vì xả có thấy định đâu, thấy thật sự là mình cứ xả cái tâm tham, sân, si của Thầy mà, đâu có định.

Còn cái này rõ ràng người ta có định mà, người ta ngồi không vọng tưởng mà, người ta thấy rõ mà. Còn cái này (của Thầy) họ đâu có thấy cái định của nó đâu?

Nhưng mà khi xả hết cái tâm tham, sân, si rồi thì nó có định. Nó lạ như vậy, còn đằng này ức chế nó cho nên vì vậy mà nó trật đường có chút xíu đó, dạy không được!

(06:18) Nhiều người lắm con- Ăn, vô đây ăn là họ bật ngửa ra; họ ăn không được, mấy người đó còn tục tử phàm phu lắm. Có người thì vượt qua được cái ăn. Nhưng mà cái ngủ thì cũng trật, té lên té xuống với cái ngủ. Rồi bắt đầu tới cái Độc cư thì thôi. Ông nào cũng tới đó bật ngửa ra hết, không có người nào hết.

Sư Phước Nhẫn: Khi con trở qua con phải ráng, ráng độc cư cho trọn vẹn.

Trưởng Lão: Cứ độc cư là mình sẽ xả được tâm, mà xả được tâm mới độc cư nổi, mà xả không được tâm thì không độc cư nổi.

Cho nên, từ hôm đó tới nay Sư Phước Nhẫn có những lý luận: mình nghĩ thế này, thế kia, đó là nó muốn phá độc cư, nó đi ra, chứ không có gì. Nó độc lắm, cho nên mình độc cư được thì nó phá được niệm đó, còn mình độc cư không được thì nó luận đó. Nó biện luận cái này, nó biện lý cái kia, nó dữ lắm, nó làm cho mình chới với mà.

(7:16) Thầy nói như vậy để cho mình biết được cái mặt đường tu. Cho nên cái mục đích chính mình cứ lo xả cho hết tham, sân, si đi, mình ly dục. Thì mình ly dục hết thì mình thấy hết buồn ngủ. Cho nên Thầy nói hết buồn ngủ thì nó còn mộng đâu, do đó mình phá Tưởng rồi.

Mình không có nói mình nhập Tam Thiền, mình không có ra lệnh nó, nhưng mà trạng thái nó hết ngủ là ở trong Tam Thiền rồi. Mình ly dục, mình ly dục ngủ, nhưng mà nó sẵn sàng, khi mình truyền lệnh là nó vô Tam Thiền liền. Còn mình còn ngủ, còn ham ngủ mà mình nói mình nhập Tam Thiền thì đâu có được. Phải hiểu được những cái này, cái kia của con đường cho chính xác rồi mình tu, tu nó mau lắm.

(08:04) Cho nên mấy Sư mà ráng tu được, Thầy mừng lắm như ai cho vàng Thầy. Thật sự ra Thầy đã chứng minh được: Một người thì nó còn yếu, cỡ năm người, mười người, hai chục người, ba chục người, trăm người thì Phật pháp bấy giờ coi như pháp Đại Thừa bỏ chạy như là kiểu “lột bỏ đồ quân đội mà mặc lại đồ dân sự mà chạy”. Bởi vì lúc bấy giờ khoảng một trăm người chứng quả A-La-Hán rồi thì kể như chấn chỉnh Phật pháp lại, nhanh chóng.

Mấy ông nói mà các ông không làm được, chúng tôi làm được. Không phải có một người đâu, mấy ông không tin, chúng tôi sống Giới, mấy ông thấy mấy ông có làm được không? Đó là cái thứ nhất.

Cái thứ hai về đức hạnh của chúng tôi, đi ra (nghe không rõ) đàng hoàng, đó là những cái Hạnh của chúng tôi. Ăn, mặc, chúng tôi đúng là cái Hạnh của Phật, “ba y, một bát” rõ ràng, và đồng thời y áo của chúng tôi không phải là thứ đồ tốt đâu, không phải còn sang đẹp đâu. Chúng tôi hoàn toàn giải thoát, không còn vật dụng, không còn chùa to, Phật lớn đâu. Đó là cái đời sống của chúng tôi là đời sống phạm hạnh. Mấy ông làm được chưa? Cái đó là cái mấy ông thua tụi tui xa rồi đó.

Bây giờ nói về Thiền Định, ông nào mà nhập một tháng được, nhập với tôi. Tôi không thực hiện Thần thông, tôi nhập Thiền Định mấy ông coi, mấy ông làm được thì đến đây ngồi. Đừng có nói một, hai giờ, tôi ngồi một tháng cho ông xem.

Rồi bắt đầu bây giờ đó, tôi thực hiện tới cho mấy ông thấy những cái gì mấy ông muốn, thì mấy ông có dẹp tiệm mấy ông chưa. Dẹp thì mấy ông dẹp hết đi, mấy ông đừng có để đấy”.

Một trăm người, nó không diệt người này còn người khác, diệt sao được một trăm người. Rồi mấy ông thấy cái nào đúng, cái nào sai. Rồi Phật tử họ sẽ thấy cái nào họ ủng hộ, cái nào họ không ủng hộ.

(10:00) Chứ bây giờ mình Thầy cũng như là (nghe không rõ) Thầy có thực hiện thần thông họ cũng nói Thầy ngoại đạo. Rõ ràng là mấy ông Lạt Ma họ cũng thực hiện thần thông mà, có gì đâu mà hơn, họ cũng sánh Thầy như vậy. Còn bây giờ một chục ông, người ta tu hành như vậy, phạm hạnh như vậy, người ta đâu phải như những ông Lạt Ma.

Nè mấy Sư! Thầy thấy nó không khó mà tại sao nó lại khó với mấy Sư quá vậy? Hàng ngày Thầy ngồi, Thầy kiểm điểm tâm của Thầy, Thầy cứ đẩy lui nó, chuyện này nó quá dễ. Chứ Thầy đâu phải ngồi mà ức chế cái này, cái kia, nó khó!

Mà Thầy chỉ chịu khó Thầy sống một mình, không có chơi với ai hết, không nói chuyện, ai nói gì thì nói, ai chê, ai khen gì, mặc! Thầy đi kinh hành, Thầy tập Tỉnh Thức, mà Tỉnh Thức thì không bị hôn trầm thuỳ miên.

Bởi vậy Thầy nói hết cho mấy Sư thấy để mà nỗ lực tu cho đúng cách. Một thời gian mà quý sư tu xong, tu xong là quý sư đã giúp Thầy rồi, chứ không phải cần đi ra làm Phật sự đâu. Tu rồi, giải thoát rồi là quý sư đã giúp Thầy rồi.

Từ đó cái đầu óc của quý sư, cái trí tuệ quán xét mình làm cái gì, rồi quý sư làm, Thầy không chỉ đạo đâu. Bởi vì quý sư quán xét thì cũng như Thầy vậy. Quý sư làm cũng như Thầy làm. Tự thấy cái nhiệm vụ và cái Nhân Quả của mình, nó phải làm chỗ nào, vị trí nào thì mình tự thấy.

Thầy khỏi cần, khỏi cần cất cái chùa đó, như Hòa thượng cất chùa này chùa kia, để cho chúng đưa về để mà tổ chức cho nó đông đảo. Thầy không cần. Quý sư nhìn thấy cái duyên của mình ở đâu thì về đó độ. Quý sư sẽ có đủ khả năng để đến đó làm. Thầy khỏi cần phải lo chùa cho ông nào hết. Người nào đến đó, có duyên thì tự nhiên người ta sẽ cất tịnh xá cho mình đến hoằng dương Chánh pháp. Cái duyên của mình ở đó thì mình phải về đó.

Còn bây giờ Thầy có bảo đi nữa thì quý sư nói: "Sao mà khó quá". Nhưng mà mình đã thấy mình rõ ràng thì nó phải khó chứ sao, nhưng khó mà mình khắc phục được bởi vì cái duyên của mình đó mà.

(12:00) Còn bây giờ Thầy chỉ định phải về đó đi, về đó. Thật sự về đó Thấy biết cái duyên vậy, nhưng mà cái duyên đó, mình phải tạo cái nhân, nó mới được. Có duyên mà không tạo nhân thì nó không thành đâu. Cho nên mình nói người ta phải nghe.

Sư Phước Nhẫn: Con thấy, con thấy cũng là cái duyên cái phần của con, của huynh đệ con là qua cái kinh nghiệm của Thầy, từ lâu rồi Thầy mới rút tỉa kinh nghiệm để bây giờ chúng con được hưởng.

Trưởng Lão: Được hưởng, thì bây giờ mình được hưởng cái này, mình có duyên rồi phải không? Huynh đệ của con có duyên rồi, mà cái duyên này mình phải tạo cái nhân cho nó đi tới chứ.

Có duyên mà mình đứng đây à? Đã biết được như vậy rồi thì bây giờ con cắt đứt hết mọi mặt, không có nghĩa là mình không thương con cái. Đạo đức mà! ai mà biểu mình không thương, nhưng mà phải thương đúng, đừng đặt tình thương sai chỗ. Mình đặt tình thương sai chỗ thì như phàm phu rồi, nó càng đem đến ác pháp cho nhau hết.

Mình đặt tình thương đúng chỗ thì mình giải thoát con cái mình, đó nó vậy đó. Cho nên vì vậy biết rồi thì phải tạo cái duyên, cái nhân cho nó đúng, cái nhân mình phải gieo cho đúng chỗ.

Bây giờ cái duyên nó có rồi, tức là gặp được Chánh pháp rồi, gặp được kinh nghiệm của Thầy rồi. Bây giờ là lúc tạo cái nhân, cái nhân làm sao cho tốt, để rồi cái nhân này cho nó lên được.

Vì vậy bây giờ Sư về Sư sắp xếp làm sao cho con cái nó bình tĩnh, không có lo cho ba nó nữa: "Tao bây giờ tao quyết như vậy, tao tu được. Các con nghĩ, bộ Ba bỏ mấy con sao. Bộ Ba tu rồi Ba thành cây đá sao. Chính Ba tu là Ba thương mấy con đó chứ. Ba đã giải thoát được tức là ba sẽ dẫn dắt mấy con. Ba không bảo mấy con tu đâu, nhưng mà Ba làm được các con sẽ thấy. Điều đó nó sẽ ảnh hưởng lớn tới các con mà; Các con yên tâm đi, Thầy không bỏ ai chết đói đâu; Nên các con yên đi, để Ba thực hiện đúng lời Thầy dạy. Ba làm được, có khả năng làm được mà, đâu phải là không làm được."

(14:16) Cho nên nó yên tâm hết, nó thấy hoàn toàn không có gì hết. Vào đây khép chặt, quyết định trong cái thời gian này nỗ lực, không có tính là ba tháng, hai tháng. Quyết định là phải xong, khi mình quyết định xong, không có cần thời gian nữa thì nó nhanh. Còn mình tính ba tháng, sáu tháng, mình ráng riết, mình bị ức chế.

Còn mình quyết định suốt cuộc đời này, còn lại cái hơi thở này là phải đạt được Đạo, là phải thực hiện đúng chánh pháp này. Một giờ không phạm cái lỗi này, không phạm một chút lỗi nào mà Thầy đặt ra thì con sẽ tiến tới.

Mà không có nghĩ thời gian. Thầy nói ba tháng, sáu tháng nhưng mình đừng có nghĩ mình phải khép ba tháng, sáu tháng, thì cái đó mình còn chết nữa. Không được, mình nghĩ là phải tu trong cái kiếp này, phải giải quyết cho được. Hiện giờ một giây, một phút này phải có sự giải thoát ở trong đó. Cứ kiên trì, cảnh giác tiến tới mãi thì cái thời gian nó thu ngắn, ba tháng, sáu tháng. Còn mình nghĩ ba tháng, sáu tháng để mà tu cho nó xong thì ba năm, ba chục năm chưa rồi. Nó vậy đấy.

Sư Phước Nhẫn: Như hôm rày thấy con của con nó cũng nghe lời con một phần, nó không thư từ, không điện thoại luôn, thấy cũng đỡ lắm.

Trưởng Lão: Đó, nó giúp cho con đó, đó là con tạo được cái duyên. Mình biết có cái nhân, có cái duyên rồi, bây giờ mình tạo cái nhân. Bây giờ cái nhân nó không gọi điện thoại, thư từ, nó làm cho mình yên tâm, là cái nhân mình phải tạo chứ. Còn con không dặn nó, con mà không thương cha sao? Nó không gửi thư thăm sao? Mình nói…​

Sư Phước Nhẫn: Nó gọi hoài đó chứ.

Trưởng Lão: Con hiểu chỗ đó không. Cho nên ở đây Thầy nói mình biết được chánh pháp rồi tạo cho đủ cái nhân để cho mình đủ lực thực hiện cái quả.

3- PHÁP ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ VÀ NHƯ LÝ TÁC Ý CỦA PHẬT

(16:02) Sư Tuệ Tĩnh: Trong cái năm phút mình tỉnh thức, mình áp dụng cho đi kinh hành một ngày bao nhiêu lần thưa Thầy?

Trưởng Lão: Một ngày trong năm phút mình đi…​ Ví dụ buổi sáng mình đi một lần, buổi chiều đi một lần, tối đi một lần, khuya đi một lần năm phút. Còn bao nhiêu thì cứ xả tâm.

Còn ngồi cũng vậy, mình ngồi tu Định Niệm Hơi Thở chứ gì, phải không? Tại sao mà Thầy nói Định Niệm Hơi Thở mà không nói Quán Niệm Hơi Thở? Quán tức là mình tập trung trong cái hơi thở, còn Định Niệm Hơi Thở là tâm nó định trên hơi thở. Cho nên đức Phật gọi Định Niệm Hơi Thở, chứ đức Phật không có nói Quán Niệm Hơi Thở.

Sau này các sư, quý thầy hay nói quán niệm hơi thở, quán sổ tức, quán này kia. Không phải, không đúng, bởi vì trong kinh nói rất đúng, trong kinh Nguyên Thủy nói rất đúng: Định Niệm Hơi Thở chứ không có nói Quán Niệm Hơi Thở.

Định Vô Lậu, nói Định Vô Lậu, bởi vì cái tâm thanh tịnh thì nó không có lậu, nên mới Định Vô Lậu. Mà tâm thanh tịnh tức là định. Tâm không tham, sân, si, con hiểu không? Đó là Định.

Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, cái Định thì cái tâm nó ở trong Chánh Niệm, cái Niệm Thiện cho nên nó thanh tịnh, cho nên nó định.

Sư Phước Nhẫn: Thưa Thầy trong lúc mà mình đi kinh hành, mỗi một ngày bốn lần, mỗi lần năm phút kêu bằng là mình Chánh Niệm. Rồi sau đó trong thời gian còn lại mình muốn đi cũng được nhưng mình phải cho thong thả. Niệm nó muốn…​

Trưởng Lão: Nó muốn vô, nó muốn ra thì nó ra, mình cứ, mình để mình quan sát cái niệm thôi, chứ mình đừng có tập trung trong cái Tỉnh Thức của cái bước đi của mình.

Còn bây giờ cái niệm hoàn toàn nó thanh tịnh, không có niệm khởi nào cho mình, thấy như vậy cả nửa tiếng, một tiếng thì mình dùng Pháp Như Lý Tác Ý, tác ý: "Tâm như cục đất".

Sư Phước Nhẫn: Chắc con, chắc con chưa Như Lý Tác Ý được đâu.

Trưởng Lão: Chưa đâu, bởi vì nó chưa có tâm tướng Định. Tâm chưa có thời gian quay vô, thường thường nó bị ức chế, mà ức chế thì hướng như vậy không có hiệu quả.

(18:04) Khi nó quay vô nó hiệu quả, nó quay vô tức là nó thanh tịnh rồi. Mình hướng để luyện nội lực khi là khi tâm nó thanh tịnh. Cho nên thí dụ bây giờ Thầy tịnh chỉ hơi thở Thầy nhập Tứ Thiền, Thầy phải hướng tâm một thời gian, năm, mười hoặc là hai chục hay một trăm lần Thầy hướng tâm đến Tam Minh, túc Mạng Minh, nó mới hiện ra chứ đâu phải một cái là nó hiện liền sao.

Cho nên nghe đức Phật nói hướng tâm đến Tam Minh là có Tam Minh liền, đừng có hiểu kiểu đó là.. Bộ nó sẵn cho mình sao? Mình muốn dẫn nó là đâu phải nó đi liền cho mình đâu.

Mặc dù là nói nó nhu nhuyễn nhưng mà cái người mà chưa có bao giờ đi lần nào tới Túc Mạng Minh, thì nó đâu có đi liền được đâu. Khi mình dẫn nó đi rồi, nó biết đường cái mình nhắc nó đi à.

Còn bây giờ nó chưa biết đường, nó đâu biết đi đường nào đâu. Mình ra lệnh bảo: "Tâm phải về Túc Mạng Minh, phải biết nhiều đời kiếp, kiếp kế đây của mình là gì". Ra lệnh nó như vậy rồi ngồi yên lặng một hơi ở trong cái định Tứ Thiền, rồi mình hướng ra, mình tác ý, mình hướng ra lần nữa, nó chưa được nữa, mình hướng nữa. Cả chục lần, hai ba chục lần, cả trăm lần nó mới về được Túc Mạng Minh, chứ đâu phải dễ. Cho nên mình phải luyện, chứ đâu phải khi không mà được.

Sư Tuệ Tĩnh: Trong năm phút mình đi kinh hành tỉnh thức thì mình làm sao?

Trưởng Lão: Trong năm phút đi kinh hành thì mình chỉ tập Tỉnh Thức thôi. Sau năm phút đó rồi bắt đầu mới tu nhiếp tâm

Sư Tuệ Tĩnh: Mình đặt tâm dưới chân hay mình..

Trưởng Lão: Mình đi rất tự nhiên chứ không quá chú ý nữa. Tỉnh Thức một cách rất tự nhiên.

Sư Tuệ Tĩnh: Chỉ biết mình đi thôi?

Trưởng Lão: Biết mình đi, không cần từng chút, từng chút…​ Đó là tập trung quá căng, cho nên mình đi mình biết mình đi thôi. Trong năm phút mình đi, đi như thế nào kệ, thấy đi nghe thư giãn tự nhiên vậy. Biết đi, bước tới bước lui, mình biết.

Sư Tuệ Tĩnh: Mình giữ đừng có niệm.

Trưởng Lão: Đừng có niệm thôi.

Sư Phước Nhẫn: Còn nếu có niệm thì sao thưa Thầy?

Trưởng Lão: Có niệm thì tức là mình bể, mình hư, mình tập lại.. Nó thường xuyên mình bị bể vậy đó, mình lui cái thời gian ngắn lại. Thay vì bây giờ mình đi một vòng cái nhà này mà nó có niệm thì mình đi nửa vòng.

(20:04) Sư Tuệ Tĩnh: Đi rồi mình nhắc…​

Trưởng Lão: Nhắc chứ, coi như bị niệm là mình nhắc à: "Đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành". Nhắc cho nó biết đi thôi, để cho nó tiếp tục cái thời gian nối dài cho mình mình đi…​

Sư Phước Nhẫn: Hình như mình nhắc đó Thầy, nó cũng đỡ cho mình là nó đặc biệt nó không vô, trong lúc nhắc nó không vô.

Trưởng Lão: Thì đó, mình tu cái Định Diệt Tầm mà Giữ Tứ đó, tác ý ra đó, để cho nó tỉnh thức ở trong cái hành động đó. Mình muốn tập Tỉnh Thức trên bước đi của mình thì mình thì mình phải nhắc cho nó…​ Chứ mình không nhắc đâu được.

Cho nên đức Phật nói; "Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra" để tập tỉnh thức trên hơi thở đó, ý là như vậy. Cho nên mình đi mình cũng nhắc chứ, bởi vì nó còn tạp niệm. Chừng nào nó hết tạp niệm rồi thì khỏi nhắc.

Minh đi mình biết đi, đi đi đi, mình nhắc. Cũng như bây giờ mình đi từ đây tới ngoài kia, chừng tới cái cửa đó mình nhắc, tới cái ở ngoài kia mình nhắc, tới cái cầu mình nhắc, ba lần nhắc.

Sau đó mình tập riết rồi, từ đây ra tới kia mình nhắc một lần, sau đó cái mình bỏ không nhắc nữa, năm phút trọn vẹn là bỏ luôn thì tức là biết tỉnh thức rồi không cần nhắc nữa.

Tức là mình diệt luôn cả Tầm Tứ hết đó, là tỉnh thức năm phút, không có Tầm Tứ trong đó, để cho mình dùng cái Tỉnh Thức này mình xả.

Mình phải tập chứ, mới đầu mình đi, cũng như mình đứng lên mình bước ra, đứng lên là mình nhắc: "Tôi đi tôi biết tôi đi". Rồi bắt đầu mình đi tới chỗ này mình nhắc: "Tôi đi tôi biết tôi đi" , đi qua tới đây mình nhắc, đi qua tới đây mình nhắc tới cái vòng này không có niệm.

Như vậy là nhờ nhắc mà không có niệm, "Tao diệt Tầm, chứ tao giữ Tứ. Diệt mày từng chút, chứ còn diệt mày hai cái một lần tao diệt không nổi".

Do đó khi nó tỉnh được khá rồi, bắt đầu thử, đi nửa vòng mình nhắc một lần, hồi đó mình nhắc bốn, bây giờ mình nhắc hai, sau đó mình nhắc một lần. Đứng dậy đi một vòng mình nhắc một lần mình thấy không có, bắt đầu đi hai vòng, hai vòng được, đi ba vòng, ba vòng được, tới bốn vòng, tới năm vòng, thấy được, “ Thôi tao không nhắc nữa”.

(22:01) Rồi bắt đầu tới giờ là chuyên môn xả. Tới cái giai đoạn này là tao không đi nữa. Thời gian sau là quý sư không tập Tỉnh Thức nữa. Không có còn ngồi mà hít thở mà biết hơi thở, đi kinh hành mà tập Tỉnh Thức nữa, không cần năm phút nữa, mà hễ vô ngồi tu là tác ý ngay

Sư Tuệ Tĩnh: Thời gian bao lâu mới hết thưa Thầy?

Trưởng Lão: À cái thời gian mà mình thấy…​ khoảng độ chừng trong vòng…​ nó tùy theo, có khi một tuần lễ, có khi một tháng là mình bỏ luôn.

Mình thấy lúc nào cái tỉnh thức mình nhiếp tâm là vô được, nhiếp tâm là vô được. Ban ngày, sáng cũng được, một ngày một đêm là bốn thời. Mình đi bốn thời, mình ngồi bốn thời chứ gì? Mà mình thấy tỉnh thức hết thì xả.

Còn nếu mà nó còn xen kẽ niệm vô trong đó thì còn tu, còn nó hết niệm thì hết tu. Nghĩa là lúc nào tao ngồi trong năm phút, tao cũng thấy không có niệm. Ngồi suốt năm phút không có niệm, rồi bây giờ đi suốt năm phút không thấy niệm.

"À như vậy là tu cái này xong rồi, không cần tu cái này nữa. Bây giờ tao lo ta xả. Bây giờ tao ngồi chơi thôi. Niệm nào tới thì tao quét ra, Niệm nào không có thì thôi, mặc tình cái tâm nó ở trên hơi thở hay ở trên bước đi thì mặc nó làm, tao không chú ý. Mày muốn ở chỗ đó thì cứ ở, tao không rãnh, mà hễ mày không ở chỗ đó mà ở chỗ khác thì tao đuổi liền. Có vậy thôi, tao để sẵn cái nhà cho mày ở, mà mày vô ở thì thôi tao không nói, mà mày đi ở nhà khác là tao đuổi đi.

Có vậy thôi, không cho mày ở chỗ khác, tao để chứ tao không bắt mày vô đó. Nhưng mà mày không chịu ở, mày đi chỗ khác thì tao kêu mày về. Tao đuổi tụi kia đi cho mày về…​"

Sư Tuệ Tĩnh: Mình xả riết là tự nó ly dục hả Thầy?

Trưởng Lão: Nó ly, cầu cho nó tuôn ra cho nhiều; lúc bấy giờ mà tu tới đó, cầu cho nó niệm khởi cho lung để cho mình hàng ngày quán lia lịa

Sư Tuệ Tĩnh: Cái này là giai đoạn một chứ không phải giai đoạn hai. Trong cuốn Thiền Căn Bản Thầy nói có hai giai đoạn.

(24:00) Trưởng lão: Đúng rồi, cái giai đoạn một tập Tỉnh Thức, tập Tỉnh Thức rồi mới xả tâm, còn nằm trong giai đoạn một - Xả cho hết.

Giai đoạn hai là giai đoạn Định rồi. Còn giai đoạn này là Ly, ly dục ly ác pháp.

Sư Tuệ Tĩnh: Sau khi mình tỉnh năm phút rồi mình xả tâm thì đó là giai đoạn hai hay còn một?

Trưởng Lão: Không! nó còn một, nó mới Tỉnh Thức, chứ nó chưa Chánh Niệm mà. Nó luôn luôn ở trong Chánh Niệm của nó mới được. Nó cũng còn nằm trong giai đoạn một, chứ chưa phải hai. Nhưng mà đây là giai đoạn một của phần một, phải hiểu, giai đoạn một của phần một.

Còn cái giai đoạn Ly đó, nó có sáu cái Đức, sáu cái Hạnh của nó ly.

Giai đoạn một thì mình tập Tỉnh Thức thôi, Chỉ năm phút thôi, đó là giai đoạn một của Ly. Tỉnh Thức rồi ly mới được. Giai đoạn Ly mà không Tỉnh Thức làm sao mà Ly, thành ra nó nằm ở trong giai đoạn một - đó là Ly; giai đoạn một của giai đoạn Ly.

Giai đoạn Ly thì có lập sáu cái Đức, sáu cái Hạnh để ly, chứ không phải một.

Coi lại cái Thiền Căn Bản. Hồi đó Thầy dạy đơn sơ, Thầy nhuận lại, nhưng mà nó còn sơ sót chứ chưa phải hết đâu. Để rồi Thầy chỉnh lại, lần lượt Thầy chỉnh lại cho nó…​ Những cái tựa này kia cho nó đầy đủ. Vì vội vàng lắm, cho nên nãy giờ Thầy bảo Nhu nó kiểm lại coi cái nào sơ sót để mà Thầy chỉnh lại cho nó đúng.

Nhưng mà Thầy cho in ra để quý sư có cuốn sách đọc cho có căn bản. Tại vì mấy ông cư sĩ bên Mỹ, họ thích, chứ cuộn băng này Thầy giảng lâu rồi, Thầy không có lưu ý lắm, vì giảng thô mà, thôi Thầy bỏ Thầy không nói. Vì vậy mà bây giờ mấy ông muốn in thành sách, cho nên Thầy phải nhuận lại cho nó thành ra cuốn sách.

Sư Tuệ Tĩnh: Cái này in thành sách nó quý lắm thưa Thầy, cái đường lối tu Thiền này nó khác hơn các đường lối khác, nó thực tế hơn. Mà Thầy chính xác luôn, Thầy in nó quý lắm. Xin phép chắc được vì không có đụng chạm ai hết, chắc dễ

(26:07) Trưởng lão: Quý sư đọc không thấy có đụng chạm phải không?

Sư Tuệ Tĩnh: Dạ, riêng Pháp hành thì chỉ tu

Trưởng Lão: Đó là nó không có đụng chạm, thành ra bây giờ coi như đưa xin phép thì chắc được. Nhưng mà Thầy đưa lên mạng cho bên đó nó nhận, nó in, nó phổ biến ở bển.

Còn bên đây chắc có lẽ là Thầy không đưa đâu, Thầy nghĩ là Thầy sẽ viết giáo trình tu tập từ lúc ban đầu như thế nào. Trong cái hệ thống mà Thiền Căn Bản này nằm trong đó, thành ra một cái hệ thống tu tập. Nhưng mà Thầy chưa có làm được, do đó bây giờ người ta muốn mau quá nên nó mới ra đời đó.

4- ĐẠO ĐỨC NHÂN QUẢ CỦA ĐẠO PHẬT

Thầy chưa có ý định. Thầy định viết bộ Đạo Đức Nhân Quả xong rồi, đó là cái cơ bản nhất để Thầy làm giáo trình tu tập. Bởi vì mình phải học đạo đức trước, hành động sống hàng ngày, sống đạo đức như thế nào để không làm khổ mình, khổ người, tức là ly dục, ly ác pháp, là cái căn bản của nó.

Sau đó mới đi vào Tỉnh Thức này, Tỉnh Thức rồi mới sống lập Đức, lập Hạnh như thế nào, thế nào…​

Sư Tuệ Tĩnh: Đạo Đức Nhân Quả áp dụng cho cư sĩ hay là…​?

Trưởng Lão: Áp dụng cho cư sĩ, áp dụng cho đời sống cư sĩ, những người này vì sống chung nhau trong một cái…​ Không làm khổ mình, khổ người, trong Đạo Đức Nhân Quả mà.

Thầy dạy cho người ta từng cái hành động. Đặt tình thương của người ta đúng chỗ. Để người ta đặt sai thì nó thành ác pháp. Thật sự ra vì mình đặt tình thương sai là thành ác pháp.

Thầy muốn giết người đó để cướp của, tức là thầy đặt tình thương sai. Thầy đặt tình thương thầy, Thầy thương thầy, muốn ở không mà thầy có của, muôn giật của người ta làm của mình. Đó là Thầy đặt tình thương thầy

Sư Tuệ Tĩnh: Cái đó nó có đụng chạm các phái kia không Thầy?

Trưởng Lão: Không, nó không đụng, cái Nhân Quả nó không đụng.

Sư Tuệ Tĩnh: Xin phép chắc cũng cũng dễ…​

Trưởng Lão: Cái đó thì dễ, kể như cái bộ Đạo Đức Nhân Quả ra đời cũng dễ

Sư Tuệ Tĩnh: Con thấy thế này, con đề nghị Thầy in nhiều vì con có ý nghĩ phóng dật hồi tối là Khổng giáo đi vào cuộc đời hay hơn Phật giáo, vì nó thực tế hơn. Còn Phật giáo đi vào cuộc đời, con thấy mê tín nhiều quá. Rồi từ từ nó đi xuống, bây giờ thí dụ trong chương trình chấn hưng, Thầy cho đi vào cuộc đời như Khổng giáo thì nó hay hơn.

(28:20) Trưởng lão: Thì đó, đây là cái bộ Đạo Đức Nhân Quả của Thầy là đưa Đạo Đức của đạo Phật vào cuộc đời.

Sư Tuệ Tĩnh: Mình không có nhắm hàng tu sĩ mà mình nhắm hàng cư sĩ, từ đó mình phát huy lên, vấn đề chấn hưng mạnh hơn là tu sĩ.

Trưởng Lão: Thầy sẽ đi cái này. Bởi vì Thầy nói, Thầy tập trung…​ Đọc cái bộ Đạo Đức Nhân Quả của Thầy, Đạo Đức Nhân bản - Nhân quả của Thầy người ta sẽ giật mình. Thầy nói nhân quả, Thầy phá vỡ, Thầy không nói về quá khứ, Thầy chỉ nói hiện tại, cái nhân quả của hiện tại. Mà nhân quả hiện tại chúng ta giải quyết được thì đời sống của chúng ta an lạc. Thầy không cần nói cái chuyện mù mờ đó.

Sư Tuệ Tĩnh: Xét cái Khổng Tử, nó truyền bá cùng hết trơn hết trọi mà đâu có chùa chiền gì nhiều đâu.

Trưởng Lão: Khổng Tử không có chùa, mà truyền cái đạo đức cho người ta, người ta sống…​

Sư Tuệ Tĩnh: Khổng Tử rất mạnh, nó thích hợp, mà nó lưu truyền hoài. Trong khi Phật giáo mình không có được cái đường hướng đó. Giờ mình phải làm sao?

Trưởng Lão: Cái đạo đức nó nằm đâu- Cho nên Thầy triển khai cái Đạo Đức Phật giáo. Mà Đạo Đức Phật giáo thật ra, đúng là đức Phật dạy đức hạnh, nhưng mà người ta không lưu ý. Người ta chỉ lưu ý thiền định, lưu ý cái cao siêu, nó đẻ ra, nó đi về, nó xa vời cái đời sống con người quá, thành ra biến thành mê tín thành ra Phật giáo nó thành ảo.

Nhưng mà đạo Phật rất thực: "Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”, Đạo Đức rõ ràng mà. "Ngăn ác, diệt ác - sanh thiện, tăng trưởng thiện", rõ ràng là dạy Đạo Đức mà. Cái đó là Đạo Đức chứ còn cái gì nữa. Mà đạo đức không quân tử, chỉ làm cho mình được giải thoát. Người ta làm lợi ích cho mình, lợi ích cho người rõ ràng.

Như vậy mà không triển khai cái này mà dạy người ta ba cái cúng bái không à. Đến chùa làm cái chuyện mê tín.

(30:02) Sư Tuệ Tĩnh: Con thấy phát triển cái này nó hay. Tại vì bên Hòa Hảo đó Thầy, ở bên đó cũng chủ trương là bên cư sĩ nhiều hơn là tu sĩ, chủ trương cho người cư sĩ theo đạo Phật nhiều hơn khi mà làm tròn Thập Thiện đó, còn tu sĩ thì có cứu cánh. Con có đọc hai phần này. Còn trong khi đạo Phật thì không có chương trình này. Chương trình đi vào cuộc đời với Đạo Đức Nhân Quả mà phát triển mạnh thì nó sẽ ảnh hưởng lớn hơn Phật giáo nhiều lắm.

Trưởng Lão: Không, khi mà đọc sách của Thầy rồi thì quý sư thấy rõ ràng là nó sẽ đi vào đời rất mạnh, vào đời rất thực tế. Nghĩa là đức Phật xác định rất rõ mà. Mình là con thú hay là con người đây! Có vậy thôi.

Sư Tuệ Tĩnh: Nhưng mà cái thế đi vào cuộc đời nó phải có ai làm, chứ đi chệch hướng là nó không có phát đó Thầy

Trưởng Lão: Bởi vì, cho nên nó còn suy tư nhiều lắm, bởi vì vấn đề này chưa có ai làm, mà mình làm là cả một vấn đề, nó đòi hỏi ở cái điều mình làm rất là, phải nhiều cái công sức dữ lắm.

Sư Tuệ Tĩnh: Cũng như ngày xưa Ông Ngô Đình Nhu muốn phát triển cái thuyết Nhân Vị cũng trật hướng cuối cùng cũng xẹp luôn. Khổng Tử tự nó lưu truyền, người ta tự theo làm luôn chứ không có ai..

Trưởng Lão: Nó thấy có lợi ích, lợi ích thật thì nó sẽ phát triển. Cũng như bây giờ Thầy không có cần nhiều mà mỗi người khi nghe Đạo Đức Nhân Bản, họ sống, Thầy nói mười, họ sống một, hai thôi, mà họ thấy được cái lợi ích đó thì lần lượt, họ sẽ làm được.

Sư Tuệ Tĩnh: Phải mười mấy năm nay Thầy phát động cái chương trình này thì hay quá.

Trưởng Lão: Thầy sợ đụng.

Phật tử 2: Bên Đạo Đức Nhân Quả thì đâu có đụng với ai.

Trưởng Lão: Nhưng mà không được, bởi vì người ta đang mê cái đó mà mình không đập cái mê trước…​

Bởi vì Thầy đưa cái Đường Về Xứ Phật Thầy đập; Ngày xưa Thầy viết bộ Đường Về Xứ Phật, Thầy đập ở trong kinh sách; Thầy đập tan nát ở trong đó hết, Thầy không dám đưa ra.

Bây giờ Thầy mượn cái câu hỏi của người ta mà Thầy đập nó, đập cho xẹp cái này xuống, mới đưa cái Đạo Đức này để phá vỡ cái đạo đức mê tín. Phải biết cách mà làm chứ còn không biết, cho nên đâm ra họ bán tín bán nghi, nhưng mà đưa ra cái Đạo Đức Nhân bản này thực tế hơn.

(32:15) Sư Tuệ Tĩnh: Sách vở của mình ít người biết thưa Thầy, Thầy in ít quá, vấn đề truyền bá không có mạnh mẽ

Trưởng Lão: Cái giai đoạn này là giai đoạn mà thiên hạ nhắm vào Thầy, nếu mình phát triển ngay lúc này là chưa. Bởi vì khi nào mà Thầy chuẩn bị cho xong rồi, Thầy mới được yên. Nghĩa là sách Đạo Đức mà xong rồi, bắt đầu bấy giờ có mấy sư mà tu hành được rồi thì bắt đầu phổ biến. Phổ biến, nghĩa là bao nhiêu tiền Phật tử họ đổ dồn, họ phổ biến ra rộng hết, mọi người dân, người nào cũng biết. Nhất là sách Đạo Đức, Thầy nói phát không, cho người ta đọc. Đọc hay không đọc, kệ! Cứ cho hết. Cho rồi không lẽ họ đem đốt, phải không? Bây giờ không được…​

5- THẦN THÔNG GIÁO HOÁ LY DỤC LY ÁC PHÁP

Sư Tuệ Tĩnh: Vấn đề Diệt Thọ Tưởng Định, hồi đó con nghe, Diệt Thọ Tưởng Định như cây đá có lợi ích gì, vô đó ngồi như gốc cây, đụng không biết đau, không biết suy nghĩ, không biết gì hết trơn. Thành ra có Sư cô kia, cô vo gạo, cô cũng “vô cái đó”, cô quên. Cô bóp gạo nát ra cũng không biết gì, cái đó là vô Diệt thọ tưởng rồi đó. Họ tuyên truyền là Diệt Thọ Tưởng Định là cái dở, của ngoại đạo không hay. Cô nói với con vậy đó, tới bây giờ cũng sáu, bẩy năm nay con mới nhớ lại.

Sư Phước Nhẫn: Diệt Thọ Tưởng Định thì khác hơn cái Tứ Thiền của mình thưa Thầy? Tứ Thiền của mình nó khác hơn?

Trưởng Lão: Tứ Thiền của mình, đâu có làm sao…​ Diệt Thọ Tưởng Định là cái Định để mà giữ cái thân chơi vậy thôi, chứ có ích gì.

Sư Tuệ Tĩnh: Họ hiểu rằng, họ tuyên truyền, họ nói cái định đó nó không có hay, nó có nhằm cái gì, họ nói vậy đó

Trưởng Lão: Nó thuộc cái định, nó coi như là trên cái…​ Nó diệt cả Thọ với Tưởng của mình, thành ra nó thuộc về Ý hành..

(34:08) Sư Tuệ Tĩnh: Họ nói là như cây đá vậy thôi, không biết gì hết trơn, ngồi như khúc cây, như đá vậy.

Trưởng Lão: Đúng rồi, giống như cây đá, không còn cái thức, không còn hướng tâm, không còn gì hết à.

Sư Tuệ Tĩnh: Họ nói với đệ tử vô đó làm chi mất công, mất thì giờ, đâu có làm gì

Trưởng Lão: Thì cái đó, người đó nhập chỉ có, bây giờ chỉ có biểu diễn Thần thông chơi vậy thôi, để coi từ trường của cái người đó mưa gió không ướt, nắng không có xâm thực được cái thân người đó, cọp không ăn được, kiến không bò cắn được. Thực hiện Thần thông chơi vậy thôi. Nó chỉ là cái huyễn hoặc thôi chứ không có gì. Điều cái chuyện người ta làm được vậy, đâu phải chuyện dễ đâu, Thầy nói thiệt, đừng có nói, mà nói..

Bây giờ sư cô đó nhập được Diệt Thọ Tưởng Định rồi, sư nói thì Thầy chấp nhận sư nói huyễn hoá, phải không. Cũng như ông Phật ông có nói là Thần thông ký thuyết, Thần thông biến hóa là huyễn hóa - nhưng mà ta nhập, ta có những Thần thông này hết, chứ không phải ta không có.

Còn mình không có, mình nói, coi chừng mình chưa biết mà chê thì không được. Cũng như, Thầy nói nó huyễn hóa, Thầy không làm đó. Được! Thầy làm thì được cho nên Thầy nói được.

Còn các sư mà nói huyễn hóa thì không được đâu, vì các sư làm không được. Đừng có nói huyễn hóa. Cả vấn đề của người ta chứ đâu có thường.

Sư Tuệ Tĩnh: Cũng như mình nói xấu người ta..

Trưởng Lão: Họ tuyên truyền vậy chứ họ đâu có biết được. Thật sự ra Thầy nói cái mà mình làm được rồi, mình mới biết mình chê cái đó. Còn cái này bắt chước Phật chê.

Sư Phước Nhẫn: Cái đó cô kia, cô nói đúng đó.

Sư Tuệ Tĩnh: Bởi vì ở ngoài họ có biết gì đâu, họ nhìn vô cái bình diện ở ngoài nè, họ nói Diệt Thọ Tưởng, thọ không có, tưởng không có…​

Trưởng Lão: Mất cảm giác hết…​

Sư Phước Nhẫn: Ở đây Thầy dạy Tứ Thiền…​

Trưởng Lão: Tứ Thiền, nó cũng mất hết, nhưng hướng tâm nó ra, hướng tâm nó ra…​

Sư Phước Nhẫn: Nó có khác hơn…​

Trưởng Lão: Nó có khác hơn, nó đâu có mất. Bởi vậy nó như gộc cây, nó đâu có biết gì, người ta, mấy người đừng có nói chuyện. Tôi hướng ra, mấy người đi, ở đâu tôi cũng biết hết, chứ đừng có nói.

(36:05) Sư Tuệ Tĩnh: Mình chê "không niệm thiện niệm ác" thì như cây đá, họ bắt đầu quậy ngược lên, họ tưởng Diệt Thọ Tưởng Định như cây đá…​

Trưởng Lão: Mình có chấp nhận Diệt Thọ Tưởng Định đâu, mình đâu có chấp nhận Tứ Thiền nữa đâu…​

Sư Tuệ Tĩnh: Tứ Thiền họ không có nói, mà họ nói cái đó cho con nghe

Trưởng Lão: Mà mình chỉ, bởi vậy đức Phật rõ ràng…​ Thầy nói Thần Thông Giáo Hóa là "ly dục ly ác pháp", chấp nhận cái này, Đức Hạnh. Nói "ly dục ly ác pháp" thì nó không làm khổ mình khổ người rồi thì chấp nhận cái Thần thông này. Chấp nhận cái loại thần thông này.

Từ cái Nhị Thiền cho đến Tam Minh là không chấp nhận, có phải không? Con đọc lại cái tập I của Thầy, đúng không, đâu có chấp nhận, Thầy không có chấp nhận. Cho nên đối với Thầy, thần thông Thầy không thể hiện. Nhưng mà khi cần thiết, có người có Thần thông rồi, mấy người đến đây muốn đòi hỏi cái gì thì cũng có hết. Còn mấy người chưa có thần thông thì Thầy không làm cái chuyện tầm bậy đó đâu.

6- ĐẠO ĐỨC PHONG KIẾN CHỈ LÀ SƠ ĐẲNG

Sư Tuệ Tĩnh: Nói vậy là phát triển cái Đạo Đức Nhân Quả phải qua Đường Về Xứ Phật mới được?

Trưởng Lão: Phải qua trước, qua trước, đập cái sai của nó. Chứ không, nó nói nó đúng. Còn cái này chỉ là sơ đẳng, nó coi Khổng Giáo như đồ bỏ. Đại thừa nó coi Khổng Giáo ra gì, nói nhân Đạo…​ Cho nên nó nói Nhân Đạo, rồi Tiên đạo, rồi Phật Đạo mà. Rõ ràng nó kê Ông Phật lên…​

Sư Tuệ Tĩnh: Cái này cũng theo bình thường, cũng có lý, như hồi đó con cũng gặp cái này. Con gặp Sư Ân, Sư Ân kêu con đi tu. Ông này lúc ổng chết để xác lại. Ổng mới nói kêu con đi tu, con nói làm người chưa xong làm sao làm Thánh được mà đi tu. Để con làm người cho tròn cái đã. Cái ổng nói nếu mình tu là đã tròn bổn phận làm người rồi. Con không hiểu, bây giờ mới hiểu. Hồi đó mình ở ngoài đời mình không biết, muốn làm Thánh phải học đạo làm người trước mới tròn, cũng như học tiểu học, rồi trung học. Giờ mình diện mà mình không biết đạo thì mình cũng y vậy, mình làm người như Đạo Khổng, mình làm còn không xong làm sao mình làm Thánh được.

Trưởng Lão: Bởi vậy bây giờ mình mới thấy rõ nè. Từ hồi nào họ dung hợp ba tôn giáo lại: Khổng này, rồi Tiên, rồi Phật. Nhất là Thiền sư Vạn Hạnh ngày xưa Ngài dung Tam Thế, tức là dung ba tôn giáo lại. Do đó cái ảnh hưởng này vẫn có. Trong Phật giáo cái Đạo Đức của Phật giáo không phải là cái đạo đức của Khổng Giáo.

Đạo Đức Khổng Giáo thuộc về đạo đức phong kiến, đạo đức Quân Tử, cho nên nó bắt buộc "Tam Cang Ngũ Thường". Ông cha nói bậy cũng phải nghe, ông vua nói bậy, ông vua hôn quân, nói bậy cũng phải trung, chứ không có…​ Còn Tam Cang Ngũ Thường bắt người phụ nữ thật sự…​ Thầy nói nó mất cái bình đẳng, cái tự do của con người hết. Mất cái Đạo Đức Nhân Bản, xét đạo Khổng nó mất…​ Nhưng mà mình không muốn động chạm đến người ta, mình không nói. Mình chỉ nêu cái Đạo Đức của đạo Phật.

Nhưng mà nhờ vậy cũng đỡ, hồi đó cũng nề nếp lắm, chứ không là thành con thú hết.

Sư Tuệ Tĩnh: Cái đó làm ra để cai trị..

Trưởng Lão: Thì mới nói là đạo đức phong kiến mà, nó nói gì "Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ". Cái đạo đức nó chế ra, trong khi đất nước Trung Hoa loạn lạc nên mới chế ra cái đó.

Sư Tuệ Tĩnh: Chế ra để trị dân chứ không phải đạo đức.

Trưởng Lão: Không phải đạo đức, thành ra mình thấy nó sống những cái đức hạnh "Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín”, nó hay mà, nên mình thấy đây là đạo đức. Chứ thực ra nó chế cái này ra để…​

Sư Tuệ Tĩnh: Con thấy cái đó rất hay. Làm cho hạ tầng nó ổn, ông vua mới nắm được: "Quân xử Thần tử, Thần bất tử bất trung". Thành ra ông vua nói vậy là bao nhiêu thần dân nghe hết.

Trưởng Lão: Nó nghe…​

Sư Tuệ Tĩnh: Trước khi nghe ông vua thì dưới này phải êm hết trơn, thành ra hay quá, chứ không phải Đạo Đức Nhân Quả, mà là đạo đức cai trị

Trưởng Lão: Đó, đó đúng là nó không phải là Nhân Quả. Thầy gọi là Đạo Đức Quân Tử. Thôi bây giờ nghỉ, Thầy đi ra ngoài kia Thầy thăm thầy…​(40:22)

HẾT BĂNG