28- TÂM VÀ TÁN LOẠN
LỜI PHẬT DẠY “Thế nào tâm không tán loạn?
- Quán thân trên thân tinh cần không giải đãi, ghi nhớ không quên để trừ bỏ tham ưu ở đời” .
“Thế nào gọi là nhất tâm ?
- Thân hành niệm trong tất cả thời không mất oai nghi”.
CHÚ GIẢI:
Tâm tán loạn là gì? Tâm tán loạn là tâm còn nhiều tham ưu, nên niệm này kế tiếp niệm khác, suy tư lo nghĩ ưu phiền, lúc nào tâm cũng bất an. Muốn đối trị tâm tán loạn thì Đức Phật đã dạy: “Quán thân trên thân tinh cần không giải đãi, ghi nhớ không quên đ ể trừ bỏ tham ưu ở đời ”. Vậy quán thân trên thân tinh cần không giải đãi, ghi nhớ không quên, để trừ bỏ tham ưu ở đời là như thế nào?
Câu dạy này trong kinh Tứ Niệm Xứ Phật dạy về tu tập bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp, tức là phương pháp truy quét tâm hay còn gọi là pháp môn đẩy lui các chướng ngại pháp trên thân và tâm để thân tâm được thanh thản, an lạc và vô sự tức là tâm không tán loạn.
Nhất tâm là gì? Nhất tâm là tâm định trên thân. Tâm định trên thân như thế nào? Tâm định trên thân như Phật đã dạy: “Thân hành niệm trong tất cả thời không mất oai nghi” Thân hành niệm trong tất cả thời không mất oai nghi là như thế nào? Là đi tôi biết tôi đi, đứng, nằm, ngồi hay hít thở đều biết không quên. Đó là thân hành niệm.
Thân hành niệm là một pháp môn tuyệt vời trong Tứ Niệm Xứ, không những nó là một pháp môn tu tập nhất tâm mà còn là pháp môn tu tập có đủ mười công đức (thần lực siêu việt không thể nghĩ lường).
Qua lời dạy trên đây Đức Phật đã trang bị cho chúng ta những pháp tu tập xả tâm rất tuyệt vời, chứ không như kinh sách Đại Thừa thường dạy chúng ta tu ức chế tâm bằng những pháp môn kiến giải, khiến cho chúng ta không thể ly tham, sân, si được. Do chỗ ức chế tâm mà người tu theo các nhà Đại Thừa rơi vào danh, lợi, sắc, thực, thùy.
Một bằng chứng cho ta thấy tu sĩ Đại Thừa càng tu tập tâm danh lợi càng nhiều, cho nên chùa to Phật lớn bắt đầu mọc khắp nơi.