11- CÓ NĂM PHÁP CẦN TU TẬP
LỜI PHẬT DẠY 1- Tín căn cần tu tập “Tứ Chánh Cần” 2- Tấn căn cần tu tập “Tứ Chánh Cần” 3- Niệm căn cần tu tập “Tứ Niệm Xứ” 4- Định căn cần tu tập “Tứ ThánhĐịnh” 5- Tuệ căn cần tu tập “Tam Minh” CHÚ GIẢI:
Ở đây Đức Phật dạy có năm căn cần phải tu tập. Vậy năm căn là gì? Năm căn là năm cội gốc vững chắc trên đường tu tập đi đến giải thoát hoàn toàn. Năm căn gồm có:
1/ Tín căn 2/ Tấn căn 3/ Niệm Căn 4/ Định căn 5/ Tuệ căn 1.- TÍN CĂN Tín căn nghĩa là gì? Tín là lòng tin; căn là cội gốc. Vậy tín căn có nghĩa là cội gốc của lòng tin. Muốn có được cội gốc của lòng tin thì phải tu tập pháp môn Tứ Chánh Cần.
Tứ Chánh Cần là phương pháp tu tập ngăn và diệt các ác pháp, để rồi luôn sống và tăng trưởng trong các thiện pháp.
Đó là một phương pháp chứng nghiệm kết quả thực tế giải thoát ngay liền tức thời. Vì tu tập có kết quả giải thoát ngay liền, nên mọi người bắt đầu tu theo Phật Giáo là tin tưởng ngay giáo pháp này. Tin tưởng ngay giáo pháp này là cội gốc của lòng tin (tín căn).
Muốn được vậy, thì hằng ngày chúng ta nên sống trong chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Có sống được như vậy, thì chúng ta ngăn và diệt được ác pháp, khiến cho tất cả ác pháp không tác động vào thân, tâm chúng ta được. Khi ác pháp không tác động vào thân, tâm chúng ta được, thì đó là trạng thái bất động tâm.
Trạng thái bất động tâm là trạng thái giải thoát. Tương ưng với chư Phật và A La Hán. Khi tu tập đạt được kết quả như vậy, đó là cội gốc của lòng tin. Cội gốc của lòng tin tức là tín căn.
Như vậy, muốn có tín căn thì cần phải tu tập “Tứ Chánh Cần”, nói cách khác cho dễ hiểu hơn, là muốn có niềm tin sâu với Phật Pháp thì phải tu tập “Tứ Chánh Cần”. Tu tập “Tứ Chánh Cần” tức là tu tập lòng tin với Phật Giáo.
Bởi vì tu tập Tứ Chánh Cần là có kết quả giải thoát ngay liền khiến cho thân, tâm sống thanh thản, an lạc và vô sự, không còn phiền não, khổ đau hay giận hờn, thương ghét, v.v... có tu tập được như vậy thì mới có lòng tin sâu sắc.
Cho nên lòng tin của Phật Giáo, không phải là lòng tin suông; không phải là lòng tin trong mơ mộng ảo tưởng; không phải lòng tin mù quáng; không phải lòng tin trong mơ hồ, trừu tượng, ảo giác mà tin bằng cách chứng nghiệm chân thật mình đã cảm nhận được tâm giải thoát thật sự.
Có nghĩa là tâm mình đã lìa tham, sân, si, mạn, nghi thật.
Lòng tin của Đạo Phật là lòng tin chân thật. Tin một điều gì, thì điều đó phải có thật, phải được chứng nghiệm bằng mắt thấy, tai nghe và cảm nhận được một cách rõ ràng, chứ không phải lòng tin hồ đồ như tin có cõi Trời, có linh hồn, có ma, có quỉ, có cõi Cực Lạc, Thiên Đàng, có Thần, Thánh, có đại ngã, tiểu ngã, có Phật tánh, có Ngọc Hoàng Thượng Đế, v.v... Tin như vậy là mê tín, là lạc hậu, tin mà không căn cứ vào đâu cả, tin mà không có bằng chứng cụ thể. Đó là tin trong mê muội; trong vô minh; trong ngu si; trong mù quáng; niềm tin không có trí tuệ v.v...
Tin như vậy không thể gọi là tín căn. Cho nên Đức Phật dạy: Muốn có cội gốc lòng tin, thì phải tu tập Tứ Chánh Cần. Tu tập Tứ Chánh Cần tức là tu tập lòng tin Phật Giáo. Tin một điều thấy, hiểu, biết và cảm nhận có thật.
2.- TẤN CĂN Tấn căn nghĩa là gì? Tấn là tinh tấn, siêng năng; căn là cội gốc. Vậy tấn căn có nghĩa là cội gốc của lòng tinh tấn, siêng năng. Vậy muốn có được cội gốc tinh tấn, siêng năng thì phải tu tập pháp môn gì?
Ở đây Đức Phật dạy: Phải tu tập “Tứ Chánh Cần”. Tại sao Tứ Chánh Cần giúp cho chúng ta tu tập siêng năng?
Bởi, Tứ Chánh Cần là một pháp môn mang đến cho chúng ta có một đời sống giải thoát, đem đến cho chúng ta có sự an vui thật sự ngay liền, một kết quả cụ thể rõ ràng, mà không thể ai phủ nhận được. Càng tu tập càng thích tu hơn, đó là tấn căn.
Ví dụ 1: Một nhà nông làm ruộng, có làm ruộng là có lúa ăn. Vì có lúa ăn nên nhà nông siêng năng làm.
Ví dụ 2: Tâm tôi có tham, tôi biết tâm tôi có tham. Tham là một ác pháp, ác pháp sẽ đem đến cho tâm tôi khổ đau, không được an vui. Do biết như vậy, tôi liền tác ý diệt ác pháp. Khi diệt ác pháp xong, tâm tôi không còn tham nữa.
Tâm không còn tham nữa là tâm giải thoát, là hết khổ đau.
Do kết quả giải thoát an vui thật sự như vậy, nên chúng tôi rất hoan hỷ siêng năng, tinh tấn tác ý để ngăn và diệt những ác pháp hằng ngày. Nhờ có tác ý ngăn và diệt ác pháp, nên ác pháp không tác động vào thân tâm được. Vì thế, chúng tôi luôn luôn được sống trong sự thanh thản, an vui và hạnh phúc. Do sự tu tập có lợi ích thiết thực như vậy cho đời sống nên chúng tôi siêng năng tu tập. Cũng như làm ăn có khá giả, nên chúng tôi siêng năng làm ăn. Phải không các bạn?
Vì kết quả lợi ích như vậy, nên lòng ham muốn siêng năng phát sinh mạnh mẽ. Nhưng để muốn thể hiện lòng siêng năng, tinh cần này thì chỉ có tu tập “Tứ Chánh Cần”. Tứ Chánh Cần là cội gốc siêng năng, tinh tấn. Do vậy Đức Phật dạy: “Tấn căn cần tu tập “Tứ Chánh Cần”.
3.- NIỆM CĂN Niệm căn nghĩa là gì? Niệm là những hành động nơi thân của chúng ta, căn là cội gốc. Vậy niệm căn có nghĩa là cội gốc niệm nơi mỗi hành động của thân chúng ta. Có người hiểu sai lầm niệm là ý niệm, tâm niệm, nên vì thế mới có pháp môn niệm Phật, niệm tâm, niệm chú, niệm không v.v...Vậy muốn có được cội gốc niệm chân chánh, thì phải tu tập pháp môn “Tứ Niệm Xứ ”.
Chữ “Niệm” thông thường người ta hiểu nghĩa như: Hồi niệm, ức niệm hay ý thầm thầm niệm…“Nam mô A Di Đà Phật” hay “Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” như trên chúng tôi đã nói.
Theo quan niệm của Đạo Phật, chữ niệm có nghĩa là hành động của thân. Quan niệm nghĩa như vậy, là để nương vào thân hành của mình, xả tâm ly dục ly ác pháp. Cho nên mỗi hành động của thân là mỗi niệm xả tâm. Như vậy mỗi niệm thân hành xả tâm như thế nào?
Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi lấy thân hành hơi thở làm niệm xả tâm.
Ví dụ: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra” Câu này trong kinh Xuất Tức Nhập Tức dạy. Chúng tôi xin cho một câu tác ý xả tâm khác để dễ hiểu hơn: “Tâm phải đoạn diệt tham, sân, si tôi biết tôi đang thở”. Đó là dùng niệm thân hành nội xả tâm.
Thưa các bạn! Đọc đến đây, các bạn có thể nhận ra pháp hành của Phật Giáo không giống các pháp hành của ngoại đạo Bà La Môn Đại Thừa, Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông và Nam Tông, v.v... rồi chứ ?
Đạo Phật là đạo diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly ác pháp, nên ngoại đạo và các nhà học giả không thể hiểu được nghĩa này. Vì thế, họ mới sản xuất ra những pháp ức chế tâm như: Sổ tức quán, Quán niệm hơi thở, Minh Sát Tuệ, Niệm Phật, Tụng kinh, Trì chú, ngồi thiền Công Án, Tham Thoại Đầu, chăn trâu, tri vọng, v.v...
Muốn có được niệm căn thì trên Tứ Niệm Xứ phải ngăn ác diệt ác pháp bằng niệm thân hành. Vì thế Đức Phật dạy:
“Niệm căn cần tu tập “Tứ Niệm Xứ”. Chỉ có Tứ Niệm Xứ mới tu tập được niệm căn, ngoài Tứ Niệm Xứ không đâu có chánh niệm, vì chánh niệm là Tứ Niệm Xứ.
Thưa các bạn! Bây giờ các bạn đã rõ: Niệm căn là Tứ Niệm Xứ, Tứ Niệm Xứ là chánh Niệm của Phật Giáo. Như vậy các bạn không còn lầm lạc pháp của Phật và pháp của ngoại đạo. Phải không các bạn?
Thân Hành Niệm là một niệm có sẵn trong thân hành. Vì thế người tu hành cần nương vào đó mà tu tập chứ đừng tự đặt ra niệm khác mà làm sai lạc Phật pháp. Ngoài thân hành ra mà dùng niệm khác mà tu tập thì chẳng khác nào lấy đá đè cỏ, nên nó không thể thành cội gốc niệm căn được.
4.- ĐỊNH CĂN Định căn nghĩa là gì? Định là sự bất động nơi thân và tâm của chúng ta, căn là cội gốc. Vậy định căn có nghĩa là nơi cội gốc im lặng, bất động của thân tâm. Có người hiểu sai lầm định căn, là tâm không vọng tưởng, nên cố tu tập ức chế tâm, khiến cho tâm không có niệm khởi, như Thiền Đông Độ, Đại Thừa... Hiểu Phật Pháp một cách sai lệch, nên họ dùng ý niệm, tâm niệm để tu tập. Vì thế mới có pháp môn niệm Phật, niệm tâm, niệm chú... Vậy muốn có được cội gốc định thì phải tu tập pháp môn Tứ Thánh Định, như trên Đức Phật đã dạy: “Định căn cần tu tập “Tứ Thánh Định”. Vậy tu tập Tứ Thánh Định như thế nào?
Khi nào chúng ta tu tập viên mãn Tứ Niệm Xứ, có nghĩa là lúc bấy giờ tâm chúng ta bất động trước các pháp và các cảm thọ, vì nó đã lìa dục và bất thiện pháp nên trong nội tâm có bảy năng lực Giác Chi. Khi biết tâm có đủ bảy Giác Chi thì dùng chúng mà tu tập Tứ Như Ý Túc.
Muốn tu tập Tứ Như Ý Túc thì đầu tiên chúng ta phải tu tập Định Như Ý Túc. Tu tập Định Như Ý Túc thì dùng năng lực Trạch Pháp Giác Chi ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền. Đó là loại định đầu tiên trong Tứ Thánh Định. Ở đây chúng tôi xin lưu ý các bạn, hầu hết các nhà học giả xưa và nay đều hiểu lầm lạc về Sơ Thiền, họ cho rằng khi nhiếp tâm không niệm khởi là nhập Sơ Thiền. Đó là hiểu sai nên sau này không còn có người nhập được Tứ Thánh Định nữa, chính cái hiểu sai này của người xưa mà từ đó con đường nhập vào Tứ Thánh Định đã bị lấp mất. Do hiểu sai, tu tập sai nên người sau làm mất dấu vết của Phật và chúng Thánh Tăng đi.
Một khi nhập được Sơ Thiền là chúng ta đã có cội gốc chánh định (định căn). Từ đó chúng ta mới có định thật sự.
Còn chưa nhập được Sơ Thiền thì chúng ta chưa có cội gốc định. Chưa có cội gốc định thì làm sao nhập định được?
Vậy mà có người vỗ ngực xưng tên mình đã nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền…Thật là tội nghiệp cho những người ngu mà không biết mình ngu.
Muốn nhập Tứ Thánh Định thì phải có đủ bảy năng lực của Giác Chi. Có đủ bảy năng lực Giác Chi thì mới tu tập Định Như Ý Túc. Có tu tập Định Như ý Túc thì mới nhập được Sơ Thiền, chứ đâu phải muốn nhập Sơ Thiền là lúc nào cũng nhập được. Muốn nhập Sơ Thiền phải có đủ điều kiện của Chánh Niệm. Nếu Chánh Niệm tu tập chưa đủ điều kiện thì không bao giờ nhập được Sơ Thiền. Cho nên chúng ta phải hiểu Tứ Niệm Xứ chưa viên mãn thì đừng nói đến Sơ Thiền, Nhị Thiền… Phải nhập cho được Nhị Thiền mới có thể lên từng bậc định cao hơn. Muốn nhập Nhị Thiền phải dùng năng lực Trạch Pháp Giác Chi tu tập Định Như Ý Túc xả trạng thái Sơ Thiền, khi nào xả hết trạng thái Sơ Thiền thì mới nhập được Nhị Thiền và muốn tiếp tục nhập các định cao hơn thì cũng phải dùng năng lực Trạch Pháp Giác Chi và Định Như ý Túc để xả và nhập định. Do có năng lực của Trạch Pháp Giác Chi nên Đức Phật dạy: “Nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền không có khó khăn, không có mệt nhọc”.
Đây chỉ có Tứ Thánh Định là những pháp môn tu tập tạo ra cội gốc định (định căn) chân chánh của Phật Giáo. Nếu ai tu tập không đúng những pháp môn trên đây là họ đã tu tập theo tà thiền, tà định, chứ không phải là chánh định của Phật Giáo.
Tứ Thánh Định là định căn, cội gốc của thiền định. Ngoài Tứ Thánh Định ra, đi tìm cội gốc thiền định thì không bao giờ có thiền định. Tại sao vậy?
Tại vì thiền định của Đạo Phật nhắm vào sự làm chủ sanh, già, bệnh, chết, chuyển hóa nhân quả, chấm dứt luân hồi, chứ không phải là những loại thiền định nhắm vào thần thông, phép thuật, biến hóa, tàng hình để lừa đảo mọi người của ngoại đạo. Bởi vậy muốn có cội gốc thiền định này thì Tứ Thánh Định cần phải tu tập. Do đó Đức Phật thường nhắc nhở các đệ tử của mình: “Định căn cần tu tập Tứ Thánh Định”.
5.- TUỆ CĂN Tuệ căn nghĩa là gì? Tuệ là những hành động tâm thức của chúng ta; căn là cội gốc. Vậy Tuệ căn có nghĩa là cội gốc trí tuệ nơi tâm thức. Có người hiểu sai lầm trí tuệ là ý thức, là sự hiểu biết của ý thức và còn cho sự hiểu biết của ý thức là trí tuệ. Vì thế mới có pháp môn định, tuệ song tu. Sự thật định chưa có thì làm sao có tuệ. Vậy nên định, tuệ song tu chỉ là điên đảo.
Có người còn cho cái biết (ý thức) mọi sự việc trong hiện tại không khởi theo sáu trần là Tánh giác, Phật tánh, v.v…Thật là điên đảo tưởng.
Theo quan niệm của Phật Giáo Nguyên Thuỷ thì ý thức không thể gọi là trí tuệ, là Phật Tánh, tánh giác mà gọi là tri kiến, bởi vì sự hiểu biết của ý thức còn bị giới hạn trong không gian và thời gian. Ngược lại trí tuệ của Phật Giáo thì vượt khỏi không gian và thời gian. Trí tuệ vượt không gian và thời gian thì chỉ có trí tuệ Tam Minh. Như vậy có trí tuệ Tam Minh thì phải tu tập Tam Minh. Do đó Đức Phật dạy:
“Tuệ căn cần tu tập Tam Minh”.
Vậy tu tập Tam Minh như thế nào?
Muốn tu tập Tam Minh thì phải nhập Tứ Thánh Định; muốn nhập Tứ Thánh Định thì phải tu tập Tứ Niệm Xứ; muốn tu tập Tứ Niệm Xứ thì phải tu tập Tứ Chánh Cần; muốn tu tập Tứ Chánh Cần thì phải tu tập bốn loại định:
1/ Định Chánh Niệm Tỉnh Giác 2/ Định Vô Lậu 3/ Định Sáng Suốt 4/ Định Niệm Hơi Thở Định Niệm Hơi thở gồm có mười tám đề mục:
Hít, thở Dài, ngắn Cảm giác toàn thân An tịnh thân hành Cảm giác toàn tâm An tịnh tâm hành Quán thân vô thường Quán thọ vô thường Quán tâm vô thường Quán các pháp vô thường Quán ly tham Quán ly sân Quán từ bỏ tâm tham Quán từ bỏ tâm sân Quán đoạn diệt tâm tham Quán đoạn diệt tâm sân Quán tâm định tỉnh Với tâm giải thoát Trên đây là những pháp cần tu tập để đạt được Tam Minh hay nói cách khác, đó là những pháp tu Tam Minh.
Các bạn nên nhớ kỹ trí tuệ Tam Minh là Tuệ căn của Phật Giáo. Nhưng Đức Phật dạy: “Giới sinh định. Định sinh tuệ”. Vậy giới luật các bạn có nghiêm chỉnh chưa? Giới luật chưa nghiêm chỉnh mà tu thiền định thì thiền định đó chỉ là thiền ảo tưởng các bạn có biết chăng?
Thưa các bạn! Các bạn thấy giáo pháp Đại Thừa Bà La Môn, có tu sĩ nào nghiêm trì giới luật đâu mà tu tập đạt được Tam Minh? Họ chỉ tu danh, tu lợi, tu chùa to, Phật lớn, tu đau, tu bệnh, tu trở thành điên khùng mất trí, v.v...
Người tu theo Phật Giáo chưa có trí tuệ Tam Minh thì chưa được xem là người có trí tuệ, chỉ có tri kiến giải thoát mà thôi. Tri kiến giải thoát là nhờ có giới luật. Nếu tri kiến không có giới luật thì tri kiến ấy là tri kiến phàm phu, tri kiến vô minh hay nói cho rõ hơn là tri kiến dục u tối. Thứ tri kiến này không được gọi là Tuệ căn. Cho nên Tuệ căn ở đâu là Tam Minh ở đó, Tuệ căn là cội gốc của Tam Minh, Tam minh là pháp tu của Tuệ căn, Tuệ căn làm thanh tịnh Tam Minh, Tam Minh làm thanh tịnh Tuệ căn.
Tại sao chúng tôi bảo Tuệ căn làm thanh tịnh Tam Minh?
Trước khi muốn hiểu câu này thì phải hiểu hai chữ Tuệ căn. Vậy Tuệ căn nghĩa là gì?
Như trên đã dạy Tuệ căn là 37 phẩm trợ đạo. Nhờ tu tập 37 phẩm trợ đạo mà trí tuệ Tam Minh mới xuất hiện.
Thưa các bạn! Các bạn có biết 37 phẩm trợ đạo là gì không? Khi nêu ra câu hỏi này các bạn sẽ cho chúng tôi khinh rẻ các bạn, vì ai cũng biết 37 phẩm trợ đạo là những pháp môn tu hành của Phật Giáo Nguyên thủy. Nếu các bạn trả lời như vậy thì chúng tôi đâu có đưa ra câu hỏi này để làm gì!?
Về giới luật của Phật mà các bạn thường nghe trong kinh Nguyên Thủy Phật dạy những bài kinh mang tên tựa đề như: kinh Tiểu Giáo Giới La Hầu La, Kinh Đại Giáo Giới La Hầu La, kinh Giáo Giới Ca Chiên Diên, kinh Giáo Giới A Nan, v.v... Như vậy 37 phẩm trợ đạo là Giới Hành của Đạo Phật, bởi vì 37 phẩm trợ đạo là pháp môn tu tập ngăn ác diệt ác pháp, ly dục diệt ngã xả tâm giúp cho tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh là trí tuệ Tam Minh. Đức Phật cho ví dụ: “Khi tâm thanh tịnh như nước hồ trong vắt, nhìn thấy đáy, rùa trạnh cá tôm đều thấy cả, không có vật gì mà không thấy”. Khi thấy được như vậy là gì sao các bạn có biết không? Đó là cái thấy biết của Tam Minh. Cái thấy biết của Tam Minh thì không có không gian trải dài và ngăn cách và không có thời gian chia cắt quá khứ, vị lai và hiện tại nên giống nước trong suốt như pha lê. Vì thế chúng tôi mới bảo: “Tuệ căn làm thanh tịnh Tam Minh”.