Skip directly to content

16- PHẢI TẬP SỐNG ĐÚNG BỐN CÁCH

LỜI PHẬT DẠY 1/ “Thân hành thanh tịnh 2/ Khẩu hành thanh tịnh 3/ Ý hành thanh tịnh 4/ Sinh sống thanh tịnh.

Có sống như vậy mới chứng được đạo tri kiến Bồ Đề”.

CHÚ GIẢI:

Đức Phật dạy: “Phải sống đúng thân hành thanh tịnh ”. Vậy phải sống đúng thân hành thanh tịnh như thế nào?

Thân hành là những hành động nơi thân, sự hoạt động của thân, thân làm mỗi công việc hằng ngày, v.v...

Thanh tịnh nghĩa là gì? Thanh tịnh nghĩa là không làm khổ mình, khổ người, không làm những điều ác. Thanh tịnh còn có nghĩa thiện pháp.

Cho nên Đức Phật dạy: “Phải sống đúng thân hành thanh tịnh ”. Có nghĩa là hằng ngày trong mỗi hành động của thân đều phải tránh làm điều ác, luôn làm điều thiện, tức là không làm khổ mình, khổ người. Nếu sống đúng thân hành thanh tịnh như vậy, thì tâm hồn sẽ được an vui thanh thản và vô sự, gia đình hạnh phúc, xã hội sẽ có trật tự an ninh và đất nước phồn vinh thịnh trị.

Đức Phật dạy: “Phải sống đúng khẩu hành thanh tịnh”.

Vậy phải sống đúng khẩu hành thanh tịnh như thế nào?

Khẩu hành là những hành động nơi miệng, sự hoạt động của miệng. Miệng nói ra những điều thiện; thường nói ra những lời nói ôn tồn, êm ái và nhẹ nhàng, không nói lời hung dữ, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói xấu người khác, không nói lật lọng, v.v...

  Miệng phải ăn uống điều độ, không nên ăn uống phi thời; miệng không nên uống rượu, hút thuốc lá, thuốc lào, thuốc phiện, v.v… vì những chất ấy sẽ làm khổ các bạn.

Thanh tịnh nghĩa là gì? Thanh tịnh nghĩa là không làm khổ mình, khổ người. Thanh tịnh còn có nghĩa thiện pháp, trong sạch, không uế nhiễm, v.v...

Cho nên Đức Phật dạy: “Phải sống đúng khẩu hành thanh tịnh ”. Có nghĩa là hằng ngày mỗi khi nói ra điều gì, đều phải tránh nói ra lời ác, luôn nói lời thiện, tức là nói ra lời nói không làm khổ mình, khổ người. Về phần ăn uống cũng phải đúng cách, có điều độ, không được ăn uống phi thời, tránh xa tất cả các loại rượu, thuốc lá thuốc lào, thuốc phiện, v.v…Vì đó là những thứ độc dược sẽ mang đến cho chúng ta những sự đau khổ, cho mình và mọi người.

Nếu sống đúng khẩu hành thanh tịnh như vậy thì tâm hồn sẽ được an vui, thanh thản và vô sự, gia đình hạnh phúc, xã hội có trật tự an ninh và đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Đức Phật dạy: “Phải sống đúng ý hành thanh tịnh”. Vậy phải sống đúng ý hành thanh tịnh như thế nào?

Ý hành là những hành động suy nghĩ nơi ý thức, sự hoạt động của ý, ý suy nghĩ ra những điều thiện, ý quán xét tư duy một việc gì, một sắc tướng, một âm thinh, một mùi hương, một mùi vị, một cảm giác, một lời nói một câu văn, thơ, phú, v.v...

Thanh tịnh nghĩa là gì? Thanh tịnh nghĩa là không làm khổ mình, khổ người. Thanh tịnh còn có nghĩa thiện pháp.

Cho nên Đức Phật dạy: “Phải sống đúng ý hành thanh tịnh ”. Có nghĩa là hằng ngày mỗi khi nghĩ đến một điều gì, thì phải tránh suy nghĩ điều ác, luôn suy nghĩ điều thiện, điều lành, không được suy nghĩ điều ác mà phải suy nghĩ   những điều không làm khổ mình, khổ người. Nếu sống đúng ý hành thanh tịnh như vậy thì tâm hồn sẽ được an vui, thanh thản và vô sự, gia đình hạnh phúc, xã hội có trật tự an ninh và đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Người nào sống đúng như vậy mới gọi là sống đúng ý hành thanh tịnh.

Đức Phật dạy: “Phải sinh sống thanh tịnh”. Vậy phải sinh sống thanh như thế nào?

Sinh sống là những nghề nghiệp làm ra của cải, tài sản và thực phẩm để có một cuộc sống không thiếu hụt, đói kém.

Nhưng nghề nghiệp thì phải chọn lấy nghề nghiệp thiện. Ví dụ: nghề săn bắn, nghề chài lưới, nghề đồ tể giết trâu, bò, heo, dê, cá, tôm, gà, vịt, v.v…Đó là những nghề ác. Làm nghề nghiệp ác, tức là sinh sống không thanh tịnh. Cho nên Đức Phật dạy: “Phải sinh sống thanh tịnh”. Sinh sống thanh tịnh tức là chánh nghiệp. Chánh nghiệp là nghề nghiệp sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Do sự sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh thì sự sống ấy sẽ mang lại hạnh phúc, an vui cho mình cho người và cho muôn loài vật.

Tóm lại, nếu chúng ta sống đúng như những lời dạy của Đức Phật trên đây thì chúng ta biến cảnh sống ở thế gian này trở thành Thiên Đàng, Cực Lạc, v.v…Bởi vậy có sống được như vậy thì đâu cần phải theo các tôn giáo để làm gì?

1- Phải sống thân hành thanh tịnh.

2- Phải sống khẩu hành thanh tịnh.

3- Phải sống ý hành thanh tịnh.

4- Phải sinh sống bằng nghề nghiệp thanh tịnh.

  Đức Phật dạy: “Có sống như vậy mới chứng được đạo tri kiến Bồ đề”. Nếu một người tu theo Đạo Phật mà không sống đúng như những lời dạy trên đây thì làm sao thấy được sự giải thoát của Phật Giáo.