Skip directly to content

TÂM BẤT ĐỘNG KHÔNG PHẢI LÀ TÂM KHAM NHẪN

Kim Quang hỏi đạo

Hỏi: Mục đích của Tứ Niệm Xứ là giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Nghĩa là tâm phải bất động trước các pháp ác và các cảm thọ xuất hiện. Vậy khi các ác pháp và các cảm thọ xuất hiện con nhắc câu tác ý là để tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, chứ không phải là để đuổi các ác pháp và các cảm thọ đó đi. Vì theo con hiểu Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là vô thường, khổ và vô ngã. Vậy thì ta không nên để tâm dính mắc vào các ác pháp và các cảm thọ đó, nghĩa là không cần phải cố gắng tiêu diệt hết các cảm thọ và các ác pháp, chỉ cần nhắc tâm không bị dính mắc vào những ác phápđó thôi. Và đừng để cho có tâm ham muốn xuất hiện kể cả ham muốn diệt các ác pháp và các cảm thọ, hoặc là tu như thế này thì sẽ có kết quả như thế này, là diệt được cái này. Nếu con còn lý luận như thế thì con nghĩ con vẫn còn lẩn quẩn trong ảo tưởng.

Đáp:Những lý luận của con ở trên đây là con đã chịu ảnh hưởng của các hệ phái phát triển, những lý luận này trong kinh sách phát triển rất đầy đủ, đó là những lý luận lẩn quẩn không lối thoát. Cho nên, diệt dục cả thiện lẫn ác thì con người là đá, là vật vô tri vô giác, diệt dục cả thiện lẫn ác là không đúng nghĩa của Phật giáo. Đạo Phật ai cũng biết: “Ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện” là đường lối tu tập của Phật giáo. Do đó, chúng ta biết diệt dục ác, chứ dục thiện còn giữ lại. Cho nên, đạo Phật là đạo diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp nhưng diệt ngã ác, xả tâm ác, ly dục ác, ly ác pháp, chứ không diệt ngã thiện, không xả tâm thiện, không xả dục thiện, không ly thiện pháp. Vì thế đạo Phật mới chấp nhận Bát Chánh Đạo và không chấp nhận Bát Tà Đạo. Cho nên, đạo Phật có bờ bên này và bờ bên kia; bờ bên này là ác, bờ bên kia là thiện. Vì thế, đạo Phật có hai lộ trình: một là lộ trình thiện; hai là lộ trình ác.

Do chỗ tà, chánh, thiện, ác này mà đức Phật đã chỉ cho chúng ta biết có bốn chân lý của đời người. Đó là đức Phật gợi ý cho chúng ta hướng về sự thoát khổ. Hướng về sự thoát khổ tức là muốn thoát ra mọi sự khổ đau, nếu diệt hết lòng ham muốn thì lấy cái gì để tu tập hay biến mình thành cây đá thì có lợi ích gì cho mình cho người.

Do ý muốn mà con người càng ngày càng tiến bộ trên hành tinh này về khoa học, kỹ nghệ, thông tin v.v..; do ý muốn thoát khổ nên các tôn giáo trong đó có Phật giáo mới có mặt trên hành tinh này. Vì thế, Pháp của Phật là pháp môn tu tập để “muốn” làm chủ sanh, già, bệnh, chết; muốn giải thoát ra khỏi mọi sự khổ đau của kiếp làm người, nếu không có ý muốn thoát khổ thì chúng ta đi tu để làm gì? Nghe đạo Phật nói diệt dục (Diệt Đế) là các con điên đảo hiểu biết một cách sai lạc, diệt hết tâm dục là thành tựu đất đá, tu hành để thành đất đá thì còn có nghĩa gì là con người nữa phải không con? Nếu hiểu nghĩa như vậy là không đúng nghĩa của Phật giáo. Vì mục đích của Phật giáo là làm chủ nghiệp nhân quả và các cảm thọ. Cho nên, trong Tứ Niệm Xứ dạy: “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu ở đời, trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu ở đời, trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu ở đời, trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu ở đời”. Khắc phục có nghĩa là làm cho hết đau chứ không phải chỉ có giữ tâm bất động không. Mục đích của đạo Phật là chỗ tâm bất động, nhưng tâm bất động trong sự làm chủ nghiệp và các ác pháp bằng Tứ Thần Túc chứ không phải bất động trong sự chịu đựng của các ác pháp và sự chịu đựng của các cảm thọ.

Cho nên, sự hiểu biết của con như vậy là sự hiểu biết theo kinh sách phát triển, là sai không đúng nghĩa của Phật giáo.

Đức Phật dạy:

“Thiên thượng thiên hạ

   Duy ngã độc tôn

Nhất thiết thế gian

Sanh, lão, bệnh, tử”

Tạm dịch:

Trên trời, dưới trời

Khắp trong thế gian

Con người là duy nhất

Làm chủ: sanh. già, bệnh, chết