TẦM TỨ
Câu hỏi của Diệu Tâm
Hỏi:Xin Thầy giảng rõ thêm tầm[1], tứ[2]. Cách diệt tầm tứ?
Đáp: Tầm là suy tư, suy nghĩ; tứ là ý tứ, tác ý ra. Tầm tứ có hai loại:
1- Tầm tứ ác.
2- Tầm tứ thiện.
Muốn diệt tầm tứ, ta phải diệt tầm tứ ác trước.
1- Diệt tầm tứ ác, ta phải tu tập phòng hộ sáu căn, thiểu dục tri túc, ăn ngủ không được phi thời, tu Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, tu Định Vô Lậu (ly dục ly ác pháp). Tu tập Tứ Chánh Cần ngăn ác, diệt ác pháp, sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp.
2- Diệt tầm tứ thiện, ta phải tu Định Niệm Hơi Thở, định diệt tầm giữ tứ, tu tập pháp hướng tâm, tu tập định diệt tứ.
Tóm lại, tầm tứ là sự tác ý và sự tư duy, suy nghĩ của ý thức. Con nên đọc thêm bài kinh Song Tầm và An Trú Tầm, thì mới rõ nghĩa tầm tứ một cách cụ thể hơn, mà đức Phật đã chỉ dạy một cách tường tận trên bước đường hành thiền theo Phật giáo. Chính Ngài cũng nhờ sự tu tập này mà thành Chánh giác.
Muốn diệt tầm tứ, chỉ có Tứ Thần Túc thì diệt tầm tứ rất dễ dàng, ngoài Tứ Thần Túc diệt tầm tứ rất khó khăn.
“Chư Tỳ Kheo, trước khi Ta giác ngộ, khi chưa thành Chánh Giác và còn là Bồ Tát, Ta suy nghĩ như sau: “Ta sống suy tư và chia hai suy tầm. Chư Tỳ Kheo, phàm có dục tầm nào, (Dục tầm là lòng ham muốn khởi lên trong ta, bất cứ một sự ham muốn điều gì đều là dục tầm)”.
Ví dụ: Chúng ta đang tu tập giữ gìn tâm không phóng dật, thì bỗng dưng khởi niệm thần thông, nếu tu tập có thần thông mình sẽ phóng hào quang hoặc tịnh chỉ hơi thở cho phóng viên báo chí, truyền thanh, truyền hình biết, để loan tin thì chắc chắn người ta sẽ theo đạo Phật nhiều và như vậy chúng ta sẽ chấn hưng Phật giáo rất nhanh. Những niệm khởi như vậy gọi là dục tầm. Sân tầm nào, (Sân tầm là lòng tức giận khởi lên trong ta), hại tầm nào, (Hại tầm là lòng nham hiểm, độc ác khởi lên tìm cách này cách nọ để nói xấu người khác, hoặc tìm mưu cách hãm hại khiến cho người khác đau khổ, khiến cho người khác mất uy tín, khiến cho tín đồ không còn theo tu tập, khiến cho người khác mất nghề nghiệp đói khổ v.v..).
“Ta phân thành phần thứ nhất; phàm có ly dục tầm nào (ly dục tầm là lìa lòng ham muốn), vô sân tầm nào (vô sân tầm là tâm không còn giận hờn), vô hại tầm nào (vô hại tầm nào là tâm không còn mưu đồ tính toán hại người, nói xấu người) Ta phân làm phần thứ hai. Chư Tỳ Kheo, rồi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần. Khi dục tầm khởi lên, Ta tuệ tri: “Dục tầm này khởi lên nơi Ta và dục tầm này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn. Chư Tỳ Kheo khi Ta suy tư: “Dục tầm này đưa đến tự hại”, dục tầm này được biến mất. Chư Tỳ Kheo khi Ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại người”, dục tầm được biến mất. Chư Tỳ Kheo khi Ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại cả hai”, dục tầm được biến mất. Chư Tỳ Kheo khi Ta suy tư: “Dục tầm diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn”, dục tầm được biến mất. Chư Tỳ Kheo, như vậy Ta tiếp tục trừ bỏ, xả ly và đoạn tận dục tầm, sân tầm, hại tầm”.
Qua đoạn kinh này chúng ta xét thấy một phương pháp tu thiền định rất thực tế của đạo Phật. Ở đây, chúng ta không thấy đức Phật dạy ngồi thiền, nhiếp tâm bằng cách này, cách khác mà chỉ dạy chúng ta cách thức tư duy, suy nghĩ về lòng ham muốn của mình, xem coi lòng ham muốn của mình có còn ham muốn cái gì không. Nếu còn thì Đức Phật gọi là “Dục Tầm”, nếu thấy lòng mình không còn có ham muốn thì đức Phật gọi đó là “Ly Dục Tầm”, nếu chúng ta còn dục tầm thì đức Phật dạy chúng ta quán xét dục tầm, dục tầm sẽ đưa đến tự hại ta, hại người và hại cả hai. Bởi vì còn dục tầm sẽ làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, do hiểu biết như vậy ta liền xa lìa dục tầm, nhờ có xa lìa dục tầm ta mới thấy được tâm thanh thản, an lạc và vô sự; tâm thanh thản, an lạc và vô sự là tâm ly dục ly ác pháp; tâm ly dục ly ác pháp là tâm nhập Sơ Thiền; tâm nhập Sơ Thiền là tâm lìa tham, sân, si; tâm lìa tham sân, si là tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh ấy là thiền định của đạo Phật.
Như vậy, bài Kinh Song Tầm là bài kinh dạy chúng ta tu thiền định của đạo Phật.
Chúng ta nên đọc thêm một bài kinh nữa, đó là bài kinh An Trú Tầm. Bài kinh Song Tầm đức Phật dạy chúng ta lựa chọn tầm thiện, loại trừ tầm ác ra khỏi tâm.
Qua bài kinh này, chúng ta đã biết cách lựa chọn tầm thiện, nhưng chưa biết cách sống trong tầm thiện, vì thế đến bài kinh An Trú Tầm, đức Phật dạy chúng ta cách thức tu tập để được an trú trong tầm thiện, đó là một phương pháp rất đặc biệt của Phật giáo trong việc nhập định, mà không có một giáo pháp nào của ngoại đạo có được.
“Chư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo muốn thực hiện tu tăng thượng tâm cần phải thường thường tác ý năm tướng. Thế nào là năm?
Tỳ Kheo y cứ tướng nào, tác ý tướng nào, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si sanh khởi, thời này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ấy cầnphải tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện không phải tướng kia. Nhờ tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, không phải tướng kia, thì các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được diệt trừ, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm định tỉnh”.Đây là phương pháp thứ nhất mà Đức Phật dạy: Khi trong thân, thọ, tâm, pháp của chúng ta có ác pháp xâm chiếm, thì phải tác ý một tướng khác tướng ác đó, tức là một tướng thiện, tướng thiện là một tướng đi ngược lại với tướng ác đó. Nhờ có tác ý một tướng thiện đối trị lại tướng ác đó, nên tướng ác đó bị đoạn trừ và tiêu diệt, lúc bây giờ tâm chúng ta mới đẩy lùi chướng ngại pháp, tức là ngăn ác, diệt ác pháp để tâm được an trú trong tầm thiện, để được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh tức là nhập định.
“Chư Tỳ Kheo, nếu Tỳ Kheo ấy tác ý một tướng khác với tướng kia, liên hệ đến thiện mà các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên. Thời này chư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ấy cần phải quan sát các nguy hiểm của những tầm ấy: “Đây là những tầm bất thiện, đây là những tầm có tội, đây là những tầm có khổ báo. Nhờ quan sát các nguy hiểm của những tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú an tịnh, nhất tâm định tỉnh”.
Đây là phương pháp thứ hai, dùng quán tư duy để ngăn ác diệt ác pháp, để tâm được an trú trong tầm thiện, tức là an trú trong định. Một người tu thiền định để tìm sự giải thoát, thì không thể thiếu phương pháp tu tập này được.
“Chư Tỳ Kheo, nếu Tỳ Kheo ấy trong khi quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn còn khởi lên, thời này chư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ấy cần phải không ức niệm, không tác ý những tầm ấy. Nhờ không ức niệm, không tác ý các tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được diệt trừ, đi đến diệt vong. Nhờ chính diệt trừ chúng,nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh”.
Đây là phương pháp thứ ba, để an trú trong tầm thiện, tức là ngăn ác diệt ác pháp, để tâm ly dục ly ác pháp nhập bất động tâm (Sơ thiền), do ly dục tầm mới được tầm tứ thiện, mới được nhất tâm, định tỉnh. Phương pháp tu tập này cũng giống như người không muốn nhìn thấy các sắc pháp nên nhắm mắt hoặc nhìn chỗ khác.
“Chư Tỳ Kheo, nếu Tỳ Kheo ấy trong khi không ức niệm, không tác ý các tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, lên hệ sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên. Chư Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo ấy cần phải tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm. Nhờ tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, đến sân, đến si được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh”.
Đây là phương pháp thứ tư, để an trú trong tầm thiện bằng cách tác ý các hành trong thân và giảm các hành dần để đi đến an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh, nhờ có an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh thì tâm mới không phóng dật, tâm không phóng dật thì tâm mới ly dục, ly ác pháp dễ dàng. Phương pháp ngăn ác diệt ác pháp này, tu tập có hiệu quả hay không, là do đặc tướng của mỗi hành giả.
Pháp này được xem là pháp môn tu tập trong Thân Hành Niệm để an trú tầm thiện và rất có hiệu quả khi một người có nhiệt tâm tu hành.
“Chư Tỳ Kheo, nếu Tỳ Kheo ấy trong khi tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, đến sân, đến si vẫn khởi lên, thờichư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo phải nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng. Lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm đánh bại tâm. Nhờ nghiến răng dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm đánh bại tâm, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân và si được trừ diệt, đi đến diệt vong”.
Đây là phương pháp thứ năm, của pháp an trú tầm thiện cũng là phương pháp cuối cùng trong khi chiến đấu với các ác bất thiện pháp.
Phương pháp này chúng tôi thường gọi là niệm lực hay là pháp gom tâm vào tụ điểm để nhẫn nhục trước các ác bất thiện pháp, để diệt trừ tâm loạn động, để diệt trừ tâm si mê ham ngủ nghỉ (hôn trầm thùy miên vô ký), để diệt trừ tâm tham dục, để diệt trừ tâm đang tức giận, để diệt trừ tâm đang khi thân bị bệnh khổ, v.v.. Phương pháp này là phương pháp chống trả lại các ác pháp rất mãnh liệt để tận diệt cho bằng được các ác bất thiện pháp.
Tóm lại, trong năm phương pháp tu tập để an trú tầm thiện, đức Phật đã trao cho chúng ta tất cả kinh nghiệm tu hành để đưa đến chỗ tâm không phóng dật.
Năm phương pháp an trú tầm là năm phương pháp dùng để ngăn ác diệt ác pháp tuyệt vời, mà một người tu tập phải luôn luôn sống với pháp môn này như hơi thở mà chúng ta đang thở, nếu hơi thở dừng thì chúng ta ra người thiên cổ, còn pháp môn này rời khỏi chúng ta thì chúng ta sống trong hỏa ngục cũng như người chết chưa chôn.
Trên đường về xứ Phật, đức Phật đã trang bị cho chúng ta đủ mọi thứ cần thiết để vượt qua những đoạn đường gian nan khốn khổ và nguy hiểm, nếu chúng ta bền chí, kiên cường, dũng cảm thì chắc chắn sẽ đến nơi, đến chốn an toàn.
[1] Tầm là sự suy tư nghĩ ngợi một điều gì
[2] Tứ là tác ý, khởi niệm