Skip directly to content

20120804 - LỢI ÍCH NỀN ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN NHÂN QUẢ - PHẬT TỬ NHÓM BÁC SĨ LỘC

20120804 - LỢI ÍCH NỀN ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN NHÂN QUẢ - PHẬT TỬ NHÓM BÁC SĨ LỘC

LỢI ÍCH NỀN ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN NHÂN QUẢ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: nhóm Phật tử bác sĩ Lộc

Thời gian: 04/08/2012

1- LỢI ÍCH CỦA NỀN ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO

(00:00) Phật tử 1: Hiện tại thời kỹ thuật - technology - rất rộng rãi và phổ biến, thành ra nếu mà được như vậy thì mọi người sẽ được lợi ích rất là nhiều, đúng không ạ?

Trưởng lão: Bởi vì mình xây dựng được cái nền đạo đức này là lợi ích rất lớn. Khi mà con nói lời nói đó ra, con thấy có người phiền, con không bao giờ nói, con dừng ngay liền.

Con làm cái hành động mà nó chạm đến cái tự ái của mình thì ngay đó con dừng ngay liền, không để cho cái tự ái của mình, vì cái hành động đó mà nó xâm chiếm làm cho mình phiền não.

Thành ra mình làm điều gì phải có sự suy nghĩ, tư duy; Mà trong Bát chánh đạo của Đức Phật - Chánh kiến, Chánh tư duy - tức là mình phải suy nghĩ chân chính rồi mình mới làm, mình phải thấy đúng đắn rồi mình mới làm. Chứ còn thấy chưa đúng, chưa được cái gì hết thì khoan đã, suy nghĩ cho đàng hoàng.

Thầy sẽ dạy cái lớp Chánh kiến, Chánh tư duy. Hai lớp này nó sẽ ra đời thì mấy con thấy đạo Phật sẽ là tuyệt vời, đạo Phật là đạo con người thật sự.

Cho đến Thiền Định, mấy con cứ nghĩ Thiền Định là người ta sẽ cố gắng ngồi, thu nhiếp cái tâm, cái ý thức không cho nghĩ ngợi gì. Không có phải! Trời đất ơi! người ta hiểu Phật giáo kiểu đó thì chắc chắn là Phật giáo chết mất rồi.

Phật giáo là triển khai cái tri kiến của nó, nó hiểu rộng rãi bao la. Ngồi đây ngày hôm nay mà biết ngày mai xảy ra chuyện gì, cái trí tuệ của nó vậy mà. Thành ra khoanh tròn nó ở trong cái thiện pháp không bao giờ nó ở trong ác Pháp. Ngày mai này, nó biết đi ra chỗ đó, bị xe đụng gãy chân nó không điên mà nó đi ra đó, con hiểu không! Thành ra, có trí tuệ, có hiểu biết, nó không còn không gian và thời gian nữa, chỉ còn có cái tâm bất động thì nó sẽ tới, chứ có gì đâu. Còn cái tâm của các con cứ tối ngày động chuyện này tới động chuyện khác thì không bao giờ mấy con có. Mà nói tâm bất động thì nghe nói dễ lắm. Sao mà dễ có được tâm bất động!

(2:30) Phật tử 1: Dạ, khó lắm!

Trưởng lão: Phải tu hết sức à con! Cho nên Thầy nói: “Có phước! đất nước của mình có phước.” Mặc dù Đức Phật là người Ấn Độ, trong khi đó đất nước mình lại đang tìm về đức Phật lại có Thầy là người thừa kế trên cái đường lối của Đức Phật - tu để làm chủ được bốn chỗ sanh già bệnh chết - thật là may mắn vô cùng!

Khó cỡ nào, Muốn làm chủ cái chết của mình, muốn chết hồi nào mình chết - các con nghe nói, các con không có ngờ được - cũng như bây giờ Thầy nằm xuống Thầy bảo: “chết nha! không thở nữa”; Lần lượt nó thở nhẹ nhàng, rồi nó không thở nữa. Thật sự, đó là cái lệnh của ý thức lực, nó ra lệnh; Ra lệnh nên nó làm chủ, chứ không phải làm chủ không được; Cho nên nó làm chủ “sanh” hằng ngày chuyện gì ác không bao giờ làm dao động tâm nó, chuyện gì mà cám dỗ làm cho nó ham mê, nó không bao giờ nó ham mê mấy con! Thành ra do đó nó làm chủ được cái đời sống của nó, làm chủ được sanh già bệnh chết mà. Còn giờ mấy con thấy Thầy đi có lọm khọm không? Tám mười mấy tuổi rồi, đâu có ít! Nay tám mươi sáu tuổi rồi, mà Thầy đâu có lọm khọm, đâu có chống gậy, đâu có sợ té, đi vẫn như thường. Nói chung là Thầy còn đang minh mẫn, sáng suốt chứ chưa phải là lẫn lộn quên trước quên sau, cho nên ngồi viết sách còn được - Thầy nói may mắn cho dân tộc mình - còn viết sách, chữ rất đẹp.

Nên cái bộ sách đạo đức của Thầy dạy từ trẻ em nhỏ tuổi đến người lớn. Thầy dạy từng hành động, cái hành động này không phải đạo đức, hành động này sẽ làm khổ mình, khổ người như thế nào, thế nào rồi tới cái hành động khác. Hằng ngày, biết bao nhiêu là hành động sống của mình; Mà trong hành động thân, khẩu, ý của mình - cái ý của mình khởi nghĩ, ngay đó hành động của ý; Miệng mình nói ra thì là cái hành động của miệng; Hay là thân mình cục cựa, mình bước đi, mình bước đi như thế nào nó vững vàng, nó không té thì đó là mình đã chủ động được hết rồi thì làm sao có sự việc gì xảy ra. Còn đi gì mà lật đật, vội vàng, chạy ù; Mấy cái đó mới té, mới vấp.

2- THẾ NÀO LÀ TÂM BẤT ĐỘNG

(5:15) Phật tử 1: Nói theo Thầy như vậy thì con hiểu cái chỗ, thí dụ mà tâm bất động thường thường mình không có nghĩ, mình không làm những cái gì. Như con hiểu là bất cứ tâm thiện hay ác gì, ý nghĩ tâm hướng về điều đó đều là cái niệm khởi hết.

Trưởng lão: Nói Tâm bất động chứ thật sự ra tâm động - bởi vì, trí tuệ của mình - mà cái động của nó là cái động đúng, còn cái động sai, nó làm cho khổ mình, khổ người. Cho nên cái động sai thì dẹp mà cái động đúng thì được phát triển. Cho nên cái người tu không phải ngồi ức chế ý thức của mình mà phát triển ý thức của mình theo hướng rộng rãi. Thành ra càng tu con người càng trí tuệ, càng sáng suốt.

Nhưng nó muốn tu thì nó lồng cho mình một cái khung, một cái khung mình sống một mình. Để từ đó, những cái tâm niệm của mình: nhớ, nghĩ, thương, ghét - một mình mình - nó hay nghĩ, cái niệm nó hay hiện ra lắm. Từ đó, mình mới chặn đứng từng niệm của nó. Mình chặn bằng cái trí tuệ của mình, bằng cái đúng của sự suy nghĩ của mình và cuối cùng mình giải thoát. Bị những cái chuyện lặt vặt, những sự việc xung quanh mình từ nhỏ chí lớn, nó chồng chất trong đầu của mình, bây giờ nó hiện ra, không làm cho mình bận tâm tới nó.

Phật tử 1: Cái nữa, Thầy nói cho con rõ cái vấn đề mà sách Tây Tạng cũng có nói vấn đề ánh sáng, âm thanh. Khi mà mình tự nghe được, nếu những người họ có khả năng tự nghe được những cái âm thanh, ánh sáng trong con người của mình.

Trưởng lão: Được chứ con. Tại vì cái đó là cái lẽ tự nhiên rồi, tự nhiên của con người tu hành. Họ - bởi vì Thầy nói - chuyện ngày mai mà bữa nay họ ngồi đây mà họ biết. Thành ra với mỗi con người thì tâm niệm làm sao là biết hết. Nhưng mà nhất định mấy con hỏi Thầy, Thầy không làm Thầy bói, không nói ai hết, ai sao thì nó là nhân quả của người đó. Chứ bây giờ mà đi làm thầy bói ăn tiền lắm, bởi vì nói trúng.

(7:50) Phật tử 1: Những người mà họ tu như vậy, họ thấy ánh sáng như vậy nhưng đó chỉ là một giai đoạn trên con đường đi thôi hay là nó chưa phải là cái cứu cánh?

Trưởng lão: Giai đoạn thôi, chưa phải Tứ Thần Túc - bốn cái lực như thần - nó chỉ một giai đoạn, hai giai đoạn chứ chưa đủ bốn cái đâu. Định Như Ý Túc - khi nào Định Như Ý Túc thì ngồi đây mà tâm bất động hoàn toàn thì lúc bây giờ đó nó đạt đủ rồi; Cái Định như ý túc - cái sau cùng của Bốn Cái Thần Túc - cho nên gì vậy mà nó muốn biết cái gì thì nó cũng biết hết.

Phật tử 1: Mà cái biết đó là tự mình biết được?

Trưởng lão: Tự mình biết được. Hễ khi mà mình muốn thì ở trong người mình nó biết được. Chẳng có ai nói, ai nhắc, tự nó sáng ngay cái công chuyện. Ví dụ như muốn biết ông cố của mình là ai, hồi đó chết mình không biết. Thì mình nói rồi, thì mình thấy ngay trong tâm của mình, mình thấy gương mặt thế này thế nọ kia, mình thấy rõ hết trong tâm. Bởi vậy Thầy nói không uổng, tu! Chứ tu cũng cực lắm mấy con!

(9:25) Mấy con lên hòn Sơn, mấy con thấy cái chỗ Thầy ở, tu. Trời ơi! lên đó ai thấy cũng sợ hết. Thầy ở trên đỉnh hòn Sơn xung quanh là biển không à. Lên trên đó ăn lá cây mà sống đó chứ không có cơm gạo, ai mà đem tới cho mình. Hôm đó Thầy có dẫn một số người đến đó thăm lại Hòn Sơn, mới thấy ghê thiệt! Chỉ có Thầy mới dám lên cái Bạch Vân Am ở đó. Tức là lúc nào mây trắng cũng bay ngang Thầy, Thầy ngồi ở đây vậy, nó bay ngang ngang Thầy, gọi là "Bạch Vân Am". Mà Thầy nói chắc là trên đời này chỉ có Thầy mới dám làm liều như vậy chứ chắc không ai dám.

Phật tử 1: Con thấy trong những người bạn bè mà con biết, họ cũng nói chuyện những vấn đề đó nhưng mà chỉ là nói, nói chuyện chơi thôi, nhưng mà khi mà đưa ra thì không dám; Khi mà đề cập, gặp mấy Sư, mấy Thầy thì họ không dám tại vì mình không đủ lý luận; Tại vì Thầy, Sư đó họ đã tu tập, họ đã nghiên cứu quá kỹ, quá nhiều rồi, nếu mà so ra những gì họ đưa chứng cứ thì đương nhiên là họ đầy đủ hết tại vì họ đã đọc nhiều. Tụi con là những người mà không có nghiên cứu những vấn đề đó, không có tu tập thì đương nhiên nói, mình hiểu theo kiến thức của mình thôi, ý thức của mình thôi. Đúng hay sai mình cũng không có xác định là đúng hay sai nhưng mà mình thấy có cái gì đó lấn cấn nó không có rõ ràng lắm, mà để dẫn chứng cho cái điều đó thì không có. Thành ra không ai dám cãi, bàn luận, tranh luận về vấn đề đó, chỉ chấp nhận nhưng mà không phục.

(11:20) Các em có gì thắc mắc muốn hỏi Thầy không? nếu mà không có thì nhờ Thầy nói sơ sơ ngắn gọn về cái tâm bất động cho nhóm tụi con một cái cơ bản thôi để cho “tâm” từ đó coi như một cái nền nho nhỏ để bước tới một bước nữa, nếu ai được bước xa thì điều đó tốt, nếu mà không thì có nền tảng nào đó để mà thực hiện đời sống tốt đẹp hơn.

Trưởng lão: Mấy con có hỏi Thầy gì không? Cứ hỏi đi rồi Thầy sẽ nói cho mấy con nghe cái Tâm bất động. Chứ nghe “cái Tâm bất động” mấy con hiểu chữ “bất động” là ngồi cứng ngắc.

Phật tử 1: Hai em có muốn hỏi Thầy cái gì không? có hỏi gì cứ hỏi, Thầy trả lời. Nếu có gì thắc mắc trong quá trình tu tập hay cái gì mà em nghĩ rằng đó là đúng hay không đúng hay là còn nghi ngờ gì đó.

Trưởng lão: Nói chữ Bất động chứ sự thật tại vì nó bất động đối với các ác Pháp. Ác pháp tác động nó không được, nó không bị ác pháp làm cho nó bị dao động. Ví dụ như là người ta chửi nó, nó thản nhiên lắm, vui vẻ chứ nó không phải vì đó mà nó buồn hay hoặc nói nó cái này, cái kia, nói xấu nó cái này kia gì đó, nó thản nhiên chứ nó không tranh cãi. Cái đó là nó bất động. Chứ còn nếu mà mình hiểu chữ Bất động là cái gì cũng không động hết thì nó không đúng. Nó bất động mà bất động trong ác pháp chứ còn thiện pháp thì nó sáng suốt vô cùng. Đó là phần chữ nghĩa, mình nắm cho vững thì bất động chứ không phải không động.

Thành ra mình tu, là mình triển khai - đầu tiên người ta hướng dẫn cho mình tu - bắt đầu mình gom được cái tâm của mình, ý thức của mình, mình gom lại, đừng cho nó đi lang thang, đừng cho nó khởi niệm này niệm kia khoảng độ chừng mười lăm phút, ba mươi phút thôi, người ta không cho mình hơn cái đó. Hơn cái đó mình lạc vào con đường thiền khác, con đường của ngoại đạo. Thành ra khi được mười lăm phút gom tâm, tức là mình chủ động mình điều khiển: “À bây giờ, cái ý thức của mình gom lại vậy, thì tới đó thôi, xả ra”.

Bắt đầu triển khai trí kiến của mình cho nó hiểu rộng rãi ra, đạo Phật là đạo trí tuệ mà, triển khai trí tuệ của mình ra. Do đó mình giải thoát bằng sự hiểu biết của mình, bằng cái trí tuệ. Cho nên cuối cùng trí tuệ của mình đủ lớn cho đến khi ngồi đây mà ngày mai xảy ra chuyện gì mình cũng biết, trí tuệ của mình đã vượt không gian và thời gian rồi. Như vậy là mình đã tu đúng hướng rồi.

(14:17) Do đó thì mình phải chịu sống độc cư, sống một mình trong một hoàn cảnh nào đó. Lúc bấy giờ, thời gian nó không lâu, từ ba tháng đến sáu tháng là mình hoàn tất được con đường tu tập của mình, chứ nó không phải tu lâu - ba tháng đến sáu tháng, khoảng thời gian đó. Nhưng mà nó ở trong môi trường tu tập chứ còn môi trường động thì nó không tu được. Sau đó mình mới ra khỏi thất của mình, mình mới tiếp giao với tất cả mọi sự việc bên ngoài thì bây giờ mình mới thấy được cái trí tuệ của mình, nó linh động, nó đối xử với tất cả mọi người không làm khổ mình, khổ người một cách rất rõ ràng - người đó chửi mắng mình mà mình không bao giờ phiền não mà luôn thương yêu và tha thứ.

3- ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO LÀM NỀN CHO ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

Đạo Phật nói "từ, bi, hỷ, xả"; Thầy là người Việt Nam, mình là người Việt Nam phải nói là “thương yêu và tha thứ”. Từ bi là thương yêu chứ gì; hỷ xả là tha thứ, tha thứ là buông xả nghe nó gần gũi, danh từ nghe nó thân thương “thương yêu và tha thứ” có phải gần gũi với Việt Nam mình không! Còn “từ, bi, hỷ, xả” nghe nó khó hiểu. Cho nên lần lượt những cái lời trong kinh sách, lần lượt Thầy diễn tả lại bằng cái ngôn từ của Việt Nam, của dân tộc mình. Dân tộc mình có cái ngôn từ rất hay mà rất gần gũi với mọi người "thương yêu, tha thứ"; "Từ, bi, hỷ, xả" nghe sao nó xa vời; “Thương yêu, tha thứ” nghe nó gần gũi, nó dễ hiểu.

Phật tử 1: Mà nó dễ hiểu, thực hiện theo đó thực hiện được. Còn cái kia thì nhiều khi hơi mơ hồ chút xíu, hơi khó hiểu.

(16:32) Trưởng lão: Để Thầy viết xong cái bộ sách đạo đức, mấy con có duyên đọc, mấy con thấy sách đạo đức đúng là đạo đức của dân tộc Việt Nam. Chỉ có dân tộc Việt Nam mới sống với đạo đức này. Tình thương của nó như thế nào! mẹ thương con như thế nào! con thương mẹ như thế nào! tình thương ra sao! Thành ra Thầy nói, nội cái sự đối xử thương yêu nhau, cái hành động thôi cũng thấy là những hành động đạo đức thật sự quá đẹp! Mà đi ngược lại không có những hành động đó, coi chừng là không đạo đức. Chỉ cho mọi người người ta thấy rõ mà, thấy rõ người ta không hành động nó nữa. Thành ra dân tộc mình luôn lúc nào cũng sống trong những hành động đạo đức, quá gần gũi với nhau, quá thương yêu với nhau, quá tha thứ với nhau mà nghe cái lời nói nghe nó tình cảm vô cùng "thương yêu, tha thứ" có phải không, tình của chúng ta nó sâu sắc! Còn từ, bi, hỷ, xả nghe nó xa vời!

Bởi vậy, dân tộc Việt Nam có Thầy cũng đỡ đó chứ, diễn tả triển khai Phật giáo làm một cái nền Phật giáo của Việt Nam, làm nền đạo đức của dân tộc của mình. Tại vì Đức Phật là con của một nhà vua, thay vì sắp sửa làm vua mà bỏ hết đi tu, đi tu để làm gì, để vì nhân loại chứ đâu phải vì cái đất nước bên Ấn Độ đó đâu. Cho nên hôm nay Việt Nam chúng ta cũng có cái duyên phước đó. Thành ra chúng ta học được và chúng ta có những tập sách đạo đức, không ngờ đó là đạo đức của những tu hành đạo đức Phật giáo.

Tuổi già rồi mà ngồi viết lại cũng ngán chứ đâu phải không ngán.

Phật tử 1: Con thấy có thể Thầy đọc rồi thâu lại; Rồi những đệ tử đánh máy ra Thầy kiểm soát lại nó đỡ thời gian hơn cho Thầy.

Trưởng lão: Thầy muốn nói cái dàn bài của nó rồi Thầy gợi ý trong cái nhập đề như thế nào, rồi diễn đề như thế nào, kết luận sao. Thầy nói rồi bây giờ đệ tử họ ngồi làm, chứ Thầy viết không hết. Nhưng mà chọn cái người đó chưa được. Cái người mà làm được, thì họ mắc công chuyện khác. Nhưng mà rồi sẽ có người, Thầy tin là sẽ có người làm, Thầy quyết tâm là không để Phật giáo bị lu mờ mất đi một lần nữa, để Phật giáo lúc nào cũng sáng chói trong lòng nhân loại.

4- MỤC ĐÍCH CỦA PHẬT GIÁO

(19:50) Phật tử 1: Cũng khó, tại vì hướng Phật giáo của mình chủ yếu là cho mọi người để giải thoát khỏi những cái sanh, lão, bệnh, tử và luân hồi. Còn những cái tôn giáo khác thì chỉ đề cập đến cái có lẽ chỉ là hướng thiện nhiều hơn.

Trưởng lão: Hướng thiện với cầu tha lực cứu mình; Cầu bậc Thánh, Tiên cứu khổ, cứu nạn mình. Cho nên Đức Phật Quan âm được sinh ra cũng là mình tưởng tượng theo qua hình ảnh tôn giáo khác chứ Phật giáo đâu có. Đức Phật nói tự cứu lấy chứ Đức Phật đâu có cứu mình đâu.

Phật tử 1: Đức Phật chỉ đường cho mình đi theo.

Trưởng lão: Chỉ đường cho mình đi thôi.

Phật tử 1: Phật đã làm như vậy, Phật cũng có nói như vậy mà: “ta làm được thì mọi người cũng làm được”. Nhưng mà con thấy khó.

Trưởng lão: Thầy nói, hằng ngày mình buông xả, mình đừng tích lũy vô chi, mình biết các pháp trên thế gian này là vô thường, các pháp là vô thường, bỏ qua! Người ta chửi, cũng không buồn không giận, bỏ qua riết thời gian sau mình thấy không tu gì hết mà giải thoát. Tại mình buông xả.

(21:30) Có duyên về với Thầy được Thầy nói vài điều thấm thía đến với Phật giáo. Rồi sau này mấy con thấy cuộc đời mình nó có nhiều cái khúc quanh lắm chứ không phải nó bình an nó suôn sẻ đâu. Nhìn khúc quanh đó nhớ đến Thầy, mau mau về Tu viện nhờ Thầy giúp đỡ. Ngồi trong thất nỗ lực tu thì thấy ngay đó là giải thoát rồi.

Mấy con bữa nay ở lại ăn cơm rồi về. Nhà bếp lo cơm nước.

Phật tử 2: Tụi con có duyên quá rồi. Tùng! em có muốn hỏi Thầy gì không Tùng? - Dạ chưa.

Trưởng lão: Chưa chuẩn bị mà! Mai mốt chuẩn bị hỏi Thầy trả lời không hết đó.

5- LINH HỒN KHÔNG CÓ

(22:48) Phật tử 3: Thưa Thầy cho con hỏi, ví dụ như bây giờ mình còn sống nè là mình cũng có những cái mình ăn, nói, chơi đùa nhưng mà khi mất đi rồi thì người nhà cúng kiến như vậy không biết cái tâm mình có về hưởng được những cái mà người nhà cúng không hay là mình có biết chuyện đó không?

Trưởng lão: Vì do đó mà Thầy viết, Thầy nói không có linh hồn; Bởi vậy Thầy có tập sách Thầy viết, Thầy nói không có linh hồn. Thì không có linh hồn lấy gì đâu mà về. Mình cúng tại vì cái lòng thương yêu của cái người còn sống người ta cúng mình. Chứ sự thật con vừa tắt thở con lo con tiếp tục đi tái sanh. Nếu con ác con sanh ra con dế, con trùng rồi chứ con ở đó nữa sao được. Bởi vì cái quy luật của nhân quả nó tiếp nối. Bỏ thân này nó có thân khác. Thân này con chết người ta lo chôn thì con có thân khác rồi.

Phật tử 4: Vậy sao có ma?

Trưởng lão: Ma! Là tại mình tưởng chứ con có thấy con ma bao giờ.

Phật tử 4: Mà người ta có nhập về đó Thầy!

Trưởng lão: Ma nhập về là tưởng. Mấy người mà lên đồng, nhập cốt nói linh hồn nhập này kia đó là cái tưởng của cái người đó. Bây giờ Thầy sống ở bên con, Thầy biết con tất cả mọi cái. Bây giờ đó, Thầy thường hay lên đồng, nhập cốt thì do đó cái tưởng của Thầy nó sẽ nói cái chuyện quá khứ vị lai mà từ lâu tới giờ Thầy không biết gì hết. Mà tại vì Thầy sống gần, cái tưởng của Thầy giao cảm với con nên biết hết trơn. Cái tưởng ở trong thân của chúng ta, cái thân mình là ngũ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức; Cái Tưởng nó hoạt động - cho nên chiêm bao là cái gì, Tưởng đó con! Cái Tưởng nó mới chiêm bao, không có tưởng không có chiêm bao. Cho nên thân ngũ uẩn mình chết rồi là thân chết, thân mình là thân ngũ uẩn, năm uẩn, mà khi chết rồi thì không có cái uẩn nào còn sống hết. Nó chỉ có tương ưng theo nhân quả mà nó đi tái sanh, chứ còn không có linh hồn mà tái sanh. Cho nên Thầy viết cuốn sách không có linh hồn, làm mấy ông Thầy đám la: "Trời ơi, tôi cúng ai đây".

Phật tử 3: Thường đám tang thì hay rước Thầy về tụng kinh.

(25:08) Trưởng lão: Đó vậy đó! Bởi vậy Thầy nói, thí dụ bây giờ ở trong nhà mình có người thân bị mất thì mình cùng nhau trong nhà mình sống mình ăn chay đi, mình đừng có giết gà, vịt, heo, dê. Mình ước nguyện cho người thân của mình theo cái thiện pháp đó mà sống để gặp chánh pháp Đức Phật. Ước nguyện thôi chứ mình cũng không làm gì được khi người chết thì người chết người ta sanh vào cái nhà có đạo đức, người ta sống, người ta cũng không giết hại chúng sanh. Vậy thôi! ước nguyện của mình mà.

Phật tử 3: Nếu cha mẹ mất đó Thầy, đi chùa cúng, ghi tên cha mẹ để gửi vô chùa cúng là đúng không Thầy?

Trưởng lão: Không! Sai, mê tín! Khi cha mẹ chết mà mình thương cha mẹ của mình thì bản thân con nguyện: “Bây giờ sáu tháng tôi không ăn mặn, tôi ăn chay”. Bản thân con thương cha mẹ con phải sống ở trong năm giới của Phật, năm giới của Phật - ước nguyện của con, con sống vì cha mẹ - cho nên cha mẹ con sanh vào chỗ giải thoát.

Phật tử 3: Ăn chay, rồi có vái như thế nào, thưa Thầy?

Trưởng lão: Con chỉ ước nguyện, không vái ai hết, không vái ông nào hết. Chỉ làm lành cho bản thân con và con là cái người mà mang cái hạt máu của cha mẹ con. Bây giờ cha mẹ con chết một năm, hai năm, năm năm, mười năm nhưng cái lòng hiếu của con nó thương cha mẹ, con nguyện con ăn chay sáu tháng hay một năm để: “Uớc nguyện cho cha mẹ tôi sanh trong hoàn cảnh nào đó được giàu sang hoặc là được may mắn”, thì trong khi đó cha mẹ con sanh đâu đó thì nó gặp được những cái may mắn. Tại vì nó có một cái sự vô hình của cái truyền nối với nhau mà các con không thấy. Cái từ trường mà! Ai, người nào cũng có từ trường hết. Thí dụ như bây giờ mấy con ngồi đây nói chuyện với Thầy, cái từ trường mấy con cũng vẫn phóng xuất ra chứ đâu phải nó nằm im lìm nó chỉ có cái thân này của mình đâu - cái từ trường của nó. Nhưng mấy con nói điều ác thì từ trường đó là từ trường ác, mà mấy con nói điều thiện, mấy con làm điều thiện thì đó là từ trường Thiện. Còn mình ước nguyện cho cha mẹ mình bằng cách này, bằng cách kia mà mình sống trong từ trường thiện thì cái từ trường đó nó sẽ đi giúp cha mẹ mình.

Phật tử 3: Tại vì hồi đó cha con mất, mấy ông Thầy chỉ con đi vô chùa cúng cơm mà con không biết cái nào đúng.

Trưởng lão: Mấy ông Thầy mê tín đó con. Nói! Mấy ổng ghét Thầy lắm đó.

(28:02) Phật tử 3: Khi người thân mất thì mấy Thầy chỉ con là phóng sanh. Ví dụ như thả chim, thả cá thì như vậy khi mà mình phóng sanh như vậy thì phước đức cho người thân được gì không Thầy?

Trưởng lão: Con chỉ phóng sanh trong cái đời của con thì con được cái Phước của con, chứ còn con ước nguyện cho cha mẹ thì không được. Cái duyên phóng sanh đó, thay vì con gặp một tai nạn nào đó mà con phải ở trong nhà thương trị bệnh năm ngày, mười ngày hay một tháng thì nó sẽ giảm xuống còn nửa tháng còn một ngày, hai ngày con ra viện, không ngờ là do con làm điều tương ưng đó.

Phật tử 2 : Chứ không có ảnh hưởng gì tới người chết. Người chết không được gì hết.

Trưởng lão: Người chết người ta tiếp tục tái sanh rồi. Con bây giờ, con ước nguyện cái phần cho cha mẹ của mình thì con phải sống trong giới luật của Phật thì ước nguyện đó cha mẹ con chỉ hưởng có một phần mười; Ít lắm chứ không bằng trực tiếp cha mẹ con. Cũng như bây giờ con đang sống trong thiện pháp là con hưởng trọn.

Phật tử 4 : Thầy nói như vậy thì con ví dụ người ta cái tâm bình thường, người ta buông xả, người ta hiền hòa, người ta chết người ta dễ đi lắm nhưng mà có những người bị ép buộc chết; Ví dụ người ta tức quá, người ta tự tử, người ta chết có đi được không Thầy.

Trưởng lão: À, lẽ đương nhiên đó là cái nhân quả của họ phải trả, họ vẫn tiếp tục tái sanh chứ nói họ không đi thì không đúng, họ đi hết à.

Phật tử 1: Có lúc con nghe người tự tử hồn phách tan, khó đầu thai lắm.

(29:57) Trưởng lão: Không có đâu con. Nói đầu thai là một danh từ từ xưa tới giờ, chứ sự thật đó là tiếp tục tái sanh luân hồi. Cho nên vì vậy mình mà làm những điều gì ác, trong những giờ phút mà mình sinh ra, mình cũng gặp khó khăn, mẹ sinh rất khó. Còn người ta sinh ra dễ dàng, đi ra nó không đau đớn. Còn mình làm điều ác, mẹ sanh mình ra là mình đã thấy khổ từ trong bụng mẹ đi ra rồi; Các con thấy có nhiều đứa sinh ra, trời đất ơi khổ từ trong bụng mẹ đi ra chứ đâu phải.

Phật tử 3: Nhiều đứa sanh ra, nuôi khó nuôi lắm.

Trưởng lão: Khó nuôi nữa

Phật tử 3: Thầy, con nghe nói là cái người mất mà thân xác đẹp, tốt là cái người đó được phước; Còn người mất mà thân xác xấu xí giống như là hình thù nó trở dạng, người đó tu cũng như là tội lỗi lắm.

Trưởng lão: Không phải con, cái người mà chết đi mà mình thấy thân xác họ tái mét mà trở thành xấu xí đó. Mấy người đó họ tái sanh làm loài vật hết. Con vật mà làm sao tốt đẹp bằng con người con, có phải không? Còn con người mà chết đi mặt hồng hào, tươi tắn; Mới thì cũng xanh rồi từ từ hồng lên, đỏ, chết mà đẹp quá. Đó! thì mấy người đó sanh làm người đó con, giàu sang mà.

Phật tử 3: Tại vì con có người cháu chết, mới mất mà nhìn thấy ghê lắm; Mới mất mà đem về nhìn y như người chết dưới sông năm, bảy ngày. Ai cũng nói nhỏ này tự tử. Con cứ thắc mắc có bao nhiêu đó, con tính đi trên Thầy về, con đi chùa con cúng, tại nó không có con cái; Cúng mười kiểng chùa đó, không biết có đúng không Thầy?

Trưởng lão: Nói chung, đúng đó con bởi vì khi mà mình làm cái gì mà nghiệp ở sông nước thì mình phải chết sông nước, cũng như bây giờ Thầy ở trên đất đồng như vầy làm sao chết sông nước được. Chỉ có những người mà ở dưới sông nước mới chết kiểu đó thôi.

Phật tử 3: Con nhỏ này nó buôn bán. Nó ra Chợ Rẫy nằm ba mươi ngày mới chết, nhưng mà nó về hình thù nó kỳ lắm, người ta ví như nó chết ở dưới sông đem lên, mặt mày ghê lắm, nhìn nó bự nhìn cái mặt y như cái dĩa, bự lắm nhìn nó không ra, không biết nó. Vì nó không có con, con là cô nó, con tính đi mười kiểng chùa cúng cho nó. Có ông Thầy ở gần đó nói đưa bao thơ đi mười kiểng chùa vái van tên họ của nó, vái cúng cho nó bớt cái nghiệp, không biết vậy đúng không?

(32:42) Trưởng lão: À, con! Bây giờ con sẽ làm như thế này này. Bởi vì mình đi mười cái chùa mình cúng là mấy ông Thầy ông nói như vậy đó để mình đem tiền cho mấy ông ăn chứ có ích gì. Bây giờ mấy con muốn làm lợi ích cho nó đó thì con phải thực hiện năm cái giới luật của Phật, năm cái giới của con người, năm giới đầu tiên. Con sống năm giới, con ước nguyện cho em con, ước nguyện cho cháu con như thế nào, thế nào (nghe không rõ). Thì cái việc của con nó ở trong những cái giới luật của Phật - thiện pháp - nó sẽ hưởng được những cái phước báo đó. Trong khi đó thì con sống trong giới nhưng mà những người thân của mình sẽ hưởng được những cái phước thiện của giới luật.

Phật tử 3: Nó chết rồi ai cũng bình luận đứa nhỏ này tội lắm, hình thù thấy ghê lắm, nhìn thấy ghê lắm. Nó chết, thân nó thay vì năm chục kg mà nó tới tám chục kg, thấy ghê lắm như dưới sông sình lên. Tới chừng đóng hòm phải rước ông thợ nhìn hình thù mới cắt hòm được, thấy khủng khiếp luôn! Từ hồi nào giờ con không có từng thấy! Bệnh tiểu đường, nhưng mà…​(không nghe rõ) thành thử ra nó giữ cái chức quyền đó mà nó làm những cái chuyện mình thấy nó hơi khó coi.

Con xin hỏi Thầy, bây giờ hằng ngày cúng trong gia đình, cúng sao cho bớt nghiệp trong gia đình mình, sao mà giải cho bớt nghiệp gia đình mình, con không biết?

Trưởng lão: Trước tiên con nhớ đến ông bà, cha mẹ của mình là những người mà sanh mình ra và những người ngày nào tới giờ đang gần gũi với mình mà bây giờ đã qua phần. Con cúng ngay ông bà của mình tức là nói lên lòng thương yêu của mình, chứ ông bà không có về ăn, hưởng cái gì đâu! Nhưng nói lên lòng của con là con cháu nhớ đến công ơn của ông bà, cha mẹ của mình, cái đó mới có nghĩa mấy con.

Chứ còn mình cúng để ông bà mình về ăn hưởng - thôi, dẹp - không có đâu! Rước Thầy chùa tụng kinh cho siêu độ thì thôi chuyện đó cũng không có đâu. Ông Thầy chùa có siêu được không mà tụng kinh cho mình siêu.

(35:19) Phật tử 3: Nghiệp của ổng, không biết ổng có giải được không! Thưa Thầy, con thấy nhiều người có đám ma; Khi mà người ta mất rồi, người ta nằm xuống rồi, người nhà hay trang điểm cho cái xác đó Thầy, như vậy thì có nên hay không về việc trang điểm cho cái xác.

Trưởng lão: Thật sự ra cái xác, mình trang điểm là vì mình thương yêu nó mình trang điểm làm cho đẹp thôi mặc quần áo này, kia; Chứ xác mình chết rồi cũng như một con vật thôi chứ cũng có gì đâu con. Nhưng mình không nỡ đành để trần truồng, không mặc áo quần, trang điểm coi nó không được. Trước khi bỏ vào quan tài thì mình trang điểm cho nó sạch đẹp vì cái đó là cái tình của mình đối với người mất, nó nói lên cái tình thương của mình đối với người đã mất.

Phật tử 3: Thưa Thầy, mình làm cái đó được?

Trưởng lão: Mình làm được cái đó, được cái tình người, mình nuôi lớn được cái lòng thương yêu của mình đối với người thân vậy là quá quý rồi.

6- LÀM TỪ THIỆN ĐÚNG PHÁP

Phật tử 3: Thưa Thầy, cái người đi ngoài đường- khổ- rồi mình giúp đỡ hay là mình giúp rồi mình vái thì được không Thầy. Con thường thường con giúp những người cô đơn hay tàn tật này kia. Con không biết con giúp như vậy có đúng không?

Trưởng lão: Đi ngoài đường mà con thấy mà con giúp vậy con biến đất nước Việt Nam này thành ăn xin hết. Đừng! Con vào trong cái trại nghèo nào đó mà người ta nuôi người nghèo, con cho năm ngàn, mười ngàn để người ta nuôi những người nghèo khổ thì Thầy thấy rất hay, rất đẹp và nó tập trung được. Chứ còn đi ngoài đường mà cho vậy - ăn mày đó thấy đi ra ngoài này xin sướng hơn ở trong này - mình làm cho đất nước mình nó tệ hơn, do dân mình thương không đúng cách. Chứ mình thương đúng cách đàng hoàng đi ra đường nhất định không cho. Mấy người tàn tật mấy người không làm được thì có chỗ, Nhà nước phải lo cho mấy người bởi vì đó là dân trong nước. Mà nói Nhà nước lo chứ, dân mình lo chứ Nhà nước làm gì có tiền, dân mình đóng góp nhau mà lo những cái trại đó chứ, để nuôi dưỡng những người nghèo khổ đó chứ, những người già yếu đó chứ. Thành ra mình cứ đi ngay lại những cái trại đó mà mình giúp đỡ. Dù ít, dù nhiều mà giúp đỡ ngay chỗ đó.

Không, Thầy nói ở đây mấy con về suy ngẫm! Đúng mấy con cứ làm, nó vừa trong ý nghĩ con người của mình nó làm đẹp cho cái bản thân của mình mà nó làm đẹp cho cái xã hội, cho xã hội mấy con.

(38:05) Phật tử 3: Con thì con thấy mấy trường hợp; Có mấy ông già đi bán vé số, không có đi xin. Con thì con cho, con thấy thôi thì già quá rồi con nuôi! Có ông già đi bán vé số, tự nhiên ổng ghé nhà con, con thấy tội con nuôi ổng; Con nói: “Thôi giờ Cậu - ông nay tám mươi bốn tuổi rồi - cậu có thiếu đủ gì thì cậu ghé con cho gạo, cho tiền”. Cần gì thì con cho cái đó, nhưng giờ ổng mất rồi. Con không biết làm như vậy có đúng không?

Trưởng lão: Được con, bây giờ nói chung là những nơi mà nuôi những người nghèo, chưa thực hiện, như ở Trảng Bàng bây giờ đi tìm nó cũng khó. Thành ra thấy có nhiều cụ già, có nhiều người già đi lang thang, đi xin lắm; Mình cho họ được, con!

Phật tử 3: Cái này ổng không có xin con, con tự con cho ổng thôi.

Trưởng lão: Được con, cái đó tốt! Thấy đi ngang qua chứ không phải ổng đến xin mình.

Phật tử 3: Không có xin! Bán vé số rồi tự con cho thôi chứ không có xin.

Trưởng lão: Còn mấy người thanh niên khỏe khoắn mà cũng cầm xấp vé số đi bán. Thôi! mấy người này thì không cho.

Phật tử 3: Cái đó thì con làm không được. Tại vì nhiều khi cũng muốn làm việc thiện, nhưng mà không biết làm cách nào.

Trưởng lão: Thôi bây giờ mấy con có duyên gặp Thầy, mai mốt có duyên nữa gặp Thầy hỏi thêm nữa. Đi về suy ngẫm rồi nghiên cứu sách của Phật giáo, rồi ghi lại cho đàng hoàng đến hỏi Thầy cái chỗ này Phật dạy như thế nào để tụi con có thể tu được hay không. Coi cái nghiệp của con nặng hay nhẹ. Căn cơ của con như thế nào, đặc tướng của con có duyên với Chánh Phật pháp không. Con thấy Phật pháp sao lại quá hay mà rồi cái người tu, nhiều khi làm nó lệch lạc Phật giáo, vậy mong Thầy dạy cho mấy con rõ. Thầy sẽ dạy cho mấy con rõ và dạy cách thức cho mấy con tu tập.

Mới đầu mấy con sẽ tu tập trong một ngày như thế nào và rồi từng lần lượt mấy con sẽ một tháng, hai tháng; Một, hai ngày, rồi lần lượt đến ba ngày cứ như vậy chứ khi không đùng một cái con tu một tháng làm sao con tu được, phải tập dần chứ, nó mới thấy được! Trong khi mình ngồi mình thấy như thế nào, nó an ổn như thế nào, nó sướng như thế nào, đem đến sự an lạc mình như thế nào. À bây giờ, Thầy mới chỉ những cái mà mình ngồi một mình bây giờ nó được vậy vậy đó tiếp tục nữa đi. Cái đó là cái kết quả của các con mà nó lại sách tấn các con trên bước đường tìm về đất Phật. Thôi bây giờ mấy con ăn cơm. Thầy về.

Phật tử: Tụi con rất là cảm ơn Thầy đã bỏ giờ ra. Tụi con đủ duyên.

Trưởng lão: Tụi con đã đủ duyên với Thầy.

Phật tử: Cảm ơn Thầy! chúc Thầy mạnh khỏe, chúc Thầy Bình An.

HẾT BĂNG