20120529 - PHÁP THOẠI HÒN SƠN - ĐẠO PHẬT LÀ ĐẠO TRÍ TUỆ
20120529 - PHÁP THOẠI HÒN SƠN - ĐẠO PHẬT LÀ ĐẠO TRÍ TUỆ
20120529 - PHÁP THOẠI HÒN SƠN - ĐẠO PHẬT LÀ ĐẠO TRÍ TUỆ
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật tử
Thời gian: 29/05/2012
Thời lượng: [44:02]
Tên cũ: 20120529-Pháp thoại Hòn Sơn
https://thuvienchonnhu.net/audios/20120529-phap-thoai-hon-son-dao-phat-la-dao-tri-tue.mp3
1- TRIỂN KHAI TRI KIẾN GIẢI THOÁT
(00:05) Trưởng lão: Cho nên hôm nay Thầy xin nhắc lại để cho mấy con hiểu, muốn tu thì phải thưa hỏi cặn kẽ cách thức tu như thế nào đúng, như thế nào sai. Bởi vì Đạo Phật không phải là đạo nhiếp tâm để rồi diệt ý thức, làm cho chúng ta ngồi giống như con cóc, nó không phải vậy. Không phải làm cho chúng ta tu hành theo cái kiểu theo Thiền Đông Độ mà chúng ta đã thấy.
Mà Đạo Phật triển khai tri kiến của chúng ta làm cho chúng ta hiểu biết một cách rộng rãi, làm cho chúng ta giải thoát. Cho nên, trong con đường tu tập của Đạo Phật là con đường của trí tuệ. Thầy từng nhắc là phải triển khai tri kiến. Mà muốn triển khai tri kiến đó, chúng ta thường có những tâm niệm, tâm niệm thiện có, tâm niệm ác có. Chúng ta triển khai để tìm hiểu cái thiện này nó đem lại lợi ích cho mình, cho người hay hoặc là chỉ có cho một mình mình hay chỉ cho một mình người khác.
Cái thiện của Đạo Phật là nền đạo đức làm cho chúng ta sống một đời sống đạo đức không làm khổ mình khổ người. Còn nếu còn làm khổ người khác, khổ mình là không phải thiện của Đạo Phật. Cho nên trong cái sự tu tập các con nhớ kỹ: Một lời nói, một cái nhìn, một hành động của chúng ta làm cho người khác buồn phiền là chúng ta đã thiếu đạo đức. Chúng ta phải tự sửa mình, tự răn mình để cho mình trở thành một con người có đạo đức, chứ không phải “Ờ! tui vậy đó!”, “Lúc nào người ta cũng thua tui!”… (không nghe rõ). Đừng có nghĩ người ta thua mình. Ở trên đời này, con người không có con người nào thua người nào hết, dù là mình có học thức cao đi nữa thì cái sự học thức của mình chẳng qua là tri kiến của mình mà thôi, chứ đừng nghĩ là “tui hay hơn, tui giỏi hơn”.
(02:48) Cũng như mấy con đã được tu theo Thầy, mấy con đừng nghĩ mấy con giỏi, mấy con hay. Không phải đâu! Người ta cũng sẽ tu được như mấy con vậy, mấy con giải thoát thì người ta cũng giải thoát như vậy. Cho nên, chúng ta không tu tập theo cái kiểu hơn ai hết, mà chúng ta tư duy suy nghĩ ngay từ tâm của chúng ta, có sự thấy giải thoát hay là không? Có làm khổ mình, khổ người hay là không? Đó mới chính là chỗ tu tập của chúng ta.
Cho nên con đường tu của Đạo Phật là con đường rất dễ, không có khó khăn. Tu bằng sự hiểu biết, tu bằng tri kiến giải thoát của chúng ta. Nhưng chúng ta cần phải có chánh kiến. Bởi vì trong Bát Chánh Đạo, lớp Chánh Kiến là lớp chính, vậy mà chúng ta không học cái chánh kiến mà chỉ thấy tà kiến thì làm sao chúng ta hết đau khổ được. Cho nên chánh kiến mấy con phải học như thế nào?
Thấy đống lửa thì mấy con thấy chánh kiến như thế nào? Thấy nó ấm, thấy đốt lên nó tốt quá! Sự thật ra mấy con đốt như vậy mấy con có biết bao nhiêu côn trùng nó đang ăn cái cây đó, nó đang bị chết không? Các con đâu hiểu được!? Mấy con tìm hiểu coi, phải có không? Do đó, mấy con đừng có làm cái điều đó. Trước khi đốt hay làm một điều gì đó, mấy con tìm cách, dùng một cái rựa, cái dao hay một vật gì đó chẻ ra để cho những con vật nó vừa ra khỏi cái cây đó rồi mới đốt. Những hành động làm như vậy giúp cho mấy con như thế nào mấy con? Giúp cho mấy con có tính cẩn thận, đức hạnh cẩn thận rất cần thiết cho con người mấy con. Mấy con thất bại trong cuộc sống của mấy con là do thiếu cẩn thận, mấy con làm bừa làm đại.
(05:13) Sự thật ra, mấy con làm, mấy con cẩn thận từng cái hành động của mấy con, từng cái việc làm mấy con, mấy con tư duy suy nghĩ kỹ lưỡng để mấy con làm. Không làm khổ chúng sanh, không làm khổ mình, không làm khổ người là một đức hạnh tuyệt vời. Cho nên hôm nay Thầy dạy mấy con, Đạo Phật là đạo đức của con người. Chúng ta chỉ cần học đạo đức trong lớp Chánh Kiến.
Tiếc vì, Thầy dự định cất cái trường có tám lớp. Lớp Chánh Kiến là cái lớp đầu tiên để triển khai cái tri kiến hiểu biết của các con, để giúp cho các con nhìn mọi chuyện xảy ra xung quanh các con mà các con giải thoát là cái lớp đó. Các con không làm khổ loài vật, các con không làm khổ người khác và chính các con cũng không làm khổ các con, đó là lớp Chánh Kiến. Bởi vì có Chánh Kiến thì các con đâu làm khổ ai. Bây giờ nói Chánh Kiến, mấy con nói chứ sự thật ra hiểu qua danh từ chữ nghĩa của nó, nhưng mấy con làm sao hiểu rõ về ý nghĩa để hành động từ chánh kiến được.
Ví dụ, đưa tay ra như vậy, mấy con biết đó là chánh kiến hay tà kiến? Nếu thiếu cẩn thận là mấy con tà kiến đó, mà nếu mấy con có cẩn thận thì mấy con sẽ không tà kiến mà chánh kiến.
Bởi vì cái lớp Chánh kiến rất cần mà tuổi Thầy thì lớn, mà người để đứng dạy cái Lớp Chánh Kiến lại chưa có người. Rất tiếc!
Tám lớp học của Đạo Phật từ Chánh Kiến cho tới Chánh Định, mà không được dạy từng lớp một cho đến lớp cuối cùng của nó, làm sao mấy con hiểu được mấy con, làm sao mấy con sống được cho đúng những cái điều mà đức Phật đã dạy chúng ta.
(07:46) Đức Phật chết đi, để lại cho chúng ta một gia tài quá quý mấy con. Không có gì quý hơn là những lời Phật dạy để đem lại sự giải thoát cho chúng ta, đem lại cho chúng ta không còn đau khổ nữa mấy con.
Thầy mong rằng, sức khỏe Thầy càng ngày càng khỏe hơn để rồi lần lượt những lớp học sẽ được mở ra. Trong số các con đây, Thầy sẽ chọn trình độ kiến thức mấy con hiểu tương đương nhau cho vào lớp Chánh Kiến. Từ cái lớp Chánh Kiến đó, mấy con đã học qua rồi mới cho qua cái lớp Chánh Tư Duy. Đó nó đi từng lớp vậy, thử hỏi làm sao mấy con còn làm đau khổ mình được?
Nhưng tiếc vì quá chậm, và đồng thời trước kia không thể làm nhanh được. Tuổi còn trẻ, còn khỏe, về lớp học thì Nhà nước bảo cần phải xin phép đàng hoàng chứ không xin phép thì không cho, mà phải dạy theo chương trình giáo dục của Nhà nước. Mà chương trình giáo dục của Nhà nước, mấy con thấy, nội cái đạo đức dạy cho các em còn thiếu xa quá, mấy con. Lẽ ra các em học những lớp học từ mẫu giáo cho đến tiểu học. Trẻ em mà được học đạo đức của Đạo Phật, đứa nào có đạo đức đều là những đứa con ngoan, tốt. Làm cho gia đình hạnh phúc, xã hội sống rất là an vui. Nhưng người ta đâu hiểu được!
(10:09) Cho nên, Thầy nghĩ rằng Thầy sẽ viết bộ sách Đạo Đức Nhân Bản - Nhân Quả, thầy sẽ gửi ngay cho bộ giáo dục để người ta chuyên môn nghiên cứu, người ta viết cho các em qua những cuốn sách. Nhưng bây giờ làm sao làm được, vì tuổi cao sức yếu rồi, đầu óc thì còn sáng suốt nhưng sức khỏe ngồi lại để mà viết thì không còn nữa. Ngày xưa một ngày Thầy có thể viết một ngày cuốn sách cả mấy trăm trang, năm sáu trăm trang; còn bây giờ mỗi ngày cỡ chừng hai trang, mỗi trang chỉ năm, mười dòng là hết sức. Sức khỏe nó kém như vậy đó. Cho nên, còn bao nhiêu điều mà Thầy viết cho người Việt Nam của chúng ta mà chưa làm được. Thầy rất tiếc!
Cho nên, Thầy mong sao có một người thừa kế, Thầy đang chọn người thừa kế mấy con. Người thừa kế của Thầy không phải lấy cái tài học để chứng minh, vừa đức hạnh mà vừa tài học. Có trình độ như vậy mới là người thừa kế của Thầy.
Các con thấy, cuộc đời Thầy không bao giờ làm cho một con vật đau khổ, tức là đức hạnh của Thầy như vậy đó. Và những sách vở Thầy viết thường đem lại lợi ích cho mọi người, cho tất cả chúng sanh. Vì vậy mà Thầy thấy, tuổi già sức yếu cũng là một điều không lợi ích cho xã hội mấy con. Quá tiếc! Nhưng biết làm sao hơn, mong sao trong các con sẽ có những người sẽ nối tiếp bàn tay giống thầy, làm công việc kế tiếp.
(12:27) Sách vở, nó không khó! Nhưng làm sao xây dựng được cái bộ óc đạo đức của mình để cầm cây viết của mình, viết ra những đạo đức, cái đó là cái quan trọng.
Nói đạo đức thì ai nói cũng được, nhưng dạy người hành động đạo đức thì không biết hành động nào là đạo đức, hành động nào dạy cho người lớn, hành động nào dạy cho trẻ em. Thì mấy con biết đạo đức coi vậy chứ nó phải có từng cấp độ, chứ không phải đụng đâu dạy đó. Trẻ em phải học đạo đức như thế nào? Và dạy cách thức như thế nào? Còn người lớn dạy như thế nào?
Thí dụ như, trẻ em các con dạy tập cho làm quen cái hành động đạo đức thì đứa nào nó sống nó cũng có đạo đức, còn con lý thuyết suông cho nó đọc vanh vách chứ nó không có làm được chút nào hết. Như mấy con hiểu, nội bấy nhiêu đó không thì mình đã thấy rồi. Ở trường thầy cô giáo dạy giáo dục công dân cũng là đạo đức, nhưng mà các con có thấy cái đạo đức đó được truyền dạy qua cái hành động sống của chúng không, hoặc là cái bài học để trả bài cho có, lấy điểm mà thôi. Rất đau lòng mấy con!
Có nhiều cái ví dụ để chúng ta đưa ra cho các em nhớ những ví dụ đó là những hình ảnh đó là đạo đức:
Một em bé nắm tay một bà cụ ăn xin đi ngang qua đường cũng là hành động đạo đức. Thấy chưa, nó đơn giản chứ đâu có gì đâu!
Giúp một người nghèo khổ một bát cơm khi họ đói lòng cũng là đạo đức mấy con, là đạo đức!
Cho một con chó đói một nắm cơm cũng là đạo đức mấy con.
Đâu phải riêng con người mới đạo đức, mà đối với con vật thì mình sống như thế nào cũng phải có đạo đức chớ!? Cho nên, từng con vật nhỏ đến con vật lớn đều sống có đạo đức thì thử hỏi con người mình không đạo đức với con người sao? Mấy con đặt câu hỏi thì mấy con thấy rất rõ.
(15:18) Cho nên hôm nay Thầy nói đơn sơ thôi và đồng thời chúng ta cùng nhau đóng góp, mỗi người đều viết thì may ra thì khi mà viết xong những tác phẩm đạo đức như vậy, mấy con chưa vừa ý thì mấy con cứ gởi đến Thầy, Thầy sẽ chịu khó Thầy đọc lại. Những cái khuyết điểm, Thầy sẽ gạch những câu chưa đúng, chỉ giúp những ý kiến cho mấy con làm cho đúng hơn, đẹp hơn, hành động tốt hơn. Mấy con viết đạo đức nó thiếu những hành động gì, hành động gì Thầy sẽ gạch ở dưới cái chỗ con muốn nói, để chỉ rõ cho con đây là thiếu hành động đạo đức. Ngôn từ thì có đủ đó, nhưng mà hành động thì chưa có. Làm như vậy thì sẽ trợ giúp cho mấy con càng ngày càng có những người có đạo đức một cách cụ thể rõ ràng hơn.
Đến đây Thầy xin chấm dứt, mấy con có hỏi gì nữa thì Thầy sẽ trả lời cho các con vì vấn đề tu hành nó có nhiều cái khó khăn chứ không phải dễ. Sợ tu sai thì mấy con tu mà những cái gì khó khăn thì cứ hỏi, chỗ nào cần trả lời riêng thì Thầy không trả lời ngay bây giờ, mà trả lời chung Thầy sẽ trả lời ngay bây giờ cho mấy con. Bởi vì cái chung là cái của mọi người đang bị vướng mắc; còn cái riêng là cái đặc biệt của người đó mà thôi, nếu mà trả lời chung thì mấy con sẽ nghe bắt chước với nhau như vậy thì mấy con đã tu sai cái đặc tướng của mình mất đi, thành ra kết quả nó không có.
Vì vậy, mấy con có hỏi thầy cái gì thì cứ hỏi, có hỏi thì cứ hỏi mấy con, còn không thì chúng ta sẽ nghỉ.
(17:59) Mấy con nhớ, mấy con hỏi là những cái mà mấy con đang sống, đang thực hiện tu tập, bởi vì các con có hành động ở trên những việc làm đó, có nói, có sống trên những việc làm đó thì mấy con hỏi nó mới có lợi ích; nếu không thì không có lợi ích gì. Hỏi để chơi thì thôi không nên hỏi, mà hỏi để chúng ta càng ngày càng trở thành một người có đạo đức tốt hơn và tốt hơn nữa thì mấy con cứ hỏi đi mấy con.
Tu thì chưa có tới nơi tới chốn, nhưng mà kiến giải giữ lắm, cho nên thành ra hỏi tào lao không trúng, hỏi là thầy biết liền à, chưa tu tới đó mà hỏi tới đó rồi thì như vậy là tào lao không trúng, phải sửa lại mình có kinh nghiệm tu chỗ nào thì hỏi nha. Chỗ này đừng có hỏi hơn cái mình tu, mà hỏi hơn cái mình tu coi chừng nó sai, mà thầy biết. Bởi vì đối với thầy một người nói không tu mà nói tôi tu thế này thế khác thầy biết nói dối. Thầy biết nhưng mà thầy không nói ra, nhưng mà thầy biết. Nào là mình muốn nói mình tu như thế này thế khác thật ngon, nhưng mà sự thật ra mình nói dối, nó lòi cái nói dối của mình, thành ra mắc phải những cái lỗi, lỗi mà tầm thường nhưng mà sự thật mà không tầm thường.
(20:41) Ngày xưa đức phật dạy La-hầu-la là đứa con trai của mình, khi mà mình nói dối, nói một lời không thật, cũng như nước rửa chân không dùng gì được hết, chỉ có đổ mà thôi. Thì các con biết rằng cái nói dối quan trọng lắm chứ không phải không đâu! Cho nên cái mình nói là phải chính bản thân mình hành động, mình sống, mình làm cái đó thì mình nói ra, còn không phải chính mình thì cái người nghe người ta cũng biết. Thành ra mình sẽ lọt vào cái nói dối, nó làm cho mình trở thành một cái người không tốt, cũng như nước rửa chân chỉ còn nước đem đổ thôi chứ không xài cái gì được nữa hết. Rồi bắt đầu bây giờ mấy con hỏi Thầy.
2- PHẦN VẤN ĐẠO
(21:53) Phật tử: Kính bạch Thầy! Con tu tâm bất động, con ở nhà tu tâm bất động, con nghĩ rằng là con muốn tu thêm cái Định Sáng Suốt nữa thì có được hay không ạ?
Trưởng lão: Con tu tâm bất động mà không biết mình tu đúng hay là sai, rồi lại tu thêm một pháp nữa. Coi chừng! Chưa đâu! Khi mà tu tâm bất động, nhiều khi con ức chế, con làm cho nó bất động thì đó là con đã tu sai rồi mà con cứ nghĩ rằng bây giờ nó bất động. Nghe nó bất động, thật sự ra Thầy giải thích cho mấy con biết:
Nói: Tâm bất động, chứ sự thực ra không phải tâm bất động, tâm động! Bởi vì Đạo Phật là đạo trí tuệ mà, trí tuệ nó động, tất cả chỗ nào nó cũng soi sáng hết. Cho nên, nói nó bất động là vì nó không đem các pháp ác tới làm động chúng ta được, gọi là tâm bất động. Nhưng sự thực ra nó động đủ thứ hết, cái tri kiến của mình hiểu biết đủ mọi mặt hết, như vậy mới gọi là Đạo Phật.
Cho nên vì vậy mà, khi tu tập cần phải hỏi kỹ lưỡng trong vấn đề triển khai trí tuệ của chúng ta. Và khi tu tập chúng ta phải hiểu, tu hơi thở hoặc tu nhiếp tâm như thế nào đúng, như thế nào sai, phải hỏi kỹ, nếu không khéo thì bị ức chế, vấn đề đó là vấn đề rất là quan trọng.
Cho nên cái người dạy đạo người ta dạy mình khoảng độ trong vòng 15 phút nhiếp tâm trong hơi thở. Khi đã nhiếp tâm trong hơi thở 15 phút được người ta bảo bảo đình chỉ ngay liền không có được tu nữa, phải triển khai qua một phương pháp khác tu liền, chứ không được mà ở đó cứ nhiếp vô trong hơi thở được. Còn mấy con tu cứ nhiếp hơi thở, và bây giờ chỉ biết có một hơi thở thôi thì trật à. Mình phải sáng suốt hiểu chỗ đó thì tu mới chắc ăn mấy con.
(24:51) Phật tử: Khi mà Thầy dạy tu tâm bất động, con bị cảm thọ, con đuổi mà nó không đi được bao nhiêu. Thế nhưng mà con vẫn cảm thấy con không sợ về cảm thọ, nó vẫn còn ở trong thân con, nhưng mà con không sợ nó thì nó đã bất động về cảm thọ chưa ạ?
Trưởng lão: Một là con chỉ gan ruột thôi, chứ chưa phải là tâm bất động.
Tâm bất động, thí dụ như cái đầu con đang nhức nè, phải không? Con đang cảm nhận, con biết cái đầu con đang nhức. “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, tất cả những bệnh này hãy đi đi, ta không có sợ bệnh nào hết đâu!”. Thì con chỉ tác ý một lần cho đến ba lần thì con thấy cái nhức đầu này nó hết thì đúng. Còn một đến 3 lần mà còn nhức đầu, mà con cứ tác ý một câu đó: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” thì coi chừng con đã nhẫm lại, niệm cái câu đó thì sao?
Phật tử: Vậy là con đi vào ức chế hả Thầy?
Trưởng lão: Ức chế.
Phật tử: Con xin cám ơn Thầy!
(26:25) Trưởng lão: Mấy con thấy chưa, tu nó không phải khó nhưng mà nó khó ở chỗ sai một chút là không kết quả đâu. Nó vất vả, mình cực khổ, mình cũng quyết tâm tu chứ không phải là mình tu chơi đâu, mà rốt cuộc rồi kết quả nó chẳng ra gì hết. Cho nên, khi mình muốn tu một pháp nào đó thì mình phải thưa hỏi.
Bây giờ nói pháp Thân Hành Niệm, tại sao viết ở trong sách, Thầy nói: “Muốn chứng đạo phải tu pháp môn Thân Hành Niệm”?
Thân Hành Niệm, mới tu tập thì mấy con phải đi kinh hành, nhưng một thời gian đi kinh hành như vậy nó tỉnh giác, nó không bị hôn trầm, thùy miên rồi thì mấy con bỏ ngay liền cái đi kinh hành chứ đâu phải đi kinh hành hoài. Phải thay đổi liền, để rồi mình tiến tới tu chỗ khác nữa, chứ đâu phải chỗ đó đâu. Bây giờ nó tỉỉnh như vậy rồi thì các con phải triển khai tri kiến giải thoát của các con, thì như vậy con sẽ nối tiếp được, làm cho trí tuệ con sẽ hiểu biết rộng rãi, chứ đâu phải cứ nhiếp tâm vô chỗ đó đâu. Cho nên càng ngày càng tu càng tiến bộ, chứ không khéo nó sẽ không tiến bộ.
(28:18) Phật tử: Mô Phật! Kính thưa Thầy! Con là Diệu Tâm, con có đứa con gái con là Diệu Minh, vừa rồi nó có đưa cho các em ở trong trường làm bài tập của Thầy là đạo đức làm người. Và cháu con nó học lớp 7, trong khi đó làm bài xong thì các em làm được 38 bài thì thầy giáo chấm, trong đó có những bài các em nói rất là chân thật, rất là dễ thương, thì có em nói rằng: Nếu nó là Chủ tịch nước thì nó sẽ đưa bài pháp của Thầy dù là bất cứ người dân nào trên đất nước này nó cũng cho một cuốn sách Đạo Đức Làm Người của Thầy, vì cuốn sách quá tuyệt vời! Về cái đức môi trường và đạo đức hiếu sinh. Nhất là đạo đức hiếu sinh, nó sẽ ăn chay dần dần thưa Thầy.
Có nhiều giải, nhưng em đó được giải khuyến khích, còn giải đặc biệt, em đó là gia đình của công an, ông nội bị tai nạn chết, thì nó nói rất là dễ thương: Nó nói cuốn sách này làm cho thay đổi một xã hội, làm cho con người mình trở nên tốt đẹp hơn, và nó hứa là nó giữ cuốn sách đó mãi mãi, và nó sẽ cố gắng làm những điều trong cuốn sách đó.
Và cũng có em nói rằng, nó tưởng nó là một học sinh xấu, và bị nhà trường phê phán rất nhiều lần, nhưng mà khi nó đọc được cuốn sách của Thầy thì nó bỏ thời gian nó coi ti vi. Nó đọc cuốn sách của Thầy vì nó nghĩ rằng do nơi nó có lỗi lầm gì đó, nên nhà trường, cha mẹ học sinh tặng nó cuốn sách Đạo Đức Làm Người như vậy. Khi nó đọc cuốn sách nó mới hiểu rằng, tất cả mọi người đều cũng cần học cuốn sách của Thầy dạy, và cuốn cuốn sách đó, nó hứa rằng, sau này nó sẽ đem suốt cả cuộc đời nó, và nó giữ gìn như là của báu vậy thưa Thầy.
Vâng, con cũng kính thưa Thầy! Vừa rồi, chị Vân có đưa thêm một cuốn gọi là Lòng Yêu Thương, thì trong cái mùa hè này sẽ cho các em ở trong nhà trường để cho các em lớp 7.1, để các em làm bài Thầy giáo sẽ chấm điểm cho các em. Con ước nguyện rằng, cuốn sách của Thầy và các Thầy cô giáo ở trong các trường và nhất là những bạn đồng tu với con gởi lên để nhờ Thầy cô giáo chấm bài để nhân rộng cái đạo đức này ra tất cả đất nước Việt Nam, như vậy có đúng không thưa Thầy ạ? Con kính thưa Thầy!
(31:26) Trưởng lão: Sau khi còn một số Lòng Yêu Thương mà Thầy sẽ viết, mấy con đọc bằng nước mắt. Nghĩa là đọc xúc động, làm cho lòng yêu thương của mấy con đối với mọi người càng ngày càng sáng tỏ thêm, và nó nuôi lớn ở trong tâm của mấy con, lúc bấy giờ mọi người sống ở trên hành tinh này chỉ biết yêu thương và tha thứ với nhau mà thôi.
Mục đích của Thầy là làm sao cho con người biết yêu thương và tha thứ nhau, để chúng ta sống với một tình thương chân thật tự đáy lòng của chúng ta.
Thì trong vấn đề các em đã đọc những sách đạo đức của Thầy, tuy rằng nó đơn sơ, nó chưa có được thấm nhuần nhiều, nó chưa có đến nỗi mà đọc bằng nước mắt. Sau này sẽ có những cuốn sách đọc bằng nước mắt, nghĩa là đọc tới đâu, nước mắt chảy tới đó. Nhân vật ở trong đó, đem lại cho chúng ta một niềm yêu thương rất là sâu sắc. Thầy mong rằng cái điều đó là những điều mà Thầy cần phải làm, chứ không phải là chỉ viết sách để dạy tu, để mà chúng ta được tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự như đức Phật không đâu, mà phải đem đạo đức cho đời bằng những tác phẩm như vậy mới là xứng đáng của dân tộc Việt Nam của chúng ta.
(33:06) Cho nên hôm nay, mấy em đó đem những tâm tư ngây thơ của chúng mà nói đến Thầy qua sự đọc và hiểu biết của chúng, đúng như vậy chứ không sai chút nào đâu mấy con, rất là đúng. Sau này còn tiếp tục đọc những tác phẩm khác nữa thì chúng sẽ đọc bằng nước mắt với những điều mà Thầy đã nói ở trong những tập sách Lòng Yêu Thương. Nhưng nó chưa xong, xong rồi mà Thầy đưa ra thì chắc chắn Thầy biết rằng, nước mắt của mấy em, nước mắt của mấy con sẽ trải dài ở trên những hàng chữ trên trang sách của Thầy. Nó làm cho mấy con rất là thấm nhuần cái tình yêu thương đó ở trong cái tập sách. Cho nên, mấy con hãy cố gắng chờ đợi một thời gian nữa sẽ có những cuốn sách đạo đức như vậy đó. Bây giờ giờ mấy con còn hỏi Thầy gì thêm nữa không?
(34:19) Phật tử(Tóm tắt): Con về tu viện tu tập, con thấy mọi người tu tập mất căn bản, không biết tu cái nào trước, cái nào sau mà đức Trưởng lão đã dạy rất rõ ràng.
(39:56) Trưởng lão: Nhắc lại cho tất cả các huynh đệ, nghe thấy cho rõ.
Đạo Phật có tám lớp học. Lớp Chánh Kiến mà Thầy đang chuẩn bị triển khai cái lớp để dạy các con bước đầu của Đạo Phật, nhưng đâu phải là cái chuyện muốn mà được. Nếu mà Thầy không rao giảng những cái bài pháp mà từ lâu tới nay, chắc mấy con hôm nay chưa biết Thầy, có phải không? Cho nên vì vậy, bây giờ biết Thầy rồi, rồi bây giờ mới chuẩn bị đi từng bước một, bắt đầu Lớp Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, đi hết 8 lớp của người ta mới được chứ. Còn bây giờ chưa có gì hết làm sao mà theo Thầy học!?
Cho nên vì vậy mà Thầy đã biết tâm lý con người tham lắm, mà tham phải biết khéo léo thì tham này nó sẽ tham tốt chứ đâu phải tham xấu. Cho nên vì vậy mà hôm nay mấy con thấy Thầy dẫn dắt quá là đúng, không trật chỗ nào hết. Nhưng Thầy hồi nãy Thầy có nói rằng, cái lớp Chánh Kiến sắp sửa sẽ mở ra tám cái lớp học của người ta đàng hoàng chứ đâu phải cái chuyện mà không có ngọn, không có gốc đâu. Đạo Phật đâu đó rành rành hết chứ đâu có sai đâu. Cho nên, con đừng có lo, để rồi từ từ tới là nó sẽ tới à, nó không mất phần chỗ nào hết đâu. Chỉ có thì giờ đi học hay là không đi học thôi. Chứ nó có lớp lang rồi thì nó có giờ khắc.
Bây giờ, thứ hai, thứ tư, thứ bảy, ba ngày trong một tuần lễ phải có mặt vào buổi sáng, mỗi buổi phải học mấy tiếng, đâu ra đó. Còn bây giờ học vài bữa trốn mất hết rồi sao? Cho nên vì vậy mà chuẩn bị cho mấy con thấy đúng là Phật Pháp giải thoát thật sự. Tâm nung nấu ở trong lòng các con ham thích tu, thì mấy cái lớp này ra đời mới được chứ đâu phải dễ đâu. Ra đời mà không ai không thèm học thì thôi quá uổng, quá tiếc, phải không? Cho nên vì vậy mà Thầy đang chuẩn bị và theo dõi từng tâm ý của tất cả huynh đệ để rồi chuẩn bị cho những lớp học ra đời, chắc chắn sẽ bảo đảm cho sự học của mấy con.
(42:37) Bây giờ, những người mấy con không có công ăn việc làm này kia, hoặc có công ăn việc làm, mấy con quyết tâm mấy con đến tu viện Chơn Như. Còn có những người, người ta không quyết tâm, người ta nghe đọc chơi vui thôi, bỏ qua, kiểu gì nó cũng không có ít đâu. Và đồng thời có những người tu bậy bạ, mà cũng không có hỏi tu sao cho kỹ lưỡng nữa. Đó là những cái mà Thầy thấy rằng cần phải có những cái lớp học đâu đó đàng hoàng, giờ khắc cũng đâu ra đó. Chấm điểm, phê bình, khen thường, … đều phải có hết. Bởi vì tâm trạng con người phải vậy mới tiến bộ trên con đường học đạo đức của Đạo Phật.
Đó là cách thứ của Thầy đang tư duy, suy nghĩ để làm cho càng ngày càng tốt hơn và càng trở thành những lớp học đạo đức cụ thể, rõ ràng, lợi ích cho mọi người. Phải không? Con yên tâm đi! Đừng có la xa!
Thôi bây giờ hết rồi phải không?
HẾT BĂNG