Skip directly to content

20100123 - NHIỆT TÂM TU HÀNH - THẦY NHẮC NHỞ PHẬT TỬ HÀ NỘI

20100123 - NHIỆT TÂM TU HÀNH - THẦY NHẮC NHỞ PHẬT TỬ HÀ NỘI

NHIỆT TÂM TU HÀNH

THẦY NHẮC NHỞ PHẬT TỬ HÀ NỘI

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Thời gian: 23/01/2010

1- TU LÀ PHẢI KHÉP MÌNH TRONG KHUÔN KHỔ

Trưởng lão: A lô! Ai ở đầu dây bên kia ai gọi Thầy đó?

Phật tử: Dạ, vâng ạ, ở Hà Nội đấy ạ

Trưởng lão: Có gì không con?

Phật tử: Dạ, con thưa Thầy ạ, chúng con xin thỉnh giáo Thầy, Thầy bố thí cho chúng con.

Trưởng lão: Có gì con cứ nói, không có gì đâu?

Phật tử: Vâng, chúng con kính bạch Thầy! Lời đầu tiên hôm nay cho chúng con Phật tử Hà Nội thành tâm kính chúc sức khỏe Thầy, mãi mãi cửu trụ thế gian, để Chánh Pháp mãi mãi được trường tồn và sáng chói huy hoàng.

Con thưa Thầy, hôm nay đủ duyên lành, chúng con đệ tử Hà Nội tề tựu về đây nhân ngày cuối năm họp mặt để sách tấn nhau vượt qua những Nhân Quả khổ đau để được hưởng trọn vẹn Đạo Đức Nhân Bản - Nhân Quả. Con thưa Thầy, chúng con xin Thầy bố thí cho chúng con một thời Pháp ạ.

Nam Mô Bổn Sư Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

(00:54) Trưởng lão: Như mấy con cũng đã biết Thầy đã dạy đó, bởi vì cái pháp của Phật quá thực tế, không tu thôi mà tu thì có giải thoát, bởi vì Thầy dạy mấy con tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”.

Khi mà có cái điều gì làm cho tâm mình bị động, nó làm cho tâm mình không an, buồn phiền, lo lắng thì mấy con tác ý câu đó “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Tất cả đều là nhân quả”. Các con nhớ câu đó không?.

Nếu mà biết nó là nhân quả thì nó đến mặc nó mình cứ giữ tâm bất động thì nhân quả sẽ thay đổi, sẽ chuyển biến. Nó đem lại sự bình an cho chính bản thân mình và gia đình của mình. Đó là pháp của Phật. Cho nên Đức Phật mới nói: “Pháp ta không có thời gian đến để thấy” nghĩa là cái người nào không tu thôi mà đã ôm pháp Phật thì đã thấy được sự giải thoát. Con hiểu không?.

Nhưng mấy con cứ lo cái chuyện đời không à, không có lo tu. Mà theo đôi mắt Thầy, Thầy thấy mấy con coi như những người còn thời gian quá ngắn, các con sắp chết hết rồi. Thế mà mấy con lơ lỏng quá, không biết giữ gìn cái thời gian còn lại rất quý của mình khi mình gặp được Chánh pháp của Phật. Cho nên cứ ôm các pháp (thế gian) này, giao cho con cái lo lắng hết tất cả, còn tuổi đời của mình lớn rồi, thôi không còn lo nữa, giờ chỉ còn ôm pháp Phật để mà cứu, nó sẽ không tái sinh luân hồi, nó sẽ không tiếp tục cuộc sống của con người nữa vì con người sống khổ quá. Các con hiểu chưa?.

(2:40) Cho nên vì vậy mà Thầy dạy mấy con đó, mà mấy con Thầy biết mấy con lơ lỏng lắm, chạy tới chạy lui. Mấy con vừa nghe Phật tử ở Nghệ An mới chết một người, chạy vô trong này ở có ba bữa chơi rồi lại chạy về, rồi nói tu, tu cái gì mà chạy ra, chạy vô như vậy. Tu là phải khép mình trong khuôn khổ, sống một mình trong một cái thất, trong một cái nhà nhỏ không nói chuyện với ai hết, để cho mình ôm cái pháp bất động tâm đó, để cứu mình trong vòng có bảy ngày à, là mấy con làm chủ được sự sống chết.

Thế mà nhìn tới nhìn lui, mấy con thấy Thầy dạy có người nào mà sống được bảy ngày không?. Tu thì vài ba tiếng lại ngồi chơi, tu hai đến ba tiếng đồng hồ hoặc 1 ngày, nửa ngày thì đi ra tới chỗ này, tới chỗ kia nói chuyện, đó là lỗi của mấy con chứ đâu lỗi của Phật, của Thầy. Thầy dạy là giúp cho mấy con thoát ra con đường khổ. Thế mà không chịu ôm pháp để rồi trôi lăn ở trong sáu nẻo luân hồi. Lát thì giận, lát thì buồn, lát thì rầu, lát thì bệnh nhức chỗ này, đau chỗ kia. Đó là sáu nẻo luân hồi. Mấy con luôn luân hồi ở trong sáu nẻo đau khổ đó. Mà có cái pháp thoát ra khỏi sáu nẻo luân hồi đó mà không ôm, không tự cứu mình. Các con không biết tự thắp đuốc lên mà đi, Thầy cũng đâu có đi con đường đó cho mấy con được, Phật cũng vậy. Không cứu khổ được mấy con, nhưng mà chỉ khuyên mấy con cố gắng mà tu tập để tự cứu mình ra khỏi sự đau khổ của chính mình.

(4:30) Các con thấy chưa? Pháp của Phật quá tuyệt vời. Thầy đã làm được. Phật đã làm được. Rồi mấy con sẽ tu tập sẽ làm được nhưng mấy con tu cái kiểu này thì biết đời nào mà cho được. Tu chỉ nói chuyện, tu chỉ đọc, hiểu chơi rồi đi qua đi lại chứ không chịu khép mình trong một khuôn khổ tu tập cho tới nơi tới chốn.

Ví dụ bây giờ các con tổ chức Thọ Bát Quan Trai, để mà cái giai đoạn đầu tiên để chúng ta làm quen với Phật pháp, nhưng mà sau đó chừng một lần cho đến năm lần Thọ Bát Quan Trai đã nắm được pháp rồi thì chúng ta không còn tập trung nhau nữa. Còn đằng này tập trung hoài, Thọ Bát Quan Trai hoài, giống như Đại thừa vậy đó. Tu cho có hình thức chơi vậy thôi thì làm sao mà giải thoát được.

Đó, đó là những cái sai, những cái sai mà làm sao mà Thầy nói cho mấy con nghe cho hết được. Cho nên, trong cái vấn đề tu tập Thầy dạy để mấy con nhớ rõ, Tâm bất động là ai làm gì cũng không động, ai chửi cũng không giận, ai làm gì cũng không buồn phiền hết, đau bệnh cũng không sợ nữa cho nên tâm bất động, thanh thản. Nó bất động là nó phải thanh thản thôi à. Mà nó thanh thản thì nó phải an ổn, an lạc và bây giờ nó ngồi chơi, nó đâu có làm gì đâu, nó vô sự.

Thì các con nhớ “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” là cứu cánh của mấy con. Chư Phật ở trong hết. Thầy được giải thoát cũng ở trong đó. Rồi bây giờ mấy con học theo Phật thì mấy con cũng phải cố gắng ở trong trạng thái đó chứ, chứ đâu phải cái câu đó nói dạy để nói chơi. Các con thấy chưa? Cho nên phải ráng nỗ lực mấy con! Thầy dạy thật, Thầy đem lại sự giải thoát cho mấy con thật, mà mấy con có cứu mình hay là không cứu mà thôi.

2- TẤC BÓNG THỜI GIAN MỘT TẤC VÀNG

(6:29) Biết bao nhiêu người từ khi gặp được pháp của Phật, Thầy đã dạy mà coi cái thời gian của mình quá rẻ rúm, cho nên đến khi tắt thở rồi cũng chưa làm chủ được cái gì hết. Rất là tội! Rất là tội! Không hiểu, không quý được cái thời gian của tuổi đời mình còn lại. Các con nghĩ bây giờ các con mới ba mươi tuổi hoặc sáu mươi tuổi, chắc còn lâu lắm, không phải đâu. Ba mươi tuổi không có nghĩa là ba mươi tuổi không chết đâu mấy con. Mấy con cứ nghĩ rằng bây giờ tôi mới mười tám tuổi chưa có sao đâu. Chưa đâu! Vô thường mấy con! Vô thường! Dù cho mấy con bây giờ mười tám tuổi nhưng có thể sống dài thêm cho tới tám mươi tuổi thì cái khoảng thời gian mà sáu, bảy chục năm đó bao lâu mấy con, bao lâu? Mà nếu chểnh mảng thì mấy con tu không kịp, làm sao giữ tâm bất động mình cho được, thì phải trôi lăn trong lục đạo à. Thì đó là những điều mà Thầy nhắc nhở cho mấy con.

Hôm nay có duyên Phật tử họp, để nghe lời khuyên và lời nhắc nhở khéo léo để mấy con nỗ lực tu tập, đừng có chểnh mảng với thời gian, nghĩ rằng tôi còn sống (lâu). Các con thấy chị em, có một số người đã mất rồi, các con thấy có một số Phật tử đã ra đi rồi nhưng họ được những gì, hay là những lý thuyết suông; hay là câu nói tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự suông, chứ đâu có sống được trong đó đâu, có tu tập gì đâu mà sống.

(8:23) Đó là cái mà mấy con đã quên đi, đã quên đi cái sự vô thường của cái thân; quên đi các pháp vô thường; quên đi tất cả ác pháp đang vây quanh mấy con. Hở ra thì nó sẽ tác động vào tâm mấy con làm cho tâm mấy con động liền tức khắc, mấy con sẽ đau khổ ngay liền. Bởi vì xung quanh mấy con toàn là ác pháp không có thiện pháp đâu, vui đó rồi khóc đó mấy con.

Cho nên Phật pháp cứu mấy con mà mấy con không tự thắp đuốc lên cho con đường đi đó thì mấy con không làm sao mấy con cứu mấy con được hết. Hãy ráng lên mấy con! Bây giờ còn Thầy nhắc nhở khuyên lơn thì mấy con phải ráng!

Cho nên hôm nay tại sao mà Thầy ít tiếp xúc với mấy con, trực tiếp với mấy con là tại vì mấy con thờ ơ quá. “Ở, được bên Thầy, đến lúc nào cũng gặp Thầy, nói chuyện này chuyện kia, có lo gì”. Cho nên hôm nay các con muốn gặp Thầy rất khó bởi vì Thầy đã dạy rồi thì mấy con ráng tu không phải để nghe chơi, muốn gặp Thầy để mà nghe được Thầy cho nó vui, cũng như ca hát cho mấy con nghe vậy thôi.

Thì nó có lợi ích gì cho mấy con đâu mà chính mấy con phải tự tu tập, nghe lời dạy phải nỗ lực chứ đừng có nên, ờ nay xin gặp Thầy, mai xin gặp Thầy, xin gặp để làm gì, tết sắp đến rồi, gặp Thầy để chúc tết, Thầy xem ngày nào cũng là ngày xuân, đâu có ngày nào là không phải ngày xuân, mùa xuân vĩnh cữu mà mấy con.

Còn riêng mấy con đợi tới tết mới là mùa xuân, còn không tết không phải là mùa xuân, còn Thầy thì lúc nào cũng là mùa xuân. Vì tâm hồn thanh thản, an lạc, vô sự, vì tâm hồn luôn luôn bất động không có một chướng ngại pháp, ác pháp nào tác động được thì đó là mùa xuân vĩnh cửu rồi. Đó là sự giải thoát chân thật rồi mấy con. Mấy con hãy sống như Thầy, sống như Phật để đem lại sự an vui cho chính mình.

(10:59) Mấy con hỏi gì Thầy nữa không? À, mấy con hỏi cứ hỏi, Thầy sẽ trả lời cho. Còn không thì ráng lo tu tập, hỏi nó làm mất thì giờ mấy con nhiều lắm. Hãy đóng cửa lại, bây giờ các con lớn tuổi rồi, con cái còn nhỏ thì giao cho nó trọng trách để nó lo lắng công việc, để mấy con dành lại thời gian còn ít đó để mà ôm chặt cái pháp Phật để tự cứu mình. Chứ còn lo cho con, cho cháu đến chừng chết rồi thì ai lo cho nó đây. Cũng như bây giờ mấy con ôm pháp là mấy con giao trọng trách cho nó hết rồi thì mấy con đâu còn lo nữa, phải không? Mấy con phải cố gắng lên! Mấy con nghe lời Thầy! Các con còn gì nữa không?. Hết rồi phải không?

3- ĐẠO PHẬT CÓ BA MƯƠI BẢY PHÁP TU TẬP

Phật tử: Dạ thưa Thầy, kính thưa Thầy chúng con được đọc trong cuốn Ba bảy phẩm trợ đạo, Thầy có dạy chúng con có sáu nẻo giải thoát về niết bàn. Kính thưa Thầy, chúng con thực hiện trong cái phần đó được không ạ?.

Trưởng lão: Được chứ! Ba mươi bảy phẩm trợ đạo đó thì tuy rằng Thầy đã tóm lược cho mấy con đọc sơ qua rồi sau này Thầy giải thích cho nó rộng rãi cái nghĩa, bởi vì đạo Phật có ba mươi bảy pháp tu tập mà thôi chứ không có pháp nào khác. Cho nên Thầy thấy nhiều pháp môn của ngoại đạo, nó nói đây cũng là Phật giáo này kia, cho nên Thầy mới lấy ba mươi bảy pháp môn của Phật tức là Ba bảy phẩm trợ đạo đó, để xác định rằng Phật có ba mươi bảy pháp môn chứ không có nhiều pháp môn nào khác, mà pháp môn nào mà không dạy đúng ở trong ba mươi bảy pháp môn này thì là ngoại đạo chứ không phải là của Phật giáo.

(12:51) Đó là tập sách Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là tập sách xác định pháp môn của Phật, để mấy con biết rằng đó là pháp của Phật chứ không phải là pháp của ngoại đạo. Còn pháp nào ngoại đạo là sai? Ví dụ như: Niệm phật để được nhất tâm thì đó là sai; biết vọng liền buông đó là sai, không phải là pháp của Phật, vì nó không nằm trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo.

Đó, mấy con thấy chưa! Niệm thần chú, nó không có ở trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo, không có dạy nè, thì tức là của ngoại đạo chứ sao! Thầy rất là rõ bởi vì tập sách Ba mươi bảy phẩm trợ đạo này rất rõ và sau này Thầy giải thích rất rõ để làm cái cơ bản. chắc chắn là bảo đảm cho quý Phật tử là người nào theo Phật thì phải tin vào ba mươi bảy pháp này chứ không thể nào hoàn toàn không tin..

Nhưng nó hành, cái pháp hành của nó, bắt đầu từ cái pháp đầu tiên, cái pháp thấp nhất. Ví dụ như pháp hành đầu tiên của nó là năm căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân. Vậy mắt, tai, mũi, miệng, thân tu tập như thế nào, phải bảo vệ giữ gìn thế nào??? Thầy sẽ giải thích ở trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Đó là tu 5 căn, tiếp là Ngũ lực. Vậy muốn tu Ngũ lực là tu như thế nào? Lần lượt Thầy dạy, lần lượt Thầy dạy từng pháp tu tập, từng cái pháp hành để chúng ta thực hiện. Từ đó mà đi vào cái cơ bản cho đến khi mà chứng đạt.

(14:34) Đó, mấy con thấy, Thầy cố gắng Thầy làm xong để rồi Thầy cũng ra đi, chứ bây giờ tuổi già rồi, bây giờ tám mấy tuổi rồi còn ngồi đây mà viết sách thì quá là nhọc nhằn, ngồi chơi thanh thản, an lạc, vô sự không phải sướng sao. Ngồi phải tư duy, suy nghĩ, à, phải viết như thế này, thế khác để làm cho mấy con hiểu thì nó quá nhọc nhằn chứ không phải không nhọc nhằn, phải không? Cho nên vì vậy các con phải ráng nỗ lực tu để không phụ ơn Thầy, không phụ ơn Phật. Đó là đền đáp ơn Phật, ơn Thầy, là do mấy con tu để được giải thoát. Thôi, mấy con còn gì nữa không mấy con?

4- THÂN KIẾN LÀ GÌ?

Phật tử: Con thưa Thầy! Cái phần thân kiến và giới cấm thủ Thầy dạy cho chúng con kỹ hơn ạ?

Trưởng lão: À, nó sẽ nằm trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Thầy chỉ cho mấy con. Thân kiến là mấy con chấp cái thân của mấy con, ai động tới thì sân giận tức giận, ai chửi mắng thì chấp cái thân của mình gọi là thân kiến. Tức là cái ý, cái kiến hoặc của mình, cái ý kiến của mình cho cái thân này là thật. Thân này đâu phải là thân của con, thân này chẳng qua là thân nhân quả, mấy con tạo cái nhân quả cho nên phải thọ lấy cái thân này mà chịu khổ đau.

Cho nên nó là thân nhân quả chứ đâu phải thân của mấy con. Mấy con lầm chấp cho nó là thân kiến. Đó là cái sai, tất cả những cái này là danh từ để mà học hiểu của Đại Thừa. Còn Phật dạy chúng ta tu chứ không dạy chúng ta đi học để mà gọi là thân kiến, chấp kiến…​ nó không có những điều đó đâu. Giữ tâm bất động, thanh thản, vô sự là không còn thân kiến. Hiểu không? Con thấy không?. Đâu có đi học, đi hỏi để mà làm giảng sư để đi giảng. À, nói bây giờ thân kiến như thế nào, rồi những cái gì gì như thế nào, rồi giải thích. Đi làm cái chuyện đó chi cho mất công để làm cái gì, ở đây đâu có phải học chữ nghĩa.

(16:42) Toàn bộ những cái ý, những kinh sách mà dạy về cái này là toàn bộ của các sư Trung Quốc đưa vào Việt Nam dạy cho các thầy Việt Nam tu học kiểu đó, cho nên cuối cùng các sư ở Việt Nam có ông Hòa thượng nào làm chủ được sinh, già, bệnh, chết chưa? Chưa, đi học nói à. Rồi mở trường cao đẳng Phật học dạy người ta học nói chứ có dạy người ta làm chủ sinh, già, bệnh, chết đâu. Nói cho luôn, không có ông nào làm được gì hết!. Cuối cùng chết ở trên bệnh đau, đi nhà thương, ăn ở trên giường bệnh, rồi rên la. Từ Hòa thượng lớn đến Hòa thượng nhỏ, thậm chí như có nhiều, đều bị bán thân bất toại như Hòa thượng Thiện Hòa nằm suốt cả năm mới chịu chết, quá khổ, ỉa đái một chỗ, bài tiết một chỗ.

May là có thị giả giúp đỡ chứ không khéo nằm ở trên cái bất tịnh của chính bản thân mình. Quá khổ! Tại sao chúng ta tu mà chúng ta khổ đến như vậy, đó là tu sai pháp đó, tu theo Phật pháp của Trung Quốc đó. Các con còn hỏi gì Thầy nữa hay không?.

Phật tử: Dạ con thưa Thầy, con có chú Phật tử muốn hỏi Thầy ạ.

Con thưa Thầy! Con là Thích Minh Thanh Phúc ạ

Trưởng lão: À! Mấy con cứ hỏi, hỏi lớn, Thầy trả lời cho, chứ không, Thầy không có thì giờ nhiều?

Phật tử: Con là Thích Minh Thanh Phúc ạ. Dạ thưa Thầy, tu theo cách thức chỉ ngồi chơi thì cụ thể ngồi chơi như thế nào. Con cảm thấy lúng túng lắm ạ?.

Trưởng lão: À! Cái danh từ ngồi chơi thì sự thật ra người tu không có thì giờ mà ngồi chơi. Ngồi chơi tức là không ôm một cái pháp nào hết, quan sát từng cái tâm niệm của mình xem nó khởi lên, nó ham muốn cái gì thì gọi là ngồi chơi. Mà khi có từng tâm niệm khởi lên ham muốn thì ngay đó pháp Như lý tác ý dập đầu nó liền. Ví dụ như bây giờ nó khởi lên Con ngồi đây, đang ngồi tu mà khởi lên cái niệm nhớ gia đình con cái thì ngay đó tác ý ngay liền: “Ái kiết sử, đi! Chỗ này tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Ngay đó, cái niệm đó bị diệt ngay tức khắc, chỉ cho rõ mặt nó, Ái kiết sử. Tại vì nó nhớ con cái của nó tức là Ái kiết sử chứ sao, cho nên mình nói: “Đây là Ái kiết sử, đi! Chỗ này là chỗ tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, thì nó sẽ lặn mất, nó sẽ đi. Chứ không phải thấy nó ló đầu lên rồi dừng nó lại thì tức là không hiểu nó là cái gì, cho nên nó cứ ló lên hoài. Còn cái này mình điểm mặt ngay nó: “Ái kiết sử đi! chỗ này không phải là chỗ mày đến”.

(19:42) Các con thấy không? Mình tu đâu đó có căn cơ đàng hoàng mà, vậy mà nó còn đến đi năm, ba lần mới hết chứ đâu đuổi có mà dễ, phải không? Còn ở đây mà nhớ hồi nãy chửi lộn với thiên hạ hồi nãy, cái ông này nói hơn nói thua, nói hạ mình này kia nọ, thì ngay đó mình nói: “Đây là nhân quả, trước kia mình cũng nói mạt sát người ta bây giờ người ta mạt xát lại mình. Có gì mà phải buồn! Đây là chỗ bất động!” Thì ngay đó thấy nó rõ ràng là nhân quả thì nó phải đi thôi.

Các con thấy cái ngồi chơi không?. Ngồi chơi là ngồi như vậy đó mới là ngồi chơi và giờ nó đi rồi thì ngồi chơi chứ có gì đâu, nhưng mà nó đến là tôi làm việc đó, còn nó không đến thì tôi ngồi tôi chơi, chứ tôi có làm gì đâu, tôi là người vô sự mà. Con thấy chưa? Cái ngồi chơi là như vậy, con hiểu chưa?

Phật tử:Dạ con đã hiểu ạ, con xin cảm ơn Thầy ạ.

Trưởng lão: Ừ! Còn ai hỏi gì Thầy nữa không?.

Phật tử: Vâng ạ, con kính thưa Thầy, chúng con xin được tiếp nhận lời thỉnh giáo của Thầy, chúng con xin hứa cả với Thầy là chúng con sẽ đoàn kết chặt chẽ tay nắm bàn tay, cùng nhau chung lưng đấu cật để xây dựng chánh pháp của Phật Như Lai và chúng con sẽ hứa cả với Thầy chúng con sẽ cố gắng hơn nữa, để thời gian như Thầy chỉ dạy cho chúng con để cứu chúng con ra khỏi nhà sinh tử luân hồi ạ.

Trưởng lão: Ừ! Vậy tốt lắm! Cố gắng mấy con.

Phật tử: Da! Chúng con xin cố gắng và nguyện tri ân công đức Thầy ạ.

Dạ, thưa Thầy ạ! Muốn hay không muốn thì chúng con vẫn là những người thế gian ạ. Thì năm mới, cũng đã kết thúc một năm cũ, để đánh dấu 365 ngày, và chúng con chuẩn cho 365 ngày tới, chị em chúng con tất cả huynh đệ đều xin thành tâm một lòng kính chúc sức khỏe Thầy ạ. Thầy khỏe mãi và mãi mãi Thầy cửu trụ thế gian để chỉ daỵ dẫn dắt cho chúng con ra khỏi bến bờ sinh tử luân hồi ạ. Chúng con xin kính chúc sức khỏe Thầy ạ.

Trưởng lão: Thầy cảm ơn mấy con, ráng tu mấy con! Rồi!

Phật tử: Dạ, vâng ạ!

HẾT BĂNG