Skip directly to content

BĂNG SỐ 085 - LÚC NÀO THẤY NGƯỜI KHÁC SAI, LÚC NÀO CHỈ THẤY LỖI MÌNH.

(Băng 85B, lớp Chánh Kiến năm 2005-2006)
Trưởng lão giảng kỹ có ba giai đoạn, khi nào thấy người khác sai là khi đi tìm thầy dạy đạo và khi đã chứng đạo, khi nào thấy lỗi mình không thấy lỗi người là khi đang tu. Chú ý phải có tư duy nhận định đúng sai ngay từ đầu.
---
Link youtube: http://youtu.be/E8Ie1Vh1jTI?t=5m45s
(05:45)
Còn bây giờ Thầy nói như thế này. Ở trong chúng Thầy dạy rồi, dạy về cái Chánh Kiến rồi. Mấy con ra mấy con nói vanh vách đó, nhưng mà mấy con bị. Thầy nói thật sự ra người ta sẽ không tin mấy con đâu, bởi vì Pháp Thầy dạy, mấy người nói vanh vách mà sống không đúng là mấy người nói láo đó mấy con. Thầy nói cho Phật tử biết hết đó, không có ai mà đem cái này ra mà giảng đạo được đâu. Nghĩa là nói vanh vách nhưng mấy Phật tử cứ nhìn vị thầy hay vị cư sĩ nào nói vanh vách đó, mà ông ta còn sống phạm giới phá giới đó, thì cái người đó là nói láo, không có thật đâu. Họ nói được chứ họ hành chưa có được đâu, cho nên họ lừa đảo mình đó, rồi sau này họ thêm thắt tầm bậy đó. Tưởng mình đúng chứ coi chừng họ dẫn mình tầm bậy rồi chết cả đám nhau đó. Đừng có nghe lời mấy cái người đó. Chừng nào họ sống đúng giới hạnh, hẳn hòi thì lúc bấy giờ mới tin họ đó. Khéo léo như vậy chứ đừng có vội tin người nào hết. Họ học lớp này ra họ nói hay lắm đó, họ luận hay lắm đó. Coi chừng bị họ lừa đảo đó. Những người mà nói được mà không làm được là những người nói láo chứ không có thật đâu. Họ lừa đảo, họ gạt. Họ tu chưa được, tâm tham sân si họ còn. Mà tâm tham sân si họ còn mà họ nói lý luận hay, coi chừng họ giết chết mọi người. Họ giết họ, họ giết luôn cả mọi người đó. Đừng có nghe theo mà chết.

Cho nên vì vậy Thầy sẽ tuyên bố trước, để không mấy con tưởng bây giờ mình học được vậy, để thôi ra làm thầy thiên hạ. Giữa ngã ba ngã tư mà đóng cái thiền đường ở đó mà dạy đạo thì coi chừng chết. Thầy nghe trong Kinh Phật nói mà, đừng có lại ngã ba ngã tư mà đóng cái chỗ đó mà dạy đạo. Ý Đức Phật muốn nói bốn phương người ta sẽ tập trung về mình, mà khi mình tu chưa chứng thì cái đó là không có được, nguy hiểm đó. Cho nên ở đây Thầy cũng nhắc cho mấy con, vì đây là lớp đào tạo rồi, cho nên mấy con có đủ trình độ khả năng. Khi mà mấy con suy tư, lý luận thì mấy con đủ khả năng đứng ra lãnh đạo để dạy đạo rồi. Nhưng mấy con nhớ Thân giáo là hơn hết, vừa cứu mình mà vừa cứu người đó. Còn cái Thuyết giáo nó không quan trọng đâu mấy con. Có nhiều nhà Phật học người ta học tiến sĩ Phật học, người ta học làu làu những bài kinh hết, nhưng mà họ ra gì, họ đâu có ra gì đâu. Họ chỉ nói cái miệng thôi. Còn ở đây chúng ta lấy thân giáo mà dạy người, và thuyết giáo chúng ta cũng không thua sút người nào đâu. Ai nói gì chúng ta đều biết, cái sai cái đúng chúng ta đều hiểu hết, không có chỗ nào mà chúng ta không hiểu. Cho nên ở đây chuẩn bị cho chúng ta lấy thân giáo là quan trọng.

Đừng có nghĩ rằng chúng tôi vừa tu vừa làm Bồ Tát. Cái kiểu đó Bồ Tát muốn chết chứ không phải Bồ Tát muốn sống đâu. Cho nên thường thường mình tu chưa xong mà làm Bồ Tát hạnh, sử dụng cái hạnh Bồ Tát để độ chúng sanh, hầu như Bồ Tát đó đều là nhăn răng, méo miệng hết. Tại vì sao? Tại vì chết cũng nhăn răng, bệnh đau cũng nhăn răng, cái gì cũng rên la nằm liệt giường liệt chiếu, cũng ba cái ông Bồ Tát đó chứ không có gì đâu. Cái hình ảnh đó là hình ảnh đã ở trước mặt chúng ta, chúng ta đã chứng kiến nhiều rồi. Những người nói hay, nói lung, mà rốt cuộc rồi nhăn răng méo miệng hết cả đám đó. Lượng sức, lượng sức mà cứu mình chứ đừng có đem cái kiến thức hiểu biết mà lừa đảo người khác, là coi chừng mình chết, mình phải trả quả đó, không có chạy đâu khỏi hết. Cho nên cái tu, thật tu thật chứng. Làm chủ được 4 sự đau khổ rồi, đem cái kinh nghiệm đó ra dạy người. Đời sống cái người mà thực tu thực chứng làm chủ 4 sự đau khổ sanh, già, bệnh, chết là cái đời sống Giới hạnh. Không bao giờ họ phạm phải một cái phạm hạnh của họ đâu. Họ rất là oai nghi tế hạnh đó. Cho nên ở đây người cư sĩ người ta hiểu biết người ta dễ nhận ra lắm, không có khó đâu. Còn mình mà hơi lóc chóc một chút, coi chừng chưa xong, mình sẽ bị người ta hiểu biết, và đồng thời cái sự tuyên bố của Thầy không phải như Đại Thừa: ai mà chê trách quý sư quý thầy là tội đọa địa ngục đó. Ở đây không có đọa địa ngục gì hết, người nào mà sai là nói sai, người nào phạm giới là nói phạm giới chứ không có sợ chiếc áo, chiếc y của mấy người đâu. Cũng không sợ đầu tròn đầu méo của mấy người đâu. Mấy người làm sai là mấy người ma-ba-tuần đó. Tôi biết sai là tôi vạch mặt tôi chỉ, chứ tôi không sợ tội địa ngục đâu. Địa ngục là mấy người đang mở cửa địa ngục đó, ma-ba-tuần nó mở cửa địa ngục nó phỉ báng Phật pháp, nó đang đọa đó. Chứ đừng có nghĩ chiếc áo, chiếc y, cái đầu của mấy người mà không dám nói đâu. Ở đây người nào tôi cũng dám nói hết. Sai giới luật là tôi nói à. Đó là như vậy, Thầy dạy ở đây là cư sĩ cũng như tu sĩ, người nào sai là nói sai, không có sợ tội lỗi. Mình nói sai để người ta sửa lại tốt, đó là mình tốt. Còn mình thấy người ta sai mà mình không dám nói sai tức là mình sai, mình không dám nói.

Còn mình đang tu để đi đến giải thoát thì không nên thấy ai sai. Các con nhớ, bây giờ mấy con chưa tu xong mà mấy con thấy người ta sai là coi chừng, mấy con đọa địa ngục đó, là mấy con chưa giải quyết của mình. Còn mấy con tu rồi, thì ai sai nói hết, không tha người nào hết. Cho nên vì vậy khi mở con mắt ra thấy người đó phạm giới, phá giới là không nên tôn xưng họ làm thầy, để cho mình đi tìm một bậc thầy tu hành. Còn nếu mà mình nói thấy vị đó sai, vị này sai, trong khi đó mình chưa tu tập được thì không được. Nhưng mình thấy sai, mình biết đứng trong góc độ giới luật, mình thấy họ sai thì mình tránh. Còn mình đang tu, để mình nỗ lực để đi đến rốt ráo, mà mình cứ thấy người này sai, người kia sai thì coi chừng mình không có tu hành đến nơi đến chốn được. Tại vì trong lúc bị phân tâm, bị thấy bỉ thử, cho nên vì vậy mà không giải thoát.

Thầy nhắc nhở kỹ trong vấn đề tu tập kỹ để không khéo. Lúc nào chúng ta nói sai của người khác là lúc chúng ta đã làm xong. Đó là cái thứ nhất mà Phật đã dạy. Nếu một người tu xong, mà thấy cái sai của người khác mà không nói là hèn nhát, Đức Phật đã nói vậy mà. Còn mình tu chưa xong, mà mình là người đang tu thì mình nên thấy lỗi mình, không thấy lỗi người.

Người chưa tu, còn đang đi tìm trên con đường đạo, thấy cái sai của những người phạm giới thì không nên tôn họ làm thầy. Mình đang đi tìm mà, đi tìm cái người để cho mình tu chứ chưa phải mình tu. Nhưng khi bắt đầu mình tìm được một vị thầy hướng dẫn mình tu thì không thấy cái sai của ai khác hết, mà chỉ thấy cái sai của mình. Nó có từng giai đoạn chớ, chứ mấy con đứng chung chung, ờ bây giờ Thầy nói vậy, mình đang đi tìm một bậc sư mà không dám thấy ông sư đó sai thì mình tôn ông sư đó sao? Thì mình trật mất rồi. Bây giờ mình đang trên con đường chưa phải tu, đang tìm một bậc sư, đang tìm một tôn giáo thì mình phải xét nét cái tôn giáo đó có đúng hay không, phải không. Người tu đó có phải là thầy của mình được không. Thì từng mà mình thấy đúng thì mình mới tôn xưng họ thầy. Mình thấy đúng cái tôn giáo đó mình mới theo. Đó là bắt đầu mình phải có sự tư duy đúng sai trong giai đoạn đầu.

Rồi cái giai đoạn tu thì không thấy ai sai nữa hết. Bởi vì giai đoạn này mình đi đến cái rốt ráo của mình mà cứ thấy sai của người ta thì làm sao mình xả tâm, phải không. Cho nên không thấy ai sai hết, mà chỉ thấy lỗi mình. Bây giờ là giai đoạn mình tu, mình được học, mình tu, cho nên ông thầy dạy cũng như Đức Phật dạy: "chư tác mạc tác, chúng thiện phụng hành", "thấy lỗi mình không thấy lỗi người" là lúc mình đang tu. Rồi bắt đầu tu rồi thì ai sai vạch mặt ra.

Đầu tiên, thấy sai không theo, có phải không? Không nói nhưng mà không theo người đó. Thấy tôn giáo đó không đúng, không theo. Tôn giáo nào hợp, mình thấy đúng mình theo. Đó là giai đoạn đầu. Giai đoạn sau vô tu thì không thấy sai nữa, bởi vì mình chấp nhận rồi, cho nên không thấy sai, mà chỉ thấy lỗi mình để mình sửa cho đến khi mình rốt ráo. Sau khi rốt ráo rồi thì thấy mọi cái nào sai đều chỉnh đốn lại hết. Để làm gì? Mình tu rồi, mình được giải thoát rồi mà để cho người ta sai thì rất tội. Bởi vì nó không những sai một người trong giai đoạn, thời đại này mà còn nhiều thế hệ sau này nữa. Cho nên chúng ta nói để con cháu chúng ta sau này tránh, không có làm sai cái điều đó nữa. Cho nên nó có 2 giai đoạn: giai đoạn đầu, thấy sai để không theo tôn giáo đó, hoặc không theo vị thầy đó, giai đoạn thứ 3 là khi tu xong thì thấy cái sai vạch ra để cho con cháu chúng ta sau này nhờ, và giai đoạn tu tập, giai đoạn giữa là không thấy người khác sai mà hãy thấy mình sai. Thì như vậy mình biết con đường mình tu đúng, còn nếu không thì mình sẽ sai.

Cho nên ở đây Thầy nhắc nhở kỹ trên vấn đề này. Cho nên lúc mà đang tu, thì chúng ta không thấy ai sai, ai sai thì kệ, nhân quả của họ, chúng ta không biết. Còn lúc chúng ta đang tìm đạo, đang tìm người làm thầy thì phải chọn lấy, thực sự người đó phải hết tham sân si, giới luật nghiêm chỉnh, đó là thầy mình. Còn không thì nhất định là không chấp nhận. Và cái tôn giáo nào đem lại lợi ích cho mình, chứ tôn giáo mà sống trong ảo tưởng nhất định không theo, không theo những cái ảo tưởng đó, mà theo cái chân thật, cái lý thật mình theo để mình được giải thoát.