Skip directly to content

SỐNG HÒA HỢP

Câu hỏi của Từ Hạnh

Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong cuộc sống hằng ngày chị em ăn ở với nhau, bất kỳ trường hợp và hoàn cảnh nàocon cũngtùy hỷ trước mọi người, mọi việc làm, không bắt bẻ chê bai gì hết, ai làm sao cũng được.

Đối với con khi ai cho vật gì, dù vật nhỏ mọn nhất, nhưng con thấy được sự thanh tịnh ở vật đó thì con thành kính nhận một cách trân trọng với tấm lòng thành, còn ngược lại dù là châu báu, ngọc ngà mà không có sự thanh tịnh thì con nhất quyết không nhận, dù có mang lỗi sống không hòa đồng, nhưng con cũng vui lòng chấp nhận. Cúi xin Thầy từ bi lân mẫn chỉ dạy cho con rõ như vậy có đúng không?

Đáp: Sống từ hai người trở lên gọi là tập thể, mỗi tập thể đều phải có một kỷ luật, kỷ luật đó gọi là thanh quy hay là nội quy. Thanh quy và nội quy là để giúp cho mọi người trong tập thể đó, phải chấp hành nghiêm chỉnh thì mọi người mới có một cuộc sống hòa hợp, để cùng chung sống với nhau, để cùng nhau xây dựng một mụcđích cao thượng đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người.

Xưa, đức Phật đã chế ra sáu pháp hòa hợp (lục hòa):

1-        Thân hòa đồng trụ

2-        Khẩu hòa vô tranh

3-        Ý hòa đồng duyệt

4-        Kiến hoà đồng giải

5-        Giới hòa đồng tu

6-        Lợi hòa đồng quân

Giới thứ nhất là thân hòa đồng trụ và giới thứ sáu là lợi hòa đồng quân, hai giới này để chỉ cho sự sống bình đẳng, buông xả cá nhân để thể hiện đức hạnh bằng lòng giúp mọi người ly dục, ly ác pháp.

Giới thứ hai là khẩu hòa vô tranh và giới thứ ba là ý hòa đồng duyệt, hai giới này chỉ cho sự thể hiện lòng từ, đức hạnh nhẫn nhục để tâm hồn được thanh thản, vô sự, tức là ly dục, ly ác pháp.

Giới thứ tư là kiến hòa đồng giải và giới thứ năm là giới hòa đồng tu, hai giới này chỉ cho sự thể hiện lòng bi, đức hạnh tùy thuận để thân tâm được an lạc, tức là ly dục, ly ác pháp.

Lấy ba đức ba hạnh để sống, sống làm người có đạo đức thoát ra khỏi bản chất của loài cầm thú. Vì thế đạo Phật gọi tu tức sống, nhưng sống đúng đạo đức không làm khổ mình, khổ người là tu. Tu không có nghĩa là tụng kinh, niệm Phật, cầu chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ cho tai qua, nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ hoặc làm ăn giàu có.

Theo sự nhận hiểu của con qua những danh từ nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng theo tâm của con, chứ không phải theo tâm của người khác. Ở đây, con dùng danh từ thanh tịnh và không thanh tịnh không đúng con ạ!

Đối với con, khi người ta đem cho con một vật gì, người chủ vật đó chưa có sự giận hờn phiền toái với con, thì con cho vật đó là thanh tịnh, còn nếu có sự giận hờn phiền não, thì vật đó, con cho là không thanh tịnh. Con hiểu như vậy thì con chưa biết cách tu tập hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng.

Ở đây, không nên dùng vật thanh tịnh hay không thanh tịnh, mà con hãy lấy đối tượng nghịch cảnh, bất toại nguyện để thực hiện hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, thìmới gọi là tu, còn tu như con, không thể gọi là tu hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng. Tu như con chính là tránh né đối tượng nghịch cảnh trái lòng. Theo đạo Phật thì không chấp nhận những điều này, vì tu như vậy, không bao giờ có giải thoát, tu như vậy là tìm sự an ổn, tiêu cực, nén tâm, yếm thế.

Theo đúng hạnh của một tu sĩ đạo Phật thì chấp nhận sự đi xin ăn, nhưng không được nhận thực phẩm dư thừa để dành, ngày nào xin ăn ngày nấy, đó là lối sống buông xả và xả sạch, ăn còn không được để dành ngày mai, ăn chỉ biết ngày nay, không lo ngày mai, như vậy mới gọi là người buông xả sạch.

Ngày nay, người tu sĩ Phật giáo thường hay tự túc sống, do đó đời sốngphạm hạnh của một vị tỳ kheo tăng không còn đúng phạm hạnh nữa và vì vậy, thánh hạnh của một vị tăng không còn có. Do đời sống không đúng cách đạo đức thánh hạnh nên đường tu tập của các vị tỳ kheo tăng và tỳ theo ni chẳng đi đến đâu cả.

Xả ngũ dục lạc, tức là xả sắc, danh, lợi, thực, thùy mà còn xả không được, huống là tu cái gì? Hiện giờ, người ta tu hành chỉ là hình thức, còn mục đích giải thoát thì họ không tu tập, gặp các đối tượng để thực hiện đức hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng thì tránhné, trốnchạy chẳng dám vượt qua sự đau khổ của cuộc đời mình. Con không có sự quyết tâm tu hành giải thoát, làm chủ sự sống chết và luân hồi, chỉ thấy đời đau khổ mà vào chùa tránh né để tìm sự an ổn.

Do cuộc sống như vậy, nên mới có cất am, thất riêng tu hành. Tu hành mà cất am thất riêng, để sống tự do thoái mái, thì sự tu hành đó chẳng đi đến đâu cả. Sự tự do thoái mái đó, đưa người tu sĩ chạy theo sở thích và tâm ham muốn của mình, như vậy thì làm sao gọi là ly dục, ly ác pháp.

Sở thích của mình là gì? Là tâm dục. Mà đã có tâm dục thì con đường tu hành của đạo Phật làm sao tu đúng được?

Trong đời sống đi xin ăn của đức Phật, đâu phải lúc nào ai cũng tôn kính Ngài. Trong cuộc đời đi xin ăn, Ngài gặp rất nhiều người, họ đã có nhiều lời lẽ thất kính, thô lỗ thế mà Ngài vẫn thản nhiên, như vậy mới gọi là tu tập nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng.

Đoạn đầu trong câu hỏi, con có nêu ra cách sống tùy thuận, đó là lý lẽ qua ngôn ngữ của con, chứ thực ra conkhông có sống tùy thuận với ai cả. Cho nên trong lục hòa có kiến hoà đồng giải, nghĩa là tùy thuận mọi ý kiến củangười khác, đểkhông làm khổ mình, khổ người, đó cũng là một điều tu tập ly dục, ly ác pháp, diệt ngã, xả tâm mình.

Còn đoạn thứ hai câu hỏi của con Thầy đã chỉ dạy ở trên, đó là nghĩa thứ nhất, nhưng nó còn một nghĩa nữa là thanh tịnh và không thanh tịnh, có nghĩa là vật trộm cắp hay không trộm cắp phải không con?

Nếu con biết vật đó là trộm cắp (không thanh tịnh) đem đến cho con thì con phải khéo léo từ chối đừng để mất lòng, hoặc làm người ta buồn; còn nếu vật đó không phải là trộm cắp (thanh tịnh) người ta đem đến cho con, nhưng lòng con còn đang hờn giận, nên từ chối, đó là con không biết cách tu tùy thuận, xả tâm, diệt ngã để làm khổ mình, khổ người, mà còn mang tiếng là sống không hòa đồng.

Cuộc sống tu hành là một cuộc sống tập thể, sống trong tập thể, nhưng giữ gìn đức hạnh trầm lặng và độc cư mới chính là tu. Do đó, chúng ta có những đối tượng để tu nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, nhờ thế chúng ta mới diệt được ngã, xả được tâm, ly được dục và ác pháp, liền ngay đó nhập được Bất Động Tâm và nhập Sơ Thiền, làm chủ đượccuộcsống, tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ.

Người mới tu nếu không sống chung trong tập thể mà chỉ sống ở riêng, độc cư một mình để tu tập, người ấy sẽ không bao giờ ly dục, ly ác pháp được và cũng không thành tựu được chánh định, chánh tuệ, họ sẽ rơi vào tà thiền, tà định và tưởng giải, vì tâm họ còn đầy dẫy dục lạc thế gian, đầy dẫy sự đau khổ trong tâm tư của một con người thế tục. Tu như vậy, chỉ là ức chế tâm, chịu đựng làm khổ mình và khổ người, chẳng ích lợi gì cho ai cả.

Sống không hòa đồng, hòa hợp là không phải nếp sống của người tu sĩ đạo Phật, cho nên kinh dạy tăng là phải sống hòa hợp như nước với sữa,tăng mà sống không hòa hợp là tu sĩ ngoại đạo.

Người tu sĩ đạo Phật có những pháp môn để tu hòa hợp như:

1- Nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả.

2- Sống trong đạo đức làm người thường không làm khổ, mình khổ người.

3- Biết nhẫn nhục bằng trí tuệ nhân quả.

4-Sống tùy thuận, nhưng khéo léo an trú thiện pháp, không bị lôi cuốn vào ác pháp.

5- Bằng lòng tất cả mọi pháp, dù ác hay thiện nhưng xa lìa ác pháp.

Vậy từ đây về sau, con nên sáng suốt đừng để tâm chướng ngại, tạo nên cuộc sống không hòa đồng, hòa hợp. Có được như vậy, mới gọi là tuhạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, chứ đừng lợi dụng danh từ nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng mà tự làm khổ mình, khổ người.

Con nên nhớ, những chị em đang cùng tu đều còn là phàm phu tất cả, nên mọi người ai cũng có cái đúng, cái sai, hãy lấy cái đúng của người mà sửa lại lỗi mình, còn cái sai của người khác thì nên tha thứ họ, đừng cố chấp lấy đó mà tạo cảnh khổ đau cho tâm mình. Đạo Phật là đạo từ bi mà chúng ta không biết tha thứ cho nhau thì làm sao chúng ta xứng đáng là người đệ tử của đức Phật được.

Tha thứ không có nghĩa là tha thứ riêng cho người lầm lỗi, mà chính chúng ta còn tha thứ những điều sai quấy mà chúng ta đã lầm lỗi. Tại sao vậy?

Vì chúng ta sống không hòa hợp như nước với sữa, nên đã sống trái với đạo đức của đạo Phật, tức là chúng ta sống trái với mọi người, trái với lương tâm đạo đức nhân quả của mình.

Sống hòa hợp là sống không chống trái, sống biết tha thứ, sống biết thương yêu nhau, sống chia sẻ với nhau những nổi khổ đau của kiếp sống làm người, phải không hỡi quý vị?

Sống như vậy, mới có nghĩa là sống đạo đức, sống nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng; sống như vậy, mới xứng đáng gọi là tu theo đạo Phật, tu theo đạo giải thoát.

Sống chia rẽ, sống một mình, sống không nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, sống chỉ biết có mình, sống không biết tha thứ, sống như vậy là sống theo kiểu thế gian phàm phu, tục tử, không phải lối sống của người tu sĩ đạo Phật.