Skip directly to content

VII. PHẨM NHỎ - THỨ BẢY

7. 1. KINH BHADDIYA - THỨ NHẤT

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta đang chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đại đức Lakuṇṭakabhaddiyaṃ[3] bằng bài Pháp thoại với nhiều phương thức. Khi ấy, trong lúc đại đức Lakuṇṭakabhaddiyaṃ đang được đại đức Sāriputta chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại với nhiều phương thức, tâm của vị ấy đã không còn chấp thủ và đã giải thoát khỏi các lậu hoặc. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Lakuṇṭakabhaddiyaṃ đang được đại đức Sāriputta chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại với nhiều phương thức, tâm của vị ấy đã không còn chấp thủ và đang được giải thoát khỏi các lậu hoặc.

 

2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Bên trên, bên dưới, tất cả các nơi, người đã được giải thoát

không có sự suy xét rằng: ‘Tôi là cái này.’

 

Người được giải thoát như vậy đã vượt lên dòng chảy

trước đây chưa vượt qua, do việc không còn hiện hữu lại nữa.”

 

 

7. 2. KINH BHADDIYA - THỨ NHÌ

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta, nghĩ rằng đại đức Lakuṇṭakabhaddiyaṃ là vị Hữu Học, nên chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho vị ấy bằng bài Pháp thoại với nhiều phương thức thêm hơn nữa. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Sāriputta, nghĩ rằng đại đức Lakuṇṭakabhaddiyaṃ là vị Hữu Học, đang chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho vị ấy bằng bài Pháp thoại với nhiều phương thức thêm hơn nữa.

 

2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Vị đã cắt đứt vòng luân hồi, đã đạt đến chốn không còn mong mỏi. Dòng nước được khô cạn không còn trôi chảy. Vòng luân hồi đã bị cắt đứt không còn xoay vòng; chính điều này là sự chấm dứt của khổ.”

 

 

7. 3. KINH BỊ DÍNH MẮC

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, trong thành Sāvatthi dân chúng phần nhiều bị dính mắc quá mức vào các dục; họ sống, bị luyến ái, bị thèm khát, bị buộc trói, bị mê mẩn, bị gần gũi, bị sanh khởi sự say đắm vào các dục. Khi ấy, vào buổi sáng nhiều vị tỳ khưu đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, các vị đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây trong thành Sāvatthi dân chúng phần nhiều bị dính mắc quá mức vào các dục; họ sống, bị luyến ái, bị thèm khát, bị buộc trói, bị mê mẩn, bị gần gũi, bị sanh khởi sự say đắm vào các dục.”

 

2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Bị dính mắc vào các dục, bị dính mắc do sự dính líu vào các dục, trong khi không nhìn thấy tội lỗi ở sự ràng buộc, những người bị dính mắc do sự dính líu vào các sự ràng buộc, chắc chắn không thể vượt qua dòng chảy bao la rộng lớn.”

 

 

7. 4. KINH BỊ DÍNH MẮC - THỨ NHÌ

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, trong thành Sāvatthi dân chúng phần nhiều bị dính mắc vào các dục; họ sống, bị luyến ái, bị thèm khát, bị buộc trói, bị mê mẩn, bị gần gũi, bị làm thành mù quáng, bị sanh khởi sự say đắm vào các dục. Khi ấy, vào buổi sáng đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy trong thành Sāvatthi dân chúng ấy phần nhiều bị dính mắc vào các dục; họ đang sống, bị luyến ái, bị thèm khát, bị buộc trói, bị mê mẩn, bị gần gũi, bị làm thành mù quáng, bị sanh khởi sự say đắm vào các dục.

 

2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Bị mù quáng bởi dục vọng, bị bao trùm bởi tấm lưới, bị che đậy bởi tấm choàng tham ái, bị trói buộc bởi kẻ thân quyến lơ đễnh (Ma Vương), tựa như những con cá ở nơi cửa miệng của tấm lưới,[4] chúng đi đến già và chết, tựa như con bê bú sữa mẹ.”

 

 

7. 5. KINH LAKUṆṬAKABHADDIYA

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Lakuṇṭaka-bhaddiya, theo sau nhiều vị tỳ khưu, đã đi đến gặp đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Lakuṇṭakabhaddiya từ ở đằng xa, đang đi theo sau nhiều vị tỳ khưu, xấu tướng, khó nhìn, có vẻ bị xem thường bởi phần đông các vị tỳ khưu. Sau khi nhìn thấy, đức Thế Tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, các ngươi có nhìn thấy vị tỳ khưu này từ ở đằng xa, đang đi theo sau nhiều vị tỳ khưu, xấu tướng, khó nhìn, có vẻ bị xem thường bởi phần đông các vị tỳ khưu?”

 

2. “Bạch Ngài, đúng vậy.” “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu này có đại thần lực, có đại oai lực. Và sự chứng đạt nào còn chưa được vị tỳ khưu ấy chứng đạt trước đây thì sự chứng đạt ấy không phải là dễ dàng đạt được. Vị ấy, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình, chứng ngộ, đạt đến, và an trú vào cứu cánh tối thượng của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà.”

 

3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Không chút lỗi lầm, có mái che màu trắng, chiếc xe có một căm lăn bánh. Hãy nhìn vị đang từ từ đi đến, vị không phiền muộn, có dòng chảy đã bị chặt đứt, không còn sự trói buộc.”[5]

 

 

7. 6. KINH DIỆT TRỪ THAM ÁI

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Aññāta-koṇḍañña ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang quán xét lại sự giải thoát do diệt tận tham ái. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Aññātakoṇḍañña ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang quán xét lại sự giải thoát do diệt tận tham ái.

 

2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
 

 “Đối với người nào không có các rễ cây, nền đất, không có các lá cây, từ đâu mà có dây leo? Ai có khả năng để chê trách bậc sáng trí ấy, là vị đã được thoát khỏi sự trói buộc; chư Thiên cũng ca ngợi vị ấy, vị ấy còn được ca ngợi bởi đấng Phạm Thiên nữa.”

 

 

7. 7. KINH DIỆT TRỪ CHƯỚNG NGẠI

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang ngồi quán xét lại sự dứt bỏ các phần chướng ngại và tưởng của bản thân.

 

2. Khi ấy, sau khi biết được sự dứt bỏ các phần chướng ngại và tưởng của bản thân, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Đối với vị nào, các chướng ngại và sự tồn tại (ở luân hồi) là không có, vị đã vượt lên trên sợi xích (tham ái) và thanh chắn (tà kiến), thế gian luôn cả chư Thiên không coi thường vị hiền trí ấy, vị đang sống không còn tham ái.”

 

 

7. 8. KINH KACCĀNA

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahākaccāna ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, với niệm hướng đến thân đã khéo được thiết lập luôn hiện diện ở nội phần. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Mahākaccāna ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, với niệm hướng đến thân đã khéo được thiết lập luôn hiện diện ở nội phần.

 

2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Đối với vị nào, niệm hướng đến thân có thể được thiết lập thường xuyên vào mọi lúc (rằng): ‘Nó không có và nó không là của tôi,[6] nó sẽ không có và nó sẽ không là của tôi,’ với sự an trú theo tuần tự tại nơi ấy, vào đúng thời điểm vị ấy có thể vượt qua sự vướng mắc (tham ái).”

 

 

7. 9. KINH GIẾNG NƯỚC

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn, trong khi đi du hành ở xứ sở của những người Mallā cùng với đại chúng tỳ khưu, đã ngự đến ngôi làng Bà-la-môn của những người Mallā có tên là Thūna. Các Bà-la-môn và các gia chủ ở Thūna đã nghe rằng: “Chắn chắn là Ngài Sa-môn Gotama, con trai dòng Sakya, từ dòng dõi Sakya đã xuất gia, trong khi đi du hành ở xứ sở của những người Mallā cùng với đại chúng tỳ khưu, đã ngự đến Thūna.” Họ đã cho lấp đầy cái giếng lên đến miệng với cỏ và vỏ trấu (nghĩ rằng): “Chớ để các Sa-môn đầu trọc ấy uống nước.”

 

2. Khi ấy, đức Thế Tôn đã rời con đường lộ rồi đi đến gần gốc cây nọ, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt sẵn. Sau khi đã ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy ngươi hãy đem lại cho Ta nước uống từ cái giếng kia.” Khi được nói như vậy, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, giờ đây cái giếng ấy đã bị lấp đầy lên đến miệng với cỏ và vỏ trấu bởi các Bà-la-môn và các gia chủ ở Thūna (nghĩ rằng): ‘Chớ để các Sa-môn đầu trọc ấy uống nước.’” Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy —như trên— uống nước.” Đến lần thứ ba, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy ngươi hãy đem lại cho Ta nước uống từ cái giếng này.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã cầm lấy cái bình bát đi đến gần cái giếng ấy.

 

3. Sau đó, trong khi đại đức Ānanda đang đi đến gần, cái giếng ấy đã tống ra khỏi miệng tất cả cỏ và vỏ trấu ấy, và đã được ổn định, được tràn đầy lên đến miệng với nước trong sạch, không bị vẩn đục, tinh khiết, tưởng chừng như đang trào ra. Khi ấy, đại đức Ānanda đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ diệu! Thật là phi thường! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bởi vì trong khi ta đang đi đến gần, cái giếng này đây đã tống ra khỏi miệng tất cả cỏ và vỏ trấu ấy, và đã được ổn định, được tràn đầy lên đến miệng với nước trong sạch, không bị vẩn đục, tinh khiết, tưởng chừng như đang trào ra.” Sau khi lấy nước uống bằng cái bình bát, đại đức Ānanda đã đi gặp đến đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thật là kỳ diệu! Bạch Ngài, thật là phi thường! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bạch Ngài, bởi vì trong khi con đang đi đến gần, cái giếng này đây đã tống ra khỏi miệng tất cả cỏ và vỏ trấu ấy, và đã được ổn định, được tràn đầy lên đến miệng với nước trong sạch, không bị vẩn đục, tinh khiết, tưởng chừng như đang trào ra. Xin đức Thế Tôn hãy uống nước, xin đấng Thiện Thệ hãy uống nước.”

 

2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Có thể làm gì với cái giếng nếu nước uống luôn luôn có sẵn? Sau khi đã chặt đứt tham ái tận gốc rễ, tại sao lại đi lang thang tìm kiếm?

 

 

7. 10. KINH UDENA

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Kosambī, ở tu viện Ghosita. Vào lúc bấy giờ, khi đức vua Udena đi đến vườn hoa thì nội cung của đức vua bị cháy, và năm trăm nữ nhân đứng đầu là Sāmāvatī đã bị chết. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu vào buổi sáng đã quấn y (nội), cầm lấy bình bát và y, rồi đã đi vào thành Kosambī để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Kosambī, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây khi đức vua Udena đi đến vườn hoa thì nội cung của đức vua bị cháy, và năm trăm nữ nhân đứng đầu là Sāmāvatī đã bị chết. Bạch Ngài, cảnh giới tái sanh của các nữ cư sĩ ấy là gì? Đời sau của các nữ cư sĩ ấy là gì?”

 

2. “Này các tỳ khưu, ở đây có những nữ cư sĩ là các bậc Nhập Lưu, là các bậc Nhất Lai, là các bậc Bất Lai. Này các tỳ khưu, tất cả các nàng ấy chết không phải là không có kết quả.”

 

3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Thế gian với sự trói buộc của si mê được thấy như là có khả năng, kẻ ngu với sự trói buộc của mầm tái sanh bị bao quanh bởi bóng tối, nó (tự ngã) được xem tựa như có sự trường tồn; đối với người nhìn thấy thì không có bất cứ gì.”

 

Phẩm Nhỏ là thứ bảy.

 

 

TÓM LƯỢC PHẦN NÀY

 

Hai chuyện Bhaddiya, và hai chuyện bị dính mắc, vị Lakuṇṭaka, sự diệt tận ái, sự diệt tận chướng ngại, và vị Kaccāna, giếng nước, và vua Udena.

 

--ooOoo--