Skip directly to content

IV. PHẨM MEGHIYA - THỨ TƯ

4. 1. KINH MEGHIYA

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Cālikā, ở núi Cālika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Meghiya là thị giả của đức Thế Tôn. Khi ấy, đại đức Meghiya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Meghiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, con muốn đi vào làng Jantu để khất thực.” “Này Meghiya, ngươi hãy biết giờ này là thời điểm của việc nào.”

 

2. Sau đó, vào buổi sáng đại đức Meghiya đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào làng Jantu để khất thực. Sau khi đi khất thực ở làng Jantu, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đại đức Meghiya đã đi đến bờ sông Kimikālā. Sau khi đi đến và trong khi đi kinh hành, trong khi đi lang thang để thư giãn ống chân ở bờ sông Kimikālā, đại đức Meghiya đã nhìn thấy khu rừng xoài đáng mến, đáng yêu, sau khi nhìn thấy đã khởi ý điều này: “Khu rừng xoài này quả thật đáng mến, đáng yêu! Nơi này quả thật thích hợp cho việc nỗ lực của người con trai gia đình cao quý, là người mong muốn sự nỗ lực. Nếu đức Thế Tôn cho phép ta, thì ta có thể đi đến khu rừng xoài này cho việc nỗ lực.”

 

3. Sau đó, đại đức Meghiya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Meghiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây vào buổi sáng, con đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào làng Jantu để khất thực. Sau khi đi khất thực ở làng Jantu, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, con đã đi đến bờ sông Kimikālā. Sau khi đi đến và trong khi đi kinh hành, trong khi đi lang thang để thư giãn ống chân ở bờ sông Kimikālā, con đã nhìn thấy khu rừng xoài đáng mến, đáng yêu, sau khi nhìn thấy con đã khởi ý điều này: ‘Khu rừng xoài này quả thật đáng mến, đáng yêu! Nơi này quả thật thích hợp cho việc nỗ lực của người con trai gia đình cao quý, là người mong muốn sự nỗ lực. Nếu đức Thế Tôn cho phép ta, thì ta có thể đi đến khu rừng xoài này cho việc nỗ lực.’ Bạch Ngài, nếu đức Thế Tôn cho phép con, thì con có thể đi đến khu rừng xoài này cho việc nỗ lực.”

 

4. Khi được nghe nói vậy, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Meghiya điều này: “Này Meghiya, chúng ta là đơn độc. Ngươi hãy chờ cho đến lúc có vị tỳ khưu nào khác đi đến.” Đến lần thứ nhì, đại đức Meghiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đối với đức Thế Tôn thì không có bất cứ việc cần phải làm thêm nữa, hoặc không có sự tích lũy thêm đối với việc đã làm. Bạch Ngài, trái lại đối với con thì có việc cần phải làm thêm nữa, hoặc có sự tích lũy thêm đối với việc đã làm. Bạch Ngài, nếu đức Thế Tôn cho phép con, thì con có thể đi đến khu rừng xoài này cho việc nỗ lực.” Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Meghiya điều này: “Này Meghiya, chúng ta là đơn độc. Ngươi hãy chờ cho đến lúc có vị tỳ khưu nào khác đi đến.” Đến lần thứ ba, đại đức Meghiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đối với đức Thế Tôn thì không có bất cứ việc gì thêm nữa cần phải làm, hoặc không có sự tích lũy thêm đối với việc đã làm. Bạch Ngài, trái lại đối với con thì có việc thêm nữa cần phải làm, hoặc có sự tích lũy thêm đối với việc đã làm. Bạch Ngài, nếu đức Thế Tôn cho phép con, thì con có thể đi đến khu rừng xoài này cho việc nỗ lực.”

 

5. “Này Meghiya, trong khi ngươi nói về ‘sự nỗ lực’ thì chúng ta có thể nói gì? Này Meghiya, ngươi hãy biết giờ này là thời điểm của việc nào.” Khi ấy, đại đức Meghiya đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đã đi đến khu rừng xoài ấy, sau khi đến đã đi sâu vào khu rừng xoài rồi đã ngồi xuống nghỉ trưa ở gốc cây nọ. Sau đó, trong khi đại đức Meghiya đang trú ở khu rừng xoài ấy, ba ác bất thiện tầm, tức là: ‘dục tầm, sân tầm, hại tầm,’ thường xuyên khởi lên cho vị ấy. Khi ấy, đại đức Meghiya đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ lạ! Thật là bất thường! Quả thật ta đã vì niềm tin rời nhà xuất gia sống không nhà, vậy mà ta lại bị ám ảnh bởi ba ác bất thiện tầm này, tức là: ‘bởi dục tầm, bởi sân tầm, bởi hại tầm.’”

 

6. Sau đó vào buổi chiều, đại đức Meghiya, xuất khỏi thiền tịnh, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Meghiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây trong khi con đang trú ở khu rừng xoài ấy, ba ác bất thiện tầm, tức là: ‘dục tầm, sân tầm, hại tầm,’ thường xuyên xảy đến với con. Khi ấy, con đây đã khởi ý điều này: ‘Thật là kỳ lạ! Thật là bất thường! Quả thật ta đã vì niềm tin rời nhà xuất gia sống không nhà, vậy mà ta lại bị ám ảnh bởi ba ác bất thiện tầm này, tức là: bởi dục tầm, bởi sân tầm, bởi hại tầm.’”

 

7. “Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, có năm pháp đưa đến sự chín muồi. Năm pháp nào? Này Meghiya, ở đây vị tỳ khưu có bạn hữu tốt lành, có bạn đồng hành tốt lành, có bạn thâm niên tốt lành. Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, đây là pháp thứ nhất đưa đến sự chín muồi.

 

Và này Meghiya, còn có pháp khác nữa, vị tỳ khưu là người có giới, sống thu thúc với sự thu thúc trong giới bổn Pātimokkha, được thành tựu về hạnh kiểm và hành xứ, thấy sự sợ hãi trong các tội nhỏ nhặt, thọ trì và thực hành trong các điều học. Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, đây là pháp thứ nhì đưa đến sự chín muồi.

 

Và này Meghiya, còn có pháp khác nữa, lời nói nào liên quan đến việc giảm thiểu, thuận lợi cho việc khơi mở tâm, đưa đến sự hoàn toàn nhàm chán, đến việc xa lìa luyến ái, đến sự tịch diệt, đến sự tịch tịnh, đến thắng trí, đến sự giác ngộ, đến Niết-bàn, tức là lời nói về ít ham muốn, lời nói về sự tự biết đủ, lời nói về sự tách ly, lời nói về sự không kết giao, lời nói về việc khởi sự tinh tấn, lời nói về giới, lời nói về định, lời nói về tuệ, lời nói về giải thoát, lời nói về trí tuệ và nhận thức về sự giải thoát; với lời nói có hình thức như thế thì vị tỳ khưu có sự đạt được theo như ước muốn, có sự đạt được không mệt nhọc, có sự đạt được không khó khăn. Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, đây là pháp thứ ba đưa đến sự chín muồi.

 

Và này Meghiya, còn có pháp khác nữa, vị tỳ khưu sống có sự ra sức tinh tấn nhằm dứt bỏ các bất thiện pháp, nhằm thành tựu các thiện pháp, có sự kiên định, có sự ra sức vững chãi, không buông bỏ nhiệm vụ đối với các thiện pháp. Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, đây là pháp thứ tư đưa đến sự chín muồi.

 

Và này Meghiya, còn có pháp khác nữa, vị tỳ khưu có tuệ hướng đến sự sanh diệt, đầy đủ tuệ cho việc thấu triệt thánh thiện hướng đến sự diệt tận khổ đau một cách đúng đắn. Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, đây là pháp thứ năm đưa đến sự chín muồi.

 

Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, năm pháp này đưa đến sự chín muồi.

 

8. Này Meghiya, điều này là được trông đợi đối với vị tỳ khưu có bạn hữu tốt lành, có bạn đồng hành tốt lành, có bạn thâm niên tốt lành là việc sẽ là người có giới, sẽ sống thu thúc với sự thu thúc trong giới bổn Pātimokkha, được thành tựu về hạnh kiểm và hành xứ, thấy sự sợ hãi trong các tội nhỏ nhặt, sẽ thọ trì và thực hành trong các điều học.

 

Này Meghiya, điều này là được trông đợi đối với vị tỳ khưu có bạn hữu tốt lành, có bạn đồng hành tốt lành, có bạn thâm niên tốt lành là lời nói nào liên quan đến việc giảm thiểu, thuận lợi cho việc khơi mở tâm, đưa đến sự hoàn toàn nhàm chán, đến việc xa lìa luyến ái, đến sự tịch diệt, đến sự tịch tịnh, đến thắng trí, đến sự giác ngộ, đến Niết-bàn, tức là lời nói về ít ham muốn, lời nói về sự tự biết đủ, lời nói về sự tách ly, lời nói về sự không kết giao, lời nói về việc khởi sự tinh tấn, lời nói về giới, lời nói về định, lời nói về tuệ, lời nói về giải thoát, lời nói về trí tuệ và nhận thức về sự giải thoát; với lời nói có hình thức như thế thì vị tỳ khưu sẽ có sự đạt được theo như ước muốn, có sự đạt được không mệt nhọc, có sự đạt được không khó khăn.

 

Này Meghiya, điều này là được trông đợi đối với vị tỳ khưu có bạn hữu tốt lành, có bạn đồng hành tốt lành, có bạn thâm niên tốt lành là sẽ có sự ra sức tinh tấn nhằm dứt bỏ các bất thiện pháp, nhằm thành tựu các thiện pháp, có sự kiên định, có sự ra sức vững chãi, không buông bỏ nhiệm vụ đối với các thiện pháp.

 

Này Meghiya, điều này là được trông đợi đối với vị tỳ khưu có bạn hữu tốt lành, có bạn đồng hành tốt lành, có bạn thâm niên tốt lành là việc sẽ có tuệ hướng đến sự sanh diệt, được đầy đủ tuệ hướng đến sự diệt tận khổ đau một cách đúng đắn đối với việc thấu triệt của bậc Thánh.

 

Và này Meghiya, hơn nữa vị tỳ khưu ấy sau khi thiết lập ở năm pháp này, nên tu tập bốn pháp thêm nữa, nên tu tập về bất tịnh nhằm dứt bỏ luyến ái, nên tu tập từ ái nhằm dứt bỏ sân hận, nên tu tập niệm hơi thở vào hơi thở ra nhằm cắt đứt tầm, nên tu tập tưởng vô thường nhằm thủ tiêu ngã mạn ‘tôi là.’ Này Meghiya, đối với vị có tưởng vô thưởng thì tưởng vô ngã được vững trú, vị có tưởng vô ngã thì đạt được việc thủ tiêu ngã mạn ‘tôi là,’ (đạt được) Niết Bàn ngay trong đời hiện tại.”

 

9. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Các suy tư nhỏ nhoi, các suy tư vi tế được đeo đuổi là các sự trỗi dậy của tâm. Người không biết được các suy tư này của tâm, chạy từ nơi này đến nơi khác, có tâm rối loạn.

 

Và sau khi biết được các suy tư này của tâm, người có nhiệt tâm, có niệm, thu thúc các suy tư đã được đeo đuổi, các sự trỗi dậy của tâm; bậc giác ngộ đã dứt bỏ chúng không còn dư sót.”

 

 

4. 2. KINH NÁO ĐỘNG

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Kusinārā, ở Upavattana, khu rừng cây sālā của xứ Malla. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu trú ngụ trong các chòi nhỏ trong rừng ở nơi không xa đức Thế Tôn, náo động, khoác lác, lao chao, lắm mồm, có lời nói linh tinh, thất niệm, không có sự tỉnh giác, không được định tĩnh, có tâm bị tán loạn, có các giác quan buông thả.

 

2. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy nhiều vị tỳ khưu ấy đang trú ngụ trong các chòi nhỏ trong rừng ở nơi không xa, náo động, khoác lác, lao chao, lắm mồm, có lời nói linh tinh, thất niệm, không có sự tỉnh giác, không được định tĩnh, có tâm bị tán loạn, có các giác quan buông thả.

 

3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Do thân không được phòng hộ, và do đã đi theo tà kiến, do bị ngự trị bởi dã dượi và buồn ngủ, người sa vào quyền lực của Ma Vương.

 

Vì thế, nên là người có tâm đã được phòng hộ, có chánh tư duy là hành xứ, là người ngự trị dã dượi và buồn ngủ, vị tỳ khưu từ bỏ mọi cảnh giới tái sanh xấu xa.”

 

 

4. 3. KINH NGƯỜI CHĂN BÒ

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn đi du hành ở xứ sở của những người Kosala cùng với đại chúng tỳ khưu. Khi ấy, đức Thế Tôn đã rời con đường lộ rồi đi đến gần gốc cây nọ, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt sẵn. Sau đó, có người chăn bò nọ đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi người chăn bò đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người chăn bò ấy bằng bài Pháp thoại.

 

2. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, người chăn bò ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, người chăn bò ấy hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, khi trải qua đêm ấy, người chăn bò ấy đã cho chuẩn bị dồi dào cơm sữa ráo nước và bơ lỏng mới tại tư gia, rồi cho thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn: “Bạch Ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.”

 

3. Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm bình bát và y cùng với hội chúng tỳ khưu đi đến tư gia của người chăn bò ấy, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Sau đó, người chăn bò ấy đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với cơm sữa ráo nước và bơ lỏng mới. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong, bàn tay đã rời khỏi bình bát, người chăn bò ấy đã cầm lấy một chiếc ghế thấp nào đó và đã ngồi xuống ở một bên. Khi người chăn bò đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người chăn bò ấy bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Sau đó, trong khi đức Thế Tôn ra đi không bao lâu, một người đàn ông nọ đã đoạt lấy mạng sống của người chăn bò ấy tại khu vực giáp ranh.

 

4. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, người chăn bò hôm nay đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với cơm sữa ráo nước và bơ lỏng mới, bạch Ngài, nghe nói người chăn bò ấy đã bị một người đàn ông nọ đoạt lấy mạng sống tại khu vực giáp ranh.”

 

5. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Việc nào mà kẻ địch có thể làm đối với kẻ địch, hoặc kẻ thù (có thể làm) đối với kẻ thù, thì tâm thiên về sự sai tráī có thể làm điều ác xấu đến người ấy còn hơn việc ấy (hai việc trên) nữa.”

 

 

4. 4. KINH THƯỢNG HUYỀN

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta và đại đức Mahāmoggallāna ngụ tại Kapotakandarā.[1] Lúc bấy giờ, vào đêm trăng sáng đại đức Sāriputta ngồi ở ngoài trời với tóc vừa mới được cạo và đã thể nhập vào một trạng thái định nào đó. Vào lúc bấy giờ, có hai Dạ Xoa là bạn đồng hành di chuyển từ hướng Bắc về hướng Nam vì công việc cần làm nào đó. Các Dạ Xoa ấy đã nhìn thấy đại đức Sāriputta vào đêm trăng sáng ngồi ở ngoài trời với tóc vừa mới được cạo. Sau khi nhìn thấy, một Dạ Xoa đã nói với Dạ Xoa thứ hai điều này: “Này bạn, bỗng nhiên tôi muốn giáng một cú đánh vào đầu của vị Sa-môn này.” Khi được nói như vậy, Dạ Xoa kia đã nói với Dạ Xoa ấy điều này: “Này bạn, đủ rồi! Chớ công kích vị Sa-môn. Này bạn, vị Sa-môn này cao cả, có đại thần lực, có đại oai lực.” Đến lần thứ nhì, Dạ Xoa ấy đã nói với Dạ Xoa kia điều này: “Này bạn, bỗng nhiên tôi muốn giáng một cú đánh vào đầu của vị Sa-môn này.” Đến lần thứ nhì, Dạ Xoa kia đã nói với Dạ Xoa ấy điều này: “Này bạn, đủ rồi! Chớ công kích vị Sa-môn. Này bạn, vị Sa-môn này cao cả, có đại thần lực, có đại oai lực.” Đến lần thứ ba, Dạ Xoa ấy đã nói với Dạ Xoa kia điều này: “Này bạn, bỗng nhiên tôi muốn giáng một cú đánh vào đầu của vị Sa-môn này.” Đến lần thứ ba, Dạ Xoa kia đã nói với Dạ Xoa ấy điều này: “Này bạn, đủ rồi! Chớ công kích vị Sa-môn. Này bạn, vị Sa-môn này cao cả, có đại thần lực, có đại oai lực.”

 

2. Khi ấy, Dạ Xoa ấy không đếm xỉa đến Dạ Xoa kia và đã giáng một cú đánh vào đầu của đại đức Sāriputta. Cú đánh đã mạnh đến mức thậm chí bằng cú đánh ấy có thể nhấn chìm (vào lòng đất) con long tượng cao bảy ratana[2] hoặc bảy ratana rưỡi, hay phá vỡ chóp đỉnh của ngọn núi lớn. Thế mà khi ấy, Dạ Xoa ấy (đã thét lên): “Tôi bị đốt cháy, tôi bị đốt cháy,” rồi ngay tại chỗ ấy đã rơi xuống đại địa ngục.

 

3. Đại đức Mahāmoggallāna với Thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người đã nhìn thấy cú đánh đang giáng vào đầu của đại đức Sāriputta bởi Dạ Xoa ấy, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp đại đức Sāriputta, sau khi đến đã nói với đại đức Sāriputta điều này: “Này đại đức, sức khoẻ của đại đức có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Không có khổ sở gì phải không?” “Này đại đức Mahāmoggallāna, sức khoẻ của tôi khá. Này đại đức Mahāmoggallāna, mọi việc của tôi được tốt đẹp.[3] Tuy nhiên, có sự khó chịu chút ít ở đầu của tôi.”

 

4. “Này đại đức Sāriputta, thật là kỳ diệu! Này đại đức Sāriputta, thật là phi thường! Đại đức Sāriputta có đại thần lực, có đại oai lực đến như thế! Này đại đức Sāriputta, ở đây một Dạ Xoa nào đó đã giáng cú đánh vào đầu của đại đức. Cú đánh đã mạnh đến mức thậm chí bằng cú đánh ấy có thể nhấn chìm (vào lòng đất) con long tượng cao bảy ratana hoặc bảy ratana rưỡi, hay phá vỡ chóp đỉnh của ngọn núi lớn. Trái lại, đại đức Sāriputta đã nói như vầy: “Này đại đức Mahāmoggallāna, sức khoẻ của tôi khá. Này đại đức Mahāmoggallāna, mọi việc của tôi được tốt đẹp. Tuy nhiên, có sự khó chịu chút ít ở đầu của tôi.” “Này đại đức Mahāmoggallāna, thật là kỳ diệu! Này đại đức Mahāmoggallāna, thật là phi thường! Đại đức Mahāmoggallāna có đại thần lực, có đại oai lực đến như thế! Bởi vì vị ấy thật sự nhìn thấy ngay cả loài Dạ Xoa, trái lại chúng tôi hiện giờ cũng không nhìn thấy được loài quỷ đói ở đống rác.” Đức Thế Tôn với Thiên nhĩ giới thanh tịnh vượt trội loài người đã nghe được cuộc trò chuyện trao đổi có hình thức như thế này của cả hai bậc đại long tượng ấy.

 

5. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Tâm của người nào giống như tảng đá, đứng yên, không rung động, không luyến ái ở các vật đáng bị luyến ái, không bị bực tức đối với việc đáng bị bực tức? Tâm của người nào được tu tập như vậy, do đâu khổ đau sẽ đến với người ấy?

 

 

4. 5. KINH LONG TƯỢNG

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Kosambī, ở tu viện Ghosita. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn sống bị quấy rầy bởi các tỳ khưu, bởi các tỳ khưu ni, bởi các nam cư sĩ, bởi các nữ cư sĩ, bởi các vị vua, bởi các quan đại thần của vua, bởi các ngoại đạo, bởi các đệ tử của ngoại đạo. Bị quấy rầy, đức Thế Tôn sống không an lạc, không thoải mái.

 

2. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Hiện nay, Ta sống bị quấy rầy bởi các tỳ khưu, bởi các tỳ khưu ni, bởi các nam cư sĩ, bởi các nữ cư sĩ, bởi các vị vua, bởi các quan đại thần của vua, bởi các ngoại đạo, bởi các đệ tử của ngoại đạo. Bị quấy rầy, Ta sống không an lạc, không thoải mái. Có lẽ Ta nên sống một mình, tách ra khỏi đám đông?”

 

3. Sau đó vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội) rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Kosambī để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Kosambī, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đức Thế Tôn đã tự mình thu dọn chỗ trú ngụ rồi cầm lấy bình bát và y, không nói cho các thị giả biết, không thông báo cho hội chúng tỳ khưu, một mình, không người thứ hai, ra đi du hành đến Pārileyyaka. Trong khi tuần tự du hành, Ngài đã ngự đến Pārileyyaka. Tại đó, đức Thế Tôn ngụ tại Pārileyyaka, ở khu rừng cây được bảo vệ, nơi gốc cây sālā xinh đẹp.

 

4. Cũng có con long tượng nọ sống bị quấy rầy bởi những con voi đực, bởi những con voi cái, bởi những con voi tơ, bởi những con voi bé. Nó còn phải phải nhai các thứ cỏ đã bị đứt ngọn. Chúng nhai các nhánh cây đã được nó bẻ gãy lượt này lượt khác. Và nó uống các thứ nước đã bị khuấy đục. Khi nó vượt qua dòng sông cạn thì những con voi cái chạy lại cọ xát vào thân. Bị quấy rầy, nó sống không an lạc, không thoải mái. Khi ấy, con long tượng ấy đã khởi ý điều này: “Hiện nay, ta sống bị quấy rầy bởi những con voi đực, bởi những con voi cái, bởi những con voi tơ, bởi những con voi bé. Ta còn phải nhai các thứ cỏ đã bị đứt ngọn. Chúng nhai các nhánh cây đã được ta bẻ gãy lượt này lượt khác. Và ta uống các thứ nước đã bị khuấy đục. Khi ta vượt qua dòng sông cạn thì những con voi cái chạy lại cọ xát vào thân. Bị quấy rầy, ta sống không an lạc, không thoải mái. Có lẽ ta nên sống một mình, tách ra khỏi đám đông?”

 

5. Sau đó, con long tượng ấy đã tách khỏi bầy đi đến Pārileyyaka, chỗ khu rừng cây được bảo vệ, nơi gốc cây sālā xinh đẹp, gần bên đức Thế Tôn. Tại đó, ở khu vực nào đức Thế Tôn trú ngụ, con long tượng ấy dọn dẹp khu vực ấy bớt đi cây cỏ, rồi dùng vòi cung cấp nước uống và nước rửa đến đức Thế Tôn.

 

6. Sau đó, đức Thế Tôn trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Trước đây, Ta đã sống bị quấy rầy bởi các tỳ khưu, bởi các tỳ khưu ni, bởi các nam cư sĩ, bởi các nữ cư sĩ, bởi các vị vua, bởi các quan đại thần của vua, bởi các ngoại đạo, bởi các đệ tử của ngoại đạo. Bị quấy rầy, Ta đã sống không an lạc, không thoải mái. Hiện nay, Ta sống không bị quấy rầy bởi các tỳ khưu, bởi các tỳ khưu ni, bởi các nam cư sĩ, bởi các nữ cư sĩ, bởi các vị vua, bởi các quan đại thần của vua, bởi các ngoại đạo, bởi các đệ tử của ngoại đạo. Không bị quấy rầy, Ta sống an lạc, thoải mái.”

 

7. Luôn cả con long tượng ấy cũng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Trước đây, ta đã sống bị quấy rầy bởi những con voi đực, bởi những con voi cái, bởi những con voi tơ, bởi những con voi bé. Ta đã phải nhai các thứ cỏ đã bị đứt ngọn. Chúng đã nhai các nhánh cây đã được ta bẻ gãy lượt này lượt khác. Và ta đã uống các thứ nước đã bị khuấy đục. Khi ta vượt qua dòng sông cạn thì những con voi cái đã chạy lại cọ xát vào thân. Bị quấy rầy, ta đã sống không an lạc, không thoải mái. Hiện nay, ta sống không bị quấy rầy bởi những con voi đực, bởi những con voi cái, bởi những con voi tơ, bởi những con voi bé. Ta nhai các thứ cỏ còn chưa bị đứt ngọn. Chúng không nhai các nhánh cây đã được ta bẻ gãy lượt này lượt khác. Và ta đã uống các thứ nước không bị khuấy đục. Khi ta vượt qua dòng sông cạn thì không có những con voi cái chạy lại cọ xát vào thân. Không bị quấy rầy, ta sống an lạc, thoải mái.”

 

8. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi nhận biết sự tách ly của bản thân đã dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của con long tượng ấy, rồi vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Tâm của con Long tượng, là con voi có ngà dài, cùng với chúa loài người có tâm được tương đồng về việc một mình vui thích ở khu rừng.”

 

 

4. 6. KINH PIṆḌOLA

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Piṇḍolabhāradvāja ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, là vị ngụ ở rừng, chuyên đi khất thực, chỉ mặc y may bằng vải bị quăng bỏ, chỉ sử dụng ba y, ít ham muốn, tự biết đủ, sống tách ly, không kết giao, có sự ra sức tinh tấn, nói về hạnh từ khước, gắn bó với tăng thượng tâm.

 

2. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Piṇḍolabhāradvāja ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, là vị ngụ ở rừng, chuyên đi khất thực, chỉ mặc y may bằng vải bị quăng bỏ, chỉ sử dụng ba y, ít ham muốn, tự biết đủ, sống tách ly, không kết giao, có sự ra sức tinh tấn, nói về hạnh từ khước, gắn bó với tăng thượng tâm.

 

3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

 “Sự không phỉ báng, sự không giết hại, sự thu thúc trong giới bổn Pātimokkha, sự biết đủ về vật thực, chỗ nằm ngồi thanh vắng, và sự gắn bó vào tăng thượng tâm, điều này là lời giáo huấn của chư Phật.”

 

 

4. 7. KINH SĀRIPUTTA

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, là vị ít ham muốn, tự biết đủ, sống tách ly, không kết giao, có sự ra sức tinh tấn, nói về hạnh từ khước, gắn bó với tăng thượng tâm. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Sāriputta ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, là vị ngụ ở rừng, chuyên đi khất thực, chỉ mặc y may bằng vải bị quăng bỏ, chỉ sử dụng ba y, ít ham muốn, tự biết đủ, sống tách ly, không kết giao, có sự ra sức tinh tấn, nói về hạnh từ khước, gắn bó với tăng thượng tâm.

 

2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Đối với vị hiền trí có tăng thượng tâm, không bị xao lãng, đang rèn luyện trong các đạo lộ trí tuệ, an tịnh, luôn có niệm, các sự sầu muộn không hiện hữu ở vị như thế ấy.”[4]

 

 

4. 8. KINH SUNDARĪ

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Hội chúng tỳ khưu cũng được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Trái lại, các du sĩ ngoại đạo không được tôn vinh, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường, không được nể nang, không nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh.

 

2. Khi ấy, các du sĩ ngoại đạo ấy không chịu đựng nỗi sự tôn vinh đối với đức Thế Tôn và đối với hội chúng tỳ khưu nên đã đi đến gặp nữ du sĩ ngoại đạo Sundarī, sau khi đến đã nói với nữ du sĩ ngoại đạo Sundarī điều này: “Này chị gái, chị có khả năng làm việc lợi ích cho thân quyến không?” “Thưa các ngài, tôi làm việc gì? Điều gì mà tôi không có thể làm? Thậm chí mạng sống tôi còn buông bỏ cho việc lợi ích của thân quyến.”

 

3. “Này chị gái, chính vì việc ấy chị hãy thường xuyên đi đến Jetavana.” “Thưa các ngài, xin vâng.” Nữ du sĩ ngoại đạo Sundarī nghe theo các du sĩ ngoại đạo ấy đã thường xuyên đi đến Jetavana. Đến khi các du sĩ ngoại đạo ấy đã biết rằng: “Việc nữ du sĩ ngoại đạo Sundarī thường xuyên đi đến Jetavana đã được nhiều người nhìn thấy rõ ràng,” khi ấy đã cho người đoạt lấy mạng sống của nàng rồi chôn xuống ngay tại chỗ ấy, ở cái hố của đường mương, sau đó đã đi đến gặp đức vua Pasenadi xứ Kosala, sau khi đến đã nói với đức vua Pasenadi xứ Kosala điều này: “Tâu đại vương, chúng tôi không nhìn thấy nữ du sĩ Sundarī.” “Vậy các ngươi nghi ngờ là ở đâu?” “Tâu đại vương, ở Jetavana.” “Chính vì việc ấy các ngươi hãy kiểm tra Jetavana.”

 

4. Khi ấy, các du sĩ ngoại đạo ấy sau khi kiểm tra Jetavana đã lấy lên từ cái hố của đường mương (thi thể của nàng) theo như cách đã được chôn xuống. Sau khi đặt ở chiếc giường nhỏ, họ đã đưa vào thành Sāvatthi rồi đi từ đường lộ này đến đường lộ khác, từ giao lộ này đến giao lộ khác, và đã khích động dân chúng rằng:

 

“Thưa các ngài, các ngài hãy nhìn xem việc làm của các Sa-môn Thích tử. Các Sa-môn Thích tử này vô liêm sỉ, giới hạnh xấu xa, nói láo, không có Phạm hạnh. Chính các vị này làm ra vẻ là có sự thực hành Pháp, có thực hành sự bình lặng, có Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp! Các vị này không có Sa-môn hạnh, các vị này không có Phạm hạnh! Sa-môn hạnh của các vị này đã bị hư hỏng, Phạm hạnh của các vị này đã bị hư hỏng! Sa-môn hạnh của các vị này đâu rồi? Phạm hạnh của các vị này đâu rồi? Sa-môn hạnh của các vị này đã không còn! Phạm hạnh của các vị này đã không còn! Vì cớ gì mà người nam sau khi làm cái việc cần làm của người nam rồi lại đoạt lấy mạng sống của người nữ?”

 

5. Vào lúc bấy giờ, ở thành Sāvatthi dân chúng sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu liền sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng những lời nói không lịch sự, thô lỗ rằng: “Các Sa-môn Thích tử này vô liêm sỉ, giới hạnh xấu xa, nói láo, không có Phạm hạnh. Chính các vị này làm ra vẻ là có sự thực hành Pháp, có thực hành sự bình lặng, có Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp! Các vị này không có Sa-môn hạnh, các vị này không có Phạm hạnh! Sa-môn hạnh của các vị này đã bị hư hỏng, Phạm hạnh của các vị này đã bị hư hỏng! Sa-môn hạnh của các vị này đâu rồi? Phạm hạnh của các vị này đâu rồi? Sa-môn hạnh của các vị này đã không còn! Phạm hạnh của các vị này đã không còn! Vì cớ gì mà người nam sau khi làm cái việc cần làm của người nam rồi lại đoạt lấy mạng sống của người nữ?”

 

6. Khi ấy, vào buổi sáng nhiều vị tỳ khưu đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, hiện nay ở thành Sāvatthi dân chúng sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu liền sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng những lời nói không lịch sự, thô lỗ rằng: ‘Các Sa-môn Thích tử này vô liêm sỉ, giới hạnh xấu xa, nói láo, không có Phạm hạnh. Chính các vị này làm ra vẻ là có sự thực hành Pháp, có thực hành sự bình lặng, có Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp! Các vị này không có Sa-môn hạnh, các vị này không có Phạm hạnh! Sa-môn hạnh của các vị này đã bị hư hỏng, Phạm hạnh của các vị này đã bị hư hỏng! Sa-môn hạnh của các vị này đâu rồi? Phạm hạnh của các vị này đâu rồi? Sa-môn hạnh của các vị này đã không còn! Phạm hạnh của các vị này đã không còn! Vì cớ gì mà người nam sau khi làm cái việc cần làm của người nam rồi lại đoạt lấy mạng sống của người nữ?’”

 

7. “Này các tỳ khưu, tiếng đồn đại ấy sẽ không tồn tại lâu, sẽ tồn tại chỉ được bảy ngày, khi trải qua bảy ngày thì sẽ biến mất. Này các tỳ khưu, chính vì việc ấy những người nào sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu mà sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng những lời nói không lịch sự, thô lỗ, thì các ngươi hãy quở trách họ bằng câu kệ này:

 

Người có lời nói không thật đi địa ngục, và luôn cả người nào sau khi làm đã nói là: ‘Tôi không làm;’ cả hai người ấy, có hành động thấp kém, sau khi chết (đọa) vào cảnh giới khác là giống như nhau.”[5]

 

8. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã học thuộc lòng câu kệ ấy ở nơi đức Thế Tôn. Rồi những người nào sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu mà sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng những lời nói không lịch sự, thô lỗ, thì các vị tỳ khưu quở trách những người ấy bằng câu kệ này:

 

Người có lời nói không thật đi địa ngục, và luôn cả người nào sau khi làm đã nói là: ‘Tôi không làm;’ cả hai người ấy, có hành động thấp kém, sau khi chết (đọa) vào cảnh giới khác là giống như nhau.”

 

9. Điều này đã khởi lên ở dân chúng: “Các Sa-môn Thích tử này không phải là người làm; việc đã được làm không phải do những vị này; các Sa-môn Thích tử này khẳng định.” Tiếng đồn đại ấy đã không tồn tại lâu, đã tồn tại chỉ bảy ngày, khi trải qua bảy ngày thì đã biến mất. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thật là kỳ diệu! Bạch Ngài, thật là phi thường! Và Bạch Ngài, điều này thật sự đã được khéo nói bởi đức Thế Tôn rằng: ‘Này các tỳ khưu, tiếng đồn đại ấy sẽ không tồn tại lâu, sẽ tồn tại chỉ được bảy ngày, khi trải qua bảy ngày thì sẽ biến mất.’ Bạch Ngài, tiếng đồn đại ấy đã được biến mất.”

 

10. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Những người không chế ngự châm chích (người khác) bằng lời nói,

tựa như châm chích con voi tham gia chiến trận bằng những mũi tên,

sau khi nghe lời nói thô lỗ đã được thốt lên,

vị tỳ khưu nên chịu đựng, tâm không ác xấu.”

 

 

4. 9. KINH UPASENA

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Khi ấy, đại đức Upasena, con trai của Vaṅganta, trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Thật lợi ích cho ta! Thật đã khéo đạt được cho ta! Bậc Đạo Sư của ta là đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác. Ta đã rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng. Các vị đồng Phạm hạnh của ta là những vị có giới, có thiện pháp. Ta là người có sự thực hành đầy đủ về các giới. Ta được định tĩnh, có tâm chuyên nhất. Ta là bậc A-la-hán, có lậu hoặc đã được cạn kiệt. Ta có đại thần lực, có đại oai lực. Đời sống của ta là tốt đẹp, cái chết của ta là tốt đẹp.”

 

2. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đại đức Upasena, con trai của Vaṅganta, rồi vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

Vị nào không bị bực bội về đời sống, vào giai đoạn cuối của cái chết không sầu muộn, quả thật vị ấy đã nhìn thấy Niết Bàn, là bậc sáng trí, ở giữa sầu muộn không sầu muộn.

 

Đối với vị tỳ khưu có hữu ái đã được trừ tuyệt, có tâm an tịnh, việc luân hồi tái sanh đã được triệt tiêu, không có sự hiện hữu lại nữa đối với vị ấy.”[6]

 

 

4. 10. KINH SĀRIPUTTA

 

1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang quán xét lại sự tịnh lặng của bản thân. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Sāriputta ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang quán xét lại sự tịnh lặng của bản thân.

 

2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

 

 “Đối với vị tỳ khưu có tâm yên tịnh và an tịnh, đã chặt đứt hữu ái, việc luân hồi tái sanh đã được triệt tiêu, vị ấy đã được thoát khỏi sự trói buộc của Ma Vương.”

 

Phẩm Meghiya là thứ tư.

 

TÓM LƯỢC PHẦN NÀY

 

Vị Meghiya, bị náo động, người chăn bò, thượng huyền, với long tượng là thứ năm, vị Piṇḍola, vị Sāriputta, và nàng Sundarī là thứ tám, vị Upasena con trai của Vaṅganta, và vị Sāriputta; chúng là mười.

 

--ooOoo--