II. PHẨM MUCALINDA - THỨ NHÌ
2. 1. KINH MUCALINDA
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi gốc cây bồ đề và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
2. Vào lúc bấy giờ, có đám mây đen lớn sái mùa xuất hiện, có mưa tầm tã trong bảy ngày, có gió lạnh và đầy mây. Khi ấy, rồng chúa Mucalinda đã rời khỏi chỗ ngụ của mình dùng thân quấn quanh cơ thể của đức Thế Tôn bảy vòng và phồng lớn mang rồi duy trì ở phía trên đầu của đức Thế Tôn (nghĩ rằng): “Chớ để đức Thế Tôn bị lạnh, chớ để đức Thế Tôn bị nóng, chớ để đức Thế Tôn bị xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng, và các loài bò sát.” Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy.
Khi ấy, rồng chúa Mucalinda sau khi biết rằng bầu trời đã trở nên trong sáng và mây đã tan nên đã nới lỏng thân khỏi cơ thể của đức Thế Tôn, rồi thay đổi hình dạng của chính bản thân và biến thành hình dạng của người thanh niên đứng ở phía trước đức Thế Tôn, tay chắp lại, bày tỏ thái độ cung kính đến đức Thế Tôn.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Sự sống cách ly là an lạc đối với vị hoan hỷ, đối với vị có Pháp đã được nghe, đối với vị đang xem xét. Sự không oán hận, sự chế ngự đối với các chúng sanh có mạng sống là niềm hạnh phúc ở trên đời.
Việc xa lìa luyến ái, sự vượt qua các dục là niềm an lạc ở trên đời. Điều gì là sự thoát ra khỏi tự mãn về bản ngã, điều ấy chính là sự an lạc tối thượng.”
2. 2. KINH ĐỨC VUA
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
2. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở hội trường; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa các vị ấy:
“Này các đại đức, ai trong số hai vị vua này là người có tài sản lớn hơn, hoặc có của cải lớn hơn, hoặc có kho tàng lớn hơn, hoặc có lãnh thổ lớn hơn, hoặc có phương tiện di chuyển lớn hơn, hoặc có quân đội lớn hơn, hoặc có thần lực lớn hơn, hoặc có oai lực lớn hơn, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha hay đức vua Pasenadi xứ Kosala?” Và câu chuyện trao đổi này của các vị tỳ khưu ấy đã bị gián đoạn.
3. Khi ấy vào buổi chiều, đức Thế Tôn, xuất khỏi thiền tịnh, đã đi đến hội trường, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, ở đây bây giờ các ngươi đã cùng ngồi xuống tụ hội vì câu chuyện gì vậy? Và câu chuyện trao đổi gì của các ngươi đã bị gián đoạn?”
“Bạch Ngài, ở đây chúng con sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở hội trường; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa chúng con: ‘Này các đại đức, ai trong số hai vị vua này là người có tài sản lớn hơn, hoặc có của cải lớn hơn, hoặc có kho tàng lớn hơn, hoặc có lãnh thổ lớn hơn, hoặc có phương tiện di chuyển lớn hơn, hoặc có quân đội lớn hơn, hoặc có thần lực lớn hơn, hoặc có oai lực lớn hơn, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha hay đức vua Pasenadi xứ Kosala?’ Bạch Ngài, câu chuyện trao đổi này của chúng con đã bị gián đoạn. Khi ấy đức Thế Tôn đi đến.”
“Này các tỳ khưu, điều này quả không thích đáng cho các ngươi, những người con trai gia đình danh giá đã vì niềm tin rời nhà xuất gia sống không nhà, là việc các ngươi có thể nói về đề tài có hình thức như thế. Này các tỳ khưu, đối với các ngươi, khi tụ hội lại, có hai việc nên làm là trao đổi về Giáo Pháp hoặc (giữ) trạng thái im lặng thánh thiện.”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Khoái lạc ngũ dục nào ở thế gian, và sự an lạc nào thuộc cõi Trời, các điều này có mười sáu phần không giá trị bằng (một phần) an lạc của sự diệt tận tham ái.”
2. 3. KINH GẬY GỘC
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
Vào lúc bấy giờ, nhiều đứa trẻ trai đánh đập con rắn bằng cây gậy ở khoảng giữa Sāvatthi và Jetavana. Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy nhiều đứa trẻ trai đang đánh đập con rắn bằng cây gậy ở khoảng giữa Sāvatthi và Jetavana.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Kẻ nào trong lúc tầm cầu hạnh phúc cho bản thân mà hãm hại các chúng sanh có lòng mong mỏi hạnh phúc bằng gậy gộc, kẻ ấy không đạt được hạnh phúc sau khi chết.
Kẻ nào trong lúc tầm cầu hạnh phúc cho bản thân mà không hãm hại các chúng sanh có lòng mong mỏi hạnh phúc bằng gậy gộc, kẻ ấy đạt được hạnh phúc sau khi chết.”
2. 4. KINH TÔN VINH
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
2. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Hội chúng tỳ khưu cũng được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh.
Trái lại, các du sĩ ngoại đạo không được tôn vinh, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường, không được nể nang, không có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Khi ấy, các du sĩ ngoại đạo ấy không chịu đựng được sự tôn vinh đối với đức Thế Tôn và hội chúng tỳ khưu; sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu ở làng và ở rừng, họ sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng các lời nói không lịch sự, thô lỗ.
3. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, hiện nay đức Thế Tôn được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Hội chúng tỳ khưu cũng được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Trái lại, các du sĩ ngoại đạo không được tôn vinh, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường, không được nể nang, không có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Khi ấy, các du sĩ ngoại đạo ấy không chịu đựng được sự tôn vinh đối với đức Thế Tôn và hội chúng tỳ khưu; sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu ở làng và ở rừng, họ sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng các lời nói không lịch sự, thô lỗ.”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Ở làng, ở rừng, kẻ bị tiếp xúc với lạc và khổ không nên đổ thừa cho bản thân hoặc cho người khác. Các xúc chạm đến tùy theo sự bám víu; đối với người không còn bám víu thì các xúc có thể chạm đến bằng cách nào?”
2. 5. KINH NAM CƯ SĨ
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
Vào lúc bấy giờ, có nam cư sĩ nọ người làng Icchānaṅgala đã đi đến thành Sāvatthi vì công việc cần làm nào đó. Khi ấy, nam cư sĩ ấy sau khi giải quyết xong công việc cần làm ấy ở Sāvatthi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi vị ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với nam cư sĩ ấy điều này: “Này nam cư sĩ, đã lâu lắm ngươi mới tạo được cơ hội này, tức là việc đi đến đây.”
“Bạch Ngài, từ lâu nay con có ước muốn đi đến để diện kiến đức Thế Tôn, tuy nhiên con bị bận rộn với những công việc cần làm này nọ. Bởi vậy, con đã không thể đi đến để diện kiến đức Thế Tôn được.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Quả thật là hạnh phúc cho vị ấy, bậc không sở hữu gì, có Pháp đã được thành tựu, có sự nghe nhiều. Hãy nhìn xem người có sở hữu gì đó đang bị sầu khổ; con người có tình trạng bị trói buộc vào người (khác).”[3]
2. 6. KINH SẢN PHỤ
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, một cô gái Bà-la-môn trẻ tuổi, vợ của một du sĩ ngoại đạo, là người sản phụ gần đến lúc sanh.
Khi ấy, người nữ du sĩ ấy đã nói với người nam du sĩ ấy điều này: “Ông Bà-la-môn à, ông hãy đi và đem dầu ăn về, vật ấy sẽ dùng cho việc sanh đẻ của thiếp.” Khi được nói như vậy, người nam du sĩ ấy đã nói với người nữ du sĩ ấy điều này: “Nàng ơi, dầu ăn ở đâu cho tôi đem về?”
Đến lần thứ nhì, người nữ du sĩ ấy đã nói với người nam du sĩ ấy điều này: “Ông Bà-la-môn à, ông hãy đi và đem dầu ăn về, vật ấy sẽ dùng cho việc sanh đẻ của thiếp.” Đến lần thứ nhì, người nam du sĩ ấy đã nói với người nữ du sĩ ấy điều này: “Nàng ơi, dầu ăn ở đâu cho tôi đem về?”
Đến lần thứ ba, người nữ du sĩ ấy đã nói với người nam du sĩ ấy điều này: “Ông Bà-la-môn à, ông hãy đi và đem dầu ăn về, vật ấy sẽ dùng cho việc sanh đẻ của thiếp.”
2. Vào lúc bấy giờ, tại nhà kho của đức vua Pasenadi xứ Kosala, vị Sa-môn hay Bà-la-môn được phép uống bơ lỏng hoặc dầu ăn theo như nhu cầu, không được mang đi.
Khi ấy, người nam du sĩ ấy đã khởi ý rằng: “Tại nhà kho của đức vua Pasenadi xứ Kosala, vị Sa-môn hay Bà-la-môn được phép uống bơ lỏng hoặc dầu ăn theo như nhu cầu, không được mang đi. Có lẽ ta nên đi đến nhà kho của đức vua Pasenadi xứ Kosala và uống dầu ăn theo như nhu cầu, sau đó trở về nhà rồi ói ra, vật ấy sẽ dùng cho việc sanh đẻ của nàng ấy.”
Sau đó, người nam du sĩ ấy đã đi đến nhà kho của đức vua Pasenadi xứ Kosala và uống dầu ăn theo như nhu cầu, sau đó trở về nhà nhưng không thể làm cho ói ra lẫn không xổ ra được. Bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, người ấy quằn quại, lăn lộn.
Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội) rồi cầm bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy người nam du sĩ ấy bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, đang quằn quại, đang lăn lộn.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Những người nào không sở hữu gì quả thật là hạnh phúc, chính các bậc hiểu biết sâu sắc là những người không sở hữu gì cả. Hãy nhìn xem người có sở hữu gì đó đang bị sầu khổ; con người có tâm tư bị trói buộc vào người (khác).”
2. 7. KINH CON TRAI ĐỘC NHẤT
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
Vào lúc bấy giờ, người con trai nhỏ độc nhất đáng yêu, đáng mến của người nam cư sĩ nọ lìa đời. Khi ấy, nhiều người nam cư sĩ với y phục ướt đẫm, với đầu tóc ướt đẫm, vào lúc giữa ngày đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi họ đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với các nam cư sĩ ấy điều này: “Này các nam cư sĩ, việc gì mà các người với y phục ướt đẫm, với đầu tóc ướt đẫm, đã đi đến nơi đây vào lúc giữa ngày vậy?”
Khi được nói như vậy, nam cư sĩ ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, người con trai nhỏ độc nhất đáng yêu, đáng mến của chúng con đã lìa đời. Vì thế, chúng con với y phục ướt đẫm, với đầu tóc ướt đẫm, đã đi đến nơi đây vào lúc giữa ngày.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Bị buộc trói vào sự khoái lạc ở các sắc đáng yêu, tập thể chư Thiên và số đông nhân loại bị sầu khổ, bị suy sụp, sa vào quyền lực của Thần Chết.
Còn những người nào ngày và đêm không xao lãng, từ bỏ sắc đáng yêu, thật vậy những người ấy đào bới gốc rễ của sự sầu khổ, mồi nhử của tử thần, khó vượt qua được.”
2. 8. KINH SUPPAVĀSĀ
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Kuṇḍiyā, ở khu rừng Kuṇḍadhāna.
Vào lúc bấy giờ, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, nàng ấy chịu đựng nhờ vào ba điều suy tư rằng:
“Quả thật, đức Thế Tôn bậc Chánh Đẳng Giác ấy thuyết giảng Giáo Pháp nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, hội chúng Thinh Văn của đức Thế Tôn ấy đã khéo thực hành, các ngài thực hành nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, Niết Bàn ấy là vô cùng an lạc, nơi ấy không biết đến khổ đau có hình thức như thế này.”
2. Khi ấy, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã bảo người chồng rằng: “Tướng công ơi, chàng hãy lại đây. Chàng hãy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến hãy đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn với lời nói của thiếp, hãy hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài) rằng: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn và hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài).’ Và chàng hãy nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, nàng ấy chịu đựng nhờ vào ba điều suy tư rằng: Quả thật, đức Thế Tôn bậc Chánh Đẳng Giác ấy thuyết giảng Giáo Pháp nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, hội chúng Thinh Văn của đức Thế Tôn ấy đã khéo thực hành, các ngài thực hành nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, Niết Bàn ấy là vô cùng an lạc, nơi ấy không biết đến khổ đau có hình thức như thế này.’”
3. “Tốt lắm.” Người con trai bộ tộc Koliya ấy[4] nghe theo Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, người con trai bộ tộc Koliya ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn và hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài). Và nàng nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, nàng ấy chịu đựng nhờ vào ba điều suy tư rằng: Quả thật, đức Thế Tôn bậc Chánh Đẳng Giác ấy thuyết giảng Giáo Pháp nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, hội chúng Thinh Văn của đức Thế Tôn ấy đã khéo thực hành, các ngài thực hành nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, Niết Bàn ấy là vô cùng an lạc, nơi ấy không biết đến khổ đau có hình thức như thế này.’”
“Mong rằng Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya có được sự an lạc, không có bệnh. Mong rằng đứa con trai được sanh ra không có bệnh.” Và chỉ với lời nói của đức Thế Tôn, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya có được sự an lạc, không có bệnh đã sanh ra đứa con trai không có bệnh.
“Bạch Ngài, xin vâng.” Người con trai bộ tộc Koliya ấy sau khi thỏa thích, tùy hỷ với lời nói của đức Thế Tôn, đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đi về lại nhà của mình.
4. Người con trai bộ tộc Koliya đã nhìn thấy Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya có được sự an lạc, không có bệnh và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Sau khi nhìn thấy, vị ấy đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ diệu! Thật là phi thường! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bởi vì Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya này, chỉ với lời nói của đức Thế Tôn, thì có được sự an lạc, không có bệnh, và sanh ra đứa con trai không có bệnh.” Vị ấy đã trở nên hoan hỷ, vui mừng, sanh tâm phỉ lạc.
5. Sau đó, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã bảo người chồng rằng: “Tướng công ơi, chàng hãy lại đây. Chàng hãy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến hãy đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn với lời nói của thiếp rằng: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn.’ Và chàng hãy nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Bạch Ngài, mong rằng đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời về bảy bữa thọ trai của Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya.’”
6. “Tốt lắm.” Người con trai bộ tộc Koliya ấy nghe theo Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, người con trai bộ tộc Koliya ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn. Và nàng nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Bạch Ngài, mong rằng đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời về bảy bữa thọ trai của Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya.’”
7. Vào lúc bấy giờ, hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu đã được một nam cư sĩ thỉnh mời với bữa thọ trai ngày mai. Và nam cư sĩ ấy là người hộ độ của đại đức Mahāmoggallāna. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Mahāmoggallāna rằng: Này Moggallāna, hãy lại đây. Ngươi nên đi đến gặp nam cư sĩ ấy, sau khi đến hãy nói với nam cư sĩ ấy như vầy: ‘Này đạo hữu, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, đạo hữu sẽ làm sau.’ Vị ấy là người hộ độ của ngươi.”
8. “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Mahāmoggallāna nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp nam cư sĩ ấy, sau khi đến đã nói với nam cư sĩ ấy điều này: “Này đạo hữu, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, đạo hữu sẽ làm sau.” “Thưa ngài, nếu ngài đại đức Mahāmoggallāna là người bảo đảm cho tôi về ba pháp: về của cải, về mạng sống, và về niềm tin, thì hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, tôi sẽ làm sau.” “Này đạo hữu, ta là người bảo đảm cho đạo hữu về hai pháp: về của cải và về mạng sống. Trái lại, chính ngươi là người bảo đảm về niềm tin.” “Thưa ngài, nếu ngài đại đức Mahāmoggallāna là người bảo đảm cho tôi về hai pháp: về của cải và về mạng sống, thì hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, tôi sẽ làm sau.”
Khi ấy, đại đức Mahāmoggallāna sau khi thuyết phục nam cư sĩ ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, nam cư sĩ ấy đã được con thuyết phục. Hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, người ấy sẽ làm sau.”
9. Sau đó, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm trong bảy ngày. Và nàng đã bảo đứa bé trai đảnh lễ đức Phật và toàn thể hội chúng tỳ khưu.
10. Khi ấy, đại đức Sāriputta đã nói với đứa bé trai ấy điều này: “Này cậu bé, sức khoẻ của ngươi có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Không có khổ sở gì phải không?” “Thưa ngài Sāriputta, do đâu mà có sức khỏe khá? Do đâu mà mọi việc được tốt đẹp? Con đã sống ở trong cái chậu máu bảy năm.”
11. Khi ấy, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya (nghĩ rằng): “Con trai ta chuyện trò với vị Tướng quân Chánh Pháp,” đã trở nên hoan hỷ, vui mừng, sanh tâm phỉ lạc.
12. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi nhìn thấy Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya hoan hỷ, vui mừng, sanh tâm phỉ lạc đã nói với Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya điều này: “Này Suppavāsā, con có còn ước muốn một người con trai khác như thế này nữa không?” “Bạch đức Thế Tôn, con cũng còn ước muốn bảy người con trai khác như thế này nữa.”
13. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Không khoái lạc dưới hình thức khoái lạc, không đáng yêu dưới hình thức đáng yêu, khổ đau dưới hình thức hạnh phúc chế ngự kẻ bị xao lãng.”
2. 9. KINH VISĀKHĀ
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, tu viện Pubba, ở tòa nhà dài của Mẹ của Migāra.[5] Vào lúc bấy giờ, bà Visākhā, Mẹ của Migāra, có công việc nào đó dính líu đến đức vua Pasenadi xứ Kosala. Đức vua Pasenadi xứ Kosala không giải quyết công việc ấy theo như dự tính.
Khi ấy, bà Visākhā, Mẹ của Migāra, vào lúc giữa ngày đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi bà ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với bà Visākhā, Mẹ của Migāra, điều này: “Này Visākhā, bà từ đâu mà đi đến vào lúc giữa ngày?”
“Bạch Ngài, ở đây con có công việc nào đó dính líu đến đức vua Pasenadi xứ Kosala. Đức vua Pasenadi xứ Kosala không giải quyết công việc ấy theo như dự tính.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Mọi việc thuộc quyền kiểm soát của kẻ khác là khổ, mọi việc có chủ quyền là hạnh phúc. Trong việc chung chúng sầu khổ, bởi vì sự ràng buộc là khó vượt qua.”
2. 10. KINH BHADDIYA
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Anupiyā, nơi Ambavana (rừng xoài). Vào lúc bấy giờ, đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: “Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!”[6] Nhiều vị tỳ khưu đã nghe được đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: “Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!” Sau khi nghe được, các vị ấy đã khởi ý rằng: “Chắc chắn rằng đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā không thỏa thích thực hành Phạm hạnh, là việc trong khi hồi tưởng lại sự khoái lạc vương giả trước đây, vị ấy mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng đã nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’”
2. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’ Bạch Ngài, chắc chắn rằng đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā không thỏa thích thực hành Phạm hạnh, là việc trong khi hồi tưởng lại sự khoái lạc vương giả trước đây, vị ấy mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’”
3, Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo một vị tỳ khưu khác rằng: “Này tỳ khưu, hãy lại đây. Ngươi hãy bảo tỳ khưu Bhaddiya với lời nói của Ta rằng: ‘Này đại đức Bhaddiya, bậc Đạo Sư gọi đại đức.’”
“Bạch Ngài, xin vâng.” Vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā, sau khi đến đã nói với đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā điều này: “Này đại đức Bhaddiya, bậc Đạo Sư gọi đại đức.”
“Này đại đức, xin vâng.” Đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā nghe theo vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi vị ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā điều này: “Này Bhaddiya, nghe nói ngươi mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’ có đúng không vậy?” “Bạch Ngài, đúng vậy.” “Này Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā, trong khi cảm nhận được lợi ích gì khiến ngươi mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng, vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’ vậy?”
“Bạch Ngài, trước đây khi con còn là người thế tục đang cai quản vương quốc, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong hậu cung, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài hậu cung, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong thành phố, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài thành phố, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong xứ sở, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài xứ sở, bạch Ngài, trong khi được bảo vệ và được an toàn như vậy, con đây sống vẫn cảm thấy sợ hãi, khiếp đảm, lo âu, hồi hộp. Bạch Ngài, thế mà giờ đây con mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng, một mình, vẫn không sợ hãi, không khiếp đảm, không lo âu, không hồi hộp, vô tư lự, điềm tĩnh, tùy thuận sự bố thí của người khác, sống với tâm như loài thú rừng. Bạch Ngài, trong khi cảm nhận được lợi ích này nên con mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng, vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với người nào mà các sự bực tức không hiện diện ở trong tâm, đã vượt qua khỏi hữu và phi hữu như thế, vị ấy đã không còn sự sợ hãi, có sự an lạc, không sầu muộn, chư Thiên không đạt được việc nhìn thấy vị ấy.”
Phẩm Mucalinda là thứ nhì.
TÓM LƯỢC PHẦN NÀY
Mucalinda, đức vua, với gậy gộc, tôn vinh, và với người nam cư sĩ, sản phụ, và con trai độc nhất, nàng Suppavāsā và Bà Visākhā, vị Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā.
--ooOoo--