Skip directly to content

Chánh Đạo - Tà Đạo. Kì 25 (67-70).

67. KINH SÁCH PHÁT TRIỂN

          Hỏi: Kính thưa Thầy, con có mấy quyển kinh như: Lương Hoàng Sám, kinh Phương Quảng, kinh Địa Tạng Vương, kinh Dược Sư, kinh Diệu Pháp Liên Hoa v.v... Những quyển kinh này chùa nào cũng có lịch tụng niệm hằng năm theo khóa lễ. Vậy những quyển kinh này có phải là kinh của Đức Phật hay không? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

          Đáp: Những kinh sách mà con đã hỏi không phải do Phật thuyết mà do các Tổ soạn viết ra sau này theo kiến giải của từng bộ phái. Mỗi bộ phái khi được thành lập và trọn quyền nắm giữ bộ phái của mình thì các Tổ biên soạn viết kinh sách theo sự vay mượn của giáo pháp ngoại đạo. Trong lúc Đức Phật còn tại thế thì Ngài đã rống lên tiếng rống con sư tử, đập sạch các hệ tư tưởng lường gạt người bằng sáu mươi hai lý luận, làm chấn động cả đất trời (toàn thế giới).

          Sau khi Đức Phật tịch, không ai còn nắm được giềng mối và quyền lãnh đạo Tăng đoàn thì đã bị các Tổ sư ngoại đạo vì danh, vì lợi nên phân chia Phật giáo làm 20 bộ phái. Mỗi người chiếm lĩnh một nơi rồi soạn viết kinh sách theo sáu mươi hai lập luận của ngoại đạo.

Vì thế, kinh sách phát triển mà con đã kể ở trên, không phải là kinh sách của Phật mà là kinh sách của Bà La Môn bị ngoại đạo phân hóa. Kinh sách ngoại đạo phân hóa ngày nay không còn mang tánh chất Phật giáo Nguyên Thủy, chỉ còn một số danh từ do Đức Phật dạy mà thôi, nội dung toàn là của ngoại đạo.

Cho nên, từ khi Phật giáo chia ra làm nhiều bộ phái thì sự tu tập và đời sống đức hạnh của người tu sĩ không còn thấy nữa. Chỉ toàn là tu sĩ danh lợi chạy theo thế giới siêu hình, cúng bái tụng niệm như trong các chùa, có lịch tụng niệm các kinh này hằng năm để cầu an, cầu siêu cho tai qua, nạn khỏi... Đó là kinh sách của ngoại đạo phát triển đã dạy mê tín không đúng đạo đức nhân quả, dạy những điều phi đạo đức.

Các con hãy giữ lại để làm kỷ niệm một thời vàng son của loại kinh sách này. Nó đã dẫn dắt bao nhiêu thế hệ người tu hành đi trên lộ trình mê tín và kết quả chỉ uổng một đời tu mà thôi, chẳng có gì. Phật giáo chỉ còn là cái tên, thực chất chẳng có gì là của Phật giáo cả.

68. TỘI TỬ HÌNH

          Hỏi: Kính thưa Thầy, có một vị Đại đức quan hệ với một phụ nữ và đã bị Giáo hội cách chức vì phạm giới “tứ khí” giống như ngoài đời là “tội tử hình.” Sau thời gian lại được Giáo hội (tăng đoàn) bầu làm thường vụ. Thưa Thầy như vậy là như thế nào? Đối với đạo Phật như vậy có nghiêm chỉnh không?

          Đáp: Theo giới luật, một vị tỳ-kheo quan hệ với phụ nữ là tội rất nặng, thuộc về tội Ba la di (tội tử hình). Vị tỳ-kheo phạm giới này thì không còn thành tỳ-kheo nữa mà phải trở về với thế tục làm ăn sinh sống như một người cư sĩ, vì thân tâm người này bất tịnh.

          Nếu một người cư sĩ bình thường quan hệ với phụ nữ là lẽ tự nhiên, còn một vị tu sĩ đã học Phật pháp, nhất là thọ giới Ba la di. Đức của giới này là đức Thánh thanh tịnh nên các đệ tử của Phật gọi là Thánh Tăng. Vị tu sĩ gọi là “Đại Đức” đức lớn thế mà còn quan hệ với phụ nữ thì còn gì là đức Thánh, Thánh Tăng? Dù vị tu sĩ có sám hối ăn năn sửa mình thì đức Thánh thanh tịnh này đối với mọi người ai còn tin vị tu sĩ này nữa.

          Trong giới luật Phật, có giới phạm xin sám hối ăn năn là hết tội, còn có bốn giới Tứ Khí ăn năn sám hối không hết tội, vì uy tín đã mất hết rồi. Một vị tu sĩ phạm giới này khó mà ai tin mình tu hành giải thoát được. Đức Thánh thanh tịnh đã mất rồi còn đâu mà tìm lại được.

Kinh Duy Ma Cật và Thiền Đông Độ bảo rằng, người nào phạm giới này mà biết ăn năn sám hối, chừa bỏ không tái phạm thì tu hành vẫn đến nơi đến chốn. Sự thật những người mà phạm giới này thì không bao giờ giải thoát được. Cho nên các ngài luận: “Tánh tội vốn không do tâm tạo. Tâm đã diệt rồi tội sạch không.” Đó là lối lý luận của các Tổ.

          Ai cũng biết tâm tạo ra tội, nhưng tâm bị ô nhiễm làm sao tiêu diệt tội được? Diệt được tâm là cả công trình vĩ đại của kiếp làm người đâu phải dễ. Giới luật ngăn chặn như vậy (tội đứt đầu) mà tu sĩ còn quan hệ với phụ nữ thì còn gì là thầy tu? Có phải họ diệt tâm không? Hay là chạy theo tâm ô nhiễm thế tục?

Tâm đã diệt rồi tội sạch không.” Nói thì dễ mà làm thì rất khó. Giới luật cũng là một pháp môn làm cho tâm ô nhiễm được diệt sạch, thế mà lại phạm giới thì còn gì gọi là tâm đã diệt sạch? Cho nên, theo giới luật thì vị tu sĩ này còn mặt mũi nào mà mặc chiếc áo nhà tu, còn mặt mũi nào mà làm chức vụ trong Thường vụ, trong Giáo hội? Giáo hội nhận tu sĩ này trong Giáo hội tức đã công khai chấp nhận phi giới luật của Phật thì còn gì là Giáo hội?

Giáo hội không thi hành giới luật nghiêm chỉnh, dung chứa những tu sĩ phạm giới đó, dù người đó có khả năng làm việc, có bằng tiến sĩ Phật học thì những người tu sĩ này không thể làm tốt cho Giáo hội được, mà phải xem đó là những trùng trong lông sư tử. Nếu Giáo hội dung chứa những loại trùng trong lông sư tử này thì Giáo hội đó là Giáo hội vô tình sẽ phá diệt Phật giáo tận cùng. Quý phật tử hãy xem đó là Giáo hội của ngoại đạo, của Bà La Môn, chứ không phải là Giáo hội của Phật giáo.

          Giáo hội như vậy là nối giáo ngoại đạo diệt Phật giáo nên mới dung chứa những người phạm giới, phá giới như vậy. Còn Giáo hội chân chánh vì Phật giáo, vì tín đồ Phật giáo thì phải là một Giáo hội thanh tịnh, giới luật nghiêm túc. Một vị tỳ-kheo phải đầy đủ giới đức, trang nghiêm, thanh tịnh mới xứng đáng là một tu sĩ chân chính của Phật giáo. Và chỉ có những tu sĩ như thế mới xứng đáng giữ chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà thôi. 

69. BÀ LA MÔN

          Hỏi: Kính thưa Thầy, ở miền Bắc chúng con có một số cư sĩ chuyên làm nghề thầy cúng, khi nhà nào có vận hạn xấu mời các cư sĩ đó đến tụng kinh, các cư sĩ đó bảo phải thổi xôi nấu chè để khi làm lễ phải thỉnh Phật. Thưa Thầy, Phật cũng còn ăn chè xôi nữa là sao?

          Đáp: Tất cả những người cư sĩ làm nghề tụng niệm đều là những vị Bà La Môn mang danh Phật giáo của kinh sách phát triển. Sự thật Phật giáo theo kinh sách phát triển hiện nay là Bà La Môn mượn danh Phật giáo, còn Phật giáo chánh gốc thì không giống Phật giáo Bà La Môn chút nào.

Phật giáo Bà La Môn tự đặt cho mình cái tên là Đại Thừa có nghĩa là chiếc xe lớn chở được nhiều người, còn Phật giáo chính gốc thì mang một cái tên Tiểu Thừa có nghĩa là xe chở một người, vì vậy hiện giờ người ta gọi nó là Phật giáo của kinh sách phát triển, còn Phật giáo Nguyên Thủy chánh gốc thì các Bà La Môn dìm xuống gọi là Phật giáo Tiểu Thừa. Khi Phật giáo của kinh sách phát triển truyền sang đến Trung Hoa thì một lần nữa nó được thay tên đổi họ do các vị đạo sĩ Tiên Đạo (Lão giáo) lại biến Phật giáo Nguyên Thủy chính gốc xuống hàng thứ ba và Phật giáo phát triển Bà La Môn xuống hàng thứ nhì, còn Phật giáo Tiên Đạo (Lão giáo) đứng hàng thứ nhất gọi là Phật giáo Tối Thượng Thừa có nghĩa là chiếc xe lớn nhất thiên hạ.

          Cho nên, chúng ta phải hiểu Thiền Tông không gì khác hơn là Lão giáo và trở thành Phật giáo Tối Thượng Thừa (Trung Hoa), Bà La Môn trở thành Phật giáo Đại Thừa (Ấn Độ), còn Phật giáo Nguyên Thủy chánh gốc thì trở thành Phật giáo Tiểu Thừa.

Các vị cư sĩ tụng niệm là những thầy Bà La Môn chứ không phải cư sĩ đệ tử Phật. Cư sĩ đệ tử của Phật không có tụng niệm, chỉ lo tu tập và trau dồi thân tâm để có một đời sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người, để đem lại cho mình, cho người một đời sống an lạc và hạnh phúc.

          Hiện giờ các chùa tổ chức ban hộ niệm do cư sĩ tụng niệm đều là ảnh hưởng của Bà La Môn mà trong kinh phát triển dạy tụng niệm, cúng bái, tế lễ, cúng vong, cúng linh, cúng sao, giải hạn v.v... Tất cả những sự mê tín đều do kinh sách phát triển tạo ra, tức là của Bà La Môn.

Có lần Thầy đến dự một đám tang của người Trung Quốc không thấy có ông thầy chùa nào tụng kinh cả, chỉ có một người cư sĩ mặc áo dài kiểu nhà sư ngồi rung chuông tụng niệm. Như vậy Phật giáo Bà La Môn đã truyền qua Trung Quốc, Việt Nam, Đại Hàn và Nhật Bản. Nên hình thức cúng bái tụng niệm đều giống nhau. Trong kinh Nguyên Thủy có nhắc đến sự cúng tế của đạo Bà La Môn. Mỗi lần đạo Bà La Môn cúng bái, tế lễ phải giết hằng trăm ngàn loại thú vật để cúng tế. Ở đây, các vị này đòi cúng chè xôi đó là quá ít. Cúng tế như vậy chỉ có đấng giáo chủ Bà La Môn về thọ dụng chứ đâu phải cúng Phật. Và đạo Phật đâu có thọ dụng thực phẩm thế gian.

Kinh Phật dạy: “Thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn” chứng tỏ Phật dùng thiền để sống chứ không phải dùng thực phẩm để sống như chúng ta tưởng.

70. ĐẠO PHẬT CHỈ CÓ MỘT ĐẤNG GIÁO CHỦ

Hỏi: Kính thưa Thầy, con có nghe nhiều, thấy nhiều kinh sách nói về Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, Hội Long Hoa, v.v… con không hiểu. Kính xin Thầy giảng để chúng con hiểu?

Đáp: Phật A Di Đà là do các nhà Đại Thừa dựng lên để xây dựng thế giới siêu hình Cực Lạc Tây phương tưởng, nhất là tưởng tượng và hy vọng. “Cực Lạc” có nghĩa là rất vui, là nơi lý tưởng của các nhà Đại Thừa để sau khi chết họ sẽ về đó để hưởng hạnh phúc an lạc đời đời, kiếp kiếp.

Phật Di Lặc cũng là một vị Thần trong kinh Vệ Đà mà các Tổ đã biến thành Giáo Chủ của Phật giáo trong thời vị lai. Phật Di Lặc là một Phật tưởng do các nhà Đại Thừa dựng lên, hy vọng ngày mai xây dựng một Phật giáo mới. Nói đúng hơn là lấy Phật Di Lặc đem lại niềm tin kinh điển Đại Thừa cho mỗi con người hơn.

Phật Di Lặc đã được kinh sách Đại Thừa nói rất nhiều và kinh A hàm thuộc Hán tạng cũng có nói đến, đó là những bài kinh gạch nối của các Tổ sau này soạn viết đưa vào, đó là một thâm ý nham hiểm của các nhà Đại Thừa đưa Phật Di Lặc ra để làm một cuộc cách mạng Phật giáo lật đổ Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, thay thế Phật Di Lặc làm Giáo Chủ đạo Phật.

Hội Long Hoa tức là cuộc cách mạng Phật giáo do các nhà Đại Thừa lãnh đạo để mở màn cho Phật Di Lặc lên nắm quyền Giáo Chủ Phật giáo toàn bộ thì lúc bây giờ kinh sách Nguyên Thủy sẽ bị triệt tiêu (tức là đường lối giáo lý của Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ bị quét sạch).

Trong kinh sách Nguyên Thủy không bao giờ có nói đến Phật Di Lặc và trong hàng Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật trong thời điểm đó cũng không có ai tên là Di Lặc. Cho nên đối với kinh sách Nguyên Thủy, tên Di Lặc là một tên xa lạ. Vậy mà sắp sửa lên nắm quyền giáo chủ Phật giáo. Xin quý vị phật tử suy ngẫm.

Hội Long Hoa được xem như một cuộc trưng cầu dân ý bầu cử đức Giáo Chủ mới cho Phật giáo. Các tôn giáo khác không hiểu dựa vào và bị ảnh hưởng kinh sách Đại Thừa, do đó tưởng ấm của con người này thể hiện qua “cơ bút” bằng cách lập lại cho biết ngày tận thế và hội Long Hoa sắp mở bày. Riêng Phật giáo Nguyên Thủy không chấp nhận điều này.

Quá khứ không truy tìm; Vị lai không ước vọng; Chỉ có hiện tại thôi.” Ba câu kệ trên đây xác chứng Phật giáo Nguyên Thủy không chấp nhận những chuyện quá khứ và vị lai, chỉ biết sống trong hiện tại, vì thế quá khứ, vị lai không cần biết đến, chỉ sống và làm mọi việc lành ngay trong hiện tại thì quá khứ và tương lai là hạnh phúc.

Biết Hội Long Hoa là một sự bịa đặt của các nhà Đại Thừa, chờ cơ hội thuận tiện nhất để mở một cuộc họp Phật giáo toàn thế giới, nếu tất cả tu sĩ Phật giáo Nam Tông đều rơi vào các pháp thiền tưởng và chịu ảnh hưởng kinh sách Đại Thừa thì cuộc lật đổ Phật giáo Nguyên Thủy đã bắt đầu, nhưng vì Phật giáo Nguyên Thủy còn có những người giữ gìn lời dạy của Đức Phật nên Hội Long Hoa chưa triển khai được, vì thế các tổ chức Phật giáo kêu gọi sự hòa hợp bằng cách thống nhất các hệ phái Phật giáo.

Hiện nay các tổ chức Phật giáo thế giới đều công nhận Đại Thừa Phật giáo là một hệ phái của Phật giáo, đó là một bước thắng lợi thứ nhất của Phật giáo Đại Thừa. Chờ đến khi các sư Phật giáo Nguyên Thủy Nam Tông chịu ảnh hưởng sâu đậm của giáo pháp Đại Thừa, và các sư Nam Tông Nguyên Thủy lần lượt tu tập sai pháp của Phật, do tưởng giải các ngài rơi vào giáo pháp Đại Thừa mà không hay biết như thiền sư: Mahashi và Achaan Chah.

Từ đó Phật giáo Nam Tông chỉ còn danh từ Nguyên Thủy, còn pháp môn tu tập là của Đại Thừa. Do đó suy ra hiện giờ Phật giáo Nguyên Thủy gần như bị mất gốc, chỉ còn chờ một thời gian nữa cho chín mùi thì Hội Long Hoa ra đời thành lập một Phật giáo mới, đức Giáo Chủ là Phật Di Lặc. Đó là một thâm đồ sâu sắc của Bà La Môn giáo đã dựng lên Phật Di Lặc là có ý diệt trừ Phật giáo tận gốc mà hầu hết các tu sĩ Phật giáo hiện giờ cả Nam Tông lẫn Bắc Tông đều vô tình không thấy ý đồ thâm độc của Bà La Môn giáo ngày xưa.

Kinh sách nói về Phật Di Lặc và Hội Long Hoa là do các giáo sĩ Bà La Môn viết soạn ra rồi đưa vào kinh sách Phật giáo, mạo nhận Phật thuyết, lợi dụng Phật giáo kết tập kinh sách chưa thành văn bản nên lúc bây giờ ai muốn thêm bớt sao cũng được và dễ dàng.

Cho nên người nghiên cứu kinh sách Phật hiện giờ đều gặp phải khó khăn, vì những bài kinh này mâu thuẫn với những bài kinh khác khiến cho chẳng biết đâu là lời Phật dạy chân chánh, đâu là lời giả. Ở trường hợp này chỉ dối gạt người chưa tu chứng, không thể dối gạt người tu đã chứng.

Vì thế chúng tôi mạnh dạn lật tẩy bộ mặt thâm độc của Bà La Môn giáo để cho phật tử và mọi người hiểu rõ.

Nếu bảo rằng quá khứ có bảy vị Phật thì khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đi tu thì phải có đạo Phật. Cớ sao trong thời đó lại chỉ có Lục sư ngoại đạo mà không thấy có cái tên Phật giáo? Đến khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu hành chứng quả giải thoát, thành lập tôn giáo Phật giáo, nhờ thế chúng ta hiện giờ mới có đạo Phật, mới có bốn chân lý: khổ, tập, diệt, đạo.

Trong thời Đức Phật đi tu không nghe nói đến bốn chân lý này, như vậy mà bảo rằng có đạo Phật ở quá khứ là sai, do người sau đặt ra thêm vào để mưu đồ lật đổ Đức Phật Thích Ca mâu Ni. Do thế mà thời tương lai có một người tên là Từ Thị hiệu là Di Lặc được suy tôn chức Giáo Chủ thay Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong tôn giáo mà cũng có những sự tranh giành vị trí lãnh đạo như các nhà vua phong kiến ở thế gian thường tranh giành ngai vàng. 

             Theo kinh sách Đại Thừa đạo Phật có chín vị Giáo Chủ lãnh đạo trong ba thời:
             1, Bảy vị Phật Giáo Chủ ở quá khứ.
             2, Một vị Phật Giáo Chủ ở hiện tại là: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
             3, Một vị Phật Giáo Chủ ở tương lai là: Phật Di Lặc.

Sự phân chia đạo Phật có ba thời gian Giáo Chủ như vậy chẳng khác gì như các vua quan phong kiến như đã nói ở trên. Ông vua này xuống đến ông vua khác lên thay. Mỗi ông vua cai trị đều có cách khác nhau.

Giáo pháp Đại Thừa cũng giống như vậy, cho nên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã trở thành Phật quá khứ và giáo pháp của Người cũng lỗi thời vì thế mới gọi nó là “Tiểu Thừa Ngoại Đạo.”

Chúng ta thử xét qua Thiền Đông Độ, từ Tổ này dạy như vậy đến Tổ khác dạy khác như: “Chẳng niệm thiện niệm ác, Vô tâm còn cách một lớp rào” còn pháp thực hành tu thì có: giữ ông chủ, chăn trâu, biết vọng liền buông, tham thoại đầu, tham công án v.v...

Chỉ có một pháp không vọng tưởng mà tu hành lại chế ra nhiều pháp, nhưng pháp nào cũng chỉ là pháp ức chế tâm, tập trung tâm để không niệm khởi chứ không có pháp gì khác. Còn nếu bảo rằng giáo pháp cần phải phát triển cho phù hợp với mọi hoàn cảnh và sự tiến bộ của loài người thì đó là phỉ báng Đức Phật, xem như Đức Phật không thông suốt thời vị lai nên đã di chúc:

Lấy giới luật và giáo pháp của mình làm Thầy, làm chỗ nương tựa tu hành vững chắc.

Nếu Đức Phật di chúc như vậy và bây giờ các Tổ phát triển kinh sách như vậy thì chúng ta còn tin Phật nữa hay không?