Skip directly to content

Chánh Đạo - Tà Đạo. Kì 12 (33-35).

33. KINH NĂM BA

          Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong kinh Trung Bộ, phẩm kinh Năm Ba con không hiểu rõ lắm, xin Thầy giảng tóm tắt ý nghĩa cho con được không?

          Đáp: Bài kinh Năm Ba là bài kinh Đức Phật dùng để bài bác sáu mươi hai luận thuyết của tà giáo ngoại đạo, tức là sáu mươi hai pháp môn của các tôn giáo đương thời trong đất nước Ấn Độ. Và cuối cùng Đức Phật đưa ra giáo thuyết của mình, tức là bốn chân lý: “Khổ, Tập, Diệt, Đạo” để giải quyết sự khổ đau của con người trên hành tinh này rất thực tế và cụ thể. “Ở đây, này các tỳ-kheo, vô thượng tịch tịnh tối thắng đạo này được Như Lai chánh đẳng giác, nghĩa là sau khi như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt và nguy hiểm của sáu xúc xứ, có sự giải thoát không chấp thủ.

Tất cả giáo lý của đạo Phật không ngoài bốn chân lý: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Nó là một chân lý của loài người để con người rèn luyện tu tập thoát ra khỏi bản chất loài cầm thú, để trở thành con người thật sự là con người và cao hơn nữa để trở thành những bậc Thánh nhân.

Ngoài bốn chân lý này, nếu còn có giáo pháp nào khác thì coi chừng đó là tà giáo ngoại đạo xen vào trong Phật giáo. Chúng ta là những hàng đệ tử của Phật phải đề cao cảnh giác và loại trừ chúng ra khỏi. Bốn chân lý của đạo Phật là dựng lại một nền đạo đức nhân bản - nhân quả cho loài người, khiến cho con người trên hành tinh này sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh, biến hành tinh này trở thành Cực Lạc, Thiên Đàng.

Bài kinh Năm Ba là bài kinh xác định giáo pháp của Đức Phật và giáo pháp của ngoại đạo không có giống nhau một chút xíu nào cả, khiến cho người phật tử tinh ý sẽ không thể lầm lạc được. Thế mà hiện giờ người ta đã lầm lạc lấy giáo pháp của ngoại đạo làm giáo pháp của Phật để tu hành và còn khinh thường giáo pháp của Phật là Tiểu Thừa, thật là đau lòng. Phải không con?

 

 34. KIẾN GIẢI

          Hỏi: Kính thưa Thầy, nhà thiền gọi người tu rơi vào kiến giải là như người chết mà hồn phách chưa tan. Người tu như vậy có nhập định được hay không? Không nhập vào được định là do thân tâm yếu hay nghị lực không có, hoặc bị trạng thái nào cản trở mà không thể vượt qua được? Hay là tu đến đó không còn cách nào tu tập được nữa?

          Đáp: Người tu hành rơi vào “kiến giải” là người tu thiền theo ngoại đạo (Thiền Đông Độ, Đại Thừa), tu tập thiền định ức chế tâm “dừng vọng tưởng” khi vọng tưởng dừng, hành giả rơi vào định tưởng, (Không Vô Biên Xứ Tưởng), từ đó triển khai tưởng tuệ, được xem như hành giả tu đến đây có những “tiểu ngộ” hoặc “đại ngộ” về những công án và các kinh sách Đại Thừa. Trên lộ trình này, hành giả tiếp tục đi sâu vào trạng thái tĩnh lặng, vượt qua Không vô biên xứ, nhập vào trạng thái Thức vô biên xứ, trạng thái này hành giả “triệt ngộ,” (ngộ tất cả các công án và kinh sách Đại Thừa).

          Các loại thiền định này không phải là thiền định xả tâm của đạo Phật (ly dục ly ác pháp) nên đắm chìm trong các pháp thế gian, tâm còn say mê ăn uống, ngủ nghỉ phi thời v.v… và còn ham thích chùa to, tháp lớn, danh tiếng vang lừng. Vì tâm dục và ác pháp không trừ nên con đường tu tập không thể nhập vào Chánh định, chứ không phải thân tâm và nghị lực yếu kém. Vì đã rơi vào kiến giải, tưởng mình như đã tu chứng, do đó bản ngã to lớn ra, cũng từ đó đường tu chấm dứt, chỉ còn biết lợi dụng kiến giải này để buôn Phật, bán Pháp, làm cho cuộc sống danh lợi càng ngày càng phát triển to lớn như một lãnh chúa.

          Hạng tu sĩ này họ đâu biết rằng kinh sách kiến giải của họ soạn viết ra là đã giết biết bao nhiêu thế hệ con người đã qua. Nhưng kinh sách kiến giải này đã đưa những người tu sĩ Phật giáo đi đến chỗ “Đời chẳng ra Đời, Đạo chẳng ra Đạo.” Giới luật chẳng nghiêm túc, đạo hạnh chẳng có gì, oai nghi tế hạnh thì thô tháo, ăn, nói, cười cợt không đúng cách khiến mọi người nhìn thấy tu sĩ Phật giáo mà đau lòng. 

          Những kiến giải này được phổ biến sâu rộng trong mọi từng lớp con người ở xã hội, khiến cho mọi người đều sống trong tưởng tuệ. Sống trong một thế giới mơ hồ, trừu tượng, ảo ảnh Phật tánh, Thượng Đế, Thần linh, v.v… Họ đã dẫn dắt bao nhiêu thế hệ con người đi vào thế giới siêu hình, đến chỗ mê tín, cuồng tín, lạc hậu. Từ đó ông lên, bà xuống, bói khoa, bùa chú, trị bệnh, trừ tà, ếm quỷ, cúng bái, cầu khẩn, tế tự, xin xăm, bói quẻ, xem ngày tốt xấu ngồi thiền nhập định tưởng, v.v…

Từ chỗ kiến giải đưa người tu sĩ chơn chánh của đạo Phật trở thành những tu sĩ của ngoại đạo, rồi tiếp tục lừa đảo, lường gạt tín đồ bằng những hình thức tu hành ức chế tâm, tạo ra thế giới siêu hình tưởng, trừu tượng, ảo ảnh, mê tín dị đoan khiến bao nhiêu người hao tiền, tốn của mà chẳng ích lợi gì. Kiến giải là một tai hại rất lớn cho người tu sĩ chân chánh, tưởng là thông suốt giáo lý kinh sách, thiền ngữ, nào ngờ sự thông suốt ấy lại là một tai họa hiểm nghèo cho kiếp đời tu sĩ, đi đến bước đường cùng của sự tu tập.

Tu đến đây kể như đời họ chấm dứt, ngoài danh lợi họ không còn thấy gì khác hơn với một số ngôn ngữ bã mía của người xưa, họ chỉ biết cắm đầu vào những kiến giải đó mà thôi. Bởi vậy người tu sĩ chơn chánh quyết tìm tu giải thoát cho cuộc đời mình thì rất sợ kiến giải.

          Kiến giải không phải là trí tuệ hiểu biết chân thật mà là tưởng tuệ phát triển theo chỗ ức chế tâm của thiền định tưởng. Cho nên trong nhà thiền gọi người tu rơi vào kiến giải như người chết mà hồn phách chưa tan là vậy.

Người tu theo đạo Phật phải cảnh giác, phải nghiên cứu kỹ các loại thiền định, loại thiền định nào ức chế tâm là loại thiền định rơi vào kiến giải, chỉ có thiền định của đạo Phật là Bốn Thánh Định, đó là loại thiền định xả tâm. Vì thế thiền định này không rơi vào kiến giải và đưa hành giả đến nơi giải thoát hoàn toàn, làm chủ sanh, già, bịnh, chết và chấm dứt luân hồi, sanh tử.

          Bởi vậy người tu sĩ cần phải lưu ý, khi tâm thanh tịnh tức là vọng tưởng vắng bóng trong lúc tọa thiền thường phát khởi niệm kiến giải, cảm thấy như mình thông suốt nghĩa lý kinh sách và công án thì coi chừng bị ma pháp tưởng. Đây không phải là trí tuệ mà chính là ma tưởng.

Người tu sĩ đã bị ma tưởng cũng giống như người chết chưa chôn. Do ma tưởng nhập, vị tu sĩ này bản ngã ngày một to lớn hơn, họ đang nuôi bản ngã ngược lại với đạo Phật diệt ngã xả tâm. Từ chỗ tu theo đạo Phật, họ đã trở thành tu sĩ ngoại đạo mà không biết, cứ tưởng mình là tu sĩ Phật giáo. Hiện giờ tình trạng tu sĩ Phật giáo là như vậy.

          Tóm lại, người tu sĩ Phật giáo phải cảnh giác với trí tuệ này, vì trí tuệ này là trí tuệ tưởng, được xem như là một trí tuệ nguy hiểm nhất dẫn dắt chúng ta vào con đường phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, bế tắc sự tu tập giải thoát, chứ không phải trí tuệ giải thoát của Phật giáo. Xin các phật tử hãy lưu ý cảnh giác xa lìa.

 

 35. THIỆN PHÁP

          Hỏi: Kính thưa Thầy! Người mới vào tu thiền định, giai đoạn cơ bản và sơ cơ của người mới tập tễnh vào thiền định. Vậy Sơ Thiền có phải theo lời Thầy dạy:

Trong bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi lúc nào cũng đều sống trong thiện pháp, tức là tu tập Tứ Chánh Cần, thường ngăn ác diệt ác pháp và khởi thiện tăng trưởng thiện pháp.

          Thưa Thầy! Diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp cho thật sạch thì thân, thọ, tâm, pháp của người đó có thanh tịnh. Phải không thưa Thầy?

          Đáp: Đúng vậy, Thầy dạy người mới sơ cơ tu tập thiền định cơ bản lúc nào cũng phải sống trong thiện pháp. Muốn sống trong thiện pháp thì phải tu tập Tứ Chánh Cần, tức là ngăn ác diệt ác pháp, khởi thiện tăng trưởng thiện pháp, chứ không phải ngồi thiền nhiều, ức chế tâm, dừng vọng diệt vọng như Thiền Đông Độ và kinh Đại Thừa dạy.

Đó là đường lối tu tập thiền định của đạo Phật mà trong kinh sách Nguyên Thủy dạy rất rõ ràng: “Định Tư Cụ là Tứ Chánh cần.

          Câu hỏi thứ hai: Hành giả mới diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp cho thật sạch thì thân, thọ, tâm, pháp của người đó có thanh tịnh hoàn toàn chưa?

Hành giả diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp cho thật sạch thì thân, thọ, tâm, pháp của người đó mới được thanh tịnh chứ chưa hoàn toàn, chỉ mới nhập được Bất Động Tâm, làm chủ được tâm, tâm mới được thanh thản, yên tịnh và vô sự. Chính tâm mới được thanh thản, yên tịnh và vô sự  là thiền định sơ khởi của đạo Phật.

          Con nên ghi nhớ và phân biệt thiền của đạo Phật và Thiền Đông Độ. Thiền của Phật là chỗ tâm hết tham, sân, si, chứ không phải chỗ hết vọng tưởng; còn Thiền Đông Độ và kinh sách Đại Thừa là chỗ hết vọng tưởng.

          Người mới nhập Bất Động Tâm Định chỉ làm chủ được đời sống (sanh y), chứ chưa làm chủ được thân, có nghĩa là làm chủ sanh, già, bệnh, còn làm chủ sự chết chưa được, phải đợi nhập xong Tứ Thiền. Con nên nhớ Bất Động Tâm Định chỉ có ly dục ly ác pháp chứ chưa có diệt dục và diệt ác pháp. Vì vậy thân, thọ, tâm, pháp chưa làm chủ trọn vẹn, tức là lậu hoặc chưa xả sạch, còn phải trải qua một thời gian tu tập nữa.

          Đây là giai đoạn đầu tiên của người mới tu tập Tam Vô Lậu Học “Giới, Định, Tuệ” mà giáo pháp của Đức Phật đã chỉ dạy rõ ràng. Thế mà người đời nay chẳng tu theo Chánh pháp của Phật, lại chạy theo tu giáo pháp của ngoại đạo (Thiền Đông Độ và Đại Thừa). Cho nên tu mãi mà chẳng làm chủ sanh, già, bệnh, chết, chấm dứt sanh tử luân hồi. Họ chỉ sống trong ảo tưởng (Phật tánh, Tánh không, Tánh biết, Tánh nghe, Tánh Thấy và những trạng thái xúc tưởng hỷ lạc).

          Tâm ly dục ly ác pháp là tâm mới thực hiện được sự thanh tịnh giới luật, tức là giới luật nghiêm tịnh, không còn vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Còn muốn thân, thọ, tâm, pháp thanh tịnh thì phải tu tập “Tứ Niệm Xứ.” Khi tu tập Tứ Niệm Xứ sung mãn thì Tứ Thần Túc xuất hiện, nhờ Tứ Thần Túc chúng ta mới nhập “Tứ Thánh Định và thực hiện Tam minh” tức là tu tập hai giai đoạn sau: “Định và Tuệ.”

          Muốn diệt lậu hoặc cho sạch tức là ngũ triền cái và thất kiết sử thì phải tu tập Tứ Niệm Xứ rồi nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền và thực hiện Tam Minh mới làm chủ được thân, thọ, nghĩa là thân, thọ mới được thanh tịnh, tức là bệnh tật, sống, chết đã được tự tại theo ý muốn (bệnh, tật, sống, chết không còn chi phối thân, tâm).

          Muốn chấm dứt sanh tử luân hồi, diệt sạch gốc lậu hoặc (không còn đi tái sanh luân hồi nữa) thì phải tu tập Tam Minh quét sạch gốc lậu hoặc, mới làm chủ tất cả các pháp.

          Theo đường lối tu tập của đạo Phật, phải nhập từ Sơ Thiền, Nhị Thiền đến Tứ Thiền, thì thân, thọ thanh tịnh, rồi tiếp tục thực hiện Tam Minh mới dễ dàng. Thực hiện Tam Minh xong thì mới làm chủ được sự sống chết hoàn toàn, còn diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp thì hành giả được tâm bất động giải thoát.

         Diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp chỉ là mới nhập được tâm Bất Động Định, giai đoạn thứ nhất trong đường lối tu tập của Phật giáo. Nhưng đó là đạt mục đích giải thoát của Phật giáo làm chủ trong thân. Vì thế, hành giả còn phải tu tập và trải qua nhiều giai đoạn thử thách ngoại ma và nội ma, nếu vượt qua những giai đoạn này thì tâm định trên thân, thân định trên tâm chừng đó hành giả mới dễ dàng thực hiện Tứ Như Ý Túc và Tam Minh.

          Khi thực hiện Tứ Như Ý Túc và Tam Minh thì tâm mới vô lậu hoàn toàn. Tâm vô lậu hoàn toàn thì mới chấm dứt tái sanh luân hồi. Tu theo Phật giáo đến đây mới thành tựu viên mãn, chỉ còn một kiếp này nữa mà thôi.