Skip directly to content

Chánh Đạo - Tà Đạo. Kì 08 (21)

21. TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI VỀ

LỜI NGỎ CUỐN SÁCH: "GIỚI BỔN KHẤT SĨ TÂN TU"

          Lời ngỏ cuốn: "Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu" 

          (Trích). Giới kinh (Ba La Đề Mộc Xoa) là con đường đào luyện người xuất gia.

          Thực tập theo Giới kinh, người xuất gia thanh tịnh hóa thân tâm, nuôi dưỡng lòng từ bi để tiếp xử với mọi loài và đi tới trên con đường giải thoát. Giới kinh không phải chỉ là những luật lệ. Phải hiểu giới như là pháp rèn luyện và mỗi giới trong Giới kinh bảo đảm cho người xuất gia một lĩnh vực tự do cá biệt.

          Thực tập theo Giới kinh, ta bảo vệ được tự do trong đời sống hàng ngày. Và cũng vì vậy, Giới kinh (Pratimoksha) được dịch là biệt biệt giải thoát (tự do trong mọi lĩnh vực), xứ xứ giải thoát (ở đâu cũng được thảnh thơi) và đối hướng giải thoát (bước về hướng thảnh thơi).

          Giới nào cũng phát xuất từ sự thực tập chánh niệm. Chánh niệm giúp ta thấy rõ được những tư tưởng, lời nói và hành động nào giúp ta đi về hướng giải thoát, và những tư tưởng, lời nói và hành động nào đưa ta về nẻo khổ đau hệ lụy.

          Từ năm thứ năm sau ngày thành đạo, đức Thế Tôn đã bắt đầu chế giới cho chúng xuất gia, với sự cộng tác của các thầy lớn. Công trình chế giới này kéo dài cả bốn mươi năm, mỗi giới đáp ứng với một trường hợp hoặc một nhu cầu thực tập.

          Ngày đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, Ngài có dạy thầy Ananda rằng những giới nhỏ nhặt không cần thiết và quan trọng mấy có thể được bỏ bớt đi để sự hành trì giới luật luôn luôn mang tính thích ứng. Nhưng đã hơn 2500 năm mà lời dạy ấy của đức Thế Tôn vẫn chưa được thực hiện... ...  ... (hết trích).
                                                                                     Giới Bổn Khất Sĩ Tân tu – Nguồn TVHS
                                                                                             Học giả Thích Nhất Hạnh
                                                                                     Hội Đồng Giáo Thọ Đạo Tràng Mai Thôn  

Dưới đây, Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Trả lời những câu hỏi của Nguyên Thanh.

          Câu hỏi 1: Kính thưa Thầy! Theo Giới bổn của các Tổ biên soạn Ba La Đề Mộc Xoa thì sau mười ba năm từ khi chứng đạo Đức Phật mới chế giới. Còn bộ Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu thì cho biết sau năm năm từ ngày thành đạo thì Đức Phật mới chế giới. Vậy ở đây thời gian chế giới của Đức Phật có sai khác, chúng con không biết thời gian nào đúng, thời gian nào sai. Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được hiểu?   

          Đáp: Khi biên soạn giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa các Tổ dựa vào những truyền thuyết chứ không có căn cứ vào lịch sử, vì trong thời Đức Phật lịch sử không có ghi lại rõ ràng cụ thể nên mạnh ai cứ dựa vào chỗ nào theo kiến tưởng giải của mình cho là đúng, rồi cứ thế biên soạn.

          Các Tổ cho rằng mười ba năm sau khi Đức Phật thành đạo, còn bộ Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu cho rằng năm năm sau khi Phật thành đạo mới chế giới. Bộ giới luật này không biết căn cứ vào truyền thuyết nào, bộ sử nào mà dám xác định thời gian như vậy. Chúng tôi xin nhường lại cho những nhà sử học xác định.

          Theo chúng tôi nghĩ, khi muốn biên soạn nói một điều gì về lịch sử của một bậc vĩ nhân thế giới như Đức Phật thì không nên ghi một cách bừa bãi như vậy, cần phải căn cứ vào kinh sách nào? Lịch sử nào?..

          Cho nên thời gian mười ba năm chế giới của các Tổ và thời gian năm năm của bộ Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu còn là một nghi vấn chưa xác định thời gian cụ thể về chính sử và chính kinh. Vì vậy thời gian mười ba năm và năm năm chế giới luật là một giả thuyết chúng ta chớ nên tin.

          Theo kinh sách Nguyên Thủy thì hai giả thuyết thời gian chế giới của các Tổ và bộ Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu là sai sự thật.

          Chúng tôi thiết nghĩ, mặc dù lịch sử không có ghi thời gian Phật chế giới luật năm nào, ngày nào, nhưng chúng tôi căn cứ vào những kinh sách Nguyên Thủy do Phật thuyết thì Đức Phật không có chế giới luật mà giới luật đã có sẵn trước khi Đức Phật thành đạo, xin các bạn đọc lại kinh Trường Bộ tập một, bài kinh Sonadanda thuộc Tạng Kinh Việt Nam.  

          Trong bài kinh ấy Bà La Môn Sonadanda có nêu ra năm điều kiện của một Bà La Môn:

          1- Đẹp trai, tướng tốt (32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp).

          2- Bảy đời liên tục là Bà La Môn

          3- Chú thuật, tụng niệm và thông suốt ba bộ kinh Vệ Đà.

          4 - Tri kiến.  

          5 - Giới luật.  

          Trong năm điều kiện này Đức Phật chỉ chấp nhận giới luật và tri kiến, còn ba điều kia Đức Phật không chấp nhận bằng một lý luận sắc bén bẻ gãy những luận thuyết khiến cho Bà La Môn Sonadanda phải chấp nhận. Trong bài kinh ấy Đức Phật kết luận một câu rất tuyệt vời:

          Giới luật ở đâu là tri kiến ở đó, tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó. Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật.

          Bài kinh này đã xác định giới luật có trước Đức Phật vì đạo Bà La Môn có trước đạo Phật.  

          Đọc bài kinh này chúng ta nhận xét các Tổ và những người sau này không lo tu tập, không chịu khó nghiên cứu kinh sách Nguyên Thủy mà cứ dựa theo kinh sách và giới luật phát triển của Đại Thừa, đó là những kinh sách chịu ảnh hưởng của tà giáo ngoại đạo, cho nên thời gian chế giới của Đức Phật trong các bộ sách này là sai sự thật.

          Trong kinh sách Nguyên Thủy thường hay nhắc đến Phạm hạnh. Như đoạn kinh dạy. “Sanh đã tận Phạm hạnh đã thành, những việc làm đã làm xong, không còn trở lại trạng thái này nữa.”

          Phạm hạnh là giới luật. Xin các bạn hãy đọc lại đoạn kinh Kandaraka trong tập II kinh Trung Bộ, tạng kinh Việt Nam:

          Ở đây này Pussa lại có người vừa không hành khổ mình, không chuyên tâm hành khổ mình, vừa không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người. Người ấy không hành khổ mình, không chuyên tâm hành khổ mình, không làm khổ người, không chuyên tâm làm khổ người, hay trong hiện tại không tham dục, tịch tịnh, cảm thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm thể. Này Pessa, bốn hạng người này, hạng người nào được tâm ông thích nhất?

          Như trong đoạn kinh này dạy: “Người không làm khổ mình, khổ người là người trú vào Phạm thể.” Vậy Phạm thể là gì? Phạm thể là đức hạnh của Phạm thiên. Cho nên đức hạnh của Phạm thiên là sống không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Đức hạnh không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai là giới luật.

          Do căn cứ vào những bài kinh Sonandanda và kinh Kandaraka chúng ta quyết chắc giới luật đã có trước Đức Phật. Đức Phật không có chế giới mà chỉ loại trừ những giới luật phi đức hạnh của Bà La Môn. 

          Vì giới luật là đạo đức của con người; là hành động không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai như trên đã nói. Người nào có những hành động làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai là người phạm giới, phá giới. Vả lại giới luật là thiện pháp. Người sống trong thiện pháp là người không phạm giới. Người sống trong ác pháp là người phạm giới.

          Hạnh Phạm thiên dạy sống ly dục ly ác pháp mà chúng ta sống không ly dục ly ác pháp là sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, làm cho Phật giáo suy đồi, dìm mất đạo đức nhân bản - nhân quả, tội ấy rất nặng.

          Ví dụ: Lấy của không cho, nói láo, dâm dục, giết hại và ăn thịt chúng sanh, ăn uống phi thời, ở trong chùa to Phật lớn, đó là sống trong ác pháp.

          Mà đã sống trong ác pháp là phạm giới. Ăn uống phi thời ngày ăn hai ba bữa là phạm giới, vì không làm ra của cải tài sản ăn nhiều quá phí phạm mồ hôi nước mắt của đàn na thí chủ. Đó là phạm giới không ly dục. Ở chùa to Phật lớn là phạm giới không thanh bần, không xứng hạnh tu giải thoát của người tu sĩ Phật giáo “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo.”

          Cho nên giới luật là Phạm hạnh, người nào sống không đúng Phạm hạnh là phạm giới. Giới luật là đạo đức, người nào sống không đúng đạo đức là phạm giới.

          Giới luật đâu cần phải chế. Chế giới luật là bắt buộc người, đó là những tổ chức của các phe đảng phái và các tôn giáo khác chứ đạo Phật đâu có bắt buộc ai phải tu theo đạo mình.

          Vì đạo Phật là đạo đức của loài người. Ai muốn sống có đạo đức thì theo nó. Theo nó thì cuộc đời sẽ không còn khổ đau và được tiếng thơm là người có đạo đức; còn ai không theo đạo Phật, không muốn sống đạo đức làm người thì phải chịu khổ mãi mãi và trở thành người vô đạo đức.

          Vì sự giải thoát mọi sự khổ đau của cuộc đời, người ta mới chấp nhận sống đời sống Phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Đức Phật. Cho nên một vị ngoại đạo đến xin Phật tu hành thì Phật chấp nhận, nhưng phải sống biệt trú bốn tháng đúng Phạm hạnh thì Đức Phật mới cho xuất gia làm Tăng theo Phật, còn sống không đúng giới luật thì xin về, chứ Đức Phật không có bắt buộc người nào sống đúng giới luật như Phật.

          Nhờ đó chúng ta quyết chắc Phật không có chế giới luật cấm các tu sĩ mà chính các tu sĩ phải tự nguyện sống đời sống giới luật.   

          Còn bây giờ Tổ chế ra giới luật cấm ngăn, thế mà tu sĩ phạm giới, phá giới tan nát. Hình thức một ngôi chùa xây cất đồ sộ vĩ đại tốn hao hằng tỷ bạc. Đó là sự sa đọa của Phật giáo, chứng tỏ tu sĩ Phật giáo đang sống theo dục lạc thế gian, phạm giới, phá giới làm cho Phật giáo suy đồi và nền đạo đức của Phật giáo cũng không còn.

          Tóm lại năm năm và mười ba năm bảo rằng Phật chế giới luật là sai. Phật không có chế giới, vì giới luật đã có sẵn trong đời sống Phạm thiên và Bà La Môn.

          Câu hỏi 2: Kính thưa Thầy! Trong tập sách “Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu” (The Revised Pratimoksha), có đoạn nói là trước khi nhập diệt Đức Phật dạy:

          “Này A Nan, khi ta nhập Niết Bàn thì những giới nhỏ nhặt nào không cần thiết và không quan trọng mấy có thể được bỏ bớt đi, để sự hành trì giới luật luôn luôn mang tính thích ứng, nhưng đến nay đã hơn 2500 năm mà lời dạy của Đức Bổn Sư vẫn chưa thực hiện.”

          Thưa Thầy những giới nào là giới nhỏ nhặt? Những giới nào là giới không thích ứng. Xin Thầy dạy cho chúng con được rõ?

          Đáp: Giới luật là đức hạnh, là thiện pháp thì có giới luật nào là nhỏ nhặt; thì có giới luật nào là không thích ứng với thời đại. Dù bất cứ thời đại nào cũng phải cần đến đạo đức; có đạo đức thì cuộc sống của con người mới có an vui hạnh phúc; có đạo đức thì xã hội mới có trật tự, đất nước mới phồn vinh thịnh trị; có đạo đức thì thế giới mới có hòa bình thật sự.

          Có thời đại nào con người không cần đạo đức đâu? Đạo đức như cơm ăn áo mặc hằng ngày của con người, sống không đạo đức như con người thiếu thực phẩm, vậy con người có sống được không các bạn? Con người sống không đạo đức là con thú vật các bạn ạ! Chỉ có những người không biết giới luật là đạo đức, là thiện pháp thì mới dám cho nó là những giới nhỏ nhặt và không thích ứng với thời đại nên bỏ nó.

          Thưa các bạn! Các bạn có thấy đạo đức nhân bản – nhân quả nào mà không thích hợp với thời đại không? Nhưng đã bảo là đạo đức nhân bản – nhân quả thì làm sao không thích hợp với mọi thời đại được? Các bạn có hiểu không? Đạo đức nhân bản – nhân quả, chứ không phải những đạo đức phục vụ phong kiến phi nhân bản như đạo đức Khổng Mạnh, như các giáo điều phi nhân bản của ngoại đạo tà giáo nên mới không thích ứng với thời đại đang đi lên.

          Phạm hạnh là đức hạnh sống ly dục ly ác pháp, là đức hạnh nhân bản – nhân quả, là giới luật của Phật giáo. Tất cả những hành động sống Phạm hạnh là giới luật. Vậy bỏ những giới luật nhỏ nhặt cho thích ứng với thời đại thì chúng tôi xin hỏi các bạn và các bạn hãy thành thật trả lời:

          - Ăn uống phi thời là giới nhỏ nhặt phải không?

          - Ngủ trên giường cao rộng lớn tức là sống trong chùa to Phật lớn là giới nhỏ nhặt phải không?

          - Không ca hát, không nghe ca hát tức là tụng kinh niệm Phật là giới nhỏ nhặt phải không?

          - Cất giữ tiền bạc là giới nhỏ nhặt phải không?

          - Ăn mặc chải chuốt, y áo đắt tiền là giới nhỏ nhặt phải không?

          Tất cả những giới nhỏ nhặt này quý thầy muốn bỏ giới nào để được thích nghi với thời đại? Bỏ những giới nhỏ nhặt này để ăn uống ngày ba bữa, để ăn uống phi thời mà không phật tử nào dám nói. Có đúng như vậy không? Bỏ những giới nhỏ nhặt này để ở trong chùa to Phật lớn; để tụng niệm ca hát ê a, để xem ti vi, xem phim ảnh cho thích ứng với thời đại mà phật tử không ai dám nói. Có đúng như vậy không?

          Những giới nhỏ nhặt này là Phạm hạnh của người tu sĩ Phật giáo. Tu sĩ không còn giữ gìn những giới luật này là tu sĩ sa đọa. Người tu sĩ Phật giáo còn ăn phi thời ba bữa hay ăn uống lặt vặt thì có ly dục ly ác pháp không các bạn? Các bạn cứ trả lời đi!!!

          Người tu sĩ Phật giáo nằm giường cao rộng lớn, sống trong chùa to Phật lớn có ly tham không các bạn? Người tu sĩ Phật giáo còn tụng niệm ê a là còn ca hát, còn xem ti vi thì có sống trầm lặng độc cư không các bạn? Nhưng người tu sĩ như vậy có ly tham ly dục không các bạn?

          Xét như trên đây thì giới nào là giới nhỏ nhặt, giới nào là giới không thích ứng với thời đại?

          Thưa các bạn! Nếu các bạn muốn thích ứng với thời đại thì các bạn hãy trả chiếc áo cà sa lại cho chùa rồi về đời mà sống thích ứng với mọi người thì có ai nói các bạn đâu? Các bạn đừng mượn chiếc áo đạo làm cuộc đời thì tội nghiệp cho Phật giáo lắm các bạn? Tội cho những người tu hành nghiêm chỉnh giới luật

          “Một con sâu làm rầu nồi canh.”

          Các bạn có bao giờ nghe những danh từ trong nhà Phật dạy không? Người muốn tu theo đạo Phật thì “phải sống ly dục ly ác pháp.” Vậy các bạn muốn cho thích ứng với thời đại thì sự tu hành của các bạn có ly dục ly ác pháp được không?

          Thưa các bạn! Nếu các bạn không hiểu giới luật thì các bạn hãy làm thinh, dựa cột mà nghe, đừng có bắt chước các Tổ chế giới luật, rồi nay thêm giới này, mai bớt giới kia. Việc làm sai không dám chịu rồi gán cho Phật và bảo rằng Phật chế giới năm này, năm khác, rồi bỏ những giới luật nhỏ nhặt, giới này giới kia, rất tội cho Đức Phật. Vốn Người không làm mà phải chịu, nếu không có những kinh sách Nguyên Thủy còn lại thì lấy đâu minh oan cho Đức Phật.

          Phật giáo là một chân lý đạo đức lớn của loài người thì không bao giờ còn có ai dám thêm bớt vào được. Vì chân lý của con người thì muôn đời không còn sai một li hào nào, dù thời đại khoa học có tiến bộ đến đâu thì chân lý của con người vẫn là chân lý của con người thì làm sao là lỗi thời, là không thích ứng. Vậy mà các bạn cả gan dám thêm bớt.

          Xưa kia các Tổ dám thêm vào kinh Niết Bàn một đoạn như sau:

          Này A Nan, sau khi ta nhập Niết Bàn thì những giới nhỏ nhặt nào không cần thiết và không quan trọng thì có thể được bỏ bớt đi.

          Ngày nay các bạn lại dám thêm vào một đoạn nữa:

          Để sự hành trì giới luật luôn luôn mang tính thích ứng, nhưng nay đã hơn 2500 năm mà lời dạy của Đức Bổn Sư vẫn chưa thực hiện được.

          Thêm vào kinh Niết Bàn câu này nữa thì có chỗ dựa để chế ra bộ giới luật mới, đó là dùng băng keo dán miệng thiên hạ để không còn ai bắt bẻ các bạn được. Đó là lời dạy của Đức Phật, các bạn chỉ làm theo chứ đâu phải của các bạn tự làm. Thầy Tổ khéo lắm, nhưng không bịt mắt người tu chứng được.

          Thích ứng với mọi thời đại, Phật giáo hiện giờ lại có thêm một bộ luật mới: “Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu” (The Revised Pratimoksha). Nếu một người làm được thì các hệ phái khác cũng sẽ làm được. Do đó giới luật sẽ phát triển không khác gì kinh sách Đại Thừa.

          Thưa các pháp hữu! Các bạn hãy xem xét lại trình độ tu tập của những người biên soạn chế ra bộ giới luật tân tu này. Họ đã làm chủ được những gì nơi thân và tâm của họ chưa?!

          Thứ nhất, đời sống giới luật của họ có nghiêm chỉnh không? Nếu giới luật của họ nghiêm chỉnh thì họ chế giới ra thì chúng ta chấp nhận. Nếu giới luật của họ sống không nghiêm chỉnh thì bộ giới luật biên soạn của họ sẽ không đủ cho chúng ta có niềm tin.

          Về thiền định họ có nhập được Tứ Thánh Định chưa? Nếu họ chưa nhập được Tứ Thánh Định mà biên sọan bộ giới luật này thì chúng ta biết chắc chắn rằng họ chưa đủ khả năng và kinh nghiệm để biên soạn bộ giới luật Phật giáo

          Về sự tu tập của họ, họ đã làm chủ sanh, già, bệnh, chết được chưa? Nếu chưa làm chủ được mà biên soạn bộ giới luật thì chúng ta biết chắc rằng họ biên soạn giới luật là để phạm giới luật mà không ai dám phê bình.

          Họ có thực hiện được Tam Minh chưa? Họ có sống đúng đạo đức không làm khổ mình khổ người chưa? Nếu họ chưa thực hiện được Tam Minh, chưa sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình khổ người thì bộ giới luật của họ không đủ cho chúng ta tin tưởng.

          Kính thưa các bạn! Các bạn chưa sống đúng giới luật, chưa làm chủ sanh già bệnh chết, chưa nhập Bốn Thánh Định, chưa thực hiện Tam Minh mà các bạn muốn bỏ giới luật cũ để chế giới luật mới thì chúng tôi e rằng việc làm của các bạn quá nông nổi.

          Ví dụ: Bạn đang sống phạm giới mà chế giới là bạn sẽ phá giới, diệt giới chớ đâu phải bạn chế giới. Có đúng như vậy không các bạn? Các bạn chưa sống được như Phật mà các bạn chế giới là các bạn đã đi xa đạo Phật và có thể các bạn đang diệt Phật giáo, các bạn có biết không?

          Các bạn có thấy gương của thầy Tổ chưa? Do tưởng giải mà viết kinh sách Đại Thừa là các Tổ đã diệt Phật giáo từ hơn 2500 năm nay rồi. Vì thế mà từ đó đến nay các bạn có thấy ai tu chứng quả A-la-hán chưa? Nếu các bạn bảo rằng có người tu chứng thì chúng tôi xin hỏi các bạn trả lời cho: Tu chứng quả A-la-hán sao kết tập kinh sách còn sô bồ, sô bộn như thế này?

          Đạo đế là chân lý, là chương trình giáo dục đào tạo của những bậc thánh A-la-hán, thế mà chứng quả A-la-hán lại không phân ra được các cấp, các lớp tu học và không biên soạn ra được giáo trình tu học thì chứng quả A-la-hán chỗ nào? Xin các bạn chỉ cho!

          Tuy các Tổ kiến giải dựa vào kinh Phật viết ra giới luật, nhưng chưa có ai dám bỏ những giới luật nhỏ nhặt nào, vì các Tổ cũng tự xét mình tu hành chưa tới đâu, chứng chưa bằng Phật nên không dám bỏ. Chỉ nêu ra như vậy để khi lỡ có phạm giới thì không ai chê cười vì đó là giới nhỏ nhặt.

          Hiện giờ chúng ta được đọc bộ giới mới, nhưng nếu bộ giới này đừng bỏ giới nào hết thì rất hay, những giới mới thêm vào nhưng nó không mới vì những giới cũ đã có đủ. Nếu các bạn là người tu chứng bằng Phật thì bộ giới luật này có giá trị rất lớn cho Tăng Ni và cư sĩ. Còn nếu các bạn chưa chứng bằng Phật mà biên soạn bộ giới luật này thì chưa đủ khiến cho mọi người tin tưởng và vì vậy bộ giới luật này không có giá trị.

          Giới luật là đức hạnh thì không có giới luật nào nhỏ nhặt. Có giới luật nhỏ nhặt là do các bạn không hiểu giới luật. Các bạn hiểu giới luật của Phật như là pháp luật của quốc gia, hiểu như vậy là các bạn đã hiểu sai; hiểu như vậy thì giới luật Phật không phải là pháp môn vô lậu.

          Ví dụ: Giới sát sanh và giới không nằm giường cao rộng lớn, nếu hiểu về đức hạnh thì hai giới này bằng nhau. Sát sanh là đức hiếu sinh, không nằm giường cao rộng lớn là đức thanh bần. Đức thanh bần và đức hiếu sinh bằng nhau. Còn hiểu hai giới này là pháp luật thì giới sát sanh là giới trọng, còn giới nằm giường cao rộng lớn là giới khinh.

          Ví dụ: Giới vọng ngữ là đức thành thật, giới ăn uống phi thời là đức ly tham. Vậy đức ly tham và đức thành thật bằng nhau cho nên đức hạnh thì bằng nhau không có đức hạnh này cao, đức hạnh kia thấp. Mà cả hai đều bằng nhau vì là đức hạnh. Chỉ có giới cấm là có giới trọng giới khinh, giới vọng ngữ là giới trọng, còn giới ăn uống phi thời là giới khinh.

          Đối với đạo Phật không có giới nhỏ nhặt mà là nền đạo đức nhân quả - nhân bản. Các Tổ không hiểu giới luật của Phật chính là đạo đức nên mới phân loại theo pháp luật mà kê tội, nên mới có những giới nhỏ nhặt (giới khinh).

          Như trên đã nói giới luật là đức hạnh nên không có giới nào là không thích ứng với thời đại, dù thời đại khoa học kỹ nghệ tiến bộ đến đâu thì đức nhân bản nhân quả không bao giờ lỗi thời. Chỉ có những người không hiểu giới luật nên cho nó không thích ứng.

          Câu hỏi 3: Kính thưa Thầy! Bức thư ngỏ trong tập sách Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu (The Revised Pratimoksha) có câu dạy:

          “Đạo Bụt phải được duy trì như một thực tại sống động. Như một thân cây các cành khô phải được cắt đi để cho những nụ mới được xuất hiện. Những nụ mới này là những giáo lý và những phương pháp thực tập có thể đáp ứng được những nhu yếu của thời đại và văn hóa mới. Những phát triển kỹ thuật, tin tức báo chí và tốc độ của đời sống, nó đã ảnh hưởng nhiều tới đời sống những người xuất gia.”

          Kính thưa Thầy! Những lời dạy trên đây có đúng với giới luật và giáo pháp của Đức Phật không thưa Thầy?  

          Đáp: Giáo lý của đạo Phật là một chân lý của loài người: khổ, tập, diệt, đạo. Đã là chân lý của con người thì không còn có chỗ nào sai. Nếu còn có chỗ sai thì không gọi là chân lý.

          Giáo lý của các tôn giáo khác còn có chỗ sai nên không được gọi là chân lý mà chỉ gọi là triết lý, giáo điều. Triết lý, giáo điều còn nhiều chỗ sai nên các tông đồ của các tôn giáo khác thường hay chỉnh sửa giáo lý cho thích hợp với thời đại.

          Còn giáo lý của đạo Phật là chân lý của con người nên nó không còn sai. Nhất là chân lý ấy do con người ở trên hành tinh này tu chứng nói ra, chứ không phải chân lý ấy từ cõi nào. Cho nên không ai được quyền sửa, nếu người nào muốn sửa thì người ấy hãy tu chứng như Phật, còn tu chưa chứng thì đừng có sửa chân lý.

          Các bạn có biết không? Chỉ có những người điên mới dám cầm bút sửa chân lý, chứ người không loạn thần kinh thì chẳng bao giờ dám sửa.

          Những người không hiểu giáo lý của Phật giáo là chân lý nên mới cho giáo lý ấy như một thân cây, các cành khô phải được cắt đi để cho những nụ mới xuất hiện. Người nào hiểu như vậy là hiểu Phật giáo là một triết lý, chứ không phải hiểu là chân lý. Những nụ mới xuất hiện đó là giáo lý Đại Thừa, Thiền Tông và Minh Sát Tuệ. Các bạn có biết không?

          Nó có thể đáp ứng được nhu yếu của thời đại và văn hóa mới, nên Tăng Ni sống phi Phạm hạnh, phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, sống trong chùa to Phật lớn như cung đình điện ngọc. Do đó Tăng Ni lo xây chùa to Phật lớn, và chùa to Phật lớn hiện giờ mọc khắp nơi. Đời sống của các Tăng Ni vật chất dục lạc đầy đủ, ăn ngủ phi thời.

          Một người tu sĩ sống như người thế tục thì Phật giáo còn gì là Thánh đức thưa các bạn? Do tu hành như vậy nên bây giờ không tìm cho ra một người chân tu, một người tu hành làm chủ sanh, già, bệnh, chết hoặc nói cách khác là không bao giờ tìm thấy một người chứng quả A-la-hán.

          Do cắt tỉa mãi, Phật giáo chân chánh bây giờ thành Phật giáo Đại Thừa và Thiền Tông. Giới luật hiện giờ tu sĩ không còn biết đến, nếu ai hỏi đến giới đức, giới hạnh, giới hành thì ngơ ngẩn chẳng biết đâu mà trả lời.

          Cắt tỉa mãi, Phật giáo hiện giờ thành Thần giáo, một tôn giáo mê tín, một tôn giáo tha lực, mất hết tự lực.

          Cắt tỉa mãi, Phật giáo thành một tôn giáo dục lạc, chứ đâu còn là một tôn giáo ly dục ly ác pháp nữa. Có đúng như vậy không các bạn?

          Câu hỏi 4: Kính thưa Thầy! Trong lời ngỏ của tập sách Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu (The Revised Pratimoksha) vừa có tính cách khế lý, khế cơ, vừa có tính cách thực tiễn. Như vậy có đúng không thưa Thầy?  

          Đáp: Muốn đưa một giáo pháp mới vào đạo Phật thì các Tổ hay dùng những từ khế lý, khế cơ để che đậy mắt mọi người. Các thầy Tổ bao giờ cũng muốn mình hơn Phật nên dùng những danh từ rất kêu để sửa kinh sách Phật: khế lý, khế cơ, thích ứng, thích nghi với thời đại, duy trì như một thực tại sống động, đáp ứng những nhu yếu của thời đại và văn hóa mới, vv… Các thầy Tổ dùng những lời này chứng tỏ các thầy Tổ không hiểu Phật giáo. 

          Xin thưa cùng các bạn! Giáo lý Phật giáo là đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người nên khi mọi người mới bắt đầu vào tu thì Đức Phật dạy:

          Các pháp ác không nên làm, nên làm các pháp thiện” (Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành) hoặc “ngăn ác diệt ác pháp sinh thiện tăng trưởng thiện pháp.

          Tu tập như vậy có cái gì không khế lý, khế cơ với thời đại? Tu tập như vậy có cái gì không thích ứng, thích nghi với thời đại? Tu như vậy có cái gì không đáp ứng những nhu yếu của thời đại và văn hóa mới?

          Các bạn cứ tự hỏi lại xem giáo pháp của Phật dạy như vậy có cái gì không khế lý, khế cơ, không đáp ứng những nhu yếu của thời đại và văn hóa mới chỗ nào?

          Dạy niệm Phật, ngồi thiền, tụng kinh, niệm chú, bắt ấn, niệm hồng danh chư Phật, lạy sám hối, tụng kinh cầu siêu, cầu an, v.v… như vậy là khế lý, khế cơ đáp ứng những nhu yếu của thời đại và văn hóa mới hay sao?! Dạy đạo như vậy là dạy mê tín, phi đạo đức nhân bản – nhân quả, phi Phạm hạnh. Các bạn có biết không?

          Các bạn muốn sửa giáo lý của Đức Phật thì nhìn lại các bạn có tu tập được như Phật chưa? Giới luật còn sống chưa đúng, chưa thanh tịnh, ăn uống ngủ nghỉ còn phi thời, sống còn ở trong chùa to Phật lớn. Phạm hạnh của một người tu sĩ và cư sĩ như vậy sao? Phạm hạnh sống chẳng ra gì mà muốn chỉnh lại kinh sách Phật là một việc làm chẳng biết lượng sức mình.

          Kính thưa các bạn! Chừng nào các bạn tu theo Phật giáo sống như Phật, làm như Phật, chứng đạo như Phật thì lúc bấy giờ các bạn sẽ không còn có ý nghĩ sửa kinh, sửa giới luật Phật nữa. Các bạn như con cóc mà muốn làm ông trời thì làm sao được các bạn? Các bạn như con nhái mà muốn làm bằng con bò thì làm sao được. Phải không các bạn? 

          Xin thưa cùng các bạn, các bạn chưa hiểu Phật giáo thì các bạn đừng đụng đến nó, mà hãy lo tu tập đi để cứu mình ra khỏi sự khổ đau của kiếp người, đừng mơ mộng sửa kinh sách Phật là các bạn đã tự giết mình, giết Phật giáo, giết hằng bao thế hệ, các bạn có biết không?

          Câu hỏi 5: Kính thưa Thầy! Trong Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu (The Revised Pratimoksha), có những giới cũ không còn thích hợp với hiện tại được thay thế bằng những giới có công năng bảo hộ cho sự thực tập và giá trị đích thực của người xuất gia trong thời đại mới.

          Như những giới có liên hệ tới sự sử dụng xe hơi, máy vi tính, máy truyền hình, điện thọai cầm tay, trò chơi điện tử, điện thư, và mạng lưới Internet v.v..

          Kính thưa Thầy! Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu (The Revised Pratimoksha) đặt ra những giới này có mới không hay chỉ là những danh từ mới. Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ?  

          Đáp: Thực ra, Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu là bộ sách pháp luật chứ chưa phải là giới luật của Phật. Những giới luật trong Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu được đặt ra gọi là mới, chứ thực ra trong giới luật của Phật đã có đầy đủ, nhưng các bạn biên soạn ra bộ giới luật này không chịu khó nghiên cứu giới luật Phật nên không hiểu giới đức, giới hạnh, giới hành trong giáo lý Phật.

          Vì thế tưởng nó mới chứ thực ra những giới luật này không mới. Có lẽ các bạn tưởng rằng thời đại khoa học phát minh ra nhiều máy móc tối tân mà trong thời Đức Phật chưa có, nên Đức Phật không có chế giới luật đó chớ gì? Không đâu các bạn ạ! Các bạn đã lầm! Những giới luật và giáo pháp của Phật chính là nền đạo đức, nên nó đã vượt không gian và thời gian.

          Vì thế, thời đại khoa học có phát triển đến đâu thì nó vẫn đi sau giới luật và giáo pháp của Phật. Bởi vì thời đại khoa học luôn luôn đi sau giới luật và giáo pháp của Phật, đó là một bằng chứng rõ ràng, nên giới luật và giáo pháp của Phật luôn thích ứng với mọi thời đại, không bao giờ lỗi thời.

          Ví dụ: Giới không nằm giường cao rộng lớn là các bạn phải hiểu: nó là giới cấm không cho tu sĩ ở chùa to, cốc lớn, sang đẹp. Có đúng như vậy không các bạn? Chúng ta nên suy ra: giường cao rộng lớn là phải được đặt trong ngôi nhà to lớn, nếu giường to rộng lớn mà đặt trong nhà nhỏ thì làm sao đặt được. Phải không các bạn?

          Sau này các bạn hãy đọc bộ sách Văn Hóa Truyền Thống Thánh Hạnh thì giới luật Phật không thiếu một giới nào trong thời hiện đại này. Cho nên sự chế giới mới của các bạn là thừa, vì trong giới cũ đã có đầy đủ, nhưng các bạn không hiểu nên tưởng là không có. Còn bỏ những giới nhỏ nhặt là vì các bạn chưa hiểu đức giới, hạnh giới, hành giới. Bỏ những giới nhỏ nhặt là bỏ những hành động đạo đức nhân bản  - nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh là một việc làm sai lầm các bạn ạ!.

          Đức Phật dạy:

          Này các tỳ-Kheo, tỳ-kheo phải sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các học giới.

          Ở đây Đức Phật nhắc nhở chúng ta: “Thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt.” Vậy theo lời dạy này thì chúng ta bỏ những giới nhỏ nhặt nào? Có những giới nhỏ nhặt nào bỏ được. Phải không các bạn?

          Khi tu hành chưa chứng đạo thì các bạn đừng làm một việc ngoài sự hiểu biết của các bạn. Ngoài sự hiểu biết của các bạn thì việc làm ấy không bao giờ đúng chánh pháp, nó làm hại bạn, làm hại Phật giáo, làm hại mọi người, nó có tính cách giết Phật giáo chứ không phải chấn hưng Phật giáo đâu các bạn.

          Câu hỏi 6: Kính thưa Thầy! Các bạn đồng tu cho rằng:

          “Sự công bố Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu (The Revised Pratimoksha) sẽ ảnh hưởng không những đối với Phật giáo mà cũng sẽ ảnh hướng tới các tôn giáo khác và đây không phải chỉ là một sự kiện thuộc giới tâm linh và tôn giáo, nó còn là một sự kiện văn hóa.”

          Vậy bộ giới luật này có tầm quan trọng đến như thế nào. Xin Thầy dạy rõ cho chúng con được hiểu?

          Đáp: Các bạn chỉ ca ngợi bộ Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu của mình như vậy chứ sự thật ra nó cũng giống như những bộ giới cấm Ba La Đề Mộc Xoa của các Tổ. Với bộ giới luật này nó chỉ là pháp luật của một quốc gia như trên đã nói, chứ chẳng có gì đặc biệt trong giới luật cả.

          Nó không nói lên được giới đức, giới hạnh, giới hành mà nó chỉ là những giới cấm. Giới cấm là những giới luật không đúng tinh thần tự lực của Phật giáo. Giới cấm (bị bắt buộc) làm mất sự tự nguyện, tự giác của người tu sĩ Phật giáo.

          Xưa Đức Phật trước khi nhận một người mới vào tu học thì cho họ sống biệt trú bốn tháng, nếu trong bốn tháng biệt trú mà người ấy thấy khả năng của mình sống đầy đủ giới luật thì mới xin làm đệ tử của Phật, bằng không sống nổi thì xin về chứ không ép buộc người nào cả.

          Do điều kiện này mà chúng tôi xác định giới luật Phật không có giới cấm, chỉ có giới đức, giới hạnh, giới hành. Vì thế giới cấm là do các Tổ làm ra.

          Bây giờ các bạn không hiểu nên lại chế ra giới cấm tân tu một lần nữa, đó là một việc làm dẫm lại lối mòn của các Tổ, khiến cho tu sĩ Phật giáo đã phá giới, phạm giới lại còn phá giới và phạm giới hơn nữa.

          Cho nên bộ giới luật này không có giá trị, nó cũng giống như những Bộ giới Ba La Đề Mộc Xoa của các Tổ mà thôi.

          Câu hỏi 7: Kính thưa Thầy! Khi viết bộ Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu (The Revised Pratimoksha), sợ có người hỏi nên các bạn đã rào đón câu này:

          “Có người hỏi: Quý vị là ai mà dám tu chỉnh giới luật của Bụt? Câu trả lời: Chúng ta đều là con của Đức Thế Tôn và chúng ta là sự tiếp nối của Người.”

          Thưa Thầy câu trả lời này đúng hay sai. Xin Thầy giảng rõ cho chúng con được hiểu?  

          Đáp: Phần đông những tu sĩ phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới thường hay có ý chỉnh giới luật để sự vi phạm giới luật không ai phát giác ra được, cho nên câu trả lời này cũng nhằm ý ấy để che đậy những sự phạm giới, phá giới.

          Câu nói: “Chúng ta là con của Đức Thế Tôn và là sự tiếp nối của Người,” là chúng ta có quyền sửa những gì của Phật. Phải không các bạn?

Ta là con của Đức Phật, là sự tiếp nối của Người, nhưng ta có làm được như Người chưa? Chưa làm được như Người mà dám sửa những lời dạy của Người thì có ai tin các bạn không?

          Các bạn có sống đầy đủ giới hạnh như Người chưa? Tu hành có chứng đạo được như Người chưa? Chưa được như Người thì chưa đủ khả năng chỉnh lại những gì mà Người đã dạy. Các bạn có biết không?

          Câu hỏi 8: Kính thưa Thầy! Có người bảo: “Đạo Bụt sở dĩ còn có mặt, đó là nhờ giáo đoàn xuất gia chưa bao giờ từng dứt đoạn.” Lời nói này có đúng không thưa Thầy?

          Đáp:Giáo đoàn xuất gia còn là đạo Bụt còn,” lời nói này là nhắm vào lực lượng đông người, chứ đông người mà phạm giới, phá giới, còn tu hành là tu danh, tu lợi thì đông người có ích gì cho mình, cho đạo Phật. Đông người như vậy là làm hại Phật giáo thêm.

          Dù tu sĩ có hàng vạn người theo tu mà giới luật vi phạm thì Phật giáo được xem là đã mất. Xưa Đức Phật sắp nhập Niết Bàn, Ngài đã di chúc: “Nếu giới luật còn là đạo Ta còn, giới luật mất là đạo Ta mất.

          Lời phát biểu trên đây “Giáo đoàn xuất gia còn là đạo Bụt còn,” là một đảng phái chứ không phải là Phật giáo nữa. Cho nên các bạn phát biểu mà không suy nghĩ chín chắn: “Đạo Phật sở dĩ còn có mặt, đó là nhờ giáo đoàn xuất gia chưa từng bao giờ dứt đoạn.” Đúng vậy, lời nói này là các bạn xem Phật giáo giống như một đoàn thể, một đảng phái, chứ không phải là tôn giáo Phật giáo nữa.

          Phật giáo lấy giới luật làm nền tảng tu học cho mình, cho người, nên Đức Phật dạy: “Giới luật còn là Phật giáo còn, giới luật mất là Phật giáo mất.

          Vì thế Phật giáo không phải là đảng phái mà cũng không phải là tôn giáo, vì nó là đạo đức của con người nên gọi nó là đạo đức nhân bản. Các Tổ sau này không hiểu giới luật và giáo pháp của Phật là đạo đức nhân bản – nhân quả nên mới suy tôn nó thành tôn giáo Phật giáo.

          Những người tu sĩ Phật giáo hiện giờ có cái nhìn giới luật và giáo pháp của Phật như luật đảng, luật đoàn của một nhà chánh trị hơn là một nhà đạo đức, một nhà chơn tu.

          Câu hỏi 9: Kính thưa Thầy! Trong tập sách “Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu” (The Revised Pratimoksha) tác giả cho rằng: Cứ hai mươi lăm năm thì giới luật lại được tu chỉnh một lần. Lời dạy này có đúng không thưa Thầy. Xin thầy dạy rõ cho chúng con được hiểu?

          Đáp: Giới luật là một đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh, vậy mà phải hai mươi lăm năm thay đổi một lần, như vậy giới luật của Phật là pháp luật chứ đâu còn là giới luật nữa. Phải không các bạn? Có lẽ các bạn hiểu giới luật là pháp luật của Nhà nước nên phải hai mươi lăm năm Quốc Hội họp lại để sửa đổi.

          Giới luật Phật là một pháp môn tu học để tâm được vô lậu nên gọi là “giới vô lậu.” Vậy là các bạn biến giới luật Phật thành pháp luật, để bắt buộc tu sĩ phải thi hành theo pháp luật, nếu tu sĩ nào vi phạm pháp luật thì bỏ tù hoặc tử hình hoặc phạt tiền, v.v...

          Giới luật khi vi phạm bị phạt tội như quỳ hương phát lồ sám hối hoặc tẩn xuất, như vậy sao gọi là giới vô lậu được. Như vậy Đức Phật đề ra Tam Vô Lậu học để làm gì? Các bạn trả lời đi?

          Phật giáo là trường huấn luyện đạo đức con người, chứ Phật giáo không phải đảng phái nên bắt ép người khác phải thi hành luật đảng.

          Nếu Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu này ra đời thì hàng đệ tử của Phật không bao giờ tu chứng quả vô lậu và Phật giáo sẽ trở thành một đảng phái Phật giáo chứ không còn là tôn giáo Phật giáo đạo đức nữa. Và từ đó về sau có nhiều đảng phái ra đời tranh quyền, cố vị, danh lợi chứ không còn là một tôn giáo để tu tập đi đến chỗ rốt ráo giải thoát hoàn toàn.

          Hiện giờ có rất nhiều sách Phật giáo ra đời. Nhưng chúng tôi xin cảnh giác các bạn:

          “- Khi tập sách nào được xuất bản ra đời thì hãy nhìn tác giả tu hành tới đâu, giới luật sống có nghiêm chỉnh chưa?

          - Thiền định có nhập được Tứ Thánh Định chưa?

          - Có thực hiện được Tam Minh chưa?

          - Có làm chủ được bốn sự đau khổ: sanh, già, bệnh, chết chưa?"

          Nếu biết rõ tác giả đã hội đủ bốn điều kiện trên thì cuốn sách ấy có giá trị rất lớn cho con đường tu tập của các bạn sau này.

          Còn về phía tác giả nếu trả lời chưa được những câu hỏi trên đây mà các vị viết kinh sách thì kinh sách ấy không có giá trị, chỉ là những kinh sách kiến giải, tưởng giải lừa đảo mọi người.

          Vậy, các bạn hãy cảnh giác đừng để những nhà học giả lừa đảo làm phí sức, phí công, phí tiền của mà tu hành chẳng tới đâu, chỉ uổng một đời.

          Câu hỏi 10: Kính thưa Thầy! Nếu giới luật đã tu theo thời gian, theo mỗi truyền thống của thời đại, của mỗi nền văn hóa thế giới thì hiện có còn bảo đảm chất lượng cho hàng đệ tử của Phật hay không? Tại sao giới luật lại “tân tu?” Điều này có đi ngược lại luật nhân quả hay không? Con xin Thầy giảng dạy cho chúng con được thấu hiểu.

          Đáp: Đạo Phật là đạo tự giác, tự nguyện, tự lực, nên bộ giới cấm là sai. Đạo Phật lấy thiện pháp làm vũ khí tiến thẳng vào cứu cánh, nên cuộc sống lấy giới luật làm căn cứ địa, và vì toàn bộ giáo lý của Phật là giới đức, giới hạnh, giới hành.

          Bộ giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa các Tổ cũng dựa vào kinh Phật biên soạn ra thành bộ giới cấm. Các Tổ không hiểu biết giới luật Phật là pháp môn tu tập tâm vô lậu nên biến nó thành pháp luật.

          Cho nên chỗ sai của các Tổ là chỗ “cấm” làm mất hết ý nghĩa của đạo Phật là đạo tự giác, tự nguyện. Đạo không khuyến dụ, không bắt buộc người khác, tự mọi người ý thức đời là khổ đau nên tự nguyện sống theo đạo Phật để thoát mọi sự đau khổ.

          Bộ giới luật Ba La Đề Mộc Xoa của các Tổ do cấm mà lỗi thời không thích ứng với thời đại là vậy, bộ Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu cũng là một bộ giới cấm, nhưng chỉ có thay đổi những danh từ theo thời đại cho thích ứng người nghe, chứ chẳng có gì mới mẻ cả.

          Như trên đã nói: nó chỉ sai là đi ngược lại với tông chỉ của đạo Phật là tự giác, tự nguyện, chứ không phải cấm, bắt buộc. Bộ Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu cũng vậy nó cũng dẫm lại lối mòn của các Tổ.

          Giới luật không có gì đi ngược lại với quy luật nhân quả. Giới cấm có đó, nhưng người tuân thủ giới cấm thì không có, cho nên tu sĩ Phật giáo hiện giờ sống phá giới, phạm giới không còn xem giới luật ra gì. Bộ Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu bỏ những giới mà tu sĩ thường vi phạm để được thích ứng với thời đại mà không bị phạm giới. Đó là cái khéo léo của bộ giới luật này để tu sĩ chạy theo dục lạc dễ dàng hơn.

          Nhìn những bộ giới cấm của các thầy Tổ mà đau lòng cho Phật giáo, nó đã làm mất hết ý nghĩa tự giác, tự nguyện sống đời đạo đức không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai.