Chánh Đạo - Tà Đạo. Kì 16 (43-45).
43. CÁI HAY CỦA ĐẠI THỪA LÀ CÁI TƯỞNG CỦA BỒ TÁT LONG THỌ
Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong một bài pháp thầy Thông Huyễn (Chân Quang) nói Đại Thừa cũng còn có những cái hay, cái hay đó là chỗ Đức Phật chưa nói ra, sau này các Tổ triển khai trong kinh sách Đại Thừa. Thầy Thông Huyễn lấy câu Đức Phật nói:
“Những pháp Ta chứng như những lá cây trong rừng, còn những pháp Ta dạy cho các con biết như nắm lá trong tay.”
Như vậy phải chăng những gì Đức Phật thuyết chỉ có một phần nhỏ thôi và còn rất nhiều pháp mà Đức Phật chưa nói ra. Xin Thầy dạy cho chúng con được rõ.
Đáp: Các nhà hoc giả tu hành chưa tới đâu mà dám cả gan muốn hơn Phật, dám nói những gì Đức Phật không cần nói. Trình độ tu chứng của các Tổ chỉ loanh quanh trong kiến giải như con liến bò miệng lu, thiền định thì lọt vào thiền tưởng thì không thể nào hơn Phật được mà dám nói những điều Phật đã không nói, Phật đã không nói là vì nói ra không có ích lợi cho loài người, còn các Tổ thì nói ra bằng tưởng thì sai hết phải không?
Tại vì các Tổ chưa chứng như Phật mà dám nói những điều Phật chứng, chính Phật còn chưa dám nói ra. Những điều Phật nói ra mà chúng ta chưa hiểu hết, chưa tu hết mà nói ra những điều Phật chưa nói thì Thầy e rằng những người đó là Ma Ba Tuần. Nói ra những điều vô hạn đó có lợi ích gì cho con người. Bởi vì trình độ kiến thức của con người còn trong hữu hạn, chưa hiểu được những điều vô hạn đó mà nói ra thì họ sẽ sống trong tưởng và như vậy là nói láo, nói không thật.
Trong kinh Tương Ưng Phật dạy: “Ta nói những điều mà chúng sanh chưa hiểu được, như vậy là Ta nói láo. Còn chúng sanh hiểu được thì Ta nói và như vậy là Ta không có nói láo.” Và như vậy là Tổ đúng hay Phật đúng?
Phật nói: “Thân ngũ uẩn hoại diệt không còn một uẩn nào cả,” các Tổ nói: “Thân ngũ uẩn hoại diệt còn có Phật tánh, thần thức.” Và như vậy Tổ đúng hay Phật đúng? Như vậy Phật nói láo hay Tổ nói láo? Như vậy, Phật lừa đảo chúng sanh hay Tổ lừa đảo chúng sanh?
Thầy Thông Huyễn ở trong tưởng giải lừa đảo của Đại Thừa mà cho rằng hay, chứ nào có hay gì đâu, chỉ sống trong ảo không thực tế. Nếu bảo rằng hay thì phải có sự tu chứng, có sự làm chủ sanh tử luân hồi thì mới hay. Còn kinh sách các Tổ viết nói quá nhiều nhưng tìm một người tu chứng thì tìm không ra. Như vậy là hay thì hay chỗ nào? Các Tổ muốn làm hay hơn Đức Phật nói ra những điều Phật chưa nói.
Tại sao lý luận hay mà không có người nào tu chứng, làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Hay chỉ nói láo mà thôi… Sống phá giới, phạm giới để rồi nói những điều ảo tưởng, phi đạo đức như vậy sao? Các Tổ nói được mà không làm được thì điều này không hay ho gì đâu! Nói ra được mà làm được thì đó mới là hay.
Các Tổ đưa ra lý luận Bát Nhã để làm hay hơn Phật. Do đó người tu hành lấy cái hay của Tổ Long Thọ, hằng ngày tu sĩ tứ thời công phu đều tụng niệm Tâm Kinh Bát Nhã: “Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không…” Thử hỏi có ai tụng Bát Nhã Tâm Kinh mà ngũ uẩn đã không chưa?
Vì chưa có ai tụng Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật mà ngũ uẩn đã không thì đó là trí tuệ Bát Nhã tưởng của ngài Long Thọ. Trí tuệ này chỉ có thể áp dụng cho thế giới tưởng, còn áp dụng vào thế giới con người thì làm sao con người tu được. Ai cũng nói ngũ uẩn giai không chứ không ai làm cho nó giai không được. Hằng ngày chùa nào cũng tụng Tâm Kinh Bát Nhã hết, nhưng chùa càng to, tháp càng lớn, xe hon đa, xe hơi, tủ lạnh đủ mọi thứ,… Không thì chẳng thấy không, mà có thì có rất nhiều. Nếu nói không thì nó phải quét sạch hết. Phải không?
Lý luận của Tổ Long Thọ hay nhưng hay ở thế giới khác, thế giới tưởng, chứ không phải hay ở thế giới loài người. Chơn không diệu hữu là lý Bát Nhã của Long Thọ. Nhiều người cứ tu tập giữ “Không,” tu mãi nó trở thành “không ngơ” như cây đá. Do tưởng không này mà cái chết của Tổ Sư Tử rất oan uổng, bị vua Kế Tân giết.
Đó là những chỗ các Tổ luận, còn thầy Thông Huyễn (Chân Quang) cũng bắt chước dựa theo đó mà luận ra sợ người không tin nên bảo rằng chỗ Phật chứng mà chưa thuyết ra. Thầy Thông Huyễn có ý muốn làm hơn Phật, nhưng thử hỏi bây giờ thầy Thông Huyễn sống có đúng đời sống như Phật chưa? Nhìn lại đời sống của thầy giới luật của mình không ra gì, mười giới Sa Di chưa trọn vẹn mà dám nói những gì Phật chưa nói.
Các Tổ ngày xưa, chúng ta chưa sống đồng thời với các ngài nên không biết các ngài giới luật có nghiêm túc không hay cũng như thầy Chân Quang bây giờ. Dù không sống đồng thời với các ngài, nhưng xét qua tưởng giải của các ngài là tưởng giải phá giới, như vậy các ngài đều sống phi Phạm hạnh.
Riêng Thầy không dám giải thích những gì Phật chưa nói mà chỉ giải thích những gì Đức Phật đã dạy khiến cho nó rõ ràng dễ hiểu, dễ hành. Thầy không dám dạy hơn những gì mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta. Đọc trong sách của Thầy, Thầy không bao giờ có thêm cái gì mới mẻ cả. Đức Phật nói hoá sanh, lời dạy này cô đọng quá chúng ta không hiểu hoá sanh như thế nào? Có người nói hoá sanh như một con tò vò tha con sâu bỏ vào tổ và bảo: "Hóa! Hóa!" từ đó con sâu hóa thành ra con tò vò.
Sự thật đâu phải. Các nhà Đại Thừa họ giải thích theo kiểu không thực tế, không có khoa học. Thật sự con tò vò làm tổ, đẻ trứng rồi bắt con sâu để vào tổ cho con nó nở ra và ăn thịt con sâu đó để sống lớn lên thành con tò vò. Chứ đâu phải con sâu hóa ra con tò vò. Các học giả không hiểu và hiểu như vậy không đúng sự thật, không thể chứng minh bằng khoa học được. Giải thích như vậy vô tình dẫn dắt người ta không hiểu lại càng không hiểu hơn.
Tóm lại, chỗ Phật tu chứng mà không dạy cho chúng ta, tức là chỗ thừa không ích lợi cho loài người, chỉ là hý luận suông của tưởng, nó không phải là chân lý của con người. Vì thế trước khi nhập Niết Bàn Đức Phật đã nói: “Ta tự biết trong đại chúng này, dù có một vị tỳ-kheo nhỏ nhất cũng thấy được dấu đạo, không còn đọa vào đường ác.”
Lời nói này Đức Phật đã xác định: “Ta đã dạy giáo pháp giải thoát vừa đủ, không thiếu, không thừa cho loài người. Những điều được Ta nói là Ta không có nói láo.”
Với giáo pháp chân chánh này chúng ta tu tập còn chưa hết, sống còn phạm giới, phá giới. Thế mà các nhà học giả xưa và nay tưởng giải ra những pháp cao siêu trừu tượng, ảo tưởng khác, khiến cho người tu hành đời sau lạc vào tà kiến, tà pháp.
Như vậy các nhà Đại Thừa triển khai những gì Đức Phật chưa nói đều là các Tổ sống trong tưởng nói ra, lý luận theo ảo tưởng mà thầy Thông Huyễn lại cho là hay, như vậy rõ ràng trí tuệ của thầy Thông Huyễn chỉ là trí tuệ học giả còn hạn cuộc trong trí hữu hạn.
Tóm lại, Đức Phật thuyết giảng pháp môn tu hành cho chúng ta là vừa đủ để tu hành giải thoát ra khỏi sanh tử luân hồi. Còn những gì các Tổ nói là giáo pháp của ngoại đạo, của Bà La Môn được lồng vào giáo pháp của Phật. Mục đích là để dìm Phật giáo, nhưng sợ tín đồ Phật giáo không tin nên mượn câu: “Ta tu chứng như rừng lá cây mà dạy chúng sanh tu tập như nắm lá cây.”
Câu này người ta không hiểu nghĩa của nó nên giải thích một cách lầm lạc. Do trí hữu hạn, thầy Chân Quang cũng không hiểu nghĩa của câu này.
Câu nói này có nghĩa là: “Chứng” là có thể thấy biết hiểu rộng nhiều sự việc khắp trong vũ trụ này, (như rừng lá cây) nhưng nói ra mọi người không hiểu nên Đức Phật không nói mà chỉ nói những điều chúng sanh hiểu được (như nắm lá cây trong lòng bàn tay).
Còn giáo pháp tu chứng thì chỉ có một, chứ không có nhiều giáo pháp. Chân lý của con người cũng vậy chỉ có một, chứ không thể có hai ba chân lý được.
Vì thế, khi Đức Phật tu chứng, Ngài quỳ xuống đảnh lễ giáo pháp mà Ngài đã thực hiện được sự giải thoát. Như vậy đạo Phật chỉ có một giáo pháp chứ không có nhiều giáo pháp, đó là “Giới, Định, Tuệ.”
Nhiều giáo pháp như Đại Thừa và Thiền Đông Độ tức là 84 ngàn pháp môn, đó toàn là giáo pháp của ngoại đạo được kết hợp lại để đánh lừa tín đồ Phật giáo. Cho nên ai dám nói những điều tu chứng của Phật là phải tu chứng như Phật, còn tu chưa chứng như Phật mà nói là tưởng nói.
44. PHƯỚC CHÚNG SANH CHƯA ĐỦ, TÌM MỘT VỊ A-LA-HÁN RẤT KHÓ.
Hỏi: Kính thưa Thầy! Thầy nói đợi cho có mười vị A-la-hán, mà bây giờ kiếm một vị cũng không ra. Nếu không có chín vị như Thầy thì họ không chịu tin, mà đợi cho có đủ chín vị nữa thì con coi bộ khó quá, đợi chừng nào mới có vị thứ nhì?
Đáp: Một người tu chứng trong giai đoạn này làm phật sự, khó có người tin được. Bởi vậy cần phải có mười người tu chứng để chỉnh đốn lại kinh sách Phật thì mọi người mới tin. Vì thế một người không thể chỉnh đốn lại được. Phước của chúng sanh chưa đủ, vì thế các vị A-la-hán chưa xuất hiện, chứ không phải chúng ta tìm một vị A-la-hán khó.
Chúng ta cứ sống đúng đức hạnh giới luật của Phật thì các bậc A-la-hán sẽ xuất hiện. Chỉ vì chúng ta sống không đúng đức hạnh giới luật của Phật nên chúng ta tìm mot vị A-la-hán rất khó. Giới luật là mẹ sanh ra A-la-hán.
Cho nên, nếu tất cả Tăng, Ni giới luật nghiêm chỉnh thì không những mười vị A-la-hán mà có hàng trăm vị A-la-hán xuất hiện. Giới luật ở đâu là có bậc A-la-hán ở đó, bậc A-la-hán ở đâu là giới luật ở đó, như vậy bậc A-la-hán đâu phải khó tìm. Phải không quý vị?
Bậc A-la-hán từ con người mà có, chứ không phải ngoài con người mà tìm được bậc A-la-hán. Con người giữ giới nghiêm chỉnh, tu tập đúng pháp ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện, sống không làm khổ mình khổ người là bậc A-la-hán.
Xưa, Đức Phật còn tại thế, Ngài đã xác định: “Giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật mất là Phật pháp mất.” Câu nói này có nghĩa là: “Giới luật còn là còn bậc A-la-hán, giới luật mất là bậc A-la-hán mất.”
Quý phật tử đừng bảo rằng: một vị A-la-hán khó kiếm, chỉ vì Tăng, Ni không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh nên bậc A-la-hán khó kiếm.
Tóm lại, bậc A-la-hán xuất hiện ra đời là vì chúng sanh có đủ phước báo thọ hưởng phước vô lậu.
45. PHÁP SAI CHỨ NGƯỜI KHÔNG SAI
Hỏi: Kính thưa Thầy! Con thấy có một số quý Tăng, Ni khi thuyết pháp với tấm lòng rất tốt. Nhưng vì pháp mà quý vị đó học được qua thầy Tổ ngày xưa như thế nào thì học hỏi như thế đó. Chưa hẳn là quý vị có tâm ác, lừa đảo phật tử đâu. Kính xin Thầy giảng dạy.
Đáp: Pháp sai chứ người không sai, người không sai thì phải có trí tuệ, có trí tuệ thì mới nhận ra pháp sai, pháp sai tức là pháp lừa đảo dối gạt người, nhận ra pháp sai mà cứ hành pháp sai, tức là lừa đảo lường gạt người.
Vì thế, người mới vào tu là người tốt. Sau một thời gian tu học pháp sai biến họ trở thành người xấu, hằng ngày phải làm nghề lừa đảo (cúng bái, tụng niệm, cầu siêu, cầu an v.v…) Cầu siêu, cầu an là một cái nghề làm giàu có nhiều tiền một cách dễ dàng. Cho nên biết pháp sai, nhưng các thầy không bao giờ bỏ.
Người mới vào tu thì nghèo đến nỗi một đồng xu dính túi còn không có. Nhưng sau khi tu lâu có những kiến giải, họ đứng vào vị trí trụ trì, giảng sư thì tiền bạc nhiều, danh vọng lớn nên họ không thể bỏ những pháp sai, vì nhờ những pháp sai lừa đảo này mà họ sống trên nhung lụa. Thế nên làm sao họ bỏ được.
Chúng ta không thể lường được những tu sĩ mượn tôn giáo để kinh doanh buôn bán, có khi còn buôn đồ lậu thuế. Những người này là những người không những buôn bán tôn giáo mà còn buôn bán đồ trái pháp luật. Chỉ có một thời gian năm, ba năm sau là họ cất chùa rất đẹp, họ sắm xe hơi nhà lầu đàng hoàng, tủ lạnh, ti vi cái gì ngoài đời có là họ cũng có hết.
Tóm lại, pháp sai dẫn người đi vào chỗ sai, pháp lừa đảo, dối gạt người sẽ dẫn người đi vào chỗ lừa đảo, dối gạt.
Cho nên kinh sách Đại Thừa là kinh sách kiến giải của các nhà học giả xưa và nay, là những kinh sách mà mọi người cần phải được lưu ý. Vì đó là những kinh sách phi đạo đức, lừa đảo, dối gạt người. Biến người tốt thành người xấu, bằng chứng rõ ràng những tu sĩ Phật giáo hiện giờ từ người tốt trở thành người xấu và đang hành nghề phi pháp.