Skip directly to content

Chánh Đạo - Tà Đạo. Kì 15 (42)

42. NHỮNG CÂU HỎI THẮC MẮC CỦA NHIỀU NGƯỜI

          Kính Bạch Thầy! Kính Thưa Đại Chúng!
        Đây cũng là những câu hỏi của nhiều cư sĩ thắc mắc:

          Câu hỏi 1: Khi Đức Phật nhập diệt, các vị Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật cũng đều nhập diệt rồi thì hơn 2500 năm nay có vị Thánh Tăng nào hay không? Nếu có thì sách sử không thấy nói đến?

          Nếu thật có những bậc A-la-hán tu chứng theo như Đại Thừa nói là các vị A-la-hán không có lòng thương xót, không có lòng từ bi, cho nên quý Ngài không có thị hiện để cứu độ chúng sanh. Vậy chúng con xin Thầy chỉ dạy dùm: Có vị Thánh Tăng (A-la-hán) nào xuất hiện không?

          Đáp: Từ khi Đức Phật nhập diệt đến nay, giáo pháp của Ngài đã bị dìm mất bởi những nhà học giả chịu ảnh hưởng tư tưởng giáo pháp của ngoại đạo Bà La Môn nên tu hành không đúng chánh pháp của Phật và sự tu hành cũng chưa đến nơi đến chốn.

          Vì thế, tưởng giải, kiến giải theo lối mòn của ngoại đạo nên tìm một vị chứng quả A-la-hán rất khó. Từ ngày Đức Phật nhập diệt đến nay chúng ta không thấy sử Phật giáo có ghi chép những bậc A-la-hán kế tiếp, nhưng có những bậc độc giác A-la-hán xuất hiện tu chứng quả, những vị này không nằm trong Phật giáo Đại Thừa cũng như Phật giáo Tiểu Thừa Nam Tông nên không được lịch sử Phật giáo ghi chép.

          Lịch sử Nam truyền và Bắc truyền có ghi chép những bậc Đại sư học giả thường gọi là Bồ Tát, vì những người này chưa nhập được Tứ Thánh Định của Phật và Tam Minh, họ chỉ nhập được Tứ Thiền của ngoại đạo, tức là một loại thiền tưởng và thần thông tưởng. Cho nên sử Phật giáo không dám xác định và ghi chép họ là những bậc A-la-hán.

          Trong kinh sách Nguyên Thủy cũng như kinh sách phát triển Đại Thừa đều có dạy rằng: “Một vị A-la-hán, một vị Phật xuất hiện ra đời là trên thế gian này sẽ xảy ra sáu cách chấn động.” Vì thế từ ngày Đức Phật nhập diệt đến nay chúng ta chưa từng thấy có chấn động, chưa có chấn động tức là chưa có A-la-hán ra đời.

          Tóm lại, khi Đức Phật tịch thì các ngoại đạo cố tình diệt Phật giáo. Âm mưu của chúng là phân hóa Phật giáo. Các tỳ-kheo tu chưa chứng đều bị âm mưu này. Phật giáo chia thành nhiều bộ phái, giáo lý của Phật đã bị thêm bớt quá nhiều và những pháp hành của Phật không có người có kinh nghiệm nên người sau không biết đường tu tập. Vì thế không có bậc A-la-hán xuất hiện.

          Câu hỏi 2: Bậc A-la-hán có tâm đại bi không?

          Đáp: Đại Thừa cho bậc chứng quả A-la-hán không có tâm đại bi, không thương xót chúng sanh là không đúng.

          Một vị Phật, một vị A-la-hán xuất hiện là do đại nhân duyên của chúng sanh trong thời đó. Nếu có đủ duyên thì bậc A-la-hán xuất hiện, bằng ngược lại là không. Nếu chúng sanh sống hung dữ, tàn ác, không chánh tín, theo tà kiến, không có tâm tha thiết cầu sự giải thoát, v.v… thì A-la-hán không xuất hiện.

          Cuộc sống con người xuất hiện nhiều tà giáo ngoại đạo. Đạo Phật bị dìm mất thì Phật và A-la-hán không xuất hiện. Phước chúng sanh có, duyên chúng sanh đủ, và tâm tha thiết của chúng sanh muốn tìm tu giải khổ, mặc dù hiện giờ tà giáo ngoại đạo nhiều, nhưng bậc A-la-hán vẫn xuất hiện, xuất hiện để làm sống lại nền đạo đức của Phật giáo, xuất hiện để quân bình cuộc sống cho con người trong đạo đức nhân bản - nhân quả.

          Cũng giống như thời Đức Phật xuất hiện, toàn là tà giáo ngoại đạo (lục sư ngoại đạo). Nhưng chúng sanh trong thời Đức Phật có đại nhân duyên, đó là duyên giải thoát, Đức Phật xuất hiện dựng lại những giáo pháp đúng mà ngoại đạo đã ném bỏ.

          Thường khi Đức Phật thuyết một bài pháp xong thì các cư sĩ ca ngợi tán thán Đức Phật bằng cách:

          Sa môn Gotama, thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì đã quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc.

          Theo Thầy thiết nghĩ Đức Phật đâu có pháp môn gì mới đâu? Ngài dám nói thẳng những cái sai cái đúng; Ngài dám bài bác chú thuật thần thông của ngoại đạo; Ngài dám bài bác cúng tế, cầu siêu, cầu an của ngoại đạo; Ngài dám bài bác sáu mươi hai hệ tư tưởng của ngoại đạo; Ngài dám bài bác thế giới siêu hình không có, chỉ là thế giới của tưởng tri.

          Cũng như bây giờ Thầy dựng lại những pháp môn gì của Phật mà Đại Thừa và ngoại đạo ném bỏ xuống, Thầy dựng lên, chứ Thầy đâu có pháp môn gì mới. Thầy cũng dám nói thẳng như Phật, mặc dù Phật còn có một giáo đoàn rất đông đảo và có cả nhiều vua chúa ủng hộ, còn Thầy có một mình, không có thế lực, không tiền bạc, chỉ có một tâm nguyện muốn đem lại lợi ích cho loài người trên hành tinh này, một nền đạo đức nhân bản – nhân quả Phật giáo mà mọi người sống không làm khổ mình khổ người; mà mọi người sống biết thương yêu nhau, thương yêu sự sống của muôn loài trên quả địa cầu này.

          Rồi đây, Thầy sẽ không còn một mình, mà sẽ có nhiều người, nhiều người khắp trên hành tinh này… 

          Nói A-la-hán thương hay không thương, độ hay không độ chúng sanh là người ta nói chứ những bậc A-la-hán biết thời tiết nhân duyên lúc nào đúng, lúc nào chưa đúng, lúc nào độ, lúc nào chưa độ và biết mình phải làm những gì đối với chúng sanh. Với trí phàm phu hữu hạn mà trách các bậc A-la-hán không thương xót chúng sanh, không độ chúng thì Thầy e rằng quý vị không hiểu A-la-hán.

          Quý vị đừng nghe theo những danh từ lời nói lừa đảo của Đại Thừa: “Thương xót chúng sanh, độ chúng sanh.” Bồ Tát độ chúng sanh hay là dắt chúng sanh vào bệnh thần kinh, hay biến chúng sanh thành người xảo trá lừa đảo nói láo. Dẫn nhau đi vào hố thẳm mà không biết.

          Ông Phú Lâu Na, một vị A-la-hán, đệ tử của Đức Phật đến xin Ngài đi hóa độ những người dân hung ác ở một xứ xa. Đức Phật chấp nhận. Một hình một bóng, ông ra đi về hướng đó và chẳng bao lâu ông đã độ được dân nước đó theo chánh pháp của Phật tu hành. Hành động như vậy ai dám bảo rằng A-la-hán không thương xót chúng sanh? Chỉ có những người phỉ báng Phật giáo như các nhà Đại Thừa và các ngoại đạo. Xin quý vị đừng phỉ báng bậc A-la-hán rất tội!

          Câu hỏi 3: Kính thưa Thầy! Người ta nói bên Đại Thừa và một số người khác khi mà đọc sách hay là nghe băng của Thầy họ có thắc mắc như thế này, họ vấn nạn:

 Nếu là vị A-la-hán đã giác ngộ rồi thì phải có cái tâm từ bi. Lời nói là lời ái ngữ, còn lời nói của Thầy thì phê phán họ quá nặng, vậy tức là vị này chưa có đắc đạo. Một ông sư đã dẫn chứng lời của thầy Chơn Quang cho rằng: A-la-hán vẫn còn những lậu hoặc, tức là chưa xả sạch hết. Xin Thầy từ bi chỉ giáo. A-la-hán chưa hết lậu hoặc làm sao gọi là A-la-hán. Phải không?

          Đáp: Vị A-la-hán phải hết sạch lậu hoặc mới gọi là A-la-hán. Nói A-la-hán chưa hết lậu hoặc là phỉ báng A-la-hán. Người ta chỉ tưởng ra mà nói chứ chưa biết rõ thế nào là hết lậu hoặc, thế nào là chưa hết lậu hoặc. Ở trong định nào mà hết lậu hoặc và ở trong định nào mà không hết lậu hoặc.

Đừng dùng kinh sách Đại Thừa như: “kinh Duy Ma Cật, kinh Bỏ Những Giới Nhỏ Nhặt, kinh Đại Bát Niết Bàn v.v…” mà phỉ báng những bậc A-la-hán đại đệ tử của Phật thì thật đáng thương, tự mình đã giết mình mà không biết.

Đó là mục đích của Bà La Môn dùng những kinh sách này diệt Phật giáo, kiến giải của thầy Chơn Quang là nối giáo cho giặc diệt Phật giáo chứ không phải chấn hưng Phật giáo. Tội phỉ báng bậc A-la-hán và nối giáo diệt Phật giáo là tội rất nặng, sẽ mất chủng tử giải thoát, đời đời kiếp kiếp phải đoạ địa ngục (tức là thân thường thọ bệnh khổ, không bao giờ dứt) chịu nhiều sự khổ đau và quả vị A-la-hán không bao giờ chứng được.

          Nói đến người chứng quả A-la-hán là nói đến người giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, bốn Thánh Định phải được nhập xong và Tam Minh phải được đầy đủ.

Như vậy, xét qua các pháp môn mà một vị A-la-hán đã thực hiện xong thì lậu hoặc còn chen chân vào chỗ nào được mà gọi là A-la-hán còn lậu hoặc. Chỉ có những người chưa chứng được Bốn Thiền và Tam Minh thì lậu hoặc mới còn, mà chưa chứng được Bốn Thiền và Tam Minh thì làm sao gọi là A-la-hán?

          Cho nên, các vị chưa hiểu A-la-hán mà phỉ báng A-la-hán thì tội nghiệp cho quý vị, vì phỉ báng A-la-hán là tội rất nặng.

          Tóm lại, chưa chứng A-la-hán thì không nên bàn hay nói đến A-la-hán, vì trí tuệ hữu hạn phàm phu của quý vị làm sao hiểu nổi những bậc Thánh Tăng A-la-hán đệ tử của Đức Phật. Xin quý vị đừng dùng tưởng tri mà luận Thánh quả thì e rằng quý vị đã sai lầm lớn.

Câu tục ngữ của Tổ Tiên ta dạy: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe,” quý vị nên nhớ.  

          Câu hỏi 4: Dùng ái ngữ như thế nào đúng?

          Đáp: Tại sao Thầy lại gay gắt với Thiền Đông Độ và kinh sách Đại Thừa mà không dùng ái ngữ với những giáo pháp này?

Vì Thiền Đông Độ và kinh sách Đại Thừa đã giết bao nhiêu thế hệ tín đồ Phật giáo, biến Phật giáo thành thần giáo ngoại đạo, biến giáo pháp Phật giáo thành những giáo pháp mê tín, trừu tượng ảo giác v.v… Những giáo pháp này còn hù dọa, lừa đảo quyến rũ, cám dỗ tín đồ v.v… Trong đời Thầy đã chứng kiến biết bao nhiêu thầy Tổ phải chịu chết trong đau khổ với những pháp môn này.

Xưa, Đức Thế Tôn hoàn toàn bác sạch sáu mươi hai luận thuyết của Ngoại Đạo, Ngài mạnh dạn nói thẳng chẳng hề biết sợ lục sư ngoại đạo là gì. Thậm chí thế giới siêu hình mà các tôn giáo đều có, Đức Phật mạnh dạn xác định không có thế giới siêu hình, chỉ là thế giới tưởng tri. Mà trong thời Đức Phật đâu phải dễ nói thế giới siêu hình không có. Con người thời đó sự hiểu biết về khoa học còn thấp kém, đời sống còn lạc hậu. Thế mà Đức Phật dám nói, chỉ có những bậc A-la-hán họ mới là những người dám ăn dám nói một sự thật.

          Ông Galilé, một nhà thám hiểm nói một sự thật: “Quả đất tròn” trong thời đó mọi người đều tin rằng quả đất vuông. Do thế người ta bắt buộc ông phải nói quả đất vuông thì không kết tội tử hình, nhưng đứng trước cái chết, ông vẫn ung dung nói một sự thật mà ông đã biết: “Không thể quả đất vuông được.” Người ta đưa ông lên đoạn đầu đài. Một nhà thám hiểm trước cái chết còn dám nói thẳng một sự thật, thật là gương can đảm và anh hùng.

          Còn chúng ta thì sao? Là những nhà tôn giáo, là tượng trưng cho đạo đức mà không dám nói thẳng, nói mạnh một sự thật sai là sai, đúng là đúng, chỉ biết cúi đầu a dua nịnh bợ. Lời nói thẳng, nói mạnh thì quý vị cho rằng lời nói không ái ngữ, còn lời nói a dua nịnh bợ, cái gì cũng cho là đúng, cái gì cũng cho là phải thì quý vị cho đó là lời nói ái ngữ. Lời nói thẳng nói mạnh là để giúp cho người tỉnh giấc mơ, để người ta trở về với sự thật, giúp cho người ta thoát ra khỏi sự lừa đảo của kẻ khác. Đó là lời ái ngữ có phải vậy không? Thưa các bạn.

          Trong thời đại của chúng ta là thời đại văn minh khoa học nên Thầy mạnh dạn nói rằng thế giới siêu hình không có. Nói thế giới siêu hình không có là làm một điều chướng ngại rất lớn không những cho các nhà Đại Thừa, Thiền Tông mà còn chướng ngại tất cả các tôn giáo khác trên hành tinh này.

Xưa, Đức Phật đã nói thế giới siêu hình là thế giới tưởng tri, ngắn gọn, vì thế ngoại đạo dễ che lấp lời nói này. Còn bây giờ Thầy vạch trần ra hết, tất cả những sự lừa đảo, phi đạo đức của Đại Thừa và Thiền Tông cho mọi người thấu rõ sự gian xảo thì người ta bảo Thầy là người không có ái ngữ. Thầy xin chấp nhận mình không ái ngữ với Đại Thừa và Thiền Tông. Mà Thầy có ái ngữ với những người không có kiến chấp đem lại lợi ích cho họ.

Nếu Thầy có ái ngữ với những giáo pháp này thì những giáo pháp này sẽ giết Phật giáo và giết hết những tu sĩ Phật giáo sau này. Nếu không nói thẳng nói thật thì ai biết Đại Thừa và Thiền Đông Độ là sai, là phi đạo đức, là không phải của Phật giáo, là của Bà La Môn giáo.

Nếu không nói thẳng nói thật, thì ai biết thế giới siêu hình là không có; nếu không nói thẳng nói thật, thì ai biết được Phật giáo có một nền đạo đức nhân bản - không làm khổ mình khổ người; nếu không nói thẳng nói thật, thì ai biết được những âm mưu thâm độc diệt Phật giáo của ngoại đạo; nếu không nói thẳng nói thật, thì ai biết được những tu sĩ ẩn nương cửa Phật kinh doanh làm giàu trên xương máu của đồng bào phật tử; nếu không nói thẳng nói thật, thì ai biết được những tu sĩ tu danh, tu lợi đang lợi dụng mồ hôi nước mắt của đồng bào phật tử để ăn trên ngồi trước; nếu không nói thẳng nói thật, thì làm sao làm sống lại Phật giáo, thì làm sao làm sống lại nền đạo đức của Phật giáo; nếu không nói thẳng nói thật, thì làm sao dẹp sạch những nạn mê tín lạc hậu làm hao tốn tiền của đồng bào phật tử một cách vô ích…

Vì thế phải nói thẳng, nói thật, nói mạnh, chứ không thể nào ái ngữ ngọt ngào êm dịu với Đại Thừa và Thiền Đông Độ được. Người tu chứng đạo biết sử dụng ngôn ngữ, đối với người nào phải dùng ái ngữ, đối với người nào không dùng ái ngữ, chứ không phải lúc nào cũng dùng ái ngữ.

Cũng như người cầm cân pháp luật là phải biết phạt, trị tội người nào; biết tha và biết giảm tội cho người nào. Lúc nào dùng ái ngữ, ngọt ngào an ủi; lúc nào nộ nạt tra tấn đánh đập. Người mới phạm tội lần đầu thì tha thứ, cảnh cáo, giáo dục họ, dạy họ để họ sửa lại những sự sai lầm. Còn người nào ba lần năm lượt không chịu sửa đổi phải cưỡng bức họ cải tạo, giam giữ bằng cách này, bằng cách khác. Cho nên chúng ta không phải lúc nào cũng dùng ái ngữ.

          Xưa, Đức Phật cũng dùng ngôn ngữ không ái ngữ: “Ông ngu si, ông điên đảo….” Như vậy, Đức Phật không chứng đạo sao? Nếu họ bảo rằng: người tu chứng lúc nào cũng dùng ái ngữ, dùng ái ngữ như vậy là người a dua, nịnh bợ, không dám nói thẳng nói thật. Người chứng đạo như vậy là người nhát gan sợ hãi, người hèn nhát. Như vậy mà gọi là chứng đạo là không đúng.

Một người ác, một quỷ vương, một ác thú mà chúng ta dùng ái ngữ thì chúng có tha cho chúng ta không? Cho nên chúng ta phải là người sáng suốt, phải là người trí tuệ mới biết dùng ái ngữ.

Vì vậy, phải biết sử dụng ái ngữ với những người nào và không sử dụng ái ngữ đối với những người nào. Chúng ta cần phải diệt cho sạch những ác pháp đó để đem lại sự an vui cho mọi người. Đó là cách thức xử sự của một người trí tuệ, của một người tu chứng.

          Dùng từ “ái ngữ” hay dùng từ “địa ngục” là để bịt miệng mọi người, để mọi người không dám nói thẳng sự sai trái trong Phật giáo hiện nay là một điều tồi tệ nhất, đó là một sự để nuôi dưỡng một giáo lý không chân chánh, để biến Phật giáo thành ma giáo.

Ví dụ: Hiện giờ nếu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện dạy đạo bảo rằng Đại Thừa là giáo pháp mê tín, phi đạo đức của ngoại đạo… Thiền Đông Độ là thiền tưởng không đúng là thiền của Phật thì người ta vẫn chê Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là lỗi thời và không ái ngữ.

          Những lý luận che đậy, bưng bít, dụ dỗ, hù dọa trong sách Đại Thừa đầy dẫy. Sau khi tu hành thành đạo, Đức Phật đã tự xưng mình thành chánh đẳng, chánh giác thì chẳng ai dám nói: “Còn thấy tu chứng là chưa chứng.” Còn chúng ta ngày nay ai nói chứng quả A-la-hán, hoặc thành chánh giác thì người ta bắt chước trong kinh sách Đại Thừa nói: còn thấy chứng là chưa chứng.

          Ví dụ: Không lẽ tâm chúng tôi hết tham, sân, si mà chúng tôi không biết hay sao? Không lẽ chúng tôi có Tam Minh mà không biết hay sao? Không lẽ chúng tôi nhập định làm chủ sự sống chết mà không biết hay sao? Không lẽ ngày chúng tôi ăn một bữa mà không biết hay sao? Phải không các bạn? Tất cả những kết quả tu tập này chúng tôi đều biết rất rõ, biết rất rõ không phải chúng tôi chứng hay sao?

Còn thấy mình chứng là chưa chứng, đó là lối lừa đảo để cho mọi người không nhận ra được, “chứng hay không chứng” người tu hành phải biết.

Còn tu chứng mà nói mình tu chứng tức là tu chưa chứng, vì mình tu chưa chứng, đó là lối xảo trá khéo che đậy, bưng bít để lừa đảo người khác, để được sống trên mồ hôi nước mắt của phật tử, làm giàu trên xương máu của người khác.

          Tội lừa đảo người khác là tội rất nặng. Còn chúng tôi nói thật rõ ràng để mọi người hiểu biết Phật giáo có tu được hay không chứ không thể dùng ngôn ngữ tránh né trườn uốn như con lươn: “Vô sở đắc, còn thấy tu chứng là chưa chứng đắc.” Sở dĩ có những lời nói này là vì pháp môn Đại Thừa và Thiền Đông Độ không có tu chứng.

Chúng tôi nói chứng đắc của đạo Phật là có sự thật chứng đắc giải thoát, từ sự chứng đắc khi mới bước chân vào đạo tu tập cho đến chứng đắc cao hơn khi nhập Tứ Thiền, Tam Minh làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Do có sự chứng đắc giải thoát thật sự như vậy nên chúng tôi mới làm sống lại nền đạo đức nhân bản của Phật giáo đã bị dìm mất từ xưa.

Nền đạo đức đó giúp cho mọi người sống có nhân bản đạo đức, nhờ thế mới đem lại sự an vui, hạnh phúc chân thật cho mọi người. Sự an vui, hạnh phúc cho mọi người, đó là sự chứng đắc giải thoát chân thật của đạo Phật giúp cho con người không còn khổ đau nữa.

          Còn chúng tôi chỉ là một tu sĩ thiểu dục tri túc, ba y, một bát, sống đời sống trắng bạch như vỏ ốc, không hề tham, sân, si; không hề có những vật dụng như người đời.

          Có người nói rằng: “Thầy bảo: Thầy làm chủ được hơi thở thì họ đâu có tin Thầy. Họ bảo rằng Thầy phải tịnh chỉ hơi thở cho họ xem thì họ mới tin. Phải không?” Nhưng khi Thầy thực hiện tịnh chỉ hơi thở thì người ta theo Thầy tu hành rất đông, nhưng tu để tịnh chỉ hơi thở, chứ không phải để tu học đạo đức giải thoát. Phải không? Đó là những người muốn tu thuận theo Thầy, còn những người có tà kiến, ác kiến với Thầy thì họ bảo rằng: “Thầy dùng tà thuật mạ con mắt người ta.

          Bây giờ người ta thấy Thầy dùng thần thông bay lên trời, phóng hào quang thì người ta theo Thầy tu hành rất đông và cúng dường cho Thầy rất nhiều tiền để tu theo thần thông của Thầy, chứ không phải họ tu theo Thầy để tìm chỗ tâm bất động giải thoát? Đó là những người không có ác kiến với Thầy, còn những người có ác kiến với Thầy thì bảo rằng: “Thầy dùng bùa chú hay trò ảo thuật lừa gạt người.

          Hầu hết hiện giờ người ta tu hành là nhắm vào mục đích thần thông, danh, lợi, … nên khi khép vào giới luật thì nhìn lại không còn ai dám tu theo Phật giáo. Hầu như tu sĩ hiện giờ không có người nào sống đúng giới luật của Phật.

          Thầy nghĩ rằng: Lấy thật dạy thật, không thể lấy giả (phương tiện) mà dạy thật được. Vì thế Thầy sống đúng giới luật đức hạnh của bậc Thánh Tăng thì Thầy dạy người đạo đức. Còn nếu đem thần thông dụ dỗ để họ theo mình tu hành rồi dạy họ đạo đức thì không bao giờ dạy được, vì tâm họ ham mê thần thông chứ không ham mê đạo đức. Chính đạo đức mới có sự giải thoát, còn thần thông chẳng có sự giải thoát. Muốn có thần thông thì phải có đạo đức, chính đạo đức mới xác định thần thông chân chánh. Thầy xin bảo đảm điều này. Chỉ có đạo đức mới đi đến sự giải thoát, còn thần thông chỉ là một trò ảo thuật chẳng có ích lợi gì cho đời sống con người. Chỉ có đạo đức mới đem lại lợi ích cho mình cho người mà thôi.

          Nếu Thầy không nỗ lực, không nhiệt quyết, không có lời sách tấn của Hoà Thượng Thanh Từ thì chắc chắn không bao giờ Thầy sẽ tu được như thế này. Bởi vì phải có đủ duyên mới hợp lại thành, HT Thanh Từ sách tấn cũng là một nhân duyên. Thầy thích sống trong giới luật Phật cũng là một nhân duyên đời trước. Sống trong giới luật không hề vi phạm.

Thấy ai sống phạm giới là Thầy không bằng lòng. Đến chùa nào ăn ba bốn bữa là Thầy không chấp nhận. Tại sao vậy? Tại vì Thầy đã huân tạo thành nghiệp thanh tịnh của giới luật. Nhờ đức giới cuối cùng duyên may giúp Thầy đi vào hướng giáo pháp Nguyên Thủy nhưng không theo các sư Nguyên Thủy mà tự thực hiện được đến làm chủ sanh tử.

          Thời Đức Phật có 1250 vị tỳ-kheo là đều tu chứng quả A-la-hán. Điều này không đúng, chỉ có một số người ít chứ không phải chứng quả A-la-hán hết. Trong kinh Đức Phật đã xác định: “Một hôm có người hỏi Đức Phật: Trong năm trăm vị tỳ-kheo đang theo Phật tu hành có chứng quả hết chưa? Đức Phật đáp: Có chín mươi người chứng Tam Minh; có chín mươi người chứng đạt thiền định, còn lại bao nhiêu đều chứng giới luật.” Như vậy thì đâu thể nào gọi là chứng quả A-la-hán hết được.

Phật nhập diệt hơn 2500 năm đến bây giờ không có một người nào làm sống lại giáo pháp của Đức Phật. Chỉ vì chúng sanh không đủ duyên và không có lòng tha thiết với đạo Phật, mong muốn để làm sống lại đạo Phật, để làm sống lại nền đạo đức nhân bản của đạo Phật. Vì vậy cho đến giờ này cũng vẫn chưa có người xuất hiện cứu lấy đạo Phật. Chỉ vì không dám nói thẳng nói thật, nói mạnh vì sợ người khác cho mình không có ái ngữ.

          Tóm lại, người tu chứng là người biết dùng ái ngữ đúng lúc, đúng thời, đúng pháp, đúng người, chứ không phải lúc nào cũng dùng ái ngữ để trở thành những người vô minh không biết sai đúng, chỉ còn biết a dua, nịnh bợ, hèn nhát ve vãn vuốt đuôi để được gọi là “ái ngữ” dung hợp theo kiểu hòa đồng tôn giáo.

Lời nói thẳng nói mạnh của Thầy như những nhát búa chém mạnh vào những tà kiến của Đại Thừa và Thiền Tông, khiến cho ai kiến chấp nó thì bị những nhát búa này chém thẳng vào đầu nên phải la hét kêu gào trước khi tà kiến đó bị chết.