19- BÀ LA MÔN
LỜI PHẬT DẠY “Ai biết được đời trước Thấy Thiên giới, đọa xứ Đạt được sanh diệt tận Thắng trí, tự viên thành Bậc Mâu Ni đạo sĩ Viên mãn mọi thành tựu Ta gọi Bà La Môn”. Kinh Pháp Cú.
CHÚ GIẢI:
Một lần nữa Đức Phật xác định cho chúng ta thấy một tu sĩ Phật Giáo được gọi như thế nào là một Bà La Môn chân chánh trong những tiêu chuẩn nào?
Đọc bài kệ trên đây trong kinh Pháp Cú chúng ta mới thấy rõ một vị tu sĩ Phật Giáo được gọi là Bà La Môn chân chánh thì phải hội đủ những tiêu chuẩn:
1- Biết được đời trước của mình là phải có Tam Minh.
Trong Tam Minh có Túc Mạng Minh. Có Túc Mạng Minh mới biết được nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ của mình và của người khác. Một Bà La Môn chân chánh tu tập phải có Túc Mạng Minh biết được nhiều đời của mình thì mới được gọi là một Bà La Môn, bằng không biết thì không được gọi là Bà La Môn. Cho nên câu kệ này dạy:
“Ai biết được đời trước ”.
Chúng ta hiện giờ nhìn lại tu sĩ Phật Giáo có vị nào tu tập biết được nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ của mình chưa? Nếu chưa biết thì chưa được gọi là Thánh Tăng, Thánh Ni, chưa được gọi là Bà La Môn chân chánh. Phải không các bạn?
2- Một người được gọi là Bà La Môn chân chánh là phải có trí tuệ nhân quả thấy thiện và ác rất rõ ràng. Người thấy thiện ác rõ ràng là người có chánh tri kiến. Người có chánh tri kiến là người ly dục ly ác pháp. Người ly dục ly ác pháp là người tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Người có tâm bất động là người xứng đáng được gọi là Bà La Môn chân chánh.
Hiện giờ nhìn xem những tu sĩ Phật Giáo thì chúng ta biết ngay họ chưa ly dục ly ác pháp vì họ còn ăn uống và ngủ nghỉ phi thời, tâm còn ham vui, thích tài sản, của cải, tiền bạc, nhà cửa sang đẹp, như chùa to Phật lớn, v.v... Chính họ không thấy những sự ham muốn đó là dục, là ác pháp.
Do như vậy họ chưa xứng đáng làm Thánh Tăng, Thánh Ni; chưa xứng đáng làm Thánh Tăng, Thánh Ni thì làm sao xứng đáng làm đệ tử của Phật được. Họ là những người không thấy nhân quả thiện ác thì làm sao được gọi là Bà La Môn chân chánh.
Cho nên câu kệ thứ hai Đức Phật đã xác định: “Thấy Thiên giới, đọa xứ”. Câu này chúng ta phải hiểu nghĩa cho rõ ràng. Vậy Thiên giới và đọa xứ là gì?
Thiên giới là cõi Trời; đọa xứ là địa ngục. Ở đây không phải là cõi Trời mà là Thập thiện, ở đây không phải là địa ngục mà là Thập ác. Thấy thiên giới, đọa xứ là thấy Thập thiện, thập ác. Thấy Thập thiện và Thập ác là thấy nhân quả. Thấy được nhân quả thì mới được Đức Phật chấp nhận là Bà La Môn chân chánh. Có hiểu nghĩa như vậy mới hiểu lời Đức Phật dạy. Các bạn có hiểu đúng nghĩa như vậy không?
Nhưng một vị Bà La Môn chân chánh đâu phải tu tập có bấy nhiêu pháp thôi, mà còn phải tu tập nhiều hơn nữa, phải làm chủ sanh tử như câu kệ dưới đây: “Đạt được sanh diệt tận ”. Vậy, sanh diệt tận nghĩa là gì?
Sanh là đời sống, sự sống; diệt là chết, sự chết; tận là tận cùng, cuối cùng, chấm dứt. Toàn nghĩa câu này là phải đạt cho được sự tận cùng sống chết của kiếp làm người thì mới được Đức Phật chấp nhận là một Bà La Môn chân chánh, còn chưa tu tập được như vậy thì chưa xứng đáng là Tăng là Ni đệ tử của Phật.
Làm một đệ tử của Đức Phật đâu phải dễ. Phải không hỡi các bạn? Phải đầy đủ thắng trí. Vậy thắng trí là gì? Thắng trí là một trí tuệ chiến thắng mọi ác pháp và các cảm thọ, một trí tuệ không bao giờ chịu khuất phục trước mọi trở ngại, gian nan hay mọi việc khó khăn nào, luôn luôn giành phần thắng về mình. Có thắng trí như vậy là có sự chiến thắng vẻ vang trong trận giặc sanh tử luân hồi. Người có thắng trí mới xứng đáng là đệ tử của Đức Phật, mới xứng đáng là Bà La Môn chân chánh, nên câu kệ dạy: “Thắng trí, tự viên thành”.
Người có thắng trí là người thành tựu đạo giải thoát dễ dàng, đâu cần gì tu tập nữa. Có đúng như vậy không các bạn?
Hai câu kệ cuối cùng để tán thán một người tu sĩ Phật Giáo thành tựu viên mãn đạo giải thoát:
“Bậc Mâu Ni đạo sĩ Viên mãn mọi thành tựu”.
Vậy, Mâu Ni và viên mãn nghĩa là gì? Mâu Ni dịch âm tiếng Phạn là Mouni có nghĩa là năng nhơn, năng từ, năng mãn, năng tịch,v.v... Năng nhơn nghĩa là lòng thương người; năng từ là lòng từ bi; năng mãn là tâm tròn đầy đức hạnh; năng tịch là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Tóm lại nghĩa của toàn câu kệ này là bậc đạo sĩ đầy đủ những năng lực siêu việt không có một người nào hơn được “Bậc Mâu Ni đạo sĩ”.
Viên mãn: là tròn đầy, đầy đủ, không còn thiếu khuyết một chỗ nào cả. Nghĩa của câu này là tất cả những pháp môn tu hành của Phật Giáo đều đã tu hành xong: “Viên mãn mọi thành tựu ”.
Đọc bài kệ trên đây chúng ta thấy được những kết quả vĩ đại của một người tu theo Phật Giáo mà đáng được gọi là Bà La Môn chân chánh thì đâu phải dễ như toàn bài kệ :
“Ai biết được đời trước Thấy Thiên giới, đọa xứ Đạt được sanh diệt tận Thắng trí, tự viên thành Bậc Mâu Ni đạo sĩ Viên mãn mọi thành tựu Ta gọi Bà La Môn.” Được gọi là Bà La Môn là phải tu tập cho đến nơi đến chốn, chứ không phải tu danh, tu lợi theo kiểu Đại Thừa và Thiền Tông. Có đúng như vậy không các bạn?