Skip directly to content

17- KINH BÁT THÀNH

LỜI PHẬT DẠY “Bạch Tôn Giả Ananda, có pháp độc nhất gì do Thế Tôn, bậc Trí Giả, Kiến Giả, bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố, nếu có Tỳ Kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần sống hành trì pháp ấy, thời tâm chưa giải thoát của vị ấy được giải thoát, hay các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, đi đến đoạn trừ, hay pháp an ổn khỏi các ách phược, chưa được chứng đạt được chứng đạt?”.

CHÚ GIẢI:

Đoạn kinh trên đây do gia chủ Dasama hỏi Tôn Giả Ananda có một pháp gì độc nhất của Đức Phật được tu tập để đi đến kết quả giải thoát hoàn toàn chấm dứt tái sinh luân hồi không?

Như các bạn đã biết pháp của Phật có rất nhiều, có đến ba mươi bảy pháp môn tu tập từ thấp đến cao. Thế mà, gia chủ Dasama lại hỏi có một pháp độc nhất nào chỉ tu tập pháp này sẽ đi đến cứu cánh, thì biết trả lời làm sao các bạn nhỉ? Nhưng ông Ananda đã thay Đức Phật trả lời câu   hỏi này: “Không phải chỉ có một pháp độc nhất mà có đến cả tám pháp độc nhất, pháp nào cũng tu tập đi đến kết quả giải thoát rốt ráo”. Cho nên bài kinh này được lấy tên là Kinh Bát Thành trong Trung Bộ Kinh, tập II, trang 30.

Nhưng kinh Bát Thành này đã bị người sau thêm vào Bốn Định Vô Sắc. Bốn Định Vô Sắc là bốn loại định tưởng.

Bốn loại định tưởng thì không thể nào tu tập đi đến rốt ráo được, vì chính Đức Phật đã nhập các loại định tưởng này còn phải bỏ mà trở về tu tập Bốn Định Hữu Sắc mới thấy được sự giải thoát làm chủ sanh, tử chấm dứt luân hồi.

Bốn loại định vô sắc này được cộng chung lại với tám pháp đầu tiên là 12 pháp, như vậy bài kinh này đúng ra phải có tên là “Thập Nhị Thành” chứ đâu gọi là “Bát Thành” được. Đó là cái sai thứ nhất trong bài kinh này, do các vị Tổ Sư kết tập kinh.

Cái sai thứ hai là đoạn kết của bài kinh này: “Bạch Tôn Giả Ananda, như người tìm một kho tàng cất dấu, trong lúc tìm được 11 kho tàng cất dấu. Cũng vậy bạch Tôn Giả, như ngôi nhà người ta có đến 11 cửa, khi ngôi nhà bị cháy, thì chỉ do một cửa người ta cũng có thể thoát ra một cách an toàn. Cũng vậy, bạch Tôn Giả, chỉ với một cửa bất tử trong 11 cửa bất tử này, con có thể đạt được sự an toàn cho con”.

Tựa kinh đề là “Bát Thành” mà kết luận là “Thập Nhất Thành”, còn trong bài kinh này thì nêu ra 12 pháp tu tập.

Kinh viết như vậy có nhất quán không? Các bạn nghĩ sao về những việc làm của các bậc tôn túc ngày xưa? Họ có thấy khi kết tập kinh sách Phật là một trách nhiệm với Đạo Phật và con người đời sau không?

Trong một bài kinh Nguyên Thủy mà còn thêm bớt, làm sai lệch như thế này thì cả tạng kinh Nguyên Thủy hiện có   hẳn phải còn sai biết bao nhiêu lần trong ấy. Như thế kinh sách Đại Thừa là kinh phát triển làm sao chúng ta tin được. Phải không hỡi các bạn? Cho nên Đức Phật bảo:

“Đừng có tin kinh tạng...”.

Vậy mà các bạn cứ gặp bài kinh nào nói Phật thuyết là các bạn tin ngay, tin một cách mù quáng, mê mờ, bị lừa đảo mà không biết. Thật đáng thương cho các bạn!.

Qua kinh nghiệm tu hành, chúng tôi xét thấy trong bài kinh này có nêu ra tám pháp môn độc nhất tu tập đi đến cứu cánh hoàn toàn là đúng lời dạy của Đức Phật. Tám pháp này gồm có:

THỨ NHẤT:

SƠ THIỀN LÀ PHÁP ĐỘC NHẤT TRONG KINH BÁT THÀNH 1/ SƠ THIỀN “Sơ Thiền này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường chịu sự đoạn diệt.” Vị ấy vững trú ở đây đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết Bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này. Này Gia chủ như vậy là pháp độc nhất, do Thế Tôn, bậc Trí Giả, Kiến Giả, bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố...” CHÚ GIẢI:

Đây là pháp độc nhất thứ nhất trong tám pháp, các bạn nên lưu ý đó là Sơ Thiền. Cho nên chỉ cần nhắm vào Thiền thứ nhất mà tu tập để tâm bạn hoàn toàn ly dục ly ác pháp. Các bạn không cần phải thay đổi pháp môn nào khác, vì nó là pháp độc nhất đi đến cứu cánh. Nhớ lại năm xưa chúng tôi cũng từ pháp môn này mà đi đến rốt ráo. Vì   lúc bây giờ chúng tôi không được ai hướng dẫn, nên chỉ biết như lý tác ý ly dục ly ác pháp và cuối cùng chúng tôi viên mãn công đức tu hành với pháp độc nhất Sơ Thiền này.

THỨ HAI:

NHỊ THIỀN LÀ PHÁP ĐỘC NHẤT TRONG KINH BÁT THÀNH 2/ NHỊ THIỀN “Thiền thứ hai này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành.

Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường chịu sự đoạn diệt.” Vị ấy vững trú ở đây đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết Bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này.

Này Gia chủ như vậy là pháp độc nhất, do Thế Tôn, bậc Trí Giả, Kiến Giả, Bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố...”.

CHÚ GIẢI:

Khi Sơ Thiền đã nhập được thì Nhị Thiền không còn có khó khăn nữa. Ở đây chúng ta phải hiểu pháp môn Nhị Thiền mà Đức Phật gọi là pháp môn độc nhất. Độc nhất ở đây không có nghĩa là duy nhất có một pháp này tu từ đầu đến cuối mà thành tựu đạo giải thoát. Nếu giới luật chưa nghiêm chỉnh thì các bạn phải biết mình còn phải tu bao nhiêu pháp nữa thì giới luật mới được nghiêm chỉnh. Khi giới luật được nghiêm chỉnh, lúc bấy giờ các bạn mới ôm một pháp độc nhất này. Cho nên độc nhất ở đây là một trạng thái thân tâm thanh tịnh trong giới luật. Các bạn có hiểu chưa? Vì tâm có nghiêm chỉnh trong giới luật thì pháp Như Lý Tác Ý mới có hiệu quả.

  THỨ BA:

TAM THIỀN LÀ PHÁP ĐỘC NHẤT TRONG KINH BÁT THÀNH 3/ TAM THIỀN “Tam Thiền này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường chịu sự đoạn diệt.” Vị ấy vững trú ở đây đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết Bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này. Này Gia chủ như vậy là pháp độc nhất, do Thế Tôn, bậc Trí Giả, Kiến Giả, Bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố...”.

CHÚ GIẢI:

Ở đây các bạn nên lưu ý đoạn kinh này: “Vị ấy vững trú ở đây đoạn trừ được các lậu hoặc”. Vững trú có nghĩa là giữ gìn tâm ở trong trạng thái Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, v.v...

Bất cứ các bạn ở một trong tám trạng thái này, tiếp tục đoạn trừ các lậu hoặc, nếu đoạn trừ xong thì các bạn liền chứng quả A La Hán, chứ không phải còn tu tập pháp môn nào nữa.

THỨ TƯ:

TỨ THIỀN LÀ PHÁP ĐỘC NHẤT TRONG KINH BÁT THÀNH 4/ TỨ THIỀN “Tứ Thiền này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường chịu sự đoạn diệt.” Vị ấy vững trú ở đây đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn   trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết Bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này. Này Gia chủ như vậy là pháp độc nhất, do Thế Tôn, bậc Trí Giả, Kiến Giả, Bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố...”.

CHÚ GIẢI:

Ở đây các bạn nên lưu ý ở đoạn kinh này: “Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này”. Do tham luyến và hoan hỷ trạng thái pháp này nên lậu hoặc chưa đoạn trừ được. Trong trạng thái Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, v.v... đều có trạng thái hỷ lạc, khinh an khiến cho hành giả thích thú quên ăn quên ngủ quên tất cả. Do tâm còn ham thích nên lậu hoặc diệt không sạch mặc dù trạng thái khinh an hỷ lạc đó do ly dục và định sanh. Pháp ly dục và định là pháp hữu vi nên các pháp đó đều vô thường chịu sự đoạn diệt.

Các bạn hãy đọc lại đoạn kinh này thì rõ: “Tứ Thiền này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường chịu sự đoạn diệt”.

Cho nên các bạn còn ham thích trạng thái của pháp ấy nên lậu hoặc không thể đoạn trừ được. Chính thích thú trạng thái ấy là lậu hoặc. Khi gặp bất cứ một trạng thái nào dù đúng hay sai các bạn cũng nên xả bỏ thì lậu hoặc mới đoạn trừ tận gốc.

THỨ NĂM:

TỪ TÂM LÀ PHÁP ĐỘC NHẤT TRONG KINH BÁT THÀNH 5/ TỪ TÂM “Từ tâm này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là   vô thường chịu sự đoạn diệt.” Vị ấy vững trú ở đây đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết Bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này. Này Gia chủ như vậy là pháp độc nhất, do Thế Tôn, bậc Trí Giả, Kiến Giả, bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố...”.

CHÚ GIẢI:

Nói đến Từ, Bi, Hỷ, Xả là người ta nghĩ ngay Tứ Vô Lượng Tâm, cho Tứ Vô Lượng Tâm là một pháp môn, nhưng không ngờ Tứ Vô Lượng Tâm là một cái tên chỉ chung cho bốn pháp môn độc nhất của Đạo Phật, từ pháp môn đó tu tập đi đến cứu cánh mà không cần phải tu tập những thiền định nào cả. Khi pháp môn đó tu tập thành tựu tâm vô lậu là có đủ Bốn Thiền và Tam Minh. Cho nên em trai ông Cấp Cô Độc chỉ do tu một pháp độc nhất “Từ Tâm” mà chứng quả A La Hán.

Khi chúng ta dùng pháp như lý tác ý tu tập tâm từ, từ tâm được hiện bày thì có một trạng thái thanh tịnh, an lạc, thương yêu hòa mình trong sự sống của muôn loài hiện ra, do đó mà ngũ triền cái và thất kiết sử bị đoạn diệt.

Ở đây các bạn nên lưu ý bốn pháp độc nhất này không phải như bốn thiền ở trên khi nhập phải dùng bảy năng lực Giác Chi. Pháp Tứ Vô Lượng Tâm chỉ có dùng pháp như lý tác ý đánh thức tình cảm yêu thương sâu kín tận trong tâm của con người. Nó gồm có:

1- Từ tâm; 2- Bi tâm; 3- Hỷ tâm; 4- Xả tâm.

Tùy theo đặc tướng của các bạn mà chọn lấy một trong bốn pháp này tu tập.

Các bạn đâu có ngờ rằng bốn pháp Tứ Vô Lượng Tâm này là bốn Pháp tuyệt vời trong Phật Giáo, nó giúp các bạn trở thành những bậc Thánh một cách dễ dàng không có khó khăn các bạn ạ!

THỨ SÁU:

BI TÂM LÀ PHÁP ĐỘC NHẤT TRONG KINH BÁT THÀNH 6/ BI TÂM “Bi tâm này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường chịu sự đoạn diệt.” Vị ấy vững trú ở đây đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết Bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này. Này Gia chủ như vậy là pháp độc nhất, do Thế Tôn, bậc Trí Giả, Kiến Giả, bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố...”.

CHÚ GIẢI:

Bi tâm là một pháp tu tập lòng thương xót trước cảnh thương tâm, bất hạnh của chúng sanh. Nếu một người tu tập rèn luyện được lòng thương xót tất cả chúng sanh, khi lòng thương xót ấy hiện tiền thì tất cả ác pháp như tham, sân, si, mạn, nghi đều vô tác dụng vào tâm mình. Do đó tâm vô lậu hoàn toàn và chứng quả A La Hán ngay liền.

Người chứng quả A La Hán đều có đầy đủ thiền định và Tam Minh.

Các bạn đừng hiểu lầm là khi tu tập Bi Tâm rồi còn phải tu tập bốn Thiền và Tam Minh nữa. Hiểu như vậy là sai   các bạn ạ! Vì trạng thái Bi Tâm đã có đầy đủ thiền định và Tam Minh, mặc dù bạn chưa bao giờ có một phút tu tập Thiền định.

THỨ BẢY:

HỶ TÂM LÀ PHÁP ĐỘC NHẤT TRONG KINH BÁT THÀNH 7/ HỶ TÂM “Hỷ tâm này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường chịu sự đoạn diệt.” Vị ấy vững trú ở đây đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết Bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này. Này Gia chủ như vậy là pháp độc nhất, do Thế Tôn, bậc Trí Giả, Kiến Giả, Bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố...” CHÚ GIẢI:

Nếu bạn chọn Hỷ tâm tu tập rèn luyện, khi Hỷ tâm thành tựu thì tâm tham, sân, si, mạn, nghi không còn nữa, do lòng hoan hỷ của bạn đã đoạn trừ các ác pháp. Nhờ đó tâm bạn vô lậu hoàn toàn, chứng quả A La Hán. Khi chứng quả A La Hán với tâm hỷ thì bạn không cần phải tu tập thiền định và Tam Minh gì cả, vì chính trong tâm hỷ của bạn đã đầy đủ Bốn Thiền và Tam Minh, bạn có thể thực hiện giờ nào cũng được không có khó khăn không có mệt nhọc.

   THỨ TÁM:

XẢ TÂM LÀ PHÁP ĐỘC NHẤT TRONG KINH BÁT THÀNH 8/ XẢ TÂM “Xả tâm này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường chịu sự đoạn diệt.” Vị ấy vững trú ở đây đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết Bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này.

Này Gia chủ như vậy là pháp độc nhất, do Thế Tôn, bậc Trí Giả, Kiến Giả, Bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố...” CHÚ GIẢI:

Nếu bạn chọn lấy pháp Xả tâm mà tu tập và rèn luyện tâm mình, khi tâm xả thành tựu thì bảy năng lực Giác Chi xuất hiện, lúc bấy giờ các bạn muốn nhập thiền nào thì các bạn sẽ tác ý theo trạch Pháp Giác Chi thì nhập ngay thiền ấy và thực hiện Tam Minh không có khó khăn không có mệt nhọc. Bởi vì xả vô lượng tâm ác thì tất cả lậu hoặc sẽ được đoạn trừ. Khi lậu hoặc đã trừ diệt xong thì các bạn chứng quả A La Hán, không cần phải tu tập pháp môn nào khác nữa.

Trên đây là tám pháp độc nhất mà các bạn tự lựa chọn cho mình một pháp phù hợp với đặc tướng để tiện việc tu tập cho đến nơi đến chốn.

Thưa các bạn! Các bạn nên nhớ kỹ và hãy xét lại thân tâm của các bạn trong giai đoạn ôm một pháp độc nhất này tu tập. Nếu các bạn cảm thấy mình có đủ khả năng để ôm một pháp độc nhất thì nên tu tập, còn nếu thấy khả năng chưa đủ thì đừng nên. Nếu các bạn miễn cưõng tu tập sẽ bị ức chế tâm, và tu như vậy dễ thành bệnh hơn là thành đạo. Một người mới vào tu theo Phật Giáo thì không được phép tu tập một pháp độc nhất mà phải tu tập nhiều pháp, vì tu tập nhiều pháp nên không bị ức chế tâm. Tu ức chế tâm có hai điều nguy hiểm:

- Căng đầu, căng mặt, căng thần kinh thành bệnh.

- Rơi vào tưởng định, tưởng tuệ phát triển, kiến giải tưởng giải lung tung. Con đường tu giải thoát bế tắc, biến người tu sĩ Phật Giáo trở thành những vị thầy phù thủy, thầy cúng, thầy bùa, thầy thuốc trị bệnh, trừ tà yểm quỷ, v.v...

Kinh Bát Thành chỉ dành riêng cho những bậc giới luật nghiêm túc, tâm không phóng dật, như trên đã nói, chứ không phải để cho những người phá giới phạm giới tâm còn phóng dật. Các bạn nhớ kỹ, như kinh đã dạy: “Nếu có Tỳ Kheo nào tâm không phóng dật”. Xưa Đức Phật sáu năm tu tập khổ hạnh trong rừng già, Ngài đã sống một đời sống Phạm hạnh chưa từng có một tu sĩ nào sống được như vậy. Vì thế thân tâm Ngài quá thanh tịnh, giới luật quá nghiêm túc. Do đó Ngài trở về với pháp Sơ Thiền độc nhất ly dục ly bất thiện pháp, Ngài thành tựu giải thoát nơi chính pháp môn này. Xin các bạn đọc lại bài Đại Kinh Saccaka thì rõ.

Bây giờ xin các bạn vui lòng đọc lại đoạn kinh Bát Thành trên đây thì hiểu rõ ràng: “Nếu có Tỳ Kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần sống hành trì pháp ấy, thời tâm chưa giải thoát của vị ấy được giải thoát, hay các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, đi đến đoạn trừ, hay pháp an ổn khỏi các ách phược, chưa được chứng đạt được chứng đạt”.

Đọc hết đoạn kinh này, chúng tôi xin nhắc lại, các bạn cần phải lưu ý câu duy nhất: “Nếu có Tỳ Kheo nào tâm không phóng dật”. Bốn chữ “Tâm không phóng dật” các bạn nên   biết đó là một giai đoạn tu tập sống chết với tâm tham, sân, si của bạn bằng nhiều pháp môn cho đến khi nào tâm thuần phục không phóng dật thì bạn mới dám ôm một pháp độc nhất. Các bạn có hiểu chưa?

Chúng tôi đưa bài kinh Bát Thành này ra đây có ba điều rất quan trọng để các bạn cần phải lưu ý:

- Thứ nhất: Không nên tin trọn vẹn vào kinh sách, vì kinh sách được kết tập là do các Tổ, nhưng các Tổ thêm vào và pha trộn các pháp môn của ngoại đạo, làm cho kinh sách Phật mất hết giá trị giải thoát chân thật của nó.

- Thứ hai: Phải biết khả năng và đặc tướng của các bạn khi chọn tu tập một pháp môn độc nhất nào hay phải tu tập nhiều pháp môn. Nếu chưa nắm vững được điều này thì nên tập sống đúng đời sống Phạm hạnh, giới luật nghiêm trì, chứ đừng nên tu tập pháp môn nào khác cả, vì nếu có tu tập bất cứ một pháp nào cũng chỉ là ức chế tâm mà thôi. Ngày xưa các Tổ không có người tu chứng hướng dẫn nên các Ngài tuy tu tập theo pháp môn của Phật, nhưng đã biến pháp môn của Phật thành pháp môn ức chế tâm của ngoại đạo. Đó là một lỗi lầm rất lớn của các Tổ, làm cho người đời sau mất đường lối tu tập theo đúng Chánh Phật pháp.

- Thứ ba: Pháp môn độc nhất của Phật ở đây đã khiến cho những nhà học giả điên đầu, không thể hiểu được, nhất là lời dạy này: “Vị ấy đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hoá sanh, nhập Niết Bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui lại đời này nữa”. Nếu đoạn kinh này không được giải thích rõ ràng thì mọi người sẽ nghĩ rằng Đạo Phật có thế giới siêu hình. Nếu dựa vào kiến giải của những nhà học giả cho rằng Đạo Phật có thế giới siêu hình thì rất oan uổng cho Phật Giáo, khiến cho Phật Giáo tự mâu thuẫn lại với nó.

  Phật Giáo cho rằng không có thế giới siêu hình là vì chủ trương tự lực vượt thoát khổ đau, không nhờ tha lực: “Tự thắp đuốc lên mà đi”. Bởi vì nếu có thế giới siêu hình thì phải có tha lực, mà có tha lực thì sẽ có sự bất công. Có sự bất công thì trong cuộc đời này đau khổ sẽ không bao giờ hết và như vậy bốn chân lý loài người của Phật Giáo không còn là chân lý nữa. Và thế gian này sẽ không còn có công bằng và công lý, chỉ còn là một cuộc sống bất công.

Tôn Giáo chỉ là một mánh khoé lừa đảo bằng hình thức cầu khẩn, cúng tế, bái lạy, v.v... Các đấng thiêng liêng ảo tưởng của các tôn giáo gia hộ tai qua, nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ, chỉ là những trò bịp bợm, chứ thế gian này khổ cũng không bao giờ hết khổ. Và cũng vì vậy mà nền đạo đức nhân bản – nhân quả của con người không bao giờ có được.

Muốn biết rõ Phật Giáo không có thế giới siêu hình qua đoạn kinh Bát Thành này thì chúng tôi xin rút ra và giải thích một pháp trong tám pháp của kinh Bát Thành, chẳng hạn như bài pháp thứ nhất là pháp Sơ Thiền. Xin các bạn vui lòng đọc lại đoạn kinh này: “Ở đây này gia chủ, Tỳ kheo ly dục ly bất thiện pháp chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Vị ấy suy tư và được biết: “Sơ Thiền này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường chịu sự đoạn diệt.” Vị ấy vững trú ở đây đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết Bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này. Này gia chủ như vậy là pháp độc nhất, do Thế Tôn, bậc Trí Giả, Kiến Giả, Bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác tuyên bố...” Qua đoạn kinh này chúng ta cần lưu ý đoạn: “Sơ Thiền này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữ u vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường chịu sự đoạn diệt.” Bốn Thánh Định là Thiền Hữu Sắc, Thiền Hữu Sắc là pháp hữu vi do ý thức tu tập làm nên (do suy tư tác thành), và như vậy bốn Thiền là pháp vô thường, mà pháp vô thường là phải chịu sự hoại diệt (thời sự vật ấy là vô thường chịu sự đoạn diệt).

Đoạn kinh trên đã xác định cho các bạn thấy rất rõ trạng thái Sơ Thiền trong tâm các bạn không phải là trạng thái vĩnh hằng mà chỉ là một trạng thái thọ hưởng phước thiện trong một thời gian nhất định. Khi thọ hưởng phước thiện do diệt năm hạ phần kiết sử hết thời gian nhất định thì trạng thái ấy bị hoại diệt vì nó là pháp hữu vi vô thường.

Thưa các bạn! Trạng thái ấy không phải là cảnh giới siêu hình như các bạn tưởng. Khi nào các bạn nhập Sơ Thiền là bạn cảm nhận trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm, có tứ, có hỷ, có lạc, có nhất tâm, do ý thức bạn biết rất rõ như vậy làm sao là cảnh giới siêu hình được. Ngoài ý thức, thân và tâm của bạn thì không có cái biết và cái cảm nhận trạng thái Sơ Thiền đó. Khi thân tâm bạn hoại diệt mất thì trạng thái hỷ lạc của Sơ Thiền cũng không còn. Trạng thái hỷ lạc của Sơ Thiền không còn thì làm sao bảo rằng có cảnh giới Sơ Thiền Thiên được. Không có cảnh giới Sơ Thiền Thiên thì làm sao bảo rằng có thế giới siêu hình được. Phải không hỡi các bạn? Các bạn cứ suy ngẫm lại rồi mới tin lời chúng tôi nói. Nếu các bạn nhập định và có Tam Minh thì khỏi cần chúng tôi phải giải thích, vì các bạn cũng thấy rõ như chúng tôi.

Điều đặc biệt ở đoạn kinh này là nhập vào cho được trạng thái Sơ Thiền và an trú trong trạng thái đó, đừng lìa khỏi trạng thái đó, dù bất cứ có những pháp ác nào tác động vào thân tâm bạn, bạn cũng đừng rời bỏ trạng thái này, như đoạn kinh đã dạy: “Vị ấy vững trú ở đây đoạn trừ được các lậu hoặc”. Các bạn nên lưu ý bốn chữ: “vững trú ở đây”. Nếu các bạn có được cơ thể còn khỏe mạnh không bị chết một cách đột ngột và cứ luôn luôn an trú nơi trạng thái này thì các bạn sẽ đoạn trừ được tất cả các lậu hoặc và chứng quả vô lậu A La Hán. Còn nếu các bạn có cơ thể suy yếu hay bệnh tật, chết thình lình, lậu hoặc chưa đoạn trừ thì các bạn nên vững trú nơi trạng thái Sơ Thiền này, vì trong trạng thái Sơ Thiền là các bạn đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, như kinh đã dạy: “Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này (Sơ Thiền), do hoan hỷ pháp này (Sơ Thiền), vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử”.

Khi đã đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử tức là nhập Sơ Thiền, lúc bấy giờ cơ thể không may bị bệnh chết thì trạng thái Sơ Thiền này được tưởng thức tu tập tiếp để đoạn diệt lậu hoặc. Khi lậu hoặc được đoạn diệt sạch thì trạng thái Sơ Thiền này liền mất và thay thế vào trạng thái Niết Bàn. Khi ở trạng thái Niết Bàn thì không còn tương ưng với chúng sanh nữa, nên không còn tái sanh làm người, như trong kinh đã dạy: “được hóa sanh, nhập Niết Bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này”. Ở đoạn kinh này có nhiều người đã hiểu lầm hai chữ “hoá sanh ” vì cho rằng có hóa sanh là phải có một thế giới siêu hình. Họ hiểu rằng: Hóa sanh là biến hóa sanh ra cũng giống như người thị hiện thần thông một thân biến ra nhiều thân. Thật ra, chữ hoá sanh ở đây phải hiểu nghĩa là tưởng uẩn. Khi thân tứ đại này mất là sắc uẩn diệt; sắc uẩn diệt thì bốn uẩn kia cũng đều diệt theo, chỉ còn nghiệp tiếp tục luân hồi tái sanh. Nhờ tu tập nhập được Sơ Thiền nên năm hạ phần kiết sử đoạn diệt nên nghiệp thế gian đã bị muội   lược, không còn tương ưng với nghiệp chúng sanh, do đó không thể tái sanh luân hồi. Con người vốn do năm uẩn duyên hợp tạo thành nên không có một linh hồn thường còn bất biến. Vì thế khi sắc uẩn diệt mà nghiệp không tương ưng với nghiệp chúng sanh thì không tái sanh được, tại vì hành giả đã đoạn dứt năm hạ phần kiết sử. Khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử thì từ trường thiện do sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử phóng xuất ra và bảo vệ sắc uẩn làm cho sắc uẩn không bị hư hoại, giống như một người đang ngủ nằm mộng. Khi một người tu hành thân tứ đại chết thì không nên đem thiêu đốt, chỉ nên đem chôn cất nơi khô ráo để giúp cho người ấy tiếp tục tu tập bằng tưởng uẩn. Tu tập bằng tưởng uẩn giống như trong chiêm bao thấy tu tập vậy, nhưng lúc bây giờ sắc uẩn phải không bị hư hoại; nếu sắc uẩn hư hoại do một nhân duyên gì thì người ấy không còn tu tập được và như vậy duyên người ấy đã thọ hết phước báo đoạn diệt năm hạ phần kiết sử.

Mọi người đều dễ hiểu lầm chỗ hóa sanh trong bài kinh này. Trong kinh Nikaya có nhiều bài kinh nhắc đến chỗ hóa sanh này, nếu không phải là một người tu chứng thì không thể hiểu được. Cho nên sự hiểu biết của các nhà học giả đã biến Phật Giáo thành một tôn giáo có thế giới siêu hình: Có Linh hồn, Thần thức hay Phật tánh giống như tất cả các tôn giáo khác. Hiểu như vậy thì Phật Giáo sẽ tự mâu thuẫn lại nó, lúc thì nói 33 cõi Trời là cõi tưởng, lúc thì nói hóa sanh vào cõi Trời Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, v.v... Khi người ta không hiểu hai chữ “hóa sanh” thì nghĩ tưởng rằng phải có cõi siêu hình mới có hóa sanh. Thật ra hai chữ hóa sanh còn nằm trong bốn loại sanh của loài thực vật và động vật trên hành tinh này.

Bốn loại sanh này gồm có:

- Thấp sanh như loài rong rêu, cỏ cây, loài động vật sanh nơi ẩm thấp.

  - Noãn sanh như loài thảo mộc (hạt giống), loài động vật như chim, thú sanh trong trứng.

- Thai sanh như loài người, loài thú sanh ra con.

- Hoá sanh không phải là những Thần, Tiên biến hoá như trong truyện Tàu, như các phù thủy trong truyện cổ tích Tây Phương. Hoá sanh là một sự hợp duyên của qui luật nhân quả tạo thành vạn vật trong vũ trụ; hóa sanh là một sự hợp các gen tạo thành người, vật như các nhà khoa học.

Các nhà tu theo Phật Giáo có đủ bảy năng lực Giác Chi dùng thực hiện sự hóa sanh nghĩa là phối hợp các gen tạo thành người, vật và vật dụng theo ý muốn của mình, giống như chúng ta hợp các duyên tạo thành nhà cửa, đồ vật dụng như: Bàn, ghế, tủ, giường, chỏng,v.v... Cho nên đừng hiểu hóa sanh là khi chết linh hồn biến hoá vào cảnh giới siêu hình.

Chữ hóa sanh ở đây có nghĩa là tâm bám chặt ở trạng thái Sơ Thiền hoặc luôn luôn giữ tâm sống trong trạng thái ấy thì các lậu hoặc lần lượt cũng sẽ được đoạn trừ, như kinh dạy: “Vị ấy vững trú ở đây đoạn trừ được các lậu hoặc”. Và nếu chưa đoạn trừ được các lậu hoặc mà lỡ mất thân (chết) thì tiếp tục tu tập bằng tưởng thức như trên đã nói.

Tu tập bằng tưởng thức được là nhờ nhập được Sơ Thiền; nhờ Sơ Thiền mà diệt được năm hạ phần kiết sử; nhờ diệt được năm hạ phần kiết sử nên phát sinh từ trường bảo vệ thân tứ đại không bị hư hoại, nhờ đó mà tưởng thức thay thế ý thức tu tập cho đến khi lậu hoặc diệt sạch, như kinh dạy: “Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết Bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này”. Như vậy chỉ cần được nhập Sơ Thiền thì chúng ta cũng vào được Niết Bàn, tức là cũng đã đi đến nơi đến chốn.

  Bài kinh này dạy tám pháp độc nhất, chỉ cần tu một pháp là đã đi đến cứu cánh giải thoát hoàn toàn, không cần phải tu cả tám pháp. Nhưng ở đây chúng tôi xin các bạn lưu ý, các bạn nên nhớ tùy theo khả năng của mình có đủ sức kham nhẫn một pháp này hay không? Nếu không đủ sức thì các bạn tu tập cũng chỉ hoài công mà thôi.