29. KINH LỘ-GIÀ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở Câu-tát-la , cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người, du hành nhân gian, đi đến thôn Bà-la-môn Bà-la-bà-đề, dừng nghỉ ở phía Bắc khu rừng Thi-xá-bà.
Khi ấy, có Bà-la-môn tên là Lộ-già trú ở trong rừng Bà-la. Thôn ấy giàu có, an vui, nhân dân đông đúc. Vua Ba-tư-nặc phong thôn này cho Bà-la-môn để làm phạm phần. Vị Bà-la-môn này, bảy đời cha mẹ trở lại đây chân chánh, không bị người khác khinh chê, phúng tụng thông suốt ba bộ dị điển, có khả năng phân biệt hết các loại kinh sách, lại giỏi về tướng pháp đại nhân bói xem kiết hung, nghi lễ tế tự, nghe Sa-môn Cù-đàm là con dòng họ Thích xuất gia thành đạo đang ở nước Câu-tát-la, du hành nhân gian, đến lại rừng Thi-xá-bà, có đại danh xưng lưu truyền thiên hạ, là Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác,... đầy đủ mười hiệu, ở trong chúng chư Thiên, Người đời, Ma hoặc Ma thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, tự thân tác chứng, rồi thuyết pháp cho người khác; pháp ấy có khoảng đầu khoảng giữa, khoảng cuối đều thiện, nghĩa vị đầy đủ, phạm hạnh thanh tịnh. “Với vị Chân nhân như vậy, nên đến thăm hỏi. Nay ta phải đến để tương kiến”.
Khi ấy, Bà-la-môn liền ra khỏi thôn, đến rừng Thi-xá-bà, tới chỗ Thế Tôn, thăm hỏi rồi, ngồi một bên. Phật vì ông thuyết pháp, chỉ dạy, làm cho lợi ích, hoan hỷ. Bà-la-môn nghe pháp rồi, bạch Phật: “Cúi xin Thế Tôn và chư đại chúng ngày mai nhận lời thỉnh mời của con!" Bấy giờ, Thế Tôn im lặng thọ thỉnh.
Bà-la-môn kia thấy Phật im lặng, biết là đã chấp thuận, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vòng quanh Phật rồi lui. Đi cách Phật không xa, bèn khởi ác kiến: “Các Sa-môn, Bà-la-môn biết nhiều thiện pháp, chứng đắc thành tựu nhiều thiện pháp. Nhưng không nên nói cho người khác, mà chỉ nên tự biết an nghỉ. Chẳng khác nào một người đã phá ngục cũ rồi, lại tạo ngục mới. Đó chỉ là pháp tham, ác bất thiện”.
Khi ấy, Bà-la-môn về đến rừng Bà-la rồi, ngay trong đêm ấy bày biện đủ loại thức ăn thức uống ngon lành. Đến giờ, bảo người thợ cạo::
“Ngươi mang lời ta đến rừng Thi-xá-bà bạch với Sa-môn Cù-đàm: Ngày giờ đã đến, nên biết đúng thời.”
Người thợ hớt tóc vâng lời ra đi, đến chỗ Phật, lạy chân Thế Tôn, bạch: “Thời giờ đã đến, nên biết đúng thời”.
Bấy giờ, Thế Tôn liền khoác y mang bát, cùng các đệ tử, một ngàn hai trăm năm mươi người, đến rừng Bà-la.
Người thợ cạo theo hầu Thế Tôn, để trần vai phải, quỳ thẳng chắp tay bạch Phật:
“Bà-la-môn Lộ-già kia khi đi cách Phật chưa xa, khởi sanh ác kiến rằng: Có các Sa-môn, Bà-la-môn biết nhiều thiện pháp, chứng đắc nhiều điều, nhưng không nên nói cho người khác, mà chỉ tự mình biết an nghỉ. Cũng như một người phá ngục cũ, rồi lại tạo ngục mới. Đó chỉ là pháp tham, ác bất thiện. Cúi xin Thế Tôn trừ ác kiến ấy!”
Phật bảo người thợ cạo:
“Đây là việc nhỏ, dễ khai hóa thôi.”
Bấy giờ, Thế Tôn đến nhà Bà-la-môn, ngồi lên chỗ ngồi dọn sẵn. Khi ấy, Bà-la-môn với đủ các loại ngon ngọt, tự tay phục dịch, cúng Phật và Tăng. Ắn xong, cất bát và sau khi dùng nước rửa, bắc một cái gường nhỏ ngồi trước Phật. Phật bảo Lộ-già:
“Hôm qua, ngươi đi cách Ta chẳng xa, phát sanh ác kiến rằng: Các Sa-môn, Bà-la-môn biết nhiều thiện pháp, chứng đắc nhiều điều, nhưng không nên nói cho người khác,... cho đến, chỉ là pháp tham, ác bất thiện. Có thật nói như vậy chăng?”
Lộ-già đáp:
“Vâng! Thật có việc đó.”
Phật bảo Lộ-già:
“Ngươi chớ sanh ác kiến như thế nữa. Vì sao? Đời có ba hạng thầy có thể để tự răn dạy. Những gì là ba?
“Hạng thầy thứ nhất, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, để rồi ngay trong đời này mà có thể trừ các phiền não, lại có thể tăng trưởng được pháp thượng nhân; nhưng vị ấy ở trong đời này mà không thể trừ các phiền não, không chứng đắc pháp thượng nhân; đạo nghiệp của mình chưa thành mà lại thuyết pháp cho đệ tử. Các đệ tử ấy không cung kính phụng thờ, nhưng lại chỉ nương tựa, cùng sống chung với nhau. Này Lộ-già! Các đệ tử ấy nói với thầy rằng: Nay thầy cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, ở trong đời này đã có thể trừ được các phiền não, được pháp thượng nhân; nhưng nay ở trong đời này mà không thể trừ các phiền não, không chứng đắc pháp thượng nhân; đạo nghiệp của mình chưa thành tựu mà lại nói pháp cho đệ tử, khiến các đệ tử chẳng cung kính, thờ phụng, cúng dường, mà chỉ cùng sống chung, nương tựa nhau mà thôi.”
Phật nói:
“Này Lộ-già, cũng như có người đã phá bỏ ngục tù cũ, rồi lại xây ngục tù mới. Như thế gọi là pháp tham, ô trược, xấu xa. Đó là hạng thầy thứ nhất; có thể lấy đó mà tự răn. Đó là giới của Hiền thánh, luật giới, nghi giới, thời giới.”
Phật lại nói với Lộ-già:
“Hạng thầy thứ hai, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, để rồi ngay trong đời này mà có thể trừ các thứ phiền não, lại có thể tăng trưởng được pháp thượng nhân. Nhưng vị ấy ở trong đời này mà không thể trừ các phiền não; tuy có chứng đắc một ít pháp thượng nhân, nhưng đạo nghiệp của mình chưa thành tựu mà lại thuyết pháp cho đệ tử. Các đệ tử ấy không cung kính phụng thờ, nhưng lại chỉ nương tựa, cùng sống chung với nhau mà thôi. Này Lộ-già! Các đệ tử ấy nói với thầy rằng: Thầy nay đã cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, đáng lẽ ở trong đời này đã có thể trừ được các phiền não, được pháp thượng nhân; nay ở trong đời này mà lại không thể trừ các phiền não, tuy đã có chứng đắc một ít pháp thượng nhân, nhưng đạo nghiệp của mình chưa thành tựu, mà lại nói pháp cho đệ tử, khiến các đệ tử chẳng cung kính, thờ phụng, cúng dường, mà chỉ cùng sống chung, nương tựa nhau mà thôi.”
Phật nói:
“Này Lộ-già! Giống như có người đi theo sau người khác, đưa tay xoa lưng kẻ ấy, đây gọi là pháp tham, ô trược, xấu xa. Đó là hạng thầy thứ hai, có thể lấy đó tự răn dạy. Đó là giới của Hiền thánh, luật giới, nghi giới, thời giới.”
Lại bảo Lộ-già:
“Hạng thầy thứ ba là, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, ở trong đời này, đáng lẽ có thể trừ phiền não, lại có thể tăng trưởng được pháp thượng nhân; nhưng ở trong đời này lại không thể trừ các thứ phiền não; tuy có chứng đắc một ít pháp thượng nhân, nhưng việc lợi mình chưa thành tựu, mà lại nói pháp cho đệ tử. Các đệ tử ấy không cung kính phụng thờ, mà chỉ là nương tựa, cùng sống chung vậy thôi. Này Lộ-già, các đệ tử kia nói với thầy rằng: Thầy nay đã cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, ở trong đời này đáng lẽ có thể trừ được các thứ phiền não, được ít nhiều pháp thượng nhân; nhưng nay ở trong đời này đã chẳng thể trừ các phiền não, tuy được ít nhiều pháp thượng nhân, nhưng việc lợi mình chưa thành tựu mà lại nói pháp cho đệ tử. Các đệ tử không cung kính phụng thờ, mà chỉ nương tựa, cùng sống chung thôi.”
Phật nói:
“Lộ-già, cũng như có người bỏ lúa của mình, đi cày ruộng người khác. Đó gọi là pháp tham ô trược, xấu xa. Đó là hạng thầy thứ ba, có thể lấy đó tự răn dạy. Đó là giới của Hiền thánh, luật giới, nghi giới, thời giới.
“Này Lộ-già một Thế Tôn chẳng ở thế gian, chẳng thể khuynh động . Sao gọi là một? Nếu Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời,... cho đến, chứng đắc ba minh, diệt trừ vô minh, sanh trí tuệ minh, trừ bỏ các tối tăm, phát sanh ánh sáng đại pháp; gọi là lậu tận trí chứng. Vì sao? Vì đây là do tinh cần, chuyên niệm không quên, ưa một mình ở chỗ thanh vắng mà sở đắc. Này Lộ-già, đó là một Ðức Thế Tôn chẳng ở thế gian, chẳng thể khuynh động.
“Lộ-già, có bốn quả Sa-môn. Những gì là bốn? Đó là quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán.
“Lộ-già, ý ngươi nghĩ sao? Có người nghe pháp, có thể chứng đắc bốn quả Sa-môn này; nếu có người ngăn lại nói: Chớ nói pháp cho người này. Giả sử nghe theo lời ấy thì người nghe pháp có chứng đắc quả chăng?
Đáp: “Không được”.
Phật lại hỏi:
“Nếu không chứng đắc quả, nhưng có thể sanh thiên chăng?
Đáp: “Không thể”.
Lại hỏi:
“Ngăn người khác nói pháp, khiến người không chứng đắc quả, khiến người chẳng được sanh thiên; đó là thiện tâm chăng? Hay là bất thiện tâm?”
Đáp: “Bất thiện tâm”.
Lại hỏi:
“Người có tâm bất thiện, sanh về cõi thiện hay sanh cõi ác?”
Đáp: “Sanh cõi ác”.
Phật nói:
“Lộ-già, cũng như có người nói với vua Ba-tư-nặc: “Tất cả tài vật thuộc trong lãnh thổ mà Đại vương sở hữu, thảy đều do Đại vương tự mình sử dụng, chớ ban phát cho người khác. Lộ-già, ý ngươi nghĩ sao, nếu nghe theo lời người kia thì có cắt đứt sự cung cấp cho người khác chăng?”
Đáp: “Sẽ cắt đứt”.
Lại hỏi:
“Cắt đứt sự cung cấp cho người là tâm thiện hay là tâm bất thiện?”
Đáp: “Tâm bất thiện”.
Lại hỏi:
“Người có tâm bất thiện sẽ sanh vào cõi thiện hay đọa vào đường ác?”
Đáp: “Đọa vào đường ác”.
Phật nói:
“Lộ-già, người kia cũng vậy. Có người nghe pháp, có thể chứng đắc bốn quả Sa-môn, nhưng nếu có người nói: Chớ nên nói pháp cho nó. Nếu nghe theo lời nói ấy, thì người kia có thể nghe pháp để chứng đắc quả chăng?”
Đáp: “Không được”.
Lại hỏi:
“Nếu không chứng đắc quả, nhưng có được sanh thiên chăng?”
Đáp: “Không được”.
Lại hỏi:
“Ngăn người khác nói pháp, khiến người không chứng đắc đạo quả, chẳng được sanh thiên, thì người ấy có tâm thiện, hay là tâm bất thiện?”
Đáp: “Bất thiện”.
Lại hỏi:
“Người có tâm bất thiện sẽ sanh cõi thiện chăng? Sẽ đọa vào ác đạo chăng?”
Đáp: “Đọa vào ác đạo”.
“Lộ-già, nếu có người nói với ngươi rằng: Trong thôn Bà-la-bà-đề này, tất cả những tài vật được phong tặng kia, này ông Lộ-già, hãy nên tự mình dùng, chớ có cấp phát cho người khác. Có tài vật thì nên tự mình dùng, sao lại cấp phát cho người? Ý ngươi nghĩ sao, Lộ-già, nếu nghe lời khuyên của người ấy, có phải là cắt đứt sự cung cấp cho các người khác chăng?”
Đáp: “Sẽ cắt đứt”.
Lạiai hỏi:
“Khiến người cắt đứt sự cung cấp cho người khác là tâm thiện hay tâm bất thiện?”
Đáp: “Bất thiện”.
Lại hỏi:
“Người có tâm bất thiện được sanh cõi thiện hay đọa đường ác?”
Đáp rằng: “Đọa đường ác”.
Phật nói:
“Lộ-già, người kia cũng vậy. Có người nghe pháp, đáng lẽ chứng đắc bốn quả Sa-môn. Nhưng nếu có người nói: Chớ có nói. Nếu nghe lời ấy, thì người kia có thể nghe pháp, chứng đắc quả chăng?”
Đáp: “Không thể”.
Lại hỏi:
“Nếu không đắc quả, nhưng có được sanh thiên chăng?”
Đáp: “Không được”.
Lại hỏi:
“Ngăn người khác nói pháp, khiến người không đắc quả, không được sanh thiên, là tâm thiện hay tâm bất thiện?”
Đáp: “Bất thiện”.
Lại hỏi:
“Người có tâm bất thiện sanh cõi thiện hay đọa ác đạo?”
Đáp: “Đọa ác đạo”.
Bấy giờ, Bà-la-môn Lộ-già bạch Phật:
“Con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Xin nhận con ở trong Chánh pháp làm Ưu-bà-tắc! Từ nay về sau, trọn đời, không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu.”
Phật nói pháp này rồi, Bà-la-môn Lộ-già nghe những điều Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-