Skip directly to content

TỬ BIỆT SANH LY L MỘT SỰ ĐAU KHỔ CỦA KIẾP NGƯỜI

Trả lời thư Liễu Tâm

Câu chuyện tử biệt sanh ly của gia đình nhà con, là những câu chuyện nức nở thương tâm đau khổ thường xảy ra trong kiếp sống của con người, mà mỗi gia đình nào cũng đều  không tránh khỏi.

Luật nhân quả quá khắc nghiệt, vì sự công bằng và công lý của nó. Nó chẳng động lòng thương xót và chẳng tư vị một ai.

Trong cuộc sống của gia đình là một cộng nghiệp của nhân quả, vui buồn, khổ đau, hay hạnh phúc, phiền não, bất toại nguyện... đều là do sự vay trả, trả vay của nhân quả.

Một cộng đồng nhân quả trong một gia đình, người nào tuổi trẻ mà chết trước là người đó đã trả xong nhân quả trong cộng đồng đó. Khi trả xong dù muốn sống thêm một ngày cũng không thể sống thêm được nữa. Do vậy, mới bảo rằng luật nhân quả quá khắc nghiệt.

Cháu Thanh Phước cũng vậy, cháu đã trả xong nợ nhân quả, vì thế cháu phải ra đi, ra đi vĩnh viễn vì cháu đã hết nợ trong cộng đồng đó. Riêng các con không thấy được nợ vay của luật nhân quả mà cho đến giờ này còn khóc thương thảm thiết.

Thầy xin nêu lên một ví dụ để con hiểu cho rõ ràng: Ví như, con là một người thiếu một món nợ rất lớn của một ông chủ, con phải đến nhà của ông chủ nợ cố gắng làm lụng hết sức mình để trả xong món nợ, khi con đã trả xong món nợ, con rời khỏi gia đình ông ta, thì ông ta kêu khóc thảm thiết không cho con đi, lúc nào cũng muốn con ở lại làm cho ông ta nữa. Như vậy, con thấy ông ta có công bằng không? Và con là người đã trả nợ xong thì con vui mừng rời khỏi gia đình ông ta thì hạnh phúc biết bao! Vì không còn nợ nần nữa.

Như vậy, con nên tư duy theo luật nhân quả, thì sự thương khóc của con có công bằng không? Khi cháu Thanh Phước đã trả xong nợ nhân quả của cộng đồng gia đình con, cháu ra đi như trong thư con đã thuật lại: “Cháu rất hiền lành và tốt bụng, thương yêu vợ con hết mực, hiếu thảo với cha mẹ bốn bên, đối với bạn bè cơ quan ai cũng khóc thương...”. Nhờ những sự tốt bụng này, tức là thiện pháp mà cháu Thanh Phước đã trả xong món nợ nhân quả quá nhanh, vì thế cháu ra đi lúc đầu còn xanh tóc, vừa mới 45 tuổi.

Nếu cháu Thanh Phước còn nghe tiếng khóc thương của con và mọi người thì cháu rất buồn, vì cháu đã trả xong nợ, mà cứ kêu gọi đòi nợ cháu hoài, thì cháu rất đau khổ và không hài lòng phải không hỡi các con?

Sao các con lại vô minh đến thế? Người còn sống là còn nợ nhân quả, sao các con không lo trả cho hết? Người trả xong nợ ra đi thì các con phải vui mừng cớ sao lại buồn khóc, thật là đảo điên.

Cuộc đời là một bi hài kịch trên sân khấu nhân quả, có gì là thật đâu mà phải thương khóc, hết đóng vai này đến đóng vai khác và luôn luôn tiếp diễn những trò ảo ảnh đó vô cùng, vô tận. Thế mà, các con tự mình chuốc lấy sự khổ đau cho mình mà không biết, đó là vô minh, thiếu sự hiểu biết.

Có một câu chuyện nhân quả mà Thầy được ông thân Thầy kể lại: “Có một gia đình kia, chỉ sanh ra một cậu con trai duy nhất, cậu rất hiền lành dễ thương, hiếu hạnh chăm học, không bao giờ cãi lời và làm cha mẹ buồn khổ, lớn lên cậu rất cần cù làm ăn khiến cho gia đình giàu có nhất trong vùng. Vì thế, cha mẹ thương yêu cậu hơn là vàng bạc châu báu. Nhưng không may cậu lâm bệnh ít hôm rồi chết, để lại sự thương tiếc của cha mẹ vợ con và xóm làng.

Trong làng có một vị phù thủy rất cao tay ấn thường đánh thiếp cho người xuống âm phủ gặp những người thân mình đã chết.

Vì thương con nên ông cụ đến nhờ Thầy đánh thiếp xuống âm phủ để gặp con. Khi xuống đến âm phủ, ông cụ bước vào một cái quán bên lề đường hỏi thăm. Người chủ quán cho biết cách đây  khoảng  hơn hai tháng có một cậu thanh niên ở trên trần gian mới xuống, và bảo ông cụ: “Cụ hãy ngồi ở đây chờ một chút, thế nào cậu trai ấy cũng sẽ cưỡi ngựa đi ngang qua đây, chừng đó cụ sẽ ra nhìn mặt, coi có phải là con trai của cụ không?”.

Ông cụ nghe lời, ngồi chờ chẳng bao lâu nghe tiếng vó ngựa, cụ ra đón đường, quả đúng là cậu con trai, con của cụ. Mừng quá cụ vừa khóc, vừa níu tay con và vừa nói: “Sao con bỏ bố mẹ, trong khi bố mẹ thương con hết mực...”.Ông cụ vừa nói đến đó thì cậu con trai thét lên: “Ai là con cái nhà ông, chúng tôi đã mắc nợ ông, làm trả nợ cho ông xong thì chúng tôi có quyền đi, cớ sao ông cứ theo đòi nợ hoài”. Nói xong cậu con trai quất ngựa chạy đi, chẳng hề đoái hoài đến ông cụ. Ông cụ sững sờ nhìn theo bóng cậu con trai mà bao lòng thương của cụ đều buông xuống sạch. Câu chuyện trên đây con nên suy ngẫm, để thấu suốt lý nhân quả, nhờ đó con mới chuyển được và tâm hồn mới thanh thản an lạc và vô sự.

Cháu Thanh Phước ra đi là nhắc nhở cho con thấy: “Đời là vô thường, là khổ đau và cuối cùng là không có gì cả”. Chính con là người vay nợ nhân quả rất nhiều, do đó con là người chịu khổ đau nhiều nhất trong cộng đồng gia đình này. Nếu con không gặp chánh pháp của Phật thì giờ này con sẽ trở thành người điên mất.

Khi đọc xong bức thư này con hãy tư duy suy nghĩ để tự cứu mình ra khỏi sự vô minh ngu dại của mình đã tự dày vò, đã tự làm khổ đau cho mình mà cứ mãi làm khổ đau không dứt, đó là một điều thiếu đạo đức nhân bản làm người đối với mình, con ạ!

Hãy đứng lên, tự thắp đuốc đạo đức mà đi, đừng để sống trong đêm đen tối mờ mịt mà món nợ nhân quả chưa biết kiếp nào trả xong.

Thầy có lời thăm và chúc các con quán xét xả tâm tốt để có một bầu trời thanh thản, an lạc và vô sự.

  Kính thư

 Thầy của các con