Skip directly to content

PHƯƠNG HƯỚNG TU TẬP GIỚI LUẬT NGÀY THỌ BÁT QUAN TRAI

Thưa quý Phật tử! Thầy xin nhắc lại những giới luật cần phải tu tập trong ngày Thọ Bát Quan Trai: “Giới luật là nền tảng đạo đức, là cội gốc của thiền định, là bông trái của trí tuệ.

Đối với những Phật tử tại gia lấy năm giới làm giới trọng, lấy bốn hòa làm giới khinh, lấy ba đức làm nòng cốt cho cuộc sống hằng ngày của mình; lấy tám giới làm đường đi đến đích giải thoát”.

NĂM GIỚI TRỌNG CỦA NGƯỜI CƯ SĨ

1- Không sát sanh:

Từ con người cho chí các loại côn trùng nhỏ lớn, người Phật tử cũng không nên giết hại, không nên xui bảo người khác giết hại, không nên thấy người khác giết hại vui theo.

2- Không trộm cắp:

Tiền bạc châu báu, ngọc ngà, thức ăn vật uống v.v... của người, nếu người không cho không được tự nhiên lấy, nếu lấy thành trộm cướp.

2- Không tà dâm:

Người Phật tử còn tại gia, không được lén lút không được làm việc tà bậy khiến gia đình tan nát.

4- Không nói dối:

Phải thành thật, chuyện có nói có, chuyện không nói không. Nói dối có lợi cho người còn chẳng nói, huống là nói dối có lợi cho mình, mang hại cho người khác.

Cũng như nói dối có lợi cho Phật pháp còn chẳng nói, huống là nói dối làm mất uy tín Phật pháp.

Người Phật tử tại gia không được nói lời hung dữ độc ác, không được nói lời chia rẽ, không được nói lời phù phiếm vô nghĩa.

5- Không uống rượu:

Không được uống các thứ rượu mạnh, nhẹ, không nên hút thuốc lá, thuốc lào và các thứ nghiện ngập khác (chè, cà phê, trầu cau v.v...).

 

BỐN GIỚI HÒA CỦA NGƯỜI CƯ SĨ

Thưa quý Phật tử! Thầy xin nhắc lại: “Lục hòa là nền tảng vững chắc cho toàn thể Phật tử (gồm tu sĩ và cư sĩ) gắn chặt lâu bền với nhau để cùng tu, cùng sống.

Với người cư sĩ tại gia, chỉ thực hiện bốn giới trong lục hòa của Phật chế ra để cho cư sĩ và tu sĩ tu tập có một lối sống hòa hợp đoàn kết thương yêu nhau.

1- Khẩu hòa không tranh cãi:

Về phần miệng nói bàn tranh luận đều trong tin thần hoà nhã đạo đức, không được dùng lời nói lớn tiếng tranh đua, hoặc dùng lời nặng nhẹ chỉ trích nhau.

2- Ý hoà cùng vui:

Phải có tâm ý vui hòa, không nên có tâm ý ngang ngạnh, chống đối thù hằn nhau, nên vui theo tâm ý người, làm theo ý của người khác nhưng không bị lôi cuốn vào ác pháp, đó là để rèn luyện hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng.

3- Có ý kiến hay cùng giảng giải cho nhau nghe.

Luôn luôn hòa hợp mọi ý kiến với nhau, đem cái hay lợi ích giảng giải cho nhau hiểu cùng tu, cùng học.

4- Giới hoà đồng tu:

Lấy nội quy làm khuôn phép cùng sống như nước với sữa; cùng khích lệ, sách tấn nhau giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trên bước đường tu tập.

 

BA GIỚI ĐỨC NÒNG CỐT CỦA NGƯỜI CƯ SĨ

1- Đức nhẫn nhục

Nhẫn nhục là một đức tính hòa hợp rất tốt, người cư sĩ cần nên tu tập rèn luyện để cùng sống trong gia đình và xã hội mà thân tâm được sống yên vui.

2- Tuỳ thuận

Tùy thuận là một đức tính hòa hợp trong gia đình và xã hội, khiến mình và mọi người được an vui thanh thản. Vì vậy cần phải cố gắng giữ gìn tu tập và rèn luyện.

3- Bằng lòng

Bằng lòng là một đức tính buông xả rất tốt mà người cư sĩ cần phải giữ gìn, tu tập và rèn luyện, để cho cuộc sống có thân tâm bình an thanh thản.


BA GIỚI HẠNH NÒNG CỐT CỦA NGƯỜI CƯ SĨ

Với người cư sĩ trong ngày Thọ Bát Quan Trai cần phải thực hiện nghiêm chỉnh trong ba giới hạnh này. Ba giới hạnh này sẽ mang đến sự giải thoát càng rõ nét hơn ở thân tâm quý vị.

1- Ăn:

Ngày ăn một bữa vào giữa trưa, từ 10 giờ đến 12 giờ, ngoài giờ đó nếu ăn uống là phi thời. Người cư sĩ trong ngày Thọ Bát Quan Trai thà chết chớ không ăn uống phi thời.

Ăn uống phi thời là ăn uống không điều độ. Ăn uống không điều độ có thể dễ sinh bệnh tật.

2- Ngủ:

Người cư sĩ Thọ Bát Quan Trai phải tập ít ngủ, ngủ nhiều sinh lười biếng, mê muội, hôn ám.

Ngủ phải đúng giờ giấc, ngủ không đúng giờ giấc là ngủ phi thời, ngủ phi thời là ngủ không điều độ.

3- Độc cư:

Người cư sĩ Thọ Bát Quan Trai cần phải sống một mình. Sống một mình là sống cho mình, sống đời sống nội tâm. Sống đời sống nội tâm là phải sống phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, nhờ đó tâm không bị phân tán; nhờ đó tu tập thiền định mới được dễ dàng.

Vậy người cư sĩ Thọ Bát Quan Trai phải hạn chế đi lại, không được nói chuyện phù phiếm với bạn bè, không được nói chuyện chánh trị; không được bàn chuyện giặc giả trộm cướp v.v...

Chỉ cần thiết thưa hỏi pháp tu tập với Thầy, không được hỏi bất cứ một người nào, vì hỏi là làm động người khác.

 

OAI NGHI TẾ HẠNH CỦA NGƯỜI CƯ SĨ THỌ BÁT QUAN TRAI

Người cư sĩ Thọ Bát Quan Trai cần phải giữ gìn oai nghi tế hạnh: đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc và nói chuyện phải đúng tư cách của người đệ tử chân chính của đạo Phật.

1- Đi:

Khi đi phải luôn luôn phòng hộ sáu căn, hai mắt phải nhìn xuống bước đi, không được ngó qua ngó lại, không được liếc xéo liếc ngang.

Phải đi nhẹ nhàng khoan thai, không được chạy nhảy lăng xăng, không được hấp tấp vội vàng, không được đi song song với người khác phái.

Không được vừa đi vừa nói chuyện, hoặc cười ầm ĩ ngoài phố đông người.

2- Đứng:

Đứng phải lựa nơi phù hợp, tránh chỗ đông người, tránh chỗ có người khác phái, tránh chỗ đánh lộn, tránh chỗ có người say rượu, tránh chỗ có tranh ảnh khoả thân.

1- Nằm:

Nằm phải lựa nơi chốn phù hợp, không được nằm trên giường chõng, võng treo của người khác phái, của người già, của người bệnh và của trẻ em.

Không được nằm ngửa, nằm sấp, nằm co, không được nằm tréo chân gác đùi hoặc nằm một chân duỗi, một chân co mà phải nằm nghiêng theo kiểu kiết tường như tượng Phật Niết Bàn.

Không được đụng đâu nằm đó không biết, bẩn sạch.

Không được nằm trong giường, trong thất của người khác, nhất là người khác phái.

4- Ngồi:

Ngồi phải lựa nơi chốn phù hợp, không được ngồi trên ghế tréo chân, không được ngồi gác chân lên bàn, không được ngồi lúc lắc chân, không được đụng đâu ngồi đó mà không biết bẩn sạch, không được ngồi bó gối, ngồi chòm hổm, không được ngồi gần người khác phái, ngồi chung ghế với người khác phái, ngồi chỗ vắng vẻ với người khác phái.

5- Ăn:

Khi thọ thực phải ăn mặc tề chỉnh, phải ngồi xếp bằng ngay thẳng, phải thành tâm mặc niệm cúng dâng chư Phật, tổ tiên, ông bà cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp và phải hết tỏ lòng biết ơn người đàn na thí chủ làm bằng mồ hôi nước mắt mới có thực phẩm này.

Ăn phải giữ gìn im lặng, không được nói chuyện hay cười đùa trong bữa ăn.

Không được khua chén khua bát trong bữa ăn;  không được la hét làm ồn náo trong bữa ăn.

Ăn không được nhai ngốn ngấu miếng này chưa xong lại ăn miếng khác. Phải ăn uống nhẹ nhàng êm ái, không được lật đật vội vàng, mà phải ăn từ tốn khoan thai.

Trước khi ăn phải được xá Phật, xá Tổ, sau khi ăn xong cũng phải xá Phật, xá Tổ.

Trước khi ăn cũng phải xá chào nhau để tỏ lòng tôn kính nhau, để diệt ngã tâm ganh tỵ ích kỷ nhỏ nhen của mình.

6- Mặc:

Y áo phải được ngay thẳng, tề chỉnh, không được xốc xếch, nút trên gài phi dưới, không được để hở cổ.

Mặc y áo phải sạch sẽ, không được để dơ bẩn hôi hám.

Y áo không được vò nát, vắt ngang vắt dọc mà phải được xếp ngay ngắn, cất có nơi có chốn.

Người cư sĩ Phật tử đã theo đạo Phật không được ở trần bầy lưng bầy ngực và bụng, phải ăn mặc kín đáo, dù trời có nóng bức vẫn phải giữ gìn.

Người cư sĩ Phật tử tiểu tiện phải ở chỗ kín đáo, phải ngồi xuống không được đứng, không được đụng đâu tiểu đó.

Người cư sĩ Phật tử khi tắm sông, suối, hồ, ao v.v..., dù là nơi vắng vẻ cũng phải ăn mặc kín đáo mới tắm, không được trần truồng tắm giặt như người thế gian.

7- Nói:

Lời nói rất quan trọng, khi nói ra là một điều rất tai hại. Người xưa dạy: “Họa tùng khẩu nhập” tai hoạ do khẩu mà ra, lời nói làm khổ mình khổ người, nên phải dè dặt cẩn thận lời nói.

Vì thế, người cư sĩ đệ tử Phật, cần phải tập ít lời, nói ra phải suy nghĩ cho thật kỹ.

Không được dùng lời nói thô lỗ tục tằn.

Không được dùng những lời nói hung dữ, trù ẻo, thề thốt.

Không được tranh luận hơn thua ai dù bất cứ một việc gì.

Không được chỉ trích khen chê tôn giáo này tôn giáo khác, khi mình chưa tu tập tới nơi.

Không được chỉ trích pháp môn này pháp môn khác khi mình tu tập chưa tới nơi.

Không được đem giáo pháp của Phật ra thuyết giảng không đúng chỗ.

Nói phải lựa lời nói, nói không được cướp lời người khác.

Nói không được tranh cãi, phải ôn tồn nhã nhặn, từ tốn, êm dịu, nhẹ nhàng.

Trong khi Thọ Bát Quan Trai, chỉ cần thiết mới thưa hỏi về sự tu tập.

 

TÓM LẠI NHỮNG OAI NGHI TẾ HẠNH

Vì lợi ích chung cho chúng sanh, vì thắp sáng lại ngọn đèn chánh Pháp của Phật và cũng vì sự giải thoát sanh tử của kiếp người nên chúng ta người Phật tử chân chánh của đạo Phật phải hết sức giữ gìn những oai nghi tế hạnh để tu tập cho ngày mỗi tốt hơn.

Trong những oai nghi tế hạnh chúng ta luôn luôn phải nhớ:

1- Tỉnh giác ý tứ từng hành động: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý.

2- Để phòng hộ tránh ngoại duyên cám dỗ.

3- Để tránh mọi sự xảy ra khen chê, chỉ trích của miệng đời khiến tâm bất an.

4- Để cho tâm không bị phân tán tu hành thiền định dễ dàng.

5- Để tạo duyên tốt cho những Phật tử khác có duyên với chánh pháp.

Đó là những cách thức thân giáo độ chúng sanh, đền đáp ơn Phật, Tổ, ơn sinh thành dưỡng dục, ơn đàn na thí chủ.

Vì thế, ai vi phạm oai nghi tế hạnh cũng được xem là vi phạm kỷ luật. Tập thể phải góp ý cho họ sửa những lỗi lầm, nếu không sẽ bị phê phán bởi hình thức tu giả.

KẾT LUẬN

Những quy định này là một kỷ luật tự nguyện, tự giác, là nhu cầu thiết yếu để bảo vệ sự tu hành an ổn của những người Phật tử.

Kỷ luật giúp cho người Phật tử sống hài hòa trong nếp sống đạo đức, khiến sự tu hành dễ dàng phát triển, Vì thế, mỗi tháng một lần tập hợp đầy đủ để thỉnh nguyện đọc lại nội quy, người Phật tử ghi nhớ và kiểm điểm xem mình, có phạm điều nào không. Vì tha thiết tu hành, cầu sự giải thoát, các Phật tử chúng ta giữ gìn cho được trọn vẹn.