Skip directly to content

BÀI THỨ MƯỜI: DẠY LỚP TU SINH NAM

(Chiều 18-3-2006)
Như các con cũng đã hiểu lớp của các con, ai có duyên thì đến học trọn đủ lớp Chánh Kiến, ai chưa đủ duyên, mới đến chưa học trọn thì chờ sang năm, tháng 10 âm lịch, Thầy sẽ mở lớp Chánh Kiến trở lại. Những người lên lớp Chánh Tư Duy, trường hợp này các con về quê thăm lại quê trong vòng vài tháng, chờ trung tâm an dưỡng sẽ ra đời vì vừa rồi ở Thành phố báo cho Thầy biết đã xin phép được rồi, như vậy trong vòng vài tháng tới Thầy sẽ ra đó lo xây dựng khu đó. Thầy đã đến thăm khu đất đó thấy lô đất rộng rãi nên sẽ được chia hai khu vực nam nữ riêng biệt, chung quanh bốn mặt đường lưu thông nên chúng ta có thể làm hai cổng vào, một cho khu nam và một cho khu nữ. Phần xây cất am thất và các hạng mục công trình sẽ do Thầy kêu gọi Phật tử hỗ trợ và sẽ được làm xong trong vòng hai tháng. Chừng đó Thầy sẽ đưa các con về đó tu, còn ở đây Tu Viện không xin phép nên chỉ ở đây một số ít thôi, chừng 10 – 20 người, chứ ở đông, nếu có điều kiện gì thì chúng ta trả lời không được, còn ở trung tâm an dưỡng có xin được phép nên chúng ta không ngại gặp khó khăn. Việc xin phép hoạt động được chính quyền và giáo hội tỉnh Đồng Nai, sau khi họ nghe bài giảng của Thầy trong lớp Chánh Kiến thì họ đã chấp thuận chương trình hoạt động của trung tâm. Về mặt đời sống thì đã có Phật tử lo. Sẽ có những ban phụ trách những mặt điều hành của trung tâm.
Khi thành lập xong thì Thầy cho các thầy hay để tới đó tu học. Còn người nào có duyên không rời Tu Viện thì tiếp tục ở đây, chỉ khoảng 10 – 20 người.
Ở đây Tu Viện sẽ không có Ban Quản Trị vì nhỏ quá mà phần lo lắng về đời sống chỉ có cô Út thôi. Cô Út đã quen mọi việc. Còn ở trung tâm, phạm vi hoạt động rộng lớn hơn, chúng ta được phép của chính quyền và giáo hội nên không ai làm phiền. Chúng ta học giới luật và đạo đức.
Hôm nay Thầy báo cáo như vậy cũng như sau mấy tháng học tập lớp Chánh Kiến, bây giờ các con nghỉ xả hơi. Sau hai tuần “thi tốt nghiệp” thì đa số bị rớt vì quán thân trên thân chưa được. Không thể quán thân trên thân thì làm sao có thể tu ở lớp 4 Niệm Xứ, ở lớp Chánh Niệm được, phải trở về với lớp xả tâm, tức là các con trở về lớp Chánh Tư Duy để tư duy xả từng tâm niệm của mình. Khi các niệm thanh tịnh tức đã xả sạch rồi thì các con lên lớp Chánh Niệm để các con tu tập 4 Niệm Xứ thì trên thân quán thân dễ dàng, không gặp khó khăn nữa.
Còn người nào đã quán thân trên thân được rồi thì người đó được theo Thầy. Thầy sẽ ở bất kỳ đâu cũng sẽ dẫn mấy người đó theo để đào tạo, để tháng 10 âm lịch tới, bây giờ là tháng 3 âm lịch, đức Phật nói tu 7 ngày, 7 tháng, 7 năm, mà từ nay tới đó còn 7 tháng nữa, những người đó sẽ chứng đạt được chơn lí thanh thản an lạc vô sự. Khi tâm họ bất động thì họ đủ khả năng để đứng lớp. Lớp Chánh Kiến được mở mang ra.
Lớp Chánh Kiến sắp tới không phải số lượng người ít, vì vừa rồi cũng có một số quý thầy cũng như nhiều vị sư đăng kí xin học. Hôm trước có 4, 5 vị sư đi trì bình chỗ này chỗ kia đến đây cũng có xin Thầy vào tu nhưng Thầy nói chờ lớp này ra xong, mở lớp khác rồi hãy đến. Bốn vị sư đó rủ sư Mẫn là 5 vị cả thảy, chắc ở đây có nhiều người biết sư Mẫn, sư Mẫn thấy hạnh du phương cũng tiện việc tu nên đi theo để học hạnh du phương sống rừng, sống các nơi cho biết. Ngoài ra cũng có một số đông cư sĩ và tu sĩ Bắc Tông đến xin nhưng đều được Thầy bảo họ chờ đến khi mở lớp Chánh Kiến mới, vào tháng 10 âm lịch năm này. Họ cũng có duyên đã được nghe một số các đĩa, băng Thầy giảng trong lớp Chánh Kiến, đồng thời đọc những bộ sách Văn Hoá Phật Giáo Truyền Thống và bộ sách Những Lời Gốc Phật dạy nên họ tha thiết muốn được giải thoát mới về đây xin Thầy.
Nếu có đủ duyên được giấy phép thì chúng ta chia làm nhiều lớp tại nhiều địa phương. Thí dụ ở Hà Nội có lớp cho cư sĩ Hà nội và các tỉnh phía Bắc về đó; các sư, thầy tu sĩ và cư sĩ miền Nam thì có thể về trung tâm ở thành phố cho tiện hơn. Thầy chỉ chịu khó đi tới đi lui để dạy thôi. Năm nay thì Thầy ngồi tại đây để dạy, nhưng tháng 10 mở thêm lớp Chánh Kiến khác thì chắc chắn Thầy phải đi nhiều, nhưng nếu có người thay thế Thầy đứng lớp dạy thì Thầy khỏi đi. Đặt vấn đề thí dụ thầy Chơn Thành tu xong, về Hà nội thì Thầy khỏi đi Hà nội, còn trong Nam này có thầy nào tu xong, thì Thầy cho ra Long Thành dạy. Những người như vậy sẽ ở luôn tại đó để hướng dẫn người khác tu lớp Chánh Kiến, hay những lớp khác. Thầy chỉ thường xuyên đến thăm thôi. Khi đó hoặc là Thầy ở tại đây hay tìm nơi yên tỉnh hơn. Ở đây thì ngày nào Thầy cũng phải tiếp khách hết, không ngày nào rảnh, nên Thầy rất bận rộn trong khi Thầy còn viết cho xong những sách giới luật và đạo đức làm người còn lại trong chương trình Thầy đã dự tính.
Hôm nay Thầy gởi các con những tập sách mỏng này cũng đủ xác định chúng ta tu đúng rồi, đó là ở chỗ nhận ra cách để trên thân quán thân và biết cách để quán. Có người biết cách và có người chưa; có người biết mà quán được nhưng có người biết mà quán chưa được, còn trật tới trật lui; cũng như đứa bé mới tập đi còn bị té lên té xuống chưa đi được. 4 Niệm Xứ khó chứ không đơn giản đâu. Lúc đầu mới tu cứ nghĩ là mình tu được, nhưng sau một thời gian nhìn lại thì thấy trật. Đó là vì xả tâm chưa hết.
Mới đầu quán thì cũng thấy thân rung động thế này thế khác nhưng chỉ vài bữa sau thì thấy trật rồi, không đúng chút nào hết. Bị hôn trầm thùy miên đánh vô là trật rồi, hay niệm này niệm khác xen vô là cũng trật. Mấy bữa trước làm được mà sao nay làm không được? Cứ những thứ như vậy xen vô thì phải biết là mình chưa đủ khả năng ở lớp này. Nếu các con cố gắng không niệm thì bị ức chế, mà ức chế thì chắc chắn bị rơi vào tưởng, không thoát khỏi được, bởi lẽ ý thức bị ức chế thì tưởng thức hoạt động thay liền tức khắc. Còn bây giờ các con sống xả tâm, chừng xả tâm hết thì nó trở về 4 Niệm Xứ mà không chút nào ức chế.
Cụ thể rõ ràng như vậy. Nếu chúng ta hiểu như thế thì chúng ta biết con đường đi. Mà khi biết và hiểu như vậy thì mọi người cứ yên tâm về lại chùa hay nhà của các con tu tiếp.
Hôm kia Thầy đi khất thực trở về thì bát cơm của Thầy bị tuột tay rơi bể như nói là lớp của chúng ta tới đây tạm ngưng một thời gian vì hôm qua Thầy được tin có điều kiện không thuận lợi sẽ xẩy ra nếu chúng ta tiếp tục lớp như vầy. Đó, các con thấy vấn đề gì cũng có nhân quả hết, việc bể bát như nói Thầy tạm ngưng khất thực một vài hôm thì tin nọ bảo mình phải ngưng lớp một thời gian. Mình làm thiện thì có báo động thiện. Cứ sống ngăn ác diệt ác sanh thiện tăng trưởng thiện thì mọi việc sẽ bình an. Tu Viện làm việc thiện thì sẽ được bình an, hơn nữa các con sắp làm Phật rồi thì phải có tình nghĩa về thăm lại gia đình một thời gian. Đó cũng là điều tốt, điều đúng để có dịp báo cho gia đình và bạn bè biết rõ con đường đi đúng của các con là trên thân quán thân để khắc phục tham ưu. Do tu tập như vậy thì chúng ta không có gì trở ngại.
Chúng ta tạm thời giải thể lớp để nghỉ một thời gian để bảo vệ Tu Viện được bình an. Hồi hôm Thầy được tin đã xin phép lập trung tâm an dưỡng ở Long Thành được rồi. Như vậy là chúng ta có được đủ phước, chỉ còn chờ thời gian xây dựng. Việc xây dựng Thầy cũng đã suy nghĩ nếu ở địa phương lạnh thì phải xây tường cho ấm như ở Đà lạt hay ngoài Bắc chẳng hạn. Nhưng ở Long Thành, Đồng Nai thì thời tiết không khác gì mấy với ở đây nên mình có thể dùng những vật liệu nhẹ.
Các con hiện giờ giới luật chưa nghiêm chỉnh thì nên cố gắng khi tới những nơi nào mới phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, sống độc cư cho trọn vẹn; nhiều khi các con bị động quá. Độc cư, độc bộ, độc hành là bí quyết thành công sự tu tập của các con. Các con sống một mình mới thấy từng tâm niệm của các con chứ sống cứ nói chuyện này kia thì khó thấy tâm các con lắm.
Càng cô đơn bao nhiều thì tâm niệm mình càng hiện rõ bấy nhiều.
Các con phải ghi nhớ và sống đúng lời này của Thầy mà tu hành thì chắc chắn kết quả giải thoát không còn xa nữa. Chúng ta nhiếp được chơn lí của chúng ta, đó là trạng thái tâm thanh thản an lạc vô sự. Hiện giờ các con tu học là hộ trì và bảo vệ chơn lí đó, làm sao để các con sống được trong trạng thái tâm lí đó mãi mãi và suốt đời các con từ nay tới ngày chết, các con vẫn ở trong trạng thái đó. Đó là cứu cánh cuộc đời của chúng ta và đó là sự chứng đạo của chúng ta chứ không có gì khác hơn nữa. Đức Phật cũng đang ở đó chứ không nơi nào xa khác đâu. Thầy bỏ thân này Thầy cũng vào đó chứ không đi đâu xa ngoài chỗ thanh thản an lạc vô sự. Chúng ta giữ được chơn lí thì chúng ta ở được; nếu chúng ta giữ không được thì chúng ta sẽ bị nghiệp lôi chúng ta đi tái sanh luân hồi. Các con cố gắng thực hiện.
Hôm nay Thầy thấy các con đâu cần có gì phải thưa hỏi, phải không?
Quán 4 Niệm Xứ không được thì trở về xả tâm. Xả tâm hết thì nó trở về 4 Niệm Xứ chứ có đường nào khác nữa. Khi các con xả tâm hết, các con ở trạng thái thanh thản an lạc vô sự thì tâm các con ở đâu? Lúc đó nó phải ở trên thân các con thôi chứ không ở đâu khác được. Thí dụ như tâm Thầy thanh thản an lạc vô sự thì nó phải thấy hơi thở của Thầy chứ đâu không thấy được.
Nó không thấy hơi thở thì không lẽ nó bị ngủ sao, rõ ràng nó đang thức chứ đâu có ngủ. Đang thức ở trên thân thì nó phải thấy thân nó mà thấy thân thì phải thấy hơi thở chứ làm sao không. Chúng ta biết nếu tập trung trong hơi thở là sai nên chúng ta không tập trung, mà không tập trung trong hơi thở thì nó phải thấy thân nó rung động. Như vậy là nó tự trở về 4 Niệm Xứ mà không bị ức chế. Vậy có phải là tiện lợi không?
Trong vấn đề tu tập sự nhiếp phục tham ưu đơn giản dễ dàng lắm. Nếu được nhiếp tâm và an trú tâm trên thân và quán thân được rồi thì nó phải nhiếp phục được tham ưu. Bây giờ các con thấy ưu phiền còn nghĩa là còn niệm này kia tức là chưa quán thân được. Chưa quán thân được thì các con phải xả tâm từng niệm đó cho thật hết. Muốn xả tâm từng niệm đó thì điều kiện là các con phải sống độc cư. Có sống độc cư mới thấy được tâm niệm của các con từng lúc rất nhỏ. Nếu còn đi nói chuyện đạo chuyện đời này kia với người này người nọ, còn đọc sách nghe băng, nghe đĩa, hay làm gì khác không để độc cư là còn bị động, còn phóng dật thì không thể thấy tâm niệm các con đâu. Vậy hãy cố gắng nghe lời Thầy. Lớp này được bình an trong 4 tháng qua là một may mắn lớn cho chúng ta. Những bài vở các con làm có những bài rất đạt tiêu chuẩn. Bây giờ nếu được còn trong sự yên ổn thì chúng ta tiếp lên lớp Chánh tư duy. Những người không lên lớp Chánh niệm, tức là lớp quán 4 Niệm Xứ thì các con ở lớp xả tâm.
Lớp xả tâm thì nói chung chung cái gì cũng xả chứ nó có nhiều cấp bậc trong đó; có người xả thấp, có người xả cao, chứ không phải xả giống nhau.
Một người sân quá dữ thì xả lâu, còn người sân ít thì xả mau. Người tham ít, chỉ muốn ăn ngày một bữa, thì xả mau chứ người cái gì cũng muốn hết, nhà lầu xe hơi tiền bạc danh lợi cái gì cũng muốn thu gom, thì phải xả lâu. Vậy thì phân ra những lớp để tu cho đúng với đặc tướng của các con. Ở đây không được quyền tu chung chung vì thế khi tình thế được an ổn trở lại thì Thầy sẽ sắp cho lớp các con được tốt hơn để các con học. Người nào trình độ ở lớp Chánh kiến thì phải trở về lớp Chánh kiến bởi tri kiến người này chưa đủ sức xả các niệm. Còn người nào đủ sức thì ở trên lớp Chánh Tư Duy, từng tâm niệm các con khởi ra thì làm từng bài luận để xả tâm đó, chứ không phải khi có niệm nói “Cái này là ái kiết sử, thôi hãy đi đi!”. Chỉ nói thế thì không thể nào dứt niệm đó được.
Trong lớp Chánh Tư Duy cũng có nhiều bậc chứ đâu cùng một. Đặc tướng trình độ các con ở lớp nào thì tu theo lớp đó. Nói thì mọi người cùng ở lớp Chánh Tư Duy, chứ kỳ thật người thì ở lớp A, người ở lớp B... khác nhau chứ không chung nhau được. Khi nói phân lớp thì phải phân theo trình độ đúng lớp đó để người ta học, rồi đưa dần người ta đến kết quả đó mới cụ thể, chứ không phải học chung chung. Ở đây làm thật, tu thật, đạt sự giải thoát thật chứ không phải ở trong sự hiểu biết suông, trong kiến giải suông. Thầy nói như thế các con hiểu được trong sự tu học của các con Thầy rất vất vả để các con đạt được sự cụ thể trong tu tập.
Bây giờ Thầy xin trả lời những câu hỏi của các con
-Kính thưa Thầy con tu tập 4 Niệm Xứ trong oai nghi ngồi từ 3 đến 5 phút, con thấy sự rung động từ đầu tới chân và ngược lại, sự cảm nhận còn rõ hơn trong oai nghi đi. Vậy kính xin Thầy dạy con nên tu 4 Niệm Xứ hay nên tu tâm xả.(C. T.)
Khi con tu 4 Niệm Xứ con thấy được sự rung động của thân thể rất rõ thì con cứ tu, nhưng có niệm thì con xả, không sao hết. Thời gian con tu 4 Niệm Xứ là 5 phút thì giữ đúng 5 phút, đừng tăng lên. Lúc nào trong 5 phút đó con cũng đều khắc phục được tham ưu, tức là không niệm mà không mỏi mệt, con nghe trong thân thoái mái dễ chịu, không có gì chướng ngại thì con đã tu đúng.
Con nên giữ như thế mà tu. Nếu con còn thấy có niệm, còn hôn trầm thùy miên ra vô thì con nên trở về tu tâm xả. Hiện giờ trong giai đoạn chuyển qua quán thân trên thân cho được trọn vẹn thì các con còn thời gian nghỉ dài; thời gian nghỉ này chính là thời gian xả tâm. Xả tâm là dùng tri kiến hiểu biết của các con tư duy suy nghĩ rồi xả.
-Kính xin Thầy con xin hỏi 3 câu: (T. V.) Trước tiên con cảm nhận toàn thân thì chưa có cái gì trong đó, khi con cảm giác toàn thân rung động từ chân lên đầu và ngược lại, sự rung động chuyển bước đi và hơi thở lên xuống. Cái biết này ở trong thân cảm nhận nhưng nó không phải là thân cũng không phải là sự cảm giác, trái lại cái biết đó trên cả hai: cái thân và sự rung động gọi là thức tỉnh để rọi vào thấy chúng đang hoạt động rung chuyển từ chân lên đầu và ngược lại khi cái biết bám chặt vào thân rồi, con thay đổi oai nghi rất nhiều động tác nhưng nó vẫn còn biết bám chặt trên thân lên xuống khi nuốt nước miếng nó lại mất. Trạng thái này đã vào được 4 Niệm Xứ chưa, thưa Thầy?
Đây chỉ mới là tỉnh thức thôi chứ chưa tỉnh thức cao, nhưng có điều kiện là phải xét sự cảm nhận. Ở đây sự cảm nhận của con là cảm nhận sự rung động của thân thôi. Con biết trên thân quán thân thôi, tức là con không thấy cái biết gì ở đây hết. Cái biết cảm nhận tức là thân thức. Cảm nhận sự rung động đó là thân thức của chúng ta.
Ở đây các con dùng 6 thức mắt tai mũi miệng thân ý mà mắt thì các con không thể nhìn chăm chăm thân thể các con được, tai các con cũng không nghe được thân các con mà chỉ có cảm nhận sự rung động thân của các con. Các con sử dụng cả 6 cái biết mà cái nào có thể cảm nhận toàn thân các con thì các con sử dụng cái đó. Nó có 6 thức của nhóm ý thức, cảm nhận chỉ là một trong nhóm 6 thức mà thôi. Các con không phải là nhà tâm lí mà phân tích nó là cái biết, cái tỉnh thức như vầy như khác mà các con chỉ biết đây là đang quán thân của các con trọn vẹn biết rõ từ đầu tới chân các con. Biết rất rõ từng hơi thở của các con hít vô thở ra và thân các con rung động là đủ rồi. Không cần phải suy tư, không cần chia chẻ nó ra đây là cái biết, đây là sự rung động. Các con không cần trở nên nhà tâm lí phân tích mà chỉ cần là một nhà biết quán thôi, là nhà quan sát cho được sự rung động của thân các con trong từng hơi thở là đủ, là trên thân quán thân. Ở đây mục đích là quán thân chứ không để thấy cái biết, rồi cái rung động này kia. Các con cảm nhận được mỗi hơi thở hít vô các con cảm nhận sự rung động từ đầu chí chân, mỗi hơi thở ra các con cảm nhận từ chân lên đầu. Các con cảm nhận được vậy thôi. Cảm nhận rõ ràng từng hơi thở kĩ lưỡng; không một hơi thở nào các con quên cảm nhận.
Vậy là được. Như vậy là đúng.
-Tại sao khi tâm ở trên thân rồi lại tự nó an ổn, hết hôn trầm, không mệt mỏi; làm sao nó khắc phục được quá mầu nhiệm như vậy, không tác ý mà cũng không hướng tâm, thưa Thầy?
Đây là pháp 4 Niệm Xứ rồi, trên thân quán thân, tại vì quán thân có 3 giai đoạn, giai đoạn đầu tập quán để biết cách quán cho đúng vì các con chưa biết cách, như bây giờ cứ nhìn thân gọi là quán là không được mà các con phải quán như thế nào thì đức Phật đã dạy cho chúng ta: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, do đó các con theo lời đức Phật dạy để các con quán thân. Khi quán được rồi, các con phải tập cho nó thuần thục. Các con chỉ mới biết cách thấy thân rung động thì chỉ mới biết cách quán thôi, chưa thuần, phải sau một thời gian tu tập một tháng, hai tháng thì sức tỉnh thức trên thân mới có, chứ không phải các con chỉ mới biết một hai lần hoặc một hai ngày các con cho là đã quán được thân. Không phải đâu. Các con còn phải tập cho thuần, cho nhuần nhuyễn, mà khi đã được nhuần nhuyễn rồi thì mới tỉnh thức. Khi tỉnh thức rồi thì các con vẫn tiếp tục tập ở trên quán thân đó nữa. Tập cho đến khi tâm các con được định tỉnh trên thân các con. Khi định tỉnh được thì nó nhu nhuyến dễ sử dụng tức là nó có 7 năng lực giác chi.
Chính vì mục đích như vậy cho nên các con tập đúng, quán đúng thì đó không phải là mầu nhiệm mà vì đó là phương pháp tự nó nhiếp phục được tham ưu, cho nên đức Phật mới dạy trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu. Cách thức đó là cách thức nhiếp phục tham ưu, làm cho nó hết ưu phiền ở trên thân nó. Cho nên đó là phương pháp mà cũng là kinh nghiệm đức Phật đã tu tập và để lại cho chúng ta. Qua kinh nghiệm bằng xương máu của Phật mới thấy được pháp này, cái pháp quán có giá trị tuyệt vời. Mới đầu các con nghe nói trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu, không biết làm sao để nó nhiếp phục. Rõ ràng nó nhiếp phục thì nó quay vô, không còn quay ra nữa là nó làm cho tất cả thân tâm các con rất an ổn, tức là nó nhiếp phục, không còn khổ đau trên đó nữa. Chỉ những người đã tu tập qua rồi như đức Phật mới thấy được, mới để lại cho chúng ta qua câu đó để chúng ta biết trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu.
Bây giờ các con hỏi tại sao thì Phật trả lời đâu có tại sao, tại cái pháp là như vậy. Cũng giống như hỏi tại sao đường ngọt, muối mặn thì tại đường ngọt muối mặn chứ có tại sao. Bởi chúng ta giải thích theo sự hiểu của chúng ta đường là phải ngọt, muối thì phải mặn, ớt thì phải cay... cho nên cái pháp đó là phương pháp để nhiếp phục làm cho hết đau khổ thân thọ tâm pháp của chúng ta. Nó trên thân, trên tâm, trên thọ, trên pháp quán để nhiếp phục tham ưu trên đó. Đó là pháp làm cho chúng ta hết đau khổ cho nên mới nói trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu.
Nếu hỏi làm sao quán lại hết tham ưu thì cứ quán coi có hết không. Nếu quán đúng thì các con không thấy ưu phiền trên đó, đó là nó nhiếp phục. Nếu quán sai, quán trật thì nó không nhiếp phục. Nếu bây giờ nói trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu, tôi cũng cố gắng thấy hơi thở vô ra vô ra, tôi cũng cảm giác toàn thân tôi nhưng có một niệm xẹt vô như vậy là tôi quán chưa kĩ, đó là do tôi có một dạng nào không rõ ràng lắm cho nên mới có niệm đó xẹt vô, hoặc lớp này không phải là lớp đúng sức của tôi tu, tôi chưa hàng phục được tâm ở trong lớp thấp mà tôi nhảy lên tu ở lớp cao hơn. Thí dụ lớp Chánh Tri Kiến tôi chưa thông suốt mà tôi nhảy lên đây thì làm sao tôi nhiếp phục được.
Nghĩa là lớp này là lớp thứ 7, tôi chưa học xong các lớp 1, 2, 3... mà nhảy lên lớp 7 này thì làm sao tham ưu nhiếp phục được. Pháp này ở lớp thứ 7, tôi phải trải qua 6 lớp mới đến được nó thì mới nhiếp phục các tham ưu được. Cũng như muốn ăn được đường ngọt thì phải qua nhiều khâu như khâu ép mía, khâu nấu cho từ từ cô đặc lại để thành cục đường thì mới ngọt chứ còn nước mía thì làm sao ngọt như đường được.
Từ lớp Chánh Kiến đến lớp Chánh Niệm phải qua một thời gian trau luyện, có vậy khi ở Chánh Niệm mới nhiếp phục được tham ưu. Chưa học thông suốt tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 6 thì phải trở về học các lớp đó lần lượt cho đến được lớp 7 Chánh Niệm thì mới nhiếp phục được tham ưu.
Có vậy mới nói Đạo Đế là chơn lí tức là chương trình giáo dục đào tạo chứ không phải là một pháp tầm thường. 8 Chánh Đạo không phải là chơn lí của đạo Phật sao? Không học lớp 1, lớp 2... mà nhào vào lớp 7 học thì làm sao học được. Rồi hỏi làm sao tôi nhiếp không được. Tôi cũng nhiếp thấy thân tôi rung động vậy, nhưng tại sao nó còn có niệm, tại sao nó còn mỏi mệt, tại sao còn bị hôn trầm. Còn mấy ông tu sao thấy dễ dàng quá, không có các thứ đó?
Đó là người ta đã đi từ lớp 1, lớp 2 lên, đã biết bao nhiêu lần dẹp các chướng pháp đó rồi, nay ở lớp 7 này mới không còn những thứ đó. Vậy thì căn cứ vào chỗ nhiếp phục tham ưu được không, nếu nhiếp không được thì các con tự biết phải trở về lớp xả tâm mà tu, không ở lớp quán 4 Niệm Xứ được.
-Tại sao khi tâm ở trên thân rồi thì tự nó an ổn, không hôn trầm, không mỏi mệt, làm sao nó khắc phục được mầu nhiệm như vậy?
Câu hỏi này chỉ là đặt lại câu hỏi trên thôi. Câu trả lời là tại vì các con tu tập thiếu căn bản. Khi thấy các con thiếu căn bản thì hãy trở về lớp thấp tu tập lần lượt cho có căn bản trước.
-Tại sao khi quán được rồi thì nó bám chặt vào thân, phải tác ý nó mới thôi. Kính xin Thầy chỉ dạy cách xả nghỉ ra.
Khi thấy nó bám thì nên nhớ rằng khi vào các con bảo tâm quay vô quán trên thân thấy thân thọ tâm pháp rõ ràng, thì khi ra các con bảo “Xả cái thân ra, không được ở trên thân quán nữa” chứ không khéo xả ra rồi mà đi đâu nó cũng dính trong thân các con, nó không thèm ngó ra ngoài, thì đi đâu cũng 4 Niệm Xứ. Người ta tu 4 Niệm Xứ Nhất Dạ Hiền có một đêm thôi chứ có ai tu tháng này qua tháng kia bao giờ đâu. Vậy khi xả ra thì các con nhắc “Tâm phải xả ra bình thường, không bám trên 4 Niệm Xứ nữa nghe, không quán 4 Niệm Xứ nữa. Hãy trở về trạng thái bình thường”.
Khi tác ý như vậy và không còn chú ý trên thân nữa thì nó sẽ xả ra. Nếu các con cứ tu hoài, tu hoài riết nó quen, nhắc vậy mà nó cứ ở trên thân. Đó là thành thói quen. Khi tu tập đã làm chủ rồi thì phải xả ra. Không lẽ Thầy làm chủ tịnh chỉ hơi thở, rồi cứ ngồi tịnh chỉ hơi thở hoài sao, không khéo người ta thấy Thầy hết thở họ cho là Thầy đã chết rồi đem chôn Thầy sao? Bộ Thầy điên hay sao. Thầy làm chủ hơi thở được rồi thì Thầy phải xả ra thở như mọi người cho đến khi Thầy muốn chết, lúc đó Thầy bảo “Tịnh chỉ hơi thở nghe. Bây giờ chết nghe”. Chứ bây giờ các con tịnh chỉ hơi thở, rồi cứ ngồi đó ngưng thở hoài làm mọi người tưởng là chết rồi họ đem chôn cất mất.
Ở đây Phật pháp dạy khi chúng ta vào định nào xong thì phải ra khỏi định đó, chứ không phải nói giờ các con tu rồi xả ra vẫn thấy tâm các con ở trong đó. Như vậy là các con không thấy cái xuất cái nhập của đạo Phật, cái làm chủ của đạo Phật. Nghe nói xuất nhập, có người chê thiền gì mà còn xuất nhập. Thiền tôi đâu có xuất nhập. Thiền tôi cao lắm, khỏi cần xuất nhập.
Xuất nhập của đạo Phật có nghĩa là sự làm chủ của người tu. Muốn nhập định là nhập định, muốn ngưng là ngưng. Tôi muốn làm chủ bịnh là tôi đẩy lui bệnh chứ không phải lúc nào cơ thể bị bịnh là bịnh. Như vậy không được đâu.
Sự xuất nhập định là sức làm chủ của chúng ta. Chúng ta muốn nhập thì nhập mà không muốn thì xả ra trở về đời sống bình thường. Đó là sự tu tập của chúng ta.
Các con vào tu 4 Niệm Xứ mà không có hôn trầm thùy miên là do nhờ xả tâm ở các lớp khác đã được tỉnh thức. Đó là điều tốt. Nhưng nếu có trường lớp thì dễ, chứ không có trường lớp các con chỉ học hiểu rồi tự nó xả hồi nào các con không hay. Còn ở đây các con được dạy lớp đó thấy nó xả đàng hoàng, tự nó khắc phục được các chướng ngại và tham ưu. Như lớp Chánh Kiến vừa rồi, các con học rồi tự nó nhiếp phục được rất nhiều cái ham muốn nhờ trên sự hiểu biết đó. Tự nó xả rất nhiều chứ không phải đợi có chướng pháp ló mặt ra mới xả đâu. Như bây giờ các con xả cái ăn uống phi thời, các con biết thực phẩm bất tịnh là các con đã xả rất nhiều, các con không thèm ăn như trước nữa đâu.
Mỗi lần thèm gì đó thì các con nghĩ thực phẩm bất tịnh, cần gì mà thèm thì tự nó cũng giảm lòng dục ăn xuống rất nhiều. Nó ngăn chặn liền. Nó làm giảm lòng dục ăn xuống rất nhiều.
Cho nên khi con muốn xả ra thì tác ý cho nó xả, đừng để mang tâm 4 Niệm Xứ trên đó nó không hay. Các con muốn vô thì tác ý bảo vô; muốn ra thì tác ý xả ra. Các con xả ra bình thường chứ không phải giờ nào đi đứng nằm ngồi đều cũng tu hết. Không phải đâu.
Đi đứng nằm ngồi là lúc bấy giờ là một đêm nhất dạ hiền, các con dùng 4 oai nghi mà giữ chơn lí thanh thản an lạc vô sự, tức là ở trên 4 Niệm Xứ mà nhiếp phục trong 4 oai nghi, không có chướng ngại nào trong đó trong 12 tiếng đồng hồ thì các con chứng đạo, chứng được chơn lí.