BÀI THỨ TÁM: DẠY MỘT TU SINH NAM
(Ngày 16-7-2006)
PHÁP TỨ NIỆM XỨ
-Kính xin Thầy chỉ dạy cho con những điểm căn bản của pháp 4 Niệm Xứ.
Pháp 4 Niệm Xứ đức Phật dạy rất rõ: trên thân quán thân, trên thọ quán thọ, trên tâm quán tâm, trên pháp quán pháp, tức là khi tu các con quán một lần luôn cả 4 pháp. Thân có hình sắc, dễ quán cho nên đang trên thân quán thân mà tâm có niệm thì nó quán tâm liền; nếu có thọ thì nó quán thọ liền, chứ không phải chỉ ngồi quán thọ riêng biệt. Khi có thọ thì nó cảm nhận liền, cũng như có tâm niệm là nó cảm nhận liền, vừa cảm nhận là nó quán ngay. Còn đối với các pháp bên ngoài thì nó mới quán. Thí dụ khi bên ngoài không có tiếng động thì thôi chứ có tiếng động thì nó nghe liền. Nó nghe nó biết có tiếng đó, nó quán tiếng đó nhưng không để bị dính mắc, tức là nó không bị phóng dật. Khi đang ở trên thân như vầy, nó nghe cho nên nó quán ra bên ngoài, nó quán âm thanh bên ngoài, tức là quán pháp.
Tiến trình thực hành quán 4 Niệm Xứ Quán thân thọ tâm pháp, 4 niệm xứ, thì đức Phật không thể nào nói một lượt 4 pháp, nhưng khi tu các con tu 4 cái một lượt cho nên tâm các con sẽ chạy, một lúc thì ở thân, một lúc ở thọ, một lúc ở tâm, một lúc ở pháp.
Bây giờ nhắc “Tâm thanh thản, an lạc, vô sự”, tức trạng thái tâm 4 Niệm Xứ, thì lúc đó yên lặng, không có niệm gì thì nó sẽ thấy hơi thở là thân hành của nó. Nhưng các con không tu hơi thở thì đừng bám vô hơi thở, bằng không thì bị ức chế. Cho nên nó thấy hơi thở thì nó bắt đầu thấy cái thân.
Mới đầu nó thấy thân từng khúc chỗ này chỗ kia, nó chưa thấy toàn thân được bởi sức tỉnh chưa trọn vẹn cho nên nó quán từ trên đầu tới ngang bụng thôi, rồi nó mới quán lần lần tới chân; hoặc là nó quán từ chân thôi rồi mới lên tới đầu.
Nó đi từng bậc như vậy.
Nếu nó đang quán thân mà các con cố gắng giữ cho nó ở trên thân thì bị ức chế, bởi vì đức Phật nói quán thân, rồi quán thọ, quán tâm, quán pháp. Khi nó đang quán thân bỗng dưng nó nghe con dế kêu thì nó hết còn thấy thân mà nó nghe tiếng dế kêu. Nhưng nó không dính mắc trong tiếng con dế đâu. Nó chỉ nghe thôi. Nghe xong thì nó trở lại thân nó. Hoặc nó đang nghe tiếng dế mà thân nó bị nhức chân thì nó liền trở lại quán thân liền, quán thọ liền. Nó biết chân nó nhức. Khi có thọ như vậy thì nó tác ý đuổi thọ đi. Còn nó quán tiếng con dế thì nó không nghĩ con dế này sao không để tâm các con yên.
Nghĩ như vậy thì nó bị dính mắc tiếng đó rồi. Cho nên các con tác ý đuổi đi, không được dính vào pháp trần, giữ gìn cho tâm thanh thản, an lạc, vô sự thì tâm không còn nói chuyện với con dế nữa. Nó vẫn nghe nhưng nó bắt đầu quay lại thân của nó. Tâm khởi lên niệm thì nó thấy niệm đó liền, nó tác ý đuổi thì niệm đó đi.
Bây giờ không có cảm thọ trên thân, không có tâm niệm khởi lên, không có pháp bên ngoài tác động nó thì nó sẽ thấy được hơi thở rồi nó thấy thân của nó lên xuống lên xuống. Một hơi sau thì nó lãng đãng chạy ra bên ngoài, nếu bên ngoài có pháp. Còn nếu nó không chạy đi đâu thì các con được an trú tâm ở thanh thản, an lạc, vô sự. Rồi một hơi sau nó lại chạy theo con mắt thấy cây, cỏ... là nó đang quán cây, cỏ... nhưng nó không dính. Nó không nghĩ cây này tốt, cây kia cao thấp này nọ... hay hôm nay trời trong hay mây nhiều... thì đó là nó đang quán trời, mây. Còn nó thấy cây tốt đẹp, trời mưa nắng... là nó dính mắc, thấy sắc dính sắc. Đó là sai. Không phải nó quán mà nó đang dính mắc. Khi nó khởi phân biệt đối tượng này kia của sắc trần thì ngay đó tác ý liền, chấm dứt không cho nó dính các sắc pháp trần. Đó gọi là quán pháp. Nó luôn luôn bảo vệ đem lại sự thanh thản, an lạc, vô sự... Đó gọi là tu 4 Niệm Xứ.
Đừng gom chặt trong thân, hoặc là cảm giác cái thân, hoặc là nương vào hơi thở để tâm không có niêm khởi. Gom là sai. Càng có niệm thì mới thấy được tâm các con, thấy được tâm có niệm thì dùng pháp tác ý đuổi, rồi pháp tác ý đó tạo thành lực của 7 Giác Chi hay 7 năng lực Giác Chi hay 4 thần túc. Cho nên các con đừng ức chế tâm mà hãy để ý thức các con hoạt động tự nhiên, các con có pháp để đuổi nên các con có sức tỉnh để quán. Lúc thì quán thân, lúc thì quán thọ, lúc thì quán tâm, lúc thì quán pháp khi có các pháp bên ngoài tác động. Nó quán tức là nó nghe biết rõ ràng chứ không phải mờ mịt. Đó mới là tu 4 Niệm Xứ. Nhớ kĩ như thế, chứ không khéo các con dính mắc ở trong các pháp thì sai.
Khi quán thân thấy từ trên đầu tới xuống dưới chân, rồi thấy hơi thở cảm nhận toàn thân. Nếu các con nghĩ nói “À, cái thân các con yên lặng quá, không có gì hết” là bị mất quán 4 Niệm Xứ, bị phóng dật rồi. Sai. Không đúng. Đừng nói gì hết, để cho nó tự nhiên thì đúng.
Khi đi ra ngoài, thấy mọi cái chung quanh, tâm không khởi niệm nào, thấy thoái mái như vậy là đúng cách quán 4 Niệm Xứ. Nhưng khi các con tự biết các con được thoái mái do tâm không khởi niệm thì ngay đó tức khắc các con bị dính thoái mái, vậy là bị phóng dật thoái mái, mất quán 4 Niệm Xứ.
Cho nên đừng khởi niệm. Đang thoái mái biết thoái mái thôi. Cũng như cảm nhận thân biết cảm nhận thôi, đừng khởi niệm các con đang cảm nhận thân thoái mái. Khởi niệm là bị phóng dật. Cảm nhận thì im lặng cảm nhận không khởi niệm, chỉ biết thế thôi. Khéo léo chỗ này thì mới đúng cách quán 4 Niệm Xứ.
Con tu đang đi cảm nhận thân đi là đúng quán 4 Niệm Xứ. Nhưng nếu con khởi niệm biết cảm nhận thân đi hay khởi niệm cảm nhận thân thấy được an trú hay thấy được thanh thản là sai tức khắc. Khởi niệm là không đúng, quán trạng thái đó là đúng. Khởi niệm là tâm đã bị phóng dật trên cái niệm đó, trên trạng thái đó. Còn để cho nó tự nhiên, nó sao thì sao, không khởi niệm thì đúng. Đó là quán 4 Niệm Xứ.
Tu 4 Niệm Xứ mà nhân ra được vậy thì mau chứng đạt lắm.
Nói cách khác:
Tu 4 Niệm Xứ là khi thì nhận ra cái thân, khi thì tai nghe, khi thì mắt thấy... nhưng đừng phân biệt. Hễ phân biệt là bị dính mắc, bị phóng dật trên niệm phân biệt. Ngay cả trên thân cũng đừng phân biệt, thí dụ như “thân này bây giờ yên ổn quá”, “Nó thanh thản quá”. Nó yên ổn biết nó yên ổn, nó thanh thản biết nó thanh thản, đừng nghĩ đang yên ổn, đang thanh thản.
Nghĩ là trật.
Nếu khi đang tu rồi nghe tiếng đồng hồ kêu tíc tắc, con giữ tâm theo dõi tiếng kêu tíc tắc, không rời khỏi tiếng đó. Cái đó không phải con tu 4 Niệm Xứ đâu. Pháp 4 Niệm Xứ nghe tiếng tíc tắc thì một lúc cái tâm sẽ tự rời khỏi tiếng kêu đó, nó sẽ quán qua cái khác. Nó không đứng hoài ở đó đâu. Đứng như vậy là nó bị ức chế, mà nó quán qua cái khác. Nếu các con lôi tâm các con vào tiếng đồng hồ nữa là các con ức chế tâm. Là các con sai. Trong khi nghe tiếng đồng hồ là nó đang quán pháp thì trong tâm các con đừng khởi ý nghĩ các con quán pháp. Là đúng quán 4 Niệm Xứ về pháp. Nếu khởi là sai, là phóng dật. Đã bị nghe âm thanh đó mà lại bị phân tâm đang quán pháp là sai rồi. Ngay cả các con nghĩ các con quán pháp là đã sai. Phân biệt tiếng đồng hồ, cho là nó làm rầy, làm động nhiếp tâm không được thì lại càng phóng dật hơn nữa, sai hơn nữa.
Chữ quán có nghĩa là quan sát. Tự nó quan sát. Các con nhận biết thầm lặng thôi. Nếu khởi lên ý nghĩ tôi đang quán là sai ngay chỗ khởi ý đó.
Bị phóng dật rồi. Thầm lặng biết là đúng cái trạng thái bất động của nó.
Khi các niệm khác làm chướng ngại thân, làm động tâm thì các con tác ý để đuổi chướng ngại đi. Cho nên đã bị động bởi chướng ngại rồi, đã bị phóng dật vì chướng ngại rồi, bị phóng niệm bởi chướng ngại rồi thì phải tác ý đuổi chướng ngại đi. Trong khi có niệm đến mà không tác ý, sợ tác ý bị phóng dật.
Sợ như vậy là sai. Không đúng. Cái niệm làm cho các con phóng dật rồi, bây giờ muốn cho cái phóng dật đó không còn làm các con bị phóng niệm thì phải diệt. Vậy thì các con phải tác ý để diệt cái phóng dật đó, cái chướng ngại pháp đó. Việc làm đó là đúng. Nhưng khi tâm các con đang quán cái đó mà các con khởi niệm các con đang quán. Việc làm đó là sai.
Chẳng hạn khi con ngồi trên xe chạy trong phố, mắt con thấy các bảng hiệu, tâm con khởi đọc liên tiếp bảng hiệu trên các phố tiệm. Nếu nói trên pháp quán pháp thì việc đọc các bảng hiệu như vậy là sai là tại vì nó phân biệt. Cái tâm dễ bị dính lắm. Khi mắt thấy các bảng hiệu thì tâm muốn đọc để nó hiểu các bảng đó nói gì. Đó là bị dính mắc. Bị phóng dật trên các bảng đó. Còn bây giờ thấy mà không cần đọc, thấy biết có các bảng đó thôi, không cần đọc, như vậy mới là quán pháp theo 4 Niệm Xứ. Cho nên đức Phật mới nói “Ta thành Chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”. 4 Niệm Xứ có mục đích để tâm không phóng dật chớ không có gì khác, tức là tâm không buông lung chạy chỗ này, chạy chỗ kia. Phóng dật có nghĩa là buông lung. Không phóng dật là không buông lung. Thấy, nghe... thì chỉ ở trên cái thấy, cái nghe... chứ không buông lung ra thêm cái thấy đó, cái nghe đó... Tức là không phóng dật.
Các con giữ tâm không phóng dật thì các con vẫn thấy, vẫn nghe... như người bình thường nhưng KHÔNG PHÓNG DẬT tức là CHỨNG ĐẠO. Vậy chứng đạo đâu có khó; chứng đạo đâu cần gì phải có thần thông phép tắc.
Nhưng khi tâm không phóng dật thì nó thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì nó phải có 4 thần túc. Các con có luyện thần túc đâu, tại tâm thanh tịnh nó có 4 thần túc như thế. Đó, các con tu 4 Niệm Xứ thì thật tuyệt vời. Ngay chơn lí Diệt Đế là các con đã sống trong đó cho nên tâm không phóng dật rồi.
Lịch sử 4 Niệm Xứ Sáu năm khổ hạnh đức Phật thấy hoàn toàn không có gì lợi ích cho đức Phật hết. Khi đức Phật kiệt quệ không còn đứng dậy nổi, rồi nhờ bát sữa dê của người chăn dê mới tỉnh lại. Hồi tưởng lại kinh nghiệm trạng thái li dục lúc còn nhỏ, khi theo vua cha đi làm lễ khai cày mùa vụ, Phật mới khởi nghĩ ta thử tu li dục li ác pháp có thể chứng đạo chăng, còn tu khổ hạnh như vầy chỉ làm khổ thân xác thôi, không có sự giải thoát hết khổ mà còn làm khổ nhiều hơn. Sau đó đức Phật mới ăn thô thực trở lại, nghĩa là ăn một bữa mà đầy đủ, không ăn ít nữa. Khi cơ thể đã phục hồi sức khoẻ, Phật mới chọn gốc bồ đề, mới ngồi li dục li ác pháp trong 49 ngày thì chứng đạo, không phải những sự tu tập khổ hạnh kia giúp đức Phật chứng đạo đâu.
Không phải đức Phật ngồi dưới cội bồ đề tu hơi thở vô ra để chứng đạo.
Nói vậy không đúng đâu. Các con biết pháp 4 Niệm Xứ là ở chỗ li dục li ác pháp này, khi li thấy rất rõ ràng vì trên thân quán thân thì li đó. Không ai dạy bài kinh này cho đức Phật mà tự Phật suy tìm ra rồi tu.
Trên thân quán thân tức là tự ngồi im lặng thì thấy thân của nó, toàn diện thân. Nhưng khi thấy thân thì nếu trên thân có thọ, khi thấy vậy thì đẩy thọ đó lui. Đẩy lui bằng cách nào? Hồi đó đức Phật đâu biết pháp Như lí Tác ý nhưng Phật muốn cảm thọ đó phải rời khỏi thân nên đức Phật tự nghĩ ra rồi tác ý đuổi cảm thọ. Sau này chúng ta mới được dạy pháp Như lí Tác ý này.
Rồi do thấy được kết quả đuổi cảm thọ đức Phật mới tác ý thêm đuổi từng tâm niệm. Đó là trên thân quán thân, trên thọ quán thọ; dùng cái thân của các con mà thấy được thân thọ do bên ngoài tác động vào thì đức Phật cũng dùng pháp tác ý để tâm không phóng dật, không dính vào các pháp. Cuối cùng đức Phật thấy rõ ràng đây là 4 Niệm Xứ mới dạy cho chúng ta.
Đức Phật từ kinh nghiệm bản thân rút ra bài 4 Niệm Xứ chứ trước kia làm gì có được. Chính đức Phật tu 49 ngày dưới cội bồ đề là tu 4 Niệm Xứ, chứ không có pháp nào nữa hết. Nói 4 Niệm Xứ là nói 4 Niệm Xứ chứ làm gì có Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền ở đây. Li dục để nó nhập vào chơn lí là tâm bất động tâm thanh thản, an lạc, vô sự chứ đâu phải là vô Sơ thiền. Khi tâm đã thanh thản, an lạc, vô sự thì nó định tỉnh nhu nhuyến dễ sử dụng, lúc bấy giờ mới nhập Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Có đúng không?
Trong bài kinh đức Phật nói vậy, tâm định tỉnh nhu nhuyến dễ sử dụng, cho nên mới nhập Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Rõ ràng đâu phải đi theo hơi thở để nhập Sơ thiền mà vì quán thân thì phải thấy hơi thở chứ.
Không tu hơi thở nhưng tâm quán trên thân thì phải thấy hơi thở.
Hồi còn nhỏ đức Phật đi theo vua cha ra đồng ruộng mới thấy con rắn bắt con nhái, con ó rình bắt con rắn và người thợ săn rình bắt con ó. Phật thấy cả một dọc con vật này ăn thịt con kia. Đó là tâm từ của đức Phật thấy con người cũng như các con vật đều xâu xé nhau. Lúc đó đức Phật mới ngồi lại li dục li ác pháp là những cảnh tượng xâu xé đó. Li ra là ngồi mà những hình ảnh xâu xé đó làm tâm đức Phật xót xa nên mới vô tình tác ý bảo tâm xót đau đó li ra. Không dè tác ý như vậy mà Phật cảm thấy tâm hết đau xót, được an tịnh. Nhờ kinh nghiệm đó mà sau khi đức Phật tu khổ hạnh đến độ cơ thể kiệt quệ rồi được phục hồi nhờ một bát sữa dê, Phật mới nhớ lại và suy nghĩ “Phải chăng li dục li ác pháp như vậy có thể được giải thoát”. Phật suy nghĩ thôi chứ chưa chắc đã được, nhưng có kinh nghiệm từ hồi bé tự tìm thấy một cách tình cờ mà được an tịnh, hết nổi đau xót trong tâm. Cho nên sau khi ăn thô thực trở lại, không tu khổ hạnh nữa, không hành hạ xác thân nữa, Phật mới ngồi xuống ở cội bồ đề và phát nguyện “Nếu ta tu pháp li dục li ác pháp này mà không chứng đạo thì ta sẽ chết tại dưới cội bồ đề này”.
Tất cả các pháp tu trong thời đó đức Phật đã tu tới mức cao nhất, tột cùng nhất, kể cả những pháp khổ hạnh Ngài cũng tu đến mức tột cùng không thể có người nào tu hơn, vậy mà Phật không chứng đạo thì còn gì nữa mà hi vọng.
Vậy chỉ còn duy nhất pháp li dục mà Ngài tình cờ kinh nghiệm được từ bé, nếu cũng không chứng đạo thì đâu còn mong gì nữa mà sống. Cho nên đức Phật ở đó tu và xác định được những kinh nghiệm hồi bé xưa giúp được tâm li dục li ác pháp đạt trạng thái thanh thản an lạc vô sự của tâm bất động.
Phải biết đức Phật tu cả 4 oai nghi chứ không phải chỉ ngồi thôi như người ta tưởng tượng sai lầm, bởi tu 4 Niệm Xứ là phải tu cả 4 oai nghi. Trong bài kinh Tiểu không, đức Phật nói rất rõ những oai nghi tu 4 Niệm Xứ. Chúng ta dựa vào đó biết rằng qua kinh nghiệm, đức Phật mới đưa ra pháp này, chứ ngoại đạo làm sao biết pháp đó để dạy cho đức Phật. Đồng thời con biết pháp 4 Niệm Xứ là pháp Ngài nhắc nhở trước khi Ngài tịch. Phật đã khẳng định nó là ngọn đuốc soi đường, là chỗ nương tựa vững chắc, nó là vị thầy của chúng ta. Phật đưa ra giới luật và giáo pháp. Giáo pháp của ta là 4 Niệm Xứ . Phật xác định 4 Niệm Xứ trong giờ cuối của Ngài, không dạy chúng ta tu pháp khác mà chỉ dạy chúng ta tu 4 Niệm Xứ. Sao trong giờ phút cuối đời đó Phật không dạy chúng ta tu Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu... mà lại dạy chúng ta tu 4 Niệm Xứ? Giới luật và 4 Niệm Xứ là hai pháp làm thầy chúng ta, là chỗ nương tựa vững chắc của chúng ta. Như vậy các con phải nhớ khi các con tu 4 Niệm Xứ đúng thì các con sẽ chứng đạo.
Vượt chướng ngại bằng pháp tác ý; Trong bài kinh Tiểu Không, đức Phật đã nói tu 4 Niệm Xứ là tu trong cả 4 oai nghi, vậy nếu chỉ ngồi liên tục sinh đau nhức là chướng ngại pháp thì làm sao. Trên 4 Niệm Xứ đâu cho có chướng ngại pháp được. Trong thời gian tu chứng đạo, để thắng vượt qua 5 ấm ma thì cũng phải dùng pháp tác ý để đuổi.
5 ấm ma là trong thân 5 ấm của chúng ta. 5 uẩn là 5 ấm ma, nó hiện ra những tưởng, những niệm, như niệm xui về tình dục, sắc dục là nữ sắc. Tượng trưng cho nữ sắc mới khởi ra những con gái ma vương tới quyến rũ Phật.
Tượng trưng cho những cảm thọ đau đớn trong thân thì nó hiện ra những ma vương đâm chém Phật... Những cái đó đều làm cho các con đau khổ cho nên đều dùng pháp tác ý đuổi đi. Đức Phật đuổi ma đi hết, cuối cùng bất động và chứng đạo. Đuổi tất cả những ấm ma bằng pháp tác ý. Trên đường đi cuối cùng khi sắp nhập Niết Bàn đức Phật bị đau đớn kịch liệt thì ngay đó Phật tỉnh thức dùng pháp tác ý đuổi bịnh, không còn đau nữa.
Chỉ dùng pháp tác ý để đuổi bịnh thôi, không dùng pháp khác. Cho nên người nào tu đã bị tưởng rồi nếu vượt qua được tưởng thì người đó chứng đạo.
Thí dụ con bị hành tưởng, nó bắt cái đầu con lúc lắc, hay bắt răng con nghiến, nó làm cho thân con động đậy, hay con bị sắc tưởng thấy hình ảnh Phật tiên đủ loại hết, còn nghe trong tai lải nhải này kia, nghe dạy pháp nữa thì đó là thanh tưởng... Tất cả những điều đó thuộc về 5 ấm ma hết. Vượt qua hết được thì chứng đạo.
Đầu tiên thì các con vượt qua dục của ý thức, sau đó vượt qua dục của tưởng thức. Tất cả đều dùng pháp tác ý mà đuổi. Không thể tác ý kiểu chung chung được mà phải đúng tên, đúng tướng trạng của nó. Như trong thân bị nhức đầu mà con bảo cái chân không nhức nữa thì đầu không hết đau được hay con tác ý kiểu chung chung bảo “Bịnh trong thân này hãy đi đi!” thì không hết bịnh đâu. Cái đầu đau thì bảo cái đầu đừng đau, chân đau thì bảo chân đừng đau, nó mới hết. Tác ý phải thẳng ngay như vậy. Bất kỳ niệm nào khởi lên cũng phải hiểu nội dung của nó mới tác ý chứ tác ý trật, nó không đi, nó cứ trở lui trở tới hoài, không chịu ra đâu. Cái niệm đó ý muốn cái gì, phải rõ rồi tác ý ngay nó, nó sẽ đi. Bởi đó là Trạch pháp giác chi; trạch là phải chọn cho đúng tên đúng tướng trạng của nó thì nó sẽ đi.
Khi ác pháp huân vô bằng ý thì đuổi nó cũng bằng ý. Kinh nói “Ý chủ, ý tạo tác. Ý dẫn đầu các pháp”. Ý dẫn vào pháp thiện thì sẽ bình an, còn ý dẫn vào ác pháp thì đem đến khổ đau cho các con. Ác pháp vô bằng ý thì cũng bằng ý đó mà đuổi ra, chứ không phải dùng pháp khác. Giữ giới luật thì nó chuyển được pháp ác ra pháp thiện, còn pháp như lí là pháp trực tiếp đẩy ác pháp ra. Hai pháp có hai tác dụng rõ ràng, cho nên người tu, thứ nhất là phải giữ giới, vì giới là thiện pháp nó mới chuyển ác pháp trong kho tàng nghiệp và muốn đẩy các ác pháp đó cho nhanh chóng hơn thì phải dùng pháp tác ý. Vì vậy trước khi chết đức Phật mới di chúc cho chúng ta “Lấy giới luật và giáo pháp ta mà làm thầy, làm chỗ nương tựa vững chắc”. Giới luật là thiện pháp thì đã biết rồi để nó chuyển ác pháp, đẩy ác pháp ra; còn giáo pháp của Phật là pháp tác ý, nó quán trên thân nó thì phải theo tác ý mà đẩy, cho nên nó trực tiếp đẩy ác pháp ra.
4 Niệm Xứ, giải thích cách khác Nhưng để khỏi lầm lạc qua Chánh Niệm Tỉnh Giác thì tỉnh giác là ở trên thân hành của nó, hơi thở hoặc bước đi, hoặc tay chân của các con đưa ra đưa vô, đó là tỉnh giác. Định Niệm Hơi Thở thì trụ trên đề mục của nó, còn 4 Niệm Xứ thì không trụ, nó cùng lúc ở trên 4 chỗ chứ không trụ trên chỗ nào hết. Cái tâm các con ở đâu thì biết ở đó mà khởi ý biết ở đó thì sai pháp 4 Niệm Xứ.
Trong một bài kinh có ví dụ tâm như con dế tìm chạy ra 6 cửa, chỉ quan sát nó chạy hướng nào thì cứ để vậy, không cản trở gì hết, chỉ biết thế thôi, nó ló đầu ra cửa nào thì biết thế thôi. Thí dụ nó ló qua tai thì tôi nghe, qua mắt thì tôi thấy, qua ý thì tôi khởi niệm nhưng tôi không dính mắc trong ý đó. Thí dụ như bây giờ tôi đang thanh thản, nó ló qua cái ý của tôi nhưng tôi đừng khởi niệm là tôi đang thanh thản; hễ tôi khởi niệm tôi đang thanh thản là tôi bị dính mắc, bị phóng dật. Ý ló ra đâu thì biết nó ló ra chỗ đó nhưng không khởi niệm, không cần nói nó ló ra chỗ nào hết, chỉ biết ý đang ở đâu thôi.
Cũng như không bắt con dế chạy ra cửa nào, chỉ thấy biết con dế đang chạy loanh quanh trong 6 lỗ cửa của nó thôi.
Câu chuyện con dế này ở trong Thanh Tịnh Đạo trình bày như vậy là đúng, không sai. Nhưng người ta không nói rõ câu chuyện đó là pháp hành tu 4 Niệm Xứ. Câu chuyện thì rất hay nhưng người ta không biết hành động tu là thế nào. Cho nên người ta tu 4 Niệm Xứ chỉ tu toàn một cái nào đó thôi. Hoặc là họ tu thân niệm xứ thì chỉ tu một cái đó thôi, hay tu thọ niệm xứ thì chỉ tu một cái đó thôi, hay tu tâm niệm xứ thì cũng chỉ tu một cái đó. Nhưng đạo Phật đã dạy chúng ta tu 4 Niệm Xứ; pháp 4 Niệm Xứ thì phải 4 chỗ chứ sao lại cắt ngang từng chỗ. Cho nên Thầy dạy các con quán thân là trên đó có đủ 4 chỗ hết. Như vậy mới đúng là 4 Niệm Xứ.
Bài kinh hồi nãy nói con dế chạy ra 6 cửa nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý là mới nói ý chạy ra pháp thôi, là 6 căn là 6 lỗ . Nói quán pháp là nói 6 cái lỗ đó.
Ở trên 4 Niệm Xứ, 6 căn này chỉ mới một chỗ pháp, nó còn phải quán thân thọ tâm nó nữa; nhưng pháp rộng đến 6 chỗ. Nó ló ra mắt thành thấy, nó ló ra tai thành nghe,... nhưng đó chỉ mới quán pháp, chứ nó chưa quán thân, thọ, tâm.
Mặc dù mắt tai mũi lưỡi thân ý là pháp nhưng chúng ta quán thân cũng là một pháp, tâm cũng là một pháp. Cái ý là tâm đó. Nó quán niệm khi nó thấy có niệm, còn không niệm thì nó thấy tâm thanh thản an lạc vô sự của nó. Ý ló đâu thì ló, các con đừng khởi niệm thì tâm thanh thản. Cho nên nó ở trên thân thọ tâm, mà thân có cảm thọ, khi nó quán thân cảm thọ thì nó chỉ quán cảm thọ thôi là quán thọ. Thân có ba trạng thái thọ: lạc, khổ, bất lạc bất khổ.
Quán thọ là quán 3 trạng thái này.
Thanh thản thuộc về tâm, còn an lạc thuộc về thân. Sự an lạc trong 4 Niệm Xứ có trạng thái riêng của nó. An lạc không nằm ở chỗ nào trong 3 thọ thuộc thân: lạc, khổ, bất lạc bất khổ. Lạc mà làm cho các con thích thú thì bị dục, nằm trong 3 thọ dục của thân. Còn lạc 4 Niệm Xứ không có thích thú.
Cho nên bữa nào tu con thấy lạc mà thích tu thì coi chừng thọ dục, còn an lạc làm cho các con có trạng thái an ổn thấy thoái mái dễ chịu mà không làm cho các con thấy có dục thì đó mới là trạng thái lạc của 4 Niệm Xứ. Lạc mà làm cho các con thích muốn tu thêm thì đó là lạc của thọ lạc của thân; thọ khổ là đau nhức; còn bất lạc bất khổ là không lạc không khổ.
Khi các con tu 4 Niệm Xứ thì có lạc rồi, làm sao có không lạc không khổ ở đây được. Khi các con ngồi bình thường không tu mà cảm thấy bình thường không khổ không vui thì đó là thọ bất lạc bất khổ. Còn khi ôm 4 Niệm Xứ mà tu quán được rồi thì nó đâu còn nằm yên ở chỗ này. Lúc đầu thấy bình thường không thọ lạc thọ khổ. Nó còn nằm trong thọ mà không thọ lạc thọ khổ. Cho nên đương nhiên con quán thân thì cũng thấy cái thọ, thấy bình thường không đau nhức gì hết tức là thọ không lạc không khổ đây. Không chấp nhận nó đâu.
Nhưng khi 4 Niệm Xứ sung mãn rồi thì có trạng thái an lạc của 4 Niệm Xứ.
Thanh thản là tâm thanh thản; các con ngồi tu mà thân không bị tê bị nhức là an lạc. Hai từ này chỉ trạng thái về tâm hay trạng thái về thân rất rõ.
Còn vô sự thì cả tâm vô sự mà thân cũng vô sự. Vô sự là chỉ cho thân và tâm không làm việc gì hết. Cho nên con còn nghĩ quán này quán kia là sai. Vì thế vô sự xác định rất rõ thân và tâm không làm một cái gì.
Trạng thái thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ thuộc về thân mà cũng thuộc về tâm nữa, có khi tâm không thanh thản. Bây giờ đang ở trên an lạc thì nó thuộc về thân; còn nói về sự thanh thản thì nói về tâm, tâm không thanh thản thì nó có niệm. Tâm buồn phiền bực bội gì đó, hay giận hờn tức tối là nó không thanh thản thì đó là thọ của tâm, không phải thọ của thân. Trong an lạc bình thường của con người thì đó là thọ bất lạc bất khổ. Đó là nói người bình thường, còn người tu thì khác. Người tu có niềm vui trong pháp tu thì nó mới đúng cái pháp. Như bây giờ con biết tâm con đang ở trong thọ bất lạc bất khổ của tâm bình thường đây. Các con biết rất rõ cái thọ là của nó đây, nhưng cái nầy các con không chấp nhận bởi các con cần tu tới cho nó có cái pháp chứ không phải vầy. Cho nên thọ bất lạc bất khổ là nói cho người bình thưòng chứ không phải nói cho người tu vì người tu phải sung mãn 4 Niệm Xứ thì phải có an lạc của pháp, có cái hỉ của nó.
Khi các con nói người li dục li ác pháp thì người này phải có cái hỷ li dục li ác pháp của nó. Anh chưa li hết thì anh còn cái tâm bất thọ lạc bất thọ khổ, là chỗ bình thường. Còn chỗ bình thường của người tu thì đâu phải ở chỗ bình thường của anh được. Đó mới gọi là tu 4 Niệm Xứ. Người bình thường khi chưa có được sự an lạc của 4 Niệm Xứ, khi không có thọ khổ hay thọ lạc, nghĩa là không bị đau nhức hay thích thú gì thì đó là thọ bất lạc bất khổ.
Nói người tu là chỉ cho người đã đạt trạng thái sung mãn 4 Niệm Xứ hay ít ra phải đạt được sự li dục li ác pháp. Nếu chưa sung mãn 4 Niệm Xứ hay chưa li dục li ác pháp thì người này chỉ là người bình thường. Người đang tu, đang ở trong sự bất động thì phải khác, nó phải có sự gì khác lạ với người bình thường. Đức Phật nói “không chấp nhận ba cảm thọ này” đó là những cảm thọ thuộc phàm phu. Người tu là người thoát ra khỏi phàm phu mà còn chấp nhận những cảm thọ thuộc phàm phu sao? Các con tu thì thọ khổ không sợ, thọ lạc không ham, xả cả ba cảm thọ phàm phu thì thọ bất lạc bất khổ của người tu phải khác chứ. Anh không tu thì anh ở trong trạng thái thọ của người bình thường thôi chứ đâu có gì khác. Người tu, đầu tiên thì có thọ bất lạc bất khổ nhưng sau đó thì nó thay đổi, không còn nằm chỗ đó nữa đâu.
Như vậy biết cách tu đúng thì hằng ngày ngồi mà giải thoát, không có pháp nào tác động các con được.