Hiểu Biết Thêm Chung. Kì 40 (158-163).
158. Tâm Thanh Tịnh
Hỏi: Kính thưa Thầy, hôm trước Thầy dạy: trạng thái tâm “định tỉnh, thuần tịnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, không phiền não, không cấu uế, vững chắc và bình thản là trạng thái của Tứ Thiền”. Trạng thái này con thấy một phần chỉ về Định niệm hơi thở và Định chánh niệm tỉnh giác (tâm định tỉnh) còn phần lớn là nặng về phần đức hạnh, tức là Định vô lậu, có phải vậy không thưa Thầy? Nếu như vậy là ngay từ bây giờ chúng con phải luyện rèn đức hạnh – vô lậu cho nhuần nhuyễn theo hơi thở chứ không phải tu hơi thở tới Tứ Thiền mới có trạng thái này? Phải không thưa Thầy?
Đáp: Đến bây giờ con mới hiểu được ý này là phải chịu mất bốn năm trời, nếu không hiểu được ý này, chắc chắn con còn phải mất thời gian nhiều hơn nữa, mà còn lạc vào thiền của ngoại đạo. Đã không giải thoát mà còn có thể đưa đến “khẩu đầu thiền” tức là thiền tưởng, như Diệu Thiện.
Người tu thiền tâm đạt được định tỉnh, thuần tịnh, nhu nhuyễn dễ sử dụng, không phiền não, không cấu uế, vững chắc và bình thản, thì người ấy luôn sống trầm lặng, ít nói và không nói cho ai biết mình tu tập như thế nào. Tâm người ấy thường quay vào trong nên không tham dự chuyện thiên hạ bên ngoài, nên thường sống một mình, nhưng lại hòa hợp với mọi người, ai làm sao cũng được, biết tùy thuận và bằng lòng. Đó là tâm không phóng dật.
Bốn Thánh Định đều do Định vô lậu mà nhập được, ngoài Định vô lậu không có định nào nhập được. Định niệm hơi thở và Định chánh niệm tỉnh giác chỉ là tu tập tỉnh thức để tâm thường ở trong chánh niệm để ngăn chặn và diệt tà niệm và ác pháp, tức là ly dục ly ác pháp. Câu hỏi một, đến nay con mới hiểu đúng, từ lâu hiểu sai tu tập sai thành mất thì giờ rất nhiều.
159. Đã Học Giới Luật Mà Còn Phạm
Hỏi: Kính thưa Thầy! Con nghe nói người học giới luật mà còn phạm là có tội? Còn người đã được về đây tu học với Thầy, gặp được minh sư và chánh pháp mà còn ra đi; có người tiếp tục tu pháp Giới, Định, Tuệ, có người kèm theo vô vi, có người kèm thêm Yoga. Vậy họ có tội gì không? Và nhân ấy dẫn họ đến quả báo gì trong hiện tại và tương lai? Con kính mong Thầy từ bi giảng giải cho chúng con được rõ.
Đáp: Người học giới luật mà phạm giới luật, hiện tại họ là trùng trong lông sư tử sẽ diệt Phật giáo chết. Tuy họ cố gắng che đậy, nhưng cuối cùng họ cũng để lộ tẩy làm cho người khác rõ và không còn tin tưởng. Phạm giới luật tùy theo tội chủng của giới luật, người này phải đọa vào cảnh khổ, nhiều kiếp phải làm thân chúng sanh.
Tu theo Giới, Định, Tuệ của Phật mà còn kèm theo các pháp môn của ngoại đạo thì:
1- Sự tu hành của họ sẽ chẳng tới đâu, họ đã làm mất chủng tử giải thoát, dù tu ngàn kiếp cũng thành ma thiền.
2- Tu Giới, Định, Tuệ của Phật mà còn kèm theo pháp môn của ngoại đạo là tu hành không chân chính, khiến Phật giáo mang tiếng xấu. Người tu như vậy là phỉ báng Phật pháp, làm cho người khác mất niềm tin, tội ấy sẽ đọa địa ngục (luôn sanh trong cảnh đói khổ). Muôn kiếp khó làm người thiện (mất chánh pháp).
3- Tu như vậy, trong hiện kiếp đều gặt lấy quả bất trí, người khác khinh chê.
4- Tu như vậy, tu mãi không kết quả khiến cho người khác thấy rõ khinh chê trong hiện tại, và kiếp sau sanh làm người u tối, mê muội.
5- Tu như vậy, con người ương ương gàn gàn, sống bất an và hoàn cảnh bất an trong hiện tại và muôn kiếp.
160. Ăn Của Đàn Na Tín Thí Mà Không Tu
Hỏi: Kính thưa Thầy, con nghe nói trong đời tu mà cứ thọ nhận ngày càng nhiều của thầy Tổ, của đàn na thí chủ, mà không tu được, kiếp sau làm thân trâu, ngựa trả nợ. Vì vậy, trong quá trình tu tập, hễ tâm bất an là nó hay luận theo như vậy rồi bỏ cuộc, về tự làm tự tu, rồi kết quả sự tu sẽ đi đến đâu? Làm sao thắng được tư tưởng này? Con kính xin Thầy từ bi chỉ dạy.
Đáp: Câu nói “ăn của đàn na thí chủ mà tu không giải thoát thì phải mắc nợ người. Sau này phải làm thân trâu, ngựa hoặc tôi tớ, lính gác, v.v... để trả nợ” nhằm mục đích khiến cho chúng ta sợ mà ráng tu hành, chứ không phải có thật như vậy.
Nếu chúng ta không gieo nhân cúng dường cho những bậc tu hành, thì ngày nay làm gì chúng ta có người cúng dường ăn để sống tu hành. Nhân thì phải có quả. Thấy quả biết được nhân. Quả của chúng ta đang được ăn ngồi không tu hành, thì biết nhân đời trước chúng ta đã có cúng dường cho người tu. Chúng ta tu có kết quả hay không kết quả là do chúng ta có duyên với chánh pháp hay không, chứ không phải ở chỗ thọ của đàn na thí chủ hay thầy Tổ. Hai nhân quả này khác nhau.
Đứng trên góc độ nhân quả mà nói, ngày nay ta ngồi không, thọ dụng của đàn na thí chủ và thầy Tổ để tu hành, thì trước kia ta đã từng cúng dường thầy Tổ và các bậc tu hành. Cũng trên góc độ nhân quả ta tu chứng hay không tu chứng, là do duyên tiền kiếp có gieo với chánh pháp hay tà pháp mà thôi.
Trong lịch sử tu hành của Phật và các vị tỳ-kheo thánh tăng không có ai tự làm, tự tu mà có kết quả giải thoát được, chỉ là một thứ đạo yểm ly cuộc sống. Tự làm, tự tu kết quả sẽ chẳng đi đến đâu. Muốn thắng tư tưởng này cần phải hiểu rõ nhân quả.
Đạo Phật là đạo xả tâm, vì xả tâm nên đời sống chỉ còn có ba y một bát, sống đời thiểu dục tri túc, đi xin cơm ăn từng ngày để tạo duyên dạy người tu học sau này. Cho nên Đức Phật dạy: “Hóa độ hữu duyên”, có nghĩa là tạo duyên mới để dạy người tu tập như các con đang tu tập vậy. Như bây giờ các con đang xin cơm đàn na thí chủ ăn để tu tập, đó là đang gieo duyên với đàn na thí chủ, chứ không phải nợ đàn na thí chủ.
Bây giờ con đã hiểu như thế nào là: “thọ nhận ngày càng nhiều của thầy Tổ, của đàn na thí chủ mà không tu được, kiếp sau làm thân trâu, ngựa trả nợ”, không phải vậy con ạ!
Nỗ lực tu tập hằng ngày để ly dục ly ác pháp là một việc làm đầy đủ những công đức vô lượng vô biên thì làm sao nợ đàn na thí chủ được. Công đức hằng ngày các con tu tập để xả tâm tham, sân, si là công đức không thể lấy vật gì so sánh được. Và như vậy làm sao mang nợ đàn na thí chủ. Phải không các con?
161. Thân Kiến Là Gì?
Hỏi: Kính thưa Thầy, thân kiến là gì? Có phải là những kiến chấp về thân, coi trọng cái thân không? Có phải nó làm cho mình giảm nghị lực để chiến thắng mọi khó khăn, mọi hoàn cảnh về thời tiết bệnh hoạn? Rồi nó luận tu pháp này (Vô Vi, Yoga) dễ hơn, khỏe hơn để mình xa dần pháp môn chân chánh của đạo Phật? Nếu con muốn phá được thân kiến phải tu tập những gì để có sức tự chủ? Con cúi xin Thầy giúp con thoát khỏi hoặc ngăn ngừa những sai lầm!
Đáp: Con hiểu về thân kiến rất đúng. Trên đời, người ta khổ vì chấp thân là của ta, gặp hoàn cảnh khó khăn, gặp việc khó khăn, gặp khí hậu thời tiết, bệnh tật khó khăn là ta đi tìm cách tránh né cho khỏe thân hơn, tức là chấp ngã.
Tu hành là phải xả tâm, diệt ngã, ly dục ly ác pháp quá khó khăn, khiến cho thân tâm phải mệt nhọc từng phút, từng giây, để chiến đấu làm chủ đời sống của mình. Vì tu hành quá vất vả, nhiều người nản chí và thối tâm chạy theo tu các pháp môn Tịnh Độ, Mật Tông, Thiền Tông, Vô Vi, Yoga v.v... Đó là do bệnh chấp ngã, xem ngã trọng, sợ ngã mệt nhọc, để tu các pháp khác an ổn, hỷ lạc hơn, ngồi thiền nhiều khỏe hơn.
Tất cả những lý luận này là lý luận chấp ngã, nuôi ngã, dưỡng ngã. Người chấp ngã, nuôi ngã là đi ngược lại đường lối tu tập của đạo Phật, thì dù có tu muôn kiếp cũng khó giải thoát được. Tu như vậy thì tu để làm gì, tốt hơn sống ngoài đời có đạo đức nhân bản - nhân quả còn khỏe hơn là chạy đi tìm dục lạc trong thiền định. Nếu nói để trị bệnh, thì làm sao thiền định trị bệnh được. Bệnh gốc do nhân quả, muốn trị thì phải trị bằng nhân quả, sao lại trị bệnh bằng thiền tưởng? Thiền tưởng chỉ làm cho chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái và phục hồi những rối loạn chức năng của cơ thể, chứ không thể chữa hết nghiệp nhân quả bệnh khổ.
Muốn phá được thân kiến thì chỉ có các pháp thiền định của đạo Phật:
1- Định Niệm Hơi Thở.
2- Định Chánh Niệm Tỉnh Giác.
3- Định Vô Lậu.
4- Định Sáng Suốt.
Hàng ngày phải chuyên cần tu tập pháp hướng tâm, “tâm như cục đất lìa tham, sân, si hết” thì thân kiến mới dứt.
162. Đi Dép Da, Mặc Áo Lông Thú
Hỏi: Kính thưa Thầy, tu sĩ đi dép da hoặc mặc áo lông thú và áo da thú nữa. Có phật tử hỏi: “Sao thầy lại mặc áo da thú? Thầy không thương chúng sanh à!” Vị tu sĩ ấy trả lời: “Cái áo da này là cái áo da đã thuộc rồi, còn đâu linh hồn con thú nữa mà phải thương xót, áo này là áo “xịn” của tôi khoảng sáu “vé” đấy, đây là áo ngoại nhập”! Xin Thầy chỉ dạy.
Đáp: Giới luật Phật đã cấm không cho các vị tỳ-kheo mang giầy dép hoặc mặc áo quần bằng da thú vật. Vị sư này không học giới luật, nên phạm giới mà không biết, lại có ý còn khoe mình ăn mặc đồ đẹp tốt.
Một chùm trái cây có kiến mà Đức Phật còn không ăn, sợ làm động chúng sanh đau khổ, huống là mang dép da, mặc áo lông thú thì còn ý nghĩa gì là đạo từ bi nữa. Bởi vậy thời đại chúng ta, những ma vương, quỷ quái mang hình lốt Phật, ăn nói càn bướng, xem thường người phật tử (tín đồ) không biết giáo pháp và giới luật là gì, nên lý luận che đậy những hành động ác pháp. Mang dép da dưới chân là không thương xót loài chúng sanh đã bị kẻ ác đức lột da làm giầy dép. Nếu giả sử vị tu sĩ ấy bị kẻ khác lột da đem thuộc, làm giầy làm dép thì vị tu sĩ có đau khổ không? Nhìn thấy da chúng sanh làm giầy dép, áo mặc, người tu sĩ Phật giáo phải đau lòng xót dạ như chính mảnh da của mình đang bị làm giầy, dép, áo vậy.
Thực hiện lòng thương yêu của chúng ta đối với chúng sanh để làm gì? Thực hiện lòng thương yêu chúng sanh là để đối trị lòng tham, sân, si và các ác pháp, để cứu mình ra biển khổ của cuộc đời. Mục đích là như vậy, nên đời sống người tu sĩ phải thực hiện lòng từ bi, để không làm khổ mình, khổ chúng sanh, biến cảnh thế gian thành Niết Bàn. Có đâu như loài quỷ dữ, đi dép da, mặc áo da thú, ăn thịt chúng sanh như cọp, beo, ác thú. Thì thử hỏi còn gì là Phật pháp?
Xưa, Đức Phật thấy đống xương người còn nhớ công ơn cha mẹ mình nhiều đời nhiều kiếp. Còn bây giờ chúng ta thấy da chúng sanh làm dép, làm áo mà không nghĩ đến sự đau khổ của chúng sanh, trước khi chết đã bị người lột da xẻ thịt thì thử hỏi cái đau khổ nào hơn là cái đau này? Vậy mà trả lời: “Còn đâu linh hồn con thú nữa mà phải thương xót” thì đúng là tà sư ngoại đạo, chẳng có lòng thương xót. Chính những tu sĩ này đã giết Phật giáo. Nếu tín đồ Phật giáo muốn duy trì và bảo vệ Phật giáo thì phải tránh xa những tà sư ngoại đạo này. Họ là ma vương, quỷ dữ trong nhà Phật, sẽ lừa đảo quý phật tử bằng cách buôn Phật bán pháp đấy.
163. Mừng Sinh Nhật Thầy Trụ Trì
Hỏi: Kính thưa Thầy, có Thầy trụ trì của một ngôi chùa nọ, vị ấy cao tuổi nhất, năm nào cũng làm sinh nhật thật to, 100 mâm cỗ hoặc 200 mâm cỗ. Làm như vậy có đúng không thưa Thầy? Có những chùa khác lại bày ra giỗ Tổ, lạy Tổ và còn bày ra cách lễ bái khác, nói là: Phật tử cứ tụng kinh niệm Phật mãi họ cũng chán nên phải thay đổi các nghi thức lễ để phật tử đỡ chán, thưa Thầy có đúng không?
Đáp: Đạo Phật chủ trương đi xin ăn (khất thực) để xả bỏ tất cả mọi thứ danh, lợi, sắc đẹp, ăn và ngủ và còn xả tất cả mọi thứ phong tục tập quán. Đọc suốt một tạng kinh Nikaya chưa từng có bài kinh nào nói về làm lễ sinh nhật Phật và kỵ giỗ mẹ Phật, ta cũng chưa từng nghe Phật dạy cúng bái, tế lễ bao giờ. Người khất sĩ đi xin ăn, ngày nào ăn trọn ngày nấy, không có để dành tích trữ một vật gì cả, thì lấy gì làm sinh nhật 100 mâm cỗ? Thời mạt pháp, những tu sĩ mạo danh đệ tử Phật để lừa đảo tín đồ, giống như hàng vua chúa phong kiến sinh nhật làm 100, 200 mâm cỗ thật là phí của đàn na thí chủ.
Tu hành theo Phật giáo mà làm như cuộc sống thế gian, ăn mãi thành chán phải thay đổi thức ăn; niệm Phật, tụng kinh mãi chán, phải thay đổi cách thức nghi lễ để đỡ chán. Thật là những lý luận phàm phu tục tử, Phật pháp mà như vậy thì còn thể thống gì. Đối với những tu sĩ trùng trong lông sư tử này, phật tử hãy đề cao cảnh giác, đừng tiếp tay với ma vương mà phá Phật pháp. Đừng nối giáo cho giặc vào cướp nước ta.
Phật pháp thịnh hay suy là do tín đồ, càng nuôi dưỡng (cúng dường) tà sư ngoại đạo thì Phật pháp sẽ bị chúng diệt mất. Không cúng dường cho chúng để chúng không sống được thì Phật pháp mới hưng thịnh, bậc chân tu mới xuất hiện. Tín đồ Phật giáo hãy cảnh giác và cảnh giác hơn nữa thì mới mong cứu lấy đạo Phật.