Hiểu Biết Thêm Chung. Kì 10 (40-42)
40. KHỈ VƯỢN CÓ PHẢI LÀ
THỦY TỔ CỦA LOÀI NGƯỜI KHÔNG?
Hỏi: Kính thưa Thầy, từ trước tới nay khoa học đều khẳng định rằng con người là do khỉ vượn sinh ra tức là thủy tổ của loài người, đó là thuyết tiến hóa. Vậy đạo Phật Nguyên Thủy và theo trí vô hạn của Thầy thì nguồn gốc loài người và rộng hơn là nguồn gốc vũ trụ là thế nào?
Đáp: Con khỉ không phải là thủy tổ của loài người như các nhà khoa học đã khẳng định, con khỉ chỉ là con khỉ, một loài động vật như các loài động vật khác. Theo đạo Phật con khỉ chỉ là một loài động vật cao cấp gần giống như con người. Nếu lấy con người làm tiêu chuẩn thì con khỉ chỉ là con khỉ mà thôi chứ không thể tiến hoá làm con người được, chỉ có nghiệp lực của con khỉ, khi con khỉ chết nó sẽ tiếp tục luân hồi tái sanh làm người.
Từ con người “Cổ Sơ” sống đơn giản, dựa vào thiên nhiên. Mức sống của thiên nhiên thì có hạn, còn con người sanh sản thì vô hạn nên con người buộc phải tiến hoá dần để bảo vệ sự sống còn của mình và duy trì cho đến ngày nay. Do đó con người trở thành văn minh phát triển theo chiều hướng khoa học hiện đại hóa để sản xuất ra vật chất phục vụ cho đời sống con người như hiện nay.
Loài khỉ sống thanh tịnh trong sạch hơn các loài động vật khác, nhờ hành động sống tự nhiên theo nghiệp nhân quả thiện tạo thành nghiệp lực thiện. Khi con khỉ chết, nghiệp lực thiện chiêu cảm môi trường thiện luân hồi tái sanh thành con người. Đừng hiểu rằng con người chết là sẽ tiếp tục sanh làm con người nữa, hiểu như vậy là không đúng luật nhân quả. Đức Phật dạy: “được thân người là khó, khó như con rùa mù tìm bọng cây giữa biển khơi.” Chỗ này có dịp Thầy sẽ giảng dạy để hiểu biết rõ ràng hơn.
Trí hữu hạn của con người không cho phép các nhà khoa học hiểu hơn, cho nên các ngài dùng sự so sánh những hành động và sự cơ cấu cơ thể của loài khỉ vượn giống như những hành động và cơ cấu của cơ thể của loài người cổ xưa “tiền sử” mà cho rằng thủy tổ của loài người là khỉ vượn. Đó là cái hiểu sai của các nhà khoa học.
Muốn gây tạo giống con người thì phải có môi trường thích hợp với con người. Chính các duyên của con người, chứ chưa có các duyên của con người thì không thể nào gây tạo giống con người được, cho nên thuyết tiến hóa từ con vật thành con người thì mơ hồ, trừu tượng không chính xác. Bởi phần sắc uẩn của con người đầy đủ hơn loài động vật, nhất là sự cấu tạo bộ óc của con người về tế bào não, phần sử dụng về tinh thần tưởng uẩn và thức uẩn thì loài khỉ vượn không thể có được.
Vả lại cái sai của các nhà khoa học nữa, đó là trí tuệ của loài khỉ vượn và trí tuệ của những người tiền sử đều sống dựa trên thiên nhiên. Loài khỉ vượn trí tuệ không sáng tạo và phát minh những cái gọi là văn minh và sáng tạo của loài khỉ vượn được. Cho nên khỉ vượn ngàn đời chỉ là khỉ vượn, còn người tiền sử đời sống cũng giống như loài khỉ vượn nhưng lại biết phát minh và sáng tạo nên để lại cho chúng ta sau này một kho tàng văn minh vĩ đại từ ngôn ngữ, toán học, y học, sử học, đạo đức học, đến khoa học v.v... Chúng ta chỉ là những người thừa kế và dựa theo cơ sở đó mà phát triển khoa học hiện đại, nếu không có văn minh của người tiền sử để lại liệu chúng ta có thể có một nền văn minh khoa học hiện đại và kỹ nghệ hóa như ngày hôm nay chăng?
Cho nên loài khỉ vượn không có trí tuệ thông minh như con người, nó thường sống theo bản năng tự nhiên, thường bắt chước loài người hơn là sáng tạo phát minh như con người. Thủy tổ của loài người rất thông minh, khi con người có mặt trên hành tinh này, nếu loài người không có sự thông minh thì nó đã bị diệt chủng ngay từ lúc ban đầu. Tại sao vậy?
Vì cấu trúc cơ cấu cơ thể của loài người tuy có giống như loài khỉ vượn nhưng hoàn toàn không giống hẳn, có những chỗ còn sai khác. Vì thế con người không thể dùng sức mạnh để bảo vệ sự sống như loài mãnh thú, cũng không thể trốn chạy chuyền nhảy nhanh nhẹ như loài khỉ vượn hươu nai được.
Loài người bảo vệ sự sống bằng trí tuệ thông minh của mình nên thường phát minh và sáng tạo đều do bộ óc. Đó là điều cần thiết của loài người mà các loài động vật khác không thể có được. Cho nên loài khỉ vượn là thủy tổ của loài người là mơ hồ trừu tượng. Chỉ có qua sự so sánh những bộ xương của người tiền sử và những bộ xương của loài khỉ vượn giống nhau rồi các nhà khoa học quá vội vàng tuyên bố, e rằng sự tuyên bố này sẽ làm mất uy tín của khoa học, một vài sự chứng minh khoa học đó chưa đủ để xác chứng thuỷ tổ của loài người là khỉ vượn.
Luật nhân quả đã xác định mọi tiêu chuẩn của mọi loài chúng sanh, nếu chúng sanh sống và tạo những tiêu chuẩn đó thì sẽ sanh làm loài vật đó chứ không phải tiêu chuẩn đó mà làm loài vật khác được. Có nghĩa là loài động vật đó sống thiện ở cấp độ thiện đó sẽ sanh làm loài chúng sanh đó, còn ngược lại sống ác ở cấp độ ác đó thì sẽ sanh làm loại chúng sanh đó. Luật nhân quả rất công bằng và công lý nên tiêu chuẩn thiện ác của nó rõ ràng, không thể sai khác được. Với trí tuệ vô hạn của Đức Phật, Ngài đã thấu suốt luật nhân quả, do đó Ngài dạy cho chúng ta cách thức sống năm tiêu chuẩn thiện để còn tiếp tục làm thân người thiện, và chỉ có thân người thiện mới đủ trí tuệ thông minh rèn luyện tu tập chấm dứt khổ đau và luân hồi.
Các pháp vô thường luôn luôn theo sát những hành động nhân quả của muôn loài. Vì thế các pháp liên tục thay đổi tạo thành một nghiệp lực, nghiệp lực đó tiếp tục tiến hóa tái sanh làm loài vật cao cấp như loài Trời, Người. Nếu nghiệp lực đó thoái hóa thì phải tái sanh làm loài động vật hạ cấp. Đó là một đạo luật công bằng và công lý đối với tất cả các loài động vật trên hành tinh này, nó không áp dụng riêng cho con người mà cho tất cả. Vì muôn loài vật do môi trường sống vô minh duyên hợp sinh ra, do đó từ con vật lớn, nhỏ cho đến loài người đều vô minh lầm chấp.
Nhưng loài người nhờ trí tuệ thông minh thường tìm tòi sáng tạo và phát minh nên đã thấy sự vô minh của mình. Khi đã thấy sự vô minh của mình thì đó là minh, mà đã có minh thì con người làm chủ được môi trường sống của mình, làm chủ môi trường sống của mình tức là làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Làm chủ sanh, già, bệnh, chết là làm chủ nhân quả. Làm chủ nhân quả là làm chủ mọi sự đau khổ và chấm dứt tái sanh luân hồi. Chấm dứt tái sanh luân hồi tức là giải thoát ra khỏi thân nghiệp.
41. NGUỒN GỐC VŨ TRỤ
Hỏi: Kính bạch Thầy, nguồn gốc vũ trụ như thế nào? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Đáp: Nguồn gốc vũ trụ chỉ là một môi trường sống hoặc chết đối với trí hữu hạn của chúng ta. Nếu muốn tìm hiểu biết rõ hơn nữa thì trí hữu hạn không cho phép chúng ta hiểu, còn trí vô hạn của chúng ta chưa có mà chúng ta muốn hiểu thì chúng ta sẽ hiểu bằng tưởng tri. Mà hiểu bằng tưởng tri thì sai sự thật, cho nên bây giờ chúng ta nên tìm hiểu cái gì có lợi ích thiết thực cho chúng ta và mọi người thì không phí thì giờ quý báu, thì giờ đó chúng ta làm những việc ích lợi khác còn có ý nghĩa hơn. Cho nên ngày xưa có những ai hỏi Phật những điều không ích lợi, những hý luận ảo tưởng mơ hồ thì Đức Phật làm thinh không trả lời. Còn ở đây Thầy cố gắng giải thích để mọi người hiểu một cách đại khái về nguồn gốc của vũ trụ.
Dù chúng ta có biết rõ về nguồn gốc của vũ trụ thì cũng chẳng có ích lợi gì cho cuộc sống mà hằng ngày chúng ta thọ chịu biết bao nhiêu là sự khổ đau. Bây giờ cháu hãy lắng nghe cho kỹ nguồn gốc của vũ trụ:
Chỗ nào có môi trường sống là nơi đó có cỏ cây và loài động vật xuất hiện, còn chỗ nào không có môi trường sống thì nơi đó là môi trường chết như trên Thầy đã dạy. Chết ở đây nghĩa là chưa có muôn loài vật sống, chứ riêng hành tinh ấy vẫn sống vì nó đang hoạt động, đang đi trên quỹ đạo của nó, cho nên nói nó chết là không đúng.
Những phi thuyền thám hiểm cung trăng và được các nhà khoa học nghiên cứu cho biết mặt trăng là hành tinh chết. Điều này không đúng, vì mặt trăng đang đi quanh trái đất. Nó đang hoạt động như vậy sao bảo là nó chết. Mặt trăng đang hành như vậy thì nó sẽ tạo duyên hợp cho các duyên hiện có thành những duyên mới, những duyên mới hợp với những duyên cũ tạo thành những duyên mới khác nữa. Khi duyên hợp trùng trùng như vậy thì một ngày kia mưa gió sẽ thuận hoà và cỏ cây sẽ xuất hiện. Cỏ cây sẽ xuất hiện thì lần lượt loài động vật xuất hiện. Loài động vật xuất hiện thì loài người trên cung trăng sẽ xuất hiện. Như vậy một vài triệu năm nữa cung trăng cũng có môi trường sống như trái đất của chúng ta.
Nói đến môi trường thì không thể nào nói đến môi trường đơn điệu được. Tại sao vậy? Vì khi có cái này thì phải có cái kia, vì thế Đức Phật dạy: “Thế giới là do các duyên hợp.” Có duyên hợp mới có thế giới. Có thế giới mới có vũ trụ, nhưng ở đây ai tạo ra duyên hợp?
Thưa quý vị! Các hành đấy. Không có hành thì không có duyên hợp, không có duyên hợp thì không có thế giới, không có vũ trụ. Đến đây chúng ta bảo rằng các hành là nguồn gốc của vũ trụ thì chưa đúng. Vì các hành phải có sự điều khiển của ai đó. Vậy ai đó điều khiển các hành?
Xin thưa, không có ai điều khiển các hành, vì các hành thường hoạt động theo sự vô minh của mình, nên Phật dạy: “Vô minh.” Như vậy vô minh là nguồn gốc của vũ trụ ư? Không đúng đâu quý vị. Nguồn gốc của vũ trụ là mười hai nhân duyên chứ không thể một nhân duyên mà thành nguồn gốc của vũ trụ được.
Mười hai nhân duyên gồm có:
1, Duyên Vô minh;
2, Duyên Hành;
3, Duyên Nghiệp;
4, Duyên Danh sắc;
5, Duyên Lục nhập;
6, Duyên Xúc;
7, Duyên Thọ;
8, Duyên Ái;
9, Duyên Hữu;
10, Duyên Thủ;
11, Duyên Sanh;
12, Duyên Ưu bi, sầu khổ, bệnh tử.
Đó là nguồn gốc vũ trụ hiện bày một thế giới quan đầy khổ đau của loài người mà Đức Phật đã xác định rõ ràng. Bài pháp mười hai nhân duyên là Đức Phật đã chỉ rõ cho mọi người biết nguồn gốc vũ trụ. Nếu mười hai nhân duyên này không có thì vũ trụ này không có. Vũ trụ này không có thì con người và vạn vật không có. Con người và vạn vật có thì vũ trụ này có. Con người và vạn vật có đều do mười hai nhân duyên. Vì thế nguồn gốc vũ trụ là mười hai nhân duyên như trên đã xác định.
42. ĐƯỜNG ĐI CỦA NHÂN QUẢ
Hỏi: Kính bạch Thầy, vừa qua con có nghe một số câu hỏi khiến cho tâm con bất an, vì con còn si mê nên việc ấy con có suy tư để tự mình phân tích và trả lời cho tâm mình? Có chỗ con thông hiểu và có chỗ con chưa thông hiểu. Nay con xin mạnh dạn hỏi thẳng vào những chỗ con chưa hiểu thấu đáo để từ đây con không còn u tối và cả những vị đặt ra câu hỏi cũng được thông suốt?
Đáp: (Để trả lời câu hỏi thứ nhất). Với trí hữu hạn người ta không thể thấy loài gia súc là những người thân thương của mình. Vì ái kiết sử chưa đoạn nên khi bỏ thân người, tình cảm thương yêu con cháu vẫn còn. Do cuộc sống tạo tội ác ăn thịt chúng sanh thành nghiệp, nên những người thân của chúng ta phải tái sanh làm thân gia súc để được gần gũi con cháu. Cô Diệu Quang nuôi mèo chó, không bao giờ đánh đập chúng, quý trọng hơn thân mình, có thể liều chết cứu mèo chó. Cô đối xử với chúng là đối xử theo luật nhân quả của ái kiết sử để đoạn dứt nhân quả tiền kiếp bằng cách lấy thiện chuyển nghiệp, chứ không phải nuôi để tạo nghiệp mới.
Nếu một người nuôi gia súc bằng cách đi mua hoặc xin về nuôi là tạo nhân quả mới, còn từ đâu loài súc vật đến nhà mình, đó là duyên nhân quả kiếp trước phải trả. Cô Diệu Quang trả nợ nhân quả, nhưng trả bằng cách nào mà người trả và người vay đều trong thiện pháp có nghĩa là không làm khổ mình khổ người nữa, tức là không gieo nhân quả mới của kiếp tới.
Loài chó mèo là loài thú ăn thịt sống, chúng thường săn đuổi bắt các loài vật khác ăn thịt. Ở đây cô Diệu Quang cho chúng ăn cá bể:
1, Thứ nhất cho chúng ăn chay, chúng thèm thịt nên ăn rất ít và hay tạo tác bắt loài vật khác ăn thịt, làm nên tội tự sát sanh.
2, Thứ hai cho chúng ăn cá bể là mục đích giúp cho chúng đừng tự sát sanh vì nghiệp tự sát sanh là tội rất nặng, nhưng loài chó mèo đã tạo nghiệp ác nhiều đời nên nay đã thành thói quen như vậy. Tạo cho chúng gián tiếp sát sanh tội nhẹ hơn là để tự chúng đi săn bắt và giết các loài vật khác.
3, Thứ ba thấy chúng ăn chay chưa quen nên ăn ít quá thân gầy ốm. Ví dụ như mình nuôi cha mẹ mà cha mẹ ăn chay không được thân gầy ốm thì mình phải làm sao? Để cho cha mẹ ăn được và ít tội lỗi tự sát sanh hơn. Do suy nghĩ đó cô không ngại người ta chỉ trích cô, cô cứ nghĩ khen chê là bề mặt của danh ở đời, không thực chất của đạo. Còn bây giờ cô đang trả nghiệp nhân quả, loài mèo chó từ đâu đến chứ cô không thích nuôi chúng, nhưng chúng đến cô phải nuôi tận tình như nuôi cha mẹ mình vậy. Cô nghĩ rằng loài gia súc là cha mẹ nhiều đời của mình có duyên mà gặp lại trong đời nay là do lòng thương yêu chưa dứt thì phải hết lòng cung phụng, dù ai có nói gì cô sẵn sàng chấp nhận, miễn là làm tròn bổn phận đạo đức làm người. Việc làm này ai hiểu được, trừ những người có đôi mắt nhân quả hoặc có Tam Minh thì mới rõ.
Loài chó mèo là loài ăn thịt sống, chúng thường săn đuổi bắt các loài vật khác ăn thịt. Nếu không cho chúng ăn cá bể thì chúng sẽ bắt những con vật khác hiền lành vô tội để ăn thịt thì phạm vào tội tự sát sanh, tội rất nặng như Thầy đã nói ở trên. Còn nếu cho chúng ăn cá bể ôi thúi thì chúng ít tạo tội tự sát sanh. Vậy mà chúng còn bắt giết những con vật khác vô tội như: rắn, rắn mối, cóc, nhái, cào cào, chuột và gà vịt của người khác. Tuy chúng không ăn vì được cô Út nuôi chúng no đủ, vậy mà bản chất sát sanh hung ác, chúng thường giết chết những loài vật hiền lành này, nhờ ăn cá bể nên chúng ít đi săn lùng. Nhờ cho ăn cá bể mà chó mèo ở đây ít tạo tội ác tự sát sanh, đó là việc làm của cô Diệu Quang giúp những người thân của mình hay nói cách khác là giúp cho loài chúng sanh có duyên với cô sớm thoát khỏi thân mèo chó.
Vì nợ nhân quả đời trước nên đời này chó mèo vây quanh cô Út để đòi nợ. Khi cô trả nợ xong, mèo chó cũng sẽ chết hết. Để rồi các con xem hiện giờ tất cả mèo đã chết hết rồi, chỉ còn mấy con chó mà thôi, nhưng rồi đây khi cô Út hết nợ nó cũng sẽ ra đi vĩnh viễn.
Người không hiểu biết còn ở trí hữu hạn cho cô Út mua cá bể cho chó ăn là làm tội ác, đó là không thấy được nhân quả nên kết tội kẻ khác. Kết tội kẻ khác tức là tạo tội cho mình, vì luật nhân quả rất công bằng xử phạt ngay liền không thể tránh khỏi. Khi mình kết án người là chướng ngại pháp đến với tâm mình khiến cho mình bất an, cho nên Đức Phật dạy: “đừng biết chuyện người mà hãy biết chuyện mình.”
Ví dụ: quý phật tử nuôi cha mẹ, cha mẹ ăn chay không được thì quý phật tử nghĩ sao? Phải cho cha mẹ ăn thứ gì? Trong lúc cha mẹ thèm thịt và cá?
Việc làm của cô Út có hai việc lợi ích:
1, Làm giảm bớt tội lỗi cho loài chúng sanh.
2, Để thử thách những người tu có theo đúng lời Phật dạy hay không “Biết chuyện mình đừng nên biết chuyện người,” thế mà các cô tu hành luôn biết chuyện người, tu như vậy có đúng lời Phật dạy hay không? Nếu thuận duyên thì đâu thấy được tâm người tu, nhờ có nghịch duyên này mới rõ được các cô không xả mà ức chế tâm, luôn biết chuyện người, thấy phải, thấy trái, thấy tốt, thấy xấu, thấy thiện, thấy ác của người khác mà sao không thấy phải, trái, tốt, xấu, thiện, ác, trắng, đen của mình. Khi mình đem việc của người khác nói ra thì mình là người tốt lắm sao? Nhất là người tu hành mở miệng nói xấu người ân của mình, người giúp đỡ mình từ miếng cơm manh áo, từ pháp tu hành, từ lời nhắc nhở, khuyên răn đến những lời la rầy chạm tự ái để mình được giải thoát.
Không lẽ người đi tu cầu giải thoát mà vì những lời la rầy, chạm tự ái để mình xả tâm mà ôm ấp trong lòng sanh ra thù hận nói xấu, thù hận nói xấu để được những gì? Hay để tạo thêm nhân quả ác cho mình, trong khi cô Diệu Quang la rầy, chạm tự ái để mong mình xả tâm sống đúng đức hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng là thắp sáng ngọn đèn Phật giáo.
Biết chuyện mình tức là biết lỗi mình để không làm lỗi nữa; biết chuyện mình tức là biết chướng ngại pháp trong tâm mình để mình đẩy lui chướng ngại pháp trong tâm thì tâm mình được an vui thanh thản, không phải là giải thoát hạnh phúc sao? Biết chuyện mình có lợi ích lớn như vậy thế mà các cô tu hành luôn luôn cứ biết chuyện người mà chẳng hề biết chuyện mình. Biết chuyện người có lợi ích cho mình những gì đâu mà còn làm hại cho con đường tu của mình là không xả tâm được.
Do nhờ chuyện nuôi mèo chó mà cô biết được tâm của mọi người tu không xả nên cô càng đập mạnh hơn nữa, nhất là các cô đã xuất gia. Tu theo kiểu ức chế tâm không chịu xả, cứ thích ngồi trong thất rồi đi nói chuyện phiếm và kiếm chuyện nói xấu người này người kia. Trong khi cô hết sức giúp đỡ cho các cô về đời sống và tu tập, thế mà các cô trả ơn bằng những lời chỉ trích nói xấu không hiểu việc làm của cô như thế nào. Tâm mình còn xấu ác nên thấy việc người đều xấu ác, tâm mình hết xấu ác nên thấy việc người không xấu ác, đó là ngăn ác diệt ác pháp sanh thiện tăng trưởng thiện pháp.
Đập mạnh của cô Út có nghĩa là giúp cho các cô xả tâm diệt ngã để hoàn thành được đạo giải thoát, tâm bất động. Còn nếu không xả tâm thì rời khỏi tu viện, đừng lấy sự tu hành mà lường gạt người khác ngồi mát ăn bát vàng, lợi dụng mồ hôi nước mắt và sức lao động của người khác làm ra cơm ăn áo mặc đem cúng dường, để rồi tu chẳng ra gì mà mang hình thức tu sĩ để ăn không ngồi rồi cho khoẻ thân.
Năm năm trời tu tập ngồi trong thất không làm động móng tay, Minh Tông đã bị cô Út đập cho một trận liền rơi xuống vực thẳm, thế mới biết tâm như đất chưa? Mục đích của đạo Phật là tâm bất động, cho nên người phật tử dễ nhận ra người tu chơn và người tu giả.
Chính vì các cô nói xấu cô Diệu Quang mà con đường tu chẳng ra gì, còn mang nghiệp quả rất nặng. Bằng chứng cháu Liễu Ngọc đã nghe lời các cô nặng nhẹ nói xấu cô Út mà thọ quả điên khùng, hiện giờ lại còn bị phỏng nặng. Rồi đây các cô đã, đang, sẽ thọ những quả, khi mà cô Diệu Quang chịu muôn vàn sự cực khổ mọi mặt và nhiều tiếng tai không tốt, nhưng cô quyết chí để thắp sáng lại ngọn đèn Phật giáo, làm lợi ích cho người đời sau.