TÂM HỶ VÔ LƯỢNG
Có từ, bi nên mới có hỷ. Hỷ là vui, vui vẻ với mọi người (người thương, kẻ oán). Nói cho đủ là tùy hỷ. Vô lượng là tràn đầy, phủ trùm. Hỷ tâm có hai loại:
1/ Hỷ vô lượng dục lạc (vui theo ngũ dục lạc): Đây là cái vui ngắn ngủi, mê muội của người phàm phu, chạy theo trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Nó có sức cám dỗ con người đi đến chỗ đau khổ bất tận. Cái vui này, ở xa như hạt kim cương, khi đến gần chỉ là hạt nước mắt. Cho nên Đức Phật mới dạy rằng: Nước mắt chúng sanh nhiều hơn bốn bể. Đó là hỷ vô lượng dục lạc. Tâm con người là một cái túi không đáy, chạy theo dục lạc để tận hưởng, và không bao giờ biết ngừng, như con thiêu thân lao vào ánh đèn. Thế nên con người cứ phải quanh đi lộn lại sanh tử muôn đời, muôn kiếp, không bao giờ dứt khổ. Khi có nhà lá thì mong có căn nhà ngói. Lúc có nhà ngói thì mơ được căn nhà lầu. Hoặc là kẻ đang đi xe đạp thì ước ao được đi xe Honda (Dream). Khi có xe Honda thì lại muốn có xe hơi như người ta. Đây là hỷ vô minh, còn gọi là hỷ ảo giác (chạy theo ăn ngon, mặc đẹp, v.v...). Vui theo dục lạc là vui theo với ác nghiệp. Khi thấy người sát sanh, trộm cắp, tà dâm, hút xách, đã không ngăn cản mà còn vui theo, tán thành sự vui chơi theo con đường ác là hỷ vô lượng tâm theo ác pháp (ác pháp cũng nhiều vô lượng).
Bấy lâu nay chúng ta chỉ nghe Hỷ Vô Lượng Tâm, tức là thiện pháp. Nếu tốt thì mới là nẻo của Đạo Phật, nẻo của thiện pháp, của sự giải thoát, an lạc. Hỷ dục lạc thế gian là hỷ ác, tạo cảnh địa ngục trần gian. Chẳng cần phải đợi mai sau, cái hỷ này tạo cho ta địa ngục ngay tại trần thế. Từ nay biết được như thế thì ta phải xa lìa, viễn ly, dứt bỏ đi, chắc chắn chúng ta sẽ không có địa ngục ở trần gian. Cái hỷ đau khổ của biển đời trầm luân nầy chỉ có người trí mới thoát được, còn người vô minh, mê muội khó mà thoát khỏi. Chúng ta tu tập pháp Phật Giới, Định, Tuệ, thì phải có trí tuệ siêu việt mới mong tu tập được pháp này; nếu không thì ta vẫn còn nằm trong vòng tay của các loại hỷ nầy.
Quý vị hãy tự xét xem mình đã thoát khỏi vòng tay ấy chưa? Nếu còn trong vòng tay của các loại hỷ này thì đời đời kiếp kiếp ta sẽ chuốc lấy tai ương. Muốn trau dồi tâm hỷ vô lượng thì ta phải nhắc tâm ta bằng như lý tác ý: Hỷ của dục lạc là tai nạn, là bệnh tật, là khổ đau; vậy ta phải lánh xa cái hỷ này.
Phải thường xuyên quán xét, trau dồi tâm ta như thế để cảnh giác xa lìa nó, vì nó có sức cám dỗ ta rất mạnh, như đá nam châm. Thỉnh thoảng ta lại nhắc tâm như thế này:
"Hỷ của dục lạc là tai nạn, là bệnh tật, là khổ đau để xa lìa, yểm ly ngũ dục lạc.”; "Hỷ của ngũ dục lạc là ảo giác, là thuốc độc, là rắn độc giết hại con người. Ta hãy lánh xa các loại hỷ này.” Do thường xuyên nhắc tâm như thế cho nên trước sự săn sóc, thương yêu nồng nàn, trước sắc đẹp lộng lẫy ta mới đem lòng sợ hãi. Nhìn thấy thật là khả lạc, khả ái, ham thích, nhưng đụng vào nó là đâm vào gai chông, không phải là hạnh phúc gì đâu. Biết được như vậy, thấy suốt như vậy là không vô minh. Nếu không biết như vậy, không thấu suốt như vậy là vô minh. Câu này ta cũng phải thường xuyên nhắc đi nhắc lại để đoạn dứt lòng ưa thích thế gian. Tùy theo đặc tánh của mỗi người mà ta tùy nghi thêm vào câu pháp hướng để có đủ sức mạnh và giúp ta thoát khỏi những cám dỗ của vật chất.
"Vui theo ác pháp là hỷ tâm vô lượng ác, làm đau khổ chúng sanh, là giết hại chúng sanh. Ta hãy tránh xa hỷ này, yểm ly hỷ này, từ bỏ hỷ này.” Đó là các câu trạch pháp mà ta phải thường ghi nhớ, trau dồi tâm mình để tu thập thiện, và chống lại thập ác. Là người tu sĩ Phật giáo, khi thấy ai làm ác là phải tránh xa, làm gì có sự vui theo? Một ông thầy tu không thể đứng trước hàng thịt, hoặc ngắm tô phở có mấy lát thịt nằm trên đó. Thấy các ác pháp, thấy sự đau khổ, chết chóc, của chúng sanh, nếu ta không thể can thiệp, giúp đỡ được thì ta hãy lánh xa để không nhìn thấy cảnh tang thương, khốn khổ, máu đổ thịt rơi, đau lòng, nát dạ. Khi thấy hai người đang đánh nhau chí tử, nếu không can ngăn họ mà còn cổ võ (vui theo) thì ta không phải là người đệ tử Phật.
2/ Hỷ tâm vô lượng giải thoát: là vui với việc làm từ thiện của người khác. Khi có người bố thí, cúng dường, hoặc xây nhà thương, trường học thì ta liền tán thán, vui theo, và tận tâm giúp đỡ với lòng hân hoan, sung sướng. Sự vui theo này là một bước tiến trên đường thiện nghiệp. Nếu ta có tiền của thì ta nên đóng góp, giúp đỡ người. Nếu không có tiền của thì ta hãy bỏ công sức ra phụ giúp công tác từ thiện ấy. Vì tâm bi vô lượng, thấy quá nhiều khổ đau trong xã hội nên ta không thể ngồi yên mà tư duy suông. Ta phải làm một cái gì đó để góp phần ban vui, cứu khổ cho mọi người, làm sao cho mọi người được no ấm, thoát khỏi bệnh tật, khổ đau. Bệnh viện, thuốc thang chỉ xoa dịu sắc thân của họ. An ủi, cảm thông, khuyên nhủ là xoa dịu thương đau của tinh thần.
Hành bi tâm như vậy cũng chưa đủ. Ta phải làm cái gì hơn thế nữa để diệt tận gốc khổ đau của muôn loài. Chỉ có Trung Tâm An Dưỡng Từ Thiện ra đời mới là nơi giúp đỡ người ta được an vui, học tập đạo đức nhân quả, diệt tận mầm mống đau khổ. Những việc làm này khiến ta vui theo vì nó mang lại lợi ích thiết thực cho con người, chấm dứt nhân ác, tăng trưởng nhân lành. Còn gì sung sướng cho bằng khi con người thấy rõ đường đi lối về của nhân quả! Biết được nhân quả thì loài người không làm điều ác. Loài người không làm điều ác thì trần gian này là cõi Niết Bàn, là Thiên Đàng và không còn có người bất hạnh trong xã hội.
Ý của Thầy bấy lâu nay là xin phép thành lập Trung Tâm An Dưỡng để người ta có thể về đó an dưỡng một vài tháng cho đến hai, ba năm, và được sự hướng dẫn đường đi nước bước của nhân quả và đạo đức nhân quả để sống an vui và diệt tận gốc khổ đau của con người. Từ đó họ không làm điều ác, tự họ đem lại hạnh phúc cho bản thân mình.