Bài viết số 1: CHIA ĐÔI GIỌT MÁU CỨU NGƯỜI
Bữa cơm tối của gia đình anh Bùi Công Minh (quận 1) vừa dọn ra còn bốc khói, chưa ai kịp chạm đũa thì điện thoại reo. Sau vài câu trao đổi với người bên kia đầu dây, anh Minh buông đũa, vơ vội chiếc áo treo trên vách và hối hả dắt xe ra khỏi nhà. Như đã quá quen với những lần vắng nhà đột ngột như thế này của chồng, vợ anh Minh chẳng thấy lạ lẫm.
1. Những ca hiến máu nhớ đời
Bệnh nhân cần cho máu khẩn cấp là một bé gái sơ sinh đang nằm ở bệnh viện Từ Dũ. Bé là kết quả tình yêu muộn màng của đôi vợ chồng lớn tuổi sau nhiều năm điều trị vô sinh. Ngay lúc chào đời, bé bị thiếu máu nghiêm trọng. Mặc dù bệnh viện có nguồn máu dự trữ, nhưng vắt cạn cả kho máu cũng không tìm đâu ra được một giọt thuộc nhóm RH. “Nhìn ánh mắt thất vọng của hai vợ chồng họ khi kết quả thử máu không phù hợp, mình cũng thấy đau ran cả lòng cả dạ. Lúc cho máu em bé xong, người cha đã đến nắm lấy tay tôi bật khóc”, anh Minh nhớ lại.
Lần đó anh hiến hai đơn vị máu (450ml). Bệnh viện và gia đình đứa bé hỏi tên và địa chỉ, nhưng anh lắc đầu rồi lặng lẽ đội mưa về cho kịp bữa cơm tối cùng vợ con.
Một lần đang trao đổi công việc với khách hàng, chị Lê Thị Thanh Hà (quận 1) được tin một bệnh nhân đang cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy cần truyền máu hiến gấp. Bỏ dở công việc, chị lao vội từ tầng hai xuống đất, gọi taxi đến ngay bệnh viện. Người cần cho máu hôm đó là một thanh niên bị nạn khi chạy xe đuổi bắt một tên cướp vừa giật giỏ xách của người đi đường.
Nhờ hai đơn vị máu của chị Hà, sau một tuần điều trị, người thanh niên ấy đã hồi phục. Lúc tỉnh lại, anh ấy nói vui: “Tôi lo cứu người khác, còn chị cứu tôi”, chị Hà cười giòn tan kể.
Anh Lâm ở quận Tân Phú bảo: “Tôi rất hạnh phúc đã hiến máu cho cháu bé là cháu nội duy nhất của một bà mẹ Việt Nam anh hùng ở miền Trung”. Nhờ hai đơn vị máu của anh, đứa bé đã được cứu sống.
2. Quên mình cứu người dưng
Sau lần cho máu bé gái ở bệnh viện Từ Dũ, anh nằm bệnh viện suốt cả tuần. “Theo quy định, thời gian giữa hai lần hiến máu với người nam là ba tháng, với người nữ là bốn tháng.
Nhưng tại vì trước đó 10 ngày, tôi đã hiến hai đơn vị máu cứu một người bị tai nạn giao thông nên sức khoẻ xuống hơi nhanh”, anh Minh giải thích. Cũng mắc cái tội hiến máu không theo đúng nguyên tắc như anh Minh, sau lần cứu anh “Lục Vân Tiên thời nay”, chị Hà cũng đổ ốm mấy ngày liền. Chị bộc bạch: “Thiệt tình lúc đó điện thoại kêu đi hiến máu, sức khoẻ tôi không tốt lắm. Nhưng cứ nghĩ đến cảnh người cần cho máu đang giành giật từng phút giây để sống, tôi không cam tâm từ chối...”.
Không chỉ hiến máu cứu người trong nước, các thành viên còn cứu người nước ngoài. Một đêm tháng 5/2003, ông Jacob Deutsh, một chuyên gia người Đức được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng giảm tiểu cầu trầm trọng. Ông đã được những người dưng nơi đất khách cứu khỏi cơn nguy kịch. Trước khi về nước, ông Jacob Deutsh ghé Trung tâm hiến máu nhân đạo TP.HCM bày tỏ: “Trong con người tôi có thêm dòng máu của người Việt Nam, của những người luôn sống chân tình. Các bạn là những ân nhân mà suốt đời tôi không thể quên”.
Có một điểm chung ở các thành viên câu lạc bộ hiến máu, họ không muốn người được cứu sống phải mang ơn họ, ngay khi phải có tên tuổi hoặc địa chỉ. Bác sĩ Bùi Văn Thêm, giám đốc Trung tâm hiến máu nhân đạo TP.HCM, chủ nhiệm cậu lạc bộ hiến máu kể, nhiều bệnh nhân sau khi hết bệnh đến Trung tâm xin địa chỉ người đã cho máu cứu mình, nhưng ông buộc lòng phải từ chối. Sống trên đời cần có một tấm lòng để gió cuốn đi... Nhiều người từng được cứu sống bằng máu của những người tốt bụng đã tham gia câu lạc bộ như một cách tri ân.
Dòng máu của họ cùng các thành viên trong nhóm lại tiếp tục tuần hoàn hiến tặng, mang theo thông điệp cao cả cứu người.
Trần Ngọc
Ngày 27/4/2007, báo Xã Hội Pháp Luật