Bài học thứ 27: ĐỨC PHẬT ĐỘ CHO NGƯỜI GÁNH PHÂN
Thành Xá Vệ có một người Chiên Đà La sống về nghề đổ phân. Một hôm, đức Phật gặp giữa đường, bèn kêu lại, người đổ phân thưa rằng:
- Con là người gánh phân ô uế không sạch, không dám lại gần Ngài.
Đức Phật nói rằng:
- Ta nay muốn cứu độ cho người.
Rồi đức Phật tự thân dắt người gánh phân xuống sông Hằng, tắm rửa sạch sẽ và đưa về tịnh xá Kỳ Hoàn, cho xuất gia làm Sa môn.
Người gánh phân thành ra tinh tấn, cần khổ chuyên tâm, nên chưa đầy một tuần chứng quả A La Hán, thần thông tự tại. Lúc bấy giờ, vua trong nước nghe tin đức Phật độ cho một người Chiên Đà La, lấy làm bất mãn, cho rằng làm như vậy ô nhục hàng Sa môn và làm khó khăn sự kính lễ của các hàng vua chúa, liền đến tịnh xá để trách đức Phật.
Khi đến chỗ Phật ở thì thấy một vị Sa môn uy nghi, đức hạnh, ngồi thiền trên một tấm đá, hiện nhiều thần thông kỳ diệu. Vua lễ Phật và bạch rằng:
- Bạch Thế Tôn! Vị Sa Môn kia danh hiệu là gì, sao lại có nhiều thần thông như vậy? Đức Phật bảo rằng:
- Đó là người gánh phân, nhờ công hạnh tinh tấn nên chứng được quả A La Hán.
Rồi đức Phật dùng thí dụ cho vua rõ ràng:
- Như ở trong bùn dơ bẩn, có nở một hoa sen thơm ngát, vậy bệ hạ là người có mắt, bệ hạ có hái lấy đóa hoa kia không? Vua đáp:
- Đóa hoa tuy mọc trong bùn lầy mà thơm ngát hương quý, rất nên dùng để trang sức.
Còn bùn lầy dơ bẩn kia thì nên quán xem như là bào thai của bà mẹ, chính tự trong bào thai mà sinh nở đóa hoa công đức.
Lúc bấy giờ vua bạch Phật rằng:
- Vị A La Hán trước làm nghề đổ phân, nay công quả tu hành viên mãn, chứng được quả bất khả tư nghì. Trẫm nay xin nguyện luôn luôn cúng dường mọi món cần thiết không dám để thiếu thốn.
NHỮNG CÂU HỎI
Câu hỏi 1: “Thành Xá Vệ có một người Chiên Đà La sống về nghề đổ phân”. Câu này đạo đức nhân quả gì?
Câu hỏi 2: “Một hôm, đức Phật gặp giữa đường, bèn kêu lại”. Hành động đức Phật kêu người Chiên Đà La lại gần mình là đạo đức gì?
Câu hỏi 3: Người đổ phân thưa rằng: “Con là người gánh phân ô uế không sạch, không dám lại gần Ngài”. Câu trả lời này là đạo đức gì?
Câu hỏi 4: Đức Phật nói rằng: “Ta nay muốn cứu độ cho người”. Lời dạy này là đạo đức gì?
Câu hỏi 5: “Rồi đức Phật tự thân dắt người gánh phân xuống sông Hằng, tắm rửa sạch sẽ”. Hành động tắm rửa là đạo đức gì?
Câu hỏi 6: “Và đưa về tịnh xá Kỳ Hoàn, cho xuất gia làm Sa môn”. Hành động đưa ve tịnh xá cho xuất gia là đạo đức gì?
Câu hỏi 7: “Người gánh phân thành ra tinh tấn, cần khổ chuyên tâm”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 8: “Nên chưa đầy một tuần chứng quả A La Hán, thần thông tự tại”. Câu này dạy đạo đức gì? Câu hỏi 9: “Lúc bấy giờ, vua trong nước nghe tin đức Phật độ cho một người Chiên Đà La, lấy làm bất mãn”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 10: “Cho rằng làm như vậy ô nhục hàng Sa môn và làm khó khăn sự kính lễ của các hàng vua chúa”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 11: “Khi đến chỗ Phật ở thì thấy một vị sa môn uy nghi đức hạnh, ngồi thiền trên một tấm đá, hiện nhiều thần thông kỳ diệu”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 12: Vua lễ Phật và bạch rằng: “Bạch Thế Tôn! Vị Sa Môn kia danh hiệu là gì, sao lại có nhiều thần thông như vậy”? Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 13: Đức Phật bảo rằng: “Đó là người gánh phân, nhờ công hạnh tinh tấn nên chứng được quả A La Hán”. Lời này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 14: Rồi đức Phật dùng thí dụ cho vua rõ ràng: “Như ở trong bùn dơ bẩn, có nở một hoa sen thơm ngát, vậy bệ hạ là người có mắt, bệ hạ có hái lấy đóa hoa kia không?”. Câu này dạy đạo đức gì? Câu hỏi 15: Vua đáp: “Đóa hoa tuy mọc trong bùn lầy mà thơm ngát hương quý, rất nên dùng để trang sức”. Lời dạy này là đạo đức gì?
Câu hỏi 16: “Còn bùn lầy dơ bẩn kia thì nên quán xem như là bào thai của bà mẹ, chính tự trong bào thai mà sinh nở đóa hoa công đức”. Lời dạy này là đạo đức gì?
Câu hỏi 17: “Vị A La Hán trước làm nghe đổ phân, nay công quả tu hành viên mãn, chứng được quả đức bất khả tư nghì”. Câu này dạy đạo đức gì?
Câu hỏi 18: “Trẫm nay xin nguyện luôn luôn cúng dường mọi món cần thiết không dám để thiếu thốn”. Câu này dạy đạo đức gì?
TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI
Trả lời câu hỏi 1:
“Thành Xá Vệ có một người Chiên Đà La sống về nghề đổ phân”. Câu này chỉ ĐẠO ĐỨC NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO QUÁ KHỨ.
Vì nhân tiền kiếp chấp ngã xem mình là hơn hết, thiếu lòng cung kính tôn trọng người khác, lại thêm mang tính bỏn xẻn, ích kỷ, hẹp hòi, ganh tỵ, hay nói xấu người, nói dối không thật, nên hiện kiếp sinh làm người trong giai cấp hạ tiện Chiên Đà La, nghèo khó, bị mọi người khinh chê, không cung kính và tôn trọng.
Muốn không sinh vào những giai cấp hạ liệt, cùng đinh trong xã hội thì trong hiện kiếp phải biết sống tôn trọng, cung kính mọi người; phải biết sống khiêm hạ đối với mọi người. Nhờ sống trong hiện kiếp như vậy, nên những kiếp trong tương lai đều được mọi người cung kính, tôn trọng và được giàu sang danh vọng.
Người sống với lòng cung kính tôn trọng người khác, biết hạ mình khiêm tốn chắp tay cúi đầu chào mọi người trước khi mọi người chào mình, là người biết sống trong ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH NHÂN QUẢ ĐỨC KHIÊM HẠ THÂN HÀNH. Nhờ sống trong đức khiêm hạ cung kính người khác mà kiếp sau mới sinh làm người trong những giai cấp quý tộc, nhờ sinh trưởng trong những gia đình có giai cấp quý tộc nên trong hiện kiếp được mọi người cung kính, tôn trọng và quý mến.
Đoạn kinh này dạy nhân nào quả nấy, để chúng ta biết đức khiêm hạ là một đức hiếu sinh sống đối xử biết cung kính và tôn trọng người khác cũng chính là cung kính tôn trọng mình. Đó là nhân hiện tại, quả hiện tại.
ĐỨC KHIÊM HẠ HIẾU SINH THÂN HÀNH là một đức hạnh tuyệt vời, lúc nào chúng ta cũng áp dụng vào đời sống, bất cứ gặp một người nhỏ tuổi cũng như một người già lớn tuổi, chúng ta đều thực hiện đức khiêm hạ như nhau, thì chúng ta sẽ được mọi người cung kính và tôn trọng. Có tôn trọng người thì người mới tôn trọng lại mình. Mỗi người nên sống khiêm hạ, sau này sẽ thành những thói quen có lễ độ, có văn hóa tốt đẹp.
ĐỨC KHIÊM HẠ HIẾU SINH THÂN HÀNH là một hành động văn hóa lễ độ rất tuyệt vời mà chỉ có con người mới thực hiện được, còn con thú dù có thông minh cỡ nào thì cũng không thực hiện được ĐỨC KHIÊM HẠ HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Trả lời câu hỏi 2:
“Một hôm, đức Phật gặp giữa đường, bèn kêu lại”. Hành động đức Phật kêu người Chiên Đà La lại gần mình là một hành động ĐẠO ĐỨC BÌNH ĐẲNG HIẾU SINH NHÂN QUẢ KHẨU HÀNH.
Tất cả mọi người, ai cũng biết đạo Phật là đạo bình đẳng, đạo san bằng giai cấp trong xã hội, chỉ còn có một giai cấp duy nhất, đó là một giai cấp sống bình đẳng như nhau.
Đạo Phật không những bình đẳng với loài người mà còn bình đẳng đến cả loài cầm thú, vì tất cả những loài động vật và các loài thảo mộc đều có một sự sống như nhau. Vì thế đạo Phật là đạo của sự sống. Lúc bấy giờ đức Phật xuất hiện trên đất nước Ấn Độ, nhưng đất nước Ấn Độ chia ra làm bốn giai cấp rõ rệt như sau:
1- Giai cấp Sát Đế Lị (Giai cấp cai trị nước).
2- Giai cấp Bà La Môn (Giai cấp thống trị tinh thần mọi người).
3- Giai cấp thợ thuyền, thương buôn mậu dịch.
4- Giai cấp Chiên Đà La (Giai cấp cùng đinh làm thuê, làm mướn, làm nô lệ).
Hành động kêu gọi những người trong giai cấp cùng đinh, hạ liệt để giúp họ nâng cao giá trị đời sống làm người. Bởi sự sống của con người thì người giàu cũng như người nghèo, người làm vua, người làm quan cho đến người làm dân tầm thường cũng như nhau không có ai hơn ai cả. Cho đến tất cả các loài động vật và thảo mộc trên hành tinh này đều có một sự sống, mà có sự sống thì phải được hưởng bình đẳng như nhau.
Cho nên hành động kêu gọi người Chiên Đà La là đức Phật san bằng giai cấp hạ liệt, cùng đinh của xã hội Ấn Độ bây giờ. Đó là một hành động ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH NHÂN QUẢ BÌNH ĐẲNG, xem tất cả sự sống trên hành tinh này như nhau.
Nếu không có lòng yêu thương thì không bao giờ có sự bình đẳng. Sự bình đẳng tức là đức bình đẳng. Người ta kêu gọi sự tự do bình đẳng, nhưng người ta không có lòng yêu thương thì sự tự do bình đẳng đó không bao giờ có. Cho nên tất cả những đức hạnh khác đều do từ đức hiếu sinh này mà ra. Có đức khiêm hạ thì mới có đức cung kính và tôn trọng, có đức cung kính và tôn trọng thì mới có lòng yêu thương chân thật, có yêu thương chân thật thì mới có xả tâm ly dục, ly ác pháp. Từ đức hạnh này có liên hệ với đức hạnh khác như một chuỗi dài vô tận của đạo đức. Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Vì thế chúng ta cố gắng thực hiện cho bằng được đức hiếu sinh như trời, như biển thì tất cả đức đều hiện rõ nơi chúng ta.
Trả lời câu hỏi 3:
Người đổ phân thưa rằng: “Con là người gánh phân ô uế không sạch, không dám lại gần Ngài”. Câu trả lời này THIẾU ĐẠO ĐỨC BÌNH ĐẲNG HIẾU SINH KHẨU HÀNH.
Thường ở đời, những người có sức mạnh thường tạo thế lực để lãnh đạo trong nước rồi chia ra làm nhiều giai cấp. Nhưng hiện giờ có hai giai cấp nổi bật nhất là giai cấp thống trị và giai cấp bị trị.
Do sự bị trị lâu dài của giai cấp thống trị, và bị bắt buộc giai cấp bị trị phải tôn trọng và cung kính giai cấp thống trị, vì thế giai cấp bị trị thường tự xem giá trị của mình thấp kém không bằng giai cấp thống trị. Cho nên lời nói của giai cấp Chiên Đà La: “Con là người gánh phân ô uế không sạch, không dám lại gần Ngài”. Sự phân chia giai cấp đã đánh mất lòng yêu thương bình đẳng của con người.
Con người ai cũng có một sự sống như nhau, cũng buồn vui đau khổ, cũng giận hờn phiền não như nhau, cũng sợ chết và ham sống không khác nhau, cũng ăn uống, cũng đói khát, cũng lo lắng, cũng sợ hãi như nhau, thế sao lại sống không bình đẳng, không thương nhau. Hiện giờ tuy đã san bằng giai cấp, nhưng trong tinh thần con người cũng còn nhiều ranh giới giai cấp như: giai cấp tri thức; giai cấp bình dân; giai cấp lãnh đạo; giai cấp thường dân; giai cấp nông dân; giai cấp thợ thuyền; giai cấp thương buôn, v.v...
Tuy thấy không có sự cách biệt rõ rệt, nhưng hàng rào ranh giới giai cấp vẫn còn e dè, do bản ngã của con người đối xử với con người ở giai cấp này với giai cấp kia còn có vẻ khinh chê.
Một người học giỏi cũng có vẻ khinh chê coi thường người học dở, đó là thiếu đức hiếu sinh bình đẳng. Người có đức hiếu sinh bình đẳng thì đánh mất tính ngã mạn, tính tự cao, tự đại của mình. Cho nên càng học giỏi, học cao thì càng bộc lộ đức khiêm hạ thì học giỏi học cao mới được mọi người quý trọng. Đức khiêm hạ nằm trong đức hiếu sinh. Người có đức hiếu sinh là có đức khiêm hạ. Có đức khiêm hạ là có đức bình đẳng. Có đức bình đẳng thì mới san bằng giai cấp trong xã hội loài người.
Trả lời câu hỏi 4:
Đức Phật nói rằng: “Ta nay muốn cứu độ cho người”. Lời dạy này là ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH GIÁO HÓA.
Lời nói yêu thương của đức Phật đối với giai cấp cùng đinh, hạ liệt thật là tuyệt vời! Lời nói yêu thương ấy thể hiện đức giáo hóa bình đẳng cao thượng mà không có một tôn giáo nào có được. Lời nói của Ngài đã đem lại sự sống bình đẳng cho giai cấp hạ liệt trong xã hội.
Đạo Phật là một tôn giáo bình đẳng, lấy sự sống của muôn loài làm mốc bình đẳng, tức là bình đẳng trên sự sống, Vì muốn sống được bình đẳng nên Phật giáo lấy tiêu chuẩn sống Tứ Vô Lượng Tâm, tức là sống với tâm TỪ, BI, HỶ, XẢ. Vậy sống với tâm từ, bi, hỷ, xả như thế nào? Xin quý tu sinh hãy đọc lại bộ sách “Hành Thập Thiện và Tứ Vô Lượng Tâm” thì sẽ biết cách sống.
Sống theo “Hành Thập Thiện và Tứ Vô Lượng Tâm” là sống rất đơn giản, chỉ lúc nào cũng thể hiện lòng yêu thương đối với mọi loài. Cho nên đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, suy nghĩ đều lấy đức hiếu sinh làm tiêu chuẩn sống hàng đầu, lúc nào cũng nhớ mọi người đang thương mình và lúc nào mình cũng đang nhớ thương yêu mọi người, mọi loài chúng sinh. Có sống được như vậy mới thể hiện đức bình đẳng hiếu sinh.
Người sống không có giai cấp là người sống với lòng yêu thương chân thật. Xã hội loài người ai cũng sống được như vậy thì chúng ta không cần kêu gọi bình đẳng, nhưng cuộc sống vẫn bình đẳng.
Trả lời câu hỏi 5:
“Rồi đức Phật tự thân dắt người gánh phân xuống sông Hằng, tắm rửa sạch sẽ”. Hành động tắm rửa là ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Chưa có một vị thầy nào đưa học trò đi tắm rửa như một người mẹ, đúng là một hành động hiếu sinh tuyệt vời của một bậc vĩ nhân mà chúng ta khó tìm thấy trên hành tinh này.
Đức Phật tượng trưng cho lòng thương yêu, nên mỗi hành động nhỏ nhặt thương yêu nào Ngài cũng đều không bỏ qua.
Với một người Chiên Đà La đi gánh phân, thân mình hôi thối, mùi bất tịnh xông ra, thế mà đức Phật đến nắm tay dắt xuống sông Hằng tắm rửa cho sạch sẽ như dắt một đứa bé thơ, thì đủ biết tình yêu thương của đức Phật như thế nào đối với mọi người? Người nào Ngài cũng không bỏ. Cách thức và hành động sống của đức Phật rất gần gũi với mọi người, Ngài không phân biệt giàu sang hay nghèo hèn, vua quan hay dân giã Ngài đều đối xử bình đẳng như nhau.
Đối với những người cùng đinh khốn khổ nghèo đói, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, sinh vào những giai cấp bị trị, chịu nhiều điều bất công. Đó là do nhân quả đời trước đã tạo nhân quả ác xấu, ích kỷ, bỏn xẻn, hẹp hòi, hách dịch, kiêu căng, ngã mạn, tự cao, tự đại, chửi mắng, làm uy, làm quyền, hiếp đáp người khác, nên kiếp này phải chịu sinh vào những gia đình nghèo khó, giai cấp hạ liệt, v.v...
Cho nên nhìn nhân hiện tại mà biết quả hiện tại; nhìn nhân hiện tại mà biết quả quá khứ; nhìn nhân hiện tại mà biết quả tương lai; nhìn quả hiện tại mà biết nhân quá khứ; nhìn quả hiện tại mà biết nhân hiện tại; nhìn quả hiện tại mà biết nhân tương lai.
Thấy quả hiện tại thì biết nhân quá khứ do quá khứ kiêu căng, ngã mạn, cống cao nên hiện tại sinh làm người ở giai cấp hạ liệt, cùng đinh. Nhưng đủ duyên gặp Phật nên quả hiện tại Phật giúp đỡ tắm rửa sạch sẽ, dạy phương pháp tu hành chứng quả A La Hán.
Đấy là nhân gặp Phật hiện tại thì quả hiện tại được giải thoát ra khỏi tâm tham, sân, si.
Nhân quyết tâm tu hành hiện tại thì quả hiện tại được giải thoát.
Cho nên theo qui luật nhân quả, nếu chúng ta tu tập sai trong hiện tại thì quả trong hiện tại của chúng ta cũng sẽ không giải thoát. Do phạm giới, phá giới trong hiện tại mà quả hiện tại bị rối loạn thần kinh. Đó là một chứng cứ rõ ràng, mà không ai chối cãi được. Cho nên người nào phạm vào giới phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý thì tu hành thân tâm không thanh tịnh, làm mất thì giờ rất uổng phí, tức là vi phạm vào giới hạnh độc cư.
Một đời tu hành chỉ có giữ giới độc cư trọn vẹn 7 tháng và tu tập đúng pháp môn Tứ Niệm Xứ thì chứng đạo. Thế mà không có ai làm được, chỉ có một thời gian ngắn nhất, 7 tháng, mà cả bao nhiêu người trong tu viện lại vi phạm, thật là quá tệ. Nếu bắt buộc phải giữ độc cư một năm, hai năm 3, 4, 5, 6, 7 năm hay 10 năm thì bảo rằng giữ gìn không nổi vì thời gian dài quá, còn ở đây chỉ có 7 tháng mà giữ gìn không nổi thì 10 năm làm sao tu nổi với hạnh độc cư.
Nghe tu tập làm chủ sinh tử ai cũng ham, nhưng đụng đến giới độc cư ai cũng bỏ cuộc.
Cho nên theo luật nhân quả, hiện tại tu đúng thì quả hiện tại sẽ được giải thoát.
Thầy dạy các con từng bước tu tập, mà các con không làm đúng lời thầy thì kết quả các con phải gặt lấy không giải thoát. Còn phạm vào giới hạnh độc cư thì làm sao tu hành giải thoát cho được.
Do không giữ trọn hạnh độc cư nên hôm nay tu viện chuyển mình vươn lên tạo thành lớp học dạy đạo đức giới luật, nếu các tu sinh học đạo đức mà không áp dụng thực hành vào đời sống của mình thì không bao giờ có giải thoát, không giải thoát là do các tu sinh, chứ không phải do thầy dạy. Các tu sinh có thấy lỗi chưa? Từ đây đã có lớp học rèn luyện nhân cách đạo đức hiếu sinh, vậy các tu sinh hãy nỗ lực học tập và áp dụng những bài học đạo đức vào cuộc sống của mình. Học đến đâu áp dụng đến đó để huân tập thành một thói quen đạo đức, thì lúc bấy giờ các tu sinh là đức hiếu sinh và đức hiếu sinh là tu sinh.
Chừng đó các tu sinh sẽ thấy sự giải thoát làm chủ sinh, già, bệnh, chết thật là tuyệt vời mà không có người nào ngờ được.
Con đường tu tập này không có ai có thể tu tập cho mình được, chỉ có mình siêng năng hằng ngày tu tập và áp dụng sống với lòng thương yêu và tha thứ, thì con đường giải thoát ở tại nơi đó không còn xa nữa.
Trả lời câu hỏi 6:
“Và đưa về tịnh xá Kỳ Hoàn, cho xuất gia làm Sa môn”. Hành động đưa về tịnh xá cho xuất gia là ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Từ một giai cấp Chiên Đà La bị mọi người xem thường, khinh rẻ, và cũng chính tự những người trong giai cấp hạ liệt đó, họ vẫn xem thường, khinh rẻ họ. Tự họ bắt buộc họ phải cung kính và tôn trọng những giai cấp khác, nhất là họ không dám lại gần những giai cấp kia. Hôm nay được đức Phật nâng lên thành giai cấp lãnh đạo tinh thần như các vị Sa Môn, khiến cho họ quá sợ sệt và chưa bao giờ họ dám nghĩ.
Hành động yêu thương của đức Phật rất tuyệt vời. Dám nhận giai cấp cùng đinh hạ liệt Chiên Đà La làm đệ tử, thật là bình đẳng không chỗ nói, khiến cho những giai cấp lục sư Bà La Môn đang lãnh đạo tinh thần toàn dân trong nước đều kinh hãi.
Đạo Bà La Môn chấp nhận họ là giai cấp lãnh đạo tinh thần. Vì thế, người đạo sĩ Bà La Môn phải bảy đời truyền thống dòng họ với nhau mới được gọi là Bà La Môn. Đó là cách thức cha truyền con nối, không để cho người khác xen vào giai cấp lãnh đạo tinh thần của mình.
Ở giai cấp cùng đinh, hạ liệt trong xã hội loài người, mà đức Phật đã trợ giúp dạy tu tập để trở thành một vị A La Hán thì chắc chắn mọi người trên hành tinh này ở nơi đâu Ngài cũng không bao giờ bỏ người nào cả.
Chỉ tùy duyên hóa độ. Riêng đức Phật, Ngài mong muốn cho tất cả chúng sinh đều tu hành chứng quả A La Hán.
Ngài mong rằng mọi người đều sống trong giới luật đức hiếu sinh của Ngài để hành tinh này được bình an, yên ổn, và con đường tu học của Ngài còn phải đi xa hơn, cao hơn là phải chứng quả giải thoát làm chủ bốn sự đau khổ: sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt sinh tử luân hồi.
Ước nguyện to lớn của Ngài là tất cả chúng sinh đều thành Phật, nên Ngài mới tuyên bố: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Ngài biết rất rõ pháp môn của Ngài không phải là pháp môn khó tu, chỉ người tu hành chịu khó hiểu biết cho tường tận rõ ràng những lời dạy của Ngài. Khi hiểu biết rõ và có sự quyết tâm từ bỏ các ác pháp, các dục với lòng yêu thương rộng lớn vô bờ bến đối với tất cả chúng sinh là ngay đó có kết quả giải thoát liền, không phải đợi tu lâu như xưa nay người ta nghĩ.
Bởi vậy, những người trí tuệ bén nhạy khi nghe Phật thuyết giảng hiểu biết, liền ngộ một cách sâu xa, nên liền buông xả sạch. Khi tâm buông xả sạch tức là tâm chỉ còn lòng yêu thương rộng lớn như trời, như biển. Nhờ có lòng thương yêu rộng lớn như vậy nên chứng đạo liền. Chứng đạo của Phật giáo chỉ cần hiểu biết rốt ráo các pháp vô thường, khổ, vô ngã, nhờ hiểu biết như vậy nên buông xả sạch. Buông xả sạch thì đâu còn tu tập cái gì nữa. Cho nên trong thời đức Phật còn tại thế, khi nghe Phật thuyết pháp xong là người ta chứng pháp nhãn thanh tịnh, và chẳng bao lâu chứng quả A La Hán. Đó là một sự nói thật, chứ không phải lừa đảo mọi người.
Cho nên có nhiều người nghe hiểu biết mà không buông xả, nên cố gắng tu tập mà không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, không giữ trọn hạnh độc cư, nên tu hoài chẳng đi đến đâu. Thật là tội nghiệp!
Trả lời câu hỏi 7:
“Người gánh phân thành ra tinh tấn, cần khổ chuyên tâm”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC TINH CẦN HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Người tu theo Phật giáo chỉ có sự tinh tấn, siêng năng, cần mẫn ngồi lại một mình gạn lọc tâm tư, nếu người nào gạn lọc kỹ lưỡng chỉ trong thời gian ngắn là chứng đạo. Gạn lọc tâm tư tức là quán xét thân tâm. Khi nào thấy tâm không còn bị chướng ngại pháp, lúc nào tâm cũng thanh thản, an lạc và vô sự thì đó mình đã gạn lọc sạch tâm tư.
Tại sao người gánh phân ngu dốt mà lại tu mau chứng quả A La Hán? Người Chiên Đà La là dân nô lệ nên tài sản đâu có gì, chỉ có bản thân, nhưng bản thân cũng không phải của mình mà của những người chủ, của giai cấp khác. Vì thế người chủ bảo sao là thân phải làm ngay, không làm thì bị hành hạ. Cho nên khi được đức Phật cho tu hành thì người hốt phân đâu còn gì để buông xả, mà chỉ còn xả tâm dục của mình mà thôi, nên khi họ hiểu ra Phật giáo chỉ có XẢ TÂM VÔ LƯỢNG thì ngay đó là chứng đạo, chứ đâu có tu thiền, tu định gì nhiều mà phải khổ công luyện tập như các tôn giáo khác. Từ giới sinh định, mà giới luật đức hạnh là pháp xả tâm. Do xả tâm mà thành tựu thiền định; do xả tâm mà được giải thoát.
Người tu theo Phật giáo chỉ có tri kiến hiểu biết, tri kiến hiểu biết là giác ngộ được các pháp vô thường, vô ngã, khổ. Khi ngộ các pháp vô thường, khổ, vô ngã thì biết tất cả các pháp không có pháp gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Hiểu như vậy thì buông xuống dễ dàng và buông xuống sạch. Buông xuống sạch hết là giải thoát. Cho nên khi buông xuống sạch hết ngay đó không cần phải tu tập gì nữa. Chỉ có những người không xả tâm mà cứ lo tu tập thiền định để cầu chứng đạo thì không bao giờ chứng đạo, dù họ có khổ công tu tập, nhưng họ tu tập được những gì, hay chỉ là những thần thông tưởng để lừa đảo lường gạt người khác mà thôi? Vì thế quý vị hãy nhớ, chỉ có giới luật đức hạnh mới giúp quý vị tu hành giải thoát mà thôi.
ĐỨC TINH CẦN HIẾU SINH THÂN HÀNH là một đức hạnh siêng năng để xả bỏ tất cả các ác pháp, mang đến cho chúng ta một tâm ly dục, ly ác pháp. Vậy chúng ta hãy siêng năng tinh cần học giới luật đức hạnh và áp dụng giới luật đức hạnh vào đời sống hằng ngày, trong lúc đến lớp học, khi đi khất thực, cũng như lúc ở trong thất.
Trả lời câu hỏi 8:
“Nên chưa đầy một tuần chứng quả A La Hán, thần thông tự tại”. Câu này dạy ĐỨC THÀNH QUẢ HIẾU SINH Ý HÀNH tuyệt vời.
Chỉ chưa đầy một tuần lễ mà đã chứng quả A La Hán đầy đủ thần thông tự tại.
Đúng vậy, đạo Phật đâu có gì kỳ đặc khó khăn như người ta nghĩ: Tu hành phải trở về bản thể vạn hữu, phải kiến tánh thành Phật theo Thiền tông Trung Hoa; tu hành là phải có những năng lực siêu việt như thần thông phép lạ theo Mật tông Tây Tạng; tu hành theo Phật giáo đâu có gì cao siêu huyền bí như thế giới siêu hình Cực Lạc theo Tịnh Độ tông. Phật giáo chỉ là tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ; chỉ là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
Nếu tâm ly dục, ly ác pháp, chỉ còn lại một trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự thì tâm đó là tâm chứng đạo. Như vậy bảo sao người Chiên Đà La tu hành không mau chứng quả giải thoát? Tu hành theo Phật giáo có gì đâu, cứ trên Tứ Niệm Xứ quán xét xả hết dục và ác pháp là tu xong.
Đạo Phật không tu thiền định mà có thiền định; không tu thần thông mà có thần thông, chỉ có sống với đúng giới luật đức hạnh hiếu sinh mà ngay đó là thiền định, là thần thông. Có mà không cần tu tập; có mà không cầu mong. Thật là tuyệt vời!
Trả lời câu hỏi 9:
“Lúc bấy giờ, vua trong nước nghe tin đức Phật độ cho một người Chiên Đà La, lấy làm bất mãn”. Câu này chỉ rõ nhà vua THIẾU ĐỨC BÌNH ĐẲNG HIẾU SINH.
Phàm người ở đời, nếu ai hơn mình thì sinh ra ganh ghét, tỵ hiềm; ai thua mình thì sinh tâm khinh khi, coi rẻ. Tâm trạng người ở đời rất ích kỷ, hẹp hòi, nhỏ bé. Đó là họ đã đánh mất đức hiếu sinh nên mới sinh tâm như vậy.
Nhà vua này cũng không có đức bình đẳng hiếu sinh, nên khi nghe đức Phật nhận người gánh phân giai cấp Chiên Đà La vào tăng đoàn trở thành một vị Sa Môn thì bất mãn, chống lại hành động đạo đức bình đẳng của Phật. Nhưng đức Phật đầy đủ trí tuệ hiểu biết lòng người đắm mê thần thông, thấy ai thị hiện thần thông xem người đó như thần, như thánh; thấy người nào ngồi thiền 2, 3 ngày không ăn uống là cho họ chứng đạo, chứng thiền. Một cậu bé người Ấn Độ ngồi thiền 6 tháng không ăn uống, báo chí, đài điện thông tin làm cả một thế giới đều bị động. Mọi người đều cho đó là Thánh, Thần, Tiên, Phật, là chứng đạo.
Những trò kỳ lạ, định tưởng có gì lạ, nhưng những điều đó có làm lợi ích gì cho thế gian này đâu, thế mà làm náo động?! Hiện giờ thời đại khoa học kỹ nghệ hóa, con người tiến bộ về mặt khoa học rất xa, nhưng họ chưa xác định được: Thần thông từ đâu, do đâu mà con người có được, làm được? Còn những bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật là những con người như thế nào? Họ sống ra sao? Ở đâu? Họ làm gì? Một số câu hỏi như vậy chưa có ai trả lời đúng.
Hiện nay người ta nghĩ rằng: Người nào dù có tôn giáo hay không có tôn giáo hoặc ở trong bất cứ tôn giáo nào mà thị hiện thần thông biến hóa, tàng hình, biết chuyện quá khứ vị lai, v.v.. là Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Những quan niệm ấy là những quan niệm sai lầm.
Thần, Thánh, Tiên, Phật là những người sống toàn thiện, họ có đầy đủ trí tuệ nhìn thấu suốt các pháp thế gian là vô thường, nên họ không còn dính mắc một pháp nào cả, dù pháp đó nhỏ như hạt vi trần (nhỏ hơn hạt bụi) họ cũng buông xuống sạch. Do buông xuống sạch các pháp ác và tâm dục nên họ là Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Từ chỗ buông xả và làm chủ đó, họ thấy mọi người không chịu buông xuống, còn dính mắc các pháp nên chịu nhiều khổ đau. Vì thế họ rất thương yêu tất cả chúng sinh, vì vô minh không hiểu biết các pháp vô thường mà cứ tưởng là thường nên chấp chặt, tranh đua hơn thiệt nên mọi người đều ở trong ác pháp, chịu biết bao nhiêu sự khổ đau.
Thần, Thánh, Tiên, Phật chỉ là những người đạt đến lòng yêu thương rộng lớn như trời biển, chứ không phải như mọi người nghĩ: Thần, Thánh, Tiên, Phật là phải có thần thông siêu việt.
Nhà vua này vô minh, còn ở trong tâm tư nhỏ hẹp, không thấy sự sống của mọi người, mọi loài đều bình đẳng như nhau, nên mới có ý cản ngăn.
Sự bất mãn của nhà vua đã xác định nhà vua không có đức hiếu sinh bình đẳng, chỉ biết danh dự của mình. Danh dự của mình là gì? Nếu không có lòng yêu thương thì danh dự đó chỉ là một ác pháp làm khổ mình, khổ người. Nhiều khi vì danh dự mà giết con như những cháu gái móc thai, nạo thai; vì danh dự nước này đi chinh phục nước khác, vì danh dự xóm làng ngày xưa khi các cháu gái có chửa hoang đều bị cột trên bè chuối thả trôi sông, hoặc bị ném đá cho đến chết. Tất cả những hành động như vậy thật không có đức hiếu sinh chút nào, khiến cho con người rất khổ đau.
Trả lời câu hỏi 10:
“Cho rằng làm như vậy ô nhục hàng Sa môn và làm khó khăn sự kính lễ của các hàng vua chúa”. Câu này nói lên sự cố chấp giai cấp của nhà vua, khiến cho nhà vua đánh mất ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH BÌNH ĐẲNG.
Là con người ai cũng như ai, cũng sống như nhau thì phải bình đẳng như nhau, phải biết tôn trọng lẫn nhau. Cho nên dù làm vua, làm quan, làm dân hay bất cứ là một người nào trong xã hội đều phải sống với đức khiêm hạ. Có đức khiêm hạ thì con người mới đối xử bình đẳng. Càng làm lớn như làm vua, làm quan thì lại càng sống với đức khiêm hạ hơn, có như vậy mọi người mới quý mến và kính trọng.
Quý tu sinh hãy đọc lại lời nói của nhà vua: “Cho rằng làm như vậy ô nhục hàng Sa môn và làm khó khăn sự kính lễ của các hàng vua chúa”. Nâng một con người từ giai cấp hạ liệt, cùng đinh lên bằng giai cấp của mình là ô nhục ư! Lời nói này có đúng không? Lời nói này không đúng, nâng một con người ở giai cấp thấp kém lên bằng giai cấp lãnh đạo tinh thần là làm ô nhục cho đạo Phật thì không có. Đức Phật đã mạnh dạn phá vỡ hàng rào giai cấp, đem một người ở giai cấp cùng đinh hạ liệt vào đạo Phật, nên đã biến Phật giáo là một tôn giáo bình đẳng nhất trên thế gian này.
Đức Phật đã phá vỡ hàng rào giai cấp, nâng giá trị giai cấp hạ liệt cùng đinh Chiên Đà La lên ngang bằng giai cấp tăng lữ, đã không làm ô nhục cho hàng Sa Môn mà còn làm tăng giá trị tăng lữ đầy đủ đạo đức nhân bản bình đẳng trong hàng ngũ Sa Môn. Với việc làm này, đức Phật đã gióng lên tiếng sấm sét, san bằng bốn giai cấp xã hội nước Ấn Độ vang rền lúc bấy giờ.
Đạo Phật có một nền đạo đức nhân bản - nhân quả mang đầy đủ đức hiếu sinh, vì thế nó rất bình đẳng đối với sự sống muôn loài trên hành tinh này. Cho nên vấn đề độ người gánh phân Chiên Đà La tu chứng quả A La Hán là một việc không thể thiếu được.
Đức hiếu sinh đi đến đâu thì đức bình đẳng theo đến đó. Đức bình đẳng đi đến đâu thì đức khiêm hạ theo đến đó. Nhờ đó mà tâm tham, sân, si, mạn, nghi bị diệt trừ. Tâm tham, sân, si, mạn, nghi bị diệt trừ thì sự giải thoát ở tại đó.
Bởi vậy, người tu hành đúng chánh pháp của Phật là tu tập rất dễ dàng, không có khó khăn. Cứ ngay từ giới luật mà sống đúng đức hạnh, nhất là đức hiếu sinh. Ông Phú Lâu Na có cái nhìn hiếu sinh kỳ lạ, luôn luôn thấy mọi người đều thương ông, đều tốt, không có người nào ác xấu, vì thế ông chứng quả A La Hán quá dễ dàng. Còn chúng ta thì sao? Nếu sống với đức hiếu sinh thì làm gì chúng ta không chứng quả A La Hán.
Trả lời câu hỏi 11:
“Khi đến chỗ Phật ở thì thấy một vị Sa môn uy nghi đức hạnh, ngồi thiền trên một tấm đá, hiện nhiều thần thông kỳ diệu”. Câu này dạy ĐỨC KHÂM PHỤC Ý HÀNH.
Đức Phật biết rõ tâm niệm của con người, ai ai cũng đều ưa thích thần thông, thấy ai có thần thông đều cho đó là Tiên, Thánh, Phật, nên rất cung kính và tôn trọng.
Biết được tâm niệm này, nên đức Phật sai vị tỳ kheo Chiên Đà La ngồi tại cổng ra vào tịnh xá, chờ nhà vua đến thị hiện những thần thông. Đó là cách thức để nhiếp phục nhà vua, để làm cho nhà vua phải chấp nhận những người trong giai cấp Chiên Đà La tu hành. Đức Phật đã hiểu: ngoài thần thông ra không còn pháp nào thuyết phục được nhà vua.
Đạo Phật không chấp nhận thần thông, nhưng sao ở đây đức Phật lại cho thị hiện thần thông. Đức Phật cho thị hiện thần thông là vì không còn pháp nào thuyết phục nhà vua như trên đã nói. Vì tâm lý của con người, buộc lòng đức Phật phải xử dụng trò ảo thuật thần thông này để nâng một giai cấp hạ liệt lên ngang bằng với những giai cấp khác trong xã hội lúc bấy giờ. Một giai cấp mà tất cả mọi người già trẻ coi rẻ và xem thường.
Muốn san bằng giai cấp trong xã hội thì có nhiều cách khác nhau: như trong thời đại chúng ta muốn nâng một giai cấp nào thì những người trong giai cấp đó phải đi học, phải có tài có đức, phải thi đỗ đạt những cấp bằng cao học: Thạc sĩ, Tiến sĩ và trở thành những nhà khoa học, những ông bộ trưởng hay những ông nguyên thủ quốc gia, v.v...
Thời đức Phật không có trường lớp học hành như hiện nay, và nếu có trường học thì giai cấp Chiên Đà La cũng không ai chấp nhận cho vào học. Lúc bấy giờ đức Phật muốn nâng giá trị của giai cấp Chiên Đà La bằng những giai cấp khác, nên Ngài phải đào luyện người Chiên Đà La tu tập chứng đạo.
Đức Phật đã thành công: “Khi đến chỗ Phật ở thì thấy một vị Sa môn uy nghi đức hạnh, ngồi thiền trên một tấm đá, hiện nhiều thần thông kỳ diệu”. Nhờ thế từ đây không ai dám xem thường giai cấp Chiên Đà La, vì giai cấp Chiên Đà La có người tu chứng quả A La Hán.
Trả lời câu hỏi 12:
Vua lễ Phật và bạch rằng: “Bạch Thế Tôn! Vị Sa môn kia danh hiệu là gì, sao lại có nhiều thần thông như vậy?”. Câu này dạy ĐỨC TÔN TRỌNG KHẨU HÀNH TÀ TÍN.
Khi thấy thần thông pháp thuật cao cường, kỳ lạ của một vị tỳ kheo ngồi thiền trước cổng tịnh xá thị hiện, khiến nhà vua quá khâm phục. Đó là một sự cung kính tà tín, thiếu tri kiến chánh tín mà từ xưa cho đến giờ con người từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc vẫn còn duy trì những tà tín này chưa bỏ được. Vì tâm ham mê thần thông mà con người dễ bị tà đạo lừa đảo.
Ở đây đức Phật dùng trò ảo thuật này để san bằng giai cấp trong xã hội, làm lợi ích cho con người, chứ không phải dùng thần thông để lừa đảo nhà vua, mà để cho nhà vua thấy giai cấp đó cũng thực hiện sự giải thoát như các giai cấp khác trong xã hội loài người.
Thần thông chỉ thị hiện như một trò ảo thuật chơi, chứ chẳng có ích lợi gì cho loài người. Do thiếu tri kiến chánh tín nên mọi người bị một số tà sư ngoại đạo xử dụng thần thông lừa đảo lường gạt, biến họ thành những đệ tử như những con chiên ngoan đạo.
Từ những thần thông này mà trên hành tinh chúng ta có biết bao nhiêu tôn giáo, biết bao nhiêu giáo chủ xuất hiện ra đời, nhưng họ chỉ để lại sự tang thương cho loài người, những dấu ấn “TỬ VÌ ĐẠO”, “THÁNH CHIẾN”, “TỰ SÁT” và “KHỦNG BỐ” rất đau lòng. Con người chết vì tôn giáo không biết bao nhiêu mà kể. Trong các tôn giáo, thần thông đóng một vai trò rất quan trọng để lừa bịp con người là dễ nhất.
Muốn san bằng giai cấp trong xã hội nước Ấn Độ, đức Phật đã biết rõ lòng người ham mê thần thông, nên Ngài xử dụng thần thông để nhà vua không có ý kiến cản trở và ngăn chặn việc làm của Ngài, để Ngài hóa độ cho những giai cấp hạ liệt cùng đinh theo tu học.
Ngài xử dụng thần thông không mê hoặc con người, mà chỉ để giúp con người thoát ra khỏi sự phân chia giai cấp. Ngài không dạy mọi người lừa đảo người khác bằng thần thông, mà chỉ dạy con người thực hiện sống đạo đức nhân bản - nhân quả biết thương nhau; biết tha thứ mọi lỗi lầm của nhau; biết chia sẻ ngọt bùi cay đắng; biết làm chủ tâm mình để ly dục, ly ác pháp; biết sống thanh thản, an lạc và vô sự; biết làm chủ sinh, già, bệnh, chết; biết chấm dứt sinh tử luân hồi; biết không bị người khác lừa đảo bằng những thần thông như: ngồi thiền 5, 7 ngày hoặc 5, 10 tháng không ăn uống, hoặc phóng hào quang, hoặc biết chuyện quá khứ vị lai hoặc tàng hình, biến hóa, độn thổ, đi trên nước, đi trên hư không, v.v...
Trả lời câu hỏi 13:
Đức Phật bảo rằng: “Đó là người gánh phân, nhờ công hạnh tinh tấn nên chứng được quả A La Hán”. Lời dạy này là ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH BÌNH ĐẲNG.
Từ một người giai cấp Chiên Đà La hạ liệt cùng đinh vẫn tu hành chứng quả A La Hán dễ dàng, chỉ công phu chưa đầy một tuần lễ.
Rõ ràng pháp Phật tu chứng đạo không phải khó, chỉ vì người ta không hiểu mới kiến tưởng giải ra pháp môn này, pháp môn khác, gây thêm nhiều rắc rối trong sự tu hành chứng quả A La Hán.
Thậm chí các sư thầy, tổ kiến tưởng giải cách thức tu hành bằng những phương pháp ức chế tâm làm cho hết vọng niệm, hoặc luyện tưởng như thế này, thế khác để tạo ra thần thông kỳ lạ khiến cho mọi người kinh hãi bái phục. Khi thấy có người bái phục thì lại tự xưng mình là giáo chủ này, giáo chủ kia để làm tiền những người nhẹ dạ cả tin, để xây dựng chùa to, Phật lớn như cung điện vua chúa thời phong kiến, kế đó hô hào đóng góp làm từ thiện để tạo uy tín và thế lực, để làm tiền tín đồ một cách dễ dàng hơn.
Thật sự giáo pháp của Phật trong kinh sách Nguyên Thủy còn đó, nhưng các sư thầy không biết khởi sự tu tập cái gì trước, cái gì sau, nên cứ nghĩ là phải tu thiền định, chỉ có thiền định là con đường ngắn nhất, hay còn cho pháp môn niệm Phật là pháp môn dễ tu, hợp thời đại. Nhưng xét lại các pháp môn: từ Thiền tông Trung Hoa, Thiền Minh Sát Tuệ cho đến pháp môn niệm Phật, Mật tông đều là những pháp môn ức chế tâm. Cho nên hiện giờ chưa thấy có người nào tu chứng quả A La Hán. Trong khi quả A La Hán tu hành tinh tấn chưa đầy một tuần lễ là đã chứng đạo. Với một người ngu dốt như giai cấp Chiên Đà La, giai cấp không được học thức, thế mà tu chứng đạo một cách dễ dàng.
Trong khi đức Phật đã tuyên bố rõ ràng:
“GIỚI SINH ĐỊNH”. Vậy các sư, thầy lại không học tu tập GIỚI LUẬT ĐỨC HẠNH, mà lại tu tập THIỀN ĐỊNH. Không tu tập GIỚI LUẬT thì biết pháp môn gì mà tu tập THIỀN ĐỊNH. Cho nên quý sư thầy tự chế ra pháp môn tu tập như: Thiền Minh Sát Tuệ, Thiền Trực Chỉ Chơn Tâm Kiến Tánh Thành Phật, Niệm Phật Trực Vãng Tây Phương, Thiền Bá Trúc Cơ, Thiền Đốn Ngộ, Thiền Xuất Hồn, Thiền Vô Vi, Thiền Nhĩ Căn Viên Thông, Thiền Công Án... Khi tu hành chưa chứng đạo thì biết pháp gì mà chế ra để tu THIỀN ĐỊNH và NIỆM PHẬT.
Thiền tông, Mật tông, Tịnh Độ tông tu tập là pháp kiến tưởng giải của các tổ sư, những pháp môn ấy không nói lên được những giáo điều của Phật giáo nguyên thủy nào cả, nên được xem nó là ngoại đạo. Còn có một số sư thầy lấy pháp môn TỨ NIỆM XỨ mổ xẻ ra chia manh, xẻ mún ra làm nhiều pháp như:
trường thiền QUÁN THÂN, trường thiền QUÁN THỌ, trường thiền QUÁN TÂM và trường thiền QUÁN PHÁP.
Pháp môn TỨ NIỆM XỨ chỉ là một pháp môn duy nhất, không được chia cắt ra làm nhiều phương pháp như các sư thầy Nam tông; TỨ NIỆM XỨ là pháp môn CHÁNH NIỆM TĨNH GIÁC để nhiếp phục tham ưu trong cuộc sống hằng ngày; là pháp môn giữ gìn giới luật ly dục, ly ác pháp hoàn toàn, chứ đâu phải ngồi ức chế tâm như Thiền Đông Độ “chẳng niệm thiện niệm ác”, hay Tịnh Độ tông “thất nhựt nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật”.
Các sư thầy Nam tông cũng biến pháp môn TỨ NIỆM XỨ của Phật trở thành pháp môn Thiền tông Trung Hoa và Tịnh Độ tông niệm Phật.
Từ ham mê thần thông dẫn dắt các sư thầy, tổ đi sai lạc con đường tu tập của Phật giáo, nên thảo nào 25 thế kỷ trôi qua chẳng có người tu chứng quả A La Hán. Thật là đáng trách thay!
Trả lời câu hỏi 14:
Rồi đức Phật dùng thí dụ cho vua rõ ràng:
“Như ở trong bùn dơ bẩn, có nở một hoa sen thơm ngát, vậy bệ hạ là người có mắt, bệ hạ có hái lấy đóa hoa kia không?”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH BÌNH ĐẲNG TÔN TRỌNG.
Giai cấp của con người được phân chia ra nhiều thành phần giai cấp, đều do con người.
Chính con người làm ra giai cấp, chứ không phải giai cấp làm ra con người, con người chỉ có một giai cấp, đó là giai cấp sống, vì thế ai cũng sống như nhau. Cho đến những loài vật có hình dạng khác nhau, nhưng cũng sống như nhau. Cho nên giai cấp sống là giai cấp bình đẳng, từ loài vật cho đến loài người đều sống như nhau.
Con người, các loài động vật và thảo mộc được sinh ra đều không có người nào, loài động vật nào và loài thảo mộc nào xấu cả.
Người, vật và thảo mộc nào được sinh ra cũng đều là tốt cả, nhưng vì nghiệp thiện ác của nhân quả nên có hình tướng khác nhau, tâm tính khác nhau, giàu sang nghèo hèn khác nhau, uy quyền quan tước khác nhau, ăn uống khác nhau, thực phẩm khác nhau, v.v...
Đức Phật khéo ví dụ: Giai cấp Chiên Đà La như bãi sình lầy, nhưng trong đó con người sẽ vươn lên như những hoa sen thơm ngát. Như vậy giai cấp do con người tự đặt ra cho con người. Hầu hết con người vì theo nghiệp nhân quả mà không chịu chuyển biến thay đổi nhân quả nên chịu nằm dưới bùn nhơ hôi thối; còn những người nào không chấp nhận cuộc sống theo nghiệp lực nhân quả bùn nhơ hôi thối thì chuyển đổi nhân quả vươn lên trở thành những hoa sen thơm ngát mùi hương.
Hiện giờ chúng ta đều sống trong nghiệp lực của mình: làm theo nghiệp lực, vui theo nghiệp lực, khổ đau theo nghiệp lực, bệnh tật theo nghiệp lực, sống chết theo nghiệp lực, thương yêu theo nghiệp lực, sân giận buồn phiền theo nghiệp lực; đi, đứng, nằm, ngồi theo nghiệp lực; nói, nín, ăn, ngủ theo nghiệp lực, v.v... Vì thế mà phải chịu khổ muôn đời.
Trong cuộc đời này chỉ có những người được giác ngộ theo bốn chân lý của Phật giáo mới không chấp nhận sống theo nghiệp lực nhân quả, mà sống theo giới luật đức hạnh của Phật giáo, nên làm thay đổi nghiệp lực.
Làm thay đổi nghiệp lực là sống không theo nghiệp lực mà sống theo đức hiếu sinh; không vui theo nghiệp lực mà vui theo đạo đức hiếu sinh; không đau khổ theo nghiệp lực mà ngăn và diệt đau khổ theo đạo đức hiếu sinh; không bệnh tật theo nghiệp lực mà đẩy lui bệnh tật theo đạo đức hiếu sinh; không thương yêu theo nghiệp lực mà thương yêu theo đức hiếu sinh; không sân giận buồn phiền theo nghiệp lực mà ly dục, ly ác pháp theo đức hiếu sinh; không đi, đứng, nằm, ngồi theo nghiệp lực mà đi, đứng, nằm, ngồi theo pháp môn tĩnh giác chánh niệm đức hiếu sinh; không nói, nín, ăn, ngủ theo nghiệp lực mà nói, nín, ăn, ngủ theo pháp môn tĩnh thức đức hiếu sinh, v.v...
Nhờ sống đúng giới luật đức hạnh hiếu sinh của Phật ở trên, nên bãi sình lầy hôi tanh nghiệp lực nhân quả nở ra những hoa sen thơm ngát mùi hương. Đó là những ví dụ cụ thể để chúng ta thấy rất rõ ràng: chỉ có đạo đức của Phật giáo mới chuyển đổi được nghiệp lực nhân quả, ngoài giới luật đức hạnh ra không có pháp môn nào chuyển được.
Trả lời câu hỏi 15:
Vua đáp: “Đóa hoa tuy mọc trong bùn lầy mà thơm ngát hương quý, rất nên dùng để trang sức”. Lời dạy này là ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH MINH MẪN.
Nhà vua phải công nhận lời đức Phật dạy là đúng: Dù là những người sống trong giai cấp nào, nhưng khi đến với đạo Phật thì chỉ còn một giai cấp bình đẳng ngang nhau mà thôi. Đối với đạo Phật, giai cấp cùng đinh hạ liệt và giai cấp vua chúa khi đến với đạo Phật thì hai giai cấp đó chỉ xem như nhau.
Trong đạo Phật chỉ thuần có một giai cấp sống được cung kính và tôn trọng như nhau.
Vì thế từ con người cho đến các loài động vật và cỏ cây, đất đá, núi sông, không khí, thời tiết, mưa nắng, gió bão, v.v.. đều được yêu thương bình đẳng như nhau.
Bởi sự sống trên hành tinh này là sự sống nương tựa vào nhau, cái này đau khổ thì cái kia đau khổ, cái này an vui thì cái kia an vui.
Nếu không có nước và không khí thì con người và muôn vật không thể sống; nếu không có cỏ cây, đất đá thì con người và các loài động vật không thể sống được; nếu không có các loài động vật thì con người cũng không thể sống được; nếu không có người này nương tựa vào người kia thì con người cũng không thể sống được.
Cho nên cuộc sống này là cuộc sống phải thương yêu nhau, chỉ có đức hiếu sinh mới đem lại sự bình an trên hành tinh này.
Đạo Phật ra đời đem lại cho loài người Tứ Vô Lượng Tâm. Tứ Vô Lượng Tâm là bốn đức hạnh rộng lớn vô cùng, để mang lại sự sống trên hành này, một sự sống bình an cho muôn loài. Nếu không có bốn đức này thì cuộc sống của muôn loài sẽ chịu khổ đau vô cùng, vô tận.
Bốn đức ấy là: TỪ, BI, HỶ, XẢ, nếu ai sống trên thế gian mà sống đủ bốn đức này thì không còn khổ đau nữa. Và vì vậy thế gian này là Thiên Đàng, Cực Lạc.
Đức hiếu sinh là một đức hạnh gồm đủ bốn đức Từ, Bi, Hỷ, Xả. Cho nên hôm nay chúng ta tu học giới thứ nhất của Phật giáo: KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SINH. Không nên giết hại chúng sinh, đó là đức hiếu sinh.
Một đức hạnh đem lại sự bình an cho nhân loại. Vậy chúng ta là những người có đầy đủ phước báu lớn nên hôm nay mới có cơ hội học tập và rèn luyện nhân cách để thực hiện một kiếp người ra khỏi bốn sự khổ đau: sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sinh luân hồi.
Đức hiếu sinh đi đến đâu sẽ đem đến sự an vui cho mình, cho người và cho muôn loài vật đến đó. Quý tu sinh có tin điều này không? Quý tu sinh cứ thực hiện đi thì sẽ thấy kết quả ngay liền. Đạo Phật không có tu tập chi nhiều, chỉ có bấy nhiêu đó mà thôi, hãy sống đi rồi sẽ biết lời dạy này không dối người: “TÌNH THƯƠNG LÀ ĐỆ NHẤT PHÁP GIẢI THOÁT”.
Trả lời câu hỏi 16:
“Còn bùn lầy dơ bẩn kia thì nên quán xem như là bào thai của bà mẹ, chính tự trong bào thai mà sinh nở đóa hoa công đức”. Lời dạy này là ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH CHUYỂN ĐỔI NHÂN QUẢ”.
Đúng vậy, nhân quả nghiệp báo chỉ là cái nôi để sản sinh ra những bậc A La Hán, nếu chúng ta biết cách chuyển đổi nhân quả thì quả A La Hán không phải khó khăn. Chuyển đổi nhân quả chỉ có giới luật đức hạnh, vì giới luật đức hạnh là thiện pháp. Cho nên thiện pháp mới chuyển đổi ác pháp, tức là lấy thiện chuyển ác. Đó là một điều xác định đúng, không còn có ai dám phủ nhận.
Hiện giờ mọi người ai cũng đang ở trong cái nôi nghiệp lực nhân quả, đang quay cuồng bị nghiệp lực sai khiến, đang bị điều khiển.
Con người chỉ là những kẻ nô lệ cho nghiệp lực nhân quả. Hiện giờ chưa có một người nào làm chủ, điều khiển lại nghiệp lực nhân quả này được.
Nhờ theo Phật giáo, hôm nay chúng ta may mắn được tham dự lớp học NGŨ GIỚI rèn luyện nhân cách đạo đức hiếu sinh để chuyển hóa nhân quả nghiệp lực, để làm chủ nghiệp lực nhân quả, để thoát ra cảnh nô lệ của nghiệp lực nhân quả, để thoát ra cảnh làm tay sai cho nhân quả nghiệp lực.
Sau khi tham dự lớp học này, người thông minh hiểu biết liền áp dụng đức hiếu sinh vào đời sống hằng ngày để thoát ra qui luật nhân quả, để chuyển đổi những quả khổ đau thành cuộc sống hiện tại an vui và hạnh phúc.
Lớp học này chỉ chuyên ròng học đạo đức hiếu sinh. Hơn ba tháng nay, nếu mọi người siêng năng học tập và áp dụng ngay vào cuộc sống hằng ngày thì kết quả sẽ vô cùng mỹ mãn, và khi mãn khóa lớp đạo đức hiếu sinh này thì chúng ta lại tiếp tục học lên lớp thứ hai: ĐỨC LY THAM TỪ BỎ LẤY CỦA KHÔNG CHO.
Đó là chặng đường học đạo đức thứ hai của chúng ta. Nếu chặng đường thứ nhất chúng ta chưa hoàn chỉnh được đức hiếu sinh, tức là chưa áp dụng thực hành lòng yêu thương đối với sự sống hằng ngày trên hành tinh này, để tâm ly dục, ly ác pháp, thì chặng đường thứ hai chúng ta tu học chỉ còn là học lý thuyết suông, và như vậy thì rất uổng phí thời gian, không ích lợi nhiều. Mỗi chặng đường tu học là một sự thâm nhập vào giới luật đức hạnh để chuyển hóa nhân quả nghiệp báo.
Chúng ta sinh ra từ trong một bào thai nghiệp lực nhân quả bất tịnh, ô uế, hôi thối.
Nếu không có giới luật đức hạnh của Phật giáo thì làm sao chuyển nổi những nghiệp báo nhiều đời, nhiều kiếp, nó đã trở thành một sức lực mạnh mẽ vô cùng. Cho nên chúng ta thấy mọi người sống chung quanh chúng ta đang bị nó sai khiến: Nó bảo người ta bệnh tật là người ta bệnh tật; nó bảo người ta chết là người ta chết; nó bảo người ta sợ hãi là người ta sợ hãi; nó bảo người ta phiền não là người ta phiền não; nó bảo người ta khóc là người ta khóc; nó bảo người cười là người ta cười; nó bảo người ta ăn là người ta ăn; nó bảo người ta không ăn là người ta không ăn; nó bảo người ta tức giận là người ta tức giận; nó bảo người ta nói dối là người ta nói dối; nó bảo người ta giết chúng sinh ăn thịt là người ta giết chúng sinh ăn thịt; nó bảo người ta mắng chửi vợ con là người ta mắng chửi vợ con; nó bảo người ta hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu, cờ bạc, cá cược là người ta hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu, cờ bạc, cá cược; nó bảo người ta đánh giết nhau là người ta đánh giết nhau, v.v...
Cho nên nghiệp lực nhân quả sai bảo làm cái gì thì mọi người đều làm theo, không ai dám cãi lại. Chỉ có những người học đạo đức hiếu sinh như chúng ta thì nó không sai bảo được. Vì chúng ta không làm theo nghiệp lực mà chuyển đổi nghiệp lực, khiến nó làm theo chúng ta. Chúng ta bảo nó làm cái gì thì nó làm theo cái nấy, nó không bao giờ dám cãi lại chúng ta. Bấy giờ chúng ta đã làm chủ nhân quả. Nếu chúng ta không tu học đạo đức hiếu sinh thì chúng ta làm tay sai cho nhân quả, còn học đạo đức hiếu sinh thì chúng ta làm chủ nhân quả nghiệp báo.
Cho nên nó bảo chúng ta sợ hãi là chúng ta không sợ hãi; nó bảo chúng ta phiền não là chúng ta không phiền não; nó bảo chúng ta khóc là chúng ta không khóc; nó bảo người cười là chúng ta không cười; nó bảo chúng ta ăn là chúng ta không ăn; nó bảo chúng ta không ăn là chúng ta ăn; nó bảo chúng ta tức giận là chúng ta không tức giận; nó bảo chúng ta nói dối là chúng ta không nói dối; nó bảo chúng ta giết chúng sinh ăn thịt là chúng ta không giết chúng sinh ăn thịt; nó bảo chúng ta mắng chửi vợ con là chúng ta không mắng chửi vợ con; nó bảo chúng ta hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu, cờ bạc, cá cược là chúng ta không hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu, cờ bạc, cá cược; nó bảo chúng ta đánh giết nhau là chúng ta không đánh giết nhau, v.v...
Học giới luật đức hạnh lợi ích như vậy, chúng ta hãy cố gắng học tập để chuyển đổi nhân quả nghiệp báo xấu; để trở thành lòng thương yêu rộng lớn như trời biển; để đem lại hạnh phúc an vui cho muôn loài, cho hành tinh một màu xanh tươi thắm.
Trả lời câu hỏi 17:
“Vị A La Hán trước làm nghề đổ phân, nay công quả tu hành viên mãn, chứng được đạo quả bất khả tư nghì”. Câu này dạy KẾT QUẢ ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH KHẨU HÀNH, Ý HÀNH, THÂN HÀNH.
Từ một người giai cấp Chiên Đà La chẳng ra gì, chỉ có siêng năng cần mẫn tu tập thực hiện giới luật đức hạnh chưa đầy bảy ngày mà chứng quả bất khả tư nghì. Thật là tuyệt vời! Đạo Phật không phân biệt người giàu sang, người nghèo hèn; không phân biệt giai cấp nào cả, dù vua chúa, thứ dân; không phân biệt người biết chữ hay người không biết chữ, miễn sao người nào đến với đạo Phật phải siêng năng, cần mẫn tu tập, giữ gìn giới luật đức hạnh nghiêm chỉnh không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả, thì ngay trên giới luật đức hạnh đó họ đã chứng đạo vô lậu A La Hán liền.
Người Chiên Đà La là người không biết chữ, vậy mà tu hành chứng đạo nhanh chóng như vậy là nhờ giữ gìn giới luật, sống đúng đức hạnh nghiêm chỉnh. Cho nên sự tu chứng của người Chiên Đà La là một bằng chứng cho chúng ta biết đạo Phật tu hành không khó khăn, người nào tu hành cũng đều chứng đạo cả.
Người đời sau không biết giới luật là pháp môn tu chứng đạo, nên cứ mãi lo nhiếp tâm diệt trừ vọng niệm, tu tập thiền định, khi mà giới luật đức hạnh chưa nghiêm chỉnh mà tu tập thiền định là tu tập sai, tu tập vào thiền tưởng. Tu tập thiền tưởng thì không bao giờ chứng quả A La Hán được, vì đó không phải là pháp môn của Phật giáo.
Trả lời câu hỏi 18:
“Trẫm nay xin nguyện luôn luôn cúng dường mọi món cần thiết không dám để thiếu thốn”. Câu này dạy ĐỨC CUNG KÍNH HIẾU SINH CÚNG DƯỜNG KHẨU HÀNH.
Lời nói cung kính tôn trọng của nhà vua là giai cấp thống trị đã tuyên bố như vậy thì giai cấp Chiên Đà La được nâng lên ngang bằng như những giai cấp khác trong xã hội.
Chỉ có Phật giáo mới đem lại sự bình đẳng cho mọi người.
Người giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, sống đời đức hạnh là chuyển sạch nhân quả, nên phước báu vô lượng, ở đâu từ trường thiện cũng phủ trùm nơi đó. Cho nên cơm ăn, áo mặc không thiếu.
Người tu hành phạm giới, phá giới thì phước báu không có, nên không được mọi người cung kính tôn trọng, dù cho có làm đến chức vụ gì, dù có học hành đỗ Thạc sĩ, Tiến sĩ, nhưng giới luật vi phạm thì mọi người cũng không cung kính tôn trọng.
Cho nên quả vị A La Hán là quả vị của kết quả giới luật giữ gìn nghiêm chỉnh, chứ không phải kết quả của thiền định. Người tu hành theo Phật giáo hiện giờ tu sai pháp, không đúng như Phật dạy, nên thảo nào tu mãi mà không chứng quả giải thoát được.
Tu như vậy rất uổng phí một đời, một kiếp người, phí công vô ích, thật đáng thương thay! Tiếc thay! Các tu sinh hãy lưu ý điều này để đừng lầm lạc trên đường tu hành. Phải cố gắng sống đời đức hạnh giới luật cho thật nghiêm chỉnh thì quả vô lậu A La Hán sẽ không phụ công lao tu hành của các tu sinh.
Ước mong rằng lớp học NGŨ GIỚI của chúng ta tất cả tu sinh đều chứng quả giải thoát, không còn ai ở lại.