Skip directly to content

HẠNH NGỦ NGHỈ

Đến với đạo Phật về đời sống hằng ngày chúng ta cần phải khắc phục cho được HẠNH NGỦ. Hạnh Ngủ trong giới tu sĩ được xem là khó nhất, nếu chúng ta không đề cao cảnh giác thì chúng ta sẽ dễ rơi vào hôn trầm, thúy miên, vô ký và ngoan không.

Những ai thường đi gác thiền thì sẽ gặp những tu sĩ ngồi gục xuống ngẩng lên như con gà mổ thóc, nhất là buổi tối lúc 9 giờ đến 10 giờ và buổi khuya vào lúc 2 giờ, hoặc lúc gần xả thiền 4 giờ đến 5 giờ gần sáng.

Một người quyết chí tu tập thì thường đi kinh hành gần như suốt đêm ngày, còn những người lười biếng thì ít đi kinh hành nên ngồi đâu gục đó.

Khi vào một thiền đường thấy các thiền sinh đi kinh hành là biết tu tập đúng pháp, còn thấy các thiền sinh tu hành mà ngồi nhiều thì biết đó là tu sai pháp.

Tại sao vậy?

Do đi kinh hành nhiều mà các thiền sinh phá được hôn trầm, thuỳ miên, vô ký, ngoan không, con người rất tỉnh táo, còn thiền sinh ngồi nhiều là những thiền sinh lười biếng.

Cho nên, tu hành không phải chỗ ngồi mà cũng không phải chỗ hết vọng tưởng, mà là chỗ tâm tỉnh thức, biết rõ từng tâm niệm của mình để xả và ly tất cả các niệm chướng ngại pháp làm tâm bất an. Do xả ly hết các niệm chướng ngại pháp nên tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự.

Mục đích tu hành là phải tâm luôn luôn lúc nào cũng phải tỉnh giác sáng suốt, không bị hôn trầm thuỳ miên tấn công ngồi đâu gục đó. Cho nên đi kinh hành là một phương pháp phá hôn trầm thùy miên đệ nhất, nếu ai tu hành mà lười biếng đi kinh hành thì thầy khuyên những người ấy nên về đời ăn ngủ cho thỏa thích, còn ở trong đạo mà ăn ngủ như vậy thì không đúng hạnh của người tu sĩ Phật giáo.

Đi kinh hành có hai pháp:

1- Đi kinh hành như người đi BÌNH THƯỜNG, đi mình biết từng bước đi. Đi kinh hành phải tập đi như người vô sự, không nên đi nhanh mà cũng không nên đi chậm.

2- Đi kinh hành theo pháp THÂN HÀNH NIỆM, mỗi hành động bước đi đều phải tác ý trước khi bước đi. Khi không bị hôn trầm thùy miên vô ký ngoan không thì tác ý trong đầu, còn khi bị hôn trầm thùy miên vô ký và ngoan không thì nên tác ý ra tiếng nói như truyền lệnh.

Khi mới bước chân vào chùa tu tập thì nên tu tập các pháp đi kinh hành này cho nhuần nhuyn.

Nếu chương trình tu tập 7 năm chứng đạo thì nên đi kinh hành suốt 5 năm liền và hai năm cuối mới có ngồi chút ít. Tu tập như vậy mới thấy chứng đạo của đạo Phật đâu phải khó khăn, chỉ có siêng năng mà thôi. Cho nên người nào muốn chứng đạo thì nên đi kinh hành nhiều. Vì đi kinh nhiều tâm mới tỉnh táo, nhờ tâm tỉnh táo mà không các niệm ác pháp nào xen vào được, vì thế tâm sẽ bất động, thanh thản, an lạc và vô sự.

Phá được hôn trầm, thuỳ miên, và vô ký đều nhờ đi kinh hành, quý vị nhớ cho, để khi tu tập đừng nên sinh tâm lười biếng mà uổng phí một đời tu theo Phật giáo.