Skip directly to content

CHÂN LÝ THỨ TƯ “ĐẠO ĐẾ”

Tu tập quán xét Định Vô Lậu câu hữu với Đạo Đế tức là chúng ta tư duy quán xét về Đạo Đế. Đạo Đế là mọt chơn lý thứ tư của đạo Phật. Vậy Đạo Đế là gì?

Đạo có nghĩa là con đường đi, đạo có nghĩa là phương pháp cách thức tu tập rèn luyện trau dồi để tu sửa lại thân tâm con người, vì thân tâm con người thường hành động theo lòng ham muốn tạo ra biết bao nhiêu là sự lầm lạc, sai quấy khiến cho mình khổ, người khác khổ và tất cả chúng sinh đều đau khổ.

Đế có nghĩa là sự thật, chơn thật, không sai, đúng như thật, không dối gạt, không lừa đảo.

Đạo Đế là phương pháp dạy người tu hành có kết quả giải thoát thật sự. Đạo Đế là phương pháp tu sửa, rèn luyện thân tâm con người có đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người chân thật biến cảnh sống thế gian thành cảnh giới Thiên đàng Cực lạc. Đạo Đế còn là phương pháp tu tập có đủ tâm lực tỉnh thức làm chủ sanh, già, bịnh, chết thật sự.

Đạo Đế là một chân lý thật sự đúng đắn không dối gạt, không lừa đảo người, mọi người nếu ai có nhiệt tâm muốn thoát ra cảnh khổ của thế gian, với đầy đủ nhiệt tâm, nhiệt huyết xả bỏ những ác pháp và xa lìa lòng ham muốn của mình thường đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm, cố gắng áp dụng và thực hành như vậy thì đều có kết quả giải thoát như nhau.

Đạo Đế là một chương trình giáo dục đào tạo rèn luyện con người để chứng quả vô lậu A La Hán. Một quả vị giải thoát cao nhất trong đạo Phật (Làm chủ sanh, già, bệnh, chết).

Cho nên, Đạo Đế được chia ra làm tám lớp học (phương thức chân chánh) để trau dồi thân tâm, từ lớp thấp đến lớp cao, gọi là Bát Chánh Đạo.

Bát Chánh Đạo gồm có:

1/ Chánh Kiến

2/ Chánh Tư Duy

3/ Chánh Ngữ

4/ Chánh Nghiệp

5/ Chánh Mạng

6/ Chánh Tinh Tấn

7/ Chánh Niệm

8/ Chánh Định

Tám lớp (phương thức) này gọi là tám nẻo, tám nẻo này để cho người mới bắt đầu tu tập cho đến khi thành tựu viên mãn đạo giải thoát.

Người mới bắt đầu học tu phải vào lớp Chánh kiến rồi lần lượt theo các lớp mà tiến lên học tất cả những lớp cao hơn mà đức Phật đã dạy rất đầy đủ những giáo trình tu học trong các bộ kinh Nguyên Thủy về mỗi lớp Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Những bài vở nào ở lớp nào rất rõ ràng và cụ thể, nhưng các Tổ kết tập kinh sách làm lộn xộn, nên hiện giờ khó có người hiểu đúng chương trình giáo dục đào tạo A La Hán của đức Phật.