Nẻo Về Đạo Đức. Kì 26 (41-42).
41. CÓ HAI LỘ TRÌNH
1, Con đường sống lối ác
2, Con đường sống lối thiện.
Người tu theo Phật giáo chọn lấy con đường sống thiện để đi, vì thế họ luôn luôn sống thảnh thơi, an lạc và hạnh phúc. Con đường thiện là con đường sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Đó là con đường đạo đức nhân bản – nhân quả, con đường cao quý nhất của đời người.
Những người nào chọn Phật giáo làm chỗ nương tựa vững chắc để sống một đời sống có đạo đức, có đầy đủ nhân cách làm người, có đầy đủ trực hạnh, thắng hạnh, diệu hạnh của bậc Thánh nhân, v.v... Đó là đạo lộ duy nhất của Phật giáo. Thế mà Phật giáo ngày nay có 84 ngàn đạo lộ. Như vậy quý vị có tin được không?
Những người nào chọn lấy con đường ác thì đó là con đường phàm phu đi, con đường tội lỗi, con đường sống vô đạo đức, con đường đầy dẫy tham, sân, si, mạn, nghi, con đường luôn luôn làm khổ mình, làm khổ người và làm khổ tất cả chúng sanh, con đường ích kỷ cá nhân, con đường đầy dẫy những sự khổ đau. Vì thế đời sống của họ khổ đau vô cùng, vô tận, họ luôn luôn sống trong những ngày mai đen tối, trong những khu rừng âm u, ảm đạm, buồn tẻ không một chút ánh sáng thoát khổ.
Thưa các bạn! Đọc đoạn kinh trên đây các bạn quan sát lại đường lối tu tập của đạo Phật thì các bạn sẽ nhận ra được nền đạo đức nhân bản – nhân quả một cách cụ thể, rõ ràng như đã nói ở trên. Vì thế, pháp môn hướng dẫn tu tập của Phật giáo rất đơn giản, chỉ cần biết nhận ra: “Thiện pháp và Ác pháp.”
Và khi nhận ra thiện pháp và ác pháp thì các bạn phải ngăn và diệt ác pháp, không được để trong tâm dù chỉ là một giây, một sát na cũng phải diệt trừ, từ bỏ ngay liền. Có như vậy mới thấy Phật giáo giải thoát thiết thực, cụ thể trong cuộc sống hằng ngày của đời người, đến để mà thấy, để mà hướng thượng...
Thiện và ác tức là nhân quả. Do nhân quả mà con người có vui, có khổ. Hiểu được điều này nên Đức Phật dạy cho chúng ta chọn lấy con đường thiện, dù tu sĩ hay cư sĩ, là tín đồ hay không phải là tín đồ của Phật giáo. Vì lợi ích cho mình cho người, cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước quê hương, các bạn đều phải tập luyện và sống trong nền đạo đức này. Nó sẽ giúp các bạn không còn khổ đau. Các bạn có biết không?
Do lợi ích thiết thực cho loài người như vậy, nên Đức Phật dạy cho mọi người sống phải siêng năng, cần mẫn hằng ngày tu tập “ngăn ác, diệt ác pháp, sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp.”
Đó là bốn điều siêng năng chuyên cần quan trọng trong Phật giáo mà người tín đồ nào cũng phải biết, cũng phải tập tu chứ không phải siêng năng cúng bái, cầu nguyện tụng niệm, ngồi thiền, v.v... Phương pháp tu tập này có tên gọi là “Tứ Chánh Cần.”
Nếu ai không nghe lời dạy này, không thực hiện ngăn ác, diệt ác pháp thì người ấy đang chọn con đường ác để đi, suốt cuộc đời mình luôn luôn gánh chịu nhiều tai ương, hoạn nạn, khổ đau, v.v... Đi trên con đường ác ấy không thể có người nào tránh khỏi đau khổ được. Và cứ thế tiếp tục tương ưng luân hồi từ kiếp này đến kiếp khác, thọ khổ vô lượng vô biên kiếp. Đạo Phật gọi đó là tái sanh luân hồi khổ đau triền miên bất tận.
Những ai nghe và tin theo lời dạy này, thường sống ngăn ác và diệt ác pháp, luôn sống sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp thì người ấy đã chọn đi trên con đường thiện. Và vì thế đời sống của họ sẽ được thảnh thơi, an vui và hạnh phúc, sau khi chết sẽ tương ưng với sự giải thoát của chư Phật nên chấm dứt tái sanh luân hồi.
Thưa các bạn! Nếu các bạn chọn con đường thiện này là các bạn đã xây dựng cho mình một cuộc sống ngay tại thế gian này là cõi Cực Lạc hay Thiên Đàng. Đó chính là bạn đã tự thắp đuốc lên mà đi và cũng chính bạn đã lấy mình làm hòn đảo nương tựa vững chắc cho mình.
Những việc làm này các bạn có tin không? Bảo đảm với các bạn, con đường tu tập này, nếu các bạn tu tập ít thì có lợi ích ít, còn bạn cố gắng tu tập nhiều thì có lợi ích nhiều.
Pháp tu hành này cũng giống như công việc làm hằng ngày của các bạn; pháp tu hành này giống như bạn sống phải ăn, ăn để sống; pháp tu hành này có tu tập thì tâm bạn thanh thản, an lạc và vô sự, còn không tu tập thì các bạn sẽ phải chịu nhiều khổ đau, phiền muộn, v.v...
Chọn lấy con đường thiện để sống thì các bạn đâu cần gì phải cầu an, cầu siêu, đâu cần gì phải tụng kinh, lạy hồng danh chư Phật sám hối chi cho mệt, đâu cần gì phải ngồi thiền ức chế tâm cho hết vọng tưởng để chịu đau chân, căng đầu, mệt óc, cuối cùng sanh ra loạn tưởng, bệnh thần kinh điên loạn, mất trí nhớ.
Chính Đức Phật đã xác định: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp” là “Định Tư Cụ” tức là phương pháp tu thiền định. Vậy mà thời nay người ta tu theo thiền định Phật giáo lại không tu theo pháp này. Không tu theo pháp này mà bảo rằng tu theo Phật giáo thì các bạn nghĩ sao?
Có đúng không? Những pháp hành như vậy chúng ta có tin không? Tu theo pháp của Phật mà không giống lời dạy của Phật chút nào cả thì thật là buồn cười cho những ai còn đam mê Đại Thừa và Thiền Tông, sống trong ảo tưởng, mộng mơ như đang trong một giấc mộng dài của Đại Thừa.
a. Hạnh đức:
“Này Mahanama!
1, Vị Thánh đệ tử nào thành tựu giới hạnh, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy.
2, Vị Thánh đệ tử nào hộ trì các căn, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy.
3, Vị Thánh đệ tử nào có tiết độ trong ăn uống, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy.
4, Vị Thánh đệ tử nào chú tâm cảnh giác, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy.
5, Vị Thánh đệ tử nào đầy đủ bảy diệu pháp, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy.
6, Vị Thánh đệ tử nào hiện tại lạc trú bốn thiền, thuộc tăng thượng tâm, chứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, chứng đắc không phí sức, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy.
b. Trí đức
8, Vị Thánh đệ tử nào với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh... đều do hạnh nghiệp của chúng, như vậy thuộc về Trí Đức của vị ấy.
9, Vị Thánh đệ tử nào với sự đoạn tận các lậu hoặc, tự mình ngay trong hiện tại với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát như vậy thuộc về Trí Đức của vị ấy. Như vậy này Mahanama, vị Thánh đệ tử được gọi là Minh Cụ Túc, Hạnh Cụ Túc, Minh Hạnh Cụ Túc”.
Lúc bấy giờ Đức Phật chia pháp môn của mình ra làm hai phần:
Phần thứ nhất là Hạnh Đức.
Phần thứ hai là Trí Đức.
a. Hạnh Đức nghĩa là gì? Hạnh Đức là những hành động thân, miệng không làm khổ mình khổ người, gồm có những pháp sau đây:
a.1- Giới hạnh: Người tu sĩ và người cư sĩ nào tìm về tu viện Chơn Như tu tập và giữ gìn giới hạnh nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Đó là vị ấy đã thể hiện Hạnh Đức của mình, như lời Đức Phật đã dạy:
“Vị Thánh đệ tử nào thành tựu giới hạnh, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy.”
Như vậy giới luật là “Hạnh Đức” của người tu sĩ và người cư sĩ. Xin các bạn nên ghi nhớ: Người tu sĩ và người cư sĩ nào phạm giới, phá giới là những người không có Hạnh Đức.
a.2- Hộ trì các căn: Người tu sĩ và người cư sĩ nào tìm về tu viện Chơn Như tu tập và biết hộ trì các căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, làm cho nó không dính mắc sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tức là sống độc cư trọn vẹn, không hề phá hạnh độc cư thì người ấy đang thể hiện Hạnh Đức của mình như Đức Phật đã dạy:
“Vị Thánh đệ tử nào hộ trì các căn, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy.”
Ở đây phần đông tu sĩ và cư sĩ về Chơn Như tu tập đều phá hạnh độc cư, thích đi nói chuyện. Cho nên những người tu sĩ và cư sĩ này không có hạnh đức, vì thế họ tu hành chẳng tới đâu, chỉ tu hành cho có hình thức.
a.3- Tiết độ trong ăn uống: Người tu sĩ và nguời cư sĩ nào đã tìm về tu viện Chơn Như tu tập mà biết tiết độ trong ăn uống, có nghĩa là không ăn uống phi thời, chỉ ăn ngày một bữa. Đó là người đang thể hiện Hạnh Đức của mình như Đức Phật đã dạy:
“Vị Thánh đệ tử nào có tiết độ trong ăn uống, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy.”
Ăn ngày một bữa tuy vậy cũng không phải dễ các bạn ạ! Cho nên, họ vừa ra khỏi cổng chùa là đã ăn uống phi thời. Cho nên Hạnh Đức về ăn uống không phải dễ, đối với những người còn mang đầy ắp thân kiến, sợ thân bệnh, sợ thân chết, v.v... Xin các bạn lưu ý: Muốn tìm sự tu tập để được giải thoát thì ăn uống là Hạnh Đức rất cần thiết cho các bạn. Các bạn ăn uống phi thời thì công phu tu tập của các bạn chỉ hoài công vô ích.
a.4- Chú tâm cảnh giác: Người tu sĩ và cư sĩ nào biết chú tâm cảnh giác từng tâm niệm, từng đối tượng của mình để ngăn và diệt các pháp ác, đó là người đang thể hiện Hạnh Đức của mình như Đức Phật đã dạy:
“Vị Thánh đệ tử nào chú tâm cảnh giác, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy.”
Thưa các bạn! Chú tâm cảnh giác là một pháp môn tuyệt vời, nhưng các bạn có biết nó là pháp môn gì không? Đó là Định Vô Lậu trên Tứ Niệm Xứ. Định Vô Lậu trên Tứ Niệm Xứ là Hạnh Đức của vị tu sĩ và của vị cư sĩ, vì vậy nó là một Hạnh Đức rất quan trọng trong sự tu tập đi đến cứu cánh hoàn toàn.
a.5- Đầy đủ bảy diệu pháp: Người tu sĩ và cư sĩ nào đã tu tập đầy đủ bảy diệu pháp, như bảy diệu pháp mà chúng tôi đã giảng ở một bài trước, trong tập sách này (xin các bạn vui lòng đọc lại), thì người ấy đang thể hiện Hạnh Đức của mình như Đức Phật đã dạy:
“Vị Thánh đệ tử nào đầy đủ bảy diệu pháp, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy.”
Bảy diệu pháp là bảy phương pháp tu tập để thực hiện Hạnh Đức của một tu sĩ và của một cư sĩ Phật giáo xứng đáng là đệ tử của Đức Phật. Xin các bạn lưu ý cho.
a.6- Hiện tại lạc trú Bốn thiền: Người tu sĩ và người cư sĩ nào đã tu tập đầy đủ thiện pháp thì nhập Hiện Tại Lạc Trú Bốn Thiền không có khó khăn và mệt nhọc, là người ấy đang thể hiện “Hạnh Đức” của mình, như Đức Phật đã dạy:
“Vị Thánh đệ tử nào hiện tại lạc trú bốn thiền, thuộc tăng thượng tâm, chứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, chứng đắc không phí sức, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy.”
Hiện tại lạc trú Bốn Thiền là phương pháp tu tập để thực hiện Hạnh Đức của người tu sĩ và của người cư sĩ Phật giáo. Nhờ có hạnh đức này mới xứng đáng là đệ tử của đức Phật. Xin các bạn lưu ý cho.
b. Trí Đức nghĩa là gì? Trí Đức là những hành động tâm ý thức không làm khổ mình khổ người, gồm có những pháp sau đây:
Nhớ đến các đời sống quá khứ sai biệt, như một đời, hai đời và nhiều đời... Người tu sĩ và người cư sĩ nào thể hiện được tâm thức (thức uẩn) nhớ đến nhiều đời, nhiều kiếp của mình trong quá khứ, là người ấy đang thể hiện “Trí Hạnh 2” Túc Mạng Minh của mình, như Đức Phật đã dạy:
“Vị Thánh đệ tử nào nhớ đến các đời sống quá khứ sai biệt, như một đời, hai đời... cùng với các nét đại cương và các chi tiết, như vậy thuộc về Trí Đức của vị ấy.”
Ở đây chúng ta cần phải phân biệt cho rõ ràng. Trong thân chúng ta có ba thức để hiểu biết, suy tư và ghi nhớ nghĩ:
Ý thức thuộc về sắc uẩn, có sự ghi nhớ, nhớ lại, suy tư và hiểu biết, nhưng bị hạn cuộc trong không gian và thời gian.
Tưởng thức thuộc về tưởng uẩn có sự tưởng nghĩ, ghi nhớ, nhớ lại không bị không gian và thời gian hạn cuộc, nhưng không được vô tận.
Tâm thức thuộc về thức uẩn có sự ghi nhớ, nhớ lại vô cùng tận không bị không gian và thời gian hạn cuộc.
Trí Đức thứ nhất là Túc Mạng Minh do tâm thức ghi nhớ lại nhiều đời nhiều kiếp của mình. Người tu sĩ và người cư sĩ nào thể hiện thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh... đều do hạnh nghiệp của chúng, là người ấy đang thể hiện “Trí Đức” Thiên Nhãn Minh của mình. Như Đức Phật đã dạy:
“Vị Thánh đệ tử nào với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh... đều do hạnh nghiệp của chúng, như vậy thuộc về Trí Đức của vị ấy.”
Người tu sĩ và người cư sĩ nào thể hiện với sự đoạn tận các lậu hoặc, tự mình ngay trong hiện tại với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát là người ấy đang thể hiện “Trí Đức” Lậu Tận Minh của mình. Như Đức đã dạy:
“Vị Thánh đệ tử nào với sự đoạn tận các lậu hoặc, tự mình ngay trong hiện tại với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát như vậy thuộc về Trí Đức của vị ấy.”
Tóm lại đoạn kinh này Đức Phật đã xác định cho chúng ta thấy rằng Phật giáo chỉ là một con đường đạo đức dạy làm Người, làm Thánh chứ không có gì là thiền định huyền bí, cao siêu, vi diệu, thần thông, pháp thuật siêu việt như mọi người nghĩ tưởng.
Đạo Phật cũng không chấp nhận và cũng không nương tựa vào Thần, Thánh, Tiên, Phật hoặc Bồ Tát, tà ma, quỷ quái để cầu cạnh, van xin, cúng bái, tế lễ, v.v... mà chỉ là những Đức Hạnh, Trí Hạnh sống hằng ngày của mỗi con người, ai cũng có thể tu tập được, rất thực tế và cụ thể.
Những Đức Hạnh, Trí Hạnh ấy giúp cho loài người có một đời sống an vui và hạnh phúc. Những Đức Hạnh và Trí Hạnh đó được gọi bằng những danh từ rất tuyệt hảo: “Minh Cụ Túc, Hạnh Cụ Túc, Minh Hạnh Cụ Túc.”
Để kết thúc đoạn kinh này Đức Phật đã chỉ thẳng giáo pháp của Ngài là nền đạo đức bằng trí tuệ của loài người: “Như vậy này Mahanama, vị Thánh đệ tử được gọi là Minh Cụ Túc, Hạnh Cụ Túc, Minh Hạnh Cụ Túc.”